Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ngọc trong đá

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19292 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ngọc trong đá
Nguyễn Đông Thức

3.

Chiếc xe GMC của Lực lượng thanh niên xung phong cho Hương đi nhờ đang chạy như một cơn dông chợt thắng gấp, kêu rít thật khủng khiếp rồi đứng lại, thở phì phò như một lực sĩ chạy đua vừa về tới mức. Người lái xe bảo Hương:
- Đã đến cầu Bà Lác rồi. Đồng chí xuống đây hỏi người ta chỉ đường vào Liên đội 11. Gần lắm, đi bộ chỉ độ một cấy số là tới.
Anh ta mở cửa cho Hương xuống và vui vẻ đưa tay chào Hương, sau khi đã lộ vẻ ái ngại nhìn cái va-li to kềnh và cái xách tay nặng trĩu của cô. Chiếc xe rú lên mấy tiếng rồi ào đi, để lại một làn khói đầy những bụi than li ti nóng hầm hập.
Hương đứng lại, tần ngần nhìn vào con đường đất đen ngòm, lầy lội, sâu hun hút trước mặt, rồi nhìn lại chiếc va-li và cái xách tay của mình. Ngày hôm qua, lúc nhìn Hương ngồi soạn lại hành trang lên đây, bà Cung lại khóc. Còn Hương thì cảm thấy trong lòng dâng lên một nỗi chua xót lạ lùng. Lần trước, cũng chính tay Hương đã cố lựa những món gì tốt nhất, quý nhất xếp vào. Còn giờ đây, cô lại cố lựa những gì thô xấu, bền chắc. Rồi thì lỉnh kỉnh đủ các thứ lon hộp đựng thịt kho khô, ruốc bong, đường, bột giặt, dầu gió… mà bà Cung bắt Hương phải nhét vào. Bà cứ luôn miệng dặn đi dặn lại là bất cứ lúc nào Hương cảm thấy chịu không nổi nữa thì cứ trốn về, rồi ra sao thì ra…
Người thay mặt Ban chỉ huy và người trưởng phòng y tế Lực lượng thanh niên xung phong tiếp nhóm y tá mới đến nhận nhiệm vụ một cách giản dị, thân mật. Họ báo cáo sơ về tình hình công tác, quân số và các địa bàn đóng quân, tình hình y tế chung và những vấn đề về y tế vệ sinh cần được chú trọng. Vào đầu mùa mưa, khu vực ở vùng thấp, tức Lê Minh Xuân, Bình Chánh, Vĩnh Lộc… tình trạng vệ sinh được báo động hơn ở vùng cao như Củ Chi, Xuyên Mộc… Hiện nay, bệnh phổ biến nhất ở các đơn vị là bệnh ghẻ. Đợt y tá này về đúng lúc cho việc phát động một chiến dịch chống ghẻ. Đó cũng là một thứ bệnh mà Hương sợ nhất trên đời, dù cô chưa từng bị. Tình cờ cô đã được chọn về Liên đội 11, một trong những đơn vị được coi như là trọng điểm trong chiến dịch này. Tuy rất phiền muộn, Hương cũng thấy tức cười cho cách dùng chữ của cả hai người. Cái gì cũng “chiến dịch”! Chống ghẻ mà cũng thành một “chiến dịch”, hèn gì Mỹ sợ đến nỗi chạy dài!
Sau một cơn mưa, con đường đất trở nên dẻo quánh và trơn như bôi mỡ. Suýt trượt té mấy lần, Hương đứng lại, cầm đôi guốc trên tay và bặm môi, dấn đôi chân trần trắng nuột lên mặt đất nhớp nháp, lầy nhầy. Nó hí hửng nuốt ngay lấy chân Hương và toan lôi tuột chúng xuống bên dưới. Hương bấu chân, gượng lại, giữ thăng bằng bằng chiếc va-li bên tay phải và cái giỏ xách với đôi guốc bên tay trái. Cô đi chập chững từng bước như một diễn viên xiếc đang biểu diễn một màn đi dây trên không hết sức căng thẳng, hồi hộp.
Mới được vài phút, Hương đã có cảm tưởng những gì mình đang mang theo là cả gánh nặng của cuộc đời không thể cam chịu nổi. Khổ thay, con đường lầy lội này không hề có một chỗ nào có thể nghỉ chân và đặt các hành lý xuống. Hương đang muốn khóc thì chợt nghe có tiếng bước chân nhanh phía sau và một giọng nói ấm áp vang lên:
- Chà, nặng quá! Chị để tôi xách giúp cho.
Hương quay lại. Một thanh niên cao lớn, vạm vỡ, mặc đồ thanh niên xung phong, đội mũ tai bèo sùm sụp, đi chân trần, quần xắn lên tới gối đang đi tới. Anh ta không đợi Hương trả lời, đã tự nhiên cầm lấy chiếc vali đang suýt rời khỏi tay Hương và vừa đi vừa hỏi:
- Nhà chị ở trong khu B à?
Những mẩu chuyện ngắn ngủi với người lái xe đã cho Hương biết suốt dọc đường này, bên tay trái là Nông trường Lê Minh Xuân với ba khu A, B, C, còn bên tay phải là Nông trường Phạm Văn Hai. Cả hai bên đều đang có các Liên đội TNXP làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản giúp dân, cũng như đào kinh làm thủy lợi.
Hương lắc đầu, lí nhí trả lời:
- Không, tôi vào Liên đội 11.
Giọng người con trai có vẻ mừng rỡ:
- Ủa, tôi cũng ở Liên đội 11 nè. Chị đi thăm ai vậy?
Hương bắt đầu cảm thấy khó chịu trước vẻ xởi lởi tự nhiên của người con trai chưa quen. Cô trả lời dấm dẳng:
- Tôi đến nhận công tác.
Không nghe anh ta nói gì nữa. Hương lén liếc mắt sang và thấy anh ta đang nhìn mình có vẻ nghĩ ngợi. Hương vừa quay phắt đi thì đã nghe anh ta hỏi:
- Có phải chị tên Lê Phạm Giáng Hương, ở Sở Y tế về đây không?
Hương giật mình, lại nhìn sang anh ta. Một gương mặt lạ, Hương chưa từng gặp bao giờ với đôi mắt sâu thẳm và sáng quắc, cái trán rộng hơi dô một chút, mặt vuông nhưng mà hóp có lẽ là do làm việc nhiều mà ăn uống quá kham khổ. Cả gương mặt chỉ được nhất đôi mắt, vừa có vẻ trong sáng, chân tình lại rất thông minh. Tại sao người lạ mặt này lại biết về Hương rõ như vây?
Hương thấy phải cho anh ta biết mình không phải tay vừa, bằng cách không trả lời mà hỏi lại:
- Còn anh có phải lúc trước anh ở Lăng Ông không?
Đến lượt người thanh niên tròn mắt nhìn Hương:
- Sao chị biết?
Hương cố nén cười:
- Tôi nhớ có gặp anh ngồi trước Lăng Ông coi bói cho người ta.
Anh ta bật cười ra tiếng:
- Chắc chị nhìn lầm rồi. Tôi có ở Quận đoàn Bình Thanh, gần Lăng Ông thật. Nhưng trước khi đi Thanh niên xung phong, tôi lại ra đó làm công việc dọn sạch mấy ông bà thầy bói, chị ạ.
- Anh không làm nghề coi bói, vậy sao anh biết tên tôi?
Người thanh niên cười lớn hơn:
- Vì nó được viết rất đẹp và dán lên trên cái vali này.
Thấy mình bị hố, Hương chỉ biết ngượng ngùng, im lặng. Nhưng tại sao anh ta lại biết Hương ở Sở Y tế về đây? Hương nói lên thắc mắc đó. Anh ta trả lời:
- Đó là bí mật quân sự!
Hương tức giận quay sang nhìn anh ta, và tự dưng người cô lướt dài trên mặt đất trơn ướt. Khi Hương biết việc gì đã xảy đến cho mình thì đôi guốc và cái giỏ xách đã văng ra khỏi tay, và Hương đang ngồi bẹp trên mặt sình. Điều đáng kinh sợ nhất từ nãy giờ đã xảy đến.
Người thanh niên bước vội đến mấy bước. Anh ta vừa khom người nhặt đôi guốc và cái giỏ xách lên vừa nói:
- Chị có cảm giác thế nào? Ở đây tụi tôi gọi là trượt pa-tanh.
Nhưng khi anh ta quay sang định đưa Hương cái giỏ thì thấy Hương vẫn ngồi tại chỗ và nước mắt ứa ra. Anh ta sửng sốt ngưng ngay nụ cười và quyết định đặt những vật đang cầm xuống lại, đưa tay ra cho Hương và nói bằng một giọng vỗ về:
- Đứng dậy đi chị. Cầm lấy tay tôi nè. Té như vậy mà khỏe đó. Chị sẽ hết lo lấm đồ và như vậy đi sẽ dễ hơn.
Câu nói chỉ gợi cho Hương một nỗi đau hơn. Phải rồi, khi thân đã sa xuống vùng thì phải chăng con người sẽ trở nên bất chấp tất cả? Từ nay, những sình lầy đáng tởm này phải chăng sẽ vĩnh viễn trở nên quen thuộc với Hương?
Chỉ sau một giây chờ đợi, người thay niên chủ động cầm lấy tay Hương và gần như là lôi cô lên khỏi mặt đất. Bàn tay anh ta to và chai cứng phía trong. Hương cố gượng đứng lên, nghe mông ê ẩm. Có lẽ thế té vừa rồi giống kiểu té trên sân trượt pa-tanh thật. Lúc trước đi pa-tanh Gấu Đen, bọn Hương rất sẵn sang cười to trước cái té của bạn bè, vậy mà sao giờ Hương không chịu nổi trước nụ cười cố giấu của tên con trai này. Nước mắt Hương càng ứa ra, Hương bặm môi không cho tiếng nấc trào ra, cúi xuống cầm xách tay ra thì anh ta đã ngăn lại:
- Chị để tôi cầm luôn cho.
Rồi anh ta không nhìn Hương nữa, vừa đi vừa nói như an ủi:
- Ở đây chụp ếch là chuyện thường. Không ai cười chị đâu. Ít nhất chị còn té mười lần nữa mới quen.
Hương càng ấm ức:
- Nhưng tôi té là tại anh!
Người thanh niên chợt nghiêm nét mặt:
- Chị đừng đổ cho tại tôi hay tại vùng đất này. Trên đường đi, vấp ngã hay không trước hết là do mình. Và có đứng dậy đi tiếp được hay không cũng là do mình thôi.
Nói xong câu đượm vẻ đầy triết lý đó, anh ta đứng lại trước một ngã ba và đưa tay chỉ:
- Chị rẽ vào lối này, đoạn đường chỗ này đã được đắp cao và khô ráo hơn. Tới dãy nhà có ngọn cờ đang bay kia là văn phòng ban chỉ huy Liên đội. Thôi, chào chị, tôi đi, mình sẽ gặp lại sau.
Trao vali và giỏ xách cho Hương, anh ta quay lưng bỏ đi, không chờ nghe một tiếng cảm ơn mà Hương chưa kịp thốt ra. Hương đứng nhìn theo, ngẫm nghĩ về những điều anh ta vừa nói. Một anh chàng Thanh niên xung phong có vẻ cũng có trình độ đây. Anh ta là ai, làm gì, và tai sao biết được Hương đến từ Sở Y tế, đó là những điều mà Hương vẫn chưa biết được sau một quãng đường…
*
Hương ở văn phòng Liên đội 11 một buổi, chỉ đủ để thay một bộ đồ khác, ăn trưa, nhận một tờ khai lý lịch, và sau đó là gặp Bình, liên đội trưởng, cũng là một thanh niên còn trẻ, để trả lời một số câu hỏi xoay quanh vấn đề nghiệp vụ và vài câu hỏi về đời sống gia đình. Bình có cách nói chuyện cũng tương tự như anh thanh niên khi sáng. Anh cười cười, hỏi han một cách chân tình:
- Tối hôm qua, ở đây trời mưa nên đường hơi khó lội, chắc chị vất vả nhỉ?
Hương chưa kịp trả lời, thì đúng lúc đó, từ ngoài cửa đã bước vào một cô Thanh niên xung phong vóc người nhỏ nhắn, tóc thắt hai bím ngắn. Bình giới thiệu với Hương:
- Đây là chị Út Dịu, phụ trách Ban y tế liên đội. Còn đây là đồng chí Hương, y tá, vừa về nhận công tác tại Liên đội mình.
Út Dịu mỉm cười với Hương. Chị khoảng 23, 24 tuổi, có vẻ mặt hiền lành, vui vẻ. Nghe cái tên và nhìn vẻ người, Hương thầm đoán chị y tá này chắc đã tham gia cách mạng từ trước giải phóng. Bình đi ngay vào việc:
- Như thế này nhé đồng chí Hương. Đồng chí được điều về đây để làm trong Ban y tế liên đội vì Ban còn thiếu người, mới chỉ có chị Út Dịu đây. Về tình hình y tế của Liên đội chúng ta thì có lẽ anh Ba Minh, trưởng ban y tế Lực lượng đã nói sơ cho đồng chí biết về dịch ghẻ đang phát triển ở đây. Nặng nhất là ở Xê 1, Xê (1) có năng suất lao động cao nhất Liên đội nhưng cũng có ghẻ nhiều nhất, gần như bị đến 90%. Y tá Xê này là đồng chí Thanh lại không tốt, đã đào ngũ, mang theo một số y cụ và thuốc men được trang cấp. Khi được tin sẽ có đồng chí về đây, chúng tôi cùng chị Dịu đã bàn với nhau, dự tính tạm thời sẽ bố trí đồng chí xuống Xê 1 nằm ở đó một thời gian, tập trung dứt điểm dịch ghẻ. Chúng ta sẽ chọn Xê 1 làm điểm, từ đó rút kinh nghiệm khống chế bệnh này trong toàn Liên đội...
