Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mùa lá rụng trong vườn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18124 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa lá rụng trong vườn
Ma Văn Kháng

Chương 2

Thiên nhiên đã đến một bước ngoặt.

Hàng me gầy viền hai lề đường bị cái rét gai góc tuốt sạch đến từng vảy lá nhỏ, một chiều áp Tết như triều dâng âm thầm đã đến kì bộc phát bỗng tưng bừng nơi đầu cành, những chấm lộc vàng, li ti như những bóng đèn nhỏ, le lói sáng một góc trời vẫn còn nhiều mây xám. Xuân thiên nhiên gặp gỡ xuân trong lòng người. Sự hài hoà, cộng cảm đem lại vẻ đẹp mới mẻ cho tự nhiên, thổi vào cảnh đời thường nhật tưởng như đã nhàm chán một sự sống non trẻ, một nhịp điệu khác thường.

Hăm ba tháng Chạp ông Táo chầu trời, Lý thắp hương lên bàn thờ, làm mâm cỗ nhỏ, nói đùa: tôi cung tiến chu đáo để ông Táo lên báo cáo với Giời toàn những điều tốt đẹp của gia đình ta nhé! Hăm tư Tết, trời đột ngột tăng độ nóng, đào hoa mãn khai hết, đã tưởng hỏng mất một niềm vui mở đầu 365 ngày dài. Nhưng may hăm bảy Tết, gió mùa về. Gió đem hơi mưa về, giăng màn hư ảo trên khắp các phố phường. Cảnh vật giảm đi độ sáng, nhưng lại thêm nhiều mơ mộng, xôn xao.

Pháo nổ rộ từ chiều hăm tám Tết. Tiếng pháo lọt vào nhà ông Bằng, nghe xa vẳng. Căn nhà xây dựng theo kiến trúc châu Âu cuối thế kỉ trước, vốn nhiều buồng đủ chỗ cho gia đình ông Bằng và bốn năm gia đình khác nữa. Nó nguyên là của một công chức cao cấp người Pháp, nay thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Năm 1970, ở đây xảy ra một vụ hoả hoạn vì chập điện, cứu được có non nửa toà nhà. Bốn năm gia đình kia dọn đi nơi khác. Sở nhà đất dỡ bỏ những khung nhà cháy, thu gọn lại. Nay, căn nhà chỉ gồm có bốn buồng chính. Hai buồng ở phía dưới thì một vốn là buồng của Cừ và Cần, nay dùng làm phòng khách chung, một nữa, nhỏ hẹp hơn là của Luận, giờ có thêm Phượng về ở cùng. Trên gác hai buồng, buồng rộng hơn là của vợ chồng Đông - Lý.

Ông Bằng ở căn buồng nhìn ra mặt đường phố. Buồng có diện tích chừng mười sáu mét vuông, nhưng có một phong thái riêng, giản dị, nghiêm túc và tràn đầy nghị lực.

Cái giường đôi bằng đồng, kiểu cổ, cao lênh khênh kê sát tường được che một tấm màn gió. Cái bàn nhỏ trên có máy chữ, hộp bút, lọ hoa, ảnh kỉ niệm và mấy cuốn sách đang đọc, kê sát cái tủ sách ăm ắp từ điển, sách tra cứu, các cặp hồ sơ lưu giữ, ở kề cái lò sưởi xây. Có đến chục cái ghế đặt rải rác khắp buồng, kể cả cạnh cái bể cá vàng dài một mét để không từ ngày bà Bằng quá cố, để chủ nhân có thể đọc sách, ghi chép bất cứ chỗ nào gặp khi ngẫu hứng.

Thật sự đây là căn buồng làm việc. Cảm giác khiêm nhường, thoải mái tràn ngập hồn người khi bước vào đây. Ánh sáng lọc qua vòm lá nhãn ngả bên cửa sổ, toả vào dịu dàng, dễ chịu. Tất cả đồ vật đều nhỏ nhắn thanh tao, như được tuyển chọn kĩ càng. Không có đồ vật phản ánh bước phát triển tân kì của kĩ thuật điện tử, ngoại trừ cái bếp điện đặt dưới bộ tranh trúc quân tử bốn bức treo song song, kỉ vật vô giá của cha ông. Độc đáo nhất có lẽ là cái máy hát quay tay cổ lỗ, sợi dây cũ kĩ nối liền ông già với thế giới âm thanh. Ông vẫn hay vặn nghe đĩa hát lúc giải lao, và gần như chỉ nghe một bản duy nhất, bản "Vườn khuya" cổ điển.

Căn phòng tuy vậy hơi nặng nề, ít biến động, không có lợi cho trí tưởng tượng bay bổng, nhưng có ích cho tư duy trầm tĩnh, tập trung. Tuổi bảy nhăm, đạt đến phong thái ấy là phải quá rồi. Hơn nữa, chính con người ông Bằng là vậy. Ung dung tự tại, ý chí nghị lực một cách thâm trầm, cốt cách ấy càng cố định sau đoạn trường mấy chục năm đã trải, gieo neo không ít, cơ cực đã nhiều. Đã cùng anh em thợ thuyền xông vào chiếm sở Bưu điện và giương cao lá cờ đỏ sao vàng những ngày tháng Tám năm 1945 ở thành Nam. Đã khảng khái giã từ mọi tiện nghi quen thuộc, mọi mơn trớn vỗ về, vác ba lô đi theo kháng chiến. Đã có lúc bị kẹp giữa các trận càn Xitrông, Măngđarin, Amphibi của giặc. Cơm gạo đỏ, rau tàu bay. Máy bay giặc săn lùng, hút chết ở Yên Bái, Tuyên Quang. Đã có lúc bà Bằng mở quán cà phê, giải khát để kiếm sống. Đã có lúc hai vợ chồng xay lúa giã gạo thuê, kiếm thêm đồng tiền lưng gạo nuôi con, ngoài sinh hoạt phí của người nhân viên bưu điện. Mấy chục năm tiếp xúc va chạm không ít. Bạn tốt lắm, kẻ xấu cũng chẳng hiếm. Lúc thênh thang vui vẻ, khi tủi hổ nhục nhã nếm trải đủ vành. Hành trình trên cõi đời này như thế không còn là ít ỏi năm tháng, nay có thể càng vững dạ củng cố một cốt cách tinh thần riêng: Lấy sự bình ổn, cân bằng làm căn bản, dùng thiện tâm để đối xử, bằng sự giúp ích cho đời để hiện diện. Con cái được nuôi dưỡng trong tinh thần luôn tu rèn bổn phận, thực bất cầu bão, cư bất cầu an, coi trọng đạo lí, rời xa phù phiếm, kết hợp đạo đức cộng sản và tinh hoa của cha ông. Gặp khi trắc trở thì kiên trì, nhẫn nại, không nao núng ngã lòng, bởi hiểu: Có cái thành công của kẻ tiểu nhân, có cái thất bại của người quân tử.

Đời ông Bằng khoảng hai chục năm trở lại gần đây nói chung là yên ổn. Hoà bình lập lại, chuyển sang nghề dạy học từ năm 1955 đến năm 1960, ông được trò quý, bạn yêu. Đổi sang làm báo, ông không thật là tài năng, nhưng chỉn chu, thực sự cầu thị nên được đồng nghiệp trọng nể, tin cậy.

Sóng gió đời ông Bằng chỉ nổi lên vào mấy năm gần đây và hiện tại. Bà Bằng về già, trái tính trái nết mấy năm rồi mất. Bà mất, ông loạng choạng mất thăng bằng. Đau đớn quá! Một đời sống chung ấm êm hoà thuận đến lúc mỗi người sắp mỗi ngả, sắp về với đất, lại sinh ra lủng

củng. Nỗi buồn, nỗi ân hận, thêm cảnh bơ vơ trong bệnh tật, khi tuổi già đơn chiếc, khiến ông đã có những tháng ngày gần như tê liệt. Ông rơi vào trạng thái trầm uất mất nửa năm. Cái máy hát phủ đầy bụi. Nhưng đầu năm ngoái, một hôm, Luận chợt nghe thấy tiếng bản nhạc “Vườn khuya". Anh chạy lên thì thấy ông đang bổ máy chữ. Ông bắt đầu làm việc. Ông vẫn còn khả năng điều chỉnh mình, giữ thăng bằng cho mình.

Luận hiểu cha. Anh hay lên trò chuyện với ông, nhất là những ngày gần đây, khi thằng Cừ bị xí nghiệp truy nã vì tội đào nhiệm. Luận cũng rất muốn học hỏi ở cha - ông là một kho kiến thức cổ. Phần khác, anh lại muốn nâng đỡ ông. Ông đã già yếu, xưa nay rất hiêu hãnh về con cái và nề nếp gia phong, liệu ông có chịu đựng nổi trước cái sự biến ghê gớm - thằng Cừ hư hỏng đến mức bỏ ra nước ngoài không?

Nhưng, Luận cảm thấy cha anh hình như biết được ý định đó của anh. Ông tỏ ra mạnh mẽ hơn là anh tưởng. Một hôm ngồi nghe máy hát, Luận kêu: "Sao ba chỉ nghe độc một bản “Vườn khuya" thế?" và hôm sau mượn của bạn về cho ông một đĩa hát khác.

- Bản gì đó, con?

- Một hành khúc của Vácne, nhạc sĩ thiên tài Đức ạ. Cả đến Hítle nó cũng thích nhạc của ông, ba ạ.

