II Với dòng suy nghĩ miên man, Mùi đã đãi xong mớ đỗ và khi lên bờ cô mới nhận ra sương tan từ lúc nào. Đã có một mảng nắng chói lòa trên triền núi Phun Kha. Ô, lại một cây đỗ quyên nữa ra hoa, một chùm hoa đỏ rực nom vui mắt quá thể khiến Mùi muốn reo lên. Cô đi lại phía xảy ra sự đột nhiên đó, vuốt ve chùm hoa và ngắm bóng chúng ngâm mình dưới đáy suối. Có lúc như thế đấy: niềm vui không được chia sẻ cùng ai, người ta muốn nhảy múa, muốn hát to lên hoặc làm cái gì đó cho thỏa thuê. Lúc này Mùi chợt nảy ra một cảm hứng, muốn xuống suối tắm. Chỗ này bây giờ vắng bóng đàn ông, thôi thì tha hồ thoải mái. Trút bỏ quần áo, Mùi ùm xuống suối bơi lội vẫy vùng. Mát mẻ quá, trời ạ.
Nhưng chỉ một lát sau cái cảm giác để thân trần cho dòng nước chảy vuốt ve mơn trớn làm Mùi hơi xấu hổ. Cô vội vàng lên bờ. Trong lúc hấp tấp bận quần áo, Mùi linh cảm thấy có đôi mắt nào đó đang nhìn mình. Chiếc nịt vú cài chưa xong, chợt nghe tiếng "khẹc, khẹc" giống như một tiếng cười đểu, Mùi hoảng hốt vơ chiếc áo che ngực, miệng há hốc, xuýt rũ lên. Từ trên cây vả bên kia bờ suối, một con khỉ đen, ức có chùm lông trắng, giương đôi mắt hau háu nhìn sang. Chao ôi! Lại chính là nó! Con khỉ này vắng bóng lâu lâu rồi, nay lại xuất hiện... Nét mặt Mùi tái đi, song cô trấn tĩnh để che giấu nỗi hoảng sợ. Trong lúc cô bận áo vào, con khỉ kêu lên những tiếng lí nhí như làm nũng. Kỳ quái thay, khi Mùi đưa mắt nhìn sang, lại thấy nó lim dim cặp mắt, hai tay vòng trước ngực, khuỷu tay tựa vào một cành ngang, mồm giẩu ra, môi chu như người ta hôn gió.
- Đúng là đồ khỉ!
Mùi kêu lên và cúi xuống nhặt một hòn đá nhằm nó tương sang. Chú khỉ có vẻ nhờn không bỏ chạy, chỉ né người tránh. Đến viên đá thứ ba thì nó giơ tay ra bắt lấy và lên giọng cười "khẹc khẹc", nó ném trở lại phía Mùi như cố tình đùa rỡn. Viên đá rơi vào mé suối làm nước bắn lên tung tóe. Mùi lùi lại vài bước chân, và con khỉ trên cành vả cũng bò ra chỗ mút cành, bất thần nó đứng thẳng dậy. Trời đất ạ, một con khỉ đực! Nó làm một động tác tục tĩu khiến Mùi vừa thực sự sợ hãi, vừa ngượng ngùng. Cô lùi vài bước nữa và vụt bỏ chạy. Lên đến đầu dốc, Mùi càng chạy nhanh hơn không dám ngoái cổ lại, vừa chạy vừa la: "Phượng ơi! Phư...ợng!"
Trong hang Phượng vẫn ngủ. Cho đến lúc Mùi chạy thốc vào, ôm choàng lấy ngang người Phượng, thở hổn hển, Phượng mới nhổm dậy, vẫn còn mắt nhắm mắt mở. Mùi kêu lên, giọng trách móc và hờn dỗi:
- Ngủ lấy chết à Phượng? Dậy mau lên! Trời ơi tao sợ quá!
- Gì mà chị hốt hoảng thế? - Phượng vừa hỏi vừa vặn lưng răng rắc.
