Người làng Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Đỗ cử nhân khoa Bính Tý ( 1876 ), năm 39 tuổi; năm sau đỗ tiến sĩ. Sơ bổ tri phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Năm Tự Đức 31 ( 1878 ) đổi về kinh sung chức ngự sử Đô sát viện.
Khi Tự Đức băng hà ( 1883 ), Nguyễn Văn Tường và Tôn thất Thuyết tự quyền phế Dục Đức tôn Hiệp Hoà; ông phản đối nên bị cách chức.
Năm 1884 được phục chức, bổ Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh.
Năm 1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, chạy đến Quảng Bình, Phan tìm đến bái yết được phong làm Tán lý quân vụ và lãnh trọng trách thống xuất nghĩa binh. Ông bèn kéo cờ khởi nghĩa ngay tại quê nhà, đặt đại bản doanh tại Vụ Quang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh; một vùng rừng núi hiểm trở, lợi cho việc dụng binh. Chia quân thành 15 thứ, mỗi thứ từ 100 đến 500 quân, sắp thành cơ ngũ, luyện tập theo lối Âu Tây. Đặc biệt lại có thêm xưởng chế tạo vũ khí do Cao Thắng điều khiển.
Từ năm 1886, suốt 10 năm nghĩa quân gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Trước hết, Phan tự cầm quân lùng bắt tên phản bội Trương quang Ngọc. Do đó, hào kiệt vùng Thanh Nghệ Tĩnh ( Cẩm bá Thước, Ngô Quảng, Nguyễn Cấp, Vũ Phát…) theo về rất đông.
Năm 1893, Phan cho Cao Thắng đánh Nghệ An phá đồn binh và chỗ tích lương thực của Pháp. Cao Thắng phá được mấy đồn, nhưng đã tử trận.
Pháp cho quật mộ tổ của Phan ở làng Đông Thái, bắt giam nhiều người thân thuộc của Phan…Lại sai Đinh nho Quang và Hoàng cao Khải đưa thư chiêu dụ.
Dưới đây, xin sao lại bức thư của Hoàng cao Khải và thư đáp của Phan, dịch đại lược ở Hán văn, để thấy rõ hai lập trường, hai thái độ sai biệt nhau thế nào.
Thư của Hoàng cao Khải.
Đồng ấp Phan đình nguyên đại nhân túc hạ. Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã mười bảy năm rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy mỗi người đi một ngã khác nhau, nhưng trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không phải xa xôi gì. Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều rõ rệt ở tai mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan nói chuyện đến ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài lắm. Xem như thế tấm lòng huyết khí tôn thân, tuy người khác nước, cũng chung một tâm tình ấy thôi. Ngày kinh thành thất thủ, xe giá nhà vua bôn ba, ngài mạnh mẽ đứng ra ứng nghĩa, ngài làm vậy là phải lắm, không ai không nói như thế. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi có làm được như vậy nữa không, dẫu kẻ ít học thức, kém trí khôn đều trả lời được. Huống chi ngài là bậc tuấn kiệt chẳng lẽ không nghĩ tới hay sao? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng: ta cứ làm theo việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có, một việc nên làm mà làm, là ở người, còn thành được hay không, là ở trời, ta chỉ biết đem thân hứa cho nước đến chết mới thôi. Có điều tôi thấy tình trạng chốn quê hương chúng ta gần đây, lấy làm đau lòng hết sức. Nhân đó, tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ cùng lượng cao minh soi xét; nhưng mấy lần mở giấy, mài mực, toan đặt bút xuống rồi lại gác bút thở dài. Vì sao? Vì tôi liệu biết can tràng của ngài cứng như sắt đá không thể lấy lời nói mà chuyển động nổi. Đã vậy mà lại khác tình khác cảnh, xa mặt xa lòng, lời nói của tôi, chắc gì thấu tới ngài, mà dẫu cho có thấu, đã chắc gì lọt vào tai ngài chịu nghe dùng cho, hay lại chỉ để cho cố nhân cười mình là thằng ngu thì có. Nay nhân quan Toàn quyền trở lại đem việc tỉnh ta ra bàn, có khuyên tôi sai người đến tỏ ý cùng ngài rằng: ngài là bực hiểu biết nghĩa lớn, dẫu không bận lòng đến thân mình nhà mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân một địa phương. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai, mà nói với tôi, là vì cho rằng: tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn tôi nói ngài nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói. Ngài thử nghĩ: quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây, mà còn có lòng băn khoăn nghĩ tới dân mình thay, huống chi chúng ta sanh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc, có lý đâu mà mình làm lơ cho đành: làm lơ thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra sao? Làm người trên phải có lòng thương dân làm cốt, chưa từng có ai không biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm bấy lâu, bảo rằng trung thì thiệt là trung, song dân ta có tội gì đâu mà phải lầm than thế này là lỗi tại ai? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không thiết chi tới nhà nữa, cũng phải; nhưng một nhà của mình đã vậy còn bao nhiêu nhà trong khắp vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm! Tôi nghĩ nếu như ngài cứ khăng khăng làm tràn tới mãi, e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều biến thành hồ hết thảy, chớ không phải chỉ riêng cây cỏ một làng Đông Thái chúng ta thôi đâu. Tôi đắn đo vụt lấy làm mừng mà nói riêng với mình: Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay không? Tuy nhiên sự thể của ngài, như cưỡi trên lưng cọp đã lỡ, bây giờ muốn bước xuống, nghi ngại khó khăn biết bao? Nếu tôi không có chỗ tin chắc được ở mình, thì quyết không khi nào dám mở lời nói liều lĩnh để mang lụy cho cố nhân về sau. Nhưng may là tôi nói với quan Toàn quyền, vốn có tình quen biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, tôi quen thân hiệp ý lắm, thế nên trước kia Trần phiên sứ ( tên là Khách Tiến, làm Tuần phủ nên gọi là phiên sứ ), Phan thị lang ( tên Huy Nhuận ) cũng là chỗ thân trong tỉnh làng, hoặc bị tội nặng, hoặc bị xử đày, mà tôi bảo toàn cho đều yên ổn vô sự. Lại như mới rồi, ông Phan trọng Mưu ra thú, tôi dẫn yết kiến các đại hiền quý quan, thì các quan cũng tiếp đãi trân trọng như khách quý, và tức thời điện về tỉnh nhà, bắt trả lại mồ mả và tha cả ba con về, như thế tỏ ra nhà nước bảo hộ khoan dung biết nhường nào. Bây giờ, nếu ngài không cho lời tôi là dông dài, thì xin ngài đừng có ngần ngại gì hết, tôi không khi nào dám để cố nhân mang tiếng là người bất trí đâu. Hoàng cao Khải. Đôn thư. Thư trả lời của Phan.
