Người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh năm 1835, trong một gia đình khoa bảng. Nguyên tên là Nguyễn tất Thắng, sau thi không đỗ mới đổi ra Nguyễn Khuyến, để tự cảnh tỉnh.
Năm 1864, đỗ Giải nguyên trường Hà Nội, năm 1871 đổ Hội nguyên và Đình nguyên, tức là Tam nguyên. Ba giải nhất, vì ít ai đỗ cao như thế nên mọi người gọi cụ là Tam nguyên Yên Đổ.
Sơ bổ đốc học Thanh Hoá, rồi thăng bố chánh Quảng Ngãi. Năm 1882, cử làm thương biện Hà Nội giữ việc thương thuyết với Pháp, sau bổ nhiệm tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Đến năm 1885, lấy cớ đau mắt cáo quan về nhà. Năm 1910 ( Canh Tuất ) tạ thế.
Thơ ca câu đối của Yên Đổ. Đây chỉ xin nhắc lại một vài giai thoại ít người biết, còn mấy bài thơ đã phổ biến đã chép lại để cho rõ tình tiết.
Tương truyền rằng khi còn ít tuổi, mắt ông đã kèm nhèm, vậy mà ngấp nghé cô con gái của ông Cử ở làng bên. Cô này bèn đem chuyện mách cha, ông Cử bèn cho mời ông đến, buộc làm một bài thơ, lấy đầu đề là:
Cua chơi trăng. Lấy chữ
trăng làm vần:
Thấy cái đầu đề có vẻ dè bỉu, ông tuy bực mình, song vẫn ngâm ngay tám câu:
Vằng vặc đêm thu ánh xế chừng. Ham thanh, cua mới muốn chơi trăng. Nghiêng mai lách ngược qua dòng biếc. Ghé yếm bò ngang nhởn bóng hằng. Cung quế chờn vờn hương mới bén. Vườn đào thoang thoảng gió như nâng. Một mai cá nước cua vui phận. Trăng muốn tìm cua có được chăng. Ông Cử thấy lời thơ hoạt bát và ý thơ khẳng khái, sinh lòng mến phục, nên đổi thái độ, tiếp đãi ân cần. Khi Nguyễn từ về, ông tiễn mãi ra cổng làng. Đến đây, thấy chùa làng có cây thông mọc bên một tháp cao, ông Cử tay trỏ miệng nói:
- Giờ xin thầy vịnh cái cảnh này đã rồi hãy về.
Yên Đổ đọc ngay:
Hữu nhất thanh tùng tại tháp tế. Tháp, tùng trường đoản bất tương tề. Thế nhân chỉ đạo thanh tùng đoản. Tha nhật tùng cao tháp hựu đê. Bản dịch của Nhân Phủ: Thông, tháp hai cây đứng cạnh nhau. Tháp dài, thông ngắn ngắm không đều. Miệng đời chỉ nói thông sao thấp. Thông mọc rồi cao, tháp thấm đâu. Ông Cử khen ngợi không ngớt, sai học trò vác năm quan tiền theo Yên Đổ đến tận nhà, giao xong mới được về.
Không rõ về sau, cua có được chơi trăng không, nhưng cua cũng đã được dịp trổ tài nói ngang.
Yên Đổ là bạn thiết với Vân Đình, hai ông lại thường hay thi tài văn chương với nhau. Có lần đương cùng đi chơi trên đường cái quan, chợt thấy đằng trước có người ăn mày để bị trên bờ cỏ để lẩn vào sau bụi cây. Vân Đình đố Yên Đổ tìm được điển tích nào thích hợp với sự kiện ấy. Yên Đổ đọc:
Phương thốn loạn hĩ, sả Bị chi Tháo. - Truyện Tam Quốc - Từ Thứ được thư của mẹ, trong bụng rối loạn, bỏ Lưu Bị đi sang với Tào Tháo. Bị đây là bị ăn mày, mà tháo từ vị trí danh từ đã nhảy sang một động từ có tính cách khẩn cấp…bất khả kháng.
