Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nhẹ lòng mà đi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 577 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhẹ lòng mà đi
Nguyễn Đông Thức

Tại sao Hữu lại chết? Mà chết vì tai nạn giao thông, điều mà không một đứa bạn nào của Hữu, trong đó có Bằng,  có thể nghĩ đến. Bởi Hữu chính là đứa cẩn thận nhất trong đám bạn bè, chạy xe chậm, đúng luật, nhà ở ngoại thành nên hằng ngày trên đường đều luôn đội nón bảo hộ, ngay từ khi chưa có luật bắt buộc. Uống rượu với anh em, Hữu không bao giờ để bị say, mà lỡ vui quá chén thì bao giờ cũng bỏ xe lại, đi taxi về. Ai cười thì mặc, Hữu chỉ giải thích một lần duy nhất: “Tôi phải lo cho một vợ ba con và cả hai gánh gia đình ở dưới quê. Tôi phải giữ cho không thể có chuyện gì xảy đến cho mình”.
Thế mà chuyện đó đã đến, như sét đánh, lúc tám giờ mười lăm phút buổi sáng ngày 19-5 trên đường Hữu đi làm. Những người chứng nói là Hữu chạy xe hoàn toàn đúng luật, bên tay phải đường, tốc độ vừa phải. Chiếc xe tải chạy cũng đúng làn đường, tốc độ không nhanh, và đang chạy phía sau xe Hữu. Bỗng đâu có một chiếc Su của một thằng nhóc chạy khá nhanh từ phía sau bên phải Hữu vọt lên. Ngay trước mặt nó lại có một chiếc xe gắn máy khác. Để vượt qua Hữu, thằng nhóc vụt lách sang bên trái. Có thể là hai chiếc kính chiếu hậu đã chạm nhau, hoặc đuôi xe nó quẹt phải bánh trước của xe Hữu. Nhờ tốc độ nhanh nên nó lướt qua được, trong khi Hữu bị hất ngã qua bên trái, vừa đúng lúc chiếc xe tải chạy đến...
Chỉ trong một tích tắc! Và chấm hết... Chấm hết một kiếp người tài hoa, trung thực, tình nghĩa. Chấm hết một giấc mơ đổi đời đang êm đềm trôi. Từ một tỉnh nhỏ, họa sĩ Hữu khăn gói lên thành phố, gia nhập làn sóng người đi tìm lối thoát khỏi cảnh nghèo túng. Anh vẽ bảng hiệu, chép tranh, mở lớp dạy hội họa... đầu tắt mặt tối cho đến ngày tình cờ gặp lại một thằng bạn từ thời học trường mỹ thuật hiện trình bày cho một tờ báo. Báo cần thêm người và nó lôi ngay Hữu về. Có công việc ổn định lại gặp đúng đất dụng võ, Hữu đi lên từ đó. Một tờ báo chính, vài tờ đặc san, rồi tới tấp bìa sách, bìa băng đĩa... Hữu nhận làm tất cả, thức đêm thức hôm cày bừa, học hỏi, từ một gã mù vi tính dần trở thành một chuyên gia đồ họa trên máy. Rồi Hữu mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, đưa được vợ con lên. Từ đôi tay trắng, có vẻ như anh đang làm nên tất cả... Vậy mà...
Đứa bạn nào cũng khóc khi đến đám tang Hữu. Như thường lệ, khi một người tốt như vậy ra đi rồi, người ta mới bắt đầu nhớ thì ra anh ta đã tốt như thế nào. Nhìn vợ Hữu xơ xác tả tơi, ba đứa con ngơ ngác thất thần, không ai cầm được nước mắt.
Bằng là một trong mấy người bạn thân nhất của Hữu. Họ có tám người, đều trong giới văn nghệ, luôn họp mặt cố định vào mỗi chiều thứ sáu để lai rai cuối tuần. Họ sắp thứ tự luân phiên chịu trách nhiệm buổi nhậu, đến lượt ai thì người đó tùy túi tiền mà quyết định chỗ ngồi và thực đơn. Cứ thế, nhóm “bát tiên” nhờ không có tiên nữ nên đã chơi với nhau êm đềm được hơn năm năm. Bằng là nhà thơ nên có thể nói là “hẻo” nhất đám, đến lượt anh thường chỉ có rượu đế và thịt chó. Thỉnh thoảng, biết Bằng đang “vã”, Hữu còn lén dúi tiền cho.
