Lý thuyết “Sự chọn lọc tự nhiên” của Darwin lập luận rằng khi một con sư tử săn mồi, nó sẽ chọn con mồi yếu nhất trong đàn để bắt, chính nhờ thế mà chỉ có những con thú mạnh nhất, khôn ngoan nhất là sống sót, và điều đó giúp cho các giống loài càng ngày càng ưu việt. Lại nói: khi hai con thú đực đánh nhau để giành quyền giao hợp với con cái thì đó cũng nhằm “chọn lọc” giống mạnh nhất để duy trì chủng loại.
Tôi nghĩ đó là lý thuyết chỉ dành cho loài vật.
Con người là sinh vật có ý thức và trí khôn. Nó có thể dùng sự xảo quyệt, sự bần tiện hoặc quyền lực để chiến thắng, và nếu kẻ đó giành được quyền giao hợp để duy trì nòi giống thì nó sẽ sinh ra một giống nòi như thế nào?
Bỗng nhiên sự bần tiện của người lớn tác động vào thế giới hồn nhiên của bọn trẻ, bốc chúng ra khỏi môi trường sống quen thuộc của chúng, khiến chúng mất phương hướng.
& Giám đốc Thu ngồi trên giường, cúi mặt, hai bàn tay đan vào nhau, giấu giữa hai đầu gối. Huy ngồi trên bàn làm việc của mẹ, hai chân đong đưa. Bao thuốc để bên cạnh đã vơi hơn nửa, tàn thuốc ném đầy dưới nền nhà, ngay trước mặt Thu. -Bà đã hứa với tôi những gì? Có nhớ không? -Nhưng mẹ có quan hệ với lão vương gia nữa đâu. -Chuyện này còn nghiêm trọng hơn nhiều. Bà có thể quan hệ với lão vương gia, có thể tham ô, móc ngoặc, ăn hối lộ… nhưng bà không thể cặp bồ với một thằng đĩ đực. Đó là điều vô liêm sỉ nhất. Trước đây, có lần tôi đi vũ trường, nhìn thấy các mụ sồn sồn ngồi ôm mấy thằng đĩ đực chỉ đáng tuổi con mình, tôi muốn ói, Hình ảnh ấy thật lố bịch và thảm hại. -Nhưng mẹ không thể bỏ nó được. -Bà mê nó đến thế sao? -Không. Mẹ rất muốn bỏ nó nhưng không được. Đến bây giờ mẹ mới biết một quy luật của giới giang hồ là: khi đã quan hệ với nó thì chỉ có nó mới có quyền bỏ mình một khi đã bòn rút hết mọi thứ, còn mình thì không bao giờ có thể bỏ nó. -Tại sao? -Vì nó sẽ quậy. Nó sẽ đến công ty, la toáng lên, bêu rếu mẹ. Nó sẽ liên hệ với các đối tác làm ăn của mẹ để hù dọa, làm tiền, nó sẽ không từ một thủ đoạn hèn hạ nào để khống chế mẹ. -Bà không thể báo công an sao? -Báo công an thì mọi việc sẽ đổ bể. Thiên hạ đồn đại, các đối thủ cạnh tranh của mẹ sẽ khai thác để hạ bệ mẹ…Ôi thôi, con ơi, Mẹ đã bị khống chế như một con nô lệ rồi. -Nhưng bà vẫn còn vương gia. Ông là một người đầy quyền lực. Ông có thể bóp chết nó như bóp một con kiến. -Không được đâu con ạ. Không thể cho ông biết mối quan hệ ấy. Thà mẹ phải chết… Huy la lên: -Vậy là chịu thua? Bó tay! Một người bản lãnh như bà mà phải chịu thua một thằng đĩ đực! Mạt vận! Cái gia đình này đã đến hồi mạt vận rồi!