Luận nghĩ, mình buột miệng ở câu nói oan. Quả nhiên, ông Bằng giúi ngay cái đĩa hát mới vào ngực anh, từ chối không nghe. Mấy hôm sau, Luận mới càng hiểu: Không phải cha anh chỉ yêu thích vẻ đẹp cân đối, mực thước, cổ điển. Ông bảo Luận:

- Tiếng Pháp có một câu chứa đựng ý tương tự. Nhưng, ông cha mình nói hay hơn nhiều: "Tố nhân bất khả hữu khinh ngạo thái. Nhiên bất khả vô khinh ngạo cốt". Nghĩa là: Làm người không nên có cái dáng khinh ngạo, nhưng lại không thể không có cái cốt cách khinh ngạo.

Phải chăng ông muốn nói: Ông có cái cốt cách cứng rắn ẩn ở bên trong, đừng có tưởng ông chao đảo, thối chí trước các sự kiện đau lòng trong gia đình. Ông là trúc quân tử, gió bão không thể lay đổ, không thể gãy.

** *

Hăm bảy, hăm tám Tết, ông Bằng vẫn cặm cụi bổ máy chữ. Hay là ông muốn bộc lộ cái cốt cách khinh ngạo thế sự thường tình? Luận nghĩ vui. Nhưng ba mươi Tết, Luận rủ Đông lên buồng cha thì thấy buồng trống không.

Ông Bằng đi đâu?

Ngồi đợi chừng một tiếng, Đông đã sốt ruột muốn rút lui. Luận bảo: "Nán tí nữa. Anh đặt ấm nước đi. Nghe bản nhạc “Vườn khuya” này xong, thế nào cụ cũng về".

Luận quay máy, đặt đĩa. Xè xè vài giây căn buồng liền như bị ru trong một giai điệu êm ả, nhịp nhàng. Và Đông, sao con người có cái đức quý hoá thế, đã ngửa cổ thiu thiu ngủ, khi cái đĩa hát lặp lại âm hình cũ với chút biến tấu nho nhỏ.

Vườn khuya thanh vắng, hoa đứng im, rải bóng mờ

Trời đêm xao xuyến…


Nhưng, sao mà thiêng vậy, bản nhạc vừa hết, đã nghe thấy tiếng ba toong chống lịch kịch ở cầu thang.

- Ba! Ba đi đâu về thế?

Luận chạy ra đón cha. Ông Bằng lụng thụng cái áo pađờsuy dạ, một tay xách đôi giày da cũ mới đánh xi, thở hào hển:

- Ba đi chữa đôi giày, tạt lại thăm cụ giáo Cần có con mới hi sinh trên biên giới. Khổ! Ông cụ uỷ mị quá!

Đông tỉnh, đứng lên, đi lại cái bếp điện. Nước sôi đến độ ba, sóng vỗ dào dạt thành ấm, Luận súc ấm trà. Ông Bằng cởi áo khoác, từ sau tấm màn gió, bước ra, nhấc đôi giày, chặc chặc lưỡi.

- Lâu lắm mới ra phố, thấy nhiều cái lộn xộn quá.

- Cái gì mà ba bảo lộn xộn?

- Trẻ con hư quá. Nó đi xe đạp suýt đâm vào mình, còn quát mình: "Bố già về mổ gà ăn mừng đi nhé!” Hàng quán ăn uống xa phí cũng lắm quá.

Luận gõ ngón tay trên mặt bàn:

- Thành phố hình như đã hình thành một lớp tư sản mới, chúng đang phá phách, khuynh đảo xã hội, ba ạ.

Ông Bằng cúi xuống, xỏ chân vào giày:

- Nguy hiểm nhất là nó làm hư hỏng xã hội về mặt đạo đức. - Chân ấn vào lòng giày, ông già hơi ngẩng lên. - Nhưng, người tốt còn nhiều. Người biết điều hay lẽ phải còn nhiều. Cái nền nhân văn còn vững. Ba cứ nói như việc bà lang Chí chữa mắt cho ba. Hai ngày một bận, bà đến xoa vuốt. Nước không uống. Tiền không lấy. Chỉ vì cái nghĩa xóm giềng. Cái anh thợ giày ở đầu phố cũng vậy. Chữa xong đôi giày, hỏi giá, đáp: Cụ già rồi, làm gì ra tiền, thôi con chữa giúp cụ thôi. Không lấy tiền của cụ, con cũng có nghèo đi đâu.

Đang nói chợt ngừng lời, ông Bằng cúi xuống:

- Luận này, đôi giày của con…

Luận ngọ nguậy những ngón chân trong đôi giày nâu lem luốc, mõm đã đứt chỉ, cười cười.

- Còn đi được, ba ạ.

- Không nên thế, đáng bao nhiêu đâu. Hôm họp tổ hưu vừa rồi, ba thấy, lắm ông xưa chức tước khá, nay hưu trí lại sinh ra thói cẩu thả, ăn mặc rách rưới, bệ rạc quá. Có phải là do khó khăn đâu! Các cụ xưa nói: thế là ỷ lão mãi lão, dựa vào tuổi già, bán cả danh dự của tuổi già. Phải giữ gìn các con ạ. Giữ gìn từ những cái nho nhỏ vì từ những cái nho nhỏ cộng lại, họp thành văn hoá, nền tảng đạo lí đấy.

Ngước lên, mắt ông Bằng lấp lánh tươi vui như phản chiếu cả một trời xuân ngoài kia. Luận hiểu: Tất cả những điều cha vừa nói, dẫu có chút khiên cưỡng, đều toát lên cái thâm ý giáo dục con cái. Và hơn nữa: Cha anh đang nói với chính mình, để tự ổn định mình. Dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại tất cả cái xấu đang tàn phá cuộc sống. Đó là cách ông chủ động tạo sự cân bằng trong cuộc sống của ông. Ông đang có nguy cơ bị chao đảo vì sự kiện thằng Cừ.

Đông bưng chén trà, đặt trước mặt ông Bằng:

- Ba có đi chơi chợ hoa không, ba?

Ông Bằng lắc đầu:

- Mấy hôm nay ba có hứng thú làm việc. Vào tuổi ba, tạo được hứng thú khó lắm.

- Ba đang nghiên cứu vấn đề gì đấy ạ? - Luận hỏi.

- Ba vừa hoàn thành một bài góp vào cuốn "Một trăm năm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam". Bây giờ, nhà xuất bản Ngoại văn lại đặt ba viết một bài về lòng tri ân của người Việt. Ba sở đắc vấn đề này lắm. Ba đã đọc xong một tập thơ về hội đền Hùng. Người Việt mình đẹp lắm, các con ạ. Có lẽ sau Tết, ba sẽ đi mấy hội hè truyền thống, để sống lại cảm xúc về dân tộc, rồi ba mới viết.

Đông chép miệng:

- Ba nên dưỡng sức ba ạ.

- Tất nhiên, nhưng làm việc cũng là một cách dưỡng sức chứ. - Ông Bằng quay lại nhìn Đông, giọng hơi gắt. Đông ngồi cạnh cái bể cá rỗng, lục túi tìm cái díp bằng sácgiơ đạn, đưa lên cái cằm nhẵn thín, tìm sợi râu còn sót.

Luận nghĩ: Làm việc cũng là một phương thức để tự cân bằng để tự ổn định của cụ đây, rồi nhấc ấm trà rót tiếp vào chén ông Bằng:

- Có một đề tài rất có nghĩa vào lúc này, ba nên nghiên cứu ba ạ. - Luận ngừng giây lát. - Gia đình! Gia đình Việt Nam! Một phạm trù quan trọng chứ, ba!

- Gia đình Việt Nam? Ông Bằng hơi bị bất ngờ.

- Vâng. - Luận dằn giọng. - Con cho rằng, người Việt mình có nhiều cái bí ẩn, độc đáo. Gia đình cũng có nhiều cái đáng nói lắm, nhất là lúc này. Về nhân loại thì gia đình đã trải qua các hình thái: Tạp hôn cực kì lang chạ, huyết tộc, punaluan, đối ngẫu, một vợ một chồng. Nghĩa là, gia đình là một yếu tố năng động. Ở nước ta, từ Cách mạng tháng Tám đến nay, gia đình đã biến đổi như thế nào, đáng nghiên cứu lắm chứ, ba?

Lần này thì chính ông Bằng bị anh con trai hấp dẫn vì sự uyên bác của anh ta. Ông nhíu mày, đăm đăm:

- Đúng, đúng. Ba nhớ… danh từ familia, theo tiếng La Mã, thoạt đầu là chỉ toàn người nô lệ thuộc quyền sở hữu của một người nào đó.

Luận đặt cả hai tay lên bàn, mặt ngời vẻ thông minh:

- Con làm báo, đi nhiều nơi, con có nhận xét như thế này: Những năm gần đây, người ta có khuynh hướng trở về quy tụ với gia đình, gia tộc.

- Cái đó là đúng chứ!

- Vâng. Nhưng hình như có một thời kì người ta có ảo tưởng là có thể bỏ qua các quan hệ gia đình, cho rằng nó không quan trọng và đã xong xuôi cả rồi, vì các quan hệ cha con,vợ chồng, anh em… hình như chẳng còn gì phải bàn bạc nữa.

- Ba đọc báo nước ngoài thấy có nhà xã hội học nói: Sau thời đại ti vi, tủ lạnh, con người sẽ đi đến đâu? Phải quay về với các giá trị tinh thần thôi. May dân tộc mình không có vấn đề đó.

