Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tiếng Đất

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9122 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tiếng Đất
Xuân Thiều

Người mẹ tội lỗi P II

II
Vào đúng tháng 7 năm 1977, xã Mai Thủy khánh thành nghĩa trang liệt sĩ bằng một buổi lễ tưởng niệm trọng thể. Quả là mát mặt vong linh người đã hy sinh cho đất nước, càng mát mặt thân nhân các liệt sĩ. Lão Cận nhận bằng liệt sĩ của con, nhận cả huân chương nữa về treo trên bàn thờ. Cũng vào dịp ấy, Thảo, cháu gái của lão được xã giới thiệu lên tỉnh đi dự học lớp trung cấp thương nghiệp theo tiêu chuẩn con em liệt sĩ. Thực tình thì vợ chồng lão Cận cũng phân vân. Vợ chồng lão đều già lắm rồi, lão bẩy nhăm, vợ lão bẩy ba. Đành rằng lão còn một lô một lố cháu ngoại, nhưng cháu ngoại là cháu ngoại, chỉ mình Thảo là cháu nội. Dù Thảo đã học đến lớp 12 trước giải phóng, thì vợ chồng lão cũng chỉ muốn nó ở cạnh mình. Vài nơi ngấp nghé rập rình muốn nhắm Thảo, nhưng lão Cận không ưng. Lão chỉ ưng cái nhà anh trung úy Thắng trên huyện đội. Anh Thắng là người cùng xã đã đành, lại mồ côi cha mẹ. Lão tính, nếu hai đứa duyên ưa phận đẹp lão sẽ cho Thắng ở rể. Cháu rể cũng như cháu nội, trong thâm tâm lão không muốn cho Thảo đi xa. Lão băn khoăn. Vợ lão càng băn khoăn hơn, nghiêng về phía cự tuyệt. Bà lão khuyên cháu:
- Đi học cái nghề bán hàng mần chi, con? Mệ coi bộ mấy đứa bán hàng trên huyện, đứa mô cũng vênh vênh cái mặt lên như cứt bò được nắng. Hỏi không thèm thưa. Thôi ở nhà mần ruộng, chằm nón cũng đặng!
Ông lão tính toán chán rồi bàn với vợ: Thôi bà nó ạ! Để cho cháu nó đi! Học cái nghề là một chuyện, nhưng đây là cái hương thơm cha nó để lại! Cha nó có hy sinh cho cách mạng, chừ cách mạng mới tri ân. Lớp học này xã ta được có hai đứa - có phải ai cũng được đi đâu.
Bà lão vỡ lẽ ra và cả hai ông bà lo toan sắm sanh cho Thảo lên Huế nhập trường. Sắm cho nó hiếc va li có khóa cẩn thận để bỏ tư trang và sửa sang lại cho nó chiếc xe đạp. Từ Huế về nhà mươi cây số, có chiế xe đạp tốt để thỉnh thoảng nó về thăm ông bà. Hôm Thảo ra đi, vợ chồng lão Cận giết gà làm cơm. Trước nữa là để thắp hương khấn khứa vong linh ba mẹ nó, sau đó là cả nhà liên hoan. Bữa cơm có mặt hai cô con gái của vợ chồng lão Cận lấy chồng ngay trong làng, lại có cả anh trung úy Thắng trên huyện đội. Có chén rượu vào, lão Cận rất vui, lão cảm thấy những ngày cuối đời của lão thực sự đã có chút ít đền bù. Lão muốn quên tất cả quãng đời dài đầy gian truận, khổ đau của lão. Hết thời thằng Pháp đến thời thằng Mỹ, không phải lão không kiếm ra miếng cơm manh áo, thời nào lão cũng sống được nhờ hai bàn tay của mình. Nhưng no cơm ấm áo mà lòng dạ luôn luôn đau đớn tủi nhục thì đâu phải hạnh phúc? Ôi, lão cũng không muốn