Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Kẻ hô hoán

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 598 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kẻ hô hoán
Bùi Hiển

Hắn bước chậm rãi trong ngõ hẻm. Mùi nước cống thoang thoảng, đôi lúc dậy một luồng đậm đặc hơn do hơi đêm, khai khai thum thủm, nhưng với lỗ mũi hắn lại là mùi quá quen thuộc gần gũi. Bất đồ chân hắn bị vấp giập ngón cái. Điềm chẳng lành. Hắn liền dừng lại, đứng hồi lâu nghe ngóng. Ghé sát mặt vào cánh cổng hậu một nhà nào đó, hắn nhận ra nét trắng mờ một hình vẽ thằng người thô kệch, đầu tròn lông lốc. Có thêm dòng chữ nguệch ngoạc, cũng bằng phấn, tất nhiên hắn không đọc được, hắn không biết chữ quốc ngữ. Riêng có vài ba chữ Hán nghiêng nghiêng ngả ngả, thì hắn nhận ra, nhất là chữ "đại" vì nó giống hệt dáng thằng người đứng dang hai chân hai tay: chả gì hắn cũng đã từng võ vẽ dăm ba chữ thánh hiền với ông thầy đồ trong làng hồi còn để chỏm chứ chơi à.
"Chả nước"! - hắn tự bảo - Nhà mấy thằng học trò trọ học. Hắn không dám tiến xa hơn nữa trong ngõ hẻm: ngón chân cái vẫn còn đau đau. Hắn quay về thôi? Mới đi đã xúi quẩy. Cuối cùng hắn quyết định: cứ liệu, đến đâu hay đến đó.
Dán bàn tay vào tường nhám, hắn dùng tài nghệ riêng ép chặt đầu gối, trườn lên. Tường cắm mảnh chai, nhưng với hắn, mùi mẽ gì cái lối phòng giữ trẻ con ấy. Chỉ cần ba đầu ngón tay bíu vào đầu tường, hắn rút người lên như con tôm. Sau đó, dính đầu gối vào mặt tường, hắn dạo dạo bàn tay trên lượt mảnh chai: kiếm được chỗ đặt tay rồi, hắn rút người lên nữa, đặt một tay sang mép bên kia, đu mình ngồi chạng trên đỉnh tường nhồm nhỗm, hai cánh tay gân guốc đỡ sức nặng của thân. Đoạn, cũng cẩn trọng như thế, hắn vắt chân kia vào phía trong và đạp vào gờ cửa, nhẹ nhàng tuồi xuống.
Chân chạm đất rồi, công việc thứ nhất của hắn là mở hé cửa chiếc cổng hậu, phòng lúc thoát thân. Nhưng then cửa chặt cứng, cưỡng lại dưới tay hắn. Rờ tay rồi cúi nhìn, hắn kinh ngạc nhận ra cửa không gài. Một ý nghi ngờ thoáng qua. Người ta để hé cửa để đánh bẫy kẻ trộm? Nhưng hắn nhận ngay ức đoán ấy vô lý. "Chà, hắn nghĩ, mấy thằng trẻ nó lơ đễnh". Và hắn đứng thẳng dậy. Có gì rơi lả tả trên bàn chân: lần này thì hắn hoảng lên thật sự: một túi áo đã bị móc thủng, chắc hẳn do mảnh chai cắm tường, gạo trong túi rớt xuống, nhúm gạo mà các chú ăn sương dùng gieo nhẹ vào bóng tối để nghe tiếng gieo mà phát hiện các thứ đồ đạc trong nhà. Lại một điềm không may nữa! Hắn gãi trán râm rấp mồ hôi, nhớ đến đài âm dương hắn xin hồi nãy trước lúc xuất hành. Hai đồng tiền rớt xuống đĩa nẩy câng câng, đoạn nằm phô hai mặt vôi trắng xóa. Hắn xuýt xoa khấn khứa, kèo nài, gieo lần thứ hai, lần thứ ba, lại lần nữa. Chẳng ăn thua. Vẫn lúc thì hai mặt sấp, lúc hai mặt ngửa tênh hênh. Lì lợm, hắn khất xin một quẻ thứ năm, miệng khấn lầm rầm mà trong bụng đã muốn nổi tức, cứ như sắp bật lên tiếng rủa. Rốt cuộc quỷ thần đành miễn cưỡng chiều theo ý hắn.
