Định ngả người lên giường, điện thoại trên bàn reo, Cát Tường phải ngồi dậy. Cô cầm lấy điện thoại, bấm nút nghe - cái điện thoại di động Lập Quân đã đưa cho cô để tiện việc liên lạc:
– Alô, Cát Tường nghe đây.
– Anh Lập Quân đây. Em chưa ngủ sao, Cát Tường?
– Dạ chưa. Em còn phải ra quán phụ mợ em cho đến bây giờ mới về.
Lập Quân kêu trời:
– Trời đất ơi! Cả ngày đi đóng phim tối về còn phụ bán quán, em tưởng em là cái máy hay sao vậy Cát Tường? Rồi ngày mai làm sao em dậy nổi?
– Đâu có sao. Nếu anh muốn năm giờ sáng em dậy, em vẫn dậy nổi.
– Vấn đề là em phải nghỉ ngơi cho có sức để ngày mai làm việc, em hiểu chưa? Thời giờ rãnh, em nên đọc lại kịch bản để nghiên cứu tâm lý nhân vật đóng cho đạt, em hiểu không?
– Dạ, em hiểu rồi. Anh gọi điện thoại cho em có chuyện gì không?
Giọng Lập Quân nửa đùa nửa thật:
– Thì kiểm tra em đó, ai ngờ phát hiện ra em không nghỉ ngơi mà lại ra quán phụ bán cà phê. Mợ em nên thuê người làm hơn là vừa muốn có tiền, vừa bắt em phải làm cho bà. Anh không yên tâm chút nào, khi em phung phí sức khỏe.
Ngày mai không được như vậy nữa, nghe chưa?
Cát Tường cười khẽ:
– Dạ.
Lập Quân muốn nói với cô bé, anh không ngủ được vì nhớ cô, nhưng rồi anh lại thôi. Suồng sã quá. Tâm hồn cô hãy còn ngây thơ trong sáng. Hãy để cho tâm hồn cô được bình lặng. Anh khe khẽ:
– Thôi, em đi ngủ đi, khuya rồi.
Lập Quân gác điện thoại. Anh giật khẽ người khi thấy cha đứng ở cửa.
– Ba chưa ngủ sao ba?
– Chưa. Đi ngang phòng con, nghe con nói chuyện điện thoại nên ba ghé vào.
– Con nói chuyện với cô diễn viên chính bộ phim mình đang quay đó ba.
Thật đáng giận ... cả ngày làm việc, tối cô ta về nhà còn bị bà mợ bắt ra phụ bán cà phê, mười hai giờ đêm mới về đến nhà.
– Cô ta mồ coi à?
– Dạ. Từ lúc ba tuổi lận ba ạ. Bà mợ của cô ấy là người tham lam.
– Thôi, con ngủ đi.
Ông Bằng bước ra ngoài. Ông cũng có một đứa con gái, không hiểu Cát Hương có tái hôn? Chắc là có. Năm ông sang Pháp định cư, Cát Hương mới hai mươi. Ông xa quê mười tám năm chẵn. Đứa con gái của ông bây giờ cũng vừa mười tám. Nó có giống ông và liệu cuộc sống có vất vả như cô gái Lập Quân vừa nói?
Sang Pháp, ông cưới vợ và trong lần tai nạn giao thông, ông không còn khả năng có con nữa. Lập Quân là đứa con riêng, ông không muốn phân biệt con của vợ và con của mình. Nhưng từ trong trái tim, ông hiểu sẽ rất bất công, khi Lập Quân có đầy đủ, còn đứa con gái của ông thì vất vưởng nghèo khổ.
Tìm nó ở đâu? Cho đến bây giờ văn phòng thám tử vẫn chưa cho ông một chút tin vui nào.
Điện thoại reo vào lúc sáng sớm, đánh thức ông Bằng. Ông vươn tay nhấc điện thoại:
– Alô.
– Tôi muốn gặp ông Bằng, số điện thoại ...
– Là tôi đây.
Ông Bằng nhìn về phía vợ, xong vội vàng trỗi dậy đi ra ngoài, không quên thận trọng gài cửa lại. Ông nói tiếp vào máy:
– Cô là ai?
Giọng trả lời còn rất trẻ:
– Tôi có thể cung cấp tin về ông Võ Văn Hiển cho ông, có cả ảnh nữa. Nếu là người ông muốn tìm, tôi sẽ giúp ông.
Ông Bằng run lên vì mừng:
– Vâng, vâng. Cô muốn gặp ở đâu?
Chín giờ sáng, tại quán cà phê Cát Đằng đường Nguyễn Du. Ông biết quán cà phê đó không? Tôi sẽ ngồi ở bàn trong cùng.
– Tôi sẽ tìm. Tôi nhất định đến và hậu tạ cho cô.