nhắc đến những đớn đau tủi nhục của tháng năm đã qua nữa, lão sẽ quên, sẽ quên hết. Cách mạng đã thắng lợi rồi, có nghĩa là độc lập, tự do, hạnh phúc sẽ đến. Làm sao lão lại không vui được? Vậy mà... Vậy mà buồn thay, niềm vui của lão Cận vừa mới nhen đã tắt ngúm. Sự thể xảy ra sau ngày Thảo nhạp trường vừa đúng bốn hôm. Buổi trưa, lão Cận vừa mới ngả lưng, chợt thấy Thảo đạp xe về, chiếc va li nhỏ cột luôn sau xe.Cô gái dựng vội xe đạp vào vách hiên, chiếc xe đạp ngã chổng kềnh cô cũng không buồn nâng dậy và chạy ù vô buồng úp mặt xuống gối khóc tấm tức. Vợ chồng lão Cận ngẩn ngơ không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Hỏi nó, nó không nói, chỉ khóc. Vừa khóc vừa kêu thầm: "Mạ ơi! Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu, mạ ơi!". Bà già tưởng cháu ốm, cuống quýt sờ đầu sờ trán, nhưng Thảo gạt tay bà đi. Bà vừa cáu vừa thương. Bà mắng yêu cháu, mệ nội mi Thảo à! Có chuyện chi thì nói cho ông mệ biết chớ. Thằng mô trêu mi hử?
Ông già Cận nhìn hai vai cháu run lật bật theo từng tiếng nấc, bèn bảo vợ:
- Bà cứ để yên cho cháu nó khóc. Nó có chuyện ấm ức nó mới khóc. Nguôi nguôi rồi cháu sẽ nói. Không phải giục!
Lão Cận bỏ ra ngồi ở tràng kỷ. Lão rót một ly rượu. Lúc có điều suy nghĩ, lão thường nhấp vài hụm rượu. Loại rượu nếp tự cất lấy ngâm thêm lục vị, uống một ly là ấm mặt. Nghe tiếng khóc tấm tức của cháu, lão xót xa vì dự cảm cái điều đa chôn vùi vài chục năm nay giờ lại phải bới lên. "Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu...". Ôi, tội nghiệp cháu lão! Nào nó có tội tình gì?
Quả thật thế, sau khi lau nước mắt, Thảo mới trao cho lão Cận tờ giấy của phòng tổ chức nhà trường trả Thảo về địa phương vì lý do không đủ tiêu chuẩn. Bà lão ít chữ nghĩa, không hiểu tiêu chuẩn là cái gì. Ông lão bèn giải thích cho vợ, và bà lão nổi xung lên. Con Thảo thiếu tiêu chuẩn gì nữa nào? Nó đẹp gái, không đui què mẻ sứt này! Nó đỗ tú tài rồi này! Người ta đòi tiêu chuẩn chi nữa? Mà đã không đủ tiêu chuẩn thì loại con bé từ đầu, chứ triệu tập nó lên tỉnh, rồi trả về là nguyên cớ làm sao? Bà lão cứ xồn xồn rầy la, coi như rầy la vào khoảng không vô hình. Còn lão Cận cứ ngồi im, chòm râu lốm đốm bạc cũng im phăng phắc. Lão nhìn ra ngoài sân nắng, như thể nói với bóng cây cau in một vệt đen xuống góc sân:
- Thì bà cứ để cháu nó nói sự tình đầu đuôi, coi răng.
Sự tình đầu đuôi mới xảy ra sáng nay được Thảo kể lại qua giọng nói còn phập phệu. Thảo kể về sự bất ngờ lúc được gọi lên gặp chú Sơn, phòng tổ chức. Chú Sơn nghe nói ở rừng về, nhưng nom chú hồng hào trắng trẻo, ăn bận lịch sự, đeo kính trắng dáng vẻ một trí thức thành phố. Chú Sơn kéo ghế mời Thảo ngồi, rót một ly nước trà đưa tận tay Thảo. Chú tủm tỉm cười nhìn Thảo và nói:
- Trông cháu giống mẹ cháu lắm!