"Cứ làm tới thì được", hắn tự nhủ để trấn an. Tuy vậy, khi lần vào nhà bếp, hắn bước lò dò, chậm rãi, thận trọng hơn mọi lần. Bếp không có cửa. Nhìn vào, hắn nhận ra mờ mờ một hình người nằm trên chiếc chõng kê phía trong, chắc hẳn thằng đứa ở. Nhưng sao tiếng ngáy nghe mệt nhọc nặng nề. Hắn huơ huơ tay lần vào. Tay hắn vừa vô tình va nhẹ vào một vật gì đó bằng gỗ khiến nó bị xê dịch chút đỉnh, tiếng ngáy liền im bặt, rồi có tiếng nẩy lách tách của nan chõng: thằng ở trở mình. Hắn nghĩ thầm: "Chắc hẳn một lão già; ừ phải, thằng nhỏ thôi ở đã hơn một tháng, nghe nói tụi học trò phải tự thổi cơm lấy". Hắn quen phân biệt hai tiếng ngáy; của người già, lập bập lập bập như xe bình bịch nổ máy, tiếng hơi thở kéo qua đờm chặn cuống mũi, có tí động là im liền; còn của người ít tuổi, kéo dài rờn rờn, say sưa, sấm nổ bên tai cũng kệ.
Hắn áp mình vào tường một lát: không nghe động tĩnh gì nữa, hắn mới thử lần lên nhà trên. May làm sao, cửa thông lên nhà trên mở toang hoác. Trời nóng bức, chắc bọn học trò để mở thế cho đỡ ngột ngạt. Hắn tự tin cứ lừng lững bước qua. Vào được dăm bước, chợt ông già dưới bếp cất tiếng ho khùng khục khùng khục một tràng dài. Vừa quay lại, thằng kẻ trộm bỗng có cảm giác thấy một bóng người chạy vụt vào.
Hắn lạnh cả gáy, mở to mắt cố chọc thủng bóng tối đăm đăm nhìn về phía cánh cửa, chỗ hắn nghi cái bóng vừa vào nấp đằng sau: đoạn nín thở, hắn lao nhanh tới góc tường thủ thế.
Một lát khá lâu, yên tĩnh hoàn toàn. Có chiếc ô tô hàng chạy ngoài đường phố, tiếng máy rầm rầm, không biết tại sao, càng khiến hắn thêm yên lòng. Chắc hẳn hồi nãy hắn hoáng mắt đấy thôi. Thằng kẻ trộm già ngạc nhiên tự hỏi sao hôm nay lại có cái sợ trẻ con, hão huyền của thời tập việc làm vậy. Đã quen nghề, hắn chỉ thường thấy một cảm giác rờn rợn hay hay khi lọt vào nhà lạ, cái cảm giác chỉ kích thích thêm chứ không hề làm tê liệt. Hắn thường khoái chí nhớ lại những cái kỳ tích một đêm kia hắn đứng chạng chân trên một người đàn ông nằm ngủ để với lấy chiếc đồng hồ quýt treo trên tường: hắn đã hành động vô cùng lẹ làng, cái dáng điệu đầy nguy hiểm làm rợn hai bắp chân mà hắn cứ tưởng tượng sắp bị hai bàn tay người ngủ chồm lên ghì chặt lấy, đã đem lại một khí lực không ngờ cho sự can đảm táo tợn của hắn.
Màn im lặng khép lại trên tiếng ô tô xa dần rồi tắt hẳn. Vẫn nép mình trong góc tường, hắn đảo mắt quan sát chung quanh.