Tắt điện thoại, ông Bằng sung sướng. Nhưng rồi ông cau mày, sao Út Hiển không gọi điện thoại cho ông, mà lại là một cô gái? Hay cô gái này chính là con ông. Tim ông nôn nao. Mười tám năm, đứa con gái của ông bây giờ đã là một thiếu nữ, xinh xắn hay xấu xí nó vẫn là giọt máu của ông.
Bây giờ là bảy giờ ba mươi. Một tiếng đồng hồ nữa, ông sẽ đến đó.
Ông Bằng đến sớm nữa giờ, vì nôn nóng. Nhưng Thúy Hòa còn đến sớm hơn, cô không ngồi bàn trong cùng, mà ngay cửa quán. Cô giật khẽ người khi một người đàn ông đứng tuổi sang trọng từ trên xe du lịch bước xuống. Ông ta đi vào quán và nhìn quanh, xong đến bàn trong cùng.
Có đúng là ông ta? Thúy Hòa mở điện thoại bấm số máy, cô nghe tiếng điện thoại reo nhỏ và ông ta bắt máy. Đúng là ông ta.
Thúy Hòa đứng lên. Ông ta là dân nhà giàu đúng như suy đoán của cô. Thúy Hòa nói vào máy:
– Alô. Ông Bằng, ông đã đến rồi chứ?
– Vâng, tôi đã đến. Cô đang ở đâu?
Thúy Hòa bước lại trước mặt ông Bằng, cô tắt điện thoại và mở ví lấy tấm ảnh của cha mình đặt lên bàn:
– Đây có phải là người ông cần tìm?
Ông Bằng chụp lấy tấm ảnh. So với mười mấy năm trước, Út Hiển không già mấy. Ông run lên:
– Bây giờ cậu ấy ở đâu, cháu nói đi. Cháu là ... gọi Út Hiển như thế nào?
– Tôi gọi ông ấy bằng cậu.
– Vậy cô là ...
– Cát Hòa.
Ông Bằng bật dậy như một cái lò xo.
– Là con đây sao? Năm nay con bao nhiêu tuổi?
– Mười tám. Ông có biết là mẹ tôi đã mất rồi không. Lúc tôi lên ba, tôi đã sống với ông cậu nhu nhược và bà mợ độc ác.
Nước mắt Thúy Hòa trào ra, cô đóng kịch tài tình đến độ khóc ngon lành.
– Mười tám năm nay tôi sống thiếu thốn, đói nghèo, ông có biết không?
Ông Bằng xúc động đứng lên ôm vai Thúy Hòa dìu ngồi xuống ghế:
– Con bình tĩnh.
Ông gọi phục vụ mang nước ra:
– Vậy bây giờ con ở với mợ và cậu ở đâu?
– Tôi ở với ... mợ tôi. Còn cậu tôi, ông đâu còn sống nữa.
Ông Bằng sững sờ:
– Cậu Út Hiển mất rồi à?
– Dạ.
– Con có thể dẫn ta đi gặp mợ của con chứ?
– Dĩ nhiên là được! Nhưng ông có của là ông Bằng, cha của tôi không vậy?
Ông Bằng nghẹn ngào:
– Phải. Ba là ba của con. Ba tìm con hai năm nay, mãi bây giờ mới gặp được con.
– Ba!
Thúy Hòa khóc òa lên:
– Từ nay ba sẽ lo cho con, phải không ba?
– Phải. Ba sẽ lo cho con. Con đã học đến đâu rồi vậy?
– Dạ, đến lớp mười hai thì nghỉ.
– Như vậy con mới nghỉ học thôi mà. Ba sẽ lo cho con đi học tiếp.
Thúy Hòa cắn môi. Cô đã hai mươi và nghỉ học đã hai năm nay. Bây giờ đi học tiếp cũng khó, nhưng đã trót nói dối và phóng lao thi phải theo lao.
Ông Bằng dang người ra ngắm Thúy Hòa. Không xinh lắm, tuy nhiên nó là giọt máu bị ông bỏ rơi, ông có bổn phận phải bù đắp cho con của mình.
– Bây giờ mợ của con sống với con, còn ai nữa không? Hồi đó, ba nhớ mợ còn có cu Hiếu nữa.
Không ngờ ông còn nhớ đến anh Hai mình, Thúy Hòa nhanh trí đáp lại:
– Dạ, anh Hai con đi làm công nhân, thỉnh thoảng mới về nhà.
– Vậy rồi mợ của con làm gì sống, có đứa con nào nữa không?
– Dạ .... mợ con mở quán bán cà phê. Còn con đi làm tiếp thị.
– Có ba rồi, ba không để cho con khổ nữa. Ba sẽ lo chỗ ở cho con. Một lát, con đưa ba đi gặp mợ con, ba muốn xem chỗ ở của con ra sao.