Có lẽ Hương không giấu được một cái nhíu mày nên cô thấy Bình cười, trấn an:
- Công tác đầu tiên của đồng chí chắc không thích thú lắm phải không? Nhưng chúng tôi đặt rất nhiều tin tưởng nơi đồng chí đây, đồng chí Hương ạ. Đây, tôi đã biết giấy giới thiệu đồng chí với đồng chí Mạnh, Xê trưởng Xê 1. Đã sắp hết giờ lao động, có lẽ đồng chí ấy cũng sắp về đến đội. Đồng chí cần tranh thủ xuống làm việc ngay. Tình hình khá nguy rồi. Ở đó, các đồng chí ấy sẽ lo cơm nước và nơi ăn ở cho đồng chí. Phòng của cô Thanh vẫn còn đó, chưa ai ở. Cô ấy làm y tá thì trung bình, nhưng dọn dẹp phòng lại rất tốt. Phòng đó đẹp lắm. Chắc đồng chí sẽ vừa ý. Chị Dịu sẽ cùng đi với đồng chí...
Con đường từ văn phòng Liên đội vào các đại đội còn dài hơn cả từ ngoài đường vào liên đội. Mỗi lần qua một nhịp cầu chông chênh bắc bằng mấy thân tre bóng nhẵn, trơn tuột. Hương lại run bần bật, trong khi Út Dịu cứ bước thoăn thoắt. Có chỗ Hương không dám bước qua, đứng bặm môi suýt khóc. Út Dịu phải xách hành lý của Hương qua trước, để xuống mặt đất đã hơi khô ráo và quay trở lại cầm tay Hương dẫn qua.
Mặc dù là đơn vị đầu tiên, Xê 1 lại ở xa nhất trong 10 đại đội của Liên đội 11. Mới đi một lúc, Hương đã thấy chiều xuống gió thổi ngả nghiêng hai hàng cỏ bên bờ kinh và làm gờn gợn sóng trên dòng nước êm ả. Ánh tà dương hắt trên những gợn sóng ấy, dát một màu vàng óng ánh lên mặt nước. Hương bước hơi chậm lại. Lần đầu tiên cô được thấy một vẻ đẹp thiên nhiên, thật đơn giản nhưng vẫn hết sức thu hút.
Lác đác đã thấy các đội viên Thanh niên xung phong từ xa đi về. Con đường đã hơi khô ráo và Hương đi cũng đã quen chân hơn, nhưng vẫn không nhanh bằng họ. Họ đi vun vút từng nhóm nhỏ qua mặt Hương, vừa đi vừa cười nói hết sức ồn ào, vui vẻ. Có người cất tiếng hát lớn trong tiếng huýt gió phụ họa:
... Việt Nam trên đường chúng ta đi
Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó...
Hầu hết đám con trai đều ở trần, mặc quần đùi. Có người mình còn ướt đẫm, tóc bết trên trán, nước da đen như cột nhà cháy. Lúc trưa, Hương đã thay một bộ bà ba đen cho phù hợp hơn, nhưng bây giờ mới thầy mình vẫn lầm. Bộ đồ đen chỉ càng làm nổi hơn nước da trắng nõn của Hương và mỗi người đi qua đều ngoài nhìn cô bằng một đôi mắt tò mò, làm Hương càng thêm ngượng. Loáng thoáng có tiếng la lớn:
- Hùng ơi, vợ mày lên thăm kìa!
Ba bốn giọng khác hưởng ứng rầm rộ:
- Đâu? Đâu? Anh nè em!
Hương đỏ mặt, bấu tay Dịu bước nhanh. Út Dịu cười:
- Anh em ở đây vui tính lắm. Họ phá vậy thôi chứ không có gì đâu, đừng sợ!
Đi ngang một dãy nhà có treo tấm bảng đề chữ “C2”, có người goi Út Dịu lại, Dịu chạy vào nói gì đó rồi chạy ra gặp Hương:
- Xin lỗi, tôi có việc gấp phải ở lại đây. Hương đi tới dãy nhà cuối cùng phía trước căn có cột cờ kia là văn phòng Xê 1 đó. Còn chừng 200 mét thôi. Chắc đồng chí Mạnh đã về rồi.
Văn phòng đại đội 1 cũng chỉ là một căn nhà tranh như những căn nhà khác, khá sạch sẽ và gọn gàng, gian trước có trang trí cờ, ảnh và bằng khen treo khắp trên ba bức vách. Phòng trống trơn không có một người. Gian trong tối tăm vì bên ngoài chiều đã xuống. Qua những ô lưới mắt cáo bằng tre, Hương thấy lờ mờ có một chiếc võng đang giăng và dường như có một người đang ngủ trên đó.
Hương đặt hành lý lên một băng ghế dài bằng tre chôn chân dưới đất rồi ngồi xuống nghỉ mệt, mắt lại nhìn vào bóng tối phía trong. Làm Ban chỉ huy dù sao cũng khỏe, trong khi đội viên đi làm thì ở nhà ngủ. Hương nghĩ lại lời nói của Dũng: “Cũng chỉ là con người thôi!...”
Có tiếng chân dậm bạch bạch ngoài cửa. Hương nhìn ra. Một người con trai to lớn, vạm vỡ đang đứng rũ nước. Anh ta đứng bịt kín cả khung cửa nên Hương không thể nhìn rõ mặt, chỉ thấy đó là một người cắt tóc ngắn, ở trần, mặc quần xắn ống lên tới đầu gối, và hình như vừa bước từ dười kinh lên, ướt từ đầu đến chân, nước chảy ròng ròng trên mặt đất. Người con trai không nói gì với Hương. Anh ta lầm lũi vác mấy cái cuốc đi vào gian trong, và Hương chỉ kịp nhìn thấy cái lưng đen trũi to như tấm phản của anh ta. Anh ta lục đục gì đó một lúc rồi vẫn không nói một lời nào, lừng lững đi ra, cầm theo khăn và quần áo. Lúc ấy, ánh sáng nhá nhem của cuối buổi chiều chỉ kịp cho Hương thấy anh ta trông quen quen, dường như đã gặp đâu đó thì phải.
Khi anh ta từ ngoài cửa đi vào lần nữa thì trời đã sắp tối hẳn. Hương chỉ thấy màu áo thun trắng lờ mờ nổi lên. Lúc anh ta đi ngang, Hương thoáng nhận thấy mùi xà bông thoang thoảng. Khi anh ta đốt đèn và bưng lại để trên bàn trước mặt Hương, Hương ngạc nhiên nhận ra chính là người lúc sáng đã xách hộ va-li cho mình đến văn phòng Liên đội. Anh chàng không có vẻ gì ngạc nhiên khi thấy Hương, thoải mái ngồi xuống băng ghế đối diện với cô và cười mỉm:
- Tôi nói có linh không? Mình còn gặp nhau mà!
Hương quay mặt nhìn ra sân, nói:
- Tôi muốn gặp Ban chỉ huy đại đội.
Giọng người thanh niên vẫn có vẻ bỡn cợt:
- Gặp đại đội trưởng được không?
Hương bực bội quay lại nhìn anh ta, nhưng anh ta vẫn tỉnh như không. Hai ngọn đèn dầu sáng lấp lánh trong đôi mắt to đen của anh. Thấy Hương có vẻ cáu, anh cười:
- Thôi, mình nói chuyện nghiêm chỉnh nhé. Tôi là Mạnh, Xê trưởng ở đây. Đồng chí đã chịu xuống giúp bọn tôi rồi phải không?
Hương ngạc nhiên nhìn Mạnh. Anh chàng này là đại đội trưởng? Và anh ta đã biết Hương về đây từ trước khi có sự có mặt của Hương?
Mạnh rót nước trong cái ấm nhôm lớn ra hai cái ly rồi mời Hương, Hương nói:
- Như vậy là anh đã biết hết rồi. Chắc tôi không cần đưa giấy giới thiệu của mình ra nữa.
Mạnh gật đầu:
- Tôi đã biết trước tinh thần đồng chí sẽ về đây. Còn khi nãy tôi vừa gặp chị Út Dịu. Chị có cho biết đã đưa đồng chí xuống.
Hương tức thầm trong bụng. Vậy là anh ta đã biết có Hương đang ngồi đợi thế mà vẫn làm lơ bỏ đi tắm không nói lời nào. Hay anh ta tế nhị, hoặc cũng tự ngượng về hình thức của mình?
Mạnh nói:
- Đồng chí chờ tôi chút. Uống nước đi.
Rồi anh đứng lên, lại đi ra cửa. Hương nhấp một ngụm nước, nuốt cho trôi sự bực tức. Trà nguội, lại pha quá loãng, chỉ có mùi gừng thơm nhẹ là hơi an ủi. Được một lát, Mạnh quay trở lại, lần này cùng đi với một người con gái:
- Tôi đã báo cơm từ ngày mai cho đồng chí. Còn chiều này, đồng chí sang ăn tạm với đồng chí Mai đây. Mai là đại đội phó đời sống, phụ trách cả khâu y tế của đồng chí.
Mai là một cô gái còn rất trẻ, chỉ khoảng 18 tuổi, người béo tròn như hột mít. Cô cười tít mắt chào Hương.
- “Chời” ơi, tụi em đợi chị quá! Chắc chị đói bụng “gồi” phải “hông”? Đi chị!
Cái giọng đớt ở chữ “tr” và “r” của Mai làm cho cô có vẻ con nít một cách không chút giả tạo. Mai xách ngay cái va-li lớn của Hương và nắm tay Hương lôi đi, rất tự nhiên. Mạnh dặn với:
- Đến 7 giờ mời đồng chí Hương qua họp nhé.
Ăn xong bữa cơm đạm bạc với canh bí đỏ và cá khô nướng, Hương theo Mai về nơi được gọi là phòng y tế. Có kích thước bằng với văn phòng đại đội nhưng nơi đây trông thoáng hơn nhờ bày biện khá ngăn nắp. Gian ngoài có một bộ bàn ghế bằng tre chôn giữa bốn cái giường cũng bằng tre. Gian trong là phòng của y tá với một giường, một bàn nhỏ và một tủ gỗ, đặc biệt là cửa ra vào khá kiên cố, kín đáo. Rõ ràng người ở đây trước Hương đã để ra khá nhiều thời gian lo cho chỗ ở của mình và tỏ ra có năng khiếu về chuyện đó. Nền đất được dậm thật bằng phẳng, phòng có cửa sổ nhìn ra dòng kinh ngoài kia, với hàng chắn song và cửa chớp đàng hoàng. Một số tranh ảnh màu được treo trên vách khá mỹ thuật. Hương đành phải công nhận trong hoàn cảnh này, một gian phòng riêng như thế này là khá lý tưởng. Cô chợt nhớ tới lời một ông thầy bói trước đây, đoan chắc như đinh đóng cột là số cô lúc nào cũng được nhà cao cửa rộng. Hương cay đắng cười một mình.
Buổi tối, Hương lên văn phòng đại đội hơi sớm một chút. Ở chiếc bàn nhỏ, đã có Mạnh, Mai và một thanh niên lạ mặt đang ngồi nói chuyện với nhau trong ánh sáng ngọn đèn dầu đặt trên bàn. Họ đang tranh luận điều gì đó. Hương đứng trong bóng tối bên ngoài cửa, nghe tiếng Mạnh nói, có vẻ giảng hoà:
- Có lẽ đồng chí Tuấn đêm qua phải làm việc khuya…
Tiếng Mai tàn nhẫn cắt ngang:
- Các đồng chí đừng bênh vực nhau. Đêm nào cũng thức khuya trong khi ban ngày ngủ là sao? Tôi không nhất trí điều đó. Ở nhà là để trực ban chứ không phải để nghỉ ngơi. Rồi anh em sẽ coi chúng ta ra gì?
Tiếng người thứ ba cất lên, khá gay gắt. Giọng anh ta cao và thanh, hơi sắc, khác hẳn giọng trầm của Mạnh:
- Đồng chí Mai chỉ chú trọng hình thức. Chúng ta làm hết việc chứ không hết giờ. Tính chất công tác của tôi cần thức khuya để làm việc. Đồng chí 9 giờ đã đi ngủ,làm sao biết tôi thức đến mấy giờ và làm việc ra sao? Về chuyện trực ban, tôi vẫn làm tốt. Hồi chiều, chỉ tới giờ nghỉ và đã giải quyết xong mọi công việc cần thiết, mệt quá, tôi mới nằm nghỉ một chút.
Mai hứ một tiếng:
- Giải quyết xong mọi công việc! Tôi ở hiện trường về, thấy văn phòng đại đội có khách mà đồng chí vẫn nằm ngủ. Tôi vội đi tắm và thay quần áo để qua thì đồng chí Mạnh đã sang cho tôi biết có đồng chí y tá mới đến cần được sắp xếp ăn ở ngay. Tôi tự hỏi không biết đồng chí ấy đã đợi như thế từ bao giờ?
Mạnh ngắt lời Mai:
- Thôi, đã đến giờ làm hẹn làm việc với đồng chí Hương. Chúng ta ngưng việc này ở đây.
