Nắng mới
Bùi Hiển
Tặng Hoàng Huệ
I
Sinh mở mắt nhìn trân trân lên mái nhà, chàng vừa ra khỏi giấc ngủ nhọc mệt nặng nề, nó là một cơn tê độn hơn là một sự nghỉ ngơi. Đầu chàng nặng trĩu trên gối, óc đắm trong một trống rỗng tối đen. Chàng có cái ý tưởng kỳ dị rằng nếu gõ lên đó, sẽ bật ra những tiếng rền thảm thê như cõi chết.
Có tiếng chân người bước nhẹ. Sinh vẫn nằm yên trân trân nhìn bóng tối ẩn trong góc mái nhà. Một bóng người se sẽ xáp gần, rồi chàng cảm thấy trên cổ tay sự tiếp xúc dịu dàng và man mát của một bàn tay gầy. Đôi môi chàng mấp máy gọi: "Mẹ!".
Mẹ chàng cúi xuống, và tiếng "Con" đáp lại như vang âm tiếng gọi của chàng. Bà cụ hỏi, giọng ảo não:
- Con thấy đỡ không con? Con mệt mãi, mẹ lo buồn quá. Mẹ đem thuốc cho con uống nhé?
Mùi thuốc đắng phảng phất trở lại làm rợn khứu giác Sinh.
Chàng đáp:
- Không, mẹ ạ, con không uống thuốc nữa đâu.
- Không uống thuốc bao giờ cho khỏi! Con uống một thang nữa thôi, nhé?
Sinh khẽ lắc đầu, nói chậm rãi:
- Thuốc uống vào bụng có ích chi đâu... Con đau ở tim, ở hồn kia, mẹ ạ.
Bà cụ ngồi cầm tay con, không nói gì nữa. Sự lặng lẽ mà bóng mờ của căn phòng tăng niềm u uất đè lên hồn Sinh. Thỉnh thoảng bà cụ đưa vạt áo lên lau mắt, hình như bà khóc thầm, và Sinh thấy nao nao buồn vì đã làm phiền lòng mẹ. Chàng hỏi:
- Mẹ ơi, con nghe ngoài kia hình như có tiếng xôn xao, phải không mẹ?
- Phải đó, con ạ. Hôm nay trời đã hửng nắng.
- Vậy à, mẹ?
Chàng ngoảnh nhìn ra phía cửa sổ, nhưng các cửa đều đóng kín, lại bị riềm dày che ngăn gió. Chợt chàng thấy một giọt nắng tròn trên góc chiếu, một giọt nắng vàng hoe hoe. Chàng định hỏi: "Nắng còn dịu lắm, phải không?", nhưng để ý, chàng thấy giọt nắng sẫm dần, sẫm dần, cho đến khi ánh phản chiếu dọi sáng loa lóa một mảng tường. Chàng duỗi tay hứng nắng vào giữa lòng bàn tay. Giọt nắng lúng liếng duỗi dài, co lại trên bàn tay mà chàng sẽ nghiêng bên này, bên nọ. Chàng nắm tay lại thì ánh vàng dâng tràn, chảy rời rợi trên ngón.
Trong lòng Sinh một niềm vui nhè nhẹ vừa lên, xôn xao theo tiếng đồng hồ vọng từ ngoài kia. Chàng ngồi nhỏm dậy. Mẹ chàng bảo:
- Con nằm xuống kẻo chóng mặt.
- Không mẹ ạ, con đã thấy bớt nhiều. Mẹ để con đi lại trong phòng, nằm lắm chỉ thêm mỏi mệt.
Cơn hoa mắt tan rồi, Sinh đứng dậy. Mẹ chàng nói:
- Mẹ đi nấu cháo con ăn nhé. Rồi chiều hẵng uống thuốc cũng được.
Sinh tới vén riềm mở tung cửa sổ. ánh sáng ùa tràn vào thành luồng lớn, khiến chàng ngợp trong sóng vàng chói lói.
Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong như lọc; da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Những mái tranh, những khóm lá cho đến những nếp núi biếc lượn ngoài xa tít, đều hiện ra với những hình sắc rõ rệt. Những thanh âm rộn rã bay lên thinh không, tiếng người nói, tiếng trẻ con nô đùa đâu ở phía chùa làng, Sinh nghe lạ tai. Có tiếng động khô khan của thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới. Thỉnh thoảng, tiếng guốc dập lộp cộp, giòn giã trong ngõ hẻm khô ráo hay tiếng răng cào lê trên sân thóc rào rạo.