- Nó lại về đấy!
Phượng ngơ ngác không hiểu nó là ai, đến khi biết chuyện thì Phượng phá ra cười:
- Thế mà chị cũng mất hồn! Nó nhớ chị đấy!
- Chỉ được cái lếu láo - Mùi gắt.
- Ô hay! Em nói thật, chị không nhớ cái dạo trước, hồi chưa có anh Ku Xê, nó vẫn mò về bên kia suối luôn. Chú khỉ mà tụi em vẫn đùa là chàng hiệp sĩ, bận đồ đen thắt nơ trắng í mà, nó chỉ trêu chị chớ có bao giờ nó dám trêu em và cái Tuyết Lan. Chị có nhớ hôm ba chị em mình đi tắm, em và cái Tuyết Lan về trước, chị chỉ nán lại sau một chút xíu là chú chàng xuất hiện...
- Thôi đi, đừng có ba hoa nữa. Tao còn vất vả mớ đỗ và bàn chải đánh răng ngoài suối, mày không sợ thì ra lấy hộ chị!
Vẫn bận nguyên bộ đồ ngủ, chiếc quần dệt màu nước biển và chiếc áo may ô trắng có in con số 4 sau lưng. Phượng xách khẩu A.K, lên đạn, khóa chốt an toàn cẩn thận, vừa đi vừa huýt sáo miệng. Ra đến cửa hang, cô còn ngoái lại nói vọng vào.
- Chị Mùi ơi! Chị không sợ em cuỗm mất người yêu của chị à?
Phượng cất tiếng cười khanh khách, nụ cười hồn nhiên tươi trẻ cứ vang mãi trong vòm hangn khiến Mùi cũng mỉmm cười theo. Phượng đi rồi, Mùi ngồi một mình trong hang, chợt cảm thấy chống chếnh. Biết đâu nó lại lẻn sang bên này suối mò đến đây. Cảm thấy lạnh. Mùi đến bên bếp đẩy ba khúc gỗ chụm đầu vào nhau cho sát hơn và chỉ vài hơi thổi, ngọn lửa bén lên cháy lem lém. Cô hơ tay lên bếp, mắt ngước nhìn cái mấu đá trên vách, nơi treo toòng teng khẩu AK của mình, ý định sắn sàng tự vệ. Quái lạ! Lẽ nào cái Phượng lại nói đúng! Con khỉ này biệt tăm đã vài ba tháng, nay lại trở về. Giống khỉ vốn thính nhậy thế. Chắc là nó biết trong cái quán này đã vắng bóng anh Ku Xê, nó chỉ sợ đàn ông chứ không sợ đàn bà. Nhưng không hiểu sao, trong ba chị em nó chỉ nhằm trêu Mùi? Mấy lần cả ba chị em gặp nó, lấy đá ném hoặc giương súng lên dọa là chú chàng không dám nhờn, chú nhẩy chuyền cành này sang cành khác, hoặc có lúc đứng rung cây một chặp, miệng kêu "khẹc khẹc" rồi cuối cùng cũng bỏ chạy. Cái Phượng và cái Tuyết Lan đã vài phen đi lẻ gặp nó, nhưng nó vẫn ngại ngại các cô ấy. Chỉ có lần Tuyết Lan về kể chuyện là "chàng hiệp sĩ áo đen thắt nơ trắng" giở đúng trò khỉ là chổng mông lên vỗ bành bạch, cáu sườn cô mới rẹt cho một loạt AK, chú chàng chạy biến. Riêng Mùi, bao giờ gặp nó, Mùi đều phát hiện ra là dường như nó đón đợi Mùi từ lâu. Nó không dọa mà có ý mơn trớn đùa bỡn. Cũng đã vài lần như sáng nay, nó làm Mùi vừa sợ vừa ngượng mà không dám nói với ai, kê cả Phượng và Tuyết Lan. Là gái có chồng, dù chỉ ở với chồng được đúng năm hôm trước lúc anh đi B. Mùi đã hiểu thế nào là đàn ông. Hai năm đã trôi qua, cái cảm giác rạo rực trong vòng tay chồng, mỗi lần nhớ lại dậy lên trong lòng Mùi một nỗi khao khát và bao giờ Mùi cũng cố xua đi bằng nhiều cách, mà cách tốt nhất là công việc nặng nhọc. Bởi thế cô không muốn tự gợi cho mình, và cũng thật không nên gợi sự tò mò cho Phượng và Tuyết Lan.
