Phú “ hin”
Kim Lê
Chủ hãng nước mắm Đại Hải là Quản Trọng Phú. Mọi người thường gọi là Phú “hin”. Gã to thô, đầu húi cua, da mặt thiết bì sần lên những vết thâm, làm nền cho chiếc mũi sư tử chồm chỗm một cách mất lịch sự trên khuôn mặt hình quả lê. Khuôn mặt hình quả lê thì phần trán hẹp lại, phần má phình ra, ép vào cái mồm làm cho nó bị lép vế một cách thảm hại. Ngược lại, đôi mắt ốc nhồi của gã không chịu kém miếng với cái mũi, nó thao láo và luôn đùn dử hai bên khoé mắt . Gã gắn lên đôi mắt kém thẩm mỹ ấy một cặp kính không số.
Xấu đẹp về hình thức có thể châm chước được. Nhưng đằng này, gã xấu cả về tính nết. Phú “hin” là một đại gia! Điều này không cần bàn cãi! Nhưng tính nết của gã không hề có chút đại gia nào! Đi tiệc tùng cỗ bàn ở đâu, khi ngồi vào bàn tiệc, việc đầu tiên của gã là cầm bất cứ một đĩa thức ăn nào mà gã nghi vấn đưa lên mũi…ngửi. Gã chun chun mũi và phán một câu rất ư hồn nhiên: Ư…ừ! Món này có mùi!- Gia chủ thoáng chút tự ái kiểm tra lại, vẫn không tin vào cái mũi của mình đưa cho người khác kiểm tra thêm. Kết luận không có vấn đề gì! Nhưng bao giờ thực khách cũng bị “tự kỷ ám thị”, đĩa thức ăn ấy ít được đụng đến. Ăn xong xỉa răng là chuyện bình thường. Nhưng đối với gã, khi xong công việc “vệ sinh” ấy, gã thường đưa đầu tăm lên mũi… ngửi. Có ông bạn nối khố góp ý: Này! Con khỉ! Bạ cái gì mày cũng đưa lên mũi ngửi là thế nào? Gã cười hơ hớ: Thằng này nói đến lạ! Trời sinh ra cái mũi để làm gì?
Dù sao, những cái đấy thuộc về thói quen sinh hoạt. Cái đáng trách là thói bần tiện thâm căn cố đế đã ăn sâu vào máu thịt của gã. Phú “hin” thường trích dẫn câu của sư phụ Nguyễn văn Chẩn (vua lốp ở Hà Nội một thời). “ Mỗi lần tôi phải rút ví ra là cảm thấy như… đứt từng khúc ruột!”.
Phú “hin” bần tiện ngay cả với con người của gã. Ăn sáng, không bao giờ gã cho phép vượt ngưỡng mười ngàn. Ổ bánh mỳ chấm đường, nắm xôi lúa hoặc đĩa bánh cuốn Thanh Trì là thực đơn thường ngày của gã. Thứ bảy,chủ nhật mới có tiêu chuẩn phở. Gã cất công lên tận Mơ để ăn phở“Nhất”.Không phải phở “Nhất” ngon, mà chính là phở ở đấy rẻ! Bát phở sốt vang đầy tú hụ chỉ có mười ngàn. Thời bao cấp lấy đâu ra mà ăn ngon như thế? Buổi sáng, gã cứ nống vào bụng hai chai 65 nước đun sôi để nguội rồi đi làm mà chẳng hề hấn gì.
Cái mặc đối với Phú “hin” thì quá đơn giản. Lễ tết tiệc tùng gã tứ thời đóng chiếc vét tông hàng thùng mua ở chợ Kim Liên. Gã không bao giờ “ngớ ngẩn” bỏ ra tiền triệu để mua những đôi giầy. Giầy của gã chỉ có vài chục một đôi, gã mua ở vỉa hè phố Kim Ngưu, nơi tụi câu giầy trộm bày bán.
Kể ra, căn cơ tằn tiện là tính tốt. Nhưng căn cơ tằn tiện đến mức bủn xỉn thì không nên. Phú “hin” giàu nứt đố đổ vách! Nhưng anh em họ hàng đừng có mà xơ múi. “Hãy tự làm lấy mà ăn , đồ lười lao động!” Gã thường bảo thế.