Mai vẫn ấm ức:
- Tôi sẽ trở lại chuyện này…
Đợi họ im lặng một lúc, Hương mới bước vào. Mai ngồi quay lưng ra phía ngoài. Đối diện với cô là Mạnh, và người thanh niên Hương chưa biết. Anh này da hơi trắng xanh, người ốm nhưng chắc, môi mỏng, mũi cao, đôi mắt nhanh, sắc. Anh nhìn Hương khá chăm chú, mắt lộ vẻ tán thưởng. Hương gặp kiểu nhìn đó đã khá nhiều và không thích nó. Mạnh giới thiệu vắn tắt:
- Mời đồng chí Hương ngồi. Đây là đồng chí Tuấn, đại đội phó chính trị. Chúng ta sẽ cùng bàn ngay công tác y tế cụ thể sắp tới. Tình hình đã khá căng rồi.
Trong khi Hương ngồi cười thầm về những tiếng “đồng chí” mà mình đã được nhận, Mạnh bắt đầu cho cô biết về quân số biên chế của đơn vị. Xê 1 có 120 quân, chia làm 10 tiểu đội, gọi là A. Trở ngại lớn của họ bây giờ là bệnh ghẻ. Một số người bị nặng đến nỗi lở lói toàn thân, không thể lao động được. Phổ biến ở đây là ghẻ ngứa và mụn nước, rất dễ lây lan trong thời tiết này. Quyết định của Liên đội cũng là của Lực lượng là phải hạn chế đến mức thấp nhất cái dịch đáng sợ này. Hương sẽ được cấp thuốc tối đa theo khả năng, được quyền chủ động đề xuất mọi biện pháp cần thiết và được sự hỗ trợ hết mình của Ban chỉ huy đại đội và cả Liên đội.
Vì chưa chuẩn bị kỹ và thực tình cũng không muốn chuẩn bị gì cả, Hương chỉ góp ý kiến rất ít về một số biện pháp trước mắt. Hầu như cô đồng ý hết với những biện pháp mà họ đã nghĩ sẵn, như tổng vệ sinh lại doanh trại thật tốt, việc ăn ở theo tiêu chuẩn ba sạch, tổ chức khám và chữa trị từng người, hướng dẫn chung về bệnh ghẻ và cách điều trị…
Hương cáo lỗi, viện cớ mới đến còn mệt mỏi nên chưa có suy nghĩ gì nhiều hơn, cần nghiên cứu thực tế rồi sẽ có kế hoạch sau. Trở về phòng, Hương mệt và chán đến mức chỉ còn cách chui ngay vào mùng, sau khi đã khoá chặt cửa. Nhưng giấc ngủ mãi vấn không đến. Tiếng ếch nhái kêu than đều đều. Tiếng ghi-ta của ai đó chơi bài Romance rất vụng. Chiếc mùng nhà binh Mỹ màu xanh ô-liu mới tinh mà má Hương vừa mua cho mới tù túng và tối tăm làm sao. Chiếc sạp ngủ được đóng rất kỹ bằng một loại tre mỏng chẻ nhỏ - sau Hương mới biết là cây lồ ô - vẫn cứng ngắc dưới lưng dù Hương đã lót cả một chiếc chăn mỏng trên chiếu. Ánh sáng vàng úa, tù mù như con mắt quầng thâm của ngọn đèn dầu nhỏ, làm gian phòng càng buồn thảm hơn. Hương úp mặt vào cánh tay khóc lặng lẽ. Còn đâu là giường nệm mút trải ra trắng thơm phức với ngọn đèn ngủ xanh lợt mát mắt và chiếc loa trỗi nhạc FM dìu dặt đưa Hương vào giấc ngủ êm đềm? Chỉ còn cái điệp khúc “quệt quệt” tẻ nhạt ngoài kia, chiếc giường tre cứng còn trong này, và có một cô Hương đang đau khổ trong đêm đầu tiên xa gia đình, xa bao tiện nghi quen thuộc.
Mãi đến gần sáng, Hương mối chợp mắt được. Trong mơ, cô thấy mình bị bao vây bởi những đội viên Thanh niên xung phong thân người nứt nẻ, mặt mũi đã bị ghẻ ăn mất chỉ còn những cái hốc đen ngòm chảy nước vàng tanh tưởi. Hương bỏ chạy thì bị chặn đường bằng những con cái ghẻ to bằng người thật đứng quơ những cẳng chân lông lá về phía cô. Chúng nhe những cái miệng rộng toang hoác với hàm răng bén ngót, nhểu máu ròng ròng. Hương hét lên và ngồi bật dậy, kinh hoàng nhìn quanh. Ngọn đèn dầu đã tự tắt hồi nào. Chỉ còn bóng tối đen kịt quanh Hương…
*
Hương giật mình tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng, khi tiếng tu huýt vang lên thúc giục cả đại đôi thức giấc ra sân tập thể dục. Vừa tung chăn ngồi dậy, cái lạnh đã ập tới như muốn xô Hương ngã xuống trở lại cái tổ ấm tệ hại của mình. Măt Hương cay xè và khắp người rã rời, ê ẩm. Không chống lại nổi, Hương lại nằm xuống, ngủ tiếp.
Mai tới gọi Hương lúc gần 6 giờ, kiên nhẫn chờ Hương làm vệ sinh xong mới rủ cô đi ăn sáng. Hương vừa thèm lại vừa hơi ghét cái vẻ hết sức hồn nhiên, thoải mái của Mai. Tại sao vậy? Có phải đó là cái mà Hương đã không thể nào có được trong cuộc sống này?
Phần ăn sáng của mỗi người là ba miếng bột mì luộc to bằng bàn tay, ăn với món nước chấm có váng mỡ và mấy lá hành phi nổi lều bều. Cứ năm người ngồi một mâm, với một cái thau nhựa đựng đầy những miếng bột như thế. Cái loại “bánh” này Hương chưa từng ăn bao giờ, lại chưa chín lắm, cắn vào là dính chặt răng, không có hương vị gì hơn một miếng bột đúng nghĩa. Hương gắp một miếng bỏ vào chén, uể oải nhai, thầm nhớ đến những tô phở thơm tho, những miếng bánh mì phết bơ nướng vàng chấm đường trắng nhuyễn, những đĩa bánh cuốn bốc khói, hay tệ nhất cũng là một miếng Croisant Bưu điện chấm với sữa tươi. Hương nhớ tới những buổi đi ăn sáng với Oanh, với Dũng, từ những nơi sang trọng như Givral, Thanh Bạch, cho tới nhưng quán nhỏ ấm cúng, thân tình trong những hang cùng ngõ hẻm của thành phố mà Dũng hoặc Oanh cố lùng sục cho được để thoả mãn tính kén ăn của Hương. Và trong khi Hương nhớ về những bữa sáng đã qua trong đời, tất cả đều ngon hơn bữa ăn hôm nay. Hương vẫn tiếp tục nhai và biết mình sẽ ăn như thế này không biết đến bao giờ.
Dường như nước mắt Hương đã cạn, với lại dù sao thì Mai cũng đang ngồi bên cạnh. Cô gái ăn chóp chép coi bộ rất ngon lành và tuy không nhìn sang Mai, Hương đoán chắc cô không ngừng quan sát mình. Hương thầm bực mình về trận khóc đêm qua đã không che giấu được qua đôi mí mắt hùm hụp của mình. Ráng lắm mới nuốt trôi được một miếng, Hương đứng dậy cầm chén đi ra. Mai vội đứng lên đi theo:
- Sao chị ăn ít vậy?
Hương ráng giữ giọng bình tĩnh:
- Tôi mệt quá. Còn Mai, sao cũng ăn ít vây?
Mai cười thành tiếng:
- Đâu có. Em ăn đủ tiêu chuẩn rồi chớ.
Thì ra trong khi Hương mới khó khăn nuốt được có một miếng, Mai đã gọn gàng ăn đủ phần mình. Hương không thể giấu một nụ cười. Mai cũng cười:
- Chị cười em ăn nhanh quá phải không? Hổng phải đâu, tại chị ăn chậm đó. Ở đây mà ăn như chị kể như đói…
Mai nhìn Hương rồi nghĩ sao đó lại cười hì hì, tiếp:
- Chị Hương lên đây ăn đua với em vài tháng thế nào cũng mập.
Hương không buồn trả lời Mai. Ở nhà, trước giờ Hương ăn uống đầy đủ ngon lành, vậy mà còn không mập nổi. Vả lại, cô cũng không thích mập mà luôn chú trọng giữ gìn kích thước cân đối của mình.
Ở sàn rửa chén bên dòng kinh. Mai chợt đăm chiêu nói:
- Chị biết không, lúc này ăn được bột mì như vậy là sang lắm. Mới tuần trước, tụi em còn phải ăn sáng bằng khoai lang luộc. Nhiều củ bị sùng, đắng ngắt, vậy mà cũng phải lựa chỗ mà ăn. Bột mì hồi nãy mình ăn còn hơi sống, tại làm cực lắm. Em với chị nuôi phải thức từ 2 giờ sáng để nhồi bột, đến chừng luộc sợ không kịp giờ cho anh em dậy ăn ra hiện trường, thành ra bắc xuống hơi sớm một chút… Tối nay chắc tụi em phải thức sớm hơn.
Mai nói như một lời trần tình, chắc vì cô đã để ý thấy thái độ của Hương khi ăn.
Trước cửa phòng Hương, Mai dặn:
- Chị đợi em chút nhe.
Cô nhanh chóng trở lại với một bịch vải lớn trên vai. Hương ngạc nhiên chưa biết gì thì Mai đã đổ ra giường đủ thứ, nào là quần áo đồng phục Thanh niên xung phong, mùng, mền, chiếu, khăn, mũ, dép. Mai giải thích:
- Đây là trang bị cho đội viên mới vào. Ai cũng được lãnh như vầy. Chị mới tới lẽ ra em phải lập dự trù về Lực lượng lấy, nhưng nhờ trong kho còn sẵn, em linh động giải quyết cho chị trước.
Hương tần ngần đứng giở xem từng món. Bộ đồ màu cỏ úa bằng vải ka-ki dầy cộm, tấm chăn đỏ bằng vải sợi dày có hình đôi chim phượng, cái chiếu còn hăng mùi cói, tấm nhựa mỏng màu nhà binh chắc để làm áo mưa, cái gọi là áo lót bằng vải hoa rẻ tiền rộng thùng thình không tay, chiếc mũ tai bèo sùm sụp… Cuối cùng, Hương dừng lại ở đôi dép dày cui, cong vòng làm bằng vỏ xe hơi cũ, để lòi mấy đầu quai lởm chởm phía dưới. Hương lại nhìn xuống chân mình. Hai bàn chân trắng hồng, mum múp, mịn màng…
Mai hiểu lầm cử chỉ của Hương. Cô sốt sắng nói:
- Em đã lựa áng chừng theo chân chị. Quần áo cũng vậy. Cái nào không vừa, chị cứ mang qua em đổi.
Hương không thấy thích chút nào những gì vừa được cấp phát, nhưng dù sao thì cũng phải cảm ơn Mai. Hương biết Mai có quyền chưa phát đồ, cũng như có quyền gọi mình qua gặp cô để nhận, nhưng Mai đã không làm những chuyện đó. Mai tử tế với Hương để làm gì? Hương nhìn Mai tìm hiểu, và dường như trong đôi mắt lấp lánh sáng của cô gái trẻ trung, vui nhộn này, Hương lại thấy một tia nhìn giễu cợt, như muốn nói: “Ai thèm mua chuộc cảm tình của cô làm gì? Tôi thấy cô khổ sở nên tôi thương vậy thôi. Đừng làm bộ nữa! Muốn hay không thì cô cũng phải ở đây với bọn tôi thôi, cô tiểu thư ạ!”.
Bỗng thấy bực mình vì những ý nghĩ đó, Hương im lặng quơ tất cả những món đồ, nhét vào cái bao mà bây giờ cô mới nhận ra đó là loại túi quân trang cũ của lính Sài Gòn. Mai hỏi:
- Chị không mặc thử sao?
Hương uể oải đáp:
- Để khoan đã.
Và thờ ơ đưa tay ký vào mấy tấm phiếu Mai đưa. Có tiếng kẻng gõ bên văn phòng. Mai lật đật quay lưng:
- Đến giờ đến hiện trường rồi. Em đi nghen chị.
Hương nghe tiếng Mai còn trả lời ai ở ngoài cửa:
- Có. Chị Hương đang ở trỏng.
Hương ngẩng lên, nhìn qua những ô mắt cáo thấy Mạnh đang đứng xây lưng, nhìn ra sân. Hương đưa ngón tay chùi vội hai khoé mắt rồi bước ra. Mạnh quay lai, quan sát Hương thật nhanh rồi nói:
- Hồi mới lên, bọn tôi cũng vậy.
Hương không hiểu, hỏi lại:
- Anh muốn nói gì?
Mạnh cười, ánh mắt lộ vẻ đùa cợt:
- Thì nhớ nhà, không ngủ được…
Biết vẻ mặt và đôi mắt mình không thể che giấu được gì, Hương không buồn trả lời. Mạnh tiếp, giọng nhỏ lại như một lời tâm sự:
- Nhưng tất cả rồi cũng quen đi…
Bất chợt anh thẳng người, đổi giọng:
- Hôm nay đến phiên tôi ở nhà trực ban. Ta nên tiến hành làm việc ngay vì đồng chí đã biết tình hình như thế nào rồi. Tôi đã cho những đồng chí bị nặng nhất được ở nhà để đồng chí vừa tìm hiểu vừa điều trị bệnh trạng trước. Đêm qua tôi cũng đã tranh thủ gặp chị Út Dịu làm việc. Chị đã soạn sẵn các thuốc men và y cụ cần thiết cho đồng chí. Ngay bây giờ, đồng chí sẽ trực tiếp lên gặp chị để ký nhận và sau đó cần tổ chức xem bệnh ngay!
