Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vũ Hội Hoá Trang

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21589 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vũ Hội Hoá Trang
Janet Dailey

Chương 21

Khu bảo tàng ở quảng trường Jackson không phải là chỗ ấy. Ít nhất khi nàng đến đấy, nó không có dấu hiệu gì chứng tỏ cho nàng biết là chỗ ấy. Remy đứng ở cạnh một bàn giấy trong văn phòng không mở cho công chúng, và lơ đễnh cuốn sợi dây điện thoại quanh ngón tay trỏ của nàng.
Tiếng Gabe vang lên ở đâu đấy:
- Nếu em gọi anh để báo tin em mệt quá không đi đến viện bảo tàng chiều nay được, thì anh không ngạc nhiên, vì biết rằng sáng nay em đã dậy sớm như thế nào.
- Sự thật là em gọi từ viện bảo tàng.
- Em ở đấy à? – Nàng có thể nghe giọng nói đầy ngạc nhiên của anh nàng – Anh tưởng em đến văn phòng anh đúng 10 rưỡi để chúng ta cùng đi chứ!
- Phải, em đã định làm vậy. Nhưng em ngồi nhà sốt ruột quá, nên ra đi sớm và đến đây xem một mình.
Sau cả buổi sáng thơ thẩn trong nhà, nàng gần như muốn điên lên vì không có việc gì làm. Rồi vào khoảng giữa trưa, anh nàng gọi điện thoại về nhà cho nàng hay đã thuyết phục được cha nàng bỏ ý định gởi nàng vào dưỡng đường ở ngoại ô Houston. Remy tỏ ý muốn đi xem viện bảo tàng trong buổi chiều và Gabe đã đòi đi với nàng. Nàng đã đồng ý lúc đó. Nhưng sau, nàng có ý nghĩ muốn đi một mình hơn. Khỏi phải nói chuyện với ai, để sẵn sàng tiếp nhận những cảm tưởng nào, những ký ức nào về sự rắc rối.
- Vậy thì em đã xem hết rồi còn gì.
- Phải – Nàng không che giấu được giọng nói rầu rĩ.
- Em có vẻ… chán nản. Em không nhớ được gì cả sao?
- Không – Nàng thở dài.
Nàng không thấy cái gì quen thuộc cả, những kiểu trưng bày, những mục triển lãm, những nhân viên làm việc ở đây, không nhớ một cái gì cả. Nàng lơ đễnh nhìn vào dãy máy theo dõi vô tuyến truyền hình, là một phần của hệ thống an ninh của viện bảo tàng ở bức vách đối diện, thì để ý thấy một người đàn ông lớn tuổi hơn nàng đang đứng gần chỗ triển lãm về du lịch. Với mái tóc đen và bộ râu cằm ngả qua màu bạc rất đặc biệt, ông giống hệt người nàng đã thấy ngồi trong xe hơi trước nhà nàng. Hiển nhiên nàng đã lầm khi đoán ông ta là một người bán hàng. Ắt hẳn ông ta là một người khách du lịch. Lạ kỳ thay, ông ta lại mặc âu phục và thắt cravat. Đa số du khách ăn mặc xuề xoà hơn nhiều, nhất là vào ban ngày. Và chắc ông ta không chú ý vào cuộc triển lảm. Ông ta nhìn quanh, làm Remy có cảm tưởng ông ta đang tìm ai.
- Em dự định làm gì bây giờ đấy – Gabe hỏi làm nàng rời mắt khỏi cái máy đang theo dõi đen trắng – Em ở đó một lúc nữa, hay về nhà?
- Chắc là không, em sẽ…
- Đừng nói, để anh đoán xem. Em sẽ đi ra quảng trường Canal và xem có thể mua hết cả tiệm Saks và Gucci lần này không.
Giọng anh ta chắc chắn quá, khiến Remy cau mày:
- Cái gì khiến anh nói thế?
- Bởi vì em luôn luôn đi sắm đồ thật nhiều khi nào em xuống tinh thần.
- Thật thế à?
- Thật – Anh ta đáp, giọng vui thích – Anh rất muốn đi theo xách đồ cho em, nhưng anh còn nhiều giấy tờ phải làm cho kịp. Sao chúng ta không gặp nhau ở La Lousiana để uống một cái gì, vào khoảng… 4 rưỡi chiều? Như vậy em có gần ba tiếng để đi mua sắm?
- Được rồi! – Nàng đồng ý, tuy nàng không muốn đi mua sắm chút nào.
Đầu dây kia, Gabe có vẻ do dự, như cảm thấy được sự miễn cưỡng của nàng.
- Remy, em không đi lạc chứ, hay không đi lang thang ra bến tàu nữa chứ?
- Không, em hứa – Nàng mỉm cười trong máy.
- Tốt, anh sẽ gặp em lúc 4 rưỡi vậy.
- Ở La Louisiana – Nàng xác nhận, rồi gác máy khi nghe thấy đường dây đã cắt.
– Cám ơn – Nàng nói với một nhân viên và anh ta gật đầu.
Remy vừa bắt đầu đi ra khỏi các văn phòng của bảo tàng viện, thì thấy một phụ nữ trẻ tuổi mới ngoài 20 đi tới, tóc đen cắt ngắn xõa xuống vai. Cô ta đứng lại, kêu lên thích thú:
- Remy! Chị trở về hồi nào?
- Tối qua – Nàng đáp. Thầm tự hỏi cô ấy là ai.
- Bờ biển Riviera ra sao? Tôi chờ đợi chị có một nước da rám nắng khiến bọn đi làm việc đáng tội nghiệp như chúng tôi phải ganh tị – Cô ta nói, và nhìn Remy từ đầu đến chân – Bộ áo quần lộng lẫy quá. Chị mua ở Pháp hả?
- Nó ở trong tủ áo của tôi – Nàng không biết đã mua nó ở đâu.
- Ước chi tôi có được tủ áo của chị – Cô ta đáp và ngắm nghía ra vẻ hâm mộ công khai cái áo vét xanh lục, và áo blouse nữ mặc chung với một cái váy màu hải quân với dây nịt đỏ – Chị đã uống cà phê hay gì chưa? Tôi còn một giờ trước khi đoàn tham quan của tôi trở lại đây, và tôi muốn nghe lễ Mardi Gras ở Nice quá. Chắc ở bên đó không đến mức điên rồ như ở đây.
- Tôi rất thích uống một tách… -  Remy bắt đầu nói và ngừng lại, mỉm cười ngượng nghịu – Thật khó nói quá. Tôi chắc chắn đã quen chị nhưng… không nhớ được chị là ai. Chị thấy không, tôi… -  Nàng do dự, nhưng không còn cách nào khác hơn là phải nói thẳng – Tôi bị mất trí nhớ.
Cô thiếu nữ há hốc mồm:
- Chị nói giỡn chứ?
- Ước chi tôi nói giỡn được!
