Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Về làng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 862 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Về làng
Bùi Hiển

Cách rất thái bình, ba người đàn bà ngồi thành hàng dọc bắt chấy cho nhau. Con Thơi ngồi bên ngạch cửa, bằng những cử động nhỏ và lẹ của ngón tay, vạch mái tóc ả Đỏ, chị dâu nó. Người chị dâu, ngồi chồm hỗm trên một cái ghế đòn, đến lượt mình quào quào trên đầu mẹ chồng. Mụ Chuồng ngồi bệt trên đất, hai chân duỗi bắt chéo, hơi dựa ngửa để vịn cùi tay lên đùi con dâu. Mắt lim dim, mụ mím miệng cắn cắn một cái gì, làm cho thịt má phía trên quai hàm nổi lên.
Mỗi khi ai bắt được con chấy, người ấy bèn cặp nó giữa hai đầu ngón tay, vuốt dọc sợi tóc, rồi đặt lên bàn tay người bấy lâu đã cho nó ở cư. Người này nhìn một chút xem con bọ có béo không, trước khi đập bàn tay lên miệng cho nó bật lên lưỡi. Lưỡi lo le vài cái để đặt đúng con chấy giữa hai hàm răng, rồi người ta nghe một tiếng "cốp" nhỏ.
Chợt có tiếng ai nói ngoài cổng: "Đây rồi".
Mụ Chuồng đứng thẳng dậy nói:
- Ai như nhà Đỏ Chuồng ấy.
Một người đàn ông trẻ mặc sơ mi và quần Âu đi vào, dắt tay một cô gái áo hồng dài lê thê, quần nhiễu trắng, dép cao gót. Mấy đứa trẻ chạy theo, kháo nhau: "Bà đầm à, bay?".
Ba người đàn bà đứng sững mà nhìn.
Mụ Chuồng đã nhận ra con trai của mình, nhưng thấy con đi với người lạ ăn mặc sang trọng thì chưa dám nhận. Mụ hỏi:
- Nhà Chuồng đó phải không?
Người con trai cau mày, đáp:
- Chả tôi thì còn ai!
Đoạn anh quay lại cô gái tân thời:
- Vào đây em, Tuyết, cứ đòi về quê mãi, đã thấy quê chưa?
Tuyết sẽ gật đầu chào mụ Chuồng, rồi vừa đi vào vừa hỏi nhỏ:
- Bà via đấy phải không? Hai người kia là ai? Em Chương đấy hả?
Mụ Chuồng và hai con vẫn đứng nhìn, cách khiếm nhã. Chương bèn bảo:
- Thơi, xuống bắc siêu nước, mau. Rồi múc một thau nước lên đây.
Quay lại, anh trừng mắt nhìn vợ, ả Đỏ bỏ xuống bếp. Mụ Chuồng không biết làm gì, đuổi mấy đứa con nít ra, đóng cổng rồi cũng đi theo ả.
Chương đưa Tuyết vào nhà. Lo lắng dò sự phản ứng của nhân tình, anh hỏi:
- Thế nào, có khó chịu lắm không?
Tuyết ngửng nhìn quanh:
- Dễ coi đấy chứ. Cũng sạch sẽ, ngăn nắp.
Chương tỏ vẻ vui sướng. Anh nói:
- Thế nhưng không ở được lâu đâu. Tự giam mãi, đây chết buồn mất.
Tuyết đi rửa tay.
Mụ Chuồng ló mặt sau tấm vải nâu che cửa buồng gọi:
- Nhà Chuồng! Vô hỏi.
Chương đi vào, đưa mẹ xuống bếp để nhân tình khỏi nghe câu chuyện mình sắp nói. Anh gắt mẹ:
- Cái mồm thì cứ bô bô. Chuồng! Chuồng! Là cái quái gì? Cái tên mẹ đặt cho tôi hay ho quý báu lắm đấy mà mẹ tưởng tôi giữ mãi làm của hương hỏa?
