Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ngọc trong đá

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19296 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngọc trong đá
Nguyễn Đông Thức

6.

Đạo trở lại đơn vị ngay buổi sáng hôm sau. Anh đem theo không thiếu một món gì đã lấy đi trong một lúc không làm chủ được mình. Buổi trưa, anh vừa về đến nhà, mẹ anh từ trong bếp ra đón, nhìn bộ tướng của anh, với cái túi xách lạ loại của con gái, bà đã nghi ngờ hỏi chặn đầu:
- Mày lại ăn trộm đồ ai trốn về phải không Đạo?
Đạo trả lời yếu ớt:
- Không phải đâu má. Người ta gởi, nhờ mang về nhà dùm.
Thấy con không dám nhìn vào mắt mình, bà Năm càng tin chắc hơn là mình đã đoán đúng. Gần đây bà đã thấy được là mình phải thật cương quyết với đứa con này, đã bao lần làm mình phải khổ tâm. Bà bước đến và bất ngờ giựt phắt lấy cái túi xách trong tay con. Đạo chồm theo, nhưng ánh mắt nghiêm khắc của mẹ đã chặn anh đứng lại. Kéo nhanh cái khoá kéo và thoáng nhìn vào, bà Năm đã hiểu tất cả. Sẵn con dao đang cầm trên tay, bà thảy lên bàn:
- Dao đó, mày đâm chết tao đi! Bao nhiêu lần tao đã khổ sở, nhục nhã vì mày rồi. Đồ đạc trong nhà này không còn gì cũng do một tay mày. Mày gần chết, mấy ổng đem đi cứu rồi cho đi xung phong, lao động vừa khoẻ thân vừa có ích lợi cho người khác, vậy mà còn trốn tới trốn lui, chôm chỉa đồ của anh em như vậy…
Bà Năm tức quá, nói một hơi, rồi ngồi phịch xuống ghế, nước mắt chảy ràn rụa. Đạo cũng bủn rủn tay chân ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp đối diện, mặt gằm xuống, nghe mẹ nói tiếp:
- Lần trước mày hứa với tao làm sao, hứa với thằng Tài làm sao? Thằng Mạnh nó đối với mày như thế nào? Hả? Bốn năm tháng nay thấy mày không trốn về, lại còn biết nhờ người mang ít nhu yếu phẩm về cho tao, tao mừng hết sức, thấy mình tới già mới được hưởng phước. Tao đem thư mày cho thằng Tài đọc, nó cũng mừng cho tao, cho mày. Vậy bây giờ mày lại chôm đồ của ai đem về, tính bán chích nữa hả? Toàn thuốc men của anh em trong này, ở trên đó, tụi nó bịnh lấy gì uống? Mày không phải là con tao, không phải là con người!
Bà Năm thảy nguyên cái túi xách qua cho Đạo:
- Dao đó, mày giết tao đi rồi lấy cái này đi bán mà chích cho nó sướng. Giết tao đi rồi mới được bước ra khỏi cái nhà này!
Đạo đưa hai tay bưng mặt. Không, mẹ ơi, không đâu! Nếu con thực tình muốn chích, con đã không cần thíêt phải ghé về đây, mà chỉ việc đi thẳng từ bến xe Lê Hồng Phong đến thẳng Ba Thao rất gần. Nhưng từ khi xe vừa chạy, con đã biết mình sai, rất sai. Anh Mạnh đối với con tốt quá. Hương đối với con tốt quá. Mọi người đối với con tốt quá, vậy mà con mới tồi tệ làm sao! Thằng lơ kêu con đưa tiền xe, con run run mở cái hộp của Hương ra. Hình cô ấy để bên trong cái ô trái tim đang nhìn con cười. Hai con mắt sáng và đôi môi mới đẹp làm sao! Trong chiến dịch đánh đêm, mỗi ngày Hương ra hiện trường từ 3 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, trực y tế ở ngoài đó, vậy mà mấy hôm con sốt, cả đêm cô ấy còn ngồi thức bên con, cứ phải gục lên gục xuống…
Đạo đã nghe đồn nhiều về Hương. Một cô gái con nhà giàu, học trường Tây, xinh đẹp, chắc vì “sa cơ thất thế” mới phải vào đây chịu đựng nhọc nhằn. Cô làm việc đầy đủ trách nhiệm nhưng lúc nào mặt cũng dàu dàu, hiếm khi cho ai một nụ cười, dù nụ cười ấy rất đẹp.
