Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Về đâu

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21932 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Về đâu
Đào Hiều

Chương 2

Năm ấy có một trận bão. Nó đến khều nhẹ căn nhà lá của đại úy Quỳnh. Cột kèo chỏng gọng, vách lá đổ nát, xù lên như lông gà. Tôi ở Sài Gòn quyên góp được ít tiền đem xuống cho bạn. Chòm xóm đến, dựng căn nhà dậy.
Đó là căn nhà tôi vừa bước vào.
Nhưng trong nhà không có ai cả. Bếp núc lạnh tanh. Phía sau có mấy bụi chuối, mấy cây mía và đám bạc hà. Nơi bờ ao có một cô gái đang ngồi với con chó nhỏ. Con chó không sủa. Thấy khách nó chạy lại mừng, ngoắc đuôi. Nhưng cô gái không quan tâm đến khách. Một cô bé chừng mười tám tuổi, đen thui, ốm nhách.
Nó không chào tôi nên tôi cũng chẳng nói gì. Tôi ngồi xuống coi nó làm ốc. Những con ốc bươu bị chặt đít lấy ruột ra, ném vô cái thau, gần đầy.
-Nhiều quá. Ăn gì hết.
-Cho vịt ăn.
-Người không ăn được sao?
-Ăn được.
-Má cháu đâu?
-Chết.
-Ba đâu?
-Không biết.
-Ông Quỳnh đâu?
-Đi đánh cờ.
-Năm ở đây có bão, nhà này sập, bác có xuống đây, sao không thấy cháu?
-Ở Cần Thơ.
-Làm gì ở Cần Thơ?
Không trả lời. Từ đó, câm luôn. Mặt vẫn bình thản. Không có vẻ giận, Nhưng không nói chuyện nữa. Cạy răng cũng không nói. Cho tới khi đại úy Quỳnh về. Chúng tôi ngồi trên bộ ván. Cô gái nhóm bếp, pha trà.
-Con nhỏ nào vậy?
Quỳnh có vẻ do dự. Rồi nói:
-Đó là con gái của Trần Vũ.
-Ô! Vậy sao? Lúc nãy tao hỏi “ba đâu?” nó nói “không biết.”
-Thực ra là nó biết. Tao kể cho nó nghe. Nhưng tao cũng chỉ biết đại khái.
-Hôm nay tao có tin về Trần Vũ.
Quỳnh rất mừng, nhưng anh ra dấu bảo tôi đợi. Rồi đi ra phía sau.
Lúc anh bước vào thì có cô gái đi theo.
-Chào bác Thọ.
-Sao chào trễ vậy?
-Hè..hè..
-Tên gỉ?
-Trúc.
Cô gái ngồi trên võng.
Tôi đem câu chuyện của Thu, kể lại.
Buổi trưa lặng im. Những giọt nước mắt của cô gái rơi trong sự im lặng ấy. Tôi nhìn thấy một khuôn mặt đen, gầy nhưng thật đẹp. Có lẽ mẹ của Trúc cũng đẹp như vậy. Có lẽ người đàn bà ấy sợ con chết trên biển nên đã ra đi một mình. Và đã tan hòa vào biển cả mênh mông từ lâu lắm rồi.
Sau câu chuyện, Trúc cư xử với tôi rất dịu dàng mặc dù vẫn ít lời.
-Con muốn đi tìm mộ.
-Chỗ ba con chết, bác có thể biết, nhưng mộ thì không.
-Còn bác Thu?
-Có thể biết, nhưng đã mười mấy năm, vùng căn cứ ấy khác xưa nhiều lắm. Mà chắc cũng phải đi một chuyến.
-Con cũng đi.
Trúc lấy vạt áo lau nước mắt.
Cất bức thư vào trong túi.
 