Thảo mừng rơn, thế là chú Sơn cũng biết cả mẹ Thảo. Quả thế thật, chú còn biết nhiều người trong xã Mai Thủy. Chú bảo là hồi kháng chiến, chú có về công tác ở xã Mai Thủy dăm bảy lần. Với lại, chú quê ở Dương Thủy, xã cạnh nách Mai Thủy đó thôi. Chú nói chuyện thân mật, vòng vo tam quốc một chặp rồi mới đưa cái giấy cho Thảo, vào bảo:
- Cháu thông cảm. Đây là việc của tổ chức. Chú cũng không muốn vì chú rất thương cháu, quý cháu. Nhưng tổ chức đã xem xét thấy cháu chưa đủ tiêu chuẩn mới phải trả về. Cháu cứ yên tâm về nhà đi! Để chú coi có lớp học nào thích hợp...
Đến câu cuối cùng ấy thì Thảo nhận biết chú Sơn không giấy được vẻ hời hợt, đãi bôi. Và Thảo vụt đứng dậy, cầm tờ giấy, chạy ào ra ngoài, không kịp chào. Thảo chỉ sợ mình khóc trước mặt con người nói năng lịch thiệp kia. Nhưng Thảo đã không kìm được nước mắt, lúc về phòng ở tập thể. Thấy Thảo vơ tất cả quần áo chăn màn, kể cả quần áo mới giặt chưa khô nhét vào va ly, bạn bè xúm lại hỏi. Thảo chìa tờ giấy cho chúng nó xem. Bọn chúng nó đều kêu toáng lên: "Thiếu tiêu chuẩn là thiếu cái chi, răng mi không hỏi?". Thảo lắ đầu. Mấy đứa con gái quê ngoài Quảng Bình, Vĩnh Linh - tụi nó ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa lâu rồi, nên đứa nào cũng bạo, cũng rách Thảo là không hỏi cho ra lẽ, chứ sao lại chịu ấm ứ như vậy mà về. Và mấy đứa giật tờ giấy của Thảo: "Để tụi tao lên hỏi cho!". Lát sau, chúng nó trở về, nhưng mỗi đứa tản đi một nơi. Hình như đứa nào cũng lảng tránh Thảo, chỉ riêng con Chanh một lúc sau mới kéo Thảo ra góc sân. Chanh cũng là con liệt sĩ, cha nó hy sinh trong trận Mậu Thân ở Quàng Trị, nó bảo Thảo: "Chú Sơn nói đó là quyết định của tổ chức, chứ không phải cá nhân chú. Tổ chức đã điều tra và xác minh lại lý lịch của Thảo và nhận thấy Thảo khai man là con liệt sĩ. Thực ra, Thảo chỉ là con một tên ác ổn". Trời ơi! Thảo choáng váng thốt lên! Thế là Thảo cột va li vào xe đạp, chẳng thèm thanh toán tiền ăn nữa, cắn răng lại cho khỏi trào nướ mắt mà phóng xe về.
- Cha cố tổ có tiên thằng mô nói - Bà lão hét toáng lên sau khi nghe cháu kể lại - Thằng mô dám nói mi không phải là con thằng Viễn! Sau thì tau đào mồ đào mả cả họ nhà hắn! Thằng mô? Mi nói tau nghe!
- Mệ cứ chửi tùm lum lên mần chim con đã nói với mệ rồi. Họ nói đó là ý kiến của tổ chức - Thảo van vỉ bà, nhưng bà lão vẫn sôi máu:
- Tổ chức à? Tổ chức là thằng con mô? Hắn cũng phải có mặt ngang mũi dọc chớ. Tau từng ni tuổi rồi tau mà lại thèm sợ lệnh chi hắn.