***
Mẹ Phú “hin” mất. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã được ba năm đến kỳ thay áo. Chiều hôm trước, gã về quê thuê mấy đứa cháu họ phạt nấm, kênh nắp ván thiên để sáng mai bốc sớm. Nhờ ông chú họ làm vài chục mâm để mời khách khứa họ hàng. Toàn những việc phải mó đến đồng tiền .Gã là con trưởng bỏ ra một nửa, còn lại chia đều cho cô em và chú út. Gã bảo: Mẹ là mẹ chung! Trả nghĩa mẹ lần cuối, hai đứa phải có nghĩa vụ đóng góp!
Cô em lấy phải anh chồng nghèo, vặt mũi đút miệng không xong. Chú út làm thuê cho gã, lương tháng hai triệu, gã trừ béng năm trăm cơm nuôi một bữa.Gã tặc lưỡi: “Anh em kiến giả nhất phận! Phải tự lực cánh sinh, không được ỷ lại !”.
Bốn giờ sáng hôm đó, anh em, con cháu, họ hàng lục đục kéo nhau ra ngoài đồng. Khi mở nắp ván thiên, nước lưng lửng quan tài Tư “còm”, chuyên nghề bốc mả nhảy xuống để nhặt xương. Xương ống chân, ống tay, rẻ sườn được chuyển lên cho người ngồi trên rửa nước thơm xếp vào tiểu. Tư “còm” khua khoắng một hồi, rồi ngẩng lên hốt hoảng:
- Không thấy cái sọ đâu…? Anh Phú…!
- Sao…?
- Em đã mò kỹ, không thấy cái sọ của cụ…
- …?...?...?
Mọi người nhao nhao lên, gã hoảng hốt giục lấy chậu tát nước. Khi nước còn sâm sấp, thì quả nhiên thấy mất đi cái sọ. Mọi người xôn xao. Công việc, giờ giấc, cỗ bàn đã được sắp xếp đâu vào đấy. Bây giờ lại xẩy ra sự cố…?
Lão Nham thầy cúng thì thào :
- Thôi chết rồi…! Đêm qua, kênh ván thiên mà không cử người canh…
- Sao…? Ông bảo sao ? - Phú “hin” thảng thốt hỏi lại - Có kẻ lấy trộm hả…?
- Chứ còn gì nữa! Tụi nghiện thì chúng có ngán cái gì…?!
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Ờ! Tụi nghiện thì chẳng ngán cái gì thật! Đến mả bố chúng mà đào lên để có tiền hút thì chúng vẫn đào!
…Bỗng chiếc Nokia của Phú “hin” rung lên, nhạc chuông “tiếng chày trên soóc Bom Bo” như trêu tức.
Gã móc máy, giọng gắt lên:
- A lô!
Đầu máy bên kia cất tiếng nhờn nhợt:
- Chào sếp! Sếp không biết em, nhưng em biết rõ về sếp!...
- Mày là đứa nào?
- Em là đứa đã mượn tạm cái “hoa cái” của cụ. Chỉ xin sếp ít tiền thôi…
- À…! Thì ra lũ khố dây..! lũ ma xó!... lũ ma cà chớp! lũ ăn mày… ăn nhặt!
- Hề…hề! Sếp muốn gọi tụi em là lũ gì cũng được!...
Gã hạ giọng:
- Chúng mày định xin đểu bao nhiêu?
- Tụi em chỉ xin sếp năm triệu thôi mà…
Gã giẫy nẩy:
- Năm triệu!...Tao có đào mả tổ chúng mày lên cũng không có từng ấy tiền!
- Hề…hề! Sếp lại “Trần Quấy” rồi! Năm triệu đối với sếp như muỗi đốt inox…
Gã bực mình tắt máy.
Mọi người xôn xao. Đúng là lũ khố đỉn, chúng dồn người ta vào thế bí.
…Gã ngồi thụp xuống bờ ruộng. Chỏm mũi sư tử tím tái lại. Tại sao chúng lại biết số phone của mình? À..! Đầu với óc! Trên kính hậu xe con có ghi tên hãng và số máy...
Cô em và chú út lại bên ông anh, cất giọng lo lắng:
-Bây giờ tính sao, bác cả?
Gã gắt lên:
- Còn tính sao nữa. Tiền đ…đâu ra mà chuộc ?!
Cô em nhìn chú út thở dài. Chú út nhìn ông anh. Lúc sau gằn giọng:
Thôi thế này! Ông cứ ứng tiền ra, xong về tôi chịu tất! Được chưa?
Phú “hin” chề môi , ghé sát tai thằng em thì thầm:
- Mày nói thật hay đùa đấy? Ngữ mày, móc đít bảy ngày không thấy cứt!…sĩ diện!
Chú út tím mặt...