Sinh hé miệng cười; chàng vừa nghe tiếng chim hót, một tiếng chim quen; cứ mỗi mùa xuân trước, lang thang dưới những lùm cây, chàng thường lắng nghe tiếng ca vui của giống chim gì, giọng trong và nhọn hoắt, điệu kỳ quặc: lúc đầu ba tiếng dài lơi nhịp, rồi bỗng tiếng hót đổ hồi. Chàng chưa bao giờ được thấy hình thể giống chim ấy; hình như chúng chỉ đỗ trên cành rất cao. Cả đến tên giống chim, những người mà chàng hỏi cũng không ai biết. Nhưng chàng yêu chúng lắm, bởi mỗi khi xuân về, chúng lại trở lại ca mừng, để hợp điệu với niềm rộn ràng vui sướng của lòng chàng.
Mẹ chàng bưng cháo vào, thấy cửa sổ mở thì ngạc nhiên quá sức. Bà định tới đóng cửa lại, nhưng Sinh bảo:
- Để mở thế cho con, mẹ ạ. Nắng xuân chữa những hồn buồn mầu nhiệm hơn phương thuốc nào hết.
Bà cụ không hiểu lời con nói; nhưng bà nhận thấy da mặt con có sắc hồng hào trong ánh sáng. Bà không đóng cửa nữa, ngồi lặng nhìn con.
Khác với mọi ngày, Sinh ăn hết bát cháo và ăn một hơi. Mẹ chàng hỏi, mắt long lanh vui sướng:
- Con ăn nữa nhé?
- Thế vừa rồi, thưa mẹ. Sớm mai con sẽ ăn nhiều hơn. Con thấy đã khỏe lắm rồi. Mẹ để con nằm nghỉ. Mẹ đừng đóng cửa nhé, để cho con nghe tiếng con chim đang hót ngoài kia, giọng sao mà dễ yêu lạ.
Bà cụ ra rồi, chàng kéo ghế gần cửa sổ, ngồi duỗi chân tay ra sưởi nắng. Nắng ấm đốt lâm châm trên da chàng. Chàng hốt nắng trong lòng bàn tay và tưởng thấy nắng chảy rời rợi thành dòng vàng xuống đất khi chàng xòe ngón.
Một con chiền chiện bay chéo qua cửa sổ như chiếc mũi tên màu vàng nhạt, hót lên mấy tiếng. Sinh giật mình, tim đập mạnh trong ngạc nhiên sung sướng, chàng ghé ra ngoài khung cửa, cố nhìn theo: con chim xòe cánh bay vụt lên trời, biến vào trong không khí. Mấy tiếng hót như lời kêu gọi khẩn thiết. Lòng Sinh rộn rã khát khao khoảng rộng, sau mấy tháng tù ngục trong buồng kín ủ bóng tối. Vội vàng, vội vàng, chàng vớ lấy mũ đội, mở cửa bước ra.
Vòm trời đã dâng cao, thinh không nhẹ nhõm, không còn sự đè ép của mây xám mùa đông nữa. Ra khỏi cổng, chàng rẽ về tay trái, tiến tới hướng mặt trời. Ngõ hẻm khô ráo rắn chắc dưới chân chàng. Nhưng hai lề chưa khô hẳn, còn lơ thơ những lá thối úa mà mưa gió mùa đông đã hái xuống lát dày các ngõ. Trên các bụi râm bụt và xương rồng vắt phơi những chiếc áo nâu, những manh chiếu cũ, những bao bì mòn xơ đã dùng làm chăn đắp. Các sân nhà lát từng vạt lá đa, bã mía, thứ củi đun của kẻ nghèo. Một vài bà mụ nhà quê ngồi dưới nắng gội đầu, mình trên chỉ mặc chiếc yếm nâu; nước bồ kết chảy roi rói xuống chậu, tiếng reo trong vui. Các phên cửa chống cao, mời ánh sáng tràn vào. Mùi nhàn nhạt ẩm mốc của nền đất bay phảng phất.
Nắng không nồng màu, nhưng oi ả như nắng hè. Sinh đã thấy da mặt ran rát. Cạnh giếng, vài đứa trẻ đứng tắm, tồng ngồng, và má những cô gánh nước đã đỏ hây lên.