Trước đây, đời nào Đạo dám mơ được một người như Hương bưng đến từng chén cháo cho mình. Vậy mà vừa qua anh đã được, như đã được bàn tay êm ái của Hương đặt lên trán thăm dò nhiệt độ, mỗi chiều khi cô ở hiện trường về. Vậy mà chỉ vì chịu không nổi cơn ghiền đột nhiên trở lại sau năm tháng cai phục, anh đã hành động tồi tệ như thế này. Hương là người giữ tủ thuốc. Cô sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, trước sự mất mát này? Còn Mạnh nữa. Anh đã tin Đạo như thế nào, và đã cứu Đạo ra sao? Đạo còn mặt mũi nào nhìn Hương, nhìn Mạnh!
Bà Năm chùi nước mắt, len lén nhìn con. Thấy Đạo ngồi im thin thít, bà đứng lên cầm lại cái túi xách và tung ra biện pháp sau cùng:
- Tao không nói chuyện với mày nữa. Mày ngồi đó chờ tao ra phương kêu thằng Tài vô cho nó tính.
Tài là công an khu vực. Anh là người đã ẵm Đạo lên xe đưa vào bệnh viện, rồi lại đưa lên Trường xây dựng thanh niên mới ở Bình Triệu; một nơi chuyên chữa trị cho những người ghiền xì-ke, vào cái ngày mà Đạo chỉ còn cân nặng có 40 kí và lên cơn vã thuốc, tưởng chừng không chịu nỗi. Khi Đạo khoẻ mạnh trở lại, cũng chính Tài lên trường đề nghị cho anh được chuyển thẳng qua Thanh niên xung phong. Hai lần trước, Đạo trốn về đều gặp Tài. Anh khuyên nhủ Đạo hết lời, và dẫn Đạo ra bến xe, cho tiền trở lên trình diện đơn vị. Đạo nể Tài cũng như nể Mạnh. Lần trước, anh đã hứa với Tài là dù có chết, anh cũng sẽ không bao giờ chơi thuốc nữa. Vậy mà…
Đạo chạy theo níu tay mẹ:
- Má đừng đi. Con biết lỗi rồi. Mai con sẽ lên lại trên đó để trả hết mấy cái này. Con hứa với má con không chích nữa đâu.
- Mày hứa với tao bao nhiêu lần rồi? Để tao đi!
Bà Năm nói vậy, nhưng giọng đã bớt gay gắt. Nhìn đứa con trai đã 26, 27 tuổi đầu, mặt mày hốc hác, phờ phạc, mếu máo, run rẩy đứng trước mặt, bà thấy thương nó đến muốn khóc. Đạo năn nỉ mẹ:
- Con không đi chích nữa đâu má. Má không tin cứ lấy dây trói con lại rồi sáng mai cùng lên đơn vị với con. Đừng đi kêu anh Tài…
Mạnh không lộ chút ngạc nhiên khi thấy Đạo trở lại đơn vị, ngượng nghịu vào nhận khuyết điểm. Bà Năm sợ Đạo không tự chống chọi nổi, đã cùng đi với con. Bà giao Đạo cho Mạnh:
- Nó đã biết lỗi. Các em thương tôi, bỏ qua cho nó lần nữa, giúp nó sống cho đàng hoàng, tôi rất mang ơn.
Mạnh nói cho bà Năm yên lòng ra về:
- Thưa bác, anh Đạo đã trở lại, như vậy là rất tốt. Tụi con mong là bác sẽ không bao giờ phải buồn lòng vì anh ấy nữa.
Khi chỉ còn hai người, Mạnh nói với Đạo:
- Anh làm bác khổ ghê chưa? Suýt chút nữa, anh cũng đã làm mất hẳn niềm tin nơi tôi. Chi vậy anh Đạo? Mới tuần trước, hành động dũng cảm của anh đã là tấm gương cho cả ngàn người trên tuyến kinh này, cho cả các liên đội khác. Vậy mà…
Đạo vuốt mặt, bàn tay ướt mồ hôi:
- Anh Mạnh! Tôi biết lỗi rồi. Anh hãy tin tôi. Đây là lần cuối.
Mạnh chìa tay ra cho Đạo bắt. Họ xiết chặt tay nhau, hai đôi mắt sáng nhìn nhau, cảm thông.
Đạo hỏi:
- Chị Hương đâu anh?