Hương vẫn không ưa được cái giọng nói cương quyết có vẻ ra lệnh của Mạnh. Hương bướng bỉnh nhìn Mạnh, toan lại cho biết mình vẫn còn quá mệt chưa thể làm việc được, thì gặp đôi mắt sáng quắc của Mạnh đang nhìn lại Hương đăm đăm. Không hiểu sao Hương không chịu nổi cái nhìn đó. Giọng Mạnh chuyển qua vỗ về:
- Tôi biết đồng chí còn mệt lắm… Đêm qua, lúc gần sáng, trong giờ tôi trực gác, đi qua nhà này còn nghe đồng chí trở mình hoài. Nhưng… có lẽ đồng chí nên nhìn qua tình cảnh anh em đã…
Hương lại ngẩng lên. Đôi mắt sáng của người đối diện vẫn nhìn cô nhưng đã chuyển sang một vẻ quan tâm dịu dàng. Lạ lùng sao, Hương vẫn không đối đầu được với chúng. Lần này, Hương còn kịp để ý thấy vẻ mệt mỏi trong mắt Mạnh.
Cô nói nho nhỏ:
- Để tôi dọn lại phòng chút rồi sẽ đi.
Mạnh tươi ngay nét mặt, lại đùa ngay:
- Đêm qua, trời không mưa, chắc sáng nay không có ếch cho đồng chí chụp nữa đâu. Có lẽ đồng chí đi một mình được thôi. Chừng nào về, tôi sẽ tập họp anh em lên.
Tự dưng thấy cô đơn và cũng sẵn tò mò, Hương hỏi:
- Cô Mai đi đâu mà trưa không về?
Mạnh nhướng mắt nhìn Hương, rồi hiểu ngay:
- À, Mai và Tuấn ra hiện trường cùng lao động với anh em. Xa tới 6 cây số nên chúng tôi giải quyết trưa khỏi về, tổ nuôi quân đảm trách gánh cơm ăn tại chỗ luôn.
Mạnh quay lưng để kịp che giấu một nụ cười khi nhìn thấy nét mặt không giấu nổi vẻ xúc động, lo âu của Hương. “Rồi tất cả cũng sẽ quen thôi, với cô gái có vẻ như vừa từ trên trời rơi xuống cái đất gian nan này!”
Hương đứng nhìn theo cái lưng áo và chằm vá đụp của Mạnh xa dần. Có một mảng rách chưa kịp vá, và khoảng da trên lưng bên trong của anh nổi lên như một miếng vá màu nâu đất trông rất dị kỳ. “Anh ta làm đại đội trưởng như vậy thì được gì nhỉ?”, Hương nghĩ.
*
Bệnh ghẻ ở Xê 1 quả thật là ghê gớm, phổ biến nhất là ghẻ ngứa, vốn lây lan rất nhanh. Các công việc khám và phát thuốc, chữa trị tập trung tại chỗ cho những người bị nặng, đã làm Hương phần như bù đầu bù cổ trong những ngày đầu. Điều khổ sở nhất của Hương không chỉ ở chỗ suốt ngày cứ phải tiếp xúc với những bệt ghẻ bết mủ, nước vàng, nhầy nhụa. Đại đội có đến 9 tiểu đội nam, chiếm hầu hết những trường hợp bị nặng, có ca không đi lại được vì bàn chân, nhượng, háng đều bị kín ghẻ. Đó là những trường hợp phải chuyển lên trạm xá của huyện nhưng với những trường hợp nhẹ hơn, Hương cũng quá sợ phải tiếp xúc. Cũng may Mạnh đã thấy được điều tế nhị này, anh đã giúp Hương thành lập một mạng lưới vệ sinh viên ở mỗi tiểu đội, chọn từ những người “lành lặn” nhất. Được Hương hướng dẫn, những người này đã giúp cô rất nhiều trong việc điều trị trực tiếp tại từng tiểu đội. Thuốc men, y cụ cũng được rót xuống nhiều hơn, giúp Hương tiến hành công tác của mình tương đối thuận lợi.
Một đêm, Hương vừa đi hết một vòng đại đội về, kiểm tra xem mọi người có mắc màn không, về phòng đã thấy Tuấn ngồi chờ phía trước. Tuấn đối với Hương tế nhị hơn Mạnh. Anh ăn nói mềm mỏng, nhẹ nhàng thường hỏi thăm về chuyện gia đình, việc học hành trước đây cùng những suy nghĩ hiện nay chứ không hề nói chuyện làm việc. Hương mơ hồ cảm thấy dường như Tuấn đối xử hơi đặc biệt với mình, lộ vẻ quan tâm một cách vừa phải, đủ để Hương thấy. Đó là một người thận trọng và công tác của anh ta cũng bắt buộc Hương phải thận trọng trở lại khi tiếp xúc, dù Tuấn đối với Hưong vẫn khá thoải mái. Hương lên đây mới được 5 ngày mà anh đã chủ động đến nói chuyện riêng với cô trong hai tối.
Thấy Hương, Tuấn đứng dậy cười:
- Cô giám thị vừa đi kiểm tra về à?
Hương cũng cười với anh:
- Anh Tuấn bệnh à?
Tuấn nhăn mặt:
- Hương lại méo mó nghề nghiệp rồi! Nếu tôi không bệnh thì không được qua đây thăm Hương hay sao?
Hương thấy thú vị với cách nói đó, như đã thú vị với cách Tuấn gọi cô bằng tên thay vì hai tiếng “đồng chí” quá khô khan, lạnh lẽo. Dĩ nhiên cô cũng biết cách đối đáp lại trong trường hợp này:
- Hương thấy mình đâu có gì để được anh thăm.
Cái giọng vốn nhão và cái bộ tịch nhõng nhẽo khi cần của Hương rất được việc trong những trường hợp như thế này. Tự dưng, Hương thích đùa với Tuấn cho vui. Hương làm bộ cúi mặt xuống, không nhìn anh nhưng biết chắc anh đang nhìn mình rất chăm chú. Tuấn phải im lặng mất mất mấy giây rồi lúng búng:
- Sao Hương lại nói vậy? Hương mà không có gì thì… còn ai có gì nữa?
Hương hơi bất ngờ trước câu nói đó. Tuấn nói được như vậy chứng tỏ anh cũng không phải tay vừa. Hương cứ nghĩ anh là đại đội phó chính trị chắc phải khắc khổ lắm chứ… Hương mạnh dạn ngước nhìn Tuấn một cách dò xét và thích thú thấy anh cúi xuống lẫn tránh tia nhìn đó.
Có lẽ Tuấn cũng đã thấy cái yếu của mình. Anh làm bộ xem đồng hồ tay:
- Hôm nay thứ sau rồi. Chủ nhật này, Hương muốn về thăm nhà không?
Đó là một tin mừng mà Hương không dám chờ đợi vì Hương đã biết quy định ở đây một năm chỉ được về phép 10 ngày, trong khi cô mới lên nhận việc có 5 hôm. Mấy ngày qua, trong khi viết giấy giới thiệu chuyển lên Liên đội xem xét cho một số đội viên về thành phố nhổ răng hoặc khám các bệnh nội khoa, Hương cũng đã hỏi thăm cách đi về. Ở đây cách thành phố chỉ khoảng 20 cây số, ra tỉnh lộ là đã có đường xe đò và xe lam khá thuận tiện. Nhưng ra khỏi cổng doanh trại để đi về, đầu tiên phải có giấy cho phép, nếu không coi như đào ngũ.
Câu hỏi của Tuấn giờ đây dội lên trong Hương một niềm vui bất ngờ, và Hương không biết trả lời anh như thế nào. Biết đâu đây không phải là một cách tìm hiểu, dò xét của ông Xê phó chính trị này!
Như để trấn an Hương, Tuấn tiếp:
- Ban chỉ huy đại đội nhận thấy mấy ngày qua Hương làm việc rất tốt và khá vất vả, tuy mới đến. Thường thì những người mới đến nhận công tác ít khi chuẩn bị đủ những thứ cần thiết vì chưa hình dung hết cuộc sống ở môi trường mới. Chiều mai có xe chở hàng của Lực lượng lên, chúng tôi thấy nếu Hương cần theo về lấy thêm ít vật dụng gì đó, kết hợp với thăm nhà ngày Chủ nhật thì không có gì bất tiện cả. Ở đây, anh em vẫn được nghỉ lao động ngày Chủ nhật thôi.
Hương nhìn Tuấn với ánh mắt biết ơn. Anh biết cách rút lui đúng lúc để Hương càng thấm cái sung sướng riêng tư vừa nhận được để càng nghĩ tới người mang đến niềm vui ấy nhiều hơn:
- Thôi, như vậy nhé, tôi về.
Và anh đứng lên:
- Vậy là tôi qua đây có công việc đàng hoàng chứ không phải chỉ thăm Hương đâu nhé.
Đợi Tuấn ra khỏi cửa, Hương lấy cuốn nhật ký ra, định ghi vài dòng trước khi đi ngủ như thường lệ, Hương đã lấy lại thói quen này và với không khí cô đơn buồn nản ban đêm ở đây, việc ghi nhật ký này càng cần thiết hơn đối với Hương. Trang giấy trắng và cây bút, đó là người bạn thân thiết hàng đầu của cô nơi đây.
Hương vừa ghi ngày tháng, chưa kịp viết chữ nào thì đã nghe tiếng hỏi từ bên ngoài:
- Đồng chí chưa nghỉ sao?
Lại là Mạnh! Hương cố giấu nỗi bực mình, trả lời:
- Vì tôi biết đồng chí sẽ qua.
Mạnh tỉnh như không:
- Vậy là tốt lắm! Có lẽ vì chúng ta cùng quan tâm đến một việc nên có những ý nghĩ giống nhau.
Hình như mọi câu nói của anh đều buộc Hương phải thắc mắc:
- Việc gì anh?
- Việc làm chấm dứt thật nhanh nạn ghẻ ở Xê này.
Tưởng gì, chứ việc đó… Hương cố nén tiếng thở dài, Mạnh vẫn sôi nổi tiếp:
- Dĩ nhiên đây là việc không dễ. Vừa qua, chúng tôi đã thấy đồng chí cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đẩy mạnh tiến độ hơn nữa. Tôi đã bàn với chị Út Dịu. Chủ nhật này mình sẽ tổ chức tập trung một ngày. Buổi sáng, đồng chí sẽ báo cáo trước toàn Xê tại hội trường về những gì liên quan đến bệnh ghẻ, chú trọng cách phòng ngừa và chữa trị. Sau đó, chúng ta sẽ cho anh em tổng vệ sinh doanh trại và vật dụng cá nhân. Mỗi A sẽ tổ chức nấu nước sôi để tất cả cùng luộc mùng mền, chiều gối, quần áo… Xong, anh em được nghỉ để tắm gội, bôi thuốc. Đồng chí được phân công làm “tổng công trình sư” cho đợt tấn công quyết định này. Toàn Xê, không trừ ai, đều phải chịu sự điều động của đồng chí.
Hương nghe Mạnh nói mà gần như không hiểu gì cả. Tại sao Tuấn vừa nói Chủ nhật này cho Hương nghỉ, giờ Mạnh lại nói vậy? Thấy Hương im lặng, Mạnh hỏi:
- Đồng chí nghĩ sao?
Hương ấp úng:
- Nhưng… anh Tuấn vừa nói là các anh sẽ cho tôi về thăm nhà Chủ nhật này để lấy thêm một số đồ dùng còn thiếu…
Mạnh nhướng mắt nhìn Hương, hơi đổi nét mặt nhưng bình tĩnh lại ngay:
- Vậy à? Có lẽ trong khi hôm nay tôi ra hiện trường, ở nhà Tuấn đã bàn với Mai chuyện đó. Còn dự định vừa rồi thì tôi chỉ mới bàn riêng với chị Út Dịu, nghĩ là Tuấn và Mai cũng thông qua thôi.
Mạnh ngả người tựa lưng vào ghế, vừa nhìn Hương vừa suy nghĩ. Trong một thoáng, Hương thấy mắt anh lộ vẻ ái ngại nhưng rồi lại chuyển sang nét cương quyết thường ngày. Anh chồm tới hỏi Hương:
- Tôi biết chuyện khó khăn của Hương. Theo tôi nghĩ thì bệnh ghẻ nếu được tập trung chữa trị như vậy sẽ nhanh dứt điểm và đỡ khổ cho anh em hơn, công tác cũng nhờ vậy mới bảo đảm hoàn thành tốt. Làm ngày Chủ nhật, có tiện là anh em được nghỉ lao động. Nhưng nếu Hương rất cần những đồ dùng ấy…
Mạnh dừng lại, quan sát Hương. Anh đã nói vậy, làm sao Hương có thể bỏ về Chủ nhật này được? Một người tỉnh táo như Mạnh chắc đã dư sức thấy được Hương hiện cũng chẳng thiếu vật gì đến mức không thể chịu đựng được, nhất là khi so với mọi người ở đây.
Đôi mắt sáng quắc bên dưới đôi mày lưỡi kiếm đang nhíu lại kia đang tìm kiếm gì nơi Hương? Một đôi mắt tự tin, chưa bao giờ lẩn tránh mắt Hương một giây nào, và bây giờ thêm một lần nữa Hương lại bị khuất phục. Hương chần chờ, chưa muốn xác nhận sự đầu hàng của mình ngay. Cô muốn tìm một lý do nhỏ nhoi nào đó để biện hộ được cho việc mình không thề không về nhà ngày Chủ nhật này. Nhưng biết làm thế nào được, khi từ trước tới giờ, Hương đã là một người luôn đòi hỏi tính hợp lý trong từng công việc!