– Hay là ba để con gọi điện thoại cho mợ, gọi mợ đến đây nghe ba.
Ông Bằng gật đầu dễ dãi:
– Được, con gọi đi!
Ông Bằng âu yếm ngắm con gái mình. Tội nghiệp, mười mấy năm nay nó sống khổ, nhưng mà sao ... Mãi đến bây giờ ông mới nhận ra, con gái ông có điện thoại và mặc quần áo đâu phải con nhà nghèo.
Thúy Hòa lảng ra xa, cô gọi điện thoại về nhà.
– Mẹ mau đến đây đi! Ông ấy muốn gặp mẹ. Mẹ nhớ nói con là Cát Hòa, là con của ông ấy. Nhớ đó, đừng có làm hỏng “phi vụ làm ăn” của con. À, mà nói ba đã chết một năm nay rồi nghen mẹ!
Bà Hiển há hốc mồm. Trời đất ơi! Đứa con gái quậy phá của bà, nó toan tính chuyện động trời gì đây? Tuy nhiên, bà không thể không đến.
Vừa trông thấy mẹ trên xe bước xuống, Thúy Hòa ào ra đón:
– Mợ!
Cô nháy mắt:
– Có ba con đang đợi mẹ.
Bà Hiển tức muốn chết, đành phải đi theo vào. Thúy Hòa cười tươi:
– Ba! Có mợ Hiển.
Ông Bằng đứng dậy. Mười mấy năm nhưng nhìn thấy bà Hiển, ông vẫn nhận ra, nên xúc động ôm lấy vai bà Hiển:
– Tôi đã tìm chị và cháu rất lâu, không ngờ bây giờ mới gặp. Cám ơn chị mười mấy năm nay đã nuôi dưỡng tử tế cháu Cát Hòa.
Ở vào cái thế không đặng đừng, bà Hiển đành phải sa nước mắt “cá sấu”:
– Cậu đi gì mà biền biệt những mười tám năm vậy?
Ông Bằng cười, buông bà Hiển ra và kéo ghế:
– Ngồi đi chị! Cát Hòa, con gọi phục vụ mang nước ra cho mợ của con.
– Dạ.
Thúy Hòa vẫy phục vụ gọi ly nước, trong lúc bà Hiển ngắm ông Bằng:
– Cậu vẫn đẹp trai và sang trọng. Cậu đã cưới vợ và có con rồi phải không?
Ông Bằng thở dài:
– Qua Pháp một năm, tôi cưới vợ. Nhưng một tai nạn giao thông, vợ chồng tôi không còn khả năng có con được nữa. Có điều, cô ấy có một đứa con trai riêng. Tuy nhiên, thằng bé cũng hiếu thảo. Tôi xem nó như con ruột của mình vậy. Tôi về Việt Nam cũng gần hai năm, cứ tìm anh Hiển và chị mãi, ai ngờ ảnh đã chết.
– Chết?
Suýt chút nữa, bà Hiển đã kêu lên. Mày là nhờ Thúy Hòa đạp lên chân bà dưới gầm bàn, bà đành cười như mếu:
– Ờ ... ảnh chết cũng một năm. Tôi còn con Hòa với thằng Hiếu.
– Thằng Hiếu đang làm gì vậy chị?
– Nó đi làm công nhân điện lực, cũng vất vả lắm.
Ông Bằng trầm ngâm:
– Đã không gặp lại thì thôi, còn đã gặp, chúng ta nên xem như người trong nhà. Chị đã nuôi cháu Hòa mười mấy năm nay, tôi vô cùng biết ơn. Phần Cát Hòa, tôi sẽ cho nó đi học lại để thi vào đại học. Còn cháu Hiếu, tôi sẽ đưa nó vào hãng phim, xem có việc gì thì phân cho nón làm.
Thúy Hòa kêu lên:
– Hãng phim? Hãng phim gì hả ba?
– Hãng phim Hoa Hồng. Ba giao hết cho Lập Quân kinh doanh, ba chỉ ở nhiệm vụ cố vấn.
Thúy Hòa bưng miệng. Nếu không, cô đã hét to lên rồi. Sao có chuyện trùng hợp trớ trêu như vậy. Cái ngữ này, chuyện cô nói dối sẽ “lòi chành té mứa” ra.
Đúng là lõ leo lên lưng cọp rồi không biết làm sao mà xuống.
Đến lúc ra xe đi về, bà Hiển mới véo tai con gái:
– Mày đã thấy hậu quả điên khùng của mày chưa? Ba mày mà biết mày nói ổng chết, ổng đập cho mày gãy giò luôn. Còn con Cát Tường nữa, ngày nào cũng ở cạnh Lập Quân, đổ bể ra, mày vạch đất mà chun xuống cũng chưa hết xấu hổ. Con ơi là con!