Mạnh thoáng buồn:
- Cô ấy về rồi. Trưa qua, vì nóng nảy, mình có lỡ lời phê bình cô ấy hơi nặng. Nghĩ lại, ân hận quá. Cô ấy để lại mấy chữ này đây…
Mạnh rút trong túi áo ra mảnh giấy nhỏ đưa cho Đạo, và anh chợt nhớ tới mấy giọt nước mắt đã ứa ra từ đôi mắt Hương, khi anh lỡ lời nói cô là vô tâm. Ngay sau đó, anh đã thấy cái sai của mình. Khi biết Hương bỏ về, Mai trách Mạnh:
- Anh thấy chưa? Với người như chị Hương, mình phải tế nhị lắm. Chỉ đang thay đổi rất nhiều, em đã nói chỉ làm đơn xin vào Đoàn. Chỉ về mà không tìm ra ông Đạo, thì có khi không lên lại lắm.
Đạo cầm tờ giấy, đọc từng chữ:
“Anh Mạnh,
Tôi về đi tìm Đạo. Dù gì, tôi cũng sẽ lên. Số thuốc mất đó, tôi sẽ đền đủ nếu không tìm lại được.
Hương.”
Mạnh nói:
- Anh biết hôm qua, lúc anh lấy đồ của Hương trốn đi, cô ấy đi đâu không?
Đạo chỉ biết giương mắt nhìn Mạnh, chờ đợi một câu trả lời. Mạnh thở dài:
- Cô ấy chạy quanh đây tìm mua đồ về nấu canh chua cho anh ăn đó!
Đạo kêu trời, hai tay ôm đầu. Mạnh chợt nhận ra cái tình của Hương quá lớn, anh thật tầm thường khi phê bình cô là thương người theo kiểu tiểu tư sản. Hành động ấy của Hương, còn hơn cả trăm lời nói cảu anh, sẽ giữ chân Đạo ở lại với tập thể này, mãi mãi. Vậy mà anh…
Đạo bật nói, trùng ngay suy nghĩ của Mạnh:
- Anh Mạnh, mình phải cho người về ngay nhà Hương để cho chị ấy biết.
Mạnh gật đầu:
- Đúng rồi. Để tôi nói Mai đi ngay.
*
Dũng tìm tới nhà Hương sớm hơn Mai. Gần nửa đêm, Hương tỉnh lại. Cô điếng người khi hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra cho mình. Dũng trần trụi nằm bên ngủ say, mặt lộ rõ vẻ mãn nguyện. Mấy vết máu đỏ nổi rõ trên mặt “ra” trắng tinh, dấu tích của những gì quý nhất của đời con gái. Một cái giá quá đắt! Hương kinh tởm nhìn Dũng, nhìn mình, nhìn cái nệm giường nhàu nát, cảm thấy cả đời mình đã nát tan không sao cứu vãn. Ngày 30-4-1975, Hương tưởng rằng đời mình sẽ không còn gì nữa. Nhưng không. Tuy đến nay, Hương không có gì gọi là sung sướng về vật chất, nhưng cô đã được hiểu biết hơn nhiều về những giá trị thực sự của cuộc sống. Cô hiểu những sung sướng ngày trước mình có, đã đặt trên một sự bất hợp lý như thế nào, thậm chí cô lờ mờ bắt đầu cảm thấy hình như mình đã mắc nợ với những người như Mai, như Phượng, như cả Đạo, và bao nhiêu người khác nữa. Một món nợ vô hình mà lúc nhận cô hoàn toàn không hay biết. Thật mỉa mai là bây giờ, sau hơn hai năm đã hiểu mình không còn phải mất gì thêm vì cuộc sống mới, giờ Hương lại thấy mình mất tất cả ở trong căn phòng sang trọng này.
Đau khổ và uất ức làm Hương lặng người đi mấy phút, nước mắt tuôn rơi, bên cạnh Dũng vẫn say ngủ, đôi môi dầy mở ra với những hơi thở đều đặn, nặng nề. Cảm giác kinh tởm làm Hương thấy nổi gai ốc. Cô rón rén đứng lên, nhặt quần áo mình mặt vào, đi ra khỏi phòng, len lén ra khỏi biệt thự như một tên trộm. Một chiếc xích lô chạy khuya đưa cô về nhà. Hương tắm hàng giờ, mong gội rửa hết khỏi thân xác mình những nhuốc nhơ, bẩn thỉu. Không, sai lầm đêm nay biết bao giờ cô mới rửa sạch? Hương tấm tức khóc cho đến gần sáng trên chiếc giường quen thuộc trong căn phòng riêng của mình.
