Những lát cắt cuộc đời
Kim Lê
Trên đường từ Văn Điển về, xe máy của tôi bị xịt lốp. Dắt bộ dưới cái nắng trưa hè, tôi nhễ nhại mồ hôi. Đi khoảng gần cây số mới có hiệu sửa xe (gọi là hiệu cho nó sang, chứ thực ra chỉ có cái tủ con bụi bặm bầy mấy thứ phụ tùng lặt vặt, một chiếc lốp cũ treo hờ gốc cây và chiếc bàn ép chỏng chơ). Tôi rẽ vào.
Chủ hiệu là một gã rất khó đoán tuổi, người gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, tròng mắt lờ đờ như ngái ngủ, mồm sặc mùi rượu. Gã mặc chiếc quần lửng màu cháo lòng, chiếc áo phông cũng không nhận ra là màu gì nữa.
Trong lúc vá xăm cho tôi, thỉnh thoảng gã lại với chai rượu để ở chân bàn, tu một ngụm. Tôi hỏi :
- Ngày có hết một chai không ?
- Mùi mẽ gì ! Gã trả lời- Bây giờ em còn đuối, chứ ngày trước a, em uống rượu thay cơm !- Gã hấp háy mắt nhìn tôi, rồi tiếp- Mà em trông tướng đại ca cũng “sâu” lắm ?
- À, cũng tàm tạm.- Tôi trả lời cho xong.
Gã đưa chai rượu cho tôi : Làm một tợp, đại ca. Tôi lắc đầu lấy cớ trời nóng. Gã cất giọng è è : Chẳng dấu gì đại ca. Trước đây em là dân đào vàng, nơi ma thiêng nước độc đ… có rượu thì chết. Tụi em sống như lũ chuột chũi. Nói đại ca không tin. Em đã từng có trong tay ngót trăm cây vàng, em đập mẹ nó cái nhà cấp bốn đi, xây hẳn một biệt thự ba tầng ở cho nó sướng. Khốn nạn cái dòng họ nhà em, máu cờ bạc gia truyền từ hồi cụ cố để lại. Chỉ trong một năm, em đốt hết mẹ nó cả nhà cửa, cả vốn liếng vào cờ bạc . Con “thị Nở” nhà em, trước là người mẫu thời trang hẳn hoi, thấy em trắng tay nó bỏ đi ôm giái thằng khác, đại ca thấy có mất dạy không ? Tôi gượng cười, hỏi : Thế làm thế này có đủ uống không? Gã ngước cặp mắt lờ đờ nhìn tôi: Đại ca lại khinh em rồi! Trước đây em một xu dính túi không có, mà ngày nào em cũng rượu thịt tì tì.Thiếu gì thì thiếu, chứ thiếu rượu chịu thế đ… nào được, không còn ra cái hồn người nữa. Hồi đó nhà em ở cạnh nghĩa trang Văn Điển. Em thất nghiệp nằm khoèo ngủ vùi suốt ngày. Ngày ngủ thì đêm ngủ thế đ…nào được, em lang thang suốt đêm. Mà đêm thì có chỗ chó nào mà chơi? Thấy trong nghĩa trang sáng đèn, em mò vào xem người ta bốc mộ. Xem mãi cũng chán, em lệu dệu ra chỗ cây hương thờ thần linh, thấy chai rượu và miếng thịt lợn người ta bày cúng ngon quá, em ngó xung quang thấy đ… ai để ý, em thoóng luôn thủ trong vạt áo..,hề hề…đại ca đừng cười em nhé. Các cụ nói đ…có sai “đói ăn vụng, túng làm càn !”
Gã ngừng nói, chép chép miệng nhìn chai rượu lăn lóc ở gậm bàn, rồi tiếp : Như thế lại hoá tươm. Ngày nào em cũng như sĩ quan, chẳng phải mó tay việc chó gì cả mà vẫn rượu thịt đều đều. Hồi ấy, mẹ em bán đồng nát chai chè, có hỏi, em bảo “ra phụ giúp ở nghĩa trang người ta cho lộc”. Hề…hề, đúng là lộc trời cho. Em thấy cái “cửa” ấy quá hay! Đâm nghiện mới bỏ bố chứ. Về sau rút kinh nghiệm, em cũng kiếm một dải khăn trắng, ra đến đấy em chít lên đầu…hề hề…bố đứa nào phát hiện ra được !
Tôi gượng cười mà thấy nhói trong lòng. Nhìn gã gầy gò khắc khổ, cặp mắt bợt đi vì say. Không hiểu cuộc đời gã sẽ đi về đâu?
2.
Ở phố tôi, có một cặp vợ chồng khập khiễng về tuổi tác. Ông chồng giàu có, kiếm được cô vợ hơn hớn kém mình hơn bốn chục tuổi.( Ông ta goá vợ được hơn chục năm, không hiểu cuối đời muốn vớt vát chút “tình iêu” cho hoàng hôn đỡ buồn?” Ông to béo, phục phịch như cụ Di Lặc, nhưng về cái “khoản ấy”lại kém, nó cứ như củ khoai héo. Cô vợ lại màu mỡ ngồn ngộn, thế mới chết! Tính ông lại cả ghen. “Cụ không “ăn” được, nhưng đừng hòng có thằng nào xơ múi vào nhé! Đừng tưởng cụ yếu mà tí tởn! Cụ yếu, nhưng đã có đệ tử “tiên huyền”sửa gáy chúng mày!”
