Một trận bão cuối năm
Bùi Hiển
Ngày hai mươi nhăm tháng Chạp một năm đã xa, một trận bão khốc liệt và rất đỗi trái khoáy thất thường tàn phá bờ biển Bắc Trung Kỳ. Mãi tới hăm ba, trời vẫn còn quang đãng. Mùa đông năm ấy dịu ấm, có những ngày nắng hanh vàng rợi. Người ta bảo nhau: mùa sẽ muộn, cái rét muốn dồn sang Giêng hai.
Các ông Táo trở về trên kia chắc bay bằng cánh nhẹ giữa bầu trời xanh lơ như làm bằng khói pháo. Đốt vàng tiễn xong, những bác chài trong làng quẩy rương xuống thuyền đi một chiều lưới tất niên. Vợ họ tươi cười biệt chồng dặn với:
- Nhờ trời đi, mau về cho kịp ăn Tết, chá!
Họ mong sẽ về được rất sớm. Năm ấy được mùa biển, lưới lên căng phình. Sự sống trong làng sung túc hơn, người ta dự định ăn cái Tết kha khá để hưởng một cái vui xưa nay chưa từng được và cũng để tạ ơn Thần Phật tổ tiên đã phù hộ cho.
Nhưng ngay tối hôm ấy, trời đổi tiết. Mây đen lặng lẽ kéo lên rồi vỡ thành trận mưa nhỏ. Đồng thời, gió nổi dậy, như đến từ một nơi nào xa lắm. Nghe tiếng khua động lạo xạo sắc nhọn của những cành lá như làm bằng thép; rồi một cái miệng vĩ đại nào thổi phù từng luồng hơi trong không rất dữ dội. Tiếng mưa râm ran bao la. Những giọt tranh nhỏ xuống vũng nước lủng bủng. Không phải kiểu mưa dầm mùa đông, dai dẳng và lặng lẽ. Đây thực là một trận mưa thu đột ngột, lộng những cơn gió mạnh ray rứt. Bầu trời chứa đựng một nỗi tức giận gì đang muốn nổ bật ra.
Quá nửa đêm, gió càng lên mạnh. Ngoài kia bể réo sôi, sự náo động của những sức mạnh phi thường, buổi diễn trong bóng tối dày, càng rợn một sự dọa nạt ghê sợ. Làng đã tỉnh dậy, bỗng rộn hẳn lên. Tiếng người gọi nhau, gió mưa át mang đi. Ngoài sông, một giọng còn ngái ngủ la hét hốt hoảng: có chiếc thuyền nào đã bứt đứt dây neo, trôi đi theo chiều gió. Người ta hồi hộp chờ đợi một tiếng va đụng rầm rột... Tiếng cất soạn sào chèo lịch kịch. Thỉnh thoảng, "bủm", một cái neo quẳng xuống nước.
Sáng hôm sau trời bệch hẳn mặt ra. Làng xóm bơ phờ, như vì đã phải thức nhiều trong cái đêm náo động.
Qua ngày hăm lăm, khoảng gần sáng, cơn bão tới tột độ mãnh liệt. Gió mạnh, như thu góp tự bao giờ, thổi phù từng trận, bạt ngang trận mưa. Người ta nghe tiếng vặn mình kẽo kẹt của những túp lều không chắc chắn. Bỗng một vật gì đen đen bay sớt tường rồi rơi sà xuống: đó là một miếng tranh bị bóc từ mái nhà bên cạnh. Biển cả càng vang tiếng rầm rộn âm u. Sóng mạnh đánh vào các hốc đá, không khí bị ép nổ đùng đùng như súng.
Dải sóng vàng khè, như thể đất bùn ở dưới lòng sâu đã bị khoắng lên. Cái làng nhỏ đáng thương nằm giạt, sợ hãi, tê cóng dưới mưa lạnh, có vẻ nhẫn nhục. Người ta nghĩ đến những thuyền lưới ngoài khơi. Thuyền nào đã gẫy cột, văng lái, quay nhào theo sóng rồi đổ ụp? Thuyền nào đã rã tan từng mảnh, đánh văng tóe người ra như những giọt nước? Mẹ và vợ dân chài, hai hôm trước còn tươi cười, nay ngồi ép trong một xó lều, nhìn mưa gió qua những chỗ trống dột, và nghiền ngẫm một niềm bi thống mênh mang.