Ông cụ lại tự bảo vệ, Luận nghĩ hào hứng tiếp:

- Cái khuynh hướng củng cố gia đình, gia tộc, theo con, nó thể hiện một sự phản ứng, chống lại cái vô đạo lí lúc này đang có nguy cơ trở thành một năng lượng tàn phá. Không hiểu có phải vì không khí tết nhất gợi nhớ không mà con bỗng thấy sao lúc này cái ý nghĩa thiêng liêng của gia đình, tổ tiên lại gia tăng lên đến mức kì lạ thế. Gia đình, hình như đó mới là nơi con người cố thủ để bảo vệ phẩm giá mình. Con thấy thế này: Xã hội đang có bước chuyển. Con người đang đứng trước sự lựa chọn: Trở nên tốt đẹp và có thể phải chịu sự khổ sở về vật chất hay là đểu giả, tàn bạo mà sống sung sướng về mặt vật chất. Ví dụ như ba vừa nói về lũ trẻ con hư, rõ ràng ba muốn mình giữ được tư thế, uy tín, ba phải im lặng, nghĩa là phải hèn đi một tí. Ba có nói đến bọn ăn chơi xa phí. Có bọn đó. Đừng tưởng chúng không quan hệ đến ta. Chúng là số ít, nhưng chúng tấn

công ta, đánh vào từng gia đình ta. Gia đình bây giờ phải là lô cốt cố thủ. Gia đình phải là nơi không có sự chi phối của đồng tiền, ở đó con người sống với những tình cảm thật sự. Ở cơ quan con, ông Tổng biên tập là một chiến sĩ cách mạng lão thành, ông chịu cái đau ghê gớm là khi hoạt động ở trong Nam, vợ ở ngoài Bắc bỏ ông, đi theo một gã lái buôn. Vừa rồi ông tụ họp gia đình làm một cái lễ thượng thọ cho bà cụ lên tám mươi. Tết năm nay, ông làm một cuộc đại tập hợp gia tộc. Hỏi, ông bảo: Để củng cố nền nếp đạo đức.

Luận dừng lại vì thấy ông Bằng đã mấy lần muốn ngắt lời anh. Rõ ràng là ông Bằng muốn nói, ông sợ bị Luận lôi cuốn. Ông sợ bị những thực tế phũ phàng Luận dẫn ra làm ngả nghiêng. Vừa thấy Luận ngừng, ông nói luôn và kì lạ, mắt ông sáng lên, đầy vẻ đắc chí:

- Về việc lễ thượng thọ của bà cụ ông Tổng biên tập, con chưa hiểu Luận à. Cái đó nói lên mặt nhân văn của văn hoá Việt Nam chứ đâu có phải quy về với hủ tục. Đây là nói về mặt con người. Đời người dài dằng dặc. Phải có gì đổi thay, dù là chút ít, nghĩa là phải tăng lên giá trị, để mà vui sống chứ. Người dân thường, người già cả lấy gì làm những cột mốc sung sướng ấy? Lễ thượng thọ đó. Chưa nói dịp đó giáo dục lòng tôn kính cho con cháu. Bí ẩn đó, con! Bí ẩn như cái yêu cầu về con người mà ba đã có lần nói: đừng có cái thái khinh ngạo, nhưng lại cần có cái cốt khinh ngạo mọi sự tầm thường. Còn về gia đình, ba đồng ý với con. Gia đình với hàng nghìn năm tồn tại có cơ sở bền vững lắm. Mỗi gia đình có một nền nếp văn hoá riêng. Ba có làm một công việc gọi là ghi gia phả, đúng hơn là bút kí gia đình. - Ông già chỉ cuốn sổ dày bằng cái gối ở trên bàn. - Tất cả ở đó. Ông nội con, đỗ cử nhân năm nào, nhà cửa sa sút, phẫn chí với cường quyền về ở ẩn, đi móc cua bị rắn cắn chết ngày nào. Tường hi sinh năm nào. Đông cưới vợ, lên chức, đẻ thằng Dư năm nào, có hết cả… Một gia đình có cái bề dày lịch sử trong một xã hội tốt đẹp như bây giờ, thật đáng yên tâm.

Ông Bằng dừng lời, đưa tay chẹn ngực, ngăn một cơn ho. Và hình như áp huyết tăng, ông đưa tay vỗ nhè nhẹ mái đầu nhưng ông cố mở mắt, ông rất muốn nói tiếp. Trong giây phút, Luận thấy thương cha vô cùng. Cha anh đang chống cự lại một cách nhiệt thành những sự thực nghiệt ngã. Ông dùng cái đẹp để lấn át cái xấu, ông cố tình lãng quên cái xấu. Khổ! Vào buổi hoàng hôn của cuộc đời, khi nhận thấy sự sâu sắc cùng cực của nỗi cô đơn, khi nguồn vui duy nhất là tiếp xúc với con người và thấy con cái phương trưởng, ông lại gặp phải những điều đau lòng.

Luận thấy ân hận vì đã dẫn câu chuyện đi quá sâu làm mệt cha. Và nhất là đưa ông tới gần nỗi đau buồn đang ám ảnh ông: Chuyện thằng Cừ hư đốn mà anh và Đông đã thoả thuận sẽ giấu biệt ông, giảm nhẹ đến

mức tối đa tội lỗi của nó, nếu ông hỏi tới. May mà ông cố tình lẩn tránh. Lẩn tránh và tự mình tăng cường đức tin, mặc dầu là có chút gượng gạo. Đông vừa rựt được một cái râu quặp ở dưới cổ, giơ cái díp lên; nhắm một bên mắt, nhận dạng cái râu quái quỷ, rồi khoan khoái xoa cằm, Đông đứng dậy, đi ra cửa sổ.

Dưới đường bỗng đùng đoàng nổ một tràng pháo.

Tìm được cớ để thoát ra khỏi sự lúng túng, Luận bước ra cửa sổ, reo:

- Ôi chà! Đông quá kìa. Ba ra xem trẩy hội, ba! Các bà đi lễ chùa đông không? Xem mọi người sửa soạn Tết mới biết, từ trong sâu xa dân ta còn tàng ẩn một sức sống mãnh liệt lắm.

Ông Bằng qua cơn váng vất, ngẩng dậy, đưa tay xoa mặt:

- Cái Tết còn có sức động viên lớn lắm, con ạ.

- Nhưng, ba ạ, con thấy trong sự vui chơi có pha tạp chút ít màu sắc hưởng lạc thái quá. Ba cứ thử xem mọi người ăn mặc. Có vải nội đâu. Toàn pho Canađa, técgan, sốtxuni…

Ông Bằng trầm tĩnh:

- Có thể là giao lưu thông tin quốc tế mà thu nhận một lối quen tiêu xài các vật phẩm cao cấp trong khi nền kinh tế còn quá thấp kém.

Đông quay vào nhà, bỗng nhiên vằng tay, cau có:

- Tôi cho là ngốc và vô lí hết chỗ nói là cái câu này: No ba ngày Tết, đói ba tháng hè.

Luận lắc đầu:

- Đời người phải có những giây phút hưng phấn, những lúc nghỉ ngơi, từ đó bồi bổ thêm năng lượng để tiếp tục sản xuất ra của cái vật chất chứ.

- Cậu nói như sách, như tiểu thuyết.

- Tiểu thuyết thì có gì là sai. Mà anh có bao giờ đọc tiểu thuyết đâu?

- Tôi chẳng cần đọc. Tôi đã vào sống ra chết, đủ mùi rồi. Văn chương các anh nhạt nhếch so với cái tôi đã biết.

- Không đọc mà lại nói là nhạt thếch. - Luận cười mép. - Cứ sống rồi nghĩ theo những lối mòn sơ lược như thế, nên…

Đang nói, Luận vội ghìm, anh đã chệch sang một chủ đề khác; có lẽ vì ít lâu nay anh đã dự cảm thấy sự bất trắc của đời ông anh anh.

Không hay biết, Đông lại rút cái díp, đặt lên cằm, thản nhiên:

- Đời có gì phức tạp lắm đâu. Anh chỉ hãy vẽ chuyện.

- Đời phức tạp là do nó vốn thế, chứ ai bịa ra được. Còn anh, đời thật đơn giản, cho nên cứ đủng đỉnh ngày ngủ, tối tổ tôm. Giản đơn quá mà. Việc gì phải lo nghĩ cho nó rắc rối.

Lần này thì Luận đã không kìm được mình. Có lẽ vì thái độ vừa kể cả vừa thờ ơ của Đông. Nhưng, Đông không hề phật ý vì cái giọng gay gắt như lên án của Luận, ngả người, cười khì khì thật hồn nhiên:

- Ông ơi, ông đọc sách đã nhiều mà chưa thấy được ý nghĩa câu này: Làm trai mà đánh tổ tôm. Uống chè mạn hảo, ngâm nôm Thuý Kiều. Ông đã biết thế nào là ù chi nhảy chưa? Có người cả đời chơi mà không ù như vậy được ván nào đấy. Úi cha, đang chờ mà bốc được con chi thì sướng phải nhảy lên như điện giật ấy chứ.

Dừng lại, thấy Luận lạnh nhạt, Đông liền hạ giọng:

- Nói thật với cậu: Tôi đã năm chục tuổi đầu, kinh qua việc đời không ít. Giờ, tôi không kiêu đâu. Nhưng tôi coi mọi sự đều đơn giản và tôi tin là tôi không sai lầm được.

- Không sai lầm không có nghĩa là đã đầy đủ.

Luận phắt đầu lại, gần như quát lên.

Đông không tự ái, lại vỗ đùi cười hà hà nhắc lại cái câu cửa miệng muôn thuở: "Đời không phức tạp lắm đâu, ông ơi".

Người bị tác động vì câu nói của Luận lại là ông Bằng. Ông ngơ ngơ hai con mắt. Ông tự hỏi: Ông, bảy mươi nhăm tuổi đã đủ từng trải để xử sự với mọi sự phức tạp của đời sống chưa? Chuyện thằng Cừ đào nhiệm - ông mới biết đến đó và đang cố để tin sự bất hạnh chỉ đến mức đó - lại canh cánh trong lòng ông.

** *

Bấy giờ, ở dưới bếp là hai chị em dâu Lý - Phượng. Hai người đang tít tít nấu nướng, sửa soạn cho bữa cỗ tất niên đêm ba mươi.