Huy bỏ ra ngoài vườn hoa. Tiếng nước róc rách từ khe suối chảy quanh hòn non bộ làm lòng chàng dịu lại. Chàng ngồi trên cỏ, nhìn dòng nước chảy. Dòng nước đã chảy như thế trong nhiều năm, chảy trong những trưa hè, chảy trong đêm mưa hay những sớm mai đầy nắng, cứ luân chuyển như thế trong cái không gian chật hẹp, quen thuộc mà không nhàm chán. Lúc nào cũng thấy nước reo vui, róc rách. Sao lòng chàng lại bề bộn những dằn xé, oán hận và đau khổ? Sao không thể như nước, hòa lẫn vào cây cỏ, vỗ về những khe đá, những bờ rêu xanh?
Chàng tiếc tuổi trẻ của mình đã bị bóng tối của ngờ vực và sân hận vây phủ. Chàng đã đánh mất sự hồn nhiên lúc nào vậy?
Chợt Huy nhớ ra rằng suốt mấy hôm nay không thấy bé Vi chạy xe đạp. Trời vẫn còn một chút nắng. Huy lấy xe, ra bãi thả diều.
& Gió tràn ngập. Như sóng vô hình. Và dậy lên từ rừng dừa nước. Gió như ngọn thác chảy ngược từ đám lau sậy và cỏ gai, tuôn trào lên những đám mây. Huy sững sờ nhìn một hoàng hôn chưa từng thấy trong đời chàng. Một hoàng hôn rực rỡ và xôn xao ngàn cánh diều như đàn cá ngũ sắc đang vượt thác, đang chạy đuổi nhau ngược dòng nước chảy xiết. Đuôi diều rung chuyển như xiêm y lộng lẫy trong vũ điệu hoang sơ của khoảng không bao la, xanh ngắt và lộng gió.
Đó là một thế giới khác, không nhà cửa, không cây cỏ, không chim chóc và không có người. Bầu trời lợp bằng những cánh diều và gió chảy trên những chiếc đuôi tha thướt, sặc sỡ.
Những đám mây và những cánh chim đã bay ra ngoài rìa không gian, nhường chỗ cho những cánh diều. Gió hội tụ, nhảy múa, xoay chuyển, lay động và uốn éo. Gió như người mẹ trẻ ngồi thảnh thơi trên hư không, chải tóc cho những con diều lí lắc, nô giỡn và lẩn tránh.
Bầu trời là của diều. Hoàng hôn cũng của diều. Và diều là của trẻ thơ. Nên bầu trời và hoàng hôn đều là của trẻ thơ. Huy thảng thốt trước thế giới rộng lớn, trước sự giàu có vô lượng của thiên nhiên mà những đứa trẻ đang nắm trong bàn tay nhỏ xíu của chúng.
Chàng vứt xe đạp bên bờ cỏ và đi bộ dọc theo cái sân rộng bát ngát. Bé Vi đang ngồi trên cỏ với mấy đứa con gái cùng lớp. -Tớ sẽ thổi một cái bong bóng to hơn lúc nãy. -Không được đâu. Gió mạnh lắm. -Ngồi che gió cho tớ đi. Đứa bạn dịch ra phía trước. Bé Vi thổi ra một cái bong bóng màu hồng. Nó chao đảo trong gió nhưng không vỡ. Huy đến nhập cuộc: -Anh có thể thổi một cái to hơn cho mà xem. -Really? Bé Vi hỏi và đưa cho Huy thỏi kẹo cao su. Trên trời hai con diều vừa xoắn vào nhau. Huy phải chạy ra xa để gỡ. Khi trở lại, Huy nói: -Hãy xem cái bong bóng của anh này. Quả nhiên Huy là một tay vô địch. Bé Vi vỗ tay tán thưởng. Trên đường về, Vi hỏi: -Người Nhật họ thích làm những con diều khổng lồ phải không? -Phải. Ở Việt Nam, người Huế làm diều cũng giỏi lắm. -Anh làm cho em một con đại bàng đi.
Cô bé nói xong liền ngoặt tay lái, chạy qua cầu. Trong hoàng hôn, cô bé chỉ là một cái bóng trắng, như con chim câu nhỏ đang bay về tổ của nó.