Má những cô gánh nước đã đỏ hây lên, mắt thêm màu trong sáng; nhưng chàng bước đi, thái độ đăm chiêu. Chàng trai ấy vốn không phải vô tình, nhưng một cảnh tượng vừa khiến tim chàng thắt lại.
Chàng vừa đi qua cổng hậu dinh cơ của một ông Phủ hưu trí và đã đứng lại chút nhìn vào. Một người đàn ông mặc thứ áo xanh nửa dài nửa cộc của lính lệ, đương vắt phơi trên dây những mền bông áo kép. Cạnh đó một cô gái xở từng quần áo từ trong chiếc hòm lớn, những quần trắng, những áo màu. Nàng ướm một cái áo dài sọc hồng lên ngang vai và nói gì với người đầy tớ, hình như hỏi còn vừa hay không; anh đầy tớ quay nhìn, miệng đáp đầu gật. Nàng mặc chiếc áo vào mình, rồi ngắm nghía, đi đi lại lại môi dường chúm chím.
Rồi Sinh không thấy gì nữa. Hơi nóng đã bốc lên đầu choáng váng, mắt chàng hoa lên, và chàng bỏ đi. Chàng bước đi, dáng lừ khừ, chân thất thểu. Hồn chàng trở lại đen tối, vẩn đục trong sự sôi nổi của những tình cảm nặng nề, những kỷ niệm cay chua. Chàng cắn khít hàm răng, tưởng chừng sợ lòng bi thống quá sẽ bất giác thốt tiếng rên rỉ. Chàng đi thất thểu, chàng đi lang thang như một gã hành khất.
Chợt Sinh giật mình. Ai vừa gọi "Nga ơi!" đâu đây, chàng tưởng nghe một lời khiêu khích. Nhưng không, đó chỉ là tiếng bà Phủ gọi con; cô gái đáp: "Dạ" với giọng kéo dài uốn éo kiểu cách của hạng người đài các. Giọng quen biết và thân yêu ấy dội trong Sinh, tim chàng run rẩy. Hai mẹ con nói gì với nhau, chàng không nghe rõ. Tự dưng hai người cười phá lên, tiếng cười giòn vang trong thinh không pha lê. Chàng tự bảo, tiếng rền của thâm tâm vị kỷ: "Cô ta vẫn vui, vẫn cười, hừ! Trong khi mình đã tan nát cả cõi lòng". Chàng bước nhanh hơn như để trốn chạy, và lẩm bẩm: "Yêu là cho, là mất, yêu là một sự dại khờ".
Lần đầu tiên chàng có giọng điệu như thế về tình ái.
Bởi chàng vốn đa tình. Tim chàng là một ngọn lá non, mà sự mơn trớn của tình cảm nhẹ nhàng nhất cũng làm cho run rẩy. Một hơi gió đầu mùa khiến chàng bâng khuâng, một tia nắng vàng gieo cho chàng niềm vui ấm áp; trước một hoàng hôn tím, chàng xao xuyến đến rưng rưng. Lời chim là tiếng hót của lòng chàng, mây hồng núi biếc và bể cả ngoài kia mà tiếng gọi rì rào mơ hồ ngân tới, là bạn thiết trong những giờ mơ mộng. Những cô gái tóc dài má thắm gặp lúc ban ngày thường trở lại vấn vương giấc mộng của chàng.