Chiếc Nokia của gã lại đổ chuông:
- A lô!
Đầu máy bên kia, tiếng khào khào như mèo rên:
- Thế nào sếp? Còn nghĩ ngợi gì nữa, sắp qua giờ hoàng đạo rồi…
- Nghĩ cái mả mẹ chúng mày!
- …?
Gã tặc lưỡi:
- Thôi..! Tao thí hồ thí cháo cho chúng mày hai triệu.
- Trời đất quỷ thần ơi! Mang tiếng là “Phú” sao sếp ”hin” thế!
...Tút...tút...tút! Đầu bên kia tắt máy.
Mọi người lo lắng nhìn nhau. Phía đằng đông, trời đã hưng hửng.
... Phú ”hin” nhổ toẹt bãi nước bọt. Lúc sau, gã bấm vào số máy vừa gọi, giọng uất lên:
- Lũ chó chết !...Tao cho thêm năm trăm! Nếu không đồng ý thì mang về đặt lên bàn thờ tổ chúng mày mà thờ!
Cuối cùng, bọn nghiện phải xuống thang. Chúng bảo gã mang tiền ra miếu cô hồn, để ở dưới chân bát nhang. Lấy tiền xong, chúng báo cho gã nơi để sọ của cụ. Mọi người vội vã kéo nhau ra, chiếc sọ của mẹ gã vứt lăn lóc chân bờ rào sau chùa
***
Hôm nay là ngày ông công ông táo lên chầu giời. Nhà Phú “hin” cũng làm một mâm để cúng. Thiên hạ đổ đi mua cá chép vàng, cá chép đỏ, cúng xong đổ xuống hồ ao. Đúng là một lũ cuồng tín, lãng phí dở hơi! Nhà gã chỉ làm mấy con cá giấy kèm trong túi đồ mã “hai ông một bà”mua của tụi gánh rong. Cúng xong, gã sai ôsin mang vàng đi hoá ở góc sân. Ôsin hoá thế nào dội nước không kỹ, lúc sau ngọn lửa âm ỉ gặp gió bùng lên, bén vào bộ quần áo bảo hộ vắt trên đống can nhựa. Khi đó Phú “hin” đang ngủ gật trên sofa ở lầu hai. Ôsin lúi húi lau chùi quét dọn nhà ngoài, khi ngửi thấy mùi khét, nó chạy vào thì lửa đã lan sang tấm bạt che hàng cháy lem lém. nó hốt hoảng chạy lên lầu gọi ông chủ. Phú “hin” vẫn chưa tỉnh cơn say, gã ú ớ loạng choạng lúc sau mới hồi trí lao xuống cầu thang, trượt chân ngã lông lốc từ trên tầng hai xuống…
Hậu quả vụ hoả hoạn thiệt hại không đáng kể. Cái đang kể là ông chủ bị chấn thương sọ não.
Từ đó, Phú “hin” chỉ quanh quẩn ở nhà. Lúc nào gã cũng khoác chiếc vét tông hàng thùng, cổ thắt cà vạt nghiêm chỉnh, nhưng ở dưới ,gã lại đánh chiếc quần đùi. Gã thường đứng ở chân cầu thang nhìn khách vào mua bán, bất kể quen hay lạ, đàn ông hay đàn bà, gã đều giơ tay chào, xong toét miệng ra cười…
Thi thoảng với bộ cánh như thế, gã đi dạo phố. Gã thủ sẵn ở nhà những cọc tiền lẻ, khi qua bất kỳ một cửa nhà nào, gã đều nhét vào khe cửa những đồng năm trăm, một nghìn…, giống như những người đi rải tờ rơi.
***
. Vào một buổi chiều hè oi bức. Bên thành cầu Long Biên, người ta thấy một gã đàn ông vận vét tông, đeo cà vạt, đóng quần đùi, cầm những xếp tiền ném xuống sông. Có những tờ ngược chiều gió rớt xuống đường. Người đi đường cúi xuống nhặt, ngạc nhiên! Toàn là tiền mệnh giá cao. Một trăm, hai trăm, năm trăm. Tiền giả? Thằng cha phi tang tiền giả? Hai viên cảnh sát ở đầu cầu có người báo, vội phóng xe đến, mời gã đàn ông về đồn giải quyết. Toàn bộ số tiền trong người gã được lấy ra. Khi kiểm tra bằng đèn soi, số tiền đó đích thị do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành!
Hai tay trật tự thầm thì với nhau: “Thằng cha bị điên! Nhưng mà điên tỷ phú!”.
Kim Lê