- Chúa ơi, chị không nói giỡn. Trời ơi, chuyện gì đã xảy ra, bằng cách nào? Ồ, Remy, chị phải kể cho tôi nghe mới được – Cô đưa tay nắm tay nàng, rồi ngượng nghịu cười xòa – Tôi quên, chị không nhớ tôi. Tôi là Tina Gianelli. Chúng ta đã bắt đầu là việc ở đây cùng lúc.
Nói đến đó, cô lại nắm bàn tay Remy và kéo nàng đi về khu nhân viên, ngồi xuống một cái bàn, và đòi nghe nàng kể chuyện. Remy nói qua loa cho cô ta biết những nét chính mà thôi, rồi kết luận:
- Hôm nay tôi đến viện bảo tàng với hy vọng sẽ thấy một cái gì quen thuộc, nhưng sau khi xem hết các khu trưng bày, tôi có cảm tưởng như là một người lạ nhìn những đồ vật mà tôi đã từng biết qua.
- Chị cũng đã phần nào giống như một người xa lạ ở đây dạo sau này – Tina nói và vuốt mái tóc cho bồng lên – Gần như chị chỉ còn đến đây hai, ba lần một tuần, và mỗi lần chỉ vài tiếng đồng hồ. Chắc chắn không giống hồi đầu. Dĩ nhiên lúc đó hoàn cảnh có khác.
- Khác? Khác như thế nào? – Remy tò mò quan sát cô ta.
- Chị đến đây làm việc không lâu sau khi vị hôn phu của chị chết đuối. Tôi nghĩ chị đã muốn tìm lãng quên trong một công việc gì, không có những thứ nhắc nhở đến anh ấy, nếu chị hiểu tôi muốn nói gì – Cô ta nói, rồi vội vàng thêm – Nói vậy, chứ tôi không muốn hàm ý rằng công việc này chỉ là để tiêu khiển. Chị hình như thật sự thích thú làm việc ở đó. Có trời chứng giám, hễ không giúp một tay cho các đoàn tham quan, thì chị cũng thuyết phục một người bạn của gia đình cho mượn hay tặng luôn một món gì đó cho viện bảo tàng. Nhất là những món để trưng bày ở nhà triển lãm đồ vật của những năm 1850 và khu triển lãm về lễ Mardi Gras.
- Nhưng chị nói là dạo sau nay tôi đã hết quan tâm đến công việc – Remy nói.
- Thật ra không phải chị hết quan tâm. Tôi có cảm tưởng chị không tìm được ở đây sự thách đố cần có – Cô ta ngừng lại và mỉm cười rầu rĩ với nàng – Tôi e rằng nói không gãy gọn, nhưng… hình như chị thích công việc ấy như là một sự giải khuây, nhưng nó không đủ thỏa mãn để trở thành một việc làm trọn đời. Tôi nói có rõ ràng không?
- Có lẽ còn rõ hơn tôi nhận thức – Remy lẩm bẩm có vẻ suy tư, rồi nhún vai – Ai biết được? Chứng mất trí nhớ này có thể đâm ra hay và khiến tôi kiểm điểm lại đời mình và quyết định cái gì tôi muốn, và cái gì tôi không muốn, để bỏ bớt những gì còn lại.
- Cũng là một chuyện hay, phải không? Thật tình, tôi đã luôn luôn lấy làm lạ tại sao chị không bao giờ dính líu vào công việc kinh doanh tàu thủy của gia đình chị. Nhưng tôi giả thiết rằng khi người ta sống với gia đình, người ta không muốn làm việc với họ mỗi ngày – cô ta nói.
Rồi mặt cô bỗng sáng rỡ lên
– Tôi vừa nảy ra một ý. Tại sao chị không đi theo đoàn tham quan này với tôi? Có thể đúng là việc làm chị nhớ lại.
Remy liếc nhìn đồng hồ to treo ở tường.
- Tôi không đi là hơn. Tôi có hẹn gặp anh tôi để uống một cái gì vào lúc 4 giờ 30.
- Thế à! Hay lắm. Tuy rằng tôi không bao giờ hiểu được tại sao phải có một khủng hoảng gì đó, người trong một nhà mới để ý tới nhau. Tôi đoán rằng chúng ta bị kẹt quá sâu trong cuộc sống riêng tư. Tôi nhớ khi mẹ tôi bị tai nạn khủng khiếp ấy vào mùa hè năm ngoái và anh tôi bay về nhà. Chúng tôi ngồi lại cùng nhau và nói chuyện. Tôi muốn nói, là “nói chuyện” thật sự, lần đầu tiên từ nhiều năm qua. Tôi đã biết được ở anh nhiều điều trước đó tôi không hề biết.
- Ê, Gianelli – Một tiếng nói phát ra từ khung cửa – Đoàn tham quan của cô đến rồi.
- Đến rồi kia à? – Cô ta kêu lên rồi liếc nhanh vào đồng hồ treo – Họ đến sớm nhỉ! Này, tôi phải đi – Cô ta nói và đứng dậy – Hãy gọi điện thoại cho tôi nhé, ok? Và đừng lấy cớ là mất trí nhớ. Số điện thoại của tôi có trong cuốn ghi địa chỉ của chị. Gianelli, dưới chữ G.
- Tôi sẽ nhớ -  Remy đáp và đi theo cô ta ra ngoài.
Bên ngoài mặt trời sáng và ẩm, thời tiết không giống tháng hai ở New Orleans thường xám xịt và ẩm ướt. Vậy mà Remy cũng không thấy thích. Trong khi đứng ở góc phố chờ một chiếc xe lừa kéo đi qua, nàng ngoái cổ nhìn lại viện bảo tàng, ở đó nàng đã săn tìm quá khứ mà không có kết quả, mắt nàng nhìn vào cổng vừa đúng lúc người đàn ông có bộ râu cằm muối tiêu đi trên đường phố. Đoán rằng có ai đó đã hẹn với ông mà không đến, Remy thông cảm với ông ta. Nàng cũng cảm thấy lo ngại và thất vọng như vậy, duy chỉ có thêm sự chán nản trong trường hợp của nàng, khi nàng đi băng qua bên kia đường.
Nàng bắt đầu nghi ngờ cảm giác của nàng như thể ở đâu đó người ta cần có nàng một cách tuyệt vọng. Không thấy có dấu hiệu gì là có ai cần nàng ở một chỗ nào. Và nàng đã bắt đầu nghĩ rằng sự cưỡng bách đó trong lòng, thật sự chỉ là một mong muốn cho cuộc đời có ý nghĩa. Có lý, rất có lý.
Thế nhưng, còn người đàn ông ấy ở Nice, người mà nàng vùng vẫy chống lại. Tại sao? Về việc gì? Anh ta là ai? Lời mô tả của nhân chứng đã quá mơ hồ, có thể phù hợp với gần như bất cứ ai, kể cả người đàn ông có râu cằm.