Lý như biến đổi thành một người phụ nữ khác, trẻ ra đến hơn chục tuổi, kể từ gương mặt đến âm điệu giọng nói. Trưa nay, lúc Lý đi làm đầu rồi đèo cây quất năm trăm đồng về, nhìn Lý, Phượng đã ngỡ ngàng. Không ngờ kiểu uốn điện sìtôn làm cho mái tóc cũn cỡn và như là xơ xác, lại hợp với mái đầu và khuôn mặt Lý thế. Mặt Lý tròn, hồng nõn như vừa bóc đi lớp da quen nắng gió mọi ngày. Đôi môi cũng khác, như môi của ai đó, nho nhỏ, cong nhẹ ở mép trên và ở làn môi dưới, nét son như là quá tay, tạo nên một vẻ trẻ trung, hờn dỗi rất thơ ngây. Cặp gò má cao được san đều vì phía dưới má ửng lên một sắc hồng đậm và hai con mắt lá răm

vốn sắc, nhóng nhánh sáng, đong đưa một cái nhìn vừa vui tươi vừa lẳng. Cái mũi, nguyên cái mũi thì dường như vẫn vậy, hớt lên một chút, tạo nên một điểm sáng tinh thần: sự thanh tao hơi có chút cao ngạo. Gương mặt đẹp, phản chiến rất rõ niềm hưng phấn của Lý, sự tự ý thức về ưu thế bẩm sinh của mình. Và, thấp thoáng sự phô trương tình tứ muốn làm vừa lòng một người nào đó.

Chính Lý, với gương mặt ấy, khi nhận ra vẻ thán phục trong con mắt nhìn của Phượng, cũng có chút bối rối. Chị hổn hển, tiếng nọ lấp tiếng kia:

- Có trẻ quá không, Phượng? Mình sợ không hợp với tuổi tác, công việc. Nhưng mà, có lẽ tại cái dáng của mình. Đấy hồi thằng Dư học lớp mười, mình đưa nó đến cơ quan, ai cũng bảo là hai chị em. Khi nãy, vừa ở hiệu làm đầu ra, gặp luôn hai thằng mất dạy đi xe đạp: “Em ơi, có đi với các anh không?” Chúng vẫy tay, nheo mắt. Tiên sư bố đồ oe con, con tao còn đáng tuổi anh chúng mày đấy!

Phượng lắc đầu, không rất hợp với chị, chị Lý ạ. Đứng cạnh Lý rực rỡ, Phượng thấy mình như xám nhờ đi. Cái cảm giác nhợt nhạt về mình khiến sự tiếp xúc lại trở nên e dè, nhất là Phượng còn bị ám ảnh về những lời tâm sự bức bối của Lý buổi chiều qua, cô hiểu: Con người này không phải là con người bình thường.

Nhưng tiên cảm và thiên kiến ban đầu lại lập tức phai mờ. Cảm tính, dễ xúc động, chỉ lát sau Phượng đã bị Lý lôi cuốn.

Căn bếp nhỏ náo động trong một nếp trật tự đến kì lạ. Từ trước tới nay, mình Lý lo toan việc cơm nước cho cả nhà. Ông Bằng và Luận từ ngày chuyển ngành về làm báo ở thành phố, ăn cơm chung với gia đình Lý. Lý quán xuyến mọi việc chi tiêu trong cái gia đình lớn này. Bà quản gia thật là một người có tài nội trợ, gia chánh, nữ công. Và bây giờ, bà om sòm, vui vẻ sai phái, cắt đặt, thúc giục và cùng làm mọi việc với Phượng. Căn bếp xếp sắp vốn đã gọn gàng, đồ nào thứ nấy, không thiếu thốn, chắp vá. Dao to, dao nhỏ, hơn chục con đã thuê mài tinh tươm từ nửa tháng nay. Thịt gà luộc chặt dao pha lưỡi sáng rợn, nhát nào đứt nhát ấy, thẳng như kẻ chỉ. Hạt tiêu, hành mỡ, cà ri, húng lìu, mì chính, bột canh, nước mắm các loại đã sẵn sàng. Và các món xào, nấu, hầm, luộc, rán, quay… theo một thứ tự đã định, lần lượt hiện ra trên hai cái mâm đồng đánh sáng choang, với những bát đĩa sứ Giang Tây trắng bong, viền chỉ vàng, cao quý như những đồ mĩ nghệ. Những thứ ấy bà Bằng để lại, Lý thu vén cất giữ ở cái kho nhỏ trên gác, cạnh buồng mình, cái kho chỉ Lý có chìa khoá.

Một bàn tay tháo vát, chăm chỉ và hết sức khéo léo đã chăm sóc cái gia đình có ba người đàn ông bẩm sinh vốn phóng tâm coi nhẹ và xa rời chuyện cơm nước này. Bàn tay đó có ai khác là Lý?

Chính Phượng bị Lý thu hút mãnh liệt. Chưa ở đâu Lý hiện lên đẹp toàn vẹn như ở công việc này. Chị thực hiện cái thiên chức cao quý của mình với một sự say mê vô cùng, tận tuỵ vô cùng. Không một dấu vết của sự cẩu thả, tắc trách. Không một chi tiết tuỳ tiện, được chăng hay chớ. Tất cả đều phải đạt tới đỉnh điểm của yêu cầu, không một mảy may nhân nhượng, kể từ cái màu trắng ngọc ngà quý phái của lòng bát đĩa đến cách bày tầng tầng lớp lớp và cách thả những cánh rau thơm. Lý trút vào công việc tất cả sự sung sướng và kiêu hãnh vì được bộc lộ mình. Mọi việc, dù to dù nhỏ, cũng đều hút hồn chị. Và những gì gọi là vật chất cụ thể, đã biểu hiện ra, nhờ bàn tay chị động vào, nhờ con mắt chị soi tới, nhờ ánh tâm hồn chị chiếu xuống, đều óng ánh một linh hồn sống động. Con người này hoà quyện toàn năng với công việc, hoá thân vào công việc, dù là công việc bếp núc. Con người này tạo ra xung quanh mình một lực lôi kéo và một trường hấp dẫn đến mê mẩn.

Người phụ nữ này dễ thương biết bao. Người phụ nữ này đáng yêu, đáng quý biết bao, và ngay lúc này, ở công việc bình bình thường này, Phượng có cảm giác vừa rõ rệt vừa mê đắm như thế, cảm giác này sẽ theo đuổi Phượng, thành một khắc khoải khôn nguôi, cả những năm tháng dài tiếp nối sau này nữa.

Hai người phụ nữ mê mải cho ra đời các món ăn, đến nỗi quên cả chuyện trò. Tới lúc Phượng nhìn Lý nhồi hạt sen vào bụng con vịt mổ moi, để làm món vịt tần, không dừng được, thốt lên lời khen, Lý mới đáp:

- Mình có học trường lớp khỉ nào đâu. Dọn về ở chung với ông cụ bà cụ nhà này hôm trước, hôm sau đâm đầu vào bếp luôn. Dạo đó, bà Hoài, vợ ông cả Tường mới về quê tái giá. Ông Tường đi B năm 1959, hi sinh ngay năm đó. Nghe các cụ nói bà Hoài gái quê rất ngoan nết, rất đảm. Tớ đảm nhận bữa cỗ một mình, đủ hết cả các món. Hai cụ ăn, gật gù, chịu con bé sành. Còn thế nào nữa cậu biết không, lấy ông Đông được hai năm, xin vào làm nhân viên của hàng ăn mậu dịch, họ thử tay nghề xong là nhận liền.

- Bà cụ chị dạy chị từ hồi còn bé à?

- Làm gì có ai dạy! Mình mồ côi bố mẹ từ lúc chưa đầy mười tuổi. Mười ba tuổi được ông chú bà thím có cửa hiệu ở Hà Nội thương tình đem lên thành phố cho ăn học và dạy nghề may cho. Quê ở Phủ Lý, nhưng mình là nữ sinh Hà Nội đấy, cô mình ạ. Nhưng, mình chỉ học hết lớp ba thôi. Dạo đó, cạnh nhà có một chị nữ sinh Đồng Khánh thân với mình lắm. Chị này lấy một ông quan ba tàu bay nguỵ. Ôi trời, hai vợ chồng ăn diện ngất trời. Chị vợ nấu nướng tài ba không chê được. Mình hay sang chơi, học lỏm chị ta mọi cách nấu nướng.

Lý nhấp nhổm, lát sau với tay lấy cái làn cói treo ở tường, kéo ra một khúc giò chắc nịch còn bọc lá, dài hơn gang tay. Một lần nữa,

Phượng lại kinh ngạc về sự chi tiêu của Lý. Một lần nữa, Lý lại cười thương hại cô em dâu chồng:

- Đúng là chồng nào vợ ấy. Cái lão Luận nhà cô cũng vậy, tiêu cái gì cũng kêu: Chết, thế thì hết nửa, hết một phần ba tháng lương còn gì.

- Nhưng…

- Tôi nói cho cô hay. Không cần thì một xu cũng không bỏ qua. Cần thì bạc nghìn cũng quăng. Chuyện cây quất năm trăm đồng tôi kể cho cô nghe một phần rồi. Cái chính là tôi chiều ý cụ. Nhưng, tôi cũng muốn chơi cho con mụ ấy một vố. Vợ Thứ trưởng thì đã là cái gì? Con gái thì xấu như ma, y sì mẹ, mà cứ đòi yêu thằng Dư con tôi. Tôi lờ đi, không cho gặp. Mụ ấy cay với tôi lắm. Ghen với tôi đủ thứ. Voi đú chuột chù cũng đú. Cũng son phấn, cũng mốt nọ kiểu kia, cũng bồ bịch như ai. Rồi thế nào con mụ này cũng chết. Đi đêm thế nào mà chẳng có lúc gặp ma. Để cô xem tôi nói có đúng không nhé. Lại còn thế này nữa chứ. Thấy tôi mua cây quất to hơn, đẹp hơn, cay như ớt, lại lên giọng đạo đức “Lý này, cậu tiêu pha, sắm sửa thế nào, chứ không chị em người ta dị nghị đấy!”. Tớ điên lên độp cho một câu: “Chị ạ, trạng chết thì chúa cũng băng hà, em đâu có sợ, chị”.