Mãi tới chiều, mưa gió mới ngớt dần, rồi sáng hôm sau, trời bỗng vàng khè như nghệ. Người trong làng kéo nhau ra Mũi Trâu, ngóng thuyền về. Sự chờ đợi trong hai ngày đầu bị thất vọng. Nhưng ngày thứ ba, người ta nhận thấy một chấm đen nhỏ về phía bờ biển làng Ngọc Hải. Những mụ già nhắm mạnh đôi mắt nhoèn ướt rồi trương lên cố nhìn, hỏi: "Mô? Mô?". Khi đã nhận rõ hình chiếc thuyền, ai nấy cố đoán xem thuyền ai. Một người nói đầu, chỉ sợ ức đoán vu vơ: "Giống thuyền nhà ông Long Nghị".
Trong lúc đó chiếc thuyền tiến rất chậm chạp. Nó đi dọc bờ cát, lủi thủi như một con chó vừa bị đánh chạy nép chân tường. Cột buồm gãy, ngắn cụt, giơ vết thương vàng ệch. Buồm và lưới ngổn ngang. Chắc hẳn chèo đã bị gẫy, người trên thuyền phải chống sào.
Mọi người rủ nhau xuống bãi cát. Một bác có bộ ngực tốt hỏi to:
- Thuyền ai đó?
Đằng kia đáp:
- Xin Bỉnh.
Đám người nhốn nháo. Ba bốn mụ òa khóc. Đó là những mụ có người nhà đi cho ông Xin Bỉnh. Những mụ khác khóc theo.
Người ta hỏi:
- Ai nằm đó?
- Cố Năm. Liệt đi rồi.
Người ta bảo nhau: "Chẳng trách! Cố già, chịu mô được cái bão ráp như thế ni".
Khi chiếc thuyền quay mũi vào lạch, cố Năm mới lên tiếng. Cố thở dài sườn sượt, rồi nói bằng giọng khàn: "Thôi, chuyến ni về nhà nằm mà chết cho khỏe. Kiếm được con cá nhọc lắm! Nhọc lắm!" Mấy mụ nhà quê càng rống lên.
Những người vừa về không ai biết tin gì về những thuyền khác. Nhờ thuyền chạy hay, riêng họ đã tháo được xuống Cửa Lò.
Về đến nhà, có người bật khóc như con nít: họ kể lại những nỗi gian nguy đã chịu. Khi nghe nhắc đến những ngọn sóng "cao như rú" đâm bổ xuống làm thuyền văng bật ra xa như một cái nút chai, mấy mụ nhà quê nhắm mắt, rùng mình kêu lên: "Ôi chao ôi! Rõ khiếp khủng!".
Cũng trong ngày ấy và ngày hôm sau, thuyền ông Tý Điển, ông Dần Năm, ông Lý Cự, lần lượt về lạch. Còn tám thuyền nữa không tin tức.
ấy là hôm hăm chín, ngày cuối năm.
Nửa đêm, sau khi nghe trên đền nổ ba chiếc lói sắt báo giờ giao thừa, làng bỗng dậy ran tiếng pháo. Đám nhà giầu, mà trận bão vừa qua không làm thiệt hại, ầm ĩ đón mừng năm mới.
Tiếng huyên náo sục vào những nhà dân chài. Niềm bi thống chợt thức dậy càng bóp lòng những mụ nhà quê. Họ ngờ ngạc lắng nghe tiếng mừng xôn xao của thiên hạ.
Lát sau một đám người tụ họp trước miếu thờ dựng cạnh ngả đường ra cửa lạch. Họ vào miếu sì sụp khấn vái và hy vọng. Nhưng khi trở ra, khi tiếp xúc với bóng đêm lạnh và nghe rõ tiếng bể rền rĩ, ai nấy lại đều tấm tức muốn khóc. Họ đứng tần ngần, không muốn lìa nhau. Mối lo buồn chung đã ràng buộc họ.
Phía trước mặt, cửa lạch in hình tam giác mờ mờ trắng. Sóng bể u trầm nghe tha thiết. Giữa cái huyên náo đặc đen và bao la ngoài kia, chồng con họ hiện ở chỗ nào? Trong tiếng sóng, phải chăng có chen lời than vãn của những kẻ đáng thương chết không mồ mả, thân thể bị nước mặn hung hăng nhồi lắc, ray rứt đến rã rời từng mẩu thịt sũng mềm?