Lão Cận từ nãy giờ ngồi yên trên tràng kỷ, bây giờ mới đổi tư thế ngồi, quay sang phía bà lão:
- Bà không phải chửi. Chửi không ăn nhằm chi. Để mặc tui - Ngừng một lát, lão Cận tiếp - cán bộ hồi ni nhiều nơi có cái lý lẽ lạ rứa đó bà ạ! Mần được việc chi hay ho thì họ ra mặt tự xưng tên tuổi hẳn hoi. Mần việc chi sai trái hoặc mù mờ thì họ giấu mặt đằng sau ái cánh cửa lim, mà họ kêu là tổ chức. Việc con Thảo chắc có sự tình trắc ẩn chi đây, chớ không dưng người ta lại dựng chuyện lên? Bà đừng có ầm ĩ. Miệng mình chửi thì tai mình nghe. Để mặc tui.
Lão Cận lầm lũi đi thay quầnn áo, lão bận chiếc áo bà ba bằng lụa tơ tằm màu mỡ gà, chiếc quần cũng bằng lụa nhưng nhuộm màu nâu nhạt. Thắp ba nén nhang lên bàn thờ con trai và con dâu, lão đứng im một lúc ngắm nhìn hai tấm ảnh chúng nó. Chắc lão khấn thầm trong bụng.
Đoạn lão vấn một điếu thuốc lá sâu kèn, rồi bảo Thảo:
- Con lục tìm đưa cho ông cái giấy khai sanh của con.
Tờ giấy khai sanh đã ố vàng. Lão Cận đeo kính vào, cặp kính gãy một bên gọng được lão thay bằng sợi dây cước. Rõ ràng chỗ mục họ và tên người cha đã ghi là Bùi Duy Viễn. Quả thật, hồi đó ghi được mấy chữ kia cũng khá rắc rối. Thằng Côi, phụ tá hộ tịch cho lão đại diện xã không chịu ký. Hắn quát rằng, tên Bùi Duy Viễn Việt cộng nằm vùng vẫn còn lén lút quanh đây hay sao hở ông già? Chớ hắn biệt vô âm tin rồi sao còn về ngủ với vợ mà sanh con. Muốn khai snh con bé này là con đẻ Bùi Duy Viễn thì lão phải gọi tên Viễn ra trình diện chánh quyền đã! Cách truy hỏi của bọn đại diện xã, lão Cận cũng đã tính trước. Có cắt cổ lão đi, lão cũng không lôi anh Viễn dưới hầm bí mật lên mà nạp cho chúng. Biết tính nết của tên Côi, lão Cận đã ấn vào tay hắn hai tờ giấy bạc Đức Thánh Trần 500 đồng và gãi đầu thưa với hắn. "Ông phụ tá thông cảm. Quả là thằng con tôi bị cá ông truy nã từ chiến dịch tố cộng đợt 1, đã trốn biệt từ lâu. Không chừn nó vượt biên ra Bắc Việt cũng nên. Nhưng thôi ông ạ! Dù con dâu tôi có trót lỡ làng thì vợ chồng tui cũng không biết tính cáh răng! Các cụ ta thường nói - gà nhà ai đẻ vô ổ nhà mình cũng là trứng của mình - vợ chồng tui phải theo cái đạo lý của các cụ xưa vậy". Thằng Côi nhét bạc vô túi lẹ làng, nheo nheo mắt cười, hạ bút ký giấy khai sanh cho bé Thảo. Hắn vờ than thở rằng sau này có chuyện gì rắc rối xảy ra, hắn sẽ chết đầu nước. Đấy là cáh vừa vòi khéo vừa dọa dẫm. Hôm chẵn tháng cho be Thảo, lão Cận phải mời thằng Côi đến nhậu. Hôm đó, hắn còn trắng trợn giở giọng ỡm ờ chòn ghẹo chị Kiều, làm lão Cận tức muốn nổ tròng mắt. Lão nghĩ bụng, thằng này thấy quả đỏ tưởng chín, lão nói con dâu lão trót lỡ làng là nói cho qua chuyện, chứ đâu phải con dâu lão đã hư nết. Cái hầm bí mật của con trai lão, đào ngay dưới chân giường vợ nó, chứ đâu xa. Lão phải đuổi khéo thằng Côi về bằng cách nhét vào túi hắn một chai rượu để gọi là tri ân ông phụ tá. Thế là tên phụ tá hộ tịch đi đâu cũng bô bô kháo chuyện làm quà rằng, con Kiều cộng sản tưởng gan vàng dạ sắt hóa