Lý cười, cắt khoanh giò, xắt hình nan hoa đặt lên hai cái đĩa men, sắp vào mâm, đứng dậy bẻ lưng rồi ngồi xuống bóc tỏi cùng Phượng.

- Nói đến cái chết lại nhớ… A, hồi B52 nó đánh Hà Nội cậu ở trên Lào Cai à? Tớ lúc đó làm ở Công ty ăn uống thành phố. Úi giời, lần đầu tiên thấy người chết, ai mà chẳng rụng rời cả chân tay. Nhưng Phượng ạ, hình như lúc ấy bom đạn rầm rầm nó kích thích hay sao ấy mà chẳng còn biết sợ tẹo nào cả! Tớ đẩy cả xe bánh ra trận địa pháo. Cái hôm nó đánh đúng trận địa, nói cậu lại bảo bịa, đúng là phải đi nhặt từng mảnh thịt người, rửa nước cho sạch, rồi cho vào túi nilông chôn. Thật đấy, vừa làm tớ vừa khóc, vì thương các anh bộ đội quá, Phượng ạ.

Lý ngước lên, chớp chớp rồi hai con mắt mở to, đen láy, chân tình. Phượng cảm động:

- Sau chị chuyển về xí nghiệp hiện giờ à?

- Còn lâu. - Lý nghiêng đầu, cọ mái tóc vào bờ vai tròn gãi ngứa. - Để tớ kể nốt chuyện chết chóc đã. Chính tớ suýt chết một lần rồi đấy.

- Chị bị thương à?

- Đâu có! Tại cái lão thợ mộc cột nhà cháy kia kìa. Lão có một thằng con rất mất dạy, chính nó lôi kéo thằng Cừ nhà này. Thằng Cừ vốn đã hư, lại được thằng kia dạy ăn chơi, bia bọt, hút xách, hỗn láo. Con lão trèo cây sang hái trộm nhãn và ăn cắp của mình cái khăn voan. Mình xồng xộc sang, định bắt quả tang. Đang đứng chửi thì cha mẹ ơi, cái gì nó

ngoạp vào bọng chân mình mà nhói một cái thế này! Quay lại thì, ối giời… con chó lông xù, mắt đỏ như hai hòn than. Chó dại! Đang mùa chó dại. Chết tôi rồi. Tớ mới chạy về nhà. Vừa chạy vừa kêu. Lão Đông quát: Làm cái gì mà ầm ĩ lên thế! Chết ngay được đâu! Thật tớ còn oán lão đến già. Được cái, Luận nhà cậu là anh nhanh nhẹn, hắn mới dìu tớ ra cổng, gọi xích lô, đưa tớ lên cơ sở phòng dịch họ tiêm cho bảy ngày liền. Thật là hết cả hồn!

Phượng cười thành tiếng cùng Lý. Bà Lý này ngộ thật, bà lại ghé sát tai Phượng:

- Luận nhà cậu tình cảm ra phết. Ngồi trên xế lô mình cứ rên hờ hờ: "Tôi chết mất, chú Luận ơi!", thế mà hắn cũng xanh xám cả mặt mày, và rơm rớm nước mắt. Luận nhà cậu tốt, chỉ phải cái không thực tế với hoàn cảnh xã hội bây giờ. Hôm nọ, hắn hỏi mình: "Chị Lý sao không học bổ túc văn hoá nhỉ? Chị thông minh, học chắc chắn là đến đầu đến đũa được đấy”. Ôi giời thời buổi này, tiến sĩ giáo sư thì cũng phải ngày hai bữa lo ăn, sinh viên thì có đứa bạc mặt vì chạy việc. Học mà làm gì! Cái lão Đông nhà tớ thì việc gì cũng chàng màng, chẳng sốt sắng gì hết. Mà cậu này. Kể cả ông cụ. Chưa thấy cái nhà nào cổ hủ như cái nhà này. Chỉ thịnh đạo lí, sách vở… Thế thì suốt đời đói nghèo là phải. Này, nhưng ông anh chồng cô cũng biết ghen ra trò đấy.

Lý cúi xuống, cái cằm nõn như tì trên làn xương quai xanh trắng ngần, cười nhỏn nhẻn:

- Kể cho mà nghe. Một hôm đang ngồi đan bỗng thấy lão ta thở dài đánh phượt một cái. Hỏi. Lão im. Gặng mãi lão ta mới buông một câu: "Biết thế này lấy cô vợ đui, què, mẻ, sứt cho xong!" Thì ra anh chàng ghen. Ghen với cái thằng trưởng phòng vật tư hồi trước sáng nào cũng đi xe máy qua đèo mình đến xí nghiệp. Khốn nạn, cái thằng cổ châu Á, má châu Phi, răng Thổ Nhĩ Kỳ, dáng đi Ả rập. Tớ nghĩ thế, im re. Một tháng liền tớ mặc cái quần lụa bạc và đánh cái áo nhuộm pin đèn hồi chiến tranh hay mặc. Một hôm lão hỏi: "Áo trắng đâu sao không mặc?”. Tớ đáp: “Mặc thế không sợ người ta cướp mất vợ anh. Vợ anh đẹp như cái tép kho tương. Kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh”. Lão tủm tỉm cười. Hết cơn! Dạo đó, lão chưa về hưu!

Lý ngẩng lên, mắt liến láo đảo quanh, rồi cúi xuống.

- Thật ra, cái lão trưởng phòng vật tư ấy mà, chỉ phải cái dại gái. Xấu khổ xấu sở mà lại si tình! Nói riêng với cậu nhé. Tiền nong ăn tiêu thế này phần chính là dấn vốn của tớ cũ và tiết kiệm của ông Đông, nhưng cũng còn phần nữa là tớ vay của hắn ta.

- Chết, chị đừng nên thế!

Phượng thốt kêu. Lý lắc đầu lia lịa:

- Đừng lo! Với lại hắn ta giàu lắm. Này, thằng cha kì lắm cơ. Một lần lên phòng lão chơi, đang ngồi, bỗng “bịch” một cái sau lưng. Thì ra một cái ba lô ở gác xép rơi xuống. Mở ra, toàn vé xổ số. Lão ham chơi xổ số lắm. Mà số đỏ, trúng bạc nghìn luôn xoành xoạch.

Lúc ấy đã ngả chiều. Hai mâm cỗ đã sắp sẵn, chỉ còn hai bếp dầu đang đun nồi mọc, nồi vây. Hai người phụ nữ đang lau bát đĩa, bỗng cùng ngẩng lên. Luận đứng ở cửa bếp từ lúc nào, đang hít hà vui vẻ:

- Chốc nữa được ăn cỗ của chị Lý thật bằng ăn yến của vua rồi. Nấu ăn ngon nhất Hà Nội này là chị đấy, chị Lý à.

Lý đặt chồng bát xuống mâm, cười tung toá:

- Thật là chẳng được miếng thịt miếng xôi, cũng được lời nói cho tôi bằng lòng. Gớm, nghe mà mát cả ruột. Ông Đông nhà cậu không bao giờ nói nổi một góc câu của cậu đâu. Đến gọi mình ông ấy cũng có bao giờ gọi là em đâu. Có lúc còn gọi là mẹ thằng Dư nữa kia! Quê quá xá. Này, nhưng cậu Luận, không phải nịnh. Đi bóc tỏi!

Phượng bật cười. Luận đứng ngay đơ:

- Nói thật lòng mà chị bảo là nịnh. Phải nói là chị tài thật. Món gì chị làm cũng ngon. Như cái món dưa muối khô, phải nói là rất tuyệt. Nhưng, chị Lý ạ, em sợ nhất là mùi tỏi.

- Rõ thật khẩu thiệt đãi can qua chưa! Thế thì đi rửa rau sống. Phượng rang ít lạc, chốc nữa cho hai anh em nhà hắn vừa nhắm rượu vừa đấu hót cho mà nghe.

- Chị Lý ạ, chị chiếu cố cho, tay em bị nẻ…

- Õng xương nó vừa vừa chứ!

Lý nguýt ông em chồng, cười khanh khách, nhấc rổ rau đi đến cạnh Luận:

- Này, chú Luận, mấy ông con bàn chuyện gì từ trưa tới giờ thế?

- Tào lao ấy mà.

- Này, tôi bảo. Ông cụ đang có lộc, có khước, cứ nói thẳng cho ông cụ biết chuyện thằng Cừ trốn ra nước ngoài, việc gì phải giấu.

Luận lúng túng:

- Chị bảo cụ có lộc, có khước…

- Này, - Mắt Lý loé sáng ranh mãnh, - có biết sáng cụ đi chữa giày rồi đến nhà ai không? Bà Chí lang vườn! Các cụ hẹn nhau sau Tết đi chơi hội đấy. - Lý chợt nghiêm mặt, đổi giọng. - Còn việc nữa, chú phải nói với cụ ngay đi. Tôi không có đóng vai dâu trưởng ngày Tết dắt díu nhau về làng đâu nhé. Dâu trưởng là bà Hoài. Ước gì bà ấy hiện ra ngay đây lúc này nhỉ!