Ôi! Những luồng mắt nhung huyền ảo dưới rèm mi cong, những nụ cười hồng chúm chím, những nét mày thanh, những làn tóc buông óng ả, có một sức huyền bí xao động cả lòng chàng! Trái tim trẻ đập trong lồng ngực dường như bao giờ cũng tràn ngập một nguồn yêu thương vừa rộng mở vừa kín đáo, chứa chan chan chứa mà lại tinh khiết e dè. Chàng mang nguyên vẹn trái tim trẻ và nguồn yêu thương tinh khiết ấy về đồng quê, chốn chàng lui về sau mấy năm học tập, chốn của những cô thôn nữ miền duyên hải đẹp một vẻ đẹp rám hồng bền đậm trong sự sống mãnh liệt của gió mặn và sóng lớn. Một buổi sáng đi lang thang trong các ngõ hẻm, Sinh gặp một cô em họ quẩy gánh hàng tạp hóa đi chợ bán. Chàng đứng ngây, quên cả đáp lời chào; má cô gái đượm một màu hồng man mác làm rời rợi cả tâm hồn chàng, do ánh giấy hồng điều phản chiếu lên da mịn. Cô em bây giờ đã lấy chồng, nhưng chàng vẫn quý báu giữ lấy cảm giác rời rợi của đôi má hồng man mác. Một lần ở tỉnh, chàng đi xem một ban kịch danh tiếng. Nhưng chàng không thấy gì trên sân khấu, tất cả chú ý đã bị chiếm giữ bởi mái tóc thề và nét cong thanh tao của đôi vai cô bé ngồi trước mặt chàng. Đôi vai thon thon, nét cong dịu dàng và nhỏ nhắn viền một dọc sáng mờ, mỗi khi cô cười thì có một rung động khẽ. Thỉnh thoảng cô quay đầu, trong một cử động nhẹn, để nói với bà mẹ ngồi cạnh những cảm tưởng của mình; làn tóc buông lơi hắt mạnh, rải lòa xòa trên vai, và Sinh thấy, in trên nền sáng của sân khấu, bóng mờ mặt cô bé nhìn ngang, mũi dọc dừa, cằm hơi nhọn, môi nùng nũng. Lúc trở về nghe bạn hỏi: "Thế nào, ý anh về vở kịch?" Chàng đáp: "Hay, vui lắm, nhiều đoạn buồn cười". Người bạn ngạc nhiên vì lời phê bình giản lược ấy, không biết rằng Sinh chỉ đã lặp lại những lời cô bé chắc hẳn tuổi chỉ mới mười bốn mười lăm nói với mẹ.
Chàng đâm yêu cô bé, tương tư phiền quấy lòng chàng ít lâu rồi phai lạt. Tình chàng vẫn thế, liên miên không dứt, nhưng kết bằng muôn tình nhỏ ngắn bâng quơ. Lòng chàng là con bươm bướm, mỗi sáng chờn vờn một nhị hoa, nhưng không bám hút nhị nào. Chàng chưa hề biết những đam mê sôi nổi, chàng chỉ cảm thấy phớt qua lòng sự xao xuyến dịu dàng, niềm luyến nhớ bâng khuâng. Vả tính chàng bất chuyên nhất và trăng hoa lắm, dù có muốn cũng không yêu riêng được một người, trong khi bao người bao cảnh khác phô vẻ đẹp cùng quyến rũ như nhau trước con mắt chàng thiết tha và ham hố.
II
Sinh tự biết mình thế, vậy mà đã lầm lỗi một lần. Bài học rút từ cuộc thí nghiệm dại dột, chàng đã mua bằng một giá quá đắt. Sinh đã dự xem sự tàn phá của hồn và của cơ thể mình dưới bàn tay của tuyệt vọng. Tim chàng cơ chừng muốn lịm dần đi, nếu nắng mới không tới rọi vừa đúng lúc, đánh đuổi cơn tê độn trong đó chàng đương sa lầy.
Một hôm, vào buổi chớm thu, Sinh lang thang ngoài bãi bể. Trời vẫn đắm trong màu xanh ngọc, sóng hiền vẫn ngân điệu nhạc trầm trầm, và chàng tự chế nhạo mình hay lo hão. Tối hôm trước, một ngọn gió lạc vào phòng lành lạnh, khiến chàng bất giác rùng mình, thế mà lòng Sinh đã xốn xang lên, trong ám ảnh những ngày sẫm buồn và những bão tố mùa thu. Chàng vốn sợ những ngày lạnh mà màu xám lặng câm hàm một ý não nùng thê thiết, tựa một lời nức nở bị nén trong hầu. Lội xuống nước, Sinh thấy rõ bàn chân in trắng muốt trên cát. Chàng đá vung lên, và nước văng tung tóe thành muôn giọt ngọc sáng ngời. Không, ánh hè còn bền bỉ lắm, mây âm u chưa thể đến ám vòm trời và hồn người được; bão mùa thu vẫn chưa góp gió, vợ những bác chài vẫn nói cười vui vẻ, lòng chưa se lại trong niềm thấp thỏm.