Hai người thân nhau vì cùng là dân đồng bằng chạy lên thành phố, cùng tuổi, cùng mê rượu đế hơn rượu tây, lại mang hai cái tên Bằng - Hữu như duyên tiền định. Bằng làm thơ ngang tàng phóng túng như chính kiểu sống của mình, còn Hữu luôn chu đáo, đúng giờ, ngăn nắp. Bằng quá bốn mươi vẫn độc thân, vài tháng lại thấy một cô bạn mới, còn Hữu quanh năm đội vợ đội con trên đầu. Bằng luôn phát biểu ồn ào, sẵn sàng tranh cãi, còn Hữu lúc nào cũng im lặng, hiểu nhiều nói ít. Hai tính cách có vẻ trái ngược nhau hoàn toàn nhưng người này lại là mơ ước của kẻ kia, thân nhau cũng là điều dễ hiểu.
Trong suốt ba ngày không rời đám tang, rồi ngồi bên quan tài vịn cho nó đừng lắc lư trên suốt chặng đường từ thành phố về tận quê Hữu, rồi ném cục đất và tưới ly rượu cuối cùng xuống phần mộ, Bằng không hề chảy một giọt nước mắt - Cũng gần như không nói một lời nào. Ba đêm, Bằng cứ ngồi đó, trước mặt là chai rượu trắng, tì tì uống. Cuộc đời đã vô nghĩa đến vậy, thấy đó mất đó, thì kiêng với cữ làm đếch gì nữa. Người nhà Hữu bưng tới chén cơm thì ăn, mệt quá thì lăn xuống chiếu. Cứ thế cho đến khi chôn cất Hữu xong, Bằng gần như kiệt sức, ở luôn trong nhà ba mẹ Hữu suốt mấy ngày. Mỗi chiều anh lại ra sau vườn ngồi bên ngôi mộ mới rợi, cứ nghĩ tới thằng bạn mới hôm nào còn cười cười nói nói cụng ly với mình giờ đang tan rã dưới ba thước đất nơi đây, ngực lại đau nhói. Ngoài kia, một nhánh sông Tiền lấp loáng nắng cứ mang mấy cụm lục bình trôi đi mải miết. Ba của Hữu ra ngồi kế bên Bằng, chép miệng nói: “Thằng Hữu tắm nát con sông này từ hồi còn con nít, lớn lên đi xa rồi mà mỗi lần về tới nhà là lại nhào ra sông tắm thỏa thuê cái đã. Con sông vẫn đang trôi mát rượi kia kìa, mà nó thì không bao giờ lội nữa rồi!”. Đúng là con sông vẫn đang trôi, hàng nghìn năm đã qua và sắp tới. Còn con người thì cứ đến và đi, đến và đi, trong vài cái chớp mắt. Cứ thế Bằng ngồi mãi cho đến khi trời sụp tối, cứ mỗi cơn gió về lại nghe tiếng rơi lộp bộp của mấy trái mận chín không ai buồn hái...
 * * *
49 ngày Hữu, Bằng đến nhà ăn bữa cơm chay với vợ con Hữu, trên đường về bỗng dưng anh ngừng lại ở ngay chỗ Hữu ngã xuống, tấp xe vào lề đường đứng nhìn ra mãi. Lúc đó chắc mày thấy đau lắm phải không Hữu? Giây phút cuối mày đã nghĩ gì? Tao tin chắc dù không còn được lấy một giây, mày cũng đã kịp nghĩ tới vợ con mà cảm thấy đau hơn! Quá bất ngờ nên mày không thể nào xử lý được phải không? Thằng chó đẻ chạy xe ẩu tả đó, nó trốn luôn rồi! Không ai kịp nhìn số xe của nó. Mỗi ngày, bọn chúng giết chết bao nhiêu người vô tội như mày? Sao bọn chúng vẫn cứ nhởn nhơ ngang dọc trên đường vậy?...
