Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Những ông bạn vàng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 627 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những ông bạn vàng
Kim Lê

Kẻ khen ta mà khen đúng, là bạn ta.
  Kẻ chê ta mà chê đúng, là thầy ta.
  Kẻ khen ta mà khen không đúng, là kẻ thù của ta.
                                                       
                                                           Khổng Tử



 
Phú vừa viết xong một truyện ngắn. Sửa đi sửa lại, đọc đến lần thứ mười vẫn không ưng ý, gã quyết định viết lại. Giữ nguyên nội dung, bố cục khác đi, đảo trên xuống dưới, thêm một số chi tiết hài, vài câu thoại vui. gã lấy làm đắc ý lắm.
   Tối hôm đó, ăn cơm với vợ. Vui ! Phú làm một chén rượu. Lại càng vui ! Thấy trong người phấn chấn hẳn lên. Có thế chứ! Cũng không đến nỗi nào? Đêm nay tạm nghỉ, xem chung kết hoa hậu áo tắm hai mảnh.
   Hôm sau, lôi “nó” ra đọc. Lại chán! Lủng củng những con chữ vô hồn, nội dung nhạt toẹt cũ rích. Phú quyết định viết lại. Gã cần mẫn hì hục, cần mẫn đẽo gọt, vẫn không ra một hình thù gì cả. Người không ra người, ngợm không ra ngợm. Đầu óc mụ mị, không khéo bị “tẩu hoả nhập ma” mất! Chiếc gạt tàn đầy ắp đầu mẩu, mồm gã đắng nghét. Nhìn đồng hồ đã 3 giờ sáng, gã quẳng bút, lên giường nằm…
   Những nhân vật, những con chữ lại hiện ra trong đầu Phú. Chúng quay cuồng đảo lộn, chúng đi lại nói cười, chúng đánh nhau, vật nhau huỳnh huỵch. Có đứa chết nằm thẳng cẳng lạnh ngắt, lúc sau lại lồm cồm bò dậy, van nài Phú cho hắn được sống. Hắn không muốn chết! Đứa nào cũng muốn sống, thế thì còn chó gì là truyện nữa !? Sinh- Tử là lẽ vô thường! Tại sao lại sợ chết? Mày đã sợ chết thì ông cho mày chết, chỉ có những người không sợ chết mới đáng sống thôi! Phú nhoẻn cười trong đêm, gã cũng nắm quyền sinh quyền sát trong tay nhỉ, thiên hạ đừng có  coi thường nhé!...Cứ thế gần sáng,mệt quá gã thiếp đi…
 