Chúng nó còn trẻ còn trinh trắng. Điều làm cho Mùi băn khoăn là tại sao con khỉ đột ấy lại nhận biết ra Mùi, dường như chỉ lưu ý tới Mùi? Có thể Mùi có một bộ tóc dài, đen bóng, bộ tóc gợi lên một nét mềm, duyên dáng trái hẳn với mái tóc cắt ngắn cũn cỡn của Phượng và mái tóc uốn của Tuyết Lan? Hay là nó biết Mùi, dù có mang súng đấy cũng chưa bao giờ giương lên dọa? Hoặc nó chính là Tề Thiên Đại Thánh, có đôi mắt thần nhìn thấy nỗi khát khao của một cô gái xa chồng? Ôi chao, nghĩ vậy Mùi cảm thấy muôn phần sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi ấy đã ám ảnh Mùi, và cách đây ba tháng, Mùi đã bàn với Phượng và Tuyết Lan rằng, cái quán này nhất thiết phải có một người đàn ông. Mùi biết rằng, chung đụng với đàn ông là sự phiền hà, nhưng nếu chọn một người đứng đắn tử tế thì cũng yên tâm. Với lại còn hơn là để Mùi và các bạn gái khác bị ám ảnh vào những truyền thuyết từ xưa, rằng giống khỉ có thể hiếp đàn bà con gái. Mùi về binh trạm, gặp thiếu tá Lâm. Thoạt đầu người binh trạm trưởng ngần ngừ, ông vốn nổi tiếng nghiêm khắc, không bao giờ nới tay trong xử lý các vụ kỷ luật quan hệ nam nữ bất chính. Ông ngại một điều gì đó lèm nhèm sẽ xảy ra. Nhưng sau ông chợt nhớ tới Ku Xê, chiến sĩ bảo vệ của ông, người mà ông tin cậy. Ku Xê ít nói, hiền lành và là tay săn bắn giỏi vào bậc nhất ở binh trạm này. Hơn nữa ông tin Mùi. Thẳng thắn đề xuất một ý kiến như vậy, Mùi đã tỏ ra một người con gái có bản lĩnh vững vàng.
- Thôi được! Tôi cho cậu Ku Xê về dưới đó. Nhưng cô vẫn là người phụ tráh.
Thực ra Ku Xê không thích về quán. ở binh trạm, thỉnh thoảng anh còn được đi công tác để tạt về với vợ cách ba ngày đường núi, còn lên trên này càng xa và chỉ quanh quẩn một nơi. Chỉ vì lệnh của ông Lâm, không chấp hành không được. Có Ku Xê về, chị em trong "quán Tiên" yên tâm hơn, riêng cánh lái xe - những khách hàng quen thuộc là lên giọng trêu chọc châm biếm rằng, cái "quán Tiên" đã mất vẻ tiên. Quán Tiên mà để người trần lọt vào giống như truyện "Thiên thai" ngày xưa. Nhưng ngày xưa là hai chàng họ Lưu, họ Nguyễn còn bây giờ chỉ một anh chàn họ "Ku" ha ha! Những câu châm chọc tai ác thường nhằm vào anh chiến sĩ người dân tộc khiến Mùi nổi giận. Nhiêm mặt lại, cô thường nói những lời lẽ cứng rắn bắt cánh lái xe phải chấm dứt trò đùa tếu. Những lúc ấy, Ku Xê không nói gì. Cái tẩu ngậm trên miệng bốc những vòng khói xoăn tít như chính mái tóc của anh. Còn đôi mắt màu gio lại chỉ chăm chú nhìn vào đám bọt củi đang phồng lên xẹp xuống.