Remy thở dài và một giây sau đó nhận ra mình đi quá nhanh. Nàng đi chậm lại và đảo mắt nhìn quanh xem chỗ này là ở đâu. Nàng đang ở trên đường St. Ann. Nàng liếc nhìn các tòa nhà cổ, để ý thấy lớp vữa trơn láng bên ngoài đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, để lộ cả gạch đỏ bên dưới. Xe hơi đậu dọc lề đường, choán hết cả một bên đường và biến con đường lớn thành đường một chiều. Đến gần một cái cổng có hai cánh cao bằng gỗ, ở chỗ vào của một cổng xe ngựa cũ, nàng tự hỏi bên trong có chăng một cái sân.
Các thùng rác và bao đựng rác bằng nhựa dẻo màu đen chất cao lên trước một cánh cổng đã nứt nẻ. một con mèo lông dài rối bù đang lục lọi trong rác. Nó trông thấy nàng, liền khom mình xuống thấp, như sắp chạy trốn, nhìn nàng bằng cặp mắt xanh ngờ vực. Trừ một chấm trắng ở cổ, nó hoàn toàn màu mun và lớn, nặng khoảng 10 cân. Chóp tai bên trái của nó đã bị đứt, và Remy đoán dưới lớp lông dài của nó chắc là còn nhiều vết sẹo nữa.
Nàng bắt đầu mỉm cười, rồi ngừng lại và nhận ra “mày là Tom phải không, mèo của Cole?”
Nàng tiến một bước về phía nó, thì con mèo cụp hai tai lại, và nhe hai răng nanh ra gầm gừ, rồi đập đuôi một cái, nó nhảy tót lên nóc một thùng rác bằng kẽm. Sửng sốt, Remy nhìn theo con mèo mun đang lao mình vào cỗng bằng gỗ và trèo lên nóc cổng nhanh như cắt.
Có phải nó thật là mèo của Cole không? Cole ở khu Quartier phải không? Nàng gần như chắc chắn anh ta đã nói với nàng như thế. Và nàng nhớ mơ hồ căn nhà của anh ta ở đâu đó trên đường St. Ann. Nàng lại nhìn vào hai cánh cổng cũ mà sau đó con mèo vừa biến mất. Có phải tòa nhà này không? Cách đó mấy bước, có một cửa thụt vào. Remy ngần ngừ một lát rồi tiến tới đẩy cửa mở ra. Bên kia cửa là một hành lang rộng mát rượi. Ở cuối hành lang là một bộ cửa kiểu Pháp, kính có song sắt để bảo vệ. Bên tay phải nàng, một cầu thang uốn cong dẫn lên lầu hai.
Nàng để ý thấy dãy thùng thư khi bước vào hành lang. Ngừng lại, nàng nhìn thùng thứ một, có ghi số IA, và có những chữ C. Buchanan. Remy lại do dự, rồi đi tới cánh cửa hông gần cuối hành lang.
Không có chuông, chỉ có một cái búa đồng lớn đúc hình một con sư tử đang gầm, và một cái vòng nặng đeo ở hai khoé miệng nó. nàng nhìn kỹ một hồi lâu, rồi đưa bàn tay lên. Mấy ngón tay tự động thọc vào miệng con sư tử, và đụng vào một cái chìa khóa để ở chỗ lõm trong miệng nó. Đút chìa khóa vào ổ và vặn một vòng, nàng tự nhủ mình đang xâm phạm thật sự vào nhà người khác. Nhưng nàng chỉ muốn xem thử căn hộ của anh ta có quen thuộc với nàng không, nó có khơi dậy một ký ức nào không.
Cánh cửa mở không tiếng động. Nàng bước vào và đóng cửa lại. Căn phòng khách bày biện theo lối đàn ông, với những đồ gỗ chắc chắn, nặng trịch, những ghế dài và ghế dựa có nệm thật dày và bọc vải tuýt xô ráp hay bọc da láng, tất cả đều màu nâu, vàng, hay đỏ sậm.
Liếc quanh phòng, Remy để ý thấy một bức tranh in đề tài thể thao, treo ngang mắt trên tấm vách láng màu quế gần nàng. Bức tranh vẽ một trận đấu quyền anh tổ chức giữa một phong cảnh tuyệt đẹp, một đám đông khán giả ăn mặc sang trọng vây quanh võ đài, làm thành một biển đầu người đội mũ cao. Trên võ đài hai võ sĩ mặc quần cụt bó sát, tóc chải gọn ghẽ, đang đối mặt nhau. Nàng biết ngay đó là bức tranh in đã được gởi đến vào hôm nàng đến văn phòng Cole để mời anh ta đi ăn trưa.
Nàng quay người nhìn lại những bức tranh có in khung khác treo trên tường của phòng khách. Trên bục lò sưởi có một bức vẽ cảnh đi săn chồn, màu đỏ của áo vest trên mình các kỵ sĩ nổi lên trên màu lông sáng loáng của các con ngựa thu hút sự chú ý của nàng. Và gần hành lang bên tay phải nàng là một bức tranh vẽ một cuộc đua ngựa.
Hành lang. Nó dẫn vào phòng ngủ. Đột nhiên trong tâm trí nàng hiện lên các chi tiết bằng đồng thau sáng loáng trên chiếc giường sắt bóng láng, tấm phủ giường bằng vải sọc màu xanh, các đồ đạc lỉnh kỉnh của đàn ông trên mặt bàn trang điểm. Và Cole nằm trên giường, gối lên các trái gối màu xanh, để mình trần, tấm chăn đắp đến thắt lưng.
Nàng đột ngột quay mặt đi để tránh hình ảnh ấy, và đối diện với cửa bên kia cửa phòng khách. Sau đó là cái gì? Nàng không nhớ được. Tò mò, Remy bước tới và đẩy cánh cửa mở toang ra để thấy rõ hơn trong bếp, đầy tủ đựng thức ăn, bát đĩa, có các đà gỗ ở trần, và những soong nồi bằng đồng sáng loang. Ở một góc là bàn ăn cạnh cửa sổ trông ra sân trong. Nàng thấy lại thêm nhiều hình ảnh, thoạt đầu mơ hồ, rồi rõ ràng hơn.
Cole quấn một khăn lông ngang eo, đứng cạnh một cái nồi đồng, quậy cái gì trong ấy, hơi đang bốc lên. Lúc đó nàng đi đến bên anh ta, đưa ra cho anh một miếng gì đó và bảo “nếm thử đi”.
Cole nghe lời cúi xuống và để cho nàng đút miếng ấy vào mồm.
- Hừm ngon lắm – Anh ta nói, mặt thoáng lộ vẻ ngạc nhiên và liếm môi để không bỏ sót một tí gì. Rồi, vẫn quậy trong nồi bằng một cái vá gỗ dài, anh ta khuỳnh một tay lên để nàng nép vào bên nách anh ta.
- Em đã bảo anh là em rành bếp núc – Nàng nói trách móc.
- Rành chuyện gì khác nữa không? – Anh ta hỏi, và hôn đùa lên chót mũi nàng – Anh nghĩ rằng em cũng rành luôn cả nấu bếp.