Mạnh sốt ruột hỏi:
- Đồng chí nghĩ sao?
Hương trả lời một cách yếu ớt:
- Tôi sẽ ở lại.
Mạnh mỉm cười, một nụ cười hiếm hoi, và đến hôm nay Hương mới thấy anh có một cái răng khểnh khá có duyên. Nhưng điều đó chỉ càng làm Hương bực bội hơn:
- Tại sao anh cười?
Mạnh tự nhiên trả lời:
- Tôi vui vẻ thấy mình chưa hề đánh giá sai về đồng chí.
- Chắc vì tôi trả lời đúng ý của anh chứ gì?
Mạnh gật đầu không giấu giếm. Hương đứng dậy tỏ ra không muốn nói chuyện với anh nữa:
- Anh đừng lầm. Không ai ép buộc được tôi đâu. Tôi chỉ làm những gì mà tôi thấy đúng thôi.
Mạnh cũng đứng dậy:
- Đồng chí đừng nên nghĩ thế. Chúng ta không ai ép buộc ai cả. Riêng tôi, tôi cũng chỉ mong đồng chí làm những gì đúng thôi. Còn đúng theo cách nhìn như thế nào thì khi nào có thời gian, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.
Hương để ý thấy nãy giờ, hai tay Mạnh vẫn thủ một cái gì đó phía sau lưng. Thì ra đó là một cuốn sách.
- Tôi đưa đồng chí cái này đọc… đỡ buồn. Sinh hoạt câu lạc bộ lần tới của Xê mình sẽ có thảo luận về cuốn sách này. Đồng chí nên đọc trước để có thể có ý kiến.
Đó là một cuốn sách khá dày. Hương cầm dưa lên ánh sáng, thấy cái tựa “Thép đã tôi thế đấy” Cuốn sách này Hương đã thấy nhiều bạn cùng lớp lên mượn ở thư viện trong thời gian còn học ở trường Y tế, nhưng cô không buồn coi, cũng như chưa từng coi một tác phẩm văn học cách mạng nào. Không hiểu sao Hương lại có cảm tưởng là nền văn học này không hay. Nếu quả tình họ không được tự do trong khi sáng tác, như những gì mà Hương đã được nghe trước đậy thì làm sao họ có thể có được những tác phẩm như của Mangham, Steinbeek, Remarque, Maupassant, Hugo, Sartre… và hàng chục tác giả trứ danh thế giới khác mà Hương đã được đọc? Nhưng Hương vẫn nhận cuốn sách:
- Cảm ơn anh. Tôi chỉ sợ không có thời giờ để kịp đọc hết từ giờ đến đó thôi.
Mạnh cười, nói trước khi quay đi
- Đối với cuốn sách này, đồng chí khỏi phải sợ điều đó
Hương cầm vào, vặn ngọn đèn dầu cho lớn hơn, có ý đọc qua vài trang đầu xem thử người ta viết sách như thế nào. Ngay từ trang một, thằng bé mắt đen mặc áo khoác xám và quần xanh có vá ở đầu gối, có vẻ sẽ là nhân vật chính, đã bị ông cố đạo đuổi ra khỏi lớp học. Số phận của anh chàng cứng đầu tên Paven ấy đã lập tức cuốn hút Hương phải mải mê theo dõi làm cô mất cả hai đêm không viết được nhật ký và cả những lúc rỗi rảnh ban ngày. Tại sao một cuốn sách viết quá giản dị lại có sức lôi cuốn như vây? Điều đó, chỉ mãi sau này Hương mới hiểu.
*
Trong quãng đời học sinh, Hương thích nhất những buổi sáng Chủ nhật. Hương không phải dậy sớm, không phải vội vã ăn bữa sáng mà chị bếp đã chuẩn bị sẵn rồi đi đến trường, có khi còn mệt nhoài vì đên trước phải thức khuya để học bài hay để đi dự một cái bal quá khuya. Sáng chủ nhật luôn là một buổi sáng yên tĩnh. Đường phố cũng dậy muộn. Nằm dài trên giường, Hương có thể nghe được tiếng chim hót ngoài vườn và thích thú nhìn luồng nắng sớm mang theo vô vàn hạt bụi nhỏ li ti lấp lánh sáng chui qua những ô trống thông hơi phía trên cửa sổ và len lén chạy dần xuống phía trên tường đối diện. Rồi đến tiếng nhạc từ phòng Phước vọng qua. Sáng Chủ nhật, không khi nào Phước không bắt đầu chương trình nghe nhạc sớm của mình bằng bài Beautiful Sunday tươi trẻ, rộn ràng. Một ngày Chủ nhật của ngày xưa luôn được bắt đầu một cách tốt đẹp như thế. Sau đó thì nào là đi picnic, đi bát phố, xi nê, nghe nhạc… đủ thứ.
Còn ngày Chủ nhật hôm nay, một ngày Chủ nhật đầu tiên mà Hương ngủ dậy trên một cái giường tre và được đánh thức bằng tiếng còi tu huýt gọi cả đại đội dậy để chuẩn bị làm tổng vệ sinh, thì sao?
Phải công nhận là trừ phần việc phải báo cáo trước toàn đại đội về bệnh ghẻ và cách phòng chống, Hương đã không phải cực nhọc lắm trong công việc còn lại. Ban chỉ huy Xê và mạng lưới vệ sinh viên vừa được thành lập hầu như đã đảm nhận mọi khâu tổ chức cụ thể. Cùng thực hiện kế hoạch là toàn thể đội viên. Hương và Út Dịu chỉ việc tới lui xem xét, góp ý… Không khí toàn đại đội hết sức rộn ràng. Khắp các dãy nhà vang lên những tiếng cười vui, tiếng chổi quét. Khói nghi ngút bay lên từ những chiếc nồi lớn nấu nước sôi đặt rải rác đây đó. Quần áo, mùng mền giặt sạch, phơi tươm tất trên những chiếc sào hướng về ánh sáng, làm sinh động hẳn cả một vùng.
Buổi trưa, ngồi nói chuyện với Út Dịu sau bữa cơm, Hương còn nghe tiếng đàn hát và tiếng cười nắc nẻ của cả tiểu đội 1 gần đó vọng lại. Đó vẫn là điều còn làm Hương chưa hết thắc mắc trong mấy ngày nay. Tại sao điều kiện sống ở đây chật vật thế này mà ai cũng cứ cười được, bất kỳ lúc nào?
Út Dịu khen Hương:
- Sáng nay đồng chí báo cáo nghe hay lắm. Rất ngắn gọn mà lại đầy đủ.
Hương nhìn Út Dịu, không biết chị muốn gì. Nhưng Út Dịu vẫn thản nhiên nhìn Hương bằng đôi mắt rất trong sáng. Chị cười tiếp:
- Tôi thì chịu thua. Biết đời nào mới báo cáo được.
Đã có một buổi, Út Dịu chủ động đến thăm và nói chuyện với Hương. Qua đó, Hương được biết Út Dịu mới học tới lớp Ba, giờ chỉ còn nhớ đọc và viết lem nhem, vậy mà không hiểu sao người ta dám giao cho phụ trách y tế cả một Liên đội. Út Dịu quê ở Củ Chi, cha là liệt sĩ. Cô theo cách mạng từ nhỏ, làm giao liên rồi gì gì đó, đủ thứ. Gần ngày giải phóng, cô chuyển sang làm y tá, học qua loa chỉ chừng một tháng. Cách mạng thành công, Út Dịu được cho về đi học tiếp nhưng cô từ chối, xin được tiếp tục phục vụ một thời gian. Cô được đưa về Thanh niên xung phong khi Lực lượng được thành lập, rồi về liên đội này từ ấy đến giờ. Vì Xê 1 đang là đại đội điểm trong công tác y tế, Út Dịu rất thường có mặt bên Hương. Về người con gái thấp bé, mái tóc đen nhánh rẽ ngôi giữa ấy, lại thêm một điều mà Hương chưa hiểu nổi nơi đây. Con một liệt sĩ, nghe nói hình như tới một huyện đội trưởng, tức tương đương quận trưởng ngày trước mà sống như thế này, chẳng có gì cả. Chẳng lẽ cô ta không hề thắc mắc gì về tương lại của chính mình hay sao? Cô ta cứ bằng lòng hoài với một cuộc sống như thế này hay sao? Và bạn bè của cha cô, bà con họ hàng cách mạng “nòi” của cô, chẳng lẽ họ không biết can thiệp cho cô được về một nơi nào làm một việc gì sung sướng hơn hay sao?
Út Dịu vui miệng nói cho Hương nghe về một dự tính của mình:
- Đợt này xong, tụi mình sẽ tương đối khoẻ. Tôi định nhờ đồng chí chuyện này, nhưng sợ phiền đồng chí quá.
Hương ái ngại nhìn Út Diu, khuyến khích:
- Chị cứ nói đi.
Út Dịu vân vê chéo áo:
- Tôi định tranh thủ học thêm bổ túc văn hoá ở đây, mà nhìn qua nhìn lại thấy không ai có điều kiện và khả năng hơn đồng chí. Tính nhờ đồng chí mai mốt có rảnh thu xếp dạy giùm tôi. Mấy anh ở trên Liên đội bận quá mà đơn vị cũng mới thành lập, không biết chừng nào mới tổ chức được việc học cho anh em.
Hương thấy không thể từ chối trước ánh mắt của Út Dịu:
- Được rồi, bao giờ rảnh tôi sẽ chỉ chị.
Út Dịu nhảy ngay xuống ghế, mừng rỡ đến mức cứ cầm tay Hương mà lắc, miệng rối rít:
- Thiệt nghen chị. Trời ơi, tôi mừng quá!
Lúc đó Hương mới thừ người, nhận ra cái hào hứng dại dột của mình. Nhưng lỡ rồi… Hương tìm kế hoãn binh:
- Nhưng để tôi tính lại đã nhé…
Chút hào hứng đó còn dẫn đến hậu quả tai hại hơn. Ngay tối hôm đó, trong lúc Hương còn đang mệt phờ người, chưa kịp nghỉ ngơi thì Tuấn đã lò dò qua. Anh cười, mặt hơi ngượng vì lời hứa không thành hôm trước.
- Tôi có chút công việc cần bàn với Hương.
Hương không mời Tuấn ngồi, chỉ đứng nhìn anh chứ cũng chẳng buồn hỏi. Tuấn nói:
- Có phải Hương đã nhận lời với Út Dịu là sẽ dạy văn hoá cho chị ấy không?
Hương gật đầu:
- Phải, nhưng tôi còn đang tính lại.
- Tính gì nữa? Bả đi khoe tùm lum rồi. Ông Mạnh nghe được, giao ngay cho tôi phải lo chuyện này, và phải bàn với Hương cho xong ngay trong tối nay…
Tuấn ngừng lại một chút, giọng chợt chuyển sang thân tình, trách móc:
- Mọi chuyện là tại Hương cả
Cách nói đó cho thấy Tuấn cũng đang bực mình. Thì ra giữa hai người đã có một điểm gì đó không được hoà đồng. Hương ngạc nhiên:
- Chuyện gì mà phải bàn với tôi?
Tuấn nhún vai:
- Chuyện học văn hoá của đại đội. Liên đội mình mới thành lập còn nhiều khó khăn quá mà Lực lượng thì cứ thúc việc mở lớp xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hoá. Chúng tôi chưa làm nổi vì thiếu người, nhất là ở Xê này, trên 20% còn mù chữ, 80% mới học tới cấp 1. Sách, vở, phấn, bảng đã có, nhưng đèn dầu thì thiếu, trường lớp cũng không. Anh em đi làm cả ngày mỏi mệt, làm sao huy động đi học?
Tuấn giang rộng hay tay, tỏ vẻ chịu thua. Thấy Hương không có phản ứng gì, anh tiếp:
- Nghe chị Út Dịu nói, Mạnh rất mừng. Đồng chí ấy nói không dè Hương lại sốt sắng với công tác bổ túc văn hoá như vậy. Mạnh bảo tôi phải tìm cách kết hợp với Hương để mở cho được lớp xoá nạn mù chữ cho đại đội ngay trong tuần sau. Nếu Liên đội chưa mở được thì mình phải chủ động lo cho anh em, không nên bó tay chờ…
Rõ ràng thái đọ im lặng của Hương đã làm Tuấn chột dạ, chuyển sang cách nói nghiêm túc hơn. Điều này càng làm cho Hương thấy con người này có một cái gì đó thiếu trung thực, không được thẳng thắn, tự tin như Mạnh. Tuấn nói như giãi bày:
- Tôi đã có góp ý với Mạnh là công tác của Hương đã rất nặng, nhất là trong giai đoạn này, chỉ sợ Hương không có thời gian và sức khoẻ để gánh thêm nhiệm vụ này. Mạnh nói cứ bàn với Hương thử xem và để Hương tự quyết định. Nếu Hương đã sốt sắng với chị Dịu như vậy thì chắc cũng không thể từ chối với một tập thể còn mù chữ đông hơn, mà công sức cũng chỉ vậy. Việc dạy chị Dịu học, Mạnh không nhất trí. Anh ấy nói, chị Dịu ở văn phòng Liên đội phải để các đồng chí trên ấy lo, không nên để họ ngồi không nhiều quá…
Hương thấy giận những người này hết sức, nhất là Mạnh. Tại sao anh ta không để cho Hương yên được lúc nào, hết việc này là lại đến việc khác? Hay là anh ta cũng sợ Hương ngồi không nhiều quá? Anh ta tự quyết định mọi việc cho Hương rồi còn làm bộ hỏi ý theo cách gài cho không thể từ chối được. Lần này chẳng lẽ Mạnh đã sợ hay sao mà lại giao Tuấn việc này? Rõ ràng anh chàng đại đội phó này không biết cách thuyết phục đó.