Năm 1873, sau khi tướng Pháp Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết, các quan ta ở Hà Nội theo lệnh triều đình nghị hoà, nên phải tổ chức một buổi lễ truy điệu, để gây một không khí thuận tiện. Tổng đốc Hà Nội Trần đình Túc, cử Yên Đổ làm một bài văn tế. Cụ viết mấy câu sau:
Cái mắt ông xanh Cái da ông đỏ. Cái tóc ông quăn Cái mũi ông lõ. Đít ông cưỡi lừa Miệng ông huýt chó. Ông đeo súng lục liên Ông đi giầy có mỏ. Ông ở bên Tây Ông sang bảo hộ. Ông dẹp Cờ Đen Để yên con đỏ. Nào ngờ: Nó bắt được ông Nó chặt mất sỏ. Cái đầu ông kia Cái mình ông đó. Khốn khổ thân ông Đù mẹ cha nó. Tôi Vâng lệnh quan trên Cúng ông một cỗ. Này chuối một buồng Này rượu một hũ. Này xôi một mâm Này trứng một rổ. Ông có linh thiêng Mời ông xơi hộ. Ăn uống no say Nằm cho yên chỗ. Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ. Sở dĩ lời văn mỉa mai đến sỗ sàng mà không ai hót với Tây, là vì bấy giờ Tây vẫn còn ra sức mua chuộc lòng dân, mà Yên Đổ lại là bậc đại khoa có uy tín trong quần chúng, không ai dám động đến. Vả chăng những lối trào lộng như
đít đối với
miệng,
nằm cho yên chỗ, nó chặt mất sỏ, người Pháp đâu có hiểu lắt léo như ta dù có người dịch ra tiếng Pháp.
Đầu đời Đồng Khánh, Vũ văn Báo làm tổng đốc Nam Định, được cử đi công cán sang Pháp, đến nơi mặc triều phục chụp một bức ảnh.
Khi về, đưa ảnh tặng Yên Đổ. Cụ cám ơn bằng một bài thơ;
Bát nguyệt thừa tra công tứ khoan. Tịch tiền tiểu ảnh tặng lai khan. Côn hoàng bội phục chân vi sảo. Ưu ái tinh thần trạng đắc nan. Thiều mẫn tạm tuỳ sương tuyết cải. Kính hoa giao đới hải vân hoàn. Hạnh tai dư ảnh hựu công ảnh. Bích thượng cao huyền hậu nhật quan. Bản dịch của Nhân Phủ. Tháng tám xong xuôi Sứ đáp tàu. Tiệc vui đưa ảnh tặng cho nhau. Cân đai vẻ ấy như in hỉ. Ưu ái lòng kia dễ vẽ đâu? Mái tóc dường theo sương tuyết nhuộm. Kính hoa giữ mãi biển mây màu. Ảnh tôi, ảnh bác đây hai bức. Trên vách treo chung để lại sau…. Dụng tâm của Yên Đổ ở hai câu:
ưu ái lòng kia dễ vẽ đâu, trên vách treo chung để lại sau…quả nhiên về sau này ai cũng thấy rõ lòng ưu ái không phải ở Vũ văn Báo hia mão cân đai, mà ở ông già khăn đóng áo dài.
Năm 1907, chính phủ bảo hộ đặt ban tu thư, chọn các ông khoa bảng họp lại biên khảo sách giáo khoa mới, chủ ý sửa đổi phép học và phép thi cũ.
Yên Đổ tặng một bài thơ:
Nhắn nhủ tu thư hỡi các ngài. Đã tu tu kỹ,chớ tu lười. Góp chung ba bốn năm mồm lại. Rồi để trăm nghìn vạn mắt coi. Bút gác núi Nùng thêm vẻ rạng. Mực mài sông Nhị ngát hương trôi. Bê ba sẵn sách đem ra đọc. Để biết khoa danh biết mấy đời!