Đột nhiên một tiếng động. Tiếng kim khí cọ sát, tiếng lách cách hay gì đó, làm hình ảnh ấy tan vỡ. Remy xoay người lại, buông cánh cửa bếp đóng lại, vừa lúc cửa trước mở ra. Cole hiện ra ở khung cửa, cái áo vest vắt ở vai, áo sơ mi mở nút cổ, cravat nới lỏng. Anh ta nhìn thấy nàng và đứng khựng lại, tay vẫn giữ cánh cửa còn mở, chìa khoá vẫn còn trong ổ. Cặp mắt anh ta vụt sáng lên, hết vẻ mệt nhọc, rồi lại tối sầm ngay.
- Cô làm gì ở đây? – Giọng anh ta khản đặc.
- Tom đang ở ngoài. Tôi nhận ra nó – Nàng cảm thấy anh ta căng thẳng, nàng cũng căng thẳng – Rồi tôi tìm được chìa khóa trong miệng con sư tử.
- Tôi luôn luôn để đó cho cô. Xưa kia cô hay đến đây chờ tôi đi làm về – Anh ta ngừng lại, một thớ thịt ở má co giật – Cô không biết đã bao nhiêu lần tôi muốn thấy cô chờ tôi bước qua cánh cửa này trong mấy tuần vừa qua.
Mặt anh ta lộ vẻ đau khổ làm anh ta trở nên yếu đuối, trong khi đứng ngây ra đó, thân mình cứng nhắc.
- Giữa chúng ta xưa kia như thế nào, hở Cole? – Remy tiến lên một bước, rồi dừng lại, vì chợt thấy nên giữ khoảng cách giữa họ – Chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã chia sẻ với nhau nhiều thứ hơn là cái giường ngủ, phải vậy không?
- Phải! - Anh ta trả lời ngắn ngủi, gần như không tin tưởng ở mình để nói nhiều hơn.
- Hãy kể cho tôi nghe về chúng mình, Cole. Tôi cần biết. Tôi cần nhớ lại. Có phải chúng ta đã ở lâu trong căn nhà này? Chúng ta có ra ngoài không? Và đi đâu? Làm gì?
Quay lưng lại nàng, anh ta rút chìa khóa ra, và đẩy cửa đóng lại:
- Thỉnh thoảng chúng ta ở đây và đua nhau thử nấu bếp – Anh ta nói trong khi bước tới bên chiếc ghế xếp, vắt cái áo vest lên đó, và cởi bỏ cravat lên trên - Có những tối khác, chúng ta đi ra ngoài để ăn tối ở một nhà hàng nào đó.
- Nhà hàng nào? Có chỗ nào chúng ta thích hơn cả không? – Remy hỏi cho rõ hơn, không ngạc nhiên chút nào vì buổi tối chỉ có bữa ăn tối. New Orleans ăn ngon nổi tiếng. Đối với đa số dân địa phương, bữa ăn tối không phải chỉ là màn đầu, hay một màn phụ, mà bản thân nó là một hoạt động chính, không nên ăn vội cho chóng xong, mà nên kéo dài để thưởng thức.
- Ở nhà hàng ông B, ở tiệm cà phê Soisa, ở quán Đại bàng.
- Quán Đại Bàng, đó là một trong những tiệm anh thích nhất – Remy nhớ lại, và hình dung ra lại tiệm ăn nhỏ, có hạng, với các bức tường màu đỏ và kiểu trang trí theo lối Châu Âu – Anh thường bảo anh thích đến đó vì món tôm càng đông lạnh, nhưng thật ra vì muốn ngắm các bức tranh cổ xưa ở đấy.
Mặt anh ta từ xa vắng trở nên ấm áp, và anh ta nói:
- Có lẽ vì cả hai.
- Chúng ta đi ăn tối ở đâu nữa?
- Thỉnh thoảng chúng ta đi lên khu phố trên, và ăn ở phòng ăn trong hoa viên nhà hàng Commander’s Palace hay là ở nhà hàng Bristen. Hoặc khi nào chúng ta muốn ăn một bữa ăn nhà nghèo, hay món đậu đỏ với cơm trắng, chúng ta thường đến nhà hàng Mother’s ở đường Poydras. Và dĩ nhiên, luôn luôn còn có tiệm ăn Galatoire’s.
- Ở đó chúng ta ăn trưa lần đầu – Remy mỉm cười.
- Phải – Cole gật đầu rồi nói tiếp – Ngoài ra, lâu lâu chúng ta đi nghe hòa nhạc. Hoặc là nếu có tài tử nào một trong hai chúng ta muốn xem biểu diễn ở phòng Xanh, thì chúng ta đến đây. Có những tối khác chúng ta đến nhà hát Presevation để xem biểu diễn nhạc Jazz – Anh ta nhìn nàng và mỉm cười - Sau khi nghe tiếng kèn ai oán của Kid Sheik lần đầu, cô đã trở thành một người mê nhạc Jazz.
Preservation Hall – một tòa nhà già cỗi và xiêu vẹo, với cửa vào mở toang trong hấu hết các buổi tối để nhạc không có máy khuếch đại tràn ra đường St. Peter, và đường Bourbon. Remy gần như có thể nghe lại những nốt nhạc rít lên của cây kèn trompet chơi một ca khúc trong bầu không khí đầy khói của câu lạc bộ cũ kỹ ấy, thế nhưng lạ lùng thay, cái nàng thấy lại là gương mặt của Cole, đang “cảm nhận” điệu nhạc, đang “thả hồn” theo nó, bay bổng lên cao. Nàng cố nhớ thêm nữa, nhưng tất cả bắt đầu mờ đi.
Thất vọng vì những ký ức chưa toàn vẹn, chỉ là những cảm tưởng mạnh hơn một chút, Remy hỏi sang chuyện khác:
- Còn những buổi cuối tuần thì thế nào? Chúng ta có làm gì đặc biệt không? Có đi đâu không?
Mắt Cole dán vào nàng, có vẻ trầm ngâm:
- Cô hay kéo tôi đi ra chợ trời, hy vọng mua được một vật quý nào trong đống đồ vụn vặt. Hoặc là nếu cô thấy quảng cáo về một buổi bán đấu giá nào trong một vùng phụ cận, chúng ta để đến dự. Nhất là trong các đồ đạc liệt kê có đồ sứ.
- Tôi có mua gì không?
- Một lần, cô mua được một cái bình Meisseh, rồi do mặc cảm tội lỗi vì đã trả chỉ có 15 đôla, cô tặng nó cho một tổ chức từ thiện để họ bán đấu giá kiếm lời. Thật ra – Anh ta ngừng một chút – Thường thường cô lục lọi và tôi mua.