ra cũng... he he... cũng "ấy" ra phết. Vậy nó "ấy" cùng thằn nào? Thì còn thằng nào vào đấy nữa, nếu không phải là Lê Phán cán bộ công an tỉnh được phái về "ba cùng" ở ngay trong nhà hàn mấy tháng liền từ lúc chị Kiều ở tù về. Thằng Phán điển trai cưỡi chiếc xe máy Nhật Bổn mà tụi trẻ con thường gọi là "quạ đen". Không cận thị mà cũng đeo kính trắng cho ra vẻ trí thức, hắn ngọt mồm ngọt miệng, gọi các ông bà già bằng ba bằng mẹ, gọi chị Kiều bằn o, đôi lúc còn gọi bằng út, mà mắt cứ lúng liếng như thuyền đứt neo. Chẳng đợi tên phụ tá hộ tịch đi kháo chuyện mà lúc chị Kiều mang bầu, đã có người nghi hoặc nói bón nói gió rằng cũng chẳng biết con trê hay con rô mà tin. Dào, ai có mồm thì người ta ngồi lê đôi mạch bậy bạ, hơi đâu mà đi phân bua? Vợ chồng lão Cận và cả chị Kiều cũng nghĩ vậy. Mà phân bua sao được, biết nói thế nào? Đùng một cái, anh Viễn bị lật hầm trên Tứ Tây, lúc cái Thảo mới đầy ba tháng, còn ẵm ngửa trên tay. à, thì ra tay Viễn vẫn bám trụ quanh vùng đất này thôi. Những người nghi hoặc vỡ lẽ ra và cũng bớt chào xáo đi. Lời cháo xáo im dần là sau cái chết đau đớn của anh Viễn. Dân làng và cả hàng huyện thương anh, quý anh. Có ai lại nữ nói điều gì làm ân hận vong linh người mình thương tiếc. Người ta đồn, chính Lê Phán giết Bùi Duy Viễn. Lê Phán người bên Dương Thủy trước kia đi bộ đội với Viễn, về sau đầu hàn quay ra làm ảnh sát an ninh cho Pháp và dĩ nhiên cho cả thời Mỹ Diệm. Lê Phán được tụi nha cảnh sát giao đặc trách theo dõi Viễn, bởi thế hắn mới về Mai Thủy và "ba cùng" ngay trong nhà lão Cận. Hắn là một thằng trai lơ, có vợ có con bên Dương Thủy mà tối thứ bẩy nào cũng "dọt" về Huế với con bồ nghe đâu hãy còn là sinh viên măng tơ lắm. Dân Mai Thủy đồn hắn trai lơ là để lưu ý chuyện hắn ở ngay trong nhà lão Cận, cái giường hắn nằm kê sát cửa sổ, nơi có thể nhìn xuống buồng chị Kiều ở dưới nhà ngang. Chị Kiều vốn là hoa khôi của đám du kích Mai Thủy hồi trước. Hắn ở trong nhà lão Cận những ba tháng sau đó mới lên Tứ Tây. Chẳng ai rõ sự tình anh Viễn bị lật hầm ra sao, nhưng họ tin là có bàn tay Lê Phán. Chính hắn là người rỉ tai cho chị Kiều biết nơi anh Viễn bị chôn ngồi. Có điều này ai cũng biết: sau khi chị Kiều chôn cất chồng xong, Lê Phán có mò đến vờ vịt thăm hỏi chia buồn. Hôm ấy, lão Cận tránh mặt hắn không tiếp, kêu ốm nằm trong bồng. Bà lão hái rau ngoài vườn cũng kệ thây hắn, không vào nhà. Hắn xách đến một bao hương và đôi nến. Hắn đốt ba nén hươn lên bàn thờ anh Viễn. Nhưng chị Kiều, với đôi mắt bò rừng đã chạy tới rút ba nén hương vừa mới bén ra, đem dụi đi và đuôi hắn cút. Chị còn ném cả bao hương và đôi nến ra bàn bảo hắn mang về. Thằng cha trơ trẽn vẫn cười cười: "Có chuyện chi mà o nóng nảy rứa o "Kiều"? Hắn thủng thẳng nhặt hương, nhặt nếnn còn nhặt cả ba nén hương bị dụi tắt vất dưới đất, tất cả hắn nhét vô cặp, mặc cho chị Kiều vẫn mắng nhiếc hắn xa xả. Ra về, hắn chỉ nói một âu:
- Đừng nổi khùng lên út! Được rồi! Chúng ta còn duyên nơj với nhau!