Trong bếp, Phượng nhìn ra, bỗng nhiên lặp lại ý của Lý:

- Ừ, ước gì chị Hoài hiện ra ngay trước cổng bây giờ nhỉ. Anh Luận à, lâu lắm rồi em chưa được gặp chị ấy đấy. Giờ mà chị Hoài lên đây ăn Tết thì hay quá anh nhỉ?

* * *

Cầu được, ước thấy. Người phụ nữ mà Lý và Phượng cùng ao ước hiện ra, thật như đã hiện ra ngay trước cổng nhà, vào đúng lúc cả nhà đang tíu tít vào buổi cúng tất niên chiều ba mươi Tết.

Nghe tiếng chuông điện, Phượng chạy ra cửa. Trước hai cánh cổng sắt là một phụ nữ nông thôn trạc năm mươi, người thon gọn trong cái áo bông trần hạt lựu. Chiếc khăn len nâu thắt ôm một khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi. Người phụ nữ đó đeo một cái tay nải nặng, dáng vừa đi bộ từ ga xe lửa về, không có cái vẻ ngác ngơ lạ lẫm, nhưng hai con mắt in đậm nỗi bồi hồi.

Phượng kéo cánh cửa sắt, dặt dè:

- Bác… bác hỏi ai ạ? A, có phải bác là… là chị Hoài không ạ?

- Cô Phượng đấy như?

Phượng quay ngoắt về sau, reo to:

- Chị Hoài! Chị Hoài lên, anh Đông, chị Lý, anh Luận ơi!

Sự việc diễn ra quá ư đột ngột! Đông, Lý, Luận hấp tấp từ phòng khách ùa ra vệt đường lát xi măng đi qua vườn cây ra cổng, nhìn thấy chị Hoài thật rồi mà vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác, nửa tin nửa ngờ. Chị Hoài lên! Lên đúng chiều ba mươi Tết! Thật ngoài sức tưởng tượng! Trong tâm ức vẫn là có hình bóng chị Hoài, chị Hoài, vợ anh cả Tường liệt sĩ. Chị Hoài, dâu trưởng, nết na, thuỳ mị. Trong tiềm thức vẫn sống động một chị Hoài đẹp người, đẹp nết. Nhưng bây giờ chị Hoài đã có một gia đình riêng với những quan hệ riêng, lo toan riêng, nên vẫn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị ấy, mà lại không dám, không nỡ níu kéo chị về mình. Quan hệ của chị ở đây đẹp nhưng buồn. Chị có quyền quên mà không ai được trách cứ. Vậy mà, vậy mà lúc này trước cánh cổng lại là chị.

Phượng sôi nổi, nồng hậu:

- Em mừng quá, chị Hoài ơi. Để em xách tay nải cho.

Lý ôm chầm người phụ nữ đã một thời là dâu trưởng, nức nở:

- Đúng là có linh tính nhé. Chị xem lời em nói có thiêng không? Em vừa nói: Ước gì chị Hoài hiện ra bây giờ nhỉ!

- Hơn chục năm nay chị Hoài chưa lên Hà Nội rồi đấy. - Luận nói.

Chị Hoài tươi tỉnh:

- Làm gì! Đám cưới chú và cô Phượng chị còn lên dự cơ mà. Mới có chín năm thôi. Bận quá. Nhà nông chẳng bao giờ hết việc. Ông đâu?

Luận ra vẻ thành thạo:

- Tháng này đã cấy đâu chị? Ông ở trên nhà, có lẽ sắp xuống đấy.

- Dưng mà còn dỡ khoai tây. Còn họp Đại hội. Định đi từ sớm kia, mà công kia việc nọ cứ dồn tới.

Trong phòng khách đã bày cỗ cúng. Đông súc ấm pha trà, Lý sà xuống tay nải cùng chị Hoài.

- Chẳng mang được cái gì lên đâu. - Chị Hoài xởi lởi. - Cái Ngoan, thằng Tùng cứ nhét vào, rồi giục: Mẹ đi đi, không ông buồn, các chú, các cô mong! Đây là gạo nếp tăng sản của nhà. Cái giò thủ anh ấy gói đây. Ông thích ăn giò thủ lắm đấy, cô Lý ạ. Còn bọc này là sắn dây. Trẻ con nó giã, nó rây đấy. À cái giống mướp hương này thơm ngon mà to quả lắm. Cô Phượng cất đi mà gieo. Gieo đêm nay là tốt nhất đấy. Ở nhà, trồng bờ ao, có quả hai cân bảy kia. Ờ, cho nó leo bờ tường. À, ông thợ mộc còn đấy không? Mấy con rồi? Chú Đông tóc bạc nhưng vẫn khoẻ nhỉ! Cháu Dư có hay gửi thư về không? Cô Lý trông không nhận ra được nữa. Trẻ như gái mười tám ấy!

Lý tít mắt, hai má hây hẩy:

- Ông Đông sắp thành ông Di Lặc rồi, chị ạ. Còn em, bệnh đấy chị ơi…

Cầu thang có tiếng ba toong chống lịch kịch. Phượng và Luận chạy ra chân cầu thang.

Ông Bằng đã xuống hết bậc. Đã đến lúc phải xuống để cúng, cũng là lúc ông nghe thấy xôn xao tin chị Hoài lên. Ông cố đi cho ngay ngắn. Trông ông cao, gầy hơn mọi ngày, nhưng trang trọng, chỉnh tề hơn, mặc dầu vẫn là bộ comlê đen, kẻ sọc mờ, cài khuy chéo. Có lẽ do gương mặt ông ánh lên cái cảm xúc của con người trước ngưỡng cửa của năm mới, do con mắt đã qua khỏi căn bệnh, sáng dậy, át đi vẻ già nua, tàn lụi và nỗi ưu tư còn ghi vết ở trên trán, và nếp da xệ ở hai bên cằm.

Ông sững lại khi nhìn thấy Hoài, mặt thoáng một chút ngơ ngẩn. Rồi mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc oà.

Hoài gần như không chủ động được mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa.

- Ông!

Người phụ nữ thốt lên một tiếng như tiếng nấc. Và giọng ông Bằng bỗng khê đặc, khàn rè:

- Hoài đấy ư, con?

Phượng quay mặt đi, mắt ngấn lệ không nỡ nhìn cảnh gặp gỡ, không nỡ thấy đôi gót chân nứt nẻ của chị Hoài, ngực dội lên những cơn sóng nghẹn ngào và hai cánh mũi se se cay. Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một nỗi tiếc thương, đau buồn, ê nhức cả tim gan.

Ông Bằng nén xúc động, rút khăn tay, chấm kẽ mắt:

- Anh ấy và các cháu vẫn khoẻ cả chứ, con?

- Thưa ông, bốn cháu của con nhờ trời vẫn khoẻ mạnh cả. Cháu đầu đi bộ đội đóng ở biên giới Hà Tuyên vừa rồi hết nghĩa vụ, về xã tham gia sản xuất. Cháu thứ hai học lớp mười. Cháu gái thứ ba học lớp tám. Cháu trai út học lớp sáu. Nhà con, cảm ơn ông, vẫn được bình thường. Anh ấy giờ tham gia uỷ ban xã. Lẽ ra, anh ấy thu xếp công việc được cũng lên kính thăm ông dịp này. Cả các cháu nữa, bốn đứa, đứa nào cũng đòi đi. Nhất là thằng lớn, nó cứ bảo mấy lần nó qua Hà Nội mà chưa được vào nhà thăm ông, lần này rỗi rãi nó phải đi…

Câu chuyện của người phụ nữ nông thôn có cái vẻ kề cà đã đưa cuộc gặp gỡ ra khỏi những chấn động tình cảm bất thường. Và Lý đã hí húi xếp xong mâm cúng, nhảy từ cái ghế đẩu xuống, xoa xoa hai bàn tay rất ý tứ trước ông Bằng:

- Ông ạ, con đề nghị thế này, hàn huyên còn nhiều chuyện, để lát nữa tha hồ. Giờ, mời ông lại khấn cho lễ cúng gia tiên bắt đầu ạ.

Mọi người dạt ra, để trống một khoảng rộng trước bàn thờ. Ông Bằng soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cái cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước mặt bàn thờ.

Hương cháy, uốn cong một đoạn tàn, bốc toả một làn khói ảo mờ. Hai cái bánh chưng bọc lá xanh tươi, buộc lạt điều, xếp cạnh mâm ngũ quả và những chén rượu xinh xắn đặt rải hàng ngang trước bệ thờ. Ngọn đèn dầu lim dim in cái chấm vàng vào dãy khung ảnh đặt sát tường. ảnh song thân ở chính giữa; bên trái, ảnh bà Bằng mặt hoa da phấn, tóc vấn khăn nhung, phía trái, ảnh anh cả Tường áo trấn thủ ô quả trám, mũ calô nghiêng, nét trắng đen đã phôi pha.

Ngước mái đầu hói, riềm tóc lơ thơ đã bạc hết, ông Bằng chắp hai tay trước ngực. Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ. Thoáng cái, ông Bằng như quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái ảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoà, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao. Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn văng vẳng nghe đâu đây lời giáo huấn của ông cha, tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương. Và em, cùng con trai cả của ba mẹ. Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng dắt dìu tôi cùng các cháu, các con, các em…

Trong giây lát, nhập vào dòng xúc động tri ân tiên tổ và những người đã khuất, ông Bằng lâng lâng trong những hoài niệm hư ảo, thoát trần. Nhưng, quá khứ không cắt rời với hiện tại, tổ tiên không tách rời với con cháu, tất cả liên kết thành một dòng mạch bền chặt thuỷ chung, bởi vậy, chỉ lát sau trở về với những người đang sống và khoảng khắc hiện tại, mắt ông bỗng cay xè. Ông vội cúi xuống, lật bật những lời cầu khấn thành kính và run rẩy:

- Hôm nay, ngày ba mươi tháng Chạp năm Bính Tuất, buổi tất niên, con cùng các nam tử, nữ tử, tôn tử…

Dõi theo lời cha, Luận bỗng bấm tay Đông. Mặt Luận biến sắc. Rõ ràng là khi kể tên các con trai, ông cụ đã bỏ qua tên thằng Cừ. Lý ngọ nguậy không yên, lát sau, ghé tai chị Hoài, hí hửng: "Chị ơi, em biết khấn đúng bài kinh nhà Phật cơ".

