Phượng vừa bước vào phòng làm việc đã thấy đám các cô túm tụm ở bàn trà:
- Tao đoán trúng phoóc nhé. Cái Thuỵ Lan xổ thị mẹt!
- Ngọc ơi, thế là mất cho chị cốc chè đỗ đen đá rồi nhé.
- Thế thì tớ đố cậu con Quý đẻ thằng cu hay cái hĩm nào?
- Con trai tao cũng quý, con gái tao càng yêu.
- Em xin chị…
Cái cô quay lại bụng đã nổi chùm chũm đang kì cạch đóng guốc ở góc phòng.
Phượng đi đến bàn của mình, ngồi xuống. Chợt một cô trong đám quay lại, như sực nhớ:
- Chị Phượng ơi, chị có đồng ý không?
Đồng ý cái gì? Phượng chưa kịp hiểu thì một cô khác đã chạy lại, ôm hai vai Phượng, nói như thét vào tai cô:
- Bầu chị làm trưởng phòng, chị có ưng không?
Trời! Thế là thế nào? Phượng ngơ ngác. Các cô lại cười ré lên. Rồi lại xúm xít xì xào. Xì xào cái gì? Không gì khác, lại chuyện bà trưởng phòng. Này, xưa bà ấy yêu mê mệt ông ấy. Thư nào từ mặt trận gửi về cũng có một túm tóc gửi kèm. Bà ấy tinh quái lắm. Không bao giờ muốn ai hơn mình đâu. Bà ấy mà đến thăm nhà đứa nào thì đứa ấy cứ liệu hồn…
Một cô xách cái túi ni lông căng phồng len xanh đỏ đi vào đã phá vỡ cuộc tụ họp đầu giờ. Hoá ra các cô tản ra để chia len đan thuê cho mậu dịch.
Nhưng kìa… như một hơi gió lướt, bà trưởng phòng đã vào phòng. Một cô đang cầm con len đỏ quay lại:
- Báo cáo thủ trưởng, mất điện, không đánh máy được ạ.
- Thế đóng guốc được, hả? Len để đấy, tôi chia. Tôi yêu cầu. Mở hết cửa sổ ra! Không có điện mà chịu à?
Bà trưởng phòng hầm hầm đi tới bàn làm việc, đưa mắt kiểm soát mặt bàn xem có đứa nào định ví bà là cái giẻ hay coi bà như Pônpốt -
Iêngxari như hôm nọ không! May, mặt bàn sạch trơn. Bà cúi xuống, chúm môi thổi bụi rồi ngồi xuống, và như là bâng quơ:
- Đừng có hòng mà so bì với tôi. Mười sáu tuổi tôi đi bộ đội. Hai mươi tuổi tôi là chi uỷ. Chống Mỹ tôi là đại đội trưởng thanh niên xung phong. Nứt mắt ra mà đã vây vo. Cứ tưởng cái bằng đại học của các người là to lắm, hả?
Bà móc máy ai vậy? Các người đây là những ai? Lâu nay bà và cô thủ quỹ vẫn hục hặc với nhau. Cô thủ quỹ có bằng đại học. Chẳng lẽ giờ Phượng cũng bị kéo vào mối bòng bong này. Phượng cũng tốt nghiệp đại học mà.
Nhưng, một cô ở phòng thường trực đã đi qua bàn Phượng, tới bàn bà trưởng phòng:
- Báo cáo thủ trưởng.
- Cái gì, lại chuyện đêm qua chứ gì? Có bắt được quả tang trên trai dưới gái không. Tôi đã yêu cầu hết giờ phải về hết cơ mà, sao cô lại cho họ ở lại?
- Báo cáo chị.
- Tôi yêu cầu…
- Dạ, ngoài phòng khách có người muốn gặp ông giám đốc.
- Sao không nói ngay. Bảo họ chờ đấy! Tôi ra ngay. Giám đốc! Cái gì cũng giám đốc!
Bà trưởng phòng kéo lại tà áo, đi ra.
Phượng mở cặp bìa, ngẩn ngơ mất một lát vì những câu nói của bà trưởng phòng.