Nhàn rỗi, cô vợ đi tập nhảy đầm (có cấm cũng không được). Cụ khó chịu lắm nhưng đành phải chiều. Cụ mò đến chỗ tập để canh vợ. Đôi mắt cụ hau háu không rời vợ nửa bước, cụ còn lạ gì lũ trai lơ nữa, cứ là nhớn nhác như quạ thấy gà con. Nhìn chúng ôm vợ mình nhẩy mà cụ thấy xót con mắt, cụ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. “Đấy! Nó lại tì sát vào kia kìa, thằng bỏ mẹ chỉ lợi dụng. Giời ạ! Lại còn cười với nó nữa chứ”. Thằng “bỏ mẹ” liếc nhìn cụ, cố tình trêu, nó te một cái như vật ngửa vợ cụ ra. “Ôí giời đất ơi! Khốn nạn! Khốn nạn! Như thế thì còn gì là người nữa!” Cụ chồm dậy, mặt đỏ phừng phừng, hất mạnh tay “thằng bỏ mẹ” ra, cầm ba toong chỉ thẳng vào mặt hắn: “Nhảy nhót gì cái loại mày! Đồ…đồ bố láo!” Cô vợ luống cuống ngượng chín cả mặt. Cụ chỉ làm trò cười cho cả lớp.
Buổi sáng, hai vợ chồng cụ ra công viên đi bộ. Tụi đàn ông thừa biết vẫn trêu: “ Hai bố con cụ đi tập đấy ạ !?” Rặt một lũ ba que xỏ lá! “ Tao biết tỏng ruột gan chúng mày, hệt một lũ ma đói, thả ra có mà nhai cả xương!” Một buổi, cụ mệt không đi tập được, cô vợ ra công viên một mình. Cụ ở nhà đứng ngồi không yên. Mà yên làm sao được! Trông vợ cụ ngồn ngộn như thế, không có cụ đi kèm, lũ đàn ông mất nết có mà nhẩy cẫng lên. Cụ phải ra! Mệt cũng phải cố ra! Để cho bọn nó biết rằng “quyền sở hữu”thuộc về cụ! Đừng có mà xí xớn! Cụ chống ba toong ra đến nơi, y như rằng thấy “con bà nàng” đang tưng tửng đùa nghịch với tụi đàn ông. Cụ đứng như chôn chân giữa đường, mắt gườm gườm nhìn cả lũ không nói không rằng. Lúc sau, cụ dậm dậm đầu ba toong xuống đất, quát: Về…! Về ngay! Không tập tành gì hết!- Cô vợ chạy đến nũng nịu: Kìa mình…! Các ông ấy chỉ trêu chứ có gì đâu. “Có gì đâu…!”, cụ quắc mắt đai lại. Để đến khi có gì thì thằng già này thành ra “đười ươi giữ ống” à!
Mà cụ “giữ ống” thật. Tay cháu gọi cụ bằng chú ở trong Sài Gòn ra công tác, đã tòm tem vợ của chú ruột mình ( của đáng tội bà thím còn kém cháu hơn chục tuổi). Giữ là giữ với người ngoài chứ giữ làm sao được người trong nhà! Ai bảo cụ lấy vợ trẻ quá cơ, nếu cụ kiếm một bà sàn sàn tuổi cụ thì đâu đến nỗi?
3.
Bố nó là một đại gia. Thủa còn hàn vi, nghèo tã vành váy, lấy được mẹ nó như vớ được vàng. Tuy mặt mũi hơi Thị Nở một chút, nhưng bù lại mẹ nó thuộc hàng “con ông cháu cha”. Nó mang dòng máu của một gã cha căng chú kiết nào không biết? Còn bố nó chỉ là người “tráng men” cho hợp pháp hoá cái thai ba tháng.
Tên cúng cơm của nó là Gái. Nhưng tính nết thì chẳng “gái” chút nào! Ngay từ bé, nó đã thích mặc đồ con trai, tóc cắt ngắn và đi đứng khuỳnh khoàng.
Bạn bè nó, không phải loại liễu yếu đào tơ. Với bản tính còn hơn con trai như thế, làm sao nó đánh bạn với lũ “mít ướt” được. Nó toàn chơi với con trai. Tất nhiên! Nhưng chơi với con trai, nó toàn làm thủ lĩnh! Tụi con trai gọi nó là “thằng” Gái.
“Thằng” Gái đá bóng vỉa hè, áo may ô quần cộc, hùng hục chạy, hùng hục lên bóng, bố đứa nào dám cướp bóng của nó, ăn cút khuỷu tay, gẫy ống đồng như chơi. Nó rượu bia thành thần. Đầu trò trong những cuộc nhậu. Nó là người “lĩnh xướng” một hai ba…dô! Trăm phần trăm! Nó thuốc lá phì phèo ngồi xổm trên chiếu bạc đánh xóc đĩa, tá lả. Nếu có thằng nào “lỡ” ăn gian, nó lừ mắt rồi buông thõng một câu rất đặc trưng : Ăn củ c…bố đây này!