Mắt chị Hoài đăm đắm ngước lên bàn thờ. Và khi ông Bằng vừa buông tay chắp, rút mùi xoa lau mắt, lui ra, chị liền thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực.

* * *

Thật là một mâm cỗ quá ư thịnh soạn vào cái thời buổi đất nước còn rất nhiều khó khăn sau hơn ba mươi năm chiến tranh và so với đồng lương có hạn của cán bộ, công nhân viên chức lúc này.

Tràn trề trên mặt bàn, chạm cả vào cành quất Lý cố tình để sát vào mâm cỗ cho bữa ăn thêm đẹp, thêm sang, là la liệt bát đĩa ngồn ngộn các món ăn. Ngoài các món thường thấy ở cỗ Tết như gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt bò… - món nào

cũng mang dấu ấn tài hoa của người chế biến - là các món khác thường như gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả chìa, mọc, vây…

Đặc sản nhất, mà có lẽ Lý muốn bộc lộ khiếu năng, cùng tấm lòng mình nhiều nhất ở đó, là các món vịt tần, vây và mọc, nhất là món mọc. Chị đã rất tỉ mỉ và kĩ tính hết sức khi chế biến món này. Miếng thăn được chon lựa, giã thật nhuyễn nhừ thay cho giò sống được chính tay chị trộn với mộc nhĩ, nấm hương, rồi nặn thành từng viên tròn trĩnh. Nồi nước dùng đảm bảo phải trong veo. Và chính tay chị vớt, chia đều ra từng bát nhỏ.

Mọi người vào mâm, hân hoan khác thường.

Hàng bên kia là ba chị em dâu. Phượng vẫn giản dị. Cũng không có gì hơn là cái áo budông simili màu cỏ úa và cái khăn nilông màu cà phê sữa. Chị Hoài cởi bỏ cái khăn. Hoá ra chị búi tóc, trông như một bà má miền Nam và rất thành thị. Nổi bật vẫn là Lý. Lý lộng lẫy trước hết nhờ ấn tượng của trang phục, cái áo bay Đức màu hạt dẻ có mũ buông ở phía sau, đồng màu, với cái quần may ống vảy đúng mốt đang thịnh hành. Chị rất hài lòng về tài tổ chức và sự bật nổi về hình thức của mình. Dưới ánh đèn nêông, tất cả những đường nét trên gương mặt chị, tất cả màu sắc và kiểu cách, đều bộc lộ hết vẻ đẹp tới độ cần thiết và gây một ấn tượng tâm lí mạnh mẽ với mọi người. Lý đẹp và sang như một diễn viên trên sân khấu; chị toả ra xung quanh một không khí thơm tho, hơi đài các, nhưng đáng yêu.

Hào hứng, sáng tươi nữa là Luận. Dong dỏng, thanh nhẹ trong bộ comlê tím than tuy cũ nhưng vừa giặt là cẩn thận, Luận có cái dáng thanh nhã của đàn ông thành phố. Buồn hơn cả vẫn là Đông, một thái cực đối lập với vợ. Đông không chịu sự chi phối của ngoại cảnh. Ngồi cạnh ông Bằng, Đông vẫn bộ quần áo bộ đội mùa đông kín cổ, nhàu nhàu màu cỏ úa.

Ông Bằng đưa mắt qua tất cả các con trai, con dâu, lên tiếng trước tiên, ông muốn giữ thế chủ động:

- Hôm nay, ba rất vui. Nhưng, có một điều ba thấy chưa thật hài lòng. Đó là cây quất. Lý mua bao nhiêu? Những năm trăm… Tốn kém quá!

Mọi người đổ xô nhìn vào cây quất vòm bồng nở, trĩu trịt quả đang rung rinh. Phượng đưa mắt nhìn Lý vừa lo lo vừa muốn chia sẻ. Nhưng, Lý đã nhanh nhảu:

- Thưa ông, ông tha lỗi cho con đã không xin phép ông trước. Thật tình thì con muốn nhân dịp vui sum họp này, có một cây cảnh tặng ông. Vả lại, hoa vô giá, cá vô ngần ông ạ.

Luận cười rất tươi, đế thêm:

- Thôi, Tết nhất ông cũng phải cho phá luật một tí chứ ạ.

À lên một hồi cười tán thưởng. Ông Bằng gật gật đầu:

- Ba rất cảm động, các con ạ. Hôm nay sum họp, vậy là chỉ còn thiếu có Cần, nhưng nó cũng sắp về. - Ông cụ lại cố tình lờ thằng Cừ trong danh sách con cái. - Đặc biệt nhất là hôm nay có Hoài, Hoài ạ, thứ lỗi cho ba, ba thật không ngờ. Dân tộc mình sống có nghĩa, có tình, có những cái đó mới còn đất nước này. Ba muốn trước tiên chúc con, chúc vợ chồng con và chúc các cháu…

Sáu cái cốc cùng nâng. Thân mật và xốn xang lời chúc mừng qua lại và tiếng keng đùng đục của những chiếc thuỷ tinh động chạm nhau.

- Em chúc chị Hoài thật khoẻ thật vui.

- Thưa ông, con chúc ông mỗi năm mỗi khoẻ.

- Chúc cô chú Luận sang năm có thêm thằng cu.

- Thế thì em chịu, em chỉ bằng chị Lý thôi.

Luận giơ cốc:

- Một con là đủ rồi.

Lý lanh chanh.

- Chưa đủ.

- Còn chị? Thôi chị ơi. Một đứa trẻ ra đời là toàn xã hội thêm công thêm việc đó.

- Xã hội nào! - Lý the thé. - Tôi cai rồi. Chứ tôi muốn, ai cấm được tôi. Dào ôi, vẽ lắm. Con tôi, tôi đẻ tôi nuôi chứ!

- Chị chưa uống đã say rồi. Sinh đẻ ít, có kế hoạch là vũ khí chống đói nghèo đó, chị Lý ơi.

- Còn lâu tôi mới say nhé. - Lý quát. - Tôi hỏi chứ ông có tới năm con. Ai nuôi cho ông?

Luận lừ mắt bà chị dâu. Đừng nên nhắc tới con số năm, động lòng ông cụ. Rồi lảng chuyện, Luận ngồi xuống, ghé về phía cha:

- Ba ạ, cây quất dẫu sao chơi rồi cũng còn sử dụng quả của nó được. Chứ cành đào năm sáu trăm bạc, mãn khai hết hoa là bỏ.

Ông Bằng lắc đầu:

- Xưa, người sành chơi đào đĩa cơ. Chứ mua cành đào mấy trăm bạc về chơi chỉ là lối chơi của anh trọc phú hợm của.

- Đúng là chơi hoa đã có mấy người biết hoa! - Lý ve vé đi tới, nghiêng xuống giữa Luận và ông Bằng vừa nói vừa đặt xuống bàn hai cái bát xinh xắn, ý nhị. - Ông xơi món này cho nóng ạ.

Luận giật lên, kêu to liên tiếp:

- Ối! Vây! Lại cả mọc nữa! Hoan hô chị Lý! Bà này cự phách thật. Bằng chiêu đãi quốc tế đây.

Lý cười mãn nguyện:

- Phải thế chứ, không ông nhà báo đã đi ăn mòn bát đĩa thiên hạ lại chê!

- Xuân thu nhị kì thôi, bà chị ơi. Còn thì quanh năm suốt tháng… rau muống với cà thâm thôi.

Lý giãy nảy:

- Điêu chưa kìa! Ông xem Luận nó có điêu không? Có bữa nào con lo mà không có miếng thịt, miếng đậu không? Không có á, cô Phượng biết không, là lão ta rên rẩm liền: "Ăn thế này sao đủ calo mà làm việc được, chị Lý ơi!”

Phượng bụm miệng cười. Đông ngẩng lên, nghênh ngáo:

- Ơ, đĩa ớt để đâu rồi?

- Vừa có một hớp mà đã say! Đỏ lòm lòm ở ngay trước mặt ông không là ớt thì là cái gì đây. - Lý đay đả, vui vẻ ngồi xuống ghế của mình.

Không khí giản dị, đầm ấm dần. Và những câu chuyện đổi trao đã nổi lên râm ran, luôn chuyển dịch đề tài. Chuyện các món ăn và giá cả. Chuyện gia đình chị Hoài. Hồi ức về những ngày đã qua, về cái Tết cổ truyền, về hội hè tháng giêng, về các tệ lậu đang làm nhuốc nhơ bầu không khí tâm lí xã hội. Và, lát sau Đông và Luận lại kéo nhau vào cuộc đấu khẩu ít lâu nay đã thành thông lệ mỗi khi hai người ngồi với nhau. Có hơi men, Đông bốc, hăng hẳn lên. Bảo vệ quyết liệt cái thú chơi tổ tôm, vì nó "thanh tao" và "dân tộc tính", Đông lại còn cố lôi kéo cả ông Bằng về phe mình.

- Kệ, hoài hơi mà nghe hai lão gàn. - Lý bấm tay chị Hoài. - Chị ăn món vịt tần em làm đi. Có được không, chị?

- Cô làm khéo lắm.

- Về hưu em sẽ mở cửa hàng ăn đấy, chị ạ.

