Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chuyện vặt !

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 473 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện vặt !
Kim Lê

Gã tên là Sộp. cả xóm gọi gã là Sộp điên. Nhưng gã không phải là điên! Điên thì phải đập phá, xé quần xé áo lăn lộn, đi lang thang và thỉnh thoảng ngửa mặt nhìn ông giời cười. Gã chỉ hơi dở người. Có người bảo, vì hồi trẻ gã xem truyện nhiều quá, toàn loại truyện gã thuê ba xu một ngày. Mà bất kỳ cái gì khi đã “quá” đều nguy hiểm: Ăn nhiều quá hoá bội thực. Chơi nhiều quá đâm hỏng người. Làm nhiều quá thì lao lực.


Đằng này gã đọc nhiều quá. Đọc nhiều mà “tiêu hoá” được thì không sao, có khi lại giúp ích cho đời. Nhưng đằng này gã đọc như người ta nhồi gà, nhồi vịt, bất kể loại sách gì, thập cẩm ngũ tạng. Trong bụng gã đầy chữ, anh ách chữ, không tiêu hoá được nó mới chướng lên, ép vào lục phủ ngũ tạng, ảnh hưởng đến cơ quan  trung ương. Gã bị “tẩu hoả nhập ma” từ đấy.


Bố mẹ Sộp mất đã lâu. Ông bố ngày xưa làm nghề bán giầy. Ông thường mua những đôi giầy cũ về mông má lại. Chiều tối, ông gánh hai nia giầy ra đầu ngã tư Mơ bán. Đủ các loại giầy: Giầy đinh của lính, giầy đơ cu lơ, giầy jôn, giầy mõm ngoé…Có những đôi ông bôi phẩm xanh đỏ xong đánh xi vào. Giầy tàng tàng thế mà vẫn có người mua. Ông thầu khoán mua đôi giầy đinh. Anh công tử bột mua đôi đơ cu lơ. Thày ký công sở mua đôi giầy jôn. Chỉ có vài hào một đôi, tuy cũ nhưng vẫn còn diện chán.


Mẹ Sộp, người cao ngẳng, lúc nào cũng vấn khăn vểnh trên đỉnh đầu. Khuôn mặt bà teo tóp, gò má cao, đôi mắt vằn đỏ, hút thuốc lào sòng sọc. Bà mắng chồng chửi con xơi xơi, giọng chua loét. Có lẽ Sộp thừa hưởng tính di truyền hơi rồ dại của bà mẹ?


Năm Sộp 14 tuổi thì ông bố qua đời. Năm sau, mẹ gã cũng theo chồng về chầu tiên tổ. Sẩy cha còn chú! Ông chú ruột Sộp có nghề bán thuốc rong trên tàu điện. Từ đó gã theo ông chú lang thang khắp bến tàu, bến xe bán đủ các loại thuốc: Thuốc ho, thuốc hen, thuốc bả chuột, ghẻ lở hắc lào, thổ tả kiết lỵ, cao con hổ, băng phiến…


Ông chú tên là Tê. Ông có năm cái răng bịt vàng, nên người ta thường gọi, ông Tê “năm răng vàng”.


Ông Tê “năm răng vàng” lúc nào cũng đeo kính đen, đầu chải bi xăng tin bóng mượt.


Ban ngày bán thuốc, đến tối ông Tê kiêm luôn nghề tẩm quất. Sộp đi trước, tay cắp chiếc chiếu một , ông Tê đi sau, cất giọng lanh lảnh  “ai…quất!”, “quất…nào!”. Tiếng quất được kéo dài trong đêm, oằn lên như một tiếng roi vụt…


Năm Sộp 17 tuổi. Gã chuyển sang đẩy xe ba gác cùng ông cậu họ. Ông cậu có sở thích sưu tầm huy chương, huy hiệu. Kể ra sưu tầm để cất vào ngăn kéo là chuyện bình thường. Điều bất bình thường ở chỗ, ông đeo tất cả bộ sưu tầm ấy lên ngực: Huy chương lao động tiên tiến, huy chương chiến sĩ thi đua…Huy hiệu hồng tập tự, hội liên hiệp phụ nữ, có cả huy hiệu đoàn viên thanh niên… Có cái ông tự chế bằng sắt tây, cắt hình ngôi sao, sơn màu đỏ và buộc những tua chỉ vàng. Ông đeo lên ngực, đỏ ối , lủng lẳng. Có những cái đã cũ, ông thải ra cho Sộp. Ông bảo “đeo cho nó oách”.