- Pho tượng con ngựa – Nàng bỗng kêu lên – Tôi nhớ, nó bằng thạch cao Paris bóng loáng như những phần thưởng thường được phân phát trong các đại hội hóa trang – Nhưng còn nữa, và nàng tiến lên gần anh ta hơn – Khi anh còn là một đứa bé, cha anh đem anh đi xem đại hội hoá trang và cho anh một con ngựa giống như con ngựa bày bán ở cái chòi đá giữa đường. Vì lý do đó anh đã mua nó, phải không? Vì tình cảm.
- Phải.
Nàng có cảm giác sắp nhớ nhiều nữa, nàng không cho anh ta nói tiếp:
- Có một việc gì chúng ta thường làm trong những dịp cuối tuần. Việc gì vậy?
Cole cau mày và nhún vai như không biết chắc nàng đề cập đến cái gì.
- Nếu thời tiết xấu, chúng ta thuê băng video và xem ở đây.
Remy hăm hở bước tới bên anh ta:
- Loại film gì?
- East of Eden…
- Trên bến tàu – Nàng nhớ lại, một hình ảnh khác vừa lóe trong óc nàng.
Đó là một buổi chiều tháng 11 mưa dầm ẩm ướt, hơi nước tụ lại trên các cửa kính trông ra sân sau và chảy ròng ròng trên mặt kính. Nàng và Cole ngồi xem video trên ghế nệm dài trước máy truyền hình, tựa vào nhau, gác chân lên cái bàn nhỏ, trên đó để hai chai bia và một tô bắp rang bơ.
Khi Cole đẩy nàng ra để đứng dậy thay băng, anh ta đã phát đùa một cái vào mông nàng. Tức thì nàng đá lại một cái vào quần anh ta và nhảy chồm lên, lấy bộ điệu thủ võ, nhảy tới nhảy lui, cúi lên cúi xuống, lách qua lách lại như một võ sĩ quyền Anh, và đấm từng cái nhẹ vào tay anh ta.
- Sao vậy, anh chàng lì lợm kia? – Nàng chọc - Ngán tôi hả?
Nàng đấm thêm một cái nhanh mà Cole đưa lòng bàn tay đỡ, và nhìn nàng với vẻ mặt thích thú:
- Còn lâu, cô bé. Chân cô còn dở lắm!
- Dở, hả? – Nàng nhảy lui, khịt khịt mũi thật lớn, và quẹt ngón tay cái ngang chót mũi – Tôi sẽ cho anh biết tay. Tôi có thể là kẻ tranh giải vô địch – Nàng bắt chước Brando thật giống.
- Cô có thể tranh giải vô địch, đúng vậy, giải “cô gái buồn cười”.
- Ồ, vậy hả? -  Nàng thách thức và khom vai, trụ mình xuống lại, quẹt ngón tay cái lên mũi nữa – Tại sao các võ sĩ quyền Anh làm cử chỉ đó? Họ đều bị chảy nước mũi hay sao?
- Nếu mũi em bị đấm hoài, em không chảy mũi hay sao? – Tay anh ta luồn qua và đấm nhẹ lên đầu mũi nàng. Nhe răng ra cười, anh ta bắt ngay nắm tay nàng đánh nhằm vào anh ta – Lại đây, đồ khờ!
Khi anh ta kéo nàng ôm vào vòng tay, Remy giả vờ cưỡng lại và phản đối:
- Sai luật, cấm ôm!
- Em nghĩ có cách nào để “cảm thấy” đối thủ tốt hơn không?
- Anh muốn nói để sờ đối thủ thì có – Nàng giả vờ trách móc khi tay của anh ta bụm vào mông nàng – Hay ngón đó gọi là dưới lưng quần?
- Đó là đấm dưới lưng quần.
- Như thế này chăng? – Nàng đấm vào phía dưới bụng anh ta. Anh ta gừ một tiếng, vì ngạc nhiên nhiều hơn vì đau – Em đấm trúng rồi đấy.
Khi anh ta bắt được nàng, nàng mỉm cười khoái chí, nhưng một giây sau, cười như nắc nẻ:
- Đừng, đừng thọc lét em! Đừng!
Nàng uốn éo, xoay người đi, đẩy ra, cố tránh mấy ngón tay anh ta đang thọc lét làm nàng cười bò lăn ra trên tấm thảm màu chocolate. Hai người ôm nhau lăn giữa sàn nhà cho đến khi nàng ngộp hơi vì cười quá nhiều.
- Tôi chịu thua – Nàng kêu lên giữa tiếng cười – Thôi, thôi!

May thay, anh ta ngừng lại, và nàng hít vai mấy hơi liền, trong khi nằm nghỉ xả hơi trên sàn, sức nặng của một chân anh đè lên hai chân nàng, còn một tay thì chống lên nằm dài bên cạnh nàng. Thấy anh ta toét miệng cười, nàng buộc tội:
- Anh đánh không đúng luật!
- Anh đánh hồi nào? Anh đã bị em cho đo ván từ mấy tuần nay rồi.
Nghe anh ta tự động thú nhận như thế, nàng đưa tay vuốt tóc anh ta:
- Anh có sung sướng nhiều như em không, Cole?
Ánh tươi cười biến mất trong đôi mắt anh ta, nhường chỗ cho một vẻ nghiêm túc đột ngột:
- Mỗi lần em đi vào phòng, Remy, mỗi lần anh thấy em – Anh ta có vẻ do dự một chốc, lựa lời nói tiếp – Em làm cho tim anh mỉm cười.
- Em cũng có cảm giác như vậy – Nàng nói và thấy lời anh ta mô tả thật đích xác cảm giác sung sướng sôi nổi dâng lên trong lòng nàng mỗi khi nàng thấy anh ta. Nàng đưa một ngón tay vuốt từ má đến môi của anh ta.

– Cô ta là ai thế, Cole? Người đã làm anh đau khổ, người mà anh luôn luôn sợ em giống cô ta? – Nàng cảm thấy anh ta căng thẳng các thớ thịt, và như sửa soạn nhích ra xa nàng cả về thể xác lẫn tinh thần, nên luồn một bàn tay ra sau gáy anh để ngăn lại, không cho anh lăn ra xa – Anh yêu cô ta lắm, phải không?
- Lúc đó anh 19 tuổi. Anh yêu con người mà anh tưởng là cô ta.
- Hãy kể về cô ta cho em nghe đi Cole?
- Có gì mà kể! – Lần này anh ta thoát ra được, và lăn qua rồi ngồi dậy, quay lưng lại nàng.
- Em nghĩ rằng có – Nàng cũng ngồi dậy, nhưng không chạm đến anh – Do đâu hai người gặp nhau?
Một lúc im lặng kéo dài, nàng đã tưởng anh lại từ khước không nói đến cô ta, nhưng rồi anh nói, một cách miễn cưỡng nghiêm nghị:
- Cô ta thích môn quyền Anh. Những cú đấm, máu chảy, hai thân mình bóng nhẫy mồ hôi. Sau trận đấu, cô ta ở ngoài chờ anh… cô ta có hạng quá, không giống một ai anh đã từng gặp. Anh chắc đã bị cô ta làm cho lóa mắt.