Yên lòng trong ý nghĩ ấy, chàng vừa bước dọc rẻo cát vừa hát vu vơ. Dải núi, nãy giờ vẫn chạy men dọc bãi, tới đây bỗng choãi rộng ngâm chân xuống nước; chàng theo một đường mòn bước lên. Một tảng đá chắn lối, lung lay muốn lăn; khối đá nằm chênh vênh bởi nước mưa đã xói đất dưới chân tảng. Chàng cẩn trọng bước. Qua khỏi rồi, chàng men theo một lối đầy sò sảnh len khúc khuỷu giữa những mô đá lô nhô, tiến tới động của chàng. Chốn mà chàng thường gọi "động" cho có vẻ tiên cách ấy là một vòm hang rộng nhưng thấp, ở cửa hang đứng sững những cột đá tựa hồ những vòi voi khổng lồ vươn hút nước mặn. Chàng tìm đến "ngai" của chàng, một phiến đá bằng phẳng, chàng thường ưa nằm trên đó, để lắng nghe, đầu gối trên tay, điệu nhạc sóng rộn rã bên mình, cũng màu xanh biếc như màu nước bể; và có khi, đắm dần vào giấc hôn thuỵ dịu dàng, chàng có cảm giác rõ rệt và phơi phới hồn mình đang chơi vơi trên sóng nhạc, hai cánh run rẩy đập nhanh như cánh con chim đỗ phải cành quá yếu.
Nhưng Sinh kinh ngạc biết bao, khi thấy một bóng người đã ngồi trên "ngai" của chàng. Một giây, Sinh thoáng nghĩ đến những nàng tiên giáng phàm trong truyện cổ. Người ngồi trước mặt chàng là một cô gái áo hồng, tóc buông lơi. Nghe tiếng động, nàng ngoảnh lại. Chàng đứng sững, mê hoặc bởi đôi mắt tròn to đằm bóng mơ huyền ảo đương nhìn chàng như tò mò như trêu chọc. Sinh tưởng nàng sẽ bật lên tiếng hỏi, giọng giận dữ của những nàng tiên khi chợt thấy kẻ phàm tục dám tới xúc phạm sự trinh tĩnh của mình: "Ai cho phép ngươi đến chốn này?". Nhưng không, nàng vẫn im lặng, vẫn lặng im nhìn chàng bằng đôi mắt tinh nghịch. Má nàng nhuốm một màu hồng mà bóng mờ trong hang đượm thêm vẻ nồng ấm khêu gợi; môi son uốn cong đầy vẻ kiêu hãnh cao quý.
Một hồi lâu im lặng; rồi bỗng đôi môi son cất lời:
- Có phải anh là anh Sinh?
- Làm sao tôi lại được hân hạnh...
Cô gái ngắt lời Sinh, khóe miệng nhếch thành một nụ cười lặng lẽ như để chế giễu giọng nói kiểu cách của chàng trai:
- Không có gì lạ. Tôi ở cùng làng, tôi là con quan Phủ Lê.
- Cô Nga! Tôi vẫn nghe nói đến cô luôn, nhưng bây giờ mới được gặp lần đầu.
- Bởi từ hồi còn nhỏ tôi vào học trong Huế.
Thế rồi, với một giọng lưỡi hoạt bát, cô gái đưa đẩy câu chuyện. Và có lúc đang nói, Sinh bỗng ngừng lại, bắt chợt mình đang kể lể tâm tình, như với một người tri kỷ. Sinh cũng không còn nhớ mình đã trò chuyện và kể lể những gì trong buổi gặp gỡ bất ngờ, gần như huyền hoặc ấy. Dường như chàng nói chỉ để nén bớt sự hồi hộp của trái tim. Và để cố gắng chế ngự phần nào ánh mê hoặc của đôi mắt to đang chiếu thẳng vào chàng đăm đăm. Nga nhìn Sinh bằng đôi mắt tò mò, nàng lặng ngắm chàng trai xinh đẹp, da hơi xanh, tóc lồng bồng, mắt mơ màng dưới vừng trán rộng thoáng ý u buồn. Nàng xét đoán người bạn mới: đó là một chàng trai "hơi điên", nàng tự bảo, mà cách xử sự trong tình yêu hẳn có nhiều vẻ ngồ ngộ, khác người. Đôi môi nàng nở một nụ cười lặng lẽ nó sẽ làm Sinh ghê rợn nếu chàng hiểu ý nghĩa: nàng muốn đùa nghịch với ái tình, Sinh sẽ là con mồi đáng thương.