Có lẽ vẫn còn tiếc Hương và tin là cô đã thuộc về mình, 8 giờ sáng Dũng lại mò đến, với ý định tiếp tục thuyết phục Hương chịu đi với hắn. Thật ra không phải hắn tiếc ba cây vàng, chuyện đó chỉ là hắn bịa với Hương. Có trong nhóm tổ chức chuyến đi, rủ được Hương đi là việc nằm trong khả năng của hắn. Hương ở lì trên phòng, nói ba xuống mời Dũng về, cô không tiếp hắn. Cô còn dặn ba là bất cứ ai tìm, cũng nói là cô đi vắng. Dũng cười gằn, hậm hực đi ra. Ở cổng, hắn gặp Mai. Vẫn tin rằng Dũng là bạn thân của Hương, Mai vui vẻ gật đầu chào. Dũng làm lơ, phóng xe chạy vụt đi.
Gặp Mai, ông Cung làm theo lời Hương dặn. Mai tin ngay vì cô vừa thấy Dũng chạy ra một mình, mặt cau có, không vui. Nghĩ không chừng Hương tiếp tục đi tìm Đạo, Mai nói với ông Cung:
- Chị Hương về, nhờ bác nói dùm là...
Nghĩ sao không biết, Mai lại xin giấy, viết cho Hương:
“ Chị Hương,
Đạo đã lên đơn vị, mang theo đủ thuốc và những gì đã lấy của chị. Tụi em thống nhất chị cứ ở nhà nghỉ ít ngày cho khoẻ rồi lên. Em gởi lại chị cái giỏ xách và các đồ dùng riêng.
MAI
Tái bút: Đạo gởi lời xin lỗi chị. Cả anh Mạnh nữa. Thứ bảy chị lên đi, em sẽ nấu chè đãi chị.”
Mai về rồi, Hương cầm cái thư, đọc đi đọc lại như thể không hiểu. Tự dưng cô muốn la hét, muốn than khóc cho cảnh ngộ cay nghiệt của mình. Nếu Đạo không trốn về. Nếu Mạnh không làm cô thất vọng...
Hương bỗng thấy thù Đạo, thù Mạnh, làm như họ đã là thủ phạm xô đẩy cô vào chiếc bẫy của Dũng. Làm sao Hương có thể trở lên đơn vị với tâm trạng này, với thân xác này! Cô sợ hãi mọi người, cảm thấy nhục nhã với tất cả.
Buổi chiều, bà Cung đi bán về. Ăn cơm xong, bà tiếp tục thuyết phục Hương điều mà gần đây, thỉnh thoảng bà vẫn đề cập tới:
- Má thấy con ở trên đó cực quá, mà đâu có tương lai gì. Ngoài chợ, tụi xung phong bỏ về thiếu gì, mà có ai làm gì tụi nó đâu! Có bà trung tá Quyền đang cần một cô gái đẹp phụ bán ở cái sạp hàng mỹ phẩm của bả. Hồi trước, bả có quen má, và nói cũng còn nhớ con. Má có nói rồi. Bả sẵn sàng nhận con. Chỗ đó nhiều người muốn lắm. Bả trả công rất hậu, lại tha hồ xài mỹ phẩm làm mẫu. Mai con theo má ra đó đi.
Lần đầu tiên, bà Cung thấy Hương im lặng trước đề nghị này. Bà khấp khởi mừng thầm, cho rằng Hương đã thấm sự khổ cực, mà bà từng tin là cô sẽ không thể chịu nổi. Bà chuyển qua gợi vào tình cảm mẹ con với Hương:
- Lúc này má yếu lắm mà con nghĩ coi, nào là lo cho ba con được đầy đủ, thời buổi này mà trà không ngon, ổng còn không chịu uống, bữa cơm không thịt cá, ổng buông đũa không ăn. Nào là lo cho thằng Phước ăn học. Rồi tháng nào cũng phải tiếp tế cho thằng Thành, chớ không thì làm sao nó sống nổi tới bây giờ.
Hương thấy khó chịu quá. Cô buộc phải ngắt lời mẹ:
- Má nói vậy, chớ bộ ai đi học tập mà không được tiếp tế cũng chết hết sao?
Bà Cung trề môi:
- Thì thằng có chia cho thằng không có, chớ ăn cơm với muối hoài làm sao mà chịu nổi?