Dân Mai Thủy không có chuyện gì là không bàn tán được. Người thì khen chị Kiều cao tay đã cho thằng chó chết ấy một cái tát nhớ đời. Con Kiều quả là xinh gái đấy, nó có mái tóc dầy đen nhánh bới lên bằn trái gáo dừa, nước da trứng gà bóc lại thêm đôi mắt mượt như nhung. Nhưng xưa nay, nó có tai tiếng trai gái gì đâu, nói phải tội chứ, nó là đứa chính chuyên đúng đắn. Có người lại xì một tiếng, chẳng qua đóng kịch với nhau thôi. Đấy! Đấy! Cha Lê Phán còn bảo cô ả rằng hãy còn duyên nợ với nhau cơ mà. Duyên nợ cái cóc khô gì, nếu không dính tới chuyện con bé bọc tã lót đang đặt trong nôi chỉ biết huơ tay đấm trời? Trời thì cao và xa. Trời cũng không biết nó là con rô hay con trê. Thằng Viễn - nói có vong linh hắn, chứ hắn không thể biết. Còn thằng Phán cũng "mắm sốt cà chua biết thế quái nào được. Họa chăng chỉ mình con Kiều. Mà cái giống đàn bà thì sắt đá về khoản ấy lắm, sống để bụng chết mang đi. Ha ha, nói thiệt tình, chú bạc ạ! Có lẽ chính con Kiều cũng không biết nốt.
Những lời đồn đại ấy, cuối cùng cũng đến tai vợ chồng lão Cận. Bà lão thì chửi vụng vài câu cho hả dạ, còn ông lão im như thóc. Hai ông bà già chỉ trả lời thiên hạ bằng cách chăm bẵm đứa cháu nội và hết lòng thương mến con dâu. Trong nhà êm ấm đùm bọc nhau là minh chứng cho sự thật.
Chuyện ở nông thôn thường là thế, rộ lên một chốc rồi lại nguôi. Người ta lo làm ăn, lo cuộc sống lúc nào cũng nơm nớp cái "luật 10 - 59" đã in lên giấy cho mọi người đọc. Nhưng chỉ đọc thì không nổi da gà bằn nhìn ái máy chém cổ điển, người ta đã biểu diễn cho bàn dân thiên hạ xem. Lấy thân ây chuối ngự thay cho đầu người, lưỡi dao phập một cái, ai cũng phải nhắm mắt lại để biết cái oai của Ngô tổng thống. Cuộc sống của dân làng Mai Thủy căngn thẳng như thế, ai hơi đâu mà để bụng chuyện vặt. Nhưng chuyện vặt tự thân nó lại cứ lai rai. Những người nhân hậu hay lui tới nhà lão Cận thường có chút quà gì trong vườn, quả chuối, trái thơm v.v... cũng mang đến cho "con chó con" tức là bé Thảo. Họ nựng với bé, đùa với bé và thườn khen là nó giống thằng ba nó như đúc. Họ khen thật lòng, cốt có cái cớ để nhắc tới anh Viễn - nhắc từ nết ăn nết ở đến cuộc đời gian truân của người cách mạng chân chính, một lòng một dạ vì nhân dân đồng bào. Ngày làm lễ cầu siêu cho vong hồn anh ở trên chùa, cả mấy khuôn hội phật giáo đầy đủ thiện nam tín nữ đã đành, còn vô khối kẻ quen người lạ đến dự. Chị Kiều bế bé Thảo. Mẹ, một chiếc khăn sô bỏ múi, con cũng một chiếc khăn sô bỏ múi. Nhìn cảnh đó, không ai cầm được nước mắt. Nước mắt dành cho kẻ hy sinh và nước mắt còn chảy dài vì sự đồng cảm cảnh