- Hai người bắt đầu gặp nhau – Remy nói để nhắc anh ta nói tiếp.
- Không thường gặp nhau lắm như vậy đâu. Anh đang theo học ở đại học. Và làm một việc trọn giờ để kiếm tiền trả tiền học, đấu quyền Anh là để kiếm thêm tiền. Anh không có nhiều thì giờ để hẹn hò. Phần lớn cô ta đến xem anh tập dượt ở thể dục đường. Rồi sau đó, đi đâu đó uống bia. Đính chính, anh uống một chai bia, cô ta thì uống một ly rượu vang. Cô ta có vẻ như không quan tâm vì anh không có tiền đưa cô đi ăn tối ở Antoine’s. chỉ ngồi với nhau là đủ rồi, ít nhất, anh đã nghĩ vậy.
- Nhưng rồi anh nhận ra là khác, phải không? Bằng cách nào?
- Anh đã phạm sai lầm khi đến thăm cô ta tại nhà, đó là một trong những dinh thự nho nhỏ ấm cúng gần công viên Audubon – Anh ta nói thêm giọng mỉa mai, rồi lại ngừng một lát – Vẻ mặt sửng sốt của cô ta khi thấy anh ở phòng đợi, anh không bao giờ quên… cũng như sắc giận sau đó. Anh nhớ cô ta đã nói: “Sao anh dám làm cho tôi boi rồi bằng cách đến nhà tôi?”. Anh đỏ mặt tía tai và bỏ ra về – Anh ta ngửa đầu nhìn lên trần nhà – Buồn cười, điều làm anh đau khổ nhất là anh đã kể cho cô ta nghe về cha anh. Trước đó, anh chưa hề bao giờ kể được chuyện ấy cho ai nghe cả. Anh… - Anh ta lắc đầu và cúi gằm mặt xuống.
- Cha anh? – Nàng tò mò hỏi – Ông chết khi anh lên 8 phải không? Có phải anh đã nói với em như thế không?
- Phải.
- Ông chết thế nào?
Quay nhìn nàng, vẻ mặt anh ta đanh lại:
- Trong một vụ tai nạn xe hơi. Ông đụng ngay đầu xe của một nhân vật rất quyền thế, và say rượu. Quá say. Đó là ông thượng nghị sĩ của khu phố của em trước đây.
Remy hít vào một hơi thật gấp, vì biết đích xác anh ta muốn nói gì. Ông thượng nghị sĩ đã từng là một trong những người bạn thân nhất của ông nội nàng, một chính khách mà cả cuộc đời chính trị đã bị gián đoạn bởi một tai nạn xe hơi làm ông liệt cả thân mình. Nàng đã nghe kể chuyện ấy cả chục lần khi còn bé.
- Nhưng em đã luôn luôn hiểu rằng…
- Rằng cha anh là kẻ đã say rượu? – Cole xen vào – Đó là một câu nói dối. Anh biết. Khi ấy anh có ở đấy.
- Anh… ở trong xe?
- Phải.
Nàng nhìn sững anh ta, nhớ lại sự sửng sốt, sự hốt hoảng, sự kinh khủng nàng đã cảm thấy ở trên hồ khi thấy vị hôn phu của nàng, Nick Austin, bị kẹt trong chiếc tàu chạy nhanh bị lật úp. Tim thót lên tận cổ, nàng đã chờ anh ta trồi lên mặt nước và vẫy tay cho nàng biết là không can gì. Anh ta đã không trồi lên lại. Và cuộc mò tìm đã bắt đầu, kéo dài 4 tiếng đồng hồ trước khi xác anh ta được vớt lên. Nàng đã không chịu đựng nổi cơn choáng váng khi chứng kiến tai nạn, cũng như khám phá ra một điều là mạng sống con người quá mong manh. Một phần vì thế nàng đã quay lui với ngôi nhà của gia đình, tượng trưng cho sự chắc chắn và an toàn. Đó là việc xảy ra cách đây ba năm, lúc đó nàng 24 tuổi. Còn đau khổ hơn biết bao nhiêu khi mất một người thân yêu ở tuổi lên 8.
- Cole! – Nàng lẩm bẩm, chia sẽ sự sợ hãi và đau khổ mà chắc hẳn anh ta đã cảm thấy.
- Lúc đó ba anh vừa đưa anh đi xem sở thú về. Mẹ anh đang đi làm. Bà không đi theo được, trời vừa bắt đầu đổ mưa. Đột nhiên có ánh đèn pha sáng lòa chiếu vào ngay mắt ba anh. Anh nhớ ba anh hét lên một tiếng kinh hoàng. Rồi cánh tay ông quàng ngang mình anh, và đẩy anh vào ghế nệm. Rồi có tiếng kính vỡ loảng xoảng và sắt bể nát… - Anh ta ngừng lại và run rẩy hít vào một hơi – Ba anh nằm ngang trên đùi anh, máu chảy xối xả. Anh biết cần phải trèo qua cửa sổ bên hông. Cảnh sát đến và anh nắm tay một viên cảnh sát dẫn ông ta trở về chiếc xe để cứu ba anh. Người cảnh sát kêu lên “chúa Gesu oi, Hudson, lại đây mau! Anh không thể tin là ai lái chiếc xe kia!”. Viên cảnh sát chụp bàn tay anh và nhét vào một cái khăn tay, bảo anh cầm nó chặn ở mũi ba anh để ngăn máu chảy ra. Anh nhớ đã nghe người cảnh sát nói “trời, ơi, đây là ông thượng nghị sĩ”. Và người kia nói “ừ, và ông ta say mèm còn hơn một thuỷ thủ”. Sau đó anh không nhớ gì nữa, ngoại trừ là khóc và áp cái khăn tay vào cổ ba anh nhưng không cầm được máu chảy ra. Máu đầy hai bàn tay, hai cánh tay anh… lúc đó anh còn nhỏ quá. Anh không làm được gì cả, mà hai người cảnh sát thì không hề trở lại giúp anh. Họ đang qua bận cứu ông thượng nghị sĩ.
Và Remy biết không những họ cứu được mạng ông, mà còn cứu vãn cả thanh danh của ông, bằng cách quy lỗi hết cho người lái chiếc xe kia không còn sống để phủ nhận.
Nàng không nói gì nữa, chỉ quàng hai tay ôm chặt Cole.

Diễn lại quang cảnh đó trong trí nàng, Remy lại cảm thấy đau đớn như trước đó. Nàng thở dài não nuột và chợt ý thức đang nắm chặt lưng ghế nệm dài. Ngẩng lên, nàng bất ngờ nhìn lại vào màn ảnh trống trơn của máy truyền hình. Nàng liền trân mình cứng ngắt.