Hương không buồn cãi. Cô mệt mỏi lắm rồi. Hương hiểu mẹ muốn kêu gọi sự đóng góp của cô vào kinh tế gia đình, mặc dù theo mắt nhìn của Hương bây giờ, gia đình cô tuy không còn dư dả như trước, nhưng cũng không thể gọi là nghèo túng được. Những đồng tiền mẹ Hương đang bươn chải kiếm được, Hương hiểu chúng không xứng đáng, thậm chí… nguy hiểm. Cô rất nhiều buồn bực, suy nghĩ nhiều về cuộc sống tạm bợ hiện giờ của gia đình, nhưng bó tay chẳng biết làm cách nào.
Dù sao, Hương đã quyết định bỏ đơn vị. Cô có cảm tưởng mọi người đã biết tất cả những gì đã xảy đến với cô và cô không còn mặt mũi nào trở lại…
*
Bà Quyền nhìn Hương bằng ánh mắt đánh giá và tỏ vẻ hài lòng. Bán mỹ phẩm phải là một cô gái đẹp thì mới thuyết phục được người mua. Hơn thế nữa, bà còn cần một cô gái đẹp vào những yêu cầu khác. Cái sạp mỹ phẩm của bà, thực chất chỉ là một bình phong. Bên trong, bà Quyền tiếp tục hoạt động theo nghề cũ: buôn bán đô-la và quý kim, trong một hệ thống có tổ chức. Công việc này cần người lanh lợi, đáng tin cậy, xinh đẹp và giỏi sinh ngữ, vì có khi phải tiếp xúc với khách nước ngoài. Vì bà Cung giấu nhẹm việc Hương đang ở Thanh niên xung phong, bà Quyền tin là mình đã tìm được đúng người. Tuy nhiên, bà quyết định chưa tiết lộ gì với Hương trong thời gian đầu, như đã thoả thuận với bà Cung, mà chỉ hứa:
- Em làm với chị, cứ mỗi lần “dô mánh” là chị sẽ chia riêng. Bảo đảm với em, chị chơi rất đẹp.
Cuộc sống ở chợ trời với ở Thanh niên xung phong khác nhau như trên cạn, và dưới nước, khiến ngay từ đầu Hương đã thấy ngộp thở. Những con người ở đó ăn mặc thật hào nhoáng, sang trọng, như đang sống ở một xã hội khác. Họ nói với nhau bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, cho đỡ quên, phòng khi còn ra nước ngoài sống, ước mơ lớn nhất của họ. Câu chuyện hàng ngày của họ là những mẩu chuyện nghe được đêm qua trên đài Hoa Kỳ, đài BBC, họ đem ra bình phẩm làm trò cười những tin tức trên báo chí cách mạng. Họ khoe với nhau về con cái, anh em ở bên Mỹ, Tây Đức, Canada, Thuỵ Sĩ… sống sung sướng như thế nào. Họ để ý từng chút những nhẫn, bông tai, lắc, vòng cẩm thạch… của nhau. Họ ăn uống tại chỗ, có người bưng tới tận nơi. Những giờ vắng khách, họ chơi xập xám, đô-mi-nô ăn tiền, ăn thuốc 555. Và cứ quanh quẩn phía sau những sạp hàng, những xe kiếng chật hẹp, họ bàn với nhau những tư tưởng lớn, như thể mỗi người trong họ đều có khả năng xoay chuyển được thời thế, chỉ tạm bó chân chờ thời cơ. Đối với khách hàng, họ hết sức lịch sự, ngọt ngào, nhưng cũng sẵn sàng lừa bịp, cắt cổ. Những con người thường lui tới mua bán ở khu vực chợ trời sang trọng này, cũng thuộc dạng người tương tự. Rất nhiều người cũng là bạn của người bán. Họ đến để ôn chuyện xa xưa, thời vàng son của họ. Chỉ đáng thương cho những người vì nghèo túng mà đến đây mong bán được một món hàng gì đó. Đầy mặc cảm, họ bị chủ sạp chê tới chê lui, rồi trả giá chưa tới phân nửa giá trị món hàng, lại kể lể như mua giảm vì tội nghiệp, chứ chắc cũng không dễ gì bán lại được. Khi họ vừa cầm số tiền ít ỏi quay lưng, bọn con buôn chẳng sợ gì mà không ôm bụng cười sằng sặc.
Hương có dịp chứng kiến những vụ lường gạt mấy anh cán bộ chân chất, những chàng bộ đội thật thà đến ngờ nghệch, vì nhu cầu cần đi mua một món hàng gì đó, hoặc vì cuộc sống quá khó khăn, phải buộc lòng đi bán một thứ gì đó. Họ bị tráo hàng, bị chẻ tiền, bị rạch túi, bị giựt đồ… trong chớp mắt, trước mắt Hương.