                                     ***                                                                                                  
 
   Cái truyện đó,  Phú viết đi viết lại đến lần thứ sáu mới tạm ổn. Gã đặt tên truyện là “Những ông bạn vàng”. Gã đọc lên. Vỗ đùi cười. Đi đi lại lại đấm ngực cười. Có thế chứ! Hay…! Quá hay..! Thằng con ở dưới nhà nghe thấy mách mẹ: Bố ở trên gác toàn cười nói một mình.- Mẹ nó bảo: Bố mày bây giờ bị leng keng rồi !
   Người ta bảo “văn mình, vợ người”. Gã đọc văn mình cứ là thơm phưng phức, không như đọc mấy truyện ở báo, bốc mùi lá cải thối . Gã đọc văn mình hay chưa đủ, phải kiểm tra qua “cái mũi” người khác.
   Đến chiều, Thông “thày cúng” đến chơi. Ái chà chà…! Đúng quý nhân đây rồi! Đang cần người thẩm định “ngửi” cái truyện của gã mùi mẽ thế nào? Tay Thông chữ Tàu viết như máy. Tử vi, tướng số, phong thuỷ, kinh dịch thuộc làu làu. Gã liền mang “ Những ông bạn vàng” ra khoe. Tay Thông e hèm, xếp chân bằng tròn trên salông như ngồi tụng kinh, giương mục kỉnh lên đọc. Phú tắt tivi để dành sự yên tĩnh cho độc giả thưởng ngoạn. Gã quan sát nét mặt Thông, vẫn bình thản không hề gợn sóng, không hề  nhếch mép  để có một nụ cười. Hay các ông đồ nho không thích tếu táo.Thông chỉ hơi nhíu mày, rồi bỗng giật bắn mình lên, Phú tưởng chi tiết thằng A chết làm Thông cảm động. Hoá ra không phải. Chiếc di động trong túi Thông rung bần bật. “Alô..! Hả…! Nói to lên!...Bầy lễ xong rồi hả? Gì cơ..? Còn thiếu hai lá sớ hả ?...Hả..! Ừ, đến ngay đây !” Thông bỏ “những ông bạn vàng” xuống: Tôi phải đi có việc! Thôi nhé…! Viết được đấy!
   Đã xem xong đâu mà “viết được đấy”. Quan trọng nhất là phần cuối, phần khoá đuôi. Chán mớ đời cái anh thày Tàu này!
   Hôm sau, Phú mang “những ông bạn vàng” cho Đô xem. Đô là bạn học thời phổ thông , làm công tác khoa học, có bằng phó tiến sĩ, biết đến ba ngoại ngữ. Nhà khoa học chắc thẩm định phải chính xác, không ào ào như ông thày cúng. Đô cầm “những ông bạn vàng” đưa lên mũi ngửi: Ứ..! Sao thơm thế ? ( chả là tối qua, Phú kẹp “ những ông bạn vàng” vào đống xống váy của vợ ). Đô chun chun mũi: Chưa đọc mà đã thấy thơm rồi, chắc văn này dành cho phái đẹp đây !?.  Đô hấp háy mắt sau cặp kính dày như đít chai, đọc. Đô gật gù…xong lại gật gù, hắn vẫn chưa cười. Phú nín thở chờ đón nụ cười của hắn, cười khẽ cũng được. Truyện buồn cười như thế mà không chịu cười, đúng là đồ mọt sách, đồ máu lạnh, chả có máu văn nghệ tý nào cả! Đô bỏ “những ông bạn vàng” xuống, gỡ cặp kính cận, lấy tay day day mắt, rồi buông thõng một câu: Cũng được…! Chung chung quá. Đến gã xe ôm cũng nói được câu ấy. Bằng cấp đầy mình mà “cũng được” là thế nào ? Phải phân tích xem, hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, nội dung câu chuyện ra sao, hình thức thể hiện được chưa. Người ta có tin cậy mới nhờ thẩm định hộ. Đúng là cha Đô này bị “điếc”. Nếu không, hắn cứ thẳng thắn mà nói: Này! Tao nói thật mày đừng tự ái nhé. Cái truyện mày viết, tao không xực nổi. Đọc lên cứ thấy cái mùi thum thủm! Thà rằng, hắn cứ huỵch toẹt như thế còn hơn.
   Hôm sau, Phú chợt nhớ ra Sĩ. Bạn cùng thời bộ đội. Sĩ  công tác ở nhà văn hoá quận. Aí chà chà…! Tay này được đây. Hắn làm văn hoá, chắc cũng đọc nhiều, viết nhiều! Quên béng đi ông bạn quý. Phú mang “những ông bạn vàng” đến nhà hắn.
    Sĩ mang ra chai vooka, bảo: Cứ từ từ đã, không đi đâu mà vội. Lâu lắm không được “keng” với ông bạn ! Cứ từ từ “keng” như thế. Đến lần thứ ba, hắn mới cầm cái truyện của Phú lên xem. Hắn lật lật mấy trang, thủng thẳng nói: Dài thế này cơ á!? Chưa đọc mà đã sốt ruột. Ngữ này mà bắt đọc “chiến tranh và hoà bình” của cụ Lep , ngang bằng lao động khổ sai. Sĩ  nhẫn nại đọc. Đọc xong, hắn cười ha hả, cười đến rung cả chai vooka trên bàn. Phú khoái trí cười theo. Sĩ  bắt tay gã, lòng bàn tay dinh dính: Khá lắm! Khá lắm! Trên cả tuyệt vời luôn…! Hắn ngừng cười đột ngột, mắt nhìn thẳng vào cánh mũi đang phổng ra của Phú, nói rành rọt từng tiếng: Adit nesin phải gọi bằng… cụ ! (trọng âm rơi vào tiếng “cụ”). Tâm lý con người ta ai cũng thích được nịnh, thích được khen. Cứ rót mật vào tai bao giờ chẳng sướng hơn là bị uống thuốc đắng. Phú thẳng người ưỡn ngực. Có thế chứ! Tri kỷ gặp tri âm, kém gì Bá nha- Tử Kỳ đâu. Hắn làm văn hoá có khác. Phú “keng” thêm cho hắn một cái. Phải công nhận cha Sĩ có con mắt xanh, con mắt hồng, cả con mắt tim tím nữa… Sẵn tiền trong túi, Phú hiên ngang bảo: Anh em mình ra quán bia.
   Ngồi ở quán bia, Sĩ móc di động bảo, gọi tay Dụ tay Phong đến  cho vui. Khoảng mươi phút sau, Dụ và Phong vè vè đến. Nói cười rôm rả, bắt tay rối rít… Sĩ giới thiệu “những ông bạn vàng”của Phú. Dụ, Phong đọc lướt qua, đọc nhanh lắm (hay uống bia vào đọc nhanh hơn?).
  … Adit Nesin phải gọi bằng cụ!Thiên tài..!Thiên tài…! Rồi…chúc mừng! Một.. hai.. ba “dô”…chúc mừng .Nhiều “chúc mừng” quá! Nhiều “dô” quá!...
 
                               * * *
 
   Phú gửi “những ông bạn vàng” đến báo Vịt đực. Chờ một tháng, hai tháng mãi chưa thấy đăng. Gã sốt ruột gọi đến toà soạn:
-        Alô…! Cái truyện tôi gửi sao chưa thấy đăng?
Ở đầu dây có tiếng con gái léo nhéo “… Con Hồng da đen thế, màu Boóc đô hợp rồi !”-Truyện gì cơ ạ…?
-        À…! Cái truyện “Những ông bạn vàng” ấy!
-        Bạn vàng nào ạ? Giọng cô gái hơi gắt- Mời anh         trực tiếp đến toà soạn nhé! Rồi dập máy.
Thế có tức không cơ chứ!
   Hôm sau, Phú mò lên toà soạn. Anh gác cổng bảo gã lên phòng biên tập. Tiếp Phú là cô gái da ngăm ngăm, mặc váy màu Boóc đô (à..! Chắc là cô Hồng đây). Hồng nghe gã trình bầy, chớp chớp mắt sau cặp kính cận. Quay vào bên trái lục tìm, không thấy. Quay sang bên phải lục tìm, vẫn không thấy. Hồng khẽ  nhíu mày, xong à lên một tiếng, cô cúi xuống gầm bàn, bới trong sọt rác lôi ra “những ông bạn vàng” của gã.


  
                                                           KIM LÊ



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 468

Return to top