Mụ Chuồng đáp chậm và dài giọng:
- Thì ai có biết!
Người con trai gắt nữa:
- Không biết thì câm đi. Từ giờ tôi tên là Chương, ai quên tôi cắt miệng.
Chương là một đứa đẻ rơi. Mụ mẹ đang cho lợn ăn bỗng thấy quặn đau, ngồi quỵ cạnh chuồng. Thằng bé lọt lòng giữa mùi phân và những tiếng ủn ỉn, người ta đặt ngay cho nó, cách thực là giản dị, cái tên thằng Chuồng. Vả như thế, càng dễ tránh sự dòm ngó không hay của ma quỷ. Mụ mẹ đã đẻ bốn lần không nuôi được, lần này phải đặt cho nó một tên thực xấu, đến ma quỷ cũng lảng xa.
Cha Chương làm nghề đánh cá, vừa đủ cung cấp cho sự sống của gia đình nếu mùa lưới được. Lên sáu, Chương phải đi "hôi", nghĩa là khi có thuyền vào bán cá thì bơi ra bám lên ngồi thu lu một xó, rồi trong lúc không ai ngờ, thò tay đánh cắp vài con. Người ta bắt được, xô cho lăn tòm xuống sông: nó lại lóp ngóp bơi vào bám lấy thuyền. Khi cha bị cảm chết, Chương vừa mười tám tuổi và đã cưới vợ được ba năm. Anh bỏ ra Mông Dương làm mỏ. Vừa gặp thời vận, lại khôn ngoan, lanh lợi, anh dấy nghiệp rất mau, từ phu lên cai, rồi nhẩy ra làm thầu khoán, gây được số vốn vài vạn. Tên Chuồng xấu xí không còn ăn nhịp với cái xã hội giàu sang anh vừa bước chân vào. Khéo léo anh đổi sang tên Chương.
- Tôi cắt miệng. Chứ đừng có tưởng! - Chương nhắc lại.
Mụ mẹ bị cự ngồi yên, miệng bìu bĩu, Chương hơi hối, bắt sang chuyện khác. Anh rút từ túi quần ra một tệp giấy bạc:
- Này mẹ cầm lấy đây mươi đồng, bảo con Thơi chạy ra chợ mua cái gì về thổi cơm ăn. Bảo nó nấu cho sạch sẽ ngon lành một chút.
Mụ Chuồng nhận tiền, đổi sang vẻ mặt hí hửng. Mụ nhớ lại ý định của mụ khi gọi con vào buồng, ý định mà nãy giờ, bị cự, mụ đã quên đi. Mụ chỉ tay về phía nhà trên, hỏi khẽ:
- Chớ ai ngoài ấy?
Chương im lặng một giây. Rồi như để đánh tan sự do dự, anh nói bật ra, giọng to gần như khiêu khích:
- Vợ tôi đó, chứ ai nữa!
Mụ Chuồng hơi sa sầm mặt, tuy đã ngờ tới điều đó ngay từ khi hai người vừa bước chân vào nhà. Chương vội tiếp, dùng kế kim tiền ngừa sự trái ý của mẹ:
- Thôi mẹ đi mau lên, đói bụng rồi. Để hôm nào tôi cho mẹ dăm chục.
Đoạn anh đi lên nhà trên.
Thấy con dâu và con gái ngồi ngoài chỗ vại nước rửa, mụ Chuồng đi ra. Mụ nói:
- Thật rồi, bay nạ, hắn lấy vợ đằng ngoài. Cái con ấy là vợ hắn đó.
Con Thơi ngửng nhìn chưa tỏ vẻ gì. ả Đỏ thì cúi mặt, lẩn mẩn dùng ngón chân cái bẩy đất lên. ả im lặng, không khóc, mắt chỉ hơi buồn chút thôi. Chồng ả bỏ đi làm ăn biệt tăm thế là đã bảy tám năm: ả vẫn ở vậy, làm đủ bổn phận người con dâu trong gia đình và cam chịu cảnh cô đơn, lâu ngày thành thói quen nhẫn nhục.