Hương còn hết sức khó chịu bà Quyền ở một điểm. Chồng bà còn đang ở trại học tập, mà bà vẫn công khai ăn ở với một tên con trai kém bà chừng mười tuổi. Gã này, nghe gọi tên Ăng-toan, hằng ngày vẫn đưa bà đến và rước bà về bằng một chiếc Honda 125 bóng lộn. Y cao lớn, để ria mép dầy, lúc nào cũng đeo kính đen và mặc áo blu-zông bằng vải Jean, trông như dân anh chị. Y nhìn Hương như nhìn một món hàng bằng ánh mắt dâm đãng, và đùa cợt rất sàm sỡ. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Hương đã nghe y nói với bà Quyền:
- Cưng kiếm đâu được con bé giúp việc coi ngon quá vậy?
Bà Quyền nạt ngang:
- Lộn xộn là chết với tôi nghe không? Con bà Cung đó!
Tên kia chậc chậc lưỡi:
- À, ma-đam Cung đã hết thời rồi đó phải không? Bả làm sao mà có được đứa con gái hết xẩy vậy?
Không hiểu sao cứ nhìn Ăng-toan là Hương lại nghĩ ngay đến Dũng. Cô muốn lộn mửa vì chán ngấy cuộc sống này, dù đúng như đã nói, bà Quyền chơi rất đẹp. Bà đưa tiền trước hàng tuần, và mới tuần đầu mà đã dúi thêm cho Hương mấy trăm, nói là cho cô mua áo đi làm. Nhưng Hương còn thiết gì nữa! Được bao nhiêu tiền, cô đem hết về cho mẹ. Bà Cung rất thích thú ngồi lựa riêng ra những tờ bạc mới toanh còn sắc cạnh. Bà nói giọng âu yếm:
- Má giữ cho con thôi. Được nhiều má sẽ mua vàng để dành mai mốt cho con lấy chồng làm của.
Hương khó chịu nói thẳng suy nghĩ của mình:
- Thay vì lo xa như vậy, má nên nghĩ tới chuyện tìm một việc làm ăn hay buôn bán nào cho ổn định lâu dài hơn. Con thấy nếp sống nhà mình bấp bênh quá.
Bà Cung có vẻ suy nghĩ trước lời nói của con. Cuối cùng, bà thở dài:
- Ai lại không biết vậy, nhưng mình giờ đâu còn vốn để tính gì lâu dài được. Thời buổi này ai cũng vậy, được bữa nào hay bữa đó con à. Má cũng ráng đắp đổi qua ngày, chờ khi nào anh Thành con về, rồi sẽ tính…
Trong khi đó, đợi hơn một tuần lễ mà vẫn không thấy Hương trở lên đơn vị, lần nầy đích thân Mạnh tìm tới nhà Hương. Đầu tiên, anh đến nhà vào ban ngày. Đã được Hương dặn trước, ông Cung nói cô đã đi về tỉnh ở với người dì, không biết bao giờ về. Không tin, buổi tối Mạnh lại quay lại. Khi anh nhấn chuông ngoài cổng, Hương đứng tựa cửa sổ trên lầu đã nhìn thấy. Cô vội chạy xuống nói mẹ tiếp tục nói dối như vậy. Mạnh buồn bã quay về. Anh không hiểu nổi vì sao Hương đào ngũ. Tuy Hương có nhiều tâm trạng phức tạp, nhưng ở cô, rõ ràng vẫn có nhiều đức tính. Cô sống có trách nhiệm, có ý thức kỷ luật một cách tự giác. Đó là một người tự trọng, có bản chất tốt. Mạnh thấy ray rứt khi nghĩ chẳng lẽ Hương trốn luôn, chỉ vì những câu phê bình của anh. Phải chăng chỉ vì sự thiếu tế nhị mà anh đã làm cho cách mạng phải mất một con người, và chính bản thân anh, anh cũng thấy một cảm giác mất mát, thiếu vắng hẳn trong cuộc sống thường ngày.
Mạnh có biết đâu Hương đã nép sau cánh cửa sổ, dõi nhìn theo dáng anh lầm lũi đi ra đường. Đầu Mạnh hơi cúi xuống như thể đôi vai rộng của anh đã quá mệt mỏi. Hương nhìn theo Mạnh, mắt mờ lệ. Cô từng mường tượng thấy tình cảm mình dành cho Mạnh rất lạ lùng, mới mẻ nhất trước giờ, nhưng chưa bao giờ dám xác định lòng mình. Như mọi cô gái khác, Hương cũng đã nhận ra ngay có một cái gì đó phía sau một vài ánh mắt khác lạ mà Mạnh dành cho cô. Nhưng bây giờ… Tất cả đã hết rồi, Mạnh ơi!