Thúy Hòa xô mạnh bà Hiển ra:
– Mẹ véo tai con đau muốn chết luôn. Để từ từ tính, mẹ làm gì sợ dữ vậy. Có đổ bể ra, mẹ cũng có cái chi phiếu hai chục triệu đó, có lỗ lã gì đâu.
Thúy Hòa tíu tít:
– Ông ấy còn nói mua nhà cho con, mua xe nữa, mẹ có thấy giàu có sung sướng chưa?
Thúy Hòa vui, còn bà Hiển không vui chút nào. Bà từng ngược đãi Cát Tường, một ngày nào đó Cát Tường nhìn ra cha mình, lúc đó nó rẻ rúng bà cũng đành phải chịu.
Ông Bằng đến phim trường cũng vừa lúc đoàn làm phim đi quay ngoại cảnh ở núi Bửu Long về. Lập Quân xuống xe, anh đi ngay lại với cha mình:
– Ba!
– Ờ, con đi quay phim về đấy à?
– Dạ. Con định mang phần quay phim vào chiếu lại xem sao. Cát Tường đóng đạt lắm ba ạ.
Cát Tường! Ông Bằng nhíu mày. Chữ “Cát” khiến ông chú ý. Nhưng ông trấn an mình ngay. Chỉ là một cái tên lót cho đẹp, ai cũng có thể có.
Lập Quân quay lại phía sau, vui vẻ:
– Em có thể vào phòng cùng xem luôn đi, Cát Tường. Ba của anh đấy. - Lập Quân giới thiệu - Cát Tường diễn viên chính của phim đang quay đó ba.
Cát Tường lễ phép chào ông Bằng. Ông nhìn sững Cát Tường. Cô bé có đôi mắt đẹp quá và một gương mặt đã mười mấy năm ông không bao giờ quên. Nếu như lùi lại mười tám năm trước, ông sẽ ngỡ người đứng trước mặt mình là Cát Hương.
Cát Tường vô tình cúi chào. Lập Quân ôm vai cha:
– Mình vào trong đi ba.
Nhưng ông Bằng đi chậm lại:
– Cát Tường là tên thật của cô hay là nghệ danh của cô vậy?
– Dạ, tên thật. Trong khai sanh của cháu ghi như vậy thôi, không có họ.
– Cô còn đủ cha mẹ chứ?
– Dạ không!
Lập Quân mỉm cười:
– Sao ba lại điều tra lý lịch của Cát Tường kỹ vậy? Để con trả lời giùm Cát Tường. Cát Tường mồ côi từ lúc ba tháng tuổi. Hiện ở với bà mợ, ông cậu và một anh trai, một chị gái.
– Mẹ của cháu là Cát Hương, có phải không?
Đến phiên Cát Tường ngạc nhiên:
– Sao bác biết tên mẹ của cháu vậy?
Ông Bằng cười cay đắng. Sáng nay, ông đã bị gạt.
– Cậu của cháu tên Út Hiển, Võ Văn Hiển, đúng không?
– Dạ, phải.
– Cháu còn người anh trai tên Hiếu, và người chị hay em gì đó tên Hòa?
Cát Tường reo lên:
– Bác ơi! Sao bác biết rõ về gia đình cháu quá vậy?
– Bây giờ cháu ở đâu?
– Dạ, cháu ở quận Sáu với cậu và mợ.
– Cậu?
– Dạ, cậu cháu lúc này đau hoài, cậu nói là bệnh già.
Hết còn chịu nổi, ông Bằng xông lại nắm tay Cát Tường lôi đi:
– Con ra xe đi, đưa ta về nhà gặp cậu của con!
Cát Tường không hiểu gì hết, cô nhìn Lập Quân dò hỏi. Lập Quân lắc đầu:
– Ba ơi! Có chuyện gì vậy?
– Chưa phải lúc có câu trả lời cho con. Đi, Cát Tường!
Cát Tường riu ríu đi. Cô thấy sợ, vì hình như chuyện rất quan trọng.
Ngồi lên xe rồi, Cát Tường cứ cúi đầu vì đôi mắt của vị tổng giám đốc cứ chiếu vào cô. Ông đang bắt gặp lại hình ảnh của quá khứ, người con gái bị ông bỏ rơi khi ông đi định cư sang Pháp. Cô đã sống trong nghèo khổ và chờ đợi ông để rồi lạnh lùng ra đi.
Cô để lại cho ông một giọt máu như là bản sao của chính mình vậy. Tim ông bồi hồi cảm xúc. Tuy nhiên, ông cố dằn nén tình cảm của mình.
Bảo xe ngừng lại, Cát Tường mới dám nhìn vị tổng giám đốc của mình:
– Dạ, đã đến đường vào nhà cháu. Nhưng phải đi bộ vào một quãng, vì đường nhỏ nên xe không vào được.
– Không sao đâu.