“Thằng” Gái học dốt lòi cán cuốc, nhưng vẫn được lên lớp đều đều? Ngồi trong lớp, nó như “vịt nghe sấm”.Việc học đối với nó là một cực hình! Trong cái đầu đặc sệt những nghịch ngợm phá phách của nó, còn đâu chỗ để nhồi nhét kiến thức!?
Nó tham gia đua xe máy với tụi con trai. Bị bắt vài lần. Nhưng nó lại thấy thích ! Được vào đồn công an ngồi, được nếm mùi pháp luật qua cái còng tay. Thấy lũ con trai rúm ró mà nó thấy thương hại. Nhìn các chú công an lăng xăng đi lại nó lại thấy vui mắt. Rồi khi biết nó thuộc đối tượng “con cháu các cụ” , mặt các chú ngẩn ra, nó lại thấy…buồn cười.
Tiền đối với nó chỉ là tờ giấy lộn, không hơn gì tờ bạc âm phủ! Nó có thể đốt dăm trăm đô trong những cuộc nhậu, vài nghìn đô trong những cuộc du hí. Đến tuổi dậy thì, “thằng” Gái cũng biết yêu. Người yêu của nó không phải loại con trai “tốt mã rẻ cùi”. Người nó yêu là một đứa…con gái, hơn nó những ba tuổi. Nó sắm cho tình nhân không thiếu thứ gì: Quần áo hàng hiệu, váy dài váy ngắn, dây chuyền hoa tai, nhẫn hột xoàn…Nó lại có máu ghen khủng khiếp, có ối thằng phải vêu mõm, bươu đầu vì chọc ghẹo người yêu của nó.
Bố nó thì miên man tối ngày với những dự án tiền tỷ. Mẹ nó có cáu chỉ mắng : Con gái con đứa gì cứ như nặc nô! Đúng là quỷ cái nó lộn vào cái nhà này! Nó nhếch mép cười khẩy, giọng tỉnh queo: Sao lại độc mồm độc miệng với “tương lai “ thế!
Để cách ly nó với “môi trường ô nhiễm”. Mẹ nó gửi cô con gái rượu sang Mỹ quốc du học, nơi cậu ruột nó công tác.
Với một “thằng” như nó, ở đâu cũng vậy thôi! Trong nước còn học hành dấm dớ, huống chi xuất ngoại? Nó tụ tập đàn đúm với những thằng bản xứ, ăn mặc híp hốp, tóc tai xanh đỏ dựng đứng, đua xe phân khối lớn. Ông cậu cũng không quản lý nổi đứa cháu gái bất trị. Một lần đua xe, nó đã bị tai nạn. May mà không chết, chỉ bị chấn thương sọ não. Chuyển về nước, nó thành đứa ngớ ngẩn.
Từ đấy, “thằng” Gái bị nhốt trong nhà. Nó suốt ngày vật vờ, hết hát, lại cười, lại khóc. Khóc chán, cười chán, hát chán, rồi không còn gì để chán hơn, nó trèo lên bể nước sân thượng tầng năm, đứng chót vót, tay khuỳnh khuỳnh chiếc gậy lau nhà. Mọi người tưởng nó có ý định nhẩy lầu, xúm đông xúm đỏ bên dưới nhìn lên. Nó cứ đứng như thế, cái mặt nghênh nghênh, cái chân khuỳnh khoàng, môi trễ điếu thuốc phì phèo, mắt lim dim nhìn đám mây đen phía chân trời. Thì ra nó định làm “Thần tượng”!
Bố nó bay sang Singapore hôm trước. Hôm sau có một ông khách lạ xuất hiện ở nhà nó. Ông ta, đầu chải bóng mượt, hàng ria đen nhánh, chiếc cà vạt hoa loang lổ. Riêng đôi mắt láo lơ như thằng ăn trộm. Mẹ nó tiếp có vẻ thân mật lắm. Khi thấy nó ở tầng trên đi xuống, ông ta ngoái đầu nhìn, nháy mắt với nó ra điều thân thiết. Nó khẽ nháy mắt lại, xong cất giọng rên rỉ “tình là tình như không mà có…ó…!” Ông ta toét miệng cười, vỗ tay bồm bộp. Mẹ nó lườm ông ta. Quát đuổi nó lên lầu. Nó quăng cái nhìn lườm ông khách, xong buông thõng một câu: Có như thế mà cũng vỗ tay…Đồ dở hơi !
“Thằng” Gái đâu biết rằng, ông ta chính là bố đẻ của nó!
Thế mới biết rằng, sự bất chính vụng trộm của thế hệ trước, bao giờ cũng để lại những hệ luỵ mà xã hội phải gánh chịu. Quả tiền nhân nói không sai “ Thượng bất chính. Hạ tất loạn”!
Kim Lê