Nhà lặng phắc; cạnh hai khung cửa sổ mờ mờ ánh sao, bóng vài ba anh học trò nằm ngủ, chân gác lên chấn song. "Vờ ngủ à?". Hắn tự hỏi, rồi lại tự bực tức với mình tại sao hôm nay lại đâm ra nghi hoặc đến thế. Tuy vậy, vẫn không ngăn được thử đưa luồng mắt về phía cánh cửa thông xuống bếp. Chợt hắn dỏng tai: hắn lại vừa tưởng nghe tiếng động nhẹ phía bên ấy, như có ai trở mình! Rồi cũng từ bên ấy đưa sang một tiếng thở ra, tiếng thở hắt, ngắn mà mạnh, như thốt từ ngực bị đè nén. Lần này thì hắn chỉ còn một ý nghĩ: chạy trốn. Quả là có kẻ đang rình để chộp hắn. Khéo tiếng ho lão già lúc nãy chính là để đánh động. Trống ngực hắn đập thình thịch. Liếm môi khô đét, hắn tìm kế thoát thân. Giờ mà thoát ra cửa, hẳn kẻ kia đón đường kịp hoặc phang vào sau lưng hắn. Phải nghĩ cách đánh lạc hướng đối thủ. Chà, thằng này, cái thằng đang nấp rình này có vẻ cũng gan lì lắm đây. Có thể nó chính là một thằng học trò nữa trong nhà. Thằng nhóc chưa chắc đã khỏe hơn mình, nhưng nó trẻ, nó nhanh, nó lại đang ở thế rình tấn công. Bất đồ lại có tiếng động lộc cộc, vẫn từ phía bên kia sau cánh cửa. Thằng kẻ trộm lạnh toát người. Nhưng hắn còn kịp nghĩ: Có lẽ cái đứa rình cũng sợ, không dám khởi thế tấn công trước, mà khéo thằng ấy cũng đang cứng cả lưỡi, không cất được tiếng tri hô lên. Với một ý nghĩ khiêu khích táo bạo ghê gớm, hắn cố ý cụng đầu đánh cộp vào tường. Tức thì, đằng kia, một tiếng động đáp lại, tiếng quần áo lạt xạt của người đang ngồi bỗng chồm dậy. Nhưng rồi một im lặng kỳ quái lại tiếp liền theo. Khéo cái thằng kia vẫn gan lì chờ để quật thẳng vào mặt mình, hắn đoán. Chần chừ nữa càng nguy! Trật chiếc khăn đen bịt đầu, thằng kẻ trộm nắm lòng thòng, ra sức ném mạnh về phía một ô cửa sổ, đoạn lao mình vút qua khung cửa thông xuống nhà bếp. Nhưng trái với dự đoán của hắn, kẻ kia không bị lừa vì cái hình nhân giả hắn vừa bắn ra, xô cửa chạy theo hắn. Hai cái bóng chạy thình thịch qua gian bếp. Thằng kẻ trộm thấy kẻ đuổi chạy ngang tầm rồi sắp sửa vượt lên. Một cái bóng thấp lùn. Hắn đoán kẻ kia muốn chặn đường. Hắn toan quay tìm ngả khác thoát thân, chợt vấp phải cái gì đó hoặc chỉ do quá đà, ngã dúi xuống. Trong lúc sợ hãi, hắn vẫn giữ tỉnh trí, quờ rộng hai cánh tay. Bóng đuổi va phải khuỷu tay hắn, ngã theo. Mẹo nhỏ ấy khiến hắn lợi thì giờ, thằng kẻ trộm lồm cồm trỗi dậy, vút ra hướng cửa sau. Bóng kia chồm dậy, lại lao theo hắn.
Tiếng ngã ì oạch đánh thức lão đầy tớ già. Trí còn hoang mang, giấc ngủ chưa tỉnh hẳn, lão bước thấp bước cao đuổi theo hai cái bóng, vừa hô bằng một giọng khàn khàn: "Kẻ trộm! Kẻ trộm! Ôi làng nước ôi, kẻ trộm!".
Giật tung cánh cổng hậu, thằng kẻ trộm thoát ra chạy miết dọc ngõ hẻm. Bóng đen thấp vẫn bám sát theo. Tới đầu ngõ hẻm, thằng kẻ trộm không do dự, rẽ ngoặt tay trái. Hắn đã nhiều lần dò xét địa thế: nếu rẽ sang phải, tất ra tới đường cái, có đông người ngủ mát ở vỉa hè, lại sáng ánh điện: còn con đường hắn vừa quăng mình vào, vắng, hẹp và tối, là đường dẫn ra ngoại ô. Nhưng hắn kinh hoàng biết bao, nhác thấy giữa lòng đường trước mắt, chỗ đầu xóm, một đám người túm tụm thành bóng đen lớn lố nha lố nhố như sẵn sàng đón đợi hắn! Hắn cắm đầu đâm nhào tới. Quay lại cũng chết kia mà! Hắn đã bỏ lại lão đầy tớ một quãng khá xa, nhưng tiếng hô hoán của lão còn vẳng tới, khiến đám người kia đâm bổ đuổi theo hắn.
Bây giờ, thằng kẻ trộm đang co cẳng phóng trên đường đá gồ ghề tối om của xóm ngoại ô. Phía sau không xa, là tiếng chân chạy huỳnh huỵch của cả chục người chứ không ít. Hắn chợt nghĩ tới cái mẹo, cũng chỉ mẹo vặt thôi, biết từ thuở vào nghề nhưng chưa bao giờ phải dùng tới. Hắn vừa chạy chậm bước lại, vừa cất tiếng kêu la inh ỏi như bọn đuổi theo: "ối làng nước! Bắt lấy thằng kẻ trộm! Nó chạy đằng kia!".