Khi Tuấn hỏi:
- Hương thấy sao?
Hương trả lời ngay theo ý nghĩ lúc đó:
- Anh đại đội trưởng muốn biểu tôi làm gì thì cứ trực tiếp gặp, sao còn nhờ anh làm gì?
Tuấn nhăn mặt:
- Hương nhận là việc đó hay không thì cứ nói. Còn việc này không phải Mạnh đẩy cho tôi đâu. Tôi là Xê phó chính trị, việc tổ chức học văn hoá trong Xê là trách nhiệm của tôi. Mạnh chỉ nhắc vậy thôi.
Thì ra vậy mà Mạnh không đến gặp Hương. Hương tiếc là không có anh ở đây, vì lần này cô dư sức từ chối. Công việc của cô chỉ là làm y tá, không ai có thể buộc cô làm việc gì khác được.
- Vậy thì tôi có thể trả lời ngay với anh là tôi không nhận làm việc đó. Tôi chỉ là y tá chớ đâu phải thầy giáo? Còn việc tôi muốn dạy chị Út Dịu hay không là việc riêng của tôi trong những giờ rảnh.
Tuấn lộ vẻ vui thấy rõ:
- Vậy là Hương không nhận? Tôi đoán đúng mà. Còn việc dạy chị Út Dịu hay không thì cũng tùy Hương. Nhưng Hương nên giữ gìn sức khỏe. Mới một tuần mà tôi thấy Hương đã sút hơn rồi đó.
Ở câu cuối, giọng của Tuấn thấp xuống làm Hương cũng thấy cảm động. Điều Hương sợ nhất là đen da và hư người vẫn chưa xảy ra, buổi tối có mang vớ dày nên cũng tránh bị muỗi cắn. Chỉ có điều Hương ăn kém và ngủ kém hơn.
Tuấn về rồi, Hương vội lấy gương ra soi. Trời đã nhá nhem tối nhưng Hương vẫn thấy gương mặt trắng với đôi mắt lo lắng của mình. Có thể cô sút hơn thật! Điều đó rất dễ xảy ra. Làm sao ở môi trường này có thể giữ vững được con số 48 kilôgram lý tưởng mà Hương đã giữ được trong suốt bốn năm qua? Hương thở dài, cất gương, ngồi vào bàn, lấy giấy viết ít chữ về thăm nhà. Một đội viên nữ lúc chiều được Hương làm giấy giới thiệu về Chợ Rẫy nhổ răng, đã nhận sẽ mang thư về đưa giúp Hương vì qua hỏi thăm, Hương được biết cô ta cũng ở Phú Nhuận, gần nhà. Phượng, tên cô bé, đã hẹn tối nay sẽ lên lấy thư để mai đi sớm. Hương viết vội ít dòng vào tờ giấy học trò, cho biết đơn vị và nơi ở tình trạng sức khỏe, và nhắn mẹ gởi Phượng mang đem lên giúp mấy cuốn sách về y tế.
Phương mới 16 tuổi, là đội viên tiểu đội 10, một trong hai tiểu đội nữ của đại đội. Cô đã khai dối tuổi để được đi Thanh niên xung phong. Đến chừng tổ chức biết được, định giải quyết cho về thì cô bé khóc lóc, nhất định không chịu. Hỏi ra mới biết cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, trước giải phóng phải đi làm thuê, chịu đựng quá nhiều cực khổ. Ngày 30/4/1975, trong khi gia đình Hương đang cuống cuồng lo sợ thì Phượng hân hoan mở rộng cửa căn nhà mà giờ cô đã là chủ để đón các anh bộ đội vào. Cả gia đình chủ của cô đã bỏ chạy từ ngày hôm trước, Phượng giữ không cho mất một vật gì, dù nhỏ. Sau đó, nhà ấy được chuyển thành trụ sở Phường đội. Phượng vẫn ở đó và được các anh rất quý, coi như em. Cô bé tham gia sinh hoạt thanh niên rồi nhất quyết đi Thanh niên xung phong khi có đợt vận động. Giờ có dịp về, Phượng vẫn về lại ngôi nhà cũ với các người anh bộ đội của mình.
Mai đã kể với Hương về Phượng như thế. Trừ Ban chỉ huy đại đội, Phượng là người đầu tiên ở Xê 1 này làm thân với Hương sớm nhất. Cô bé thật dạn dĩ, linh hoạt, vui tươi. Hương thích nhất ở cô bé là cái mũi hếch và hai lúm đồng tiền thật có duyên.
Phựợng đến, cầm lấy lá thư của Hương, ngắm nghía cái phong bì một lúc lâu, có vẻ ngần ngại. Hương hỏi:
- Có gì không em?
Phượng mím đôi môi mỏng lại, nhìn Hương một lúc, tự dưng cô bé có vẻ xấu hổ:
- Thôi, chị vẽ đường cho em đi, rồi chỉ em nhà chị phía ngoài có cái gì, đến khu đó hỏi nhà ai...
Hương ngạc nhiên:
- Sao vậy? Chị có ghi địa chỉ rõ ràng ngoài bì thư rồi.
Phượng lúng túng một lúc rồi quyết định nói thật:
- Em... Em không biết chữ, chị à.
Hương nhìn Phượng, bàng hoàng mất mấy giây. Tuấn vừa cho biết đại đội có trên 20% mù chữ, thì ngay lập tức đã có người đến để chứng minh. Phượng nói như người có tội:
- Em... Em muốn đi học lắm, nhưng trước giờ không đi được.
- Sao vậy?
Cô bé trả lời như môt tiếng than dài:
- Em đâu có tiền! Mà nếu có đi nữa đi thì ông bà chủ cũng đâu có cho. Làm suốt ngày còn chưa rồi việc, thì giờ đâu mà được học? Sách vở của con gái ông bà chủ, em rờ tới còn bị rầy...
Có lẽ Hương nhìn Phượng chăm chú lắm nên cô bé cúi mặt xuống, hai tay mân mê cái phong bì bằng những động tác vô nghĩa. Hương thở dài. Trước kia, trong khi học phí của Hương phải đóng trước hàng quý là mấy nghìn đồng, chưa kể tiền học thêm tiếng Anh ở hội Việt Mỹ và nhiều chi phí khác chung quanh việc học, thì cô bé dễ thương này không hề được bước chân đến một ngôi trường tầm thường nào nhất để học lấy được một chữ. Thực tình Hương chưa bao giờ hình dung được chuyện đó. Chung quanh cô, trong mắt cô nhìn thấy, ai cũng được đi học cả. Đó là một việc bình thường như ăn, uống, thở... trong ngày, mà mọi người đều có lúc phải trải qua. Tại sao Phượng không được học? Tại sao có nhiều người trong đại đội này không được học? Chẳng lẽ chỉ vì họ không thèm đi học hay quá lười?
Phượng rụt rè hỏi:
- Mơi mốt chị dạy em học nghen chị Hương? Em nghe chị Mai nói chị học giỏi lắm. Ban chỉ huy Xê tính mở lớp, có chị với anh Tuấn dạy nữa. Em thích được học với chị à.
Mặc dù tự ái Hương có bị đụng chạm vì chưa gì mà họ đã đi loan tin cùng khắp nơi, nhưng không hiểu sao Hương không thể mạnh dạn từ chối với Phượng như đã từ chối với Tuấn. Đôi mắt Phượng nhìn Hương long lanh, vòi vĩnh. Hương đưa tay véo mũi cô bé:
- Em thấy không, cả ngày chị đâu có giờ nào rảnh!
Đó là một bước lùi và thực tế Hương đã chịu thua. Ban ngày không rảnh thì còn ban đêm. Hương viết nhật ký được nhưng không dạy được cho Phượng biết đọc biết viết hay sao? Phượng rất thông minh. Cô bé đoán biết Hương đang lúng túng liền tấn công thêm một bước nữa:
- Thì buổi tối. Chị rảnh lúc nào, em học lúc nấy.
Hương lại thở dài:
- Để chị tính lại đã. Nè, thôi bây giờ, chị vẽ đường cho Phượng đi nhé. Phượng biết đường Phan Đăng Lưu rồi chứ gì?
*
Vừa tập thể dục xong, Mai đã gặp Hương:
- Chị Hương chuẩn bị hôm nay cùng đi lao động với tụi em nghen.
Hương sững người:
- Mai nói sao?
Mai vẫn thản nhiên:
- Anh Mạnh dặn hôm nay tình hình bệnh ghẻ đã bớt căng, mạng lưới vệ sinh viên làm ăn cũng tốt, em phải rủ chị cùng đi đào kinh cho biết và xem anh em làm việc thế nào, để có gì góp ý thêm về mặt giữ gìn sức khỏe cho anh em.
Điều mà Hương ngại nhất và tuần lễ nay đang mừng thấy mình thoát khỏi đã xảy đến! Y tá không có đặc miễn gì sao? Vậy là Hương cũng phải đi đào kinh như họ, cũng phải suốt ngày đứng ngoài nắng, dầm mình dưới nước đục ngầu, cuốc đất đến chai phồng cả tay...
Mấy hôm nay, thấy không ai trong đơn vị là không phải đi đào kinh, Hương đã mường tượng biết thế nào mình cũng phải tham gia, nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô định tìm ngay một cớ gì đó để thoái thác, nhưng nhìn đôi mắt chờ đợi vừa có ý tìm hiểu, đánh giá của Mai, Hương lại nhột nhạt, chần chờ. Họ đã muốn như vậy, làm sao Hương không chấp hành được? Và Mai sẽ nhìn Hương như thế nào khi biết Hương sợ hãi lao động, sợ làm những việc mà hàng ngày cô ta vẫn làm?
Mai đủ thông minh để đánh ngay vào những suy nghĩ của Hương:
- Chị ra làm một buổi thôi, còn một buổi về lo công tác chuyên môn, đó là quy định chung của cả Liên đội đối với những người làm công tác văn phòng, để giảm tối đa số lao động gián tiếp và đảm bảo được tối thiểu 85% quân số ra hiện trường...
Vậy là Hương đã rõ. Cô cố nói như một lời giải thích về thái độ của mình:
- Tôi đi thì ai coi phòng thuốc?
Mai cười như vỡ lẽ:
- Chị đừng lo. Em vừa được nhận mấy ống khóa mới có cả dây xích. Chút em sẽ mang qua giao chị một bộ. Còn khi mình đi làm thì ở nhà sẽ có người chịu trách nhiệm bảo vệ chung.
Hương im lặng quay vào và bắt đầu lục soát cái túi quân trang mà hổm rày cô chưa thèm động tới, lấy ra bộ đồng phục và ướm thử vào người. Cô đội mũ tai bèo và soi vào cái gương nhỏ, vừa buồn cười vừa tức cười khi thấy gương mặt mình lạ lẫm. Rồi cô quay qua mở va-li, tìm đôi găng tay đã thủ sẵn từ trước...
Trong khi ăn sáng, Mai hỏi Hương:
- Chị có đi đào kinh lần nào chưa?
Hương lắc đầu, Mai cười:
- Hèn gì thấy chị có vẻ lo. Dễ ợt à. Để chút em chỉ cho.
Ăn xong, Mai dắt Hương qua phòng mình, chỉ cho biết dụng cụ:
- Mình đào kinh chủ yếu dùng leng. Đất ở đây mềm dễ xúc và bắn đất, thì dùng leng ống này. Dùng leng lưỡi này cũng được, nhưng xen độ lài thì mới cần nó. Còn đây là cái cúp để cuốc những chỗ nào có đá cứng, mỗi A đem hờ theo một cái chứ ở đây ít xài nó bằng ở Tam Tân. Kinh cấp 4 nhỏ, đất bắn lên đắp bờ luôn, khỏi cần ki để chạy...
Mai ngừng lại khi thấy mặt Hương nghệt ra như vịt nghe sấm. Cô phì cười:
- Chết cha, em quên mất, chị chưa ra hiện trường bao giờ, làm sao biết được?
Thế là Mai lôi Hương vào bàn và lấy giấy bút ra bắt đầu vừa vẽ, vừa giải thích cho Hương biết thế nào là một kinh cấp 4 để dẫn nước từ kinh lớn vào các liếp thơm. Diện con kinh là một hình thang cân úp ngược, đáy lớn nằm trên còn hai cạnh xiên chính là độ lài. Động tác dùng leng hất đất từ dưới lòng kinh lên bờ gọi là bắn đất. Nếu kinh lớn, sâu, không bắn đất được thì phải đứng nối nhau để chuyền đất lên bờ hoặc từng người, hai người, ôm từng ki đất chạy lên. Đó là động tác chạy ki.
Mai nói thêm, sau khi thấy Hương đã hiểu được phần nào:
- Cái này em nói không bằng anh Mạnh đâu. Ảnh là Xê trưởng kiêm luôn thi công, đã đi học khóa kỹ thuật thủy lợi nên rành lắm. Bữa nào gặp ảnh chị hỏi thêm...