Mụ Chuồng giao tiền cho con Thơi đi chợ. Mụ dặn mua lòng lợn, miến, cua, những thức ăn sang đối với nhà mụ. Con Thơi đi rồi, mụ hỏi ả Đỏ:
- Giừ làm cách nào nạ?
Hồi lâu, ả Đỏ mới đáp, giọng hơi chua chát:
- Làm cách nào? Anh ấy đi làm có tiền, thì anh ấy lấy vợ đẹp, vợ sang. Tôi thì đáng cái chân xách dép cho người ta thôi.
Chợt trên nhà có tiếng Chương gọi:
- Thơi ơi! Thơi!
Mụ Chuồng gọi vọng lên:
- Con Thơi đi chợ rồi.
Mụ bảo con dâu:
- Nhà mi lên một tí, coi hắn nhủ chi.
ả Đỏ đáp xẵng:
- Tôi chả.
ý chừng sợ bật khóc, ả bỏ vào bếp. Mụ Chuồng đành lên vậy. Mụ hỏi Chương:
- Nhủ chi đó?
- à, tưởng con Thơi còn ở nhà thì mượn thay cho thau nước.
Mụ Chuồng đi thay nước, bưng lên, đoạn đến ngồi bệt trên ngạch cửa cách tự nhiên.
Trong khi Chương rửa mặt, Tuyết mở ví ra soi gương điểm trang lại. Mụ Chuồng chăm chăm nhìn cô ta một cách tò mò mê mải. Mụ thấy cô ta tấp tấp nhẹ cái nhúm bông lên mặt, phiết lên đó những vạt phấn trắng. Rồi cô ta thoa đều, nghiêng mặt bên này, bên kia, ngước ngắm thoa cổ, săn sóc đến cả vành tai. Đoạn cô ta làm má hồng, kẻ lông mày, dệch miệng ra mà tô môi son. Mụ nhìn những trò kỳ dị ấy, lòng gần như rợn sợ. Cái người lịch sự, răng trắng nhởn, quần áo xanh đỏ kia muốn xen vào gia đình của mụ? Mụ có hắn làm con dâu? Làng nước sẽ cười mụ thối đầu! "Con dâu như thế để hầu hắn à? Liệu có gánh nước được không? Nấu nồi cơm chưa chắc đã chín!" Mụ nghĩ thầm.
Chương thay quần tây đẹp vào, tới gần nhân tình âu yếm hỏi: "Xong chưa?". Tuyết gật. Hai người sửa soạn ra đi.
Mụ Chuồng hỏi trống không:
- Định đi mô giừ đó?
Chương đáp:
- Dạo xem làng một chút. Ghé ra chợ, lên chùa rồi về ngay. Mẹ bảo con Thơi làm cơm nhanh nhanh.
Mụ Chuồng nghĩ: "Dắt hắn đi nhong nhong giữa làng để bêu xấu tao à?" Bìu bĩu môi mụ nói:
- Thôi, đi về mệt, nằm nghỉ một tí rồi mà ăn cơm.
Chương nhất quyết ra đi:
- Chúng tôi về ngay mà.
Chương đem vợ mới về làng do một ý hợm: cho thiên hạ biết cái thằng Chuồng mắt toét đi hôi cá thủa xưa bây giờ giầu sang hơn cả mấy ông trọc phú trong làng đến bực nào. Một ý hợm có chen láo xược: anh kể như không có vợ ở nhà, người vợ quê mùa xấu xí bố mẹ đã cưới cho và đã sống cạnh anh ba năm.
Chương và Tuyết đi rồi, mụ Chuồng vẫn ngồi nói một mình:
- Chẳng biết hắn cho ăn phải bùa phải bả chi mà đeo đẳng lấy hắn.