Những khi không phải kéo xe ba gác, hai cậu cháu ưỡn ngực đi bát phố. Có ông khách người Liên Xô thấy vậy, giơ tay chào và cất giọng lơ lớ “xin chao anh hung!”,
 
                                    * * *


 
Bây giờ Sộp đã trên bốn mươi.Chuyên nghề làm thuê gánh mướn, bám vào cái chợ mà sống, ai trả bao nhiêu cũng được, gã chỉ hì hì cười, có người đùa không trả, gã cũng hì hì cười. Ở đời giúp nhau là chính ấy mà, chuyện vặt! Gã bảo thế.


Sộp ở một mình. Hàng xóm có người nhà mất, chăn màn quần áo bỏ đi thì phí, gọi gã đến cho, gã không từ chối. Thành ra lại diện. Ngày lễ ngày tết, cũng quần dạ áo len, măng tô mũ phớt. Gã đi dạo khắp xóm. Người lạ nhìn thấy, bố dám bảo là gã dở người.


Lão Biều xóm trong ngâm bình rượu ngũ xà. Hai năm mở ra uống vẫn còn tanh. Lão  cho Sộp cả bình lẫn rượu. Gã uống chẳng thấy tanh tẹo nào. Mồm nhà giàu bao giờ chẳng khó tính! Còn cái mồm hắn ăn uống tạp pí lù nó quen rồi. Làm gì mà chả ngon! Rượu ngũ xà quá ngon là đằng khác! Uống vào cảm thấy như có rắn cựa quậy trong mạch máu. Cứ gọi là khướt cò bợ.


Một hôm, không hiểu ngứa nghề hay muốn “tìm về dĩ vãng”. Sộp đeo kính đen, cầm chiếc gậy khua khoắng giả làm người mù, gã đi khắp xóm, mồm rao lổn nhổn: Ai…quất! Quất…nào! Tiếng rao quện vào nhau như một kẻ nhập đồng. Mọi người đổ xô ra nhìn, người già thở dài, trẻ con tí tởn bám theo sau.


Tay Phệ gọi vào. Thích thì chiều. Chuyện vặt ấy mà. Việc đó quá đơn giản. Những ngón nghề của ông chú gã trổ ra hết, cũng cua bò, tôm nhảy, lươn trườn. Tay Phệ nằm dính chặt xuống giường, mê lịm đi. Xong việc, Sộp được chiêu đãi chén rượu thuốc. Tay Phệ bảo:
-        Cậu chuyển sang làm tẩm quất lại hoá hay. Tay nghề của cậu thủ thuật lắm.
-        Thủ thuật cái mẹ gì. chuyện vặt ấy mà.
-        Làm gì mà chẳng cần thủ thuật?- Phệ nói- Hồi tớ bán phở ở đầu ngõ, cứ chờ chị em nhà máy 8/3 tan ca về, tớ bắc chảo lên bếp phi tỏi thật thơm, cho quạt máy thổi thốc ra ngoài đường, thế là “bà chị ruột” kéo lại, không đi nổi nữa.
-        Chuyện vặt..!- Sộp hì hì cười, ngật ngưỡng ra ngoài cửa còn quay lại: Khi nào thích thì gọi, chuyện vặt ấy mà!