- Đồng chí Mùi1 mình làm việc chi?
Anh chấp nhận sự chỉ huy của Mùi như thế. Công việc rong quán không có gì nhiều, ba chị em là đủ, nếu như cái Tuyết Lan thỉnh thoảng không lên cơn "ít-tê-ri". Mùi chỉ giao cho Ku Xê nhiệm vụ săn bắn cải thiện. Quả thật đã xách súng đi, Ku Xê ít khi về tay không. Hôm thì gà lôi, cheo, cầy hương, có hôm được hoẵng, nai, gà rừng, nhiều nhất là doộc. Ăn uống trong nhà trở nên khấm khá đã đành, lại còn có thức ăn bán kèm theo xôi hoặc bánh chưng cho anh em lái xe. Có hôm, được những con thịt lớn, Mùi gửi về binh trạm hoặc san sẻ cho trạm giao liên đóng cách "quán Tiên" chừng dăm cây số. Điều quan trọng nhất của Mùi, khi đưa Ku Xê về là để xua tan cái ám ảnh về "chàng hiệp sĩ áo đen thắt nơ trắng". Cô hy vọng với tay súng cự phách của anh, Ku Xê sẽ hạ thủ chú khỉ đột nguy hiểm kia. Nhưng nó chỉ thành công ở dáng vẻ khác. Mấy buổi liền, Mùi dẫn Ku Xê đi ven suối để nhận mặt "kẻ thù", nhưng khi bắt gặp là chú chàng kêu thét lên một tiếng và bay từ cành này sang cành kia, hốt hoảng chuồn thẳng. Ku Xê lắc đầu bảo rằng, con khỉ này tinh khôn quá rồi, nó đánh hơi được anh là tay sát thú, nên sợ hết vía nó "hết muốn" tha thẩn quanh đây nữa. Lạ nhỉ, nó đánh hơi được ư? Nhưng đấy lại là điều có thật. Sau ngày hội ngộ đầu tiên với Ku Xê, "chàng hiệp sĩ bận đồ đen thắt nơ trắn" biệt vô âm tín luôn. chị em băn khoăn, tại sao Ku Xê nặng hơi sát thú mà săn doộc lại vào tay tổ thế? Doộc thì cũng là giống khỉ thôi. Có hôm anh khiêng về hai con một lúc. Hỏi, anh chỉ cười: "Mình muốn bắn nhiều nữa cũng được nhưng mình phải để dành". Anh coi đàn doộc như đàn gà trong chuồng nhà mình. Tuyết Lan là cô gái tò mò. Cô tình nguyện đi theo Ku Xê một hôm và đánh cuộc với anh là phải hạ được ba con để có phần cho cô gùi về, chị em mới thực sự phục anh sát ván. Ku Xê đồng ý. anh bảo cô gái bỏ túi một củ tỏi thì không thú gì đánh hơi được mình nữa. Sáng sớm ra đi, anh trèo lên trên đỉnh hangn lấy tay làm loa che tai, anh xoay bốn phía nghe ngóng như một chiếc ra đa điện tử. Tuyết Lan không nghe thấy gì, nhưng Ku Xê đã nhận ra tiếng hú của một đàn doộc từ rất xa. Anh nhằm theo hướng ấy, đạp rừng mà đi. Gặp được đàn doộc có đến hàng trăm con, Ku Xê chỉ rút tẩu ra nhồi thuốc hút ngồi đợi. Tuyết Lan giục anh bắn, nhưng anh vẫn ung dung nhìn theo khói thuốc. Đàn doộc đi đâu anh theo tới đó, vẫn chưa bắn. Anh bảo hãy đợi đến lúc chúng nó ngủ trưa đã. Quả thật, đến lúc đứng bóng, đàn