Một mụ nói: "Về ta!". Nhưng không ai nhúc nhích. Khoảng trắng mờ tam giác như thu hết linh hồn mọi người: trí não giãn căng, họ như mong đợi một sự xuất phàm. Và họ đã được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ.
Có phải mọi người đều hoa mắt, vì đã nhìn lâu trong bóng tối? Sự chấn động gây bởi những ngày đợi chờ vô vọng đã đánh loạn thị giác của họ chăng? Nhưng mãi ngày nay, tuy việc đã lùi xa theo thời gian, những người trong cuộc đều đoán chắc đã thấy rõ ràng và kể lại được tách bạch từng tiểu tiết.
Họ thấy giữa khoảng bể đen mờ mọc lên một điểm ánh sáng xanh, tiếp sau đó mọc thêm hai điểm nữa cũng màu biếc xanh y hệt. Trông giống ba vì sao vừa ngoi ở dưới nước lên, gióng thẳng hàng như buộc lấy nhau bằng một sợi dây. Những điểm ánh sáng ấy bay tới phía cửa lạch, to dần thành những ngọn đèn le lói chiếu mờ mờ ra chung quanh, làm nổi những bóng đen lớn thon dài. Người ta nhận ra được những hình thuyền. Buồm không thấy căng lên: không nghe chèo khuấy nước. Nhưng ba chiếc thuyền tiến vào rất nhanh. Ba ngọn đèn vuông tỏa ánh xanh mờ bí mật, không soi rõ những bóng người lố nhố trên thuyền. Thuyền đi rất êm, như cách lướt trong bóng tối, không chạm mặt nước. Những hình người không động và im lìm. Chợt một bóng người ở thuyền đầu tách ra tiến đến phía mũi và nói bằng một giọng nghe xa xôi: "Được rồi đó. Thôi quay trở lại, anh em!".
Mụ Can Túc tưởng nhận ra tiếng chồng, hồi hộp hỏi ra: "Bố thằng Can đó phải không?". Người kia giơ đèn lên ngang mặt, nhìn vào bờ, hỏi lại: "Tiếng ai như tiếng mẹ thằng Can?".
Nhờ ánh đèn, mọi người đều nhận rõ mặt bác Can Túc. Bác cười lặng lẽ, miệng dệch đến mang tai. Hai mắt lóng lánh một vẻ tinh quái, như giấu một sự bí mật gì.
Bác dệch miệng cười rất lâu, rồi nói lớn: "Anh em gửi lời chào bà con cả. Anh em ở xa ghé về thăm nhà một tí, giờ đi đây". Chưa ai kịp đáp gì, cũng chưa ai kịp hiểu những sự vừa xảy ra, thì ba chiếc thuyền đã đồng thời quay mũi. Người ta tưởng thấy những bóng người cử động như đang chèo, nhưng không hề nghe tiếng nước xao động. Ba chiếc thuyền ma lặng lờ quay ra biển, trở về chốn vô cùng.
Mọi người sững sờ nhìn theo. Đột nhiên ba điểm ánh sáng xanh cùng một lúc vụt chìm xuống đáy biển, như những hy vọng mong manh chẳng còn bao giờ trở lại.
Ngày hôm sau, bốn chiếc thuyền nữa lần về được lạch nhà. Một chiếc thứ năm đã bị giạt xuống ngang cửa Nhật Lệ. Thuyền ụp, nhưng may bạn chài đều sống sót, họ lần lên Đồng Hới, tìm được đến nhà thầy mẹ tôi. Họ xin một bữa rượu, "uống để giải cái rét". Cơm rượu no say, mỗi người được biếu một cái nón, bộ quần áo và một suất tiền xe trở về làng.
Duy ba chiếc thuyền cuối cùng bặt tin tức. Bác Can Túc chỉ còn lưu lại trong ký ức mọi người hình ảnh nét cười lặng lẽ dệch đến tận mang tai, cái cười mang một vẻ vừa bí hiểm vừa tinh nghịch, hầu như vui vẻ nữa, cứ như thể bác đã tìm ra được cái bí quyết vượt qua mọi gian nguy khổ cực trên đời và tới được nơi an ổn vĩnh viễn. Mỗi khi nhắc chuyện bác, người ta nói: "Mồ ma bác Can...".
1942
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