Có tiếng chân bước đến sau lưng Bằng rồi một giọng đàn ông vang lên:
- Đoạn đường này nguy hiểm lắm, anh đứng đây làm gì?
Bằng quay lại và thấy một người đàn ông trong bộ quần áo lem luốc của người thợ sửa xe đang nhìn anh đầy vẻ quan tâm. Thấy Bằng vẫn thẫn thờ không trả lời, người đàn ông nói thêm:
- Anh không nên đứng như thế. Tôi ngồi đây mới mấy năm đã thấy ở khúc đường này có khoảng vài chục tai nạn lớn nhỏ, mỗi năm chết vài người, cô hồn nhiều lắm. Cách đây gần hai tháng, ngay trước mặt anh đã có một ông họa sĩ...
Bằng nói:
- Đó là bạn tôi. Hôm nay là đúng 49 ngày...
Người thợ sửa xe “à” lên một tiếng rồi mời Bằng vào ngồi dưới bóng mát của cây trứng cá:
- Những người chết bất đắc kỳ tử thường khó siêu thoát. Có thể anh không tin nhưng tôi cứ thấy anh ấy trở về đây, đứng quanh quẩn ngay chỗ mình ra đi. Anh ấy từng ghé đây bơm xe vài lần, và hôm đó chính tôi là người đầu tiên chạy đến lôi anh ấy ra khỏi bánh xe tải, nhưng thấy ngay là đã quá muộn. Tôi đã làm một cái trang thờ, ngày nào cũng mời anh ấy uống cà phê, hút thuốc...
Ông chỉ cho Bằng thấy một cái trang thờ nhỏ bằng gỗ tạp đóng vội gá vào gốc cây trứng cá, cũng có bát nhang, bài vị nghiêm chỉnh. Bằng rút gói thuốc ra mời ông ta. Ông rút lấy hai điếu, đốt lên và cắm một điếu vào bát nhang cho Hữu, xong đâu đó mới rít một hơi thật dài điếu thuốc của mình, nhẹ nhàng thở khói:
- Tôi từng đi bộ đội, chứng kiến cảnh chết chóc cũng nhiều, vậy mà lúc nào tôi cũng thấy cái chết là chuyện rất vô lý. Ví dụ như với anh họa sĩ này cũng vậy. Chỉ cần anh ấy chạy chậm lại hay nhanh hơn chừng một giây thôi là đã không chết. Chậm lại thì thằng kia sẽ không quẹt phải, còn nhanh hơn thì nó không có chỗ để vượt qua. Anh ấy hay trở về đây, có lẽ cũng vì tiếc điều đó... Nhưng làm sao có thể quay ngược thời gian lại được?
* * *
“Làm sao có thể quay ngược thời gian lại được?”, câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại với Bằng nhiều đêm sau đó. Năm ngoái, lúc được coi bộ phim Trở về tương lai trong một bữa nhậu ở nhà đạo diễn Hà, Bằng từng mơ ước phải chi có được một chiếc xe vượt thời gian như của ông tiến sĩ tưng tưng trong phim, anh sẽ bay về quá khứ đi tìm nhà thơ Lý Bạch để cùng chạm cốc lúc ông đang nhậu một mình trong đêm trăng trên sông, có thể nhờ vậy mà cứu được nhà thơ tài hoa ấy khỏi bị chết chìm. Hà cười rung rinh cả hàm râu cho cái ước ao hết sức vớ vẩn của Bằng, rồi nói nếu chiếc xe đó vào tay hắn, hắn sẽ bay đi tìm đủ “tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc coi thử ai là người đẹp nhất có phải đáng công hơn không. Bằng đáp trả rằng với cái gu thích sự “phổng phao” của Hà, thì không cần gặp anh cũng biết Hà sẽ chấm cho cái bà nổi tiếng béo tốt “phong nhũ phì đồn” (*) là Dương Quý Phi... Cả bọn đã cười muốn sập cả bàn nhậu về câu chuyện đó và hàng lô hàng lốc những ước mơ quái quỉ khác nếu như bọn họ có được cỗ máy vượt thời gian ấy.