*
Mấy hôm sau, Hương bị bắt. Công an kinh tế thành phố đã theo dõi đường dây của bà Quyền khá chặt và quyết định thời cơ “cất vó”. Với linh cảm của một con buôn hàng quốc cấm dày dạn kinh nghiệm, bà Quyền ra đến sạp, đã nói nhỏ với Hương:
- Hôm nay chị mệt trong người quá, mà lại phải giao gấp món hàng này cho khách quen. Em mang dùm chị theo địa chỉ này. Cầm lấy ít tiền lẻ, đi xích lô…
Bà Quyền đưa cho Hương một lố son Arden còn nguyên trong hộp, và một mảnh giấy ghi số nhà ở đường Nguyễn Thông. Bà dặn tiếp:
- Tới nơi, em hỏi bà Hoa. Bà này mập hơn chị, nước da trắng, nói tiếng Bắc. Cứ đưa cho bả cái gói này rồi về.
Hương vừa quay lưng, bà Quyền lại gọi lại, lục trong ví, lấy ra một chai Chanel số 5 đưa cô:
- Người ta mới cho, nhưng thứ này chị còn nhiều. Em giữ lấy xài.
Không tiện từ chối, Hương đành phải cầm, cảm ơn bà rồi bước đi. Cô vừa đến đầu chợ thì một chiếc xích lô từ đâu rề đến sát bên. Anh thanh niên chạy xe đon đả mời:
- Đi xe, chị. Xe này sạch sẽ, mát mẻ, chạy vừa êm vừa khoẻ, giá lại rẻ.
Hương phì cười:
- Chạy bao nhiêu mà rẻ?
Anh thanh niên cũng cười, mặt mũi sáng láng:
- Chị đi đâu?
- Về đường Nguyễn Thông rồi trở lại đây.
- Rồi, xin chị năm đồng thôi. Khỏi trả giá!
Căn nhà mà Hương phải tới, như nhiều nhà ở đoạn đường đó, phía trước cũng có bày bán nhiều món hàng tạp hoá nước ngoài. Sữa bột Canada, Thuỵ Sĩ, nho khô Mỹ, bò nấu đậu Hoà Lan, phô-mai Pháp, bia hộp Nhật, xà bông thơm Camay, Dove… Người đàn bà có vóc dáng như bà Quyền tả, đang bắt ghế ngồi ngay phía ngoài với một cô gái nữa, có vẻ đang chờ ai. Hương dặn anh xích lộ đợi cho năm phút sẽ trở ra. Bà Hoa kéo ngay cô vào nhà. Ở xa-lông, khi Hương vừa giở ví đưa cho bà lố son thì có hai thanh niên chạy Honda ập vào. Họ đưa thẻ đó và yêu cầu cho xét gói hàng đó. Bà Hoa cố trấn tĩnh:
- Có gì đâu? Chắc các anh lầm rồi. Chỉ là mấy cây son.
Một thanh niên mỉm cười:
- Vâng, thì mấy cây son thôi, nhưng chúng trị giá mấy trăm đô, thưa bà?
Ba nghìn đô-la xếp nhỏ cuộn thiệt chặt, giấu trong lòng những cây son rỗng ruột đó, đã được móc ra trước mặt bà Hoa và Hương. Hương tái mét mặt khi đưa tay ký vào biên bản một vụ bắt quả tang trao đổi, buôn bán ngoại tệ phạm pháp. Họ được mời về cơ quan công an kinh tế ngay sau đó. Bước ra ngoài cửa, Hương nhìn quanh. Anh xích lô đã biến mất. Thay vào đó, là một chiếc Toyota trắng rất lịch sự đang chờ họ.
Anh công an hỏi cung Hương còn rất trẻ, khoảng trên dưới ba mươi, mặt có nét gì đó rất giống Mạnh, ở cái trán cao, đôi mắt sáng ngời với chân mày lưỡi kiếm. Hương bắt gặp ở mình một thoáng bâng khuâng. Một sự trùng hợp người giống người, hay vì nhìn ai cô cũng liên tưởng tới Mạnh?