doộc ngồi im phăng phắc, con nào con nấy nép vào cành lá để che mặt. Chả hiểu có phải chúng nó ngủ hay không, nhưng chúng hoàn toàn không biết gì khi Ku Xê lom khom di chuyển để lựa một tư thế bắn xuyên táo. Anh bình tĩnh nâng khẩu K.44 lên. Phát thứ nhất hai con doộc cùng rơi. Đàn doộc mở choàng mắt vẫn chưa hiểu ra chuyện gì thì Ku Xê nã tiếp một phát nữa. Bấy giờ đàn doộc mới kêu ầm ĩ và chuyền cành thoăn thoắt, chạy biến. Thế là xong, gùi một lúc ba con doộc về, và sự nổi tiếng về tài săn bắn của Ku Xê đã lên tới tỉnh.Từ đó, Tuyết Lan thường hay đi theo Ku Xê hái măng, hái nấm và các loại lá cây có thể ăn được, nào là dương xỉ, tai nai, môn thục, đoác... Phượng là đứa tinh nghịch, thường trêu Ku Xê và Tuyết Lan là hai anh em, bởi Tuyết Lan có nước da ngăm ngăm đen, hơi tái tái, và mái tóc uốn tuy lâu ngày không làm lại đã có phần duỗi ra, nhưng vẫn còn lưu lại vẻ loăn xoăn. Ku Xê chỉ cười và cũng biết nói một câu đùa: "ừ nó là người dân tộc Pakoh mình đó". Tuyết Lan vui vẻ thực sự, đôi mắt ướt của cô long lanh vui vẻ hẳn lên. Từ ngày Ku Xê về, rõ ràng Tuyết Lan giảm hẳn căn bệnh "ít-tê-ri". Hồi trước cứ dăm bảy ngày, cô lại lên cơn. Phượng vào dỗ dành xoa bóp thường bị xua đuổi, có lúc Tuyết Lan còn ôm lấy bạn mà cấu xé. Vậy mà nay Tuyết Lan lại thích hát, vừa gói bánh chưng vừa hát đã đành, chặt gỗ, gùi nếp ở trạm giao liên về, nặng nhọc toát mồ hôi, cô vẫn hát. Mà nào hát có hay gì đâu, giọng cứ the thé như mèo cái động tơ, cái Phượng thường trêu là đài "Be be xe" đã lên tiếng. Tuyết Lan thay đổi và việc gì lo ngại sẽ xảy a, đã xảy ra. Tuyết Lan chợt biếng ăn, người gầy đi, trên cổ nổi rõ những đường gân xanh, đôi lúc nôn oẹ, triệu chứng của người có nghén. Mùi và Phượng thực sự lo ngại thì thầm với nhau. Hỏi gần hỏi xa, Tuyết Lan lắc đầu kêu là mệt mỏi mấy hôm thôi. Hôm ra suối tắm, Mùi đành bắt Tuyết Lan cởi áo trong ra. Nhìn thấy đôi núm vú đen xỉn lại, Mùi thốt lên "Chết mẹ mày rồi em ơi!". Buổi tối Tuyết Lan trùm chăn khóc thút thít. Ku Xê ngồi bên bếp lửa đan cái Ate (1)bằng mây để gửi về làm quà cho vợ. Mùi hỏi thẳng Ku Xê, giọng nghiêm túc:
- Đồng chí có biết vì sao nó khóc không?
Mắt vẫn để trên đường mây trong tay. Ku Xê đáp:
- Biết.
- Vậy đồng chí có nhận là mình phạm lỗi không?
- Có nhận. Mình có khuyết điểm.Nhưng cũng tại đồng chí Mùi bảo mình...
Mùi trố mắt ra, chưa kịp ngạc nhiên về sự đổ vấy như thế, đã sực nhớ ra hôm Tuyết Lan lên cơn "ít-tê-ri".