Ông Bằng mở cửa xe bước xuống. Cát Tường đi trước ông một chút. Lập Quân theo sau cùng.
Cát Tường thò tay vào phía trong đẩy móc khóa cổng rồi quay lại:
– Dạ, cháu mời bác vào nhà.
Ông Hiển bước ra ngạc nhiên:
– Hôm nay con về sớm vậy Cát Tường?
Ông khựng lại, bởi người khách đang bước vào nhà mình, rồi kêu lên thảng thốt:
– Cậu Hai Bằng!
Ông Bằng bước tới:
– Anh còn sống sao anh Hiển? Vậy mà có người dám nói anh đã chết hồi năm rồi.
Ông Hiển bật cười:
– Ai mà ác miệng dữ vậy? Mà sao cậu biết là tôi ở đây mà đến tìm?
Ông Bằng chỉ vào Cát Tường:
– Nếu không gặp con bé này, tôi đâu có biết anh ở đây và suýt nữa bị vợ anh và đứa con gái anh gạt rồi.
Ông Hiển nhíu mày:
– Vợ tôi và con gái tôi gạt cậu?
– Một lát nữa, tôi sẽ nói chuyện này sau. Bây giờ tôi hỏi thật anh, có phải Cát Tường là con gái Cát Hương và tôi?
Ông Hiển gật đầu:
– Là nó đó. Cậu đi được một năm thì cô Cát Hương bệnh rồi qua đời. Tôi hay tin vội về Cẩm Giang mang con bé lên Sài Gòn nuôi cho đến bây giờ. Tôi cứ chờ mà cậu thì không về.
Cát Tường ngơ ngác, hết nhìn ông Hiển rồi nhìn ông Bằng. Theo cách nói của hai người, cô là con của ông Bằng.
Bắt gặp cái nhìn của Cát Tường, ông Hiển gọi:
– Chuột Lắt! Con nhìn ba con đi. Ông Bằng là cha của con đó.
Chuột Lắt! Ông Bằng xúc động:
– Chuột Lắt! Đúng là con. Cái tên ba đặt cho con, vì con luôn nhút nhát. Con đúng là con gái của ba. Lại đây con!
Nhưng Cát Tường lùi lại trước cánh tay dang rộng chờ đón cô. Cô lắc đầu mà nước mắt tuôn dòng:
– Tôi không phải là con ông. Có người cha nào bỏ con mình mười tám năm.
Lúc mẹ chết, tôi vẫn không biết, nằm rúc vào bà tìm hơi ấm, cứ gọi “Mẹ ơi, con đói quá. Mẹ mua cái gì cho con ăn”, mà mẹ thì cứ nằm im. Mẹ tôi đã chết ...
Trời ơi! Ông Bằng choáng váng buông thõng tay. Con của ông từ chối ông.
Nó đang hận ông, bởi vì ông đã bỏ rơi mẹ con nó. Ông đâu có muốn thế, ông cứ tưởng sang bên đó, một thời gian ông sẽ về. Nhưng rồi cuộc sống ở vùng đất hứa không phải là thiên đường. Ở đâu cũng có làm mới có ăn. Những công việc mà ở Việt Nam cả đời ông chưa bao giờ mó tay vào, sang Pháp, ông phải làm:
Đi giao báo, rửa chén bát, ai thuê gì làm nấy, cho đến ngày ông gặp bà Nguyệt là mẹ của Lập Quân, cuộc đời ông mới đi lên.
Ông Hiển giữ Cát Tường lại:
– Con không nên cư xử với ba con như vậy. Ổng đâu có muốn bỏ con, tại hoàn cảnh thôi.
Cát Tường gỡ tay ông Hiển ra:
– Con không biết phải làm gì nữa. Cậu hãy để cho con bình tĩnh lại đã.
Cô chạy lên gác, nằm vùi mặt xuống gối. Làm sao cô có thể quên thời thơ ấu đau khổ, thiếu bàn tay mẹ, tình thương của người cha.
Cứ mỗi lần cậu Hiển lo cho Thúy Hòa, cô tủi thân biết bao nhiêu. Cô có thể tha thứ cho người đã tạo ra mình không? Mẹ của cô đã vì thương nhớ, vì nghe tin ông ta cưới vợ bên Pháp, đã bệnh mà chết. Bây giờ mười tám năm, ân tình nhạt phai, ông ta lại trở về. Để làm gì? Không có ông ta, cô vẫn sống kia mà!
Trong khi đó, nơi phòng khách, ông Hiển an ủi:
– Cậu đừng buồn, rồi tôi sẽ giải thích cho nó hiểu.
Lập Quân nhìn lên gác. Anh không ngờ mình lại có một cô em gái xinh đến như thế. Cô em gái mà ít nhiều trái tim anh cũng vừa đang mở ngõ cho một tình yêu đến.
