- Phượng! Cô làm bánh trôi đấy à? Để đấy tớ xem nào. Sao lại xay bột khô, hả đồ khỉ! Lần sau nhớ phải xay bột ướt nhé. Đưa phích nước sôi đây. Pha thêm nước lã vào. Nóng già thôi. Để tớ ngào cho.
Lý xô vào buồng, như một hơi gió, lại như một xoáy lốc bất thình lình, giằng cái xoong bột, đổ nước, thọc tay vào bóp, ngào. Người phụ nữ tươi đẹp này chứa trong mình toàn những dự định bất ngờ với kẻ khác. Sau Tết, tự dưng hai người xa lánh nhau. Chị Hoài về. Lý trơ trẽn giành giật tất cả số gạo, thịt chị mang lên và thấy Phượng đã đi làm được ít ngày thì bóng gió khích bác Phượng là kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Sáng nay chủ nhật, đột nhiên tới, chẳng thanh minh xin lỗi, xắn tay áo chủ động nhập cuộc. Còn bất ngờ gì nữa Lý dành cho Phượng đây?
- Thôi, được rồi đấy. - Lau hai bàn tay ướt, mặt Lý tươi roi rói. - Bột này phải để độ năm tiếng nó mới nở hết. Rồi tớ sẽ bảo cách. Bánh trôi, bánh chay là thứ bánh dễ làm nhất. Còn bây giờ, mặc áo vào, đi với tớ. Phượng. Đi, đi với tớ, Phượng à!
Chuyện gì vậy? Mặt Lý hơn hớn, nhâng nhâng. Tay Lý nắm chặt cổ tay Phượng, kéo lôi. Qua phố. Qua chợ. Mặt trời loe loé sau làn mây đục, toả hơi ấm. Mặt Lý phủ nhẹ một làn hơi mồ hôi. Lý cười toét miệng. “Đi nhanh lên một tí mày. Muộn là hết tim gan đấy”. Trời, thì ra bà ấy kéo Phượng đi ăn bún mọc.
- Ở Hà Nội mà không biết bún mọc thì tẩm lắm. Phượng ạ.
- Nhưng mà…
- Nhưng mà cái gì! Tôi khao!
- Chị có gì mà khao?
- Đã gọi là khao thì hẳn là phải có lí do chứ!
Chưa bao giờ Phượng biết tới món quà cao cấp dành cho những kẻ lắm của nhiều tiền này. Và còn lâu, còn lâu nữa, những người lao động bình thường như Phượng mới biết được những món ăn như cái món bún mọc, tức bún giò sống này. Nhưng, thật không ngờ, nơi bán cái món ăn đắt tiền ấy lại ở trong cái ngõ nhỏ. Và chỉ là một gánh hàng xuềnh xoàng, đặt trên vỉa hè. Cạnh cái cống nước chảy sùng sục. Khách mấy chục con người, chẳng kì quản cảnh quan ngoại cảnh, bâu quanh gánh hàng, ngồi trên ghế dài, ghế ngắn, ngồi cả trên hòn gạch, bệt trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Trước cái gánh là một cái chõng sơ sài, trên chõng: một rá
thịt gà, một chậu tim gan lợn, bát ớt, chai mắm, lọ dấm. Một bên gánh là cái thùng nước dùng lúc nào cũng sôi cuộn, giò sống nặn tròn liên tục thả vào và chìm lên lặn xuống như trong một cái guồng quay. Đặc sắc hơn cả là gã chủ hàng. Tóc uốn điện xoắn tít, mặt trái xoan, môi tô son, vai hẹp, ria mép lún phún. Gã luôn tay bốc bún, múc nấm hương, gia hạt tiêu, rưới hành mỡ, thái tim gan, chan nước giò trước mấy chục cánh tay khách tua tủa chìa tiền. Toàn những giấy năm chục, một trăm mới cứng xoè trong những bàn tay đeo nhẫn mặt ngọc, mặt kim cương. Toàn các ông, bà, các cô cậu béo tốt, phây phây, môi nhờn bóng, quen ăn ngon mặc đẹp và ở nơi công cộng vẫn cứ bộc lộ tính háu ăn và sự thô lỗ.
Lý ôm cái ví, đứng ở ngoài rìa đám khách, mặt vênh vênh, mắt khíp một vệt nhỏ vuốt dài, rồi hất hàm rất quyền thế và thân thuộc:
- Hai ba mươi nhé!
Cái giọng rất đàn chị ấy tưởng như là rơi vào khoảng không, không ngờ được ngay sự tiếp nhận của gã chủ hàng. Gã ngẩng lên nhìn Lý, rạp cái cổ ngỏng vừa hèn hạ vừa thích thú rồi quay ngang, với đám khách hàng nhâu nhâu xung quanh.
- Các bác thông cảm nhé. Bà chị tôi!
Thoáng cái. Lý đã bưng hai bát bún ra. Đỡ một bát, Phượng run cả tay. Trời, bát bún mọc, cái bát sứ dày, nặng, ù ụ một lớp giò sống viên tròn cùng là tim gan lợn thái mỏng nhưng to bản và bún trắng muốt, nuột nà từng sợi, xâm xấp trong làn nước dùng nhoáng nhoàng vàng ánh sao mỡ bám nổi ở rìa bát.
Bát bún sang quá. Chưa bao giờ ăn quà ở chỗ đông người. Cũng không có thói quen ăn quà. Và càng chưa bao giờ Phượng ăn một món quà giá một bát đã bằng gần nửa tháng lương như thế này. Phượng lúng túng quá bên cạnh Lý thản nhiên hết sức. Vừa ngồi xuống, Lý đã ghé môi vào bát:
- À, xuỵt, hôm nay nước của nó khá đấy. Hừ, cũng bõ công. Ăn đi, ông hoàng, bà chúa đến đây cũng thua tớ hết. Mà đã ăn quà là phải ăn hàng quen, ở trong các ngõ ngách phố xá.
Phượng ăn nhỏ nhẻ. Lý và sùm sụp. Loáng cái đã hết nửa bát. Ngẩng lên, gõ đũa canh cách vào cạnh bát, môi Lý cười bóng nhoáng:
- Cậu ăn đi, ăn mừng tớ, Phượng ạ. Đấy, nhân bảo như thần bảo, có sai đâu. Con mụ vợ lão thứ trưởng hay ganh ghét với tớ ấy mà, còn nhớ không, con mụ ấy chết rồi!
- Chết rồi? - Phượng đặt bát bún xuống ghế, hoảng hốt.
Lý cười ngặt nghẽo:
- Không phải chết là chết thật đâu. Có lần tớ đã nói với cậu rồi đấy. Ra cái điều thuyền đua thì lái cũng đua. Như ma lem mà cũng bồ bịch. Vừa rồi dẫn giai vào nhà. Bọn con cái nó rình nó bắt được. Nó thu hết quần áo, bắt hai anh chị trần truồng kí biên bản. Nhục ơi là nhục!
Phượng đặt hai cái đũa lên bát bún còn hơn một nửa tự dưng nghẹn đắng thế nào. Phượng hiền từ, nghe chuyện ấy, vừa kinh sợ, vừa động lòng trắc ẩn. Sao Lý lại ăn mừng? Lý không chịu thua kém ai, Lý phải hơn mọi người là thế ư? Nếu không phải là tai ngược thì đúng là Lý đồng bóng rồi! Mà tiền ở đâu để Lý tiêu hoang như vậy?
Cười khành khạnh, Lý bưng bát bún của Phượng lên:
- Ăn nốt đi chứ! Lại có kén rồi hay sao đấy! Cố mà ăn đi. Ông nhà nước sắp đánh thuế cao lắm, thằng này nó đang định tếch đi nơi khác đấy. Nó mà tếch đi là mất một chỗ ăn ngon. Ăn đi! Tội đếch gì mà bóp mồm bóp miệng!
Phượng bỏ bát bún, đứng dậy, cố giữ lịch sự chứ không thì nôn oẹ ra mất. Đường về, nỗi khó chịu của Phượng mỗi lúc một tăng. Lý ngông ngược hết mức. Đang phởn, Lý bất chấp mọi đạo lí. Chạm phải một bà già, mình trái mà Lý mắng bà té tát, gọi bà là mụ phò. Lý mua rau, mua thịt, đành hanh kẻ cả, như ăn cướp của người ta, người ta đòi, vứt tạch ngay xuống đất. May mà có Phượng sửa chữa những lỗi lầm ấy kịp thời.
Về tới nhà, Lý lăn ra giường đòi uống nước. Uống hết hai cốc nước lọc, Lý chồm dậy: “Để đấy, tao không khiến mày sờ vào”. Một mình Lý xắt đường phên, nặn bánh. Ngón tay Lý véo, nặn, xoay nhoay nhoáy núm bột. Mắt Lý đau đáu cuốn hút. Lý trộn đường, vừng, đậu làm nhân bánh chay. Lý thái dừa nhỏ mướt như sợi miến. Lý kêu: “Hương bưởi đâu, không mua à?” rồi chạy lên buồng lấy một cái lọ nhỏ xuống, mở nắp hương hoa bưởi thơm ngào ngạt cả căn buồng.
Lý thả bánh vào nồi nước đang sôi sùng sục rồi ghé lưng nằm xuống giường, đưa cánh tay lên đè hai con mắt. Chắc Lý mệt, ngủ, Phượng ngó vào nồi nước. Những viên bánh chín nổi lờ đờ. Bỗng Lý chồm dậy, oang oang:
- Phải ba chìm bảy nổi mới vớt được, Phượng. Bánh chay vớt ra phải đổ nước bột đao vào ngay, không là nó vỡ nước, rồi rắc hương bưởi lên.
Nằm ềnh trở lại, Lý ruỗi soạt chân tay, ngáp rồi mở mắt thao láo nhìn trần nhà:
- Phượng biết bà lang Chí chưa? Bà ấy định kết bạn với ông cụ nhà này đấy. Đời bà ấy khổ thật. Ba lần chết chồng. Con không có.
Phượng im lặng. Chưa hiểu ý Lý thế nào? Lý lại quái ác như đối với bà vợ ông thứ trưởng nào đó chăng? Nhưng, chẳng cần Phượng đáp. Lý đã lại chồm dậy, như một kẻ lòng dạ bất an, chân khua khua tìm mãi mới thấy đôi guốc, rồi lại lặng đi hồi lâu, cuối cùng mắt lờ đờ, thở một hơi dài buồn thỉu:
- Này, Phượng, ai ví đời phụ nữ chìm nổi như cái bánh trôi, kể cũng đúng nhỉ! Nghĩ đời chúng mình thật khổ, Phượng ạ. Đàn ông, dẫu sao họ cũng có cái vui của công việc, với bạn bè. Đàn bà, con gái chồng con rồi, chỉ còn có chồng con thôi… thế mà… lắm lúc nản ghê cơ, chẳng thiết sống nữa. Phượng à.
Đột ngột ngừng nói, Lý đứng phắt dậy, như thành một Lý khác, hỏi: Phượng có đi chùa Hương không, rồi đi ra cửa, về buồng.
Phượng còn lại một mình ngẫm nghĩ mãi về những điều Lý đã bộc lộ, và bỗng thấy vừa thương vừa ái ngại vô cùng cho Lý.