Hôm ấy, nó cười sằng sặc như con điên, rồi úp mặt xuống sạp khóc rưng rức, sau đó lên cơn run giật từng hồi. Mùi đã từng hỏi bác sĩ và được biết "ít-tê-ri" là căn bệnh thuộc hệ thần kinh mà các bậc lương y thường gọi là "chứng uất". Thường là do thất tình quá độ làm tâm thần rối loạn gây nên. Mùi không hiểu rõ mối tình của Tuyết Lan, bởi nó là đứa ít bộc bạch tâm sự. Chỉ biết nó đang ở tuổi hai ba và đã từng yêu một anh nào đó hồi còn học sinh phổ thông với nhau. Có khi cũng chẳng phải thất tình, dạo ấy đám thanh niên xung phong ở Trường Sơn bị bệnh này khá phổ biến. Nó chỉ lên từng cơn, xong lại thôi. Nhưng bao giờ cũng thế, khi lên cơn, có đàn ông vào săn sóc là cơn bệnh ui ngay, ít tổn hại thần kinh. Hiểu như vậy Mùi bèn gọi Ku Xê đến săn sóc Tuyết Lan. Thoạt đầu ku Xê ngồi đức ra không biết làm gì. Mùi phải bảo anh hãy xoa tay chân mặt mũi cho nó, vậy mà anh vẫn ngượng ngùng lóng ngóng làm sao ấy. Mùi và Phượng bèn kéo nhau ra ngoài để cho anh được tự nhiên. Thế đấy, chả lẽ lầm lỗi của Ku Xê và Tuyết Lan lại bắt đầu từ sự từ tâm chính đáng ấy? Dù sao, cũng là sự đã rồi. Biết ăn nói làm sao với Binh trạm trưởng đây? Và Mùi đã chọn cách nói thật nói thẳng, nhưng nói với chính ủy trước, để chính ủy liệu đường nói với ông Lâm. Thế mà thiếu tá Lâm vẫn nổi trận lôi đình. Ông xạc Mùi một chặp làm như chính Mùi là đầu têu của câu chuyện bất chính này. Đôi mắt đỏ ngầu, tấm lưng gù xuống như lưng gấu, ông gầm lên gọi Ku Xê là thằng "ôn dịch", gọi Tuyết Lan là con "đĩ rạc" - "Bắt chúng nó về đây, trói mẹ chúng nó mỗi đứa một gốc cây, cho mỗi đứa nếm năm chục roi hèo, làm gương cho thiên hạ. Như các cụ ngày xưa, có khi lại hóa hay". Ông gầm lên như thế cho hả giận, chứ cuối cùng ông chẳng hề giở cái luật man rợ ấy ra được. Tuy nhiên ông vẫn không nới tay, ông gọi ku Xê về bắ làm kiểm điểm, chịu kỷ luật cảnh cáo, hạ tầng từ binh nhất xuống binh nhì và thuyền chuyển vào trạm giao liên số 41. Đấy là trạm giao liên ở vùng nước độc nhất lại ác liệt nhất bởi vì luôn phải dẫn khách qua sông xê Công. Còn Tuyết Lan, thoạt đầu ông đòi đuổi về địa phương cho họ hàng làn nước ỉa vào mặt. Chính ủy can thiệp, ông mới chịu cho Tuyết Lan đi viện nạo thai, xong sẽ về đội thanh niên xung phong xung kích lấp hố bom ở ngầm Tà Khống, nơi suốt ngày suốt đêm không mấy khi ngớt bom đạn. Binh trạm trưởng thường có cái nết như thế: Ông coi nơi gian khổ ác liệt là nơi rènn luyện, thử thách con người cao nhất. Giáp mặt với cái đói khát, cái chết chóc con người sẽ tự bộc lộ mình ra. ở đấy không dung nạp được những con người mập mờ, chung chung, ông không ưa loại người này. Là