Ước mơ đó giờ đây bỗng ào ạt trở lại trong Bằng, chiếm hết tâm trí anh. Cái gã thi sĩ luôn mơ mộng hão huyền trong anh lại được dịp ngây ngất sống, có thêm vài ly đổ vào họng thì càng hoang tưởng tợn. Nhất là khi đêm đêm Bằng cứ mơ thấy Hữu về, đứng nhìn anh bằng ánh mắt thúc hối.
Trong lần về quê dự đám giỗ cha mình sau đó, Bằng gặp lại thầy Tâm Minh, vị sư già trụ trì ngôi chùa trong làng. Ông từng là bạn thời thơ ấu của cha anh, từng chăn trâu đánh đáo với nhau, rồi đi tu sau khi cha mẹ cùng bị chết trong một tai nạn chiến tranh... Lúc còn nhỏ, Bằng thường được theo cha vào chùa thăm thầy. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm trong một khu vườn xanh mướt ven sông, tĩnh mịch, mát rượi. Trong khi cha và thầy ngồi uống trà đàm đạo thì Bằng hay đi lang thang trong vườn, “đem tâm sự đi nói cùng cây cỏ” đúng kiểu một thi sĩ tương lai...  Rồi Bằng lớn lên, lên thành phố học. Mỗi lần về lại thấy cha mình và nhà sư già hơn, nhưng sự khắng khít của hai người chỉ càng tăng lên. Rồi cha Bằng lâm bệnh nặng qua đời... Năm nào thầy Tâm Minh cũng đến dự đám giỗ cha Bằng, đọc một bài kinh ngắn...
Vẻ bơ phờ của Bằng không qua được mắt thầy Tâm Minh:
- Con đang có điều gì lo nghĩ phải không?
Thấy Bằng cứ ấp úng, chần chừ, thầy chỉ cười:
- Tùy con. Nếu thấy ta có thể giúp được gì cho con thì cứ đến chùa.
Sau một đêm suy nghĩ, sáng sớm hôm sau Bằng vào chùa. Thầy Tâm Minh tiếp Bằng ngay trên bộ ván gõ ngày xưa ông với cha Bằng thường ngồi trò chuyện. Bằng kể hết cho thầy nghe nỗi niềm của mình. Mắt thầy sâu hút nhìn vào mắt Bằng:
- Cải số cho người sống đã là chuyện quá khó, nói gì người đã chết! Làm sao quay ngược thời gian lại được?
- Con cũng biết vậy. Nhưng Hữu cứ theo vào giấc mơ của con.
Thầy Tâm Minh nhẹ đưa một tay đặt lên trán Bằng, mắt vẫn xoáy vào mắt anh:
- Là tại con không chịu nghĩ là bạn con đã mất... Bạn con đã được giải thoát, trong khi chính con lại còn quá vướng bận. Thôi được rồi, để ta giúp con. Con hãy nhắm mắt lại, nhắm mắt lại...
Một cơn buồn ngủ kỳ lạ chợt ập xuống Bằng, không sao cưỡng lại được...
 * * *
Có tiếng đồng hồ reo, càng lúc càng lớn dần. Bằng mở mắt dậy và thấy đang nằm trên giường nhà mình. Anh hơi ngạc nhiên vì ngoài cửa sổ trời còn mờ tối. Rất hiếm khi Bằng dậy sớm như vậy. Chiếc đồng hồ cứ reo inh ỏi. Bằng cầm lên xem, thấy mới năm giờ rưỡi và sực nhớ ngay vì sao mình đã để báo thức. Anh dụi mắt, nhìn lên tấm lịch treo tường. Anh đã trở về quá khứ, đúng buổi sáng ngày Hữu mất. Anh còn gần ba tiếng đồng hồ để cứu bạn, dư sức kịp. Bằng làm vệ sinh và thay quần áo thật nhanh, gọi taxi đến đưa mình chạy thẳng lên nhà Hữu. Qui luật của bạn Bằng đã nắm khá rõ. Bảy giờ Hữu mới ra khỏi nhà, chở theo hai đứa con đi học buổi sáng, bỏ chúng ở trường rồi mới đi đâu thì đi.