- Một lần khác chúng ta đã coi truyền hình nhưng không phải là film truyện – Cau mày cố nhớ lại, Remy quay qua Cole, rồi ngạc nhiên vì nhớ ra – Coi anh! Anh đang được phỏng vấn bởi đài địa phương. Tại sao? Chờ một chút… - Nàng nhoẻn miệng cười vì nhớ ra – Vì buổi liên hoan vào dịp lễ Giáng sinh hàng năm dành cho các nhân viên của công ty. Anh đã sắp đặt để cho giăng đèn Giáng Sinh trên tất cả các boong tàu. Đó là một sự kiện độc nhất vô nhị nên đài truyền hình đã cho người đến quay buổi liên hoan ấy.
Remy quay lại nhìn cái máy truyền hình và thấy lại cuộc phỏng vấn, với Cole đứng trên boong tàu, mặc một cái ao len cổ cao và áo ngoài sặc sỡ của hải quân, đuôi tóc phất phơ trước gió, máy quay film biến các nét mặt cứng cỏi của anh ta thành hiền lành hơn, có một nghị lực điềm tĩnh và một cá tính riêng biệt.
Cô phóng viên da đen hấp dẫn lạ lùng đã nói: “Buổi lễ hôm nay tưng bừng và đầy đủ quá! Do đâu ông có ý nghĩ tổ chức buổi liên hoan đêm Giáng Sinh trên chiếc tàu của ông?
Cole đã nhoẻn miệng nở một nụ cười rất hiếm thấy ở anh:
- Thành phố ta có nhiều điểm hấp dẫn quá nên dễ quên sự kiện hải cảng New York. Và có những năm tổng số trọng tải xuất khẩu của chúng ta vượt qua con số ở New York. Công ty chúng tôi xưa nay luôn luôn tự hào rằng, New Orleans là cảng xuất phát và trụ sở của công ty Crescent, ngay từ khi nó được sáng lập cách đây hơn 150 năm. Tày thuỷ và vận tải đường biển được và đang luôn luôn là việc kinh doanh của chúng tôi. Nhưng khi người ta dành hầu hết thì giờ để ngồi sau một cái bàn giấy ở một văn phòng, người ta có khuynh hướng quên điều đó. Gần đây tôi đã nhận thấy có quá ít người trong số nhân viên của chúng tôi, chưa kể gia đình của họ, có dịp hay có lý do đặt chân lên boong của một chiếc tàu thủy của chúng tôi. Khi đến ngày lập kế hoạch tổ chức buổi liên hoan đêm Giáng sinh năm nay, tôi coi đó như là một cơ hội tuyệt hảo để điều chỉnh lại tình trạng ấy và nhắc nhở mọi người nghĩ đến hoạt động của công ty Crescent là về mặt gì.
- Vào khoảng ba tháng trước đây, các ông bị mất một chiếc tàu thuỷ. Có phải điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định của ông không?”
- Đúng là một trong những tàu chở dầu của chúng tôi đã bị đắm trong Vịnh trong một trận bão. May mắn là không có ai thiệt mạng và không gây thiệt hại gì cho môi trường. Có nghĩa là chúng tôi còn có lý do hơn nữa để ăn mừng mùa lễ năm nay.
Sau câu nói đó, người phóng viên kết thúc cuộc phỏng vấn và Remy quay lại ôm hôn Cole một cách vui sướng:
- Anh đối đáp tuyệt hảo! Nhưng anh thật là nhanh trí và khôn ngoan khi thoạt tiên khoe tư thế của New Orleans như là một hải cảng, rồi gài vào một câu đồng thời đề cao công ty. Vậy mà em đã luôn luôn nghĩ rằng chú Marc là chuyên viên trong vấn đề đối phó với các cơ quan truyền thông đại chúng – Nàng nói, rồi đấm nhẹ vào sườn anh ta – Nhưng em không ưa cách anh tán tỉnh cô phóng viên ấy.
- Anh không tán tỉnh, chỉ tranh thủ cảm tình thôi - Anh ta đáp, với một cái mỉm cười tự mãn – Trong công việc làm ăn nào cũng vậy, khi thì cần dùng lối cứng, khi thì phải dùng lối mềm.
- Anh chưa bao giờ dùng lối mềm với em – Nàng giả vờ than phiền.
- Anh hy vọng rằng không phải dùng đến lối đó – Anh ta cười khúc khích, ánh mắt tỏ ra hiểu chữ “cứng” bằng một nghĩa khác.
Nàng đấm vào sườn anh ta nữa:
- Không phải em nói đến chuyện ấy!
Remy không nhớ được sau đó là chuyện gì, tuy nàng có thể đoán được. Nhưng không hề gì, kỷ niệm đó xúi giục nàng hỏi về một việc khác nữa:
- Đêm Giáng Sinh đó chúng ta có ở với nhau không?
- Đêm trước lễ Giáng Sinh – Cole đáp.
- Chúng ta đã làm gì? – Nàng tiến tới cái ghế xếp mà cạnh đó anh ta đang đứng.
- Chúng ta đã lái xe đến khu St. James và coi thiên hạ đốt các đống lửa dọc theo con đê…
- Để thắp sáng đường đi cho ông già Noel – Remy nói xen vào, và nhớ lại truyền thống mà người ta cho rằng do những người định cư đầu tiên trong vùng này lập ra, là đốt lên những đống lửa khổng lồ dọc theo dòng sông Mississippi để giúp cho ông già Noel thấy đường đi đến các ngôi nhà mới cất của họ. Nàng mỉm cười một mình, vì nhớ lại cậu bé chưa đến 7 tuổi đã không tin vào những chuyện đó.
- Cháu không tin có ông già Noel à? – Cole đã hỏi.
- Không – Đứa bé trả lời dứt khoát.
Cole đã ngồi thụp xuống với đứa bé:
- Không hề gì… vì ông già Noel vẫn tin ở cháu. Ông sẽ luôn luôn như vậy.
Khi Cole đứng lên, nàng đã hỏi:
- Anh vẫn còn tin vào ông già Noel, phải không?
- Dĩ nhiên – Anh ta đã trả lời mặt tỉnh bơ.

Và nàng đã nghĩ rằng anh ta thật tình còn tin.
Nhận ra Cole đang nói gì, Remy cố gắng trở về hiện tại.
-  … trở về căn nhà để trao đổi quà tặng cho nhau. Rồi chúng ta cùng đi xem lễ nửa đêm.
- Anh đã tặng gì cho tôi – Nàng có cảm tưởng phải là một món quà đặc biệt.
- Cái mề đay cổ.
Remy cau mày, chắc món quà ấy có dính một chút tình cảm gì đó, nàng hỏi:
- Nó của mẹ anh xưa kia hả?
- Của bà ngoại tôi.
Nàng hít vào một hơi gấp và bất giác áp bàn tay lên cổ họng.
- Nó nạm một viên hoàng ngọc, phải không? – Ngay cả khi Cole chưa gật đầu xác nhận, nàng đã biết là cái mề đay nàng đã đeo tối đó ở Nice – Cole, tại sao chúng ta đã cắt đứt nhau? Chúng ta đã cãi nhau về chuyện gì? -  Nàng bỗng thấy phải biết cho kỳ được.