Hoàng quý đài các hạ. Gần đây tôi vì việc quân, ở mãi chốn rừng rú, lại thêm lúc này tiết trời rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh. Chợt có người báo có thơ của cố nhân gởi lại. Nghe tin ấy, bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo tan đi đâu mất cả. Tiếp thơ, bèn mở ra đọc; trong thơ cố nhân chỉ bảo điều hoạ phước, bày tỏ chỗ lợi hại, chẳng những muốn mưu an toàn cho tôi mà thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu biết: cách nhau muôn dặm tuy xa, nhưng chẳng khác gì chúng ta ngồi chung cùng nhà nói chuyện với nhau vậy. Song le, tâm sự và cảnh ngộ của tôi có nhiều chỗ muôn vàn khó nói. Xem sự thế thiên hạ thế kia, mà tài lực tôi thế này, y như lời cố nhân đã nói: sức bọ ngựa là bao mà dám giơ cánh tay lên chống xe. Nhưng nghĩ lại, nước nhà mấy ngàn năm qua chỉ lấy văn hiến truyền nối đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh, tiền của chẳng giầu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng được nước, là nhờ cái gốc vua tôi cha con theo đạo năm thường. Xưa nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, bao phen lăm le chiếm đất ta làm quận huyện mà vẫn không chiếm được. Ôi! nước Tàu với nước ta, bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau không thể ỷ mạnh nuốt trôi ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng hẳn rồi, và cái căn bản thi thơ lễ nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình trông cậy dựa nương lắm vậy. Đến nay, người Pháp với mình cách nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể lại đây, đi tới đâu như gió lướt tới đó, đến nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà cũng bị đắm chìm hết thảy, chớ có phải riêng một châu nào, một nhà nào phải chịu lầm than đâu! Năm Ất Dậu xa giá Thiên tử ngự đến Sơn phòng Nghệ Tĩnh. Lúc đó, tôi đương có tang mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo, chớ đâu dám mơ tưởng đến sự gì khác hơn. Song vì mình là con nhà thế thần, nên đôi ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra, không lẽ nào từ chối, thành ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu. Gần đây Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa tôi mà giao phó việc lớn, ủy thác chuyện to, ấy mệnh vua như thế, nếu cố nhân đặt mình vào cảnh tôi, liệu có đành chối từ trốn tránh được không? Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên nhà cửa tôi dù hương khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem kẻ thân mà mình còn không đoái hoài, huống chi kẻ sơ; người gần mà mình còn không bao bọc, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến nỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai hoạ binh đao: quân Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ: người không có tội, chúng cũng buộc cho có tội, rồi thì nay trách mai phạt; phàm có cách gì đục khoét được của dân, chúng cũng dùng tới hết; bởi đó mà thói hư mối tệ tràn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu những tật khổ của dân quê. Như thế, bảo dân không tan lìa trôi dạt sao được? Cố nhân với tôi đều sanh đẻ tại châu Hoan mà ở cách xa ngoài muôn ngàn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông đến, thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này thì nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ của tôi thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì tôi phải nói dông dài nữa ư? Phan đình Phùng. Phúc thơ. Cuộc chiêu dụ không đem lại kết quả, năm 1895 Pháp quyết đánh mạnh. Núi Vụ Quang bị vây hãm; Phan phải lui quân về đóng ở núi Đại Hàm.
Dùng kế ngăn nước dụ cho địch đuổi qua sông, rồi cho phá đập để nước chảy mạnh xuống, Phan đã thắng một trận vẻ vang: giết được 3 sĩ quan Pháp cùng hàng trăm lính, lấy được ngót 100 súng.
Pháp được Khâm sai Nguyễn Thân giúp đỡ, càng ngày càng thắt chặt vòng vây, nghĩa binh hụt dần lương thực. Phan đình Phùng mắc bệnh lỵ mà mất tại núi Quạt ngày 31 – 11 – 1895, thọ 49 tuổi.
Khi sắp mất Phan có bài thơ cảm khái:
Nhung trường phụng mạng thập canh đông. Võ lực y nhiên vị tấu công. Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn. Phỉ đồ biến vị thượng đồn phong. Cửu trùng xa giá quan san ngoại. Tứ hải nhân dân thủy hoả trung. Trách vọng dũ long ưu dũ đại. Tướng môn thâm tự quý anh hùng. Dịch:
Nhung trường vâng mạng đã mười đông. Đánh dẹp dây dưa chửa tấu công. Dân đói kêu trời vang ổ nhạn. Quân gian dậy đất rộn đàn ong. Chín trùng lận đận miền quan tái. Trăm họ lẩm than đám lửa hồng. Trách vọng càng nhiều càng cố gắng. Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng. Phan mất rồi, quân thứ các nơi sinh chán nản, phần trở về quê quán, phần trốn sang Xiêm, Lào, phần ra đầu thú.
Cách đó ít lâu, Nguyễn Thân tìm ra được ngôi mộ của Phan, sai đào lấy di thể đốt ra tro rồi trộn vào thuốc súng, cho vào súng thần công bắn xuống sông La Giang.