Thế là từ đấy, gã kiêm luôn nghề tẩm quất. Hoá ra lại tươm. Cái xóm gã ở, phần lớn là dân buôn bán, cả ngày phơi mặt ra đường, chạy như cờ lông công. Tối về làm một chầu “quất”, ai mà chả sướng. Các bà, các cô suốt ngày ngồi chợ, xương cốt mỏi nhừ, tối về bảo gã “dần” cho một trận, cứ gọi là đứ đừ, sướng đến tận sáng hôm sau.


Cô Dung “si đa”. Người ta gọi thế ,không phải cô bị ết ệt gì. Cô chuyên nghề bán quần áo hàng thùng ngoài chợ. Vợ chồng cô bỏ nhau vì anh chồng lăng nhăng gái gú. Cô thuê căn nhà trong xóm Sộp để ở tạm. Anh chồng cay cú, đêm nào cũng đến trước cửa réo tên bố mẹ cô ra mà chửi. Cả xóm khó chịu lắm, nhưng chả ai dây với hủi. Mọi người sợ hủi không dám dây, còn Sộp thì sợ chó gì hủi. Gã vùng dậy chạy ra ngoài, chỉ tay vào mặt anh chồng:
-        Mày im cái mồm! Cho bố mày ngủ!
-        Á…à, thằng Sộp điên..! Láo..!
-  Láo cái tổ cụ nhà mày..!


Gã chồm lên, túm tóc anh chồng lẻo khuẻo, thúc mạnh đầu gối vào ngực. Láo này! Láo này! Mọi người lúc đó mới túa ra. Anh chồng bị đau, thấy không lại được với cơn điên của Sộp, len lén cúp đuôi lỉnh đi. Mọi người đắc ý nhìn gã, Sộp cười hì hì:- Chuyện vặt ấy mà! Tôi mà thèm đánh nó cho bẩn tay!
 
                                * * *
 
    

Thị Len gánh nước thuê ngoài chợ. Người thấp bé, khuôn mặt nhàu nhĩ rất khó đoán tuổi. Thị quê ở Hưng Yên, không chồng, không con. Lên Hà Nội làm thuê gánh mướn ở chợ Bắc Qua, rửa bát quán phở, làm ô sin…Cuối cùng dạt đến cái chợ ven đô này.


Một buổi khuya cuối năm,mưa phùn rét mướt. Sộp đi tẩm quất cho vợ chồng tay Phệ về. Khi ngang qua cửa nhà Tư voi, chợt có tiếng gọi khẽ: Anh Sộp..! Anh Sộp..! Gã quay lại. Khi đến gần, thấy một người đang ngồi thu lu ngoài hiên, mình cuốn chiếc chăn mỏng, đầu chùm khăn kín mít chỉ hở hai con mắt.
-        Ai thế này?- Gã cất tiếng hỏi.
-        Em là…là Len đây mà…-Tiếng đáp run rẩy.
-        Sao lại ra đây ngồi?
-        Em bị mụ Tam đuổi… vì thiếu tiền trọ…
Gã ngẩn ra một lúc, rồi gằn tiếng:
-        Tổ cụ mụ Tam!
Gã húng hắng ho, rồi xịt xịt mũi, gã xịt mũi đến lần ba, giọng trùng xuống:- Đi..! Đi về nhà tôi mà ngủ! -Thấy Len còn lừng khừng, gã cúi xuống kéo tay thị đứng lên: Đi..!- Gã quắc mắt, quát- Bảo có nghe không!!!


Sau đêm đó, Len chính thức “ở trọ” nhà Sộp. Thị không đi gánh nước thuê nữa, chuyển ra bán rau dưa ở đầu ngõ.


Giao thừa năm ấy, lần đầu tiên cả xóm thấy nhà Sộp bày lễ cúng trời đất ngoài cửa. Cũng có cả con gà ngậm hoa hồng, chai rượu cuốc lủi, nải chuối và hộp mứt…
 
                                                
                    Ngày ông công, ông táo năm Mậu Tí


  
                                                  KIM LÊ 
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 853

Return to top