Bằng nhấn chuông và mừng rỡ khi thấy bộ mặt của Hữu ló ra sau khung cửa. Hắn trợn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy Bằng rồi chạy ngay ra mở cổng:
- Có chuyện gì mà ông tới đây sớm vậy? Lại còn đi taxi nữa!
- Thiên cơ bất khả lậu! Tối qua tôi ngủ nhà ông chú gần đây, hôm nay sẵn ghé rủ ông đi ăn sáng rồi đi làm luôn.
- Nhưng tôi còn phải đưa hai con bé đi học...
- Chuyện nhỏ. Cho hai đứa nó lên xe luôn!
- Nhưng rồi làm sao chiều tôi về?
- Yên tâm đi. Tôi lo tất cả. Vào thay quần áo đi. Mọi chuyện giải thích sau.
Sau khi bỏ hai đứa bé xuống trường, Bằng vẫn chưa yên tâm. Kế hoạch của anh là phải qua tám giờ mười lăm phút, cái giờ khắc ác nghiệt,  mới cho xe chạy ra đường lớn. Thế là Bằng cương quyết bắt chiếc taxi ghé vô cái quán cóc ngay góc ngã tư từ đường nhỏ ra xa lộ, mời cả ông tài xế vào ăn sáng. Hữu cứ ngạc nhiên nhìn Bằng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với thằng bạn thân của mình. Bước xuống xe, Bằng ngoắc liền một đứa bé bán báo tới, mua ngay mấy tờ, hài lòng khi thấy tờ nào cũng ghi ngày 19-5. Trận bóng đá đêm qua đang là thời sự nóng hổi trong quán cà phê, lôi ngay ba người vào cuộc bàn luận sôi nổi. Vì đã biết trước kết quả nên Bằng đưa ra dự đoán không ai tin được về đội sẽ là vô địch sắp tới, anh lập tức gài độ chầu nhậu và cả ông tài xế cũng hăng hái vào cuộc, đưa ra cả danh thiếp có số điện thoại di động cho anh.
Đúng tám giờ mười bốn phút năm mươi giây, một chiếc xe tải đang chạy ào ào trên xa lộ bất ngờ bị nổ một lốp trước. Tiếng nổ lớn như tiếng súng khiến mọi người trong quán cóc nhìn ra và hốt hoảng khi thấy chiếc xe bị mất lái đang lao thẳng vào quán. Mắt Bằng đứng tròng trước cái đầu xe to đùng đâm ngay bàn mình! Anh hốt hoảng chồm dậy ôm chầm lấy Hữu, nhưng đã quá muộn cho cả hai người...
*  *  *
Chú tiểu nhẹ nhàng gỡ tay Bằng ra và nói:
- Ông mơ thấy gì mà la dữ vậy?
Người ướt đẫm mồ hôi, Bằng nhìn chú tiểu chằm chằm một lúc rồi mới nhớ ra mọi việc. Anh hỏi:
- Thầy Tâm Minh đâu?
- Thầy nhập thiền rồi. Có gởi cho ông tấm giấy này.
Bằng mở giấy ra xem, thấy vỏn vẹn chỉ có hai câu thơ:
           Thở dài sắc tức thị không
    Vô thường vô ngã nhẹ lòng mà đi...
Đêm hôm đó, Bằng nằm mơ thấy Hữu tới chở anh đi nhậu với nhóm “bát tiên”, ca hát gõ bàn gõ chén một trận quá vui, xong đâu đó hắn vẫn tỉnh táo đưa anh về tận nhà, đưa một tay lên chào, nháy mắt và mỉm cười thật dễ thương trước khi chạy đi.
Đó cũng là lần cuối cùng Bằng nằm mơ thấy Hữu.
19-5-2004
NGUYỄN ĐÔNG THỨC
_________________
(*) “Vú to mông nở” - nhân vật mượn tên một tiểu thuyết của Mạc Ngôn, đã được dịch sang tiếng Việt là “Báu vật của đời"



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 982

Return to top