- Thật quá trâu cày! - Đã giải quyết xong công việc ở ngoài phòng thường trực, bà trưởng phòng quay vào, đi đến bàn Phượng, làu bàu. - Giám đốc, lương chỉ bằng anh trưởng phòng Sở, mà trăm tội đổ vào đầu. Hết vật tư lại thương nghiệp, lại công an đến gặp. Tớ cũng ngán công việc ở đây lắm rồi, Phượng ạ. Nhưng, lão ấy bảo tớ: thôi cố giúp anh cho tới lúc anh về hưu. Chứ không tớ về làm ruộng cho nó nhẹ nợ. Cậu thấy đấy, trình độ tớ thì có hạn thôi. Nhưng công việc hành chính nó phức tạp lắm, không có những người cứng tay lái là hỏng.
Giọng bà là giọng phân trần tâm sự, thật dễ nghe và lôi cuốn Phượng. Nhưng đột nhiên bà nghiêng về phía Phượng, giọng thấp hẳn xuống, mắt khim khíp lia về phía cô thủ quỹ:
- Có biết chuyện gì xảy ra đêm qua không? Cậy tài cậy giỏi mãi. Khôn ba năm dại một giờ là thế. Với lão béo ấy đấy.
Thì ra là vậy. Nhưng sao giọng bà lại hí hửng thế? Suốt từ hôm vào làm việc tới giờ, chỉ rặt nghe những chuyện đại loại như thế này. Chưa bao giờ Phượng được bà bảo ban, hướng dẫn nghiệp vụ, bàn bạc công việc cả.
Và bây giờ, bà ra đứng trấn ngay trước bàn Phượng, tiếng như chuông reo:
- À, Phượng, tớ đến nhà cậu rồi đấy nhé. Cái vườn quý nhỉ. Giá không bị cháy thì tha hồ mà ở. Giời, hai thằng bé con cô gì nhỉ, quá quỷ sứ nhà giời.
Ra là bà đã đến nhà Phượng đúng lúc Đông, Luận, Phượng đưa ông Bằng đi bệnh viện. Lúc ấy chỉ có vợ Cừ ở nhà. Vợ Cừ tiếp bà, nhưng vì ruột gan đang rối bời nên không nhớ tên, không nhớ cả khuôn mặt, dáng hình bà. “Bà ấy xem vườn, xem hoa, xem mấy luống rau và giàn mướp. Rồi bà ấy hỏi chuyện em, hỏi chồng ở đâu, làm gì? Chị ở nhà có đối xử tốt với hàng xóm không, có buôn bán gì không? Em không còn hơi sức nào mà trả lời, còn bà ấy cứ xoắn xuýt hỏi hết điều này đến điều khác”. Lúc ấy Phượng cũng chẳng còn lòng dạ nào hỏi thêm vợ Cừ. Rồi sự việc cũng rơi vào quên lãng.
- Này. - Bà trưởng phòng cúi thấp xuống, mắt hấp háy, vừa đắc chí vừa có vẻ ái ngại thay cho Phượng, - gia đình cậu hoá ra cũng rắc rối nhỉ.
- Có gì đâu ạ!
- Thì thằng em chồng di tản nhé. Giờ đến con vợ nó…
- Vợ chú ấy thì có tội gì?
- Không có tội gì thì sao người ta lại sa thải. - Cong tớn vành môi, vẻ đắc thắng, nhưng rồi bà lại hạ giọng ngay. - Cuối cùng, người khổ nhất là cậu, có đúng không? Tớ hỏi thật cậu nhá, cậu lấy gì mà nuôi cái của nợ ấy?
- Chị bảo… không lẽ bỏ mặc vợ con chú ấy?
- Đấy, tính cậu giống tính tớ. Đa cảm lắm. Đa mang nhiều. Tớ biết: có phải hồi này cậu không đem cơm trưa đi ăn không? Khổ thế đấy. Nhưng này, tớ bảo thật. Dứt khoát đi, ăn riêng ra. Sống mỗi người mỗi nhà. Không là làm ơn nên oán đấy. - Bà ngừng một lát rồi tiếp. - Phượng này, để tớ chia cho cậu ít len mậu dịch về đan mà kiếm thêm nhé. Hừ thời buổi này… Này, các cô, chỗ len mới đem về đâu, đưa cả lại đây! Tôi yêu cầu!
Câu cuối cùng bà nói toang toang với cả phòng, với tư cách là trưởng phòng kiêm tổ trưởng nữ công.