Tự dưng Hương nhớ đến Mạnh, không biết hôm qua tới giờ anh ở đâu không thấy. Việc buộc Hương đi lao động ngày hôm nay chắc cũng do ý kiến của anh thôi. Con người đó kinh khủng thật! Một mình lo bao nhiêu việc như vậy mà vẫn không bỏ sót một ai. Lạ lùng là Hương thấy mọi người ở đây đều phục và quý anh trong khi họ đối với Tuấn lại không được như vây.
Mai đưa cho Hương một cây leng lưỡi cán dài:
- Hôm nay cho chị tập xén độ lài trước. Việc này dễ, chỉ cần khéo tay và tinh mắt, lại chỉ đứng trên bờ. Thường tụi em chia ra từng tổ ba người, phụ trách một đoạn kinh, đánh theo lối cuốn chiếu. Một người đứng dưới đào và bắn đất, hai người đứng trên đắp bờ hai bên và xén độ lài, cứ thế thay phiên nhau.
Khi tiếng kẻng tập hộ ra hiện trường đánh lên, Mai qua rủ Hương đi. Cô tròn mắt nhìn Hương như lần đầu bắt gặp một con gì kỳ lạ nhất trên đời. Hương mặc đồ Thanh niên xung phong, xả hết tay áo gài khuy lại, tay đeo găng trắng, cổ áo bẻ lên, tóc buộc kỹ cho hết vào trong mũ... Mai cười rũ rượi:
- Trời đất! Chị bận vậy tụi nó cười chết! Đào kinh phải xắn tay áo, xắn ống quần lên làm mới nhanh. Chị không thấy mấy anh cởi trần hết sao? Mang dép làm gì, đi chân không như em nè. Mang dép không bước nổi đâu.
Lần này Hương nhất quyết không nghe lời Mai:
- Tôi yếu lắm, không quen phơi nắng. Kệ, ai cười cứ cười.
Mai nhìn Hương, ái ngại:
- Thôi được, chị cứ đi với em vài ngày, sẽ quen thôi...
Đúng là cả đại đội, rồi sau đó trên đường ra hiện trường, đi qua những chỗ đang thi công của các đơn vị khác, mọi người đều nhìn Hương với cái nhìn y như của Mai. Nhiều người tủm tỉm cười. Những kẻ ồn ào thì cười phá lên và chỉ chỏ vào Hương. Hương ngượng chín người, cúi mặt lên chân không dám nhìn ai. Đúng cô là người duy nhất đeo găng tay và mang dép ở đây. Hương lén liếc qua Mai, thấy cô đang im lặng xua xua tay ra dấu cho mọi người đừng để ý gì đến Hương.
Đường ra chỗ đào kinh là một con đường dài nhất đời Hương. Ban đầu, vừa ra khỏi doanh trại, Hương còn đứng ngây người nhìn cảnh mặt trời màu cam từ từ nhô lên ở hướng Đông, một cảnh mà trước giờ Hương chỉ nhìn thấy trong phim ảnh, và trong bình minh, những hat sương sớm đua nhau vỡ vụn ra thành những đám mưa bụi li ti nhảy múa trước mắt. Mai cũng dừng lại bên Hương:
- Đẹp quá hen chị? Hồi mới lên em cũng mê lắm!
Nhưng theo đường đi, đôi dép nặng dần dưới chân Hương và cái leng lúc đầu cầm nhẹ bỗng giờ đã thấy trĩu tay. Hương lê chân không muốn nổi qua những mô đất nhấp nhô, những khoảng đồng lầy ngập một chất nước nâu đỏ lờ nhờ lên gần tới đầu gối và ngại ngần hàng phút trước những hố, vũng, những cầu tre lắt lẻo, chông chênh bắc qua những con kênh nước lừ đừ chảy. Có chỗ Hương sa chân xuống, lúc giở lên không thấy chiếc dép đâu. Mại phải mò tìm cho Hương và khi thấy Hương đành chịu tháo dép xách tay, cô cười như có ý nói: “Thấy chưa? Phải chi chịu nghe tôi thì đâu đến nỗi!”.
Hương nhìn xuống đôi chân của mình. Trong lớp bùn nhão nhoét lành lạnh một cảm giác ghê tởm, dường như chúng đã phình ra, bắt đầu nứt nẻ và đang than khóc cho số phận của mình. Thôi đã lỡ rồi... Hương bặm môi bước tới.
Còn sớm lắm nhưng cánh đồng đã lố nhố những người thuộc các đại đội khác, rải rác khắp nơi. Mai kéo Hương đi thoăn thoắt đến khu vực của đại đội mình phụ trách. Mạnh đã đứng đó từ lúc nào, đang lụi cụi ngắm nghía một hàng cọc tre và ra dấu cho một đội viên khác ở đầu kia điều chỉnh gì đó.
Mai giải thích:
- Anh ấy đi từ sớm để cắm tiêu, anh em ra là có thể bắt tay vào làm ngay.
Hương lờ mờ hiểu cắm tiêu là cắm cọc hướng dẫn cho việc đào kinh được thẳng hàng, đúng tuyến, nhưng cô không muốn hỏi thêm vì đang mải nhìn Mạnh. Sáng sớm mà anh ở trần, quần xắn lên tới gối, đội cái nón lụp xụp, đứng khom người nheo mắt ngắm nghía những cây cọc tre chẻ nhỏ như ngắm những vật gì đẹp lắm. Cái lưng trần của anh nổi lên bắp thịt chắc, khỏe, chuyển động một cách nhẹ nhàng, khoan thai theo từng động tác tỉ mỉ khi điều chỉnh cọc tiêu.
Mạnh khoác tay ra dấu đã xong và đi qua khoảng đất bên cạnh, tiếp tục đo đất. Đến lúc đó anh mới nhìn thấy Mai và Hương. Anh chỉ liếc qua Hương một cái rồi nói với Mai:
- Tôi chỉ còn đo xong đoạn này là đủ cho 10 A. Đồng chí giúp tôi triển khai công tác ngay. Chúng ta phải dứt điểm sớm khu này, chứ không tháng này coi chừng mình thua Xê 3, mất cờ luân lưu. Bắt đầu là A1 ở đoạn đầu kia. Hôm nay đồng chí đi theo A6, phụ trách theo dõi từ A6 tới A10. Trưa tôi phải về để lên Liên đội họp. Buổi chiều, đồng chí phụ trách chung.
Hương thấy trong công việc, với ai Mạnh cũng có lối nói ngắn gọn như mệnh lệnh. Không đợi Mai trả lời, anh quay đi, không hề nhìn Hương. Hương không ngạc nhiên về thái độ đó. Chắc chắn Tuấn đã cho Mạnh biết là Hương từ chối không nhận việc dạy học cho mọi người, một điều trái với ý muốn của Mạnh. Trong Hương chợt nổi lên một cảm giác kỳ lạ: vừa thấy hả dạ, lại vừa thấy có điều gì đó khó chịu, ray rứt, như muốn chờ Mạnh hỏi để được giải thích. Nhưng Mai đã kéo cô đi.
Đến lúc ấy, Hương mới thấy năng lực của Mai. Cô tập họp các A trưởng, xác định lại công việc trong ngày, giọng rõ ràng, dứt khoát. Cô gái trẻ trung, liến thoắng, hồn nhiên ấy có vẻ người lớn hết sức giữa những tiểu đội trưởng nam hầu hết đều lớn tuổi hơn cô. Khi các tiểu đội trưởng giải tán, đi về với A mình thì Mai giữ Cúc, A trưởng A 9 lại:
- Tôi gởi chị Hương theo A của đồng chí lao động sáng nay. Chỉ chưa quen đào kinh, đồng chí hướng dẫn giúp về kỹ thuật, có thể bước đầu cho phụ xén độ lài thôi. Bao giờ chị Hương muốn nghỉ tay để đi xem tình hình lao động của anh em để có ý kiến về khâu sức khỏe, thì đồng chí cho chị ấy đi và không cần phải báo tôi.
Mai quay qua cười với Hương:
- Em đi nhe chị. Qua A 10 phụ mấy chỉ cho mau, hôm nay quân số ở biển có 8 người. Trưa ăn cơm đây cho biết, rồi chị theo anh Mạnh về.
Cúc cũng vui vẻ nói:
- Rồi, chị vô cùng tổ với tôi. Đào kinh là lao động chân tay mà, coi vậy chớ cũng dễ thôi, chị làm chừng vài ngày là quen à.
Hương lặng lẽ cầm cây leng đi theo Cúc. Nhát leng đầu tiên trong đời cô ấn ngọt xuống bờ đất đen, tạo thành một đường cắt trơn láng. Mảnh đất này nghe nói đã ăn bao nhiêu là bom đạn Mỹ. Mảnh đất này ngày đầu gặp đã hất chân cô té, như muốn từ khước không đón nhận cô. Giờ cô sẽ phải đổ mồ hôi để góp phần làm thuần hóa nó. Hương cặm cụi xúc, cặm cụi miết mặt láng của đất, theo lời chỉ của Cúc lúc nào cũng đi kèm bên mình, không để ý thấy nhiều đội viên đang âm thầm theo dõi cô. Mọi người đã biết cô là y tá vừa về và đã góp phần khá tốt trong việc điều trị dịch ghẻ, nhưng tất cả sẽ chỉ công nhận cô là y tá của mình khi cô đã đổ mồ hôi lên mảnh đất này như họ. Mặt đất đón nhận những giọt mồ hôi đầu tiên của Hương như chính những con người ở đây đã đón nhận. Hương không hề biết điều đó. Cô lao động như để tự hành hạ mình, như để trút một nỗi bực tức nào đó. Mặt trời lên dần. Như mọi người, áo Hương đã ướt đẫm. Cô thở hào hển và má ửng đỏ, nhưng vẫn nhất định không chịu nghỉ mệt theo lời đề nghị của Cúc. Chỉ đến khi mệt quá, không ghìm tay nổi, lưỡi leng của Hương chạy luôn xuống bờ dốc lôi cô ngã nhào xuống đất sình,lem luốc từ trán, một bên má đến cả nửa thân người phía trước. Cúc đỡ Hương dậy, trừng mắt không cho đồng đội chung quanh được cười. Hương suýt khóc nhưng thảng thốt nhận ra Mạnh đang đứng bên bờ bên kia, đăm đăm nhìn cô, vẻ lo âu. Cố ghìm nước mắt, Hương quay phắt đi. Cúc hỏi:
- Có sao không chị?
Hương nói vắn tắt:
- Không sao. Tôi bị trợt chân.
Cúc cầm tay Hương:
- Chị cắm leng xuống đi, lại kia tôi rửa mặt cho.
...Buổi trưa, ăn cơm xong, Mạnh tới tìm Mai:
- Thôi, tôi về nhé. Mai ở lại duy trì đại đội làm việc đúng giờ mới cho về nghe.
Mai cười, phẩy tay:
- Rồi, anh khỏi lo, về đi.
Mạnh vừa quay lưng, Mai đã gọi:
- Anh đưa chị Hương về giùm. Để chỉ đi một mình rủi lạc...
Cô thụt cổ lại, cười hí hí, liếc Hương, sợ bị giận. Nhưng không. Người đầy bùn đất và nhớp nháp mồ hôi, giờ Hương chỉ mong được về ngay căn phòng chật hẹp hiện đối với cô đã thành một “tổ ấm” thật sự để nghỉ ngơi một chút trước khi tắm giặt. Nhưng nghĩ tới quãng đường về dài lê thê, dưới trời nắng gắt, qua mấy cây cầu khỉ gập ghềnh... Hương thấy không đủ cam đảm nếu không có ai cùng đi bên mình.
Mạnh lầm lũi bước bên Hương, mắt nhìn thẳng phía trước, không nói tiếng nào. Bước chân anh dài, nên dù có để ý, cứ một lúc là anh lại bỏ Hương sau lưng. Nhờ vậy, đi từ phía sau, Hương lại càng nhìn thấy rõ cái lưng rộng đen trũi đến gần như mốc lên của Mạnh. Áo anh không mặc mà vắt lên một bên vai, bạc màu muối trắng. Khi nãy Hương có đi một vòng để coi mọi người làm việc. Cô thấy Mạnh ngập mình trong bùn ở chỗ này, lát sau lại thấy anh cười ha hả ở chỗ khác. Ngày nào Mạnh cũng hùng hục như vậy, sức khỏe đâu mà chịu được? Lẽ nào anh ta làm việc như vậy chỉ vì thực sự tin rằng mình sẽ góp phần thay đổi được gì cho đất nước này?
Không khí đã oi bức càng nặng nề hơn, giữa hai người chỉ nghe tiếng chân bước đều đều trên cánh đồng vắng. Manh liếc qua Hương, bắt gặp Hương đang nhìn anh, lại quay ngoắt đi. Hương buột miệng hỏi:
- Anh còn giận tôi à?
Mạnh phải lên tiếng. Cũng là một câu hỏi. Anh có tài trả lời mọi câu hỏi bằng một câu hỏi khác:
- Đồng chí nghĩ sao mà hỏi vậy?
- Vì tôi đã không nhận lời dạy học theo yêu cầu của anh.
Mạnh suy nghĩ một chút rồi nói:
- Không, tôi không giận đâu. Đồng chí làm vậy là đúng. Chỉ vì tôi đã đòi hỏi ở người khác quá nhiều.
Mạnh nói Hương làm đúng lại càng làm cô thấy khó chịu hơn. Bỗng giọng anh chuyển sang sôi nổi hẳn:
- Nếu đồng chí biết tại sao anh em mù chữ và thèm được biết chữ như thế nào! Nếu đồng chí nhớ lại những sung sướng trong đời đi học của mình và hiểu được những đau xót thiếu thốn mà anh em đã phải chịu...