mẹ góa con côi. Trong cõi lòng sâu xa ai cũng muốn thêm vào đấy một lời chứng giám cho hạt máu của anh Viễn để lại. Nhưng lễ cầu siêu trọng thể ấy đã bị giải tán. Cảnh sát từ trên Huế tới bao vây chùa, dùng lưỡi lê và dùi cui xua mọi người. Họ lặng lẽ ra về, không ồn ào, không khiếp sợ trong lúc các nhà sư cùng vợ chồng lão Cận và mẹ con chị Kiều đều bị tống lên xe đưa về Nha cảnh sát thẩm vấn. Chuyện ông già Cận quắc mắt lên đốp chát lại với nha cảnh sát là chuyện khác. Chuyện muốn kể tiếp ở đây là lời đồn rằng chính Lê Phán chỉ huy vụ đàn áp này. Lê Phán không xuất hiện, chi đứng phía sau điều khiến, bởi hắn đã được thăng chức gì to lắm.
Những người hay hoài nghi trong lòng thường quan tâm đến Lê Phán. Không phải họ ưa gì tên ác ôn này, họ phản đối vụ giải tán lễ cầu siêu, coi đây là hành động thất đức. Họ quan tâm tới hắn là để xem hắn "duyên nợ" với chị Kiều nhưng gì nữa. Họ có tới nhà lão Cận, đùa với bé Thảo là cốt để xem mặt nó, coi nó giống ai. Cuối cùng họ đành chịu, vì bé Thảo càng lớn càng giống mẹ. Họ để mắt xem chiếc xe máy "quạ đen" có nổ phành phành vào lối nhà lão Cận không. Nhưng sau cái vụ bị chị Kiều đuổi đi, không thấy Lê Phán quay lại. Có vài lần về Mai Thủy, hắn chỉ lái xe đến trụ sở hội đồng hương hính. Nghe nói trong một bữa nhậu ở nhà chánh đại diện, bạn bè đùa Lê Phán là tay cự phách trong việc chinh phục phái đẹp. Với lối đùa tếu, người ta bảo rằng Lê Phán vãi giống ra khắp huyện Hương Thủy này. Để cho dễ nhớ tên các đứa con giai, y lấy tên xã đặt tên cho con. Thí dụ: đứa bé sinh ở Hải Thủy tên là Lê Hải. Đứa ở Minh Thủy là Lê Minh, ở Hồng Thủy là Lê Hồng... chà, cứ cái đà này, thì chẳng mấy chốc dòng dõi họ Lê... lan nhanh như cỏ gấu... Nhân đà tán phiệu, tên Côi phụ tá hộ tịch mới mượn chén châm chọc Lê phán rằng, về Mai Thủy này, thế nào ông Phán chẳng đến thăm mẹ cô bé Lê Thị Mai. Ha ha! Chính tay hắn đã ký giấy khai sinh cho con bé ấy. Gái một con trông mòn con mắt, con mẹ nó trông còn hay lắm. Cộng sản thì mặc mẹ nó, nó là gái góa đang thèm đàn ông. Lê Phán mà không tới thăm thì uổng quá. Với lại... Tên Côi nói chưa hết câu đã bị một bàn tay tàn nhẫn thộp vào cổ áo. Lê Phán không say, hắn nghiến răng quát tên Côi là im cái mồm thối hoắc của anh đi. Nếu còn nói lếu láo hắn sẽ quẳng ra sông Đại Giang cho tha hồ bốc phét với Thủy thần. Tên Côi phải cười cười xin lỗi mà trong bụng thì rủa thầm: mẹ nó chứ, ai lạ đếch gì cái thứ công an tỉnh phải xuống "ba cùng". Đáng lẽ phải gọi là "bốn cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm và thêm cùng ngủ với chị chủ nhà nữa mới phải.
Chuyện đồn đại này lan truyền khắp xã Mai Thủy và cố nhiên cũng đến tai chị Kiều và vợ chồng lão Cận. Có những nỗi ấm ức mà không biết nói cùng ai, thanh minh cùng ai, người ta chỉ muốn tự tử chết quách đi hoặc làm một việc gì đó cho tung hê sự đời lên. Chị Kiều thì không thế, chị cắn răng chịu đựng, đêm đêm ôm bé Thảo vào lòng và khóc thầm. Bà lão thì lúng búng chửi, còn lão Cận, cái cột trụ của gia đình lại càng trở nên lầm lỳ hơn ngày thường. Lão lôi rượu ra uống và khi đã ngấm men, lão nói với vợ và con dâu:
- Đối với lũ ác nhơn rồi trời sẽ có mắt!
Trời thì không có mắt, nhưng con người có mắt. Mắt người cách mạng đã nhìn thấu tội ác của Lê Phán. Một buổi sáng, lê Phán cưỡi xe máy từ Huế về Phú Bài vừa đi vừa cười nói vui vẻ với một cô gái xinh đẹp xin "đi quá giang" ngồi phía sau yên, áp bộ ngực nở nang vào lưng người lái. Cô gái vờ lả lơi thọc tay vào túi áo măng tô của Lê Phán mượn bật lửa châm thuốc lá và khi trả lại cô gái biệt động đã thay vào hiếc bật lửa, một trái mìn hẹn giờ nhỏ xíu nhưng có sức công phá khá mạnh. Đến chợ Hôm cô gái cảm ơn xin xuống và tất nhiên là có hứa hẹn tái ngộ chu đáo. Mười lăm phút sau, mìn nổ. Lê Phán cùng hiếc xe Suzuki đều tan bành.
Cái chết của Lê Phán đúng vào lúc giỗ hết tang anh Bùi Duy Viễn. Thôi thế là có vay có trả, ở đời này coi vậy cũng là sự công bằng. Người dân Mai Thủy hả hê sau cái chết của Lê Phán, nhưng ngoài miệng cũng chỉ dám đàm luận với nhau như thế. Hẳn ai cũng biết, hả hê nhất là vợ chồn lão Cận và cả chị Kiều nữa. Hắn chết, cái gai trước mắt gia đình lão coi như nhổ xong. Bây giờ, không ai chào xáo gì chuyện bé Thảo là con rô hay con trê nữa. Hiển nhiên, nó là con anh Viễn, cháu nội lão Cận. Nó là dòng dõi họ Bùi chứ không phải họ Lê. Những người hay hoài nghi nhất cũng không kiếm được cái cớ gì để nói khác được. Chị Kiều vẫn là người đàn bà thùy mị, nết na được làng xóm yêu quý. Su khi mãn tang chồng, có vài nơi ngấp nghé mối lái muốn dạm chị về làm vợ kế hoặc vợ bé, nhưng chị đều từ chối. Chị ở vậy nuôi con, phụng dưỡng hai ông bà già, và cứ vài tháng lại ra Cồn Mồ thăm mộ chồng cho đến lúc chị bị giết hại bất ngờ. Dân xã Mai Thủy ai cũng thương xót chị, đều nói những điều tốt lành cho chị, có ai nỡ lòng nào mà bới chuyện không đâu vào đâu lên. Vậy mà bây giờ... cô con gái của chị đang úp mặt lên gối, đầm đìa nước mắt mà kêu thầm "Mạ ơi! Mạ ơi! Mạ chết đi để tội cho con gánh chịu, mạ ơi!".

<< Người mẹ tội lỗi - P I | Người mẹ tội lỗi P III >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 949

Return to top