binh trạm trưởng một tuyến đường dài hàng trăm kilômét, nhưng ông chưa bao giờ là kẻ tìm nơi ẩn núp an toàn. Nơi nào ác liệt nhất là ông có mặt, ông tự bảo hoặc là mình chết hoặc thằng Mỹ phải thua, máy bay nó bị hạ, đường sẽ phải thông, hàng phải ra tận tiền tuyến. Mỗi lần ở chỗ ác liệt trở về, cái tự hào của người chiến thắng như những chất men kích thích, ông càng tin vào sự cứng rắnn của mình. Nhưng đằng sau cái lý lẽ đẹp đẽ ấy, chính ông Lâm cũng không nhận biết ra một thói xấu khác đang ẩn náu. Bởi muốn bộc lộ uy quyền của mình, nên ông coi nơi gian khổ ác liệt là nơi trừng phạt con người, một nơi để thi hành bản án khổ sai, thậm chí cả bản án tử hình nữa. Ku Xê cắp ba lô đi là đi thẳng luôn, không ngoái cổ lại. Còn Tuyết Lan, trước khi đi Tà Khống nó trở về "quán Tiên" để chia tay vói Mùi và Phượng. Con bé đến là nhơn nhơn, nó coi như không có chuyện gì xảy. Nó còn trắng trợn nói thẳng ra rằng nó có yêu gì Ku Xê, anh chàng "cù lần" ấy đâu. Chẳng qua, chậc... - no tặc lưỡi, giá có thuốc uống chống thụ thai thì đâu đến nỗi. Tuyết Lan ăn nói bạo mồm, khiến Mùi kinh ngạc. Nó tìm ở đâu ra được cái lý lẽ như thế không biết? Có thể nó nói đúng chăng, đôi lúc Mùi phân vân. Nhưng dù sao, cái ấn tượng của Tuyết Lan để lại là ấn tượng xấu. Mùi còn một nỗi lo khác. Tuyết Lan đã đành phận nó, nhưng còn cái Phượng, nó là đứa con gái xinh xẻo, trẻ nhất đám, lại có văn hóa. Nó yêu Quỳnh, một mối tình chính đáng. Quỳnh là tay lái xe "Zin 157" đầu tời, một thanh niên đẹp, khỏe mạnh và dũng cảm. Quỳnh và Phượng lại là đồng hương với nhau. Thực ra, đồng hương cũng là do cô cậu nhận nhằng. Phượng quê Kỳ Anh thuộc Hà Tĩnh mà quỳnh quê bên Quảng Trạch thuộc Quảng Bình. Tuy nhiên, hai huyện lại giáp giới với nhau, chỉ băng qua cái Đèo Ngang cao vời vợi và dài dằng dặc thế kia, họ vẫn cãi là chỉ cách nhau chút xíu. Họ còn đem cái nghề làm nón cổ truyềnn của Ba Đồn và Kỳ Anh ra để chứng minh là hai miền đất này cùng chung một gốc. Dẫu cho bạn bè có trêu họ là "đồng hương ngoại lệ" thì họ vẫn yêu nhau. Mỗi lần nhe tiếng ì ì nặng nề thỉnh thoảng xen vào tiếng gầm xe kêu kèn kẹt, biết chiếc "Zin 157" đầu tời của Quỳnh tới, là Phượng cuống quít lên, đứng ngồi nhấp nhổm. Còn Quỳnh thì chén xong xôi hoặc bánh chưng, trả xong mấy đồng giấy bạc Trường Sơn (2)rồi, vẫn còn nấn ná, mặc dù lệnh của binh trạm trưởng không cho phép lái xe nào được dừng ở quán quá 15 phút, Mùi phải nhắ nhở hoặc thân mật xua đuổi Quỳnh mới chịu đi. Và bao giờ, Phượng cũng tiễn Quỳnh ra xe. Họ yêu nhau như là sự tất yếu vậy. Mùi thường quan sát họ với đôi mắt người chị cả, bao dung và