...
– Anh hãy khuyên nhủ con bé giùm tôi!
Cho đến lúc ra về, ông Bằng còn lưu luyến nhìn lại, hy vọng một lần được Cát Tường gọi tiếng ba, để ông quay lại và ông con gái mình vào lòng. Nhưng buồn thay, không có gì chỉ có khoảng không gian đầy nắng.
Ông buồn bã leo lên xe. Lập Quân an ủi:
– Ba đừng buồn! Từ từ, em Cát Tường sẽ suy nghĩ lại.
Ông Bằng phẩy tay bảo tài xế chạy đi, mà không thấy Thúy Hòa đang lùi lại, mặt cô xanh mét, rồi chạy ngược trở lại quán cà phê mà nói không ra lời:
– Mẹ! Mẹ ơi! Chết rồi!
– Cái gì mà chết?
– Ông Bằng ... ông Bằng đến nhà mình ... Con thấy ba ra tận ngoài đường tiễn ổng.
Bà Hiển cũng sợ điếng hồn:
– Mày nói có thật không vậy?
– Không phải thật thì là giả hay sao!
Ông Hiển ra tới, ông gườm gườm nhìn hai mẹ con. Bà Hiển giật nảy cả người:
– Ông làm gì giống ma vậy hả?
– Thì đã chết hơn một năm không giống ma sao được. Tôi không ngờ bà cũng hùa theo con Hòa làm chuyện bậy bạ. Bà đã lấy của người ta bao nhiêu tiền rồi hả?
– Đâu có!
Bà Hiển chối bây bẩy. Trong lúc Thúy Hòa định nhân dịp chuồn đi, ông Hiển nắm áo kéo lại:
– Chạy đi đâu? Mày giỏi quá con ạ. Cha mày còn sống sờ sờ mà mày bảo chết. Mẹ con mày cùng một phường tham lam như nhau. Tao thật xấu hổ!
Ông Hiển định tát tay con gái, bà Hiển lôi lại:
– Đây là quán cà phê, ông muốn dạy bảo gì thì về nhà mà dạy.
– Còn bà nữa!
Ông giận dữ quay ngoắt đi ra ngoài, suýt va vào Hiếu. Hiếu ngơ ngác:
– Có chuyện gì vậy ba?
– Hãy hỏi má mày thì biết! Tao quá nhục nhã xấu hổ rồi!
Hiếu quay nhìn mẹ. Bà Hiển quay sang chỗ khác. Thúy Hòa tức giận vung tay:
– Mẹ việc gì phải sợ ba chứ! Nếu mình có lấy hai chục triệu cũng đáng mà.
mẹ nuôi con Cát Tường mười lăm năm rồi, hai chục triệu đó đủ hả?
Chưa hết tức, cô kéo tay Hiếu:
– Còn anh nữa, đừng có hòng rớ tới người ta, nghe chưa? Người ta bây giờ là con gái ruột của ngài tổng giám đốc hãng phim Hoa Hồng. Anh là ... thứ rác rưỡi ...
Hiếu bắt đầu hiểu:
– Bác Bằng gì đó ở bên Pháp về nước rồi hả mẹ?
– Anh nói chuyện sao mà giống Mán ở trên rừng về thành phố ghê.
Giá như mọi lần, Thúy Hòa hỗn hào, Hiếu đã quát vào mặt cô rồi. Bữa nay, anh im lặng và bất thần chạy vụt ra khỏi quán để về nhà, chạy như điên. Về đến nhà và rầm rập leo lên gác, chừng thấy Cát Tường ngồi thu lu, mắt đỏ hoe, anh mới đứng sựng lại, trấn áp hồi hộp trong lòng mình:
– Ba của em về nước và đã nhận em rồi phải không Lắt?
Cát Tường gật đầu, rồi lại lắc đầu ngay:
– Ông ấy nhận em, nhưng em không muốn gọi là ba.
– Sao vậy?
– Mười mấy năm nay nếu không có cậu, không có anh, em sống làm sao?
Chắc là sống vất vưởng ngoài đường rồi. Trong lúc đó, ông ta sang Pháp cưới vợ. Vì ai mà mẹ em phải chết thảm.
Hiếu thở nhẹ:
– Thì bác Bằng cũng đâu có muốn, tại hoàn cảnh. Em gặp được cha là điều đáng mừng rồi, chẳng phải mỗi lúc buồn, em hay ngồi dựa vào anh, em nói nhớ mẹ, nhớ ba mà không thể hình dung người đó sáng ra sao.
Cát Tường ngồi im. Hiếu đi lại ngồi bên cạnh cô:
– Từ nay, em sẽ có ba lo lắng cho em, em sẽ rời bỏ nhà này. Sau này giàu có rồi, chắc là em sẽ không còn nhớ đến anh nữa.