Nga là một cô gái kỳ dị, đầu óc chứa đầy những tư tưởng lãng mạn đến mức ngông cuồng. Nàng muốn sống một cuộc đời phóng túng bừa bộn, tuyệt nhiên không lấy gì làm hệ trọng, cả đến tình yêu. Đó là hiệu quả sự kết bạn với những cô gái "mới", hay dấu hiệu sự di truyền tâm tính tự mẹ nàng, một cô đào ông Phủ đã lấy làm lẽ thứ tư hồi trị nhậm một huyện tỉnh Nam?
Với một khéo léo thông minh, nàng lôi cuốn chàng trai ngây thơ vào lưới tình mà tay nàng giăng mắc; nàng có những điệu bộ mê hoặc, những lời rủ rỉ say sưa. Ngần ấy có lẽ cũng bằng thừa. Bởi chàng trai lao vào cuộc không đắn đo và không mặc cả; chàng không đợi đón chào, không chờ mời mọc, mới dâng hồn cho mộng yêu đương. Nhưng quả có rằng lần này chàng say sưa, chàng sôi nổi, chàng đắm đuối, quả có rằng cô gái đã đem cho chàng những cảm giác đê mê mới lạ. Ôi! Những giây phút thiêng liêng mà chàng ghì thân ngọc trong tay run rẩy, và ghé đầu bên mái tóc dài, lắng nghe hồn nói sang hồn...
Chàng yêu không giữ gìn và không giấu giếm. ái tình không phải điều xấu xa mà người ta làm thầm vụng. Chàng tự nhiên mà yêu, ngang nhiên mà yêu. Nhưng cha mẹ chàng bắt đầu lo ngại, bởi trong làng đã vang tiếng đồn. Một hôm, cha chàng đã nghiêm giọng nói với con. Ông Phủ Lê còn xa mới được là một con người đáng trọng vọng. Vinh hoa phú quý vẫn không che lấp được lai lịch mờ ám và tâm địa ti tiện của ông... Còn Nga? Thôi, nói làm chi đứa con gái đã để cho người ta nghi ngờ đến cả tiết trinh mình.
Sinh cúi đầu lặng nghe lời nghiêm huấn; nhưng trong chàng sôi lên một niềm công phẫn. Nếu người đương nói xấu Nga đó không phải là cha chàng! Thì trời ơi, còn có sự tàn bạo nào mà chàng không dám phạm để bóp chết ngay những lời phũ phàng kia! Tấm lòng yêu thương rộng mở chàng vẫn bao trùm cả nhân loại, lại chỉ thêm dầu vào phẫn nộ của chàng, bởi Sinh cho rằng mình đã bị phản bội một cách hèn mạt. Miệng thế thối tha hơn rãnh cống! Người đời là những tâm địa hiểm độc, lúc nhúc trong bùn tội ác, chỉ tìm kiếm thú thích làm hại nhau. Lời vu cáo thực đã ngây ngô. Làm như ai cũng ngu ngốc lắm mà tin được rằng cô gái kia có thể giấu ý tà dâm dưới vừng trán trong sáng như pha lê, có thể dễ dàng để uế thân trinh bạch khi đôi mắt còn mở to nhìn đời với một tin cậy hồn nhiên. Một tấm thân kiều diễm như Nga của chàng, Cao Xanh há đã tạo nên để chứa một tâm hồn ô trọc?
Sinh không dám cãi cha, nhưng thâm tâm chàng nghĩ vậy. Và ngay chiều ấy, chàng lại lần ra bãi bể, tới chỗ hẹn hò...
Rồi một hôm, tấn bi kịch gia đình bùng nổ. Thấy lời khuyên vô hiệu, cha chàng dùng giọng nghiêm khắc quở mắng, Sinh cúi đầu cắn môi, nhưng khi ông cụ lại nhắc đến những lời đồn không tốt về Nga, thì chàng không còn nén được lòng phẫn uất. Chàng kêu lên:
- Quân khốn nạn cả! Tin chúng là vô ý thức!
Ông cụ ngồi sững sờ. Sinh thì ôm đầu, cũng kinh ngạc về sự láo xược của mình; chàng bỏ chạy như một kẻ gian phi. Chàng đến nhà riêng chị gái đã lấy chồng, gục lên tay chị khóc rấm rứt. Bị rèn đúc trong khuôn