đầy lo toan. Nỗi lo của Mùi càng tăng thêm sau câu chuyện lèm nhèm của Tuyết Lan vỡ lở. Cách đây một tháng, Quỳnh được lệnh đánh xe vào trực chiến trong ngầm Tha Mé để kéo các xe bị rệ vì khu vực đó bị đanhs phá ác liệt quá. Hôm đó Quỳnh thật liều lĩnh đánh xe đến "quán Tiên" giữa ban ngày, cốt để tạm biệt Phượng. Suốt mấy tiếng đồng hồ, cô cậu quấn quít lấy nhau không rời nhau nửa bước. Vì ý tứ và thông cảm, Mùi giành lấy công việc trong quán mà làm để cho Phượng được thoải mái. Cô còn đưa mắt ra hiệu cho Tuyết Lan cấm không được làm chúng nó mất tự nhiên, vì Tuyết Lan có nết xấu hay ghen ghét. Có thể do Mùi độ lượng và dễ dãi nên cô cậu đan rì rầm trò chuyện trước cửa hàng, nhoàng một cái, đã thấy mất hút cả đôi. Mùi lo lắng và im lặng đi tìm. Ra đến ngoài suối thì quả nhiên thấy đôi tình nhân đang ôm hôn nhau trong một tư thế có phần lả lơi. Bất giác Mùi khẽ thở dài rồi cất tiếng gọi Phượng. Lần ấy, Mùi đã nhắc nhở Phượng, rằng làm thân con gái phải biết giữ gìn, Phượng chỉ đỏ mặt, không nói gì. Bây giờ tấm gương của Tuyết Lan đã tầy liếp, Mùi càng phải để mắt đến Phượng. Nó mà có làm sao thì chính Mùi cũng không dám nhìn mặt ai nữa. Người ta có quyền nghi ngờ cả Mùi. Một đêm, Mùi ôm lấy Phượng thủ thỉ:
- Phượng ơi! Chị hỏi thật em nhé! Em và Quỳnh yêu nhau có để xẩy ra điều gì đáng tiếc không?
Phượng bật cười:
- Chị này lẩn thẩn. Đáng tiếc là thế nào? Chẳng có gì đáng tiếc cả.
Hiểu câu nói của Phượng ra một ý nghĩa táo bạo, Mùi đâm hoảng:
- Chết thật! Em nói gì thế? Chị hỏi em nghiêm chỉnh đấy! Chị thấy em và Quỳnh yêu nhau quá! Nếu muốn thành hôn thì để chị báo cáo với binh trạm xin phép hẳn hoi. Cơ mà rồi sẽ phải về hậu phương thôi! Chứ đèo bòng con cái ở giữa chiến trường sao được. Đừng để xẩy ra như cái Tuyết Lan...
Phượng càng cười ré lên:
- Trời đất ạ! Chị lẩn thẩn vừa chứ1 Cái Tuyết Lan khác mà em khác. Chị cứ yên tâm.
Sau tràng cười, Phượng xoay người ôm lấy ngang lưng mùi, giọng hờn dỗi:
- Vậy là chị không tin em rồi.
- Không, chị tin, chị tin em.
Quả thật sau đêm tâm sự ấy, Mùi mới yên tâm, Phượng là cô gái đáng tin. Mà không tin Phượng biết còn tin ai, trong quán lúc này chỉ còn hai chị em. Ban đêm có anh em lái xe qua về còn vui vui, chứ ban ngày vắng hoe. Sau vụ Ku Xê và Tuyết Lan ra đi, binh trạm vẫn chưa cho bổ sung thêm người mà Mùi cũng chưa xin, chỉ còn hai chị em, vất vả thì không đáng kể bằng sự trống trải, buồn hiu. Vậy mà nay "chàng hiệp sĩ bận đồ đen thắt nơ trắng" lại xuất hiện gây nên một nỗi lo sợ đến cháy lòng.
Chú thích
(1) Gùi của phụ nữ Pakôh.
(1) Một loại phiếu chỉ dùng riêng trên tuyến đường Trường sơn.