Cát Tường giận dỗi:
– Em nói là em không đi, ở mãi nhà này mà.
– Có thật không em?
Hiếu mừng quýnh ôm Cát Tường, cô nhoẻn miệng cười:
– Anh buông em ra đi, ôm em mạnh đau muốn chết hà!
– Tại anh mừng quá khi nghe em nói là em sẽ ở mãi nhà này.
– Nhưng cũng có lúc anh lấy vợ. Nhà chật, lúc đó hổng chừng anh còn muốn tống khứ em đi nữa kìa.
– Không có đâu, anh sẽ không cưới vợ. Anh ở như vầy hoài, như hồi nào giờ vậy.
Cát Tường bật cười:
– Làm sao anh không cưới vợ cho được, cậu chỉ có một mình anh.
– Không. Nhất định anh không lấy vợ.
Có tiếng ông Hiển gọi dưới nhà cắt đứt câu chuyện. Cát Tường đứng lên:
– Mình xuống nhà đi anh.
Hiếu thở dài nhìn theo. Có đúng là Cát Tường ngây thơ không biết gì, hay là cô chỉ xem anh là một người anh. Bao giờ thì mình mới dám mở miệng để nói ba chữ “anh yêu em”. Có ba tiếng ngắn thôi, nhưng chẳng dễ dàng để thốt lên lời.
– Con ngồi xuống đó đi cho cậu nói chuyện.
Cát Tường ngồi xuống ghế, cô buồn thiu nhìn cậu Hiển:
– Có phải cậu định khuyên con nhìn ba và để ba lo lắng cho con? Cậu à ...
Ông Hiển xua tay:
– Con để cho cậu nói. Thật ra, ba con không muốn bỏ rơi mẹ của con đâu.
Nhưng lúc đó, ông bà nội con cùng mọi người đi hết sang Pháp, ba con bị bắt buộc phải đi. Lúc đó vừa mới sinh con chưa đầy sáu tháng, cũng vì nguyên nhân này mà ông bà nội con cấm ba con yêu mẹ của con. Thế rồi mẹ con phải gạt lệ cho ba con đi. Xa xôi quá, qua bên Pháp, ông bà nội con làm ăn không được, làm sao có tiền, cho nên muốn gởi tiền về cho mẹ con cũng không có. Mà mẹ con cũng kỳ, thà ôm vàng để cho mình bệnh tật rồi chết. Là do số phận con ạ.
Chẳng ai muốn sống cảnh chia lìa nhau. Con nên hiểu mà thông cảm và tha thứ cho ba con.
– Chuyện còn mới quá, cậu cho con một thời gian.
– Ừ, thì cậu tùy con. Con muốn ở nhà này hay về ở với ba con, cậu không có ý kiến. Tùy con chọn lựa.
– Dạ. Thôi, con đi làm công việc nhà nghe cậu.
Ngồi lặt rau mà tâm hồn Cát Tường để tận đâu đâu. Cô cầm cái dao lên ...Ái!
Lưỡi dao bén ngót cửa vào tay, Cát Tường kêu khẽ, rụt nhanh tay lại.
– Gì vậy Lắt?
Hiếu giật mình lao tới. Anh nắm bàn tay Cát Tường đang chảy máu ở ngón trỏ đưa lên miệng mình. Cát Tường đỏ mặt. Lần đầu tiên, cô mới kịp nhận ra sự lo lắng của Hiếu không nằm khuôn khổ của tình anh em một nhà.
– Em không sao đâu – Cô rụt mạnh tay lại - Để em đi lấy băng cá nhân băng lại.
Hiếu khựng lại vì nhận ra mình đã quá nóng vội bày tỏ tình cảm. Nhưng liệu Chuột Lắt của anh có hiểu cho anh?
Đi lên nhà lấy băng keo cá nhân băng tay mình lại, Cát Tường mới tần ngần.
Cô suy nghĩ đến mấy câu trêu bóng gió của Thúy Hòa. Nhưng rồi cô lắc mạnh đầu. Không có lý nào! Xưa nay, cô luôn xem Hiếu như người anh trai ruột thịt của cô.
Cả buổi chiều, Hiếu không dám đi xuống bếp. Anh lẩn quẩn trong cái ý nghĩ:
Nếu như Cát Tường không chấp nhận tình cảm của anh, cô bỏ về ở với cha ruột.
Hiếu không thể hình dung nổi nếu như căn nhà này không có Cát Tường, anh sẽ sống như thế nào. Mười lăm năm nay, anh quen nhìn thấy cô, cái gì ngon cũng để dành, một ngày không thấy mặt nhau đã nhớ. Nếu như mất nhau mãi mãi ...
Hiếu rùng mình, anh không muốn nghĩ đến cái ngày mai tăm tối ấy.