Vừa vào đề, anh công an đã khuyên Hương:
- Chúng tôi biết bà Quyền đã đánh hơi thấy nguy hiểm nên đã đẩy chị đi vụ này. Bà ấy tinh ranh, nhưng không thoát được đâu. Và sự việc vừa qua chắc đã cho chị hiểu là chúng tôi nắm rất rõ về các hoạt động trong tổ chức mà chị đang tham gia. Vì vậy, chị nên trình bày thật thẳng thắn, sẽ có lợi hơn.
Sau khi ghi tên tuổi, địa chỉ của Hương, anh công an tiếp tục hỏi về tính chất cộng tác của Hương với bà Quyền, cô làm cho bà ta được bao lâu, ai giới thiệu, trước đã làm gì… Ở câu hỏi này, Hương suy nghĩ một chút và quyết định nói thật:
- Tôi làm y tá ở Thanh niên xung phong.
- Chị ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu?
Khi biết Hương ở Liên đội cơ động 7, đang đóng quân tại Tân Thông Hội, Củ Chi, anh công an nhíu mày nhìn cô:
- Như vậy là chị đào ngũ?
Hương cay đắng gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:
- Tại sao?
Hương bực bội đáp:
- Tôi có lý do riêng…
Anh công an lại chăm chú nhìn Hương một lúc, mặt có nét gì đó rất khó hiểu. Cuối cùng anh nói:
- Thôi được. Sáng nay thì hẳn thế thôi. Chị về nghỉ, chiều chúng tôi sẽ mời lên làm việc tiếp.
Buổi chiều, Hương được mời lên lúc hai giờ. Vừa bước vào phòng, cô đã thấy ngồi trước anh công an hồi sáng là một cái lưng áo màu xanh, cổ úa bạc phếch, quen thuộc. Cái đầu với mái tóc cắt ngắn từ từ quay lại. Hương muốn đứng tim, lảo đảo. Mạnh! Chính là anh!
Hương bàng hoàng nhìn hai người. Đúng là hai anh em! Họ giống nhau từ khuôn mặt cho đến vóc dáng. Không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp lại Mạnh trong hoàn cảnh như thế này. Hương cúi mặt, không dám nhìn Mạnh, Mạnh nói:
- Tôi về đi học nghị quyết ở Lực lượng, sẵn dịp có đến tìm Hương hai lần rồi. Tôi chưa cho cắt quân số của Hương, vì tin là cuối cùng Hương sẽ trở lại. Tôi đã bàn với anh Tiến, anh ruột tôi. – Anh phác một cử chỉ để giới thiệu người công an. – Trường hợp Hương làm việc với bà Quyền và tính chất tội phạm của Hương như thế nào, các anh ở đây đã nắm được. Hương chỉ cần báo thêm thật đầy đủ tất cả những gì mình biết được về bà Quyền sau thời gian ngắn làm việc cho bà ta. Sau đó, tôi có thể thay mặt đơn vị chịu trách nhiệm bảo lãnh cho Hương về lại với tập thể …
Mạnh đứng lại, anh hỏi thật nhẹ:
- Hương về với anh em, với Mai, với Phượng chứ? Họ nhớ Hương lắm đó.
Mạnh không dám nói chính anh thỉnh thoảng cũng tự bắt gặp mình đang nghĩ về Hương với một cảm giác thật khác lạ, như một nỗi nhớ, một niềm ray rứt. Sau ba ngày ngơi nghỉ, xả trại. Liên đội lại tiếp tục lao vào việc hoàn chỉnh hai trong 8 con kinh cấp 2, đưa nước từ kinh tưới cấp 1 vừa hoàn thành vào những cánh đồng Tân Thông Hội. Anh chưa báo cắt quân số của Hương với một niềm hy vọng mơ hồ. Dù sao, tình trạng ấy cũng chỉ có thể duy trì cho đến cuối tháng.
Hai người cứ đứng nhìn nhau. Hương không nói, rưng rưng nước mắt. Mạnh đã bảo lãnh cho Đạo với niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong con người. Giờ đây, Mạnh lại đứng ra bão lãnh cho Hương. Anh đứng trước mặt Hương, vững chãi, trong sáng, tự tin, bao dung biết chừng nào.
Mạnh mường tượng hiểu người con gái đang đứng trước mặt mình, đang có điều gì hết sức khổ tâm, không thể nói ra. Nhìn nét mặt nhợt nhạt, đôi mắt mệt mỏi, đẫm lệ của Hương, Mạnh chợt thấy cô quá nhỏ bé, yếu đuối, đến tội nghiệp. Anh kiên nhẫn lặp lại:
- Về nhé?
Hương lặng lẽ gật đầu.

<< 5. | 7. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 994

Return to top