- Cũng câu chuyện chúng ta thường cãi nhau, gia đình cô và lòng tham lam của họ phá hoại mọi thứ. Ấy… -  anh ta bỏ lửng câu nói, môi mím lại mỏng dính – Cô nhìn lại mình mà xem. Cô đã nổi đoá lên rồi đó.
Đúng như vậy. Nàng không cố che giấu sự tức khí do lời nói của anh ta vừa làm bùng lên.
- Anh chờ đợi gì khác? Gia đình tôi kia mà!
- Và chúng ta lại đi vào bế tắc – Chàng nói cộc lốc.
- Anh không có thái độ như vậy ở khách sạn tại Nice – Nàng nhắc anh ta - Tại sao? Tại sao anh đổi tính khi về lại đây? Sáng nay ở bến tàu, và sau đó, ở văn phòng anh, làm như anh muốn đẩy tôi ra xa anh. Tại sao?
Anh ta im lặng nhìn nàng một lúc:
- Tối qua… ở phi cảng… khi thấy cô trở lại trong sự đùm bọc của gia đình, tôi nhận thức được một điều là cô không bao giờ yêu tôi đủ để tin cậy vào tôi và tin lời tôi chống lại họ.
- Sao anh có thể nói vậy. Tôi yêu anh kia mà!
- Theo cách của cô, phải.
Nàng đưa tay lên bưng miệng anh ta như muốn cắt bỏ những lời nói của anh.
- Cái đó không đúng. Tôi yêu anh về tất cả các mặt.
Anh ta kéo bàn tay nàng ra, mấy ngón tay của anh cấu vào nó:
- Đừng làm cho việc này tự nó đã đau khổ còn đau khổ nhiều hơn, Remy. Cô không biết rằng tôi muốn tin cô đến thế nào.
- Nhưng anh có thể tin. Tôi đang đeo cái mề đay của anh tặng tôi trong đêm tôi bị thương. Anh thấy chưa? Nếu tôi còn giận anh, việc gì tôi đeo nó, hay nếu tôi không muốn chúng ta gặp nhau lại cũng vậy.
Anh ta rên lên một tiếng, và kéo nàng vào lòng. Miệng anh ta áp lên môi nàng một cách khẩn trương và Remy thấy không có gì thay đổi cả so với lúc ở căn phòng khách sạn tại Nice. Nàng cũng thấy vô cùng sửng sốt vì sự thèm muốn được thõa mãn như vậy.
Trong phòng ngủ, Cole cởi quần áo nàng ra. Anh ta không chịu để nàng giúp một tay. Đấy là việc anh ta muốn tự mình làm lấy. Anh ta cởi từng lớp một, vừa làm vừa sờ mó vừa vuốt ve. Nàng thật đẹp, với cặp vú cao, chắc vừa ăn khớp vào lòng hai bàn tay anh ta bụm lại, với cặp hông, cặp vế, cặp đùi có những đường cong mềm mại, và da thịt mịn màng ấm áp dưới bàn tay anh ta. Anh nhìn nàng, nhìn vào đôi mắt màu nâu có những tia vàng lấp lánh… và thấy trong đó tình yêu sâu đậm, sáng rực của nàng đối với anh.
Anh ta với tay kéo tấm phủ giường sọc xanh và tấm trải giường xuống, rồi dịu dàng đặt nàng nằm ngay giữa giường. Anh ta bước lui cởi bỏ quần áo trong khi nàng lim dim mắt theo dõi, chống lên hai cùi tay. Anh ta có một thân mình tuyệt đẹp, đầy bắp thịt và phẳng lì, như nàng đã nghĩ vậy từ đầu khi mới thấy anh. Nàng nằm lại xuống gối, rã rượi trông chờ, trong khi mắt anh ta càng lộ vẻ ham muốn, và sự trần truồng cuối cùng để lộ sự thèm muốn đang dâng lên.
Đầu gối anh ta tì lên giường và tấm nệm lún xuống dưới sức nặng của anh. Cúi xuống, anh ta hôn lên bụng nàng, và cảm thấy một cái gì cuồn cuộn tận trong mình nàng. Hai tay nàng dang ra đón lấy anh và miệng anh áp xuống. Anh ta có ý định thật dịu dàng, làm cho nụ hôn kéo dài và thật ngon. Nhưng đã lâu qua không có nàng, nên anh quá thèm khát, anh ta giựt môi ra và hôn lên quai hàm, lên cổ nàng, chìm đắm giữa mùi thơm tỏa ra ở nàng. Miệng anh ta lại tìm môi nàng đang hé mở, thật hăm hở.
Bị thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ vuốt ve, hôn hít và nếm da thịt nàng, anh ta khoá chặt nàng bằng hai tay và hai chân rồi cùng nàng lăn kềnh ra giường, bụng nàng đè lên anh, ngực nàng bị ngực anh đè bẹp xuống. Mùi thơm dịu ngọt của đàn bà thúc đẩy anh làm tới. hai bàn tay anh ta lùa vào tóc xõa của nàng. Anh ta ưa thích tóc nàng mịn như tơ, các sợi dài và thơm mùi hoa. Anh ta vuốt ve thân mình nàng. Úp hai bàn tay vào hai vú, và thăm dò những nếp da như cánh hoa của nàng cho đến khi nàng nảy mình lên dưới các ngón tay sành sỏi của anh. Anh ta hôn lên đôi vú, môi anh ta thật dịu dàng, anh ta cắn khẽ và nàng quằn quại bên dưới người anh ta, mấy ngón tay nàng bấu vào đuôi tóc anh ta để giữ anh ta lại. Nàng với tay sờ mó vuốt ve anh ta. Anh ta chợt nghe tiếng mình rên lên vì thích thú.
- Yêu em đi, Cole – Nàng thì thầm vào tai anh ta.
Một thớ thịt ở má co giật trong khi anh ta nhận thức được nàng đang từ từ, dịu dàng giết anh ta. Rồi anh ta vào trong mình nàng, đi vào thật sâu, tiếng rên của nàng át cả tiếng rên của anh ta. Anh ta muốn làm tình với nàng thật chậm rãi, một cách hoàn toàn. Anh ta muốn nàng lại thuộc về mình, và lần này là mãi mãi. Anh ta chống lên một bàn tay, các thớ thịt ở hai cánh tay run lên bần bật vì cố sức kềm giữ lại, nhưng nàng nẩy lên áp sát hông vào bụng anh ta. Nàng không muốn anh ta kềm chế, mà muốn toàn thể con người anh ta.
Anh ta đi sâu vào nàng, nhịp độ mỗi lúc một nhanh, với áp lực tăng dần, sự sung sướng càng lúc càng sâu sắc cho đến khi nổ bùng ra trong mình hai người, tỏa ra muôn ngàn mũi kim châm nóng bỏng làm cả hai đuối sức nằm im.

<< Chương 20 | Chương 22 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 370

Return to top