&
 
Xế chiều Trúc rủ tôi bơi xuồng đi lùa vịt về. Hồi ở trong chiến khu tôi cũng có chèo xuồng nên phụ cô gái một tay. Xuồng đi ngược nước, chậm và êm ái. Cây hai bên sông rợp mát, cò trắng đậu lác đác trên ngọn cây thấp. Trúc nói:
-Con muốn lên Sài Gòn.
-Sao con không làm ở Cần Thơ nữa?
-Ghê lắm.
-Sao vậy?
-Đó là một gia đình kinh khủng. Người ta bắt con chăm sóc một ông già bị bệnh “an-dây-mơ” gì đó.
-Bệnh đó có gì ghê gớm đâu.
-Người bệnh thì không sao nhưng người nhà thì ghê gớm. Họ bắt ông già ngồi trong một chậu thau lớn. Con phải tắm cho ông ta, nhưng phải hứng cái nước tắm ấy, không được rớt ra ngoài một giọt.
-Để làm gì?
-Để rửa chén. Rửa nước đầu bằng thứ nước đó. Rồi tráng qua một lượt nước máy là xong. Mỗi lần cầm chén cơm, nghĩ tới, cứ muốn ói.
Trúc cho xuồng vượt qua đàn vịt, dừng lại trên đầu dòng, cầm ngang cây sào. Lũ vịt kêu cạc cạc, thả lững lờ trắng cả mặt sông. Trúc đứng trên xuồng dùng sào lùa vịt. Tôi thì chèo. Đàn vịt trôi theo đám lục bình. Nắng phai trên những đợt sóng mỏng, tản mạn, lặng lẽ.
Tôi hỏi:
-Con lên Sài Gòn, bỏ đàn vịt sao?
-Con muốn tìm một tương lai.
Vì tương lại không có ở cái làng Vị Thủy chằng chịt kinh rạch, tận trong ngóc ngách, xó xỉnh, cách Cần Thơ bảy tám chục cây số này.
Tôi không hiểu sao một tay đại úy bộ binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa như Quỳnh lại chọn cái nơi đồng không mông quạnh này mà sống đời.
Bình sinh hắn đâu phải tay vừa, từng làm đại đội trưởng biệt động quân, từng thoát chết trong vụ bao vây của Việt cộng với trận “mở đường máu” ngoạn mục không thua gì phim chiến tranh của Mỹ, vậy mà bây giờ xếp giáp quy hàng về nương náu chốn này.
 