Xảy ra một sự lạ; vừa cất tiếng la lối, bỗng dưng hắn thấy cả lồng ngực, cả tim phổi hắn như giãn nở ra, bao nhiêu sợ hãi mệt mỏi bay đâu mất! Đầu óc thoáng đãng hẳn. "Kẻ trộm! Bắt thằng kẻ trộm!". Hắn la to hơn nữa, gần như khoái chí. "Bắt lấy thằng kẻ trộm, đằng kia, đằng kia!". Hắn vẫn chạy dẫn đầu, khuơ khuơ tay ra phía trước. Giọng hắn hò hét dường như át trùm lên giọng tất cả đám người. Da mặt hắn phừng phừng, càng cảm rõ cái mát lạnh của hơi đêm lướt nhanh qua trán, má. Thoạt đầu chỉ là một mưu kế để thoát thân, lúc này hắn thấy cái trò ấy hay hay, hắn cứ vừa la vừa chạy, vừa chạy vừa la hăng hái lên thật sự, cứ như thể trong phút chốc, con người hắn, nhân cách hắn đã đột nhiên biến đổi, hắn gia nhập một cách tự nhiên vào cái xã hội những người lương thiện đang xua đuổi lùng bắt một tên gian manh nào, một phần tử xấu xa tội lỗi chẳng hề có liên quan gì với hắn cả.
Nói vậy, chứ hắn cũng đủ tỉnh táo để chấm dứt trò chơi đúng lúc. Mồm vẫn không ngớt la hét hô hoán, hắn dần dà tụt lại sau, kiểu như người thấm mệt vì đã quá hăng, và khi đã cách xa đám đuổi khoảng dăm thước, hắn tạt ngang, nép vào sau bình phong một cái miếu con. Hắn cười một cái cười rộng hoác nhìn theo toán người, một cụm đen lố nha lố nhố, đang hò hét nhau ầm ĩ nên chạy theo hướng nào. Chợt hắn thấy, từ toán người kia, tách tụt lại một hình thù thấp lùn mà hắn đoán ngay là cái bóng vừa quần nhau với hắn trong nhà hồi nãy. Một ý nghĩ lóe trong trí thằng kẻ trộm: đích rồi, hắn vừa chạm trán một thằng đồng bọn trong cái nhà kia. "Mẹ kiếp, thì ra nó cũng tưởng mình rình nó. Hai thằng sợ lẫn nhau! Mà hình như mới rồi nó cũng bắt chước mình hô hoán ầm lên hay sao ấy". Hắn rủa thầm một tiếng thật thô tục cho hả cái giận đã bị một cơn kinh hoàng không đâu và đã hy sinh vô ích một cái khăn bịt đầu, vốn cũng dùng làm túi đựng đồ thó được. Hắn lại cố đoán xem tại sao có toán người đứng đón chặn hắn kia. Chắc rằng cái thằng cha mặt méo chân thọt mà đầu hôm hắn bắt gặp đi mò trong xóm này đã vụng về để "xọp cấu" - tiếng lóng trong nghề có nghĩa: bị người đuổi bắt. Bọn người kia bắt trộm không được, đang túm tụm bàn tán thì được dịp bổ ngay lên đầu hắn. "Mấy cái thằng. Đồ mạt hạng! Đồ ăn hại!". Hắn gộp trong lời rủa đầy khinh miệt cả thằng thọt chân mặt méo lẫn thằng lùn tịt.
Trong lúc đoán già đoán non và nghĩ linh tinh lang tang, thằng kẻ trộm già vẫn không rời mắt theo dõi cái bóng thấp lùn đang nép theo hàng rào cây bên kia đường lần đi. Hắn thử dặng hắng, cái bóng liền lẩn vào một bụi cây bên vỉa hè. Một ý trả thù tinh quái liều lĩnh vụt đến trong óc thằng kẻ trộm già, hắn quơ nhặt một hòn đá, nhảy xổ ra đường quăng tới rất mạnh, miệng hô hoán: "Nó nấp trong bụi này! Bắt! Bắt thằng kẻ trộm!". Tức thì từ bụi cây một bóng đen văng ra, bay nhanh về góc đường và biến mất.
1940
Rút từ Tuyển tập Bùi Hiển



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 208

Return to top