Sắp hết giờ làm việc buổi sáng. Phượng đang lúi húi thu xếp sổ sách thì thấy bà trưởng phòng bê một cái bếp dầu xanh nhoáng đi qua.
- Chuyến này căng tin phân phối đến lần tớ. Tớ nhất định không nhường cho đứa nào nữa.
Bà nói, giọng hậm hực. Nhưng đặt cái bếp dầu lên mặt bàn, bà quay lại đám các cô ở chỗ đánh máy, giọng lại cao vót lên, lảnh lót rất vui:
- Đứa nào nói tao sắp lấy chồng đấy! Đã chuẩn bị được đồ mừng chưa mà bảo tao lấy chồng?
Đám các cô reo ầm ầm:
- Có ngay đây. Nhưng má ơi, má lấy ai đấy, má ơi?
- Lấy thằng đàn ông tai lơvít, đít lồng bàn, chứ còn lấy ai nữa.
Lại được một trận cười thoả thuê.
Một tiếng sau, khi Phượng đang làm kết toán quý một thì bà sầm sập đi tới.
Trong thâm tâm, Phượng chỉ muốn bà đi chỗ khác, để mình tiếp tục làm việc. Nhưng bà lại kéo ghế ngồi đòi Phượng cho xem sổ lương tháng vừa rồi. Mới chỉ lướt qua hàng đầu danh sách lương, bà đã dằn quyển sổ xuống bàn:
- Cô làm ăn thế này là thế nào?
- Sao ạ?
- Tại sao cô lại trừ nợ một trăm đồng của ông giám đốc?
Phượng buông bút, từ tốn:
- Thế này, chị ạ…
- Tôi biết tỏng đi rồi. Ông ấy nợ hai nghìn chứ gì?
- Vâng, hai nghìn này là tiền ông ấy mua xe máy riêng. Năm ngoái, ban kiểm tra Sở về làm việc đã kết luận là chi bất hợp pháp, phải bồi hoàn. Biên bản hãy còn đây. Còn cả chữ kí của ông giám đốc đây ạ.
- Các ông ở Sở thì biết quái gì!
- Đó là chính sách, nguyên tắc tài chính chị ạ.
- Chính sách với chả nguyên tắc! Người ta là giám đốc, ba mươi tuổi Đảng có lẻ, cống hiến cho dân cho nước suốt từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Cấp xe riêng thì không cấp. Người ta mua thì kêu là bất hợp lí.
Chả lẽ Phượng lại phì cười. Hiểu biết của bà sao lại đơn sơ thế, lí lẽ của bà sao mà cảm tính thế. Cứ như một bà nông dân thời xửa thời xưa nào đó đang lí sự với Phượng vậy.
- Cô xoá ngay con số một trăm ấy đi cho tôi!
- Không được chị ạ.
- Tôi yêu cầu!
Đập tay xuống bàn đánh chát, bà trưởng phòng đứng dậy bỏ ra giữa phòng.
Nhưng đầu giờ làm việc buổi chiều, bà lại đến bàn Phượng, kéo ghế ngồi xuống, thấp thỏm:
- Thế nào, cậu xoá hộ tớ không.
Giọng bà bình dị, không vương chút quyền uy. Mà chữ nghĩa thì rất lạ: hộ tớ… Sao lại hộ tớ? Phượng khe khẽ:
- Thế này, chị ạ…
- Thôi, tôi biết cả rồi.
- Chính ông giám đốc cũng đã kí biên bản đồng ý bồi hoàn, chị ạ. Chị để em lên gặp ông ấy…
- Không được!
Bà đứng phắt dậy, tưởng bà nóng giận, nhưng không, mặt bà thoáng buồn buồn:
- Phượng ạ. - Bà lại ngồi xuống, giọng như tê dại. - Khổ, cái lão ấy, con người đoan chính, trung trực, đứng đắn lắm. Chỉ vì lỡ một chút. - Bà thở dài, mắt long lanh ướt. - Cùng làng tớ đấy, Phượng ạ. Cùng đi bộ đội một ngày với nhau. Chống Mỹ, tớ phụ trách thanh niên xung phong ở tít trong B3. Bặt tin. Rồi có tin đồn tớ chết. Khổ! Nhưng, cũng do lão tham đẹp, tham trẻ nên giờ mới điêu đứng thế. Cậu không biết con mẹ ấy đâu! Thành nanh đỏ mỏ, quái ác có một không hai là nó. Hành lão quá hành đầy tớ. Lương tháng thiếu một hào cũng không được với nó đâu. Về đến nhà là a lê hấp ra cọ chuồng lợn. Cái xe máy cũng là do con mẹ ấy xui ngon xui ngọt. Khổ! Giờ trong túi là nhẵn củ kiệu. Thương quá!
Giọng bà thủ thỉ, chân thật. Cái giọng ấy làm Phượng nhớ tới buổi trưa hôm nào bà ngồi non nỉ với ông giám đốc. Và Phượng giờ đây bỗng hiểu ra ngọn ngành câu chuyện này. Ông giám đốc thật lòng ra sao, Phượng chưa thể nói được. Còn bà trưởng phòng, thật tình bà còn thương ông; không dám vượt qua vòng luân lí, nhưng bà vẫn chưa quên, bà còn thiết tha níu giữ cái tình yêu thuở trẻ đã không được kết thúc như mong muốn của mình.
Lòng luôn mở rộng đón nhận, cảm thông với những xót xa, thiệt thòi của mọi đời người, Phượng, trong giây phút đẹp nhất ấy và cũng yếu đuối ấy, đã chấp nhận yêu cầu của bà trưởng phòng.
Nhìn Phượng đưa ngòi bút gạch một nét đậm qua con số 100 ở khoản trừ nợ của ông giám đốc, bà trưởng phòng mắt chớp chớp cảm động rồi ngồi im. Bà trưởng phòng, người phụ nữ tính nết thất thường, không có cái căn bản trong nhận thức và đức độ, tư duy còn thô thiển, thật sự không phải là con người độc ác, không đủ điều kiện để nhập vai lãnh đạo mà cứ đóng vai ấy, đó là nguyên nhân của những trò bi hài hàng ngày, đã và sẽ còn làm khổ Phượng và mọi người. Nhưng, bà lại có thể gần gụi, đáng chia sẻ ở khía cạnh con người bình thường của bà, con người này đã thiệt thòi, đã bị tổn thương nhưng vẫn giữ riêng mình một góc đời dào dạt yêu thương: người phụ nữ phức tạp nhất, khó chiều nhất mà Phượng đã gặp, chiều nay đã trở nên một con người Phượng rất xót thương và đáng được thể tất.
** *
Lòng xót thương người khác hơn cả bản thân mình là một nét đặc trưng nữa trong tính cách của Phượng mà Luận đã phát hiện ra. Dường như trong Phượng đã có thêm khả năng thính nhạy với khổ đau của kẻ khác và sẵn sàng đền bù cho họ. Kể từ ngày vợ con Cừ lên, Phượng đã chịu đựng liên miên sự vất vả thiếu thốn với một độ giản dị khiến Luận phải kinh ngạc. Chị không một lời than, không một biểu hiện khó chịu thậm chí như không cảm thấy mình đang gánh chịu cho kẻ khác.
Bởi vì, với thu nhập của họ, nguyên việc trang trải sinh hoạt của vợ chồng cùng đứa con và người mẹ già một chốn đôi nơi vô cùng tốn kém đã phải dè sẻn lắm lắm mới có thể không rơi vào cảnh vay mượn. Gánh vác thêm vợ con Cừ thì thật là quá sức. Vợ Cừ giữ ý, bữa cơm chỉ ăn tí chút gọi là. Riêng hai đứa trẻ vô lo, thì cũng phải nói nhỏ với nhau là chúng ăn khoẻ quá. Rồi còn đồng quà tấm bánh, cái khăn mặt, miếng xà phòng… mỗi thứ mỗi tốn.
Một chiều sẩm tối, Luận từ bệnh viện thăm cha về nhà. Buồng vắng. Mở mâm cơm thấy có bát ô tô cơm lùm lùm, bát canh mồng tơi, mấy miếng cà và chục con tôm rang, chỉ vừa đủ một người ăn. Không nỡ ăn, anh đi tìm Phượng.
Vào hè, nước trở nên một nhu cầu lớn.
Cả phố chỉ còn vài cái máy công cộng chảy nước đều đặn. Luận lên cái máy đầu phố, ở đó, từ xa đã nhìn thấy thùng, xô xếp hàng rồng rắn dài tới vài chục mét. Sắp tới cái máy nước, anh chợt nhìn thấy Phượng đang kéo tay vợ Cừ đi ngược trở lại. Vợ Cừ cưỡng, một tay giằng tay
Phượng, tay kia cầm cái đòn gánh, người ngả ngược chiều, miệng kêu khẩn khoản:
- Chị cứ để em làm, chị Phượng.
- Cô Cừ, cô làm thế tôi không bằng lòng đâu. - Đang giật tay vợ Cừ, chợt nhận ra Luận, Phượng liền gọi to, mừng rỡ. - Anh Luận!
Rồi buông tay vợ Cừ, Phượng đi tới trước mặt chồng, khe khẽ, nhưng hết sức nhức nhối:
- Anh bảo cô ấy đi. Cô ấy cứ đòi đi gánh nước thuê. Em không đồng ý, anh ạ.
Vợ Cừ ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, tấm tức khóc.
Luận hơi cúi xuống:
- Cô Cừ! Cô Phượng cô ấy làm thế mà đúng đấy. Đã đến nỗi nào mà phải thế. Cô làm thế, cô coi tôi là cái gì?
Xốc nách vợ Cừ đứng dậy, Phượng lên giọng lấn át:
- Cô này lạ nhỉ! Cô có nghe tôi không?
- Em nghe, nhưng mà…
- Chẳng nhưng mà gì cả. Nào, tôi với cô về. Khéo hai ông tướng lại dông lên cơ quan anh Luận xem ti vi rồi cũng nên. Vứt đòn gánh lại cho anh Luận để anh ấy quẩy nước về.
Chờ cho hai người phụ nữ đi khuất, Luận mới quay lại cái máy nước. Hai cái thùng của anh cách máy còn xa. Anh đứng vào bóng một cây me, nói chuyện với mấy người hàng xóm quen thuộc về bệnh tình ông Bằng. Lát sau, họ ra máy. Và đúng như anh dự đoán. Phượng đã ra, sau khi tìm cách đưa vợ Cừ về.
- Anh về ăn cơm đi. Để nước đấy cho em.
Ngọn đèn đường mới bật rãi ánh sáng qua tán lá me, toả một làn sáng mờ mờ trên mặt Phượng. Chỉ suýt nữa Luận kêu thành tiếng: Phượng tiều tuỵ, xanh xao quá. Tất cả khó nhọc đã phản ánh trên mặt Phượng gầy guộc và ở bộ quần áo vá, hai gấu quần rách xơ. Đời sống đang ở một thời điểm căng thẳng vốn đã lắm khó khăn. Giá cả lên vòn vọt. Đã có lúc cầm chục bạc đi chợ, ứa nước mắt mang về mấy mớ rau. Thịt trứng mua tem phiếu quá ít ỏi, chỉ có thể dành cho hai đứa trẻ. Đã phải giật tạm người nọ người kia. Đã phải thức đêm để đan len kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy. Đã phải bỏ hết công sức cho mảnh vườn để kiếm ít rau cho đỡ phần chi tiêu, đã phải tính đến việc bán cái nhẫn cưới và bộ áo vét của Luận để trả nợ nần. Ước ao về một khoảng thời gian rộng rãi cho sự bồi bổ trí tuệ đã có lúc phải tạm quên đi.
- Anh Luận, anh về ăn cơm đi.
Luận nhìn vợ, tràn ngập yêu thương:
- Anh ăn rồi. Em về ăn đi. Sao em cứ nhịn nhường cho anh thế?
- Em ăn thật rồi mà.
- Phượng, em nói dối anh phải không?
Hình như Phượng không nghe thấy chồng. Chị nghênh nghênh mái tóc cặp:
- Anh Luận, anh có thấy mùi hoa hoàng lan không? Đấy, cây nó kia kìa. Ngửi thấy mùi thơm của nó, em lại nhớ chị Hoài ghê cơ. Chốc nữa em sẽ xin ít hoa đặt lên bàn thờ mẹ và anh cả Tường, chị Hoài dặn thế, anh ạ.
Cùng với tiếng vòi nước chảy xè xè, Luận nghe tiếng nói của Phượng trong mùi thơm dậy nồng nàn của hoa hoàng lan đêm hè.