&
 
Buổi tối chỉ còn lại tôi và Quỳnh. Một chút trăng non. Một chút gió sông. Một lít rượu gạo. Và một con cá lóc nướng rơm.
Thời gian đọng lại trong một khoảng không sáng đục, được định vị bởi một vòm trời có tàng cây đen viền xung quanh, và một mặt đất cằn khô, lởm chởm, trải lên manh chiếu rách.
Quá khứ đang chảy về cái thung lũng phi thời gian ấy. Nó như một cái “lỗ đen” hút tất cả mọi hoài niệm, mọi buồn vui, gian khổ và tủi nhục vào cái cay nồng đắng nghét của ly rượu gạo đục ngầu nơi bưng biền nước nổi.
Tôi hỏi:
-Đã mười mấy năm rồi sao Mỹ nó không bốc mày đi theo diện H.O?
-Lúc giải phóng vô, với lon đại úy chắc chắn tao phải đi cải tạo mười năm. Ai dè vô trại cải tạo mới hai tuần thì lù lù một ông cán bộ đến lãnh về. Đó là cậu vợ, mới được cử về làm bí thư xã. Tưởng đó là điều may, không ngờ là xui xẻo. Bạn bè cùng khóa sĩ quan với tao đứa nào cũng được đi Mỹ theo diện H.O, chỉ có tao là bị Mỹ từ chối.
-Vì sao?
-Vì Mỹ nó chỉ nhận những thằng cải tạo từ ba năm trở lên. Tao đi cải tạo có hai tuần. Cho nên phải cày ruộng mười năm nay.
-Còn chuyện không dám về quê là vì sao?
-Vì một món nợ máu.
-Nợ máu gì vậy?
-Hồi đó đại đội tao đóng trên một ngọn đồi thấp. Việt cộng bao vây ngay đêm giao thừa. Tụi nó cũng chừng một đại đội, nhưng đủ quân số. Còn đại đội của tao chỉ có tao, một thằng trung sĩ giữ kho đạn và chín thằng lính. Mày thử tưởng tượng cả đại đội chỉ còn 11 thằng. Số còn lại đều trốn về nhà ăn Tết.
Quét đèn pha qua một lượt, thấy vi-xi nằm đen kịt, trang bị B40, AK 47. Tụi lính của tao run lập cập. Có đứa khóc mếu máo: Đại úy ơi, phen này chắc chết hết.
Tao cũng có hơn gì nó. Nghĩ, đù má, tại sao mình lại lâm vào tình cảnh này. Trong số những thằng vi-xi đang vây ngoài kia chắc chắn cũng có những đứa từng là bạn cùng lớp với mình. Ai đã đặt tao vào cái thế quyết tử, cái thế một mất một còn này?
Nhưng lúc đó không có thời gian dành cho những câu hỏi như vậy. Súng đã nổ. Tiếng AK 47 chưa bao giờ ghê rợn đến như vậy. Nó đanh, khô và lạnh. Bao cát tung tóe. Đạn B40 trùm lửa lên các nóc hầm.
Tao gọi thằng trung sĩ giữ kho đạn lại. Nó hỏi:
“Tính sao. Đại úy?”
“Gọi hết cả chín thằng lại đây.”
“Chỉ còn bảy.”
Tao đã ra lệnh. Đù má, tao không còn cách nào khác ngoài một cái lệnh tàn khốc:
“Đem hết tất cả các thùng lựu đạn ra đây. Mỗi đứa ôm một thùng. Ném súng đi. Chỉ “chơi” lựu đạn thôi. Tao đi đầu. Trung sĩ Trọng khóa đuôi. Bảy thằng tụi bay ở giữa. Cự ly 4 mét. Ném lựu đạn ra hai bên. Mở đường máu.”
Thế là nhào tới như những con thú dữ. Tiếng gầm của lựu đạn và mùi thuốc súng làm tụi tao say máu. Không mảy may sợ chết. Tao vừa ném lựu đạn vừa chạy trong lửa và khói. Mặt đất rung chuyển. Lựu đạn nổ kéo theo tiếng gầm ghê rợn của mìn claymore đã được gài sẵn ngoài rào phòng thủ. Những tiếng rú bị chìm khuất trong tiếng mìn sát thương. Tiếng AK 47 thưa dần. Một trái B40 bùng lên, hất trung sĩ Trọng lên cao như miếng giẻ rách. Tao cũng không hiểu tại sao tao còn sống. Trọng chết rồi. Bảy thằng lính còn ba. Và tao nữa là bốn. Đại đội vi-xi gần như bị xóa sổ. Xác hai bên nằm la liệt. Bốn thằng tụi tao cố lết về khu an toàn thì trời vừa rạng sáng. Mệt đến nỗi không biết mình có bị thương không. Tụi tao nằm ngửa trên vùng đất khô cứng đầy những mảnh đá ong vỡ vụn.
Tất cả đều khóc.
Quỳnh nổi điên, ném cái chén xuống dòng sông, cầm chai rượu lên tu một hơi. Nói tiếp:
-Đó là trận đánh khủng khiếp nhất trong đời tao. Và cũng là một trong những trận đánh ấn tượng nhất, nổi tiếng nhất của sư đoàn 22. Tất nhiên tên tuổi đại úy Quỳnh cũng trở nên lừng lẫy. Và cũng vì thế mà phải lìa bỏ quê hương.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 468

Return to top