Vốn nòi nhà quê cần cù, mụ thù ghét bọn tỉnh thành đài các nhởn nhơ. Việc con mụ về làng cặp theo một cô tân thời làm mụ hổ thẹn: hàng xóm sẽ nghĩ như mụ rằng đó chỉ là một con đĩ rông dài, sống để phung phí ăn chơi và để được hầu hạ.
ả Đỏ đang cho lợn ăn; ả ngoáy mạnh bàn tay trong chậu, trộn đều cám và bèo, dáng nhanh nhẹn, tháo vát. ả vẫn làm đủ công việc , vẫn chăm chỉ, tuy vẻ buồn có thoáng ở hai môi mím và mí mắt trập.
Mụ Chuồng cũng chẳng hề có ý tưởng so sánh ả Đỏ với Tuyết nữa; ả Đỏ trội hẳn lên. Mụ đi ra, đứng cạnh con dâu, tay chống cột chuồng. Mụ càng thương mến ả Đỏ hơn bởi hai người cùng chịu một nỗi đau buồn. Mụ nói vẩn vơ để dắt tới chuyện Chương và Tuyết:
- Hai đứa đi ra chợ rồi.
Người con dâu không đáp, vẫn cúi nhìn đàn lợn ăn hộc tốc, nhui mõm trong chậu. Mụ tiếp, lời hơi hoa hòe nữa:
- Thứ đàn bà ấy thì tốt đẹp chi. Hắn như con bướm liệng vành, chán rồi là bỏ.
Giọng mụ đổi sang quả quyết:
- Hắn đã bỏ bùa thì ta giã bùa. Thẹn với làng nước lắm. Mi cứ nín lặng, rồi lấy cái yếm vừa mới thay ra ấy...
ả Đỏ ngắt lời:
-Tôi chả!
Mụ Chuồng hơi gắt:
- Con ni dở hơi lắm. Thế cứ chịu để hắn cướp mất chồng à? Để tao nhủ con Thơi đi bứt ít lá mùng tơi về hấp cơm rồi đùm trong cái yếm của mi, rồi nấu canh cho nhà Chuồng hắn ăn, là tỉnh mê liền.
ả Đỏ coi ý ưng thuận. Nhưng ả vẫn nói nho nhỏ trong miệng "Tôi chả..." như thể ả nghĩ như thế là hạ mình.
Vừa lúc Chương và Tuyết về. Chương hỏi:
- Sắp có cơm chưa?
Mụ Chuồng đáp:
-Đang nấu. Em hắn cũng vừa về.
- Bảo nó nhanh lên chứ.
Mụ Chuồng và ả Đỏ bỏ xuống bếp làm cơm.
Chương nói với Tuyết:
- à, sáng nay xuống tàu mà quên hỏi nhà ga xem đúng mấy giờ thì tầu tốc hành ra Bắc ngang qua đây.
Mụ Chuồng dừng lại hỏi:
- Sao? Lại ra liền à?
- Sáng mai chúng tôi đi sớm.
- ở lại chơi ít ngày đã. Chả mấy khi về.
- Ngoài ấy đang bao nhiêu công việc bề bộn, phải ra.
Mụ Chuồng không nài thêm. Mụ tất tả chạy xuống bếp báo với con dâu:
- Mai hắn ra Bắc rồi. Mau, mau, đi kiếm ít lá mồng tơi về tau làm cho.
ả Đỏ nhờ Thơi đi bứt lá. Mụ Chuồng nói:
- Hắn đi lật đật quá, thì không kịp coi thuốc đã hiệu nghiệm ra sao. Nhưng hiệu nghiệm thì ra ngoài ấy hắn sẽ bỏ con ni ra. Mi đi thay yếm đi. Nhớ đừng cho ai biết.
ả Đỏ vội vàng vào buồng cởi ở mình ra cái yếm bẩn sắp dùng để ấp hơi mồ hôi của ả vào nhúm mồng tơi dành cho chồng ăn giải bùa.
1942.
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 956

Return to top