Và Mạnh khoát tay, giọng hơi xẵng:
- Thôi! Làm sao đồng chí hiểu được những điều đó!
Hương cũng nổi giận:
- Tại sao anh biết tôi không hiểu những điều đó?
Mạnh quay qua ngó Hương:
- Nếu hiểu, đồng chí đã không từ chối... Tôi chỉ tiếc mình không có thời giờ...
Hương không chịu được đôi mắt khinh khỉnh của anh ta:
- Còn tôi thì chỉ tiếc mình không hề được hỏi qua một chút mỗi khi được giao công việc. Dường như tất cả đều là mệnh lệnh bắt buộc phải thi hành, dù đó không phải là chuyện nằm trong chức năng.
Mạnh đứng sững lại. Anh nhíu mắt nhìn Hương và lần đầu tiên, Hương thích thú thấy vẻ ngạc nhiên hiện rõ trong mắt anh. Phút giây hiếm có đó qua ngay. Mạnh tiếp tục bước đi, im lặngmột lúc lâu trước khi chậm rãi nói:
- Đồng chí phê bình tôi rất đúng. Tôi có khuyết điểm thường chủ quan cứ nghĩ mình làm gì cũng đúng, do vì tập thể, rồi lại nóng vội muốn ý kiến mình được thực hiện ngay, từ đó dễ sinh ra bệnh mệnh lệnh, quan liêu... Cảm ơn đồng chí đã thẳng thắn góp ý. Từ nay tôi có gì sai trái thì đồng chí cứ nói ngay, đừng để bụng mà chúng ta hiểu lầm nhau.
Hương để ý thấy giọng nói và thái đội của Mạnh rất thành thực, không có chút giả tạo. Anh nghiêm khắc với chính mình như vậy sao? Mới ở đây một thời gian, Hương đã thấy Mạnh sống rất gương mẫu, thức khuya dậy sớm, lao động không thua ai, lại phải lo toan đủ mọi thứ cho đơn vị, mà có được quyền lợi gì đặc biệt đâu! Qua nói chuyện với Mai, Hương mới biết trừ mình ra là có thể được hưởng chế độ tiền lương còn tất cả mọi người ở đây đều hưởng sinh hoạt phí đủ để sau khi trừ tiền lương thực 19 kí, tiền ăn 20 xu một ngày, tiền nhu yếu phẩm... còn lại mỗi người một tháng chỉ được vài đồng gọi là tiêu vặt. Mai là đại đội phó, được thêm phụ cấp 3 đồng. Mạnh, đại đội trưởng, hơn Mai một đồng nữa. Và chỉ có vậy.
Hương chờ đợi Mạnh thổ lộ tiếp về mình, nhưng anh lại bắt qua chuyện khác:
- Trở lại việc hôm nay. Qua một buổi ra hiện trường với anh em, đồng chí thấy có gì cần góp ý về về sinh lao động hay không?
Hương đã có nhận xét về việc này nên trả lời ngay:
- Tôi thấy có nhiều điểm cần bàn với anh. Thứ nhất, còn quá nhiều anh em làm việc giữa nắng mà không đội nón. Ở trần cũng nhiều. Riêng với chị em nữ phải nghiên cứu sao cho tránh phải ngâm mình quá sâu dưới nước bẩn, sợ ảnh hưởng...
Hương hơi lúng túng, ngừng lại, nhưng Mạnh đã gật đầu, ra ý hiểu. Hương tiếp:
- Cuối cùng là việc tổ chức nghỉ trưa chưa tốt. Anh em nghỉ trưa giữa đồng trống. Phải xây dựng được chỗ nghỉ tạm dù rất đơn sơ, chỉ cần tránh được nắng và nằm được chút xíu thì hay hơn.
Mạnh im lặng lắng nghe, khi thấy Hương đã nói hết, anh nhìn cô bằng một ánh mắt vừa vui vẻ, vừa trìu mến:
- Tôi rất cảm ơn đồng chí về những góp ý vừa rồi và sẽ nghiên cứu sửa đổi sớm. Tôi rất mừng khi thấy đồng chí có quan tâm để ý và có những ý kiến rất cụ thể như vậy...
Ở trước phòng y tế, Mạnh dừng lại chia tay với Hương:
- Đồng chí đã đọc hết cuốn sách tôi đưa hôm trước chưa?
Hương gật đầu:
- Tôi đọc rồi. Anh cần lấy lại à?
- Không. Đồng chí cứ xem lại. Tối mai sinh hoạt câu lạc bộ hàng tháng, trao đổi về “Thép đã tôi thế đấy”, tôi muốn đồng chí chuẩn bị trước ý kiến phát biều.
Hương dè dặt:
- Tôi rất sợ nói trước nhiều người. Anh cho tôi ngồi nghe thôi.
Mạnh cười.
- Có gì đâu mà sợ? Phải tập cho quen chớ, mình sống tập thể mà...
Và anh tiếp ngay, như đã tính sẵn:
- Hương sẽ nói về những mối tình của Paven nhé?
Đó cũng là một đề tài hấp dẫn. Hương tinh nghịch nhìn Mạnh:
- Nhưng theo anh, trong ba mối tình ấy, Paven yêu ai nhiều nhất?
Mạnh lộ vẻ thích thú:
- Câu hỏi này cũng có thể gây nhiều tranh luận đây. Hay lắm! Để tối mai tôi sẽ trả lời đồng chí. Nhưng riêng đồng chí thì đồng chí thích nhất cảnh nào trong truyện?
Hương suy nghĩ một chút:
- Có nhiều đoạn hay, nhưng tôi thích chỗ Paven mới quen Tonhia, anh cặm cụi đi làm ngày đêm ở xưởng cưa để kiếm tiền may quần áo mới và hớt tóc sạch sẽ đến thăm cho cô vừa lòng.
Mạnh hỏi:
- Tại sao đồng chí lại thích cảnh đó?
- Vì nó biểu lộ tình cảm rất chân thật, ngây thơ. Còn anh thích cảnh nào? Chắc những cảnh chiến đấu của Paven phải không?
Mạnh lắc đầu:
- Không biết đồng chí có nhớ không, chớ tôi thích nhất cảnh Paven sau khi lành bệnh sốt thương hàn tưởng suýt chết, đã ra thăm nghĩa trang nơi chôn cất Valia và các đồng chí của anh đã bị bọn quân phản động Ba Lan treo cổ...
Hương hỏi lại:
- Sao anh lại thích cảnh đó?
Mạnh chỉ nói:
- Đồng chí đọc kỹ lại, chắc sẽ hiểu. Thôi, tôi đi họp nhé...
Hương vào nhà, lật ngay sách tìm lại đoạn Mạnh vừa nói. Đó là đoạn văn viết rất xúc động:
“...Paven đứng im lặng, một lúc lâu trước nơi ngày trước đặt giá treo cổ. Rồi anh lần bước xuống hào sâu, lững thững đi ra huyệt chung của anh em ở trên gò.
Những bàn tay trìu mến đã đặt lên các ngôi mộ những vòng hoa kết bằng cành thông, và rào quanh nghĩa địa nhỏ này một hàng rào cây lá tươi. Đỉnh gò có những cây thông cao vút trấn ngự. Cỏ non như tơ xanh phủ lên sườn gò thoai thoải. Thị trấn nhỏ đến đây là hết phố. Cảnh vật nơi này tĩnh mịch, rầu rầu. Rừng thông hiu hắt. Không gian phảng phất nùi lá khô rữa và mùi đất mùa xuân nhuần lại.
Nơi đây anh chị em ta đã anh dũng hy sinh để cho cuộc đời cười được với những kẻ sinh ra trong cùng khổ, những kẻ từ thở lọt lòng mẹ đã bắt đầu kiếp làm trâu ngựa.
Paven từ từ ngả mũ, lòng tràn ngập một nỗi buồn vô hạn...”
Hương lặng người đọc đoạn kế tiếp mà ai đó, chắc là Mạnh đã dùng bút gạch đậm nét bên dưới từng dòng:
“... Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt, xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời...”
Hương ngước lên, vẻ trầm ngâm. Không những đã hiểu vì sao Mạnh thích cảnh đó, cô còn hiểu thêm khá nhiều về chính anh, từ buổi trưa nay. Hương thấy khó chịu về những cảm giác mới mẻ vừa nẩy nở trong mình. Cô dứt khoát gập sách lại, đẩy ra xa. “Đời người chỉ sống có một lần. Vậy tại sao không biết tận hưởng tất cả những gì vui sướng, thoải mái, mà cứ phải cống hiến, đấu tranh?”
Mới mấy ngày trước, khi lần đầu đọc qua những dòng sách đó, Hương còn chưa để ý lắm, thậm chí chỉ đọc một cách tò mò, cho biết. Vậy mà bây giờ, cô đã bắt đầu thấy có điều gì đó không ổn trong suy nghĩ vốn đã quen thuộc với mình về cuộc sống.
Hương ra đứng bên cửa sổ, nhìn theo suốt con đường lên Liên đội. Doanh trại buổi trưa vắng ngắt. Thật xa, Hương vẫn còn thấy được dáng Mạnh đang nhanh nhẹn bước thẳng về phía trước. Cô nhẹ thở dài...
*
Lớp học thường luôn trễ hơn giờ quy định đến 15 phút, vì lúc đó mới đủ mặt học trò. Vậy mà trong 18 cô cậu học trò ấy, có đên hơn phân nửa ăn mặc rất là thiếu tươm tất. Ánh sáng của ngọn đèn dầu lớn đặt giữa bàn cô giáo và ánh sáng của từng cây đèn nhỏ đặt trước mặt mỗi học trò, tuy không soi sáng cả lớp học, nhưng vẫn đủ cho thấy những tấm áo lấm lem từ hiện trường về chưa kịp thay, những chiếc quần xắn lên tới gối phô đôi chân trần bê bết bùn chưa kịp khô. Mùi mồ hôi chua chua, mùi tóc cháy khen khét vẫn còn đi theo tận vào lớp. Những bàn tay chai cứng cầm lấy viên phấn trắng toát, run run gò từng nét một trên tấm bảng đen nhỏ. Đôi môi mím. Ánh mắt chăm chú. “Cực còn hơn đào kinh!”, nhiều người phát biểu.
Một lớp học Hương chưa từng thấy! Nhưng cô hiểu rõ vì sao như vây. Thậm chí cô còn biết trong số ấy, ai là người phải bám tuyến kinh cho đến phút cuối rồi vì đơn vị lại đóng xa nhất nên phải lặn lội đến lớp mà chưa kịp ăn cơm chiều. Ai là người sẽ ngủ gục vì sáng phải dậy từ 4 giờ nấu cơm cho anh em ăn và trưa phải thức để gánh cơm ra tận hiện trường. Hương biết tất cả, và bỗng dưng giữa cô với những con người trước đây vốn cũng xa lạ ấy, chợt xuất hiện một sợi dây vô hình vững chắc nối liền. Cô hiểu ý nghĩa việc mình đang làm, thậm chí thấy có lỗi khi dạy một người nào đó không đạt kết quả. Mười buổi học đã trôi qua, Hương vui mừng trước sự tiến bộ của những học trò của mình. Có người từng là du đãng, bụi đời, mặt mũi bặm trợn. Giờ họ gọi Hương là “cô”, xưng “em” nghe hiền khô. Họ sợ tái mặt khi bị gọi lên bảng để kiểm tra trước cả lớp...
Một hôm tan học, Hoa, cô chị nuôi của đại đội, cứ chần chờ ở lại bên Hương. Hương tưởng cô định hỏi thêm về một chữ nào đó, nhưng không dè khi không còn ai nữa, Hoa mới đưa cho Hương một mảnh giấy, vừa rụt rè vừa xấu hổ, nói:
- Hồi chiều anh Tý đưa em miếng giấy này. Cô coi ảnh viết gì ở trỏng giùm em. Sao ảnh học bằng em mà ảnh viết em lại đọc không được.
Hương cầm tờ giấy, mở ra coi. Nét chữ to kềnh của Tý nguệch ngoạc giữa trang: “Anh yêu em”. Lúc ấy Hương chưa dạy đến chữ “y” và cách ráp vần của chữ này. Trước đó, Tý có lúc đã gặp riêng Hương, hỏi chữ yêu viết thế nào, hãy chỉ cho anh “vẽ” trước – Tý vẫn gọi viết là “vẽ”. Hương đã cười, thấy thú vị. Dường như đó là nhu cầu của mọi người tuổi trẻ, khi học ngôn ngữ, đều muốn biết ngay cái động từ hấp dẫn này. Aimer, to love, liebe... gì gì nữa. Điều đó không có ngoại lệ với anh chàng Tý một thời du đãng này.
Hương đưa lại Hoa tờ giấy:
- Chừng tuần sau em sẽ đọc được. Nhưng chị muốn em giữ thật kỹ và thật lâu tờ giấy này. Nó rất đáng quý.
Hoa có vẻ sờ sợ. Cô thận trọng nhận lại tờ giấy, xếp và cất kỹ trong túi áo. Không biết sau này cô sẽ trả lời lá thư tình đầu tiên nhận được ấy như thế nào.
Hương đâu hay không buổi dạy nào của cô mà Mạnh lại không đến, đứng xa xa nhìn vào cảnh ấm cúng của lớp học. Anh thấy Hương cười, Hương cầm phấn viết những con chữ rất đẹp trên bảng, Hương cầm cây thước dài bằng tre vừa chỉ vừa đọc to cho cả lớp nghe. Hương đi đến từng bàn, cầm tay sửa cho từng người... Lòng Mạnh dâng lên một niềm vui âm thầm.

<< 2. | 4. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 950

Return to top