Buổi sáng, như thường lệ, Cát Tường dậy sớm. Cô pha ấm trà và chuẩn bị rời nhà. Hiếu đón cô ở dưới bếp:
– Tay em bị đứt ngày hôm qua có đau lắm không?
Cát Tường lắc đầu:
– Không sao! Ngoài da thôi mà anh. Em đến hãng phim nghen anh.
– Rồi em định như thế nào, có về nhà ba em ở không?
– Em chưa quyết định gì cả. Tạm thời, em đóng cho xong bộ phim này đã.
Còn hai tuần lễ nữa là xong.
– Anh thấy báo nói nhiều đến em và phim đang quay. Kỳ này, em là người nổi tiếng rồi.
Cát Tường mỉm cười:
– Em chẳng thấy mình nổi tiếng gì cả, em vẫn bình thường.
– Tại em nói như vậy chứ bây giờ, mỗi khi em ra đường, người ta chỉ vào em và nói:
Cô Cát Tường diễn viên điện ảnh chứ có ai nói em là con nhỏ Chuột Lắt hay sợ máy bay trên trời đâu.
Cát Tường phì cười, đánh lên vai Hiếu:
– Em đi đây, có xe lại rước em rồi.
Cô đội cái nón lên đầu và chạy ào đi. Vẫn hồn nhiên trong sáng, có điều càng ngày nàng Chuột Lắt của Hiếu trở nên xinh xắn hơn, duyên dáng hơn cho trái tim Hiếu xôn xao và đau đớn, bởi anh hiểu Cát Tường chỉ xem anh như một người anh.
Cát Tường đứng lại thở khi thấy Lập Quân. Cô cũng vừa nhớ đến chuyện hôm qua. Nếu như cô bằng lòng về ở với cha mình, cô và anh sẽ ở chung một nhà. Cô thật sự lúng túng, không hiểu mình cư xử như thế nào nữa. Cô không ngồi ghế ở băng trước mà ngồi băng sau. Lập Quân nhăn nhó, anh nửa đùa nửa thật:
– Hôm nay em xem anh là tài xế của em hay sao mà ngồi ở băng sau vậy?
– Đâu có.
Cát Tường ấp úng. Lập Quân đùa tiếp:
– Hay là ghét ba rồi ghét luôn cả anh? Đừng nghe Cát Tường!
Cát Tường xụ mặt:
– Anh đừng nhắc đến ba của anh, có được không?
– Em vẫn còn giận ba à?
Cát Tường quay đi, không đùa nữa. Lập Quân lái xe đi.
– Anh biết em giận ba. Nhưng đôi khi có những hoàn cảnh và số phận, người ta muốn vượt qua, không phải muốn mà được.
Cát Tường im lặng nhìn hai bên đường. Lập Quân cũng im lặng lái xe.
Không gian nặng nề, không còn vui vẻ như mỗi sáng gặp nhau. Chính Cát Tường cũng không hiểu nổi tâm trạng của mình. Có lẽ vì cô đã từng thiếu thốn tình cảm, từng căm giận người cha trong quá khứ đã ruồng bỏ mẹ mình. Thời thơ ấu đầy nỗi buồn và khao khát vòng tay của cha, của mẹ khiến cô trong nhất thời khó chấp nhận được cha mình.
Buổi ăn sáng lặng lẽ. Cát Tường ăn uể oải. Lập Quân không vui:
– Em có thể cư xử với anh như bình thường được không? Anh thích em vui vẻ hơn là trầm lặng như thế này. Anh cũng từng có một quãng thời gian khao khát tình phụ tử. Em biết vì sao anh yêu kính ba không? Vì ông đã yêu thương lo lắng cho anh như đứa con ruột thịt của ông vậy. Rồi anh quyến luyến ông, xem ông như cha ruột của mình.
Cát Tường lãnh đạm:
– Em không được như anh, bị cư xử bất công. Có những đêm em vào mùng nằm, kéo chăn đậy kín cả đầu, em đã khóc thầm gọi ba và mẹ mình. Có những đêm trời mưa sấm sét, em sợ đến chết điếng cả người. Lâu ngày, em tự vỗ về mình, sấm sét hay tiếng máy bay rền rĩ đáng sợ nhưng không là gì cả, nó không làm hại em và em đã vượt qua để sống.
Lập Quân cảm động nắm bàn tay Cát Tường giữ lại trong tay mình. Cô cố rụt tay lại nhưng không được. Anh nhìn cô dịu dàng:
– Anh cảm xúc lắm, vì em đã sống như thế. Nhưng anh biết nếu như thời thơ ấu em khổ cực, em sẽ có cuộc sống hạnh phúc về sau này, nhất định như thế.
Cát Tường chịu đựng cái nhìn của Lập Quân, có một chút bối rối lẫn trong một cảm giác rung động, vì dường như trái tim cô cũng vừa mở ngõ cho một tình yêu.