Người kể lại câu chuyện này là một nhà sưu tầm truyện cổ dân gian đã đứng tuổi. Ông vốn người Huế, tập kết ra Bắc sống ở Hà Nội lâu năm. Có thể nói, ông là một người yêu Huế, say Huế một cách cực đoan. Ông luôn tìm cách chứng minh cho bạn bè chịu rằng, cái gì Huế cũng hay hơn mọi miền đất khác.
Vào một ngày mùa thu 1984, ông lên tàu Thống Nhất từ hà Nội đi Huế. Vừa về thăm quê, vừa muốn nhân dịp này sưu tầm thêm ít truỵen cổ của người Pakôh. Mua được vé tàu nằm, nên nhà sưu tầm truyện cổ lấy túi xách gối đầu, mải mê đọc sách. Giường đối diện với ông là một đôi trai gái, họ chỉ mua được một vé nằm, nên thay nhau ngả lưng. Thấy cả hai đều nói tiếng Huế, ông bắt quen với họ và được biết đấy chỉ là một đôi sắp thành vợ chồng thôi. Họ đều là bác sĩ vừa tốt nghiệp ở Hà Nội nay về nhận công tác ở bệnh viện Huế. Họ sẽ làm lễ cưới sau khi nhận công tác. Trông họ thật đẹp đôi. Trong nhịp tàu lắc lư, nhà sưu tầm mải đọc sách và suy nghĩ. Còn đôi trai gái chẳng lúc nào thôi kề vai nhau rì rầm. Thỉnh thoảng nhà sưu tầm và đôi trai gái mới trao đổi với nhau vài câu, toàn là những câu xã giao thủ tiếp thông thường. Câu chuyện cũng sẽ nhạt nhẽo nếu không có một sự cố xảy ra. Chiều hôm ấy nhà sưu tầm đang tì tay vào cửa sổ ngắm nhìn những cồn cát vàng xa xa bỗng nhiên bị một nắm đá từ dưới đất ném loảng xoảng lên tàu. Nhà sưu tầm không may bị một viên đá trúng đầu, máu chảy trào ra. Chết thật, thời buổi đến là mất trật tự, chắc là trẻ con hư hỏng mới chơi trò chơi bạt tử như thế. Con tàu cứ chạy và người ta xúm nhau lại băng bó giúp nhà sưu tầm. Đôi trai gái bác sĩ là những người nhiệt tình nhất. Có tay nghề, họ xát cồn, băng vết thương, lại còn mở túi xách lấy xi ranh tiêm thuốc chống choáng, cho ông uống thuốc phòng vi trùng uốn ván. Thôi, sự cố cũng chỉ có thế nhưng tình cảm giữa đôi bạn trẻ và nhà sưu tầm đứng tuổi trở nên thân thiết hơn. Câu chuyện từ đồng quang sang đồng rậm chuyển dần sang tâm sự. Và câu chuyện vừa chép lại trên đây chính là do cô gái bác sĩ kể cho nhà sưu tầm nghe vào lúc trăng lên.
Có thể do ánh trăng hạ tuần yếu ớt chiếu vào màn đêm một thứ ánh sáng nhờ nhờ đã làm cô gái động lòng trắc ẩn mà khơi nguồn câu chuyện hăng? nào ai biết được? Chỉ biết cô đã kể cho nhà sưu tầm nghe với cái giọng thỏ thẻ ngùi ngùi, và với tình cảm chân thành của một cô cháu gái kể cho chú mình nghe vậy.
Nghe xong chuyện, nhà sưu tầm băn khoăn:
- Vậy sau kết thúc ra sao? Thủ phạm làm chuyện bậy bạ đó là ai, có bị kỷ luật không, cháu?
- Dạ, cháu cũng không rõ lắm. Nghe đâu tay Sơn kia bị cảnh cáo, đổi đi nơi khác. Chắc là còn dính một số người nữa, mỗi người một động cơ sai lầm khác nhau. Nhưng cháu tin rằng lãnh đạo có những người như chú Liêm thì mọi xử trí sẽ công minh.
- Vậy số phận cô Thảo sau đó ra sao?
Cô gái lúng túng đáp:
- Cô Thảo sau khi bình phục, được ban tổ chức tỉnh ủy gọi lên. Lúc đầu, tỉnh định cho cô đi học nghề dệt ở Liên Xô nhưng cô sợ xa ông bà nên không nhận. Tỉnh bèn cho cô ôn thi đại học và cô đỗ, chắc bây giờ cô đã tốt nghiệp.
Cô gái nghiêng mặt đi giấu một nụ cười. Nhà sưu tầm bắt nọn một câu.
- Chắc là tốt nghiệp bác sĩ?
- Cháu không rõ - Cô gái cười thành tiếng.
- Chết thật, chú quên hỏi, tên các cháu lf gì nhỉ, các cháu học y nhưng về ngành nào?
- Dạ thưa chú. Bạn cháu tên là Tùng học khoa ngoại, còn cháu học khoa thần kinh, tên cháu là Thơm.
- Vậy Thơm có họ hàng gì với cô Thảo trong chuyện không đấy?
Cô gái lấy tay che miệng cười:
- Dạ thưa chú... không ạ?
Không sao cưỡng lại được ý nghĩ câu chuyện cô gái vừa kể chính là tâm sự riêng của cô, nhà sưu tầm khôn khéo hỏi một câu đột ngột:
- Thế ông bà cháu có còn khỏe nữa không?
- Dạ, ông bà cháu cũng yếu rồi... Trên tám mươi rồi còn gì...
Cô gái biết lỡ lời chợt im bặt. Còn nhà sưu tầm thì cười vang:
- Vậy là giấu đầu hở đuôi rồi đó cháu! Không sao! Không sao! Chú mừng cho cháu, mừng cho hai cháu - Nhà sưu tầm bỗng chuyển sang bình luận - Chà, dân Huế mình mà cũng có những thằng cán bộ tầm bậy thế! ờ nhưng cũng may còn có những người như ông Liêm. Cán bộ lãnh đạo là phải sâu sát như thế! ấy, nếu chú được quyền, chú sẽ bầu ông ấy vào Trung ương.
Nhà sưu tầm lại cất giọng cười sảng khoái trong nhịp tàu lắc lư.
1984 - 1985