- Chị cho em một chân phụ động nhé. - Phượng ngoảnh lại, vui đùa.

Chị Hoài nhìn Phượng, khe khẽ:

- Cô Phượng này, thế vợ con chú Cừ giờ ra sao?

- Em đang lo lắm, chị ạ.

- Thế bao giờ cô đón cháu Nga về dưới này?

- Em định ổn định xong công tác, nhà cửa, hộ khẩu, với lại để cháu học hết năm học đã. Thời buổi này, làm kế toán, tài vụ, em cũng lo lắm chị ạ.

- Cứ nguyên tắc, chính sách mà làm, cô ạ. Còn vợ con chú Cừ, cô bàn với vợ chồng chú Đông, chú Luận xem nên giúp đỡ thế nào. À mà cô ấy đã biết tin chú ấy chưa?

- Còn đang giấu cả ông đấy.

- Chị biết. Ông trông vẻ ngoài thì vui, nhưng khí sắc thì kém, xem ra phiền muộn nhiều.

Lý chỉ nhấm nháp qua loa, còn thì nhập vai bà chủ bữa tiệc kiêm người phục dịch, hết nhấp nhổm xem xét, lại lượn đi lượn lại tiếp rượu, thêm món ăn.

Thấy Đông vừa hỉ hả nâng cốc với ông Bằng, Lý vội bước lại, lừ mắt nhìn chồng:

- Anh Đông, ông bị cao áp huyết đấy.

Luận đẩn cao hai ống tay áo:

- Ba để con thay. Nào, anh Đông. Trăm phần trăm nhé!

- Nửa thôi. Vì hôm nay giao thừa, còn phải đi chơi. Hôm nào thằng Cần ở Liên Xô về, sẽ đấu thật sự.

Ông Bằng ngồi, hai tay chắp bụng, giữa cái không khí tà tà của bữa ăn đang huyên náo dần. Một hớp rượu, một bát mọc, nửa bát vây, đã no ứ lên rồi. Phần nữa, không ăn được vì cảm động, vì bồn chồn. Gia đình và sự sum họp đêm giao thừa, có gì đầm ấm, thiết tha hơn. Kì diệu thay thời khắc này. Thiêng liêng thay cái tế bào xã hội nhỏ nhoi này. Nhỏ nhoi vậy mà là nền móng, mà kết hợp trong nó bao quan hệ. Tình cha con, vợ chồng anh em, những quy tắc luân lí bất thành văn, bám rễ sâu vào huyết mạch, tâm cảm, giằng níu mọi người trong những giao kết, liên hệ vừa nghiêm chỉnh vừa thân mật. Nghĩ về gia đình, lòng ông bao giờ cũng êm ả, bao giờ ông cũng gắng tạo ra cảm giác yên lòng. Nhưng, ông biết là ông đã cưỡng lại sự thật, nhất là từ những giây phút cuối cùng khi ông đứng trước bàn thờ nghi ngút khói hương. Gia đình ông, cái vùng không còn yên ổn nữa, nó đã phản chiếu tất cả cuộc sống ở ngoài đời; vả chăng mỗi người là con, là vợ, là chồng trong các mối quan hệ thì đồng thời cũng là một con người xã hội với tất cả những dấu ấn của thời đại. Sở nguyện của ông về một sự an bằng đã trở nên bấp bênh. Bà Bằng mất,

ông đã một lần chịu đựng nỗi bơ vơ trong khoảng thiếu hụt. Ông không nệ cổ, thụ động. Ông vùng vẫy. Ông cần bạn và ông đã tìm thấy người bạn đó. Nhưng, việc đó giờ đây cũng có vẻ trớ trêu thế nào. Sum họp nhắc nhở đến kẻ vắng mặt, giờ ông mới nhận ra điều đó. Nghe Hoài và Phượng thì thầm, lòng ông lại nhói lên chuyện thằng Cừ hư đốn. Với bản lĩnh chủ động, ông lại chống đỡ, giữ thế quân bình. Thành ra, trong suốt bữa ăn ông cứ lửng lơ giữa hai trạng thái: tin cậy và lo sợ, an toàn và bất ổn. Mãi tới lúc Lý kêu rạng rỡ: "Sắp giao thừa rồi", ông mới trở lại nhập cuộc, mới lại nghe thấy tiếng nói của các con trai, con dâu.

- Ông ạ - Hoài nhìn ông ngập ngừng. - Chú Cần viết thư cho con, có nói chú ấy về sẽ xây dựng gia đình, chú ấy hỏi ý kiến con: "Có được không?”

Đông quay lại, lè nhè giọng rượu:

- Thế là nó bỏ cái phó tiến sĩ để về lấy vợ à?

Phượng thì thào bâng quơ:

- Giờ này ở ngoài ga còn nhiều người nhỡ tàu, khổ, đêm đông rét mướt thế này, chắc gia đình họ mong lắm.

"Ngoài trời, mù mịt tối, mưa lâm thâm", Lý xuống bếp xách phích nước lên nói vậy. Đêm ba mươi, lại như thời tiết của bao nhiêu đêm ba mươi đã qua trong đời người. Lý pha cà phê, giọt cà phê, điểm nhịp thời gian trong cái cốc rỗng.

- Cho tôi nước chè thôi, cô Lý.

- Chị cứ uống đi, đêm nay hai chị em thức nghe đài. - Phượng nói, đứng dậy thu bát đĩa. Lý kêu: "Để tất cả đấy, Phượng. Mai hãy còn bát ăn, không phải rửa”.

Tất cả chợt lặng đi, như nghe ngóng, đón đợi cái gì đó từ xa xăm.

Ông Bằng nghe rõ tiếng tim mình đập. Thời gian đang dò dè những bước chân nho nhỏ. Kim giây đồng hồ trên tay Lý nhích chậm chạp. Lý bê cái ghế đẩu, đứng lên, mắc bánh pháo trước cửa buồng khách.

Ôi, giao thừa, cái đứt đoạn ước lệ chia thời gian trong chiều dài vô tận thành từng chặng. Giao thừa! Giao điểm của cũ mới, dấu chân của năm cũ, nốt nhạc đầu tiên của một hành khúc mới, sao mà gây cho ta nhiều hồi hộp đón chờ. Ôi, giao thừa!

Đột nhiên, ngực ông giật nhói. Luận vụt đứng dậy. Lý xoè diêm. Pháo ngoài phố vắng đã nổ. Những quả pháo đầu tiên Lý châm ngòi lên tiếng. Căn buồng ran ran. Ngoài cửa sổ, cả một vùng trời đang ắng lặng bỗng bùng bùng náo động, hừng hừng đỏ, lấp lánh ánh lửa xanh hồng. Phượng kéo chị Hoài cùng chạy ra sân. Hai người đứng lại trong vườn

cây, ngước nhìn trời. Vòn vọt bay lên, rạch trên vòm trời đêm những vệt dài, những chùm sáng tím biếc, hoa cà, xanh chói, đỏ tươi.

Trong buồng, những người còn lại trở về ghế ngồi.

Đã bước một bàn chân lên bậc thềm năm mới. Bàng hoàng cái cảm giác đón nhận những điều chưa được biết. Thời gian đã mở ra một chiều dài mới mẻ và hành trình lại tiếp tục với những xúc cảm tinh khôi, phấp phỏng trước mọi rủi may khôn lường.

Phá vỡ cái không khí mờ mịt, bâng khuâng của khói pháo và cảm nhận, Luận đứng dậy định chúc ông Bằng nhưng ông già đã kéo áo Luận:

- Để ba nói mấy câu. - Mắt chớp chầm chậm, ông Bằng ngần ngừ lướt qua Đông, Luận, Lý. - Các con ạ, sang năm mới, ba chúc tất cả các con. Cái may mắn, cái tốt đẹp sẽ đến nhiều và vững bền mãi mãi. - Dừng lại một lát, nuốt khan một hơi và gập mặt xuống, cổ ông nổi gân như đang có cơn co rút. - Lúc này đây ba sung sướng, ba hạnh phúc vì thấy các con phương trưởng, nên người. Tường ơi, con đã hi sinh vì nước, con không hiểu con đã có một người vợ quý đến dường nào…

- Ba!

- Luận để ba nói. Ba không sao đâu. Ba thật sự sung sướng, hạnh phúc. Còn nỗi đau đớn…

- Ba! - Luận kêu, lần này thật sự hoảng hốt và bàn tay vội nắm cánh tay ông già.

- Cứ để ba nói. Ba chịu đựng được. Các con đừng giấu ba nữa. Ba cũng không tự huyễn hoặc mình nữa. Chuyện thằng Cừ hư đốn, ba biết hết. Nó làm nhuốc nhơ gia đình, làm tủi hổ vong linh mẹ nó, anh nó. Nhưng, các con ạ, ba chắc chắn là nó không bỏ ra nước ngoài đâu. - Ông ngẩng lên, thái độ hiển hiện vẻ tự vệ. - Nó không tệ như thế được! Thực tế không thể có như thế được!

Lúc ấy, ở đám đất cạnh bếp, chị Hoài cầm đèn soi cho Phượng gieo hạt mướp hương. Rồi chị ngắt một cành mít non. Đem cành lộc vào nhà, chị nhận ra căn buồng chỉ còn có Lý. Mâm bát rếch đã thu vào một cái rổ lớn để ở góc buồng. Lý soi mặt trong cái gương nhỏ cầm tay, thắt lại lưng áo, chiếc ví da đen láng thũng thẵng nơi khuỷu tay. Thấy chị Hoài, Lý cười:
- Chị hái lộc rồi à? Bây giờ em mới đi đây. Chị buồn ngủ thì cứ ngủ trước với cái Phượng nhé. Ông, anh Đông và chú Luận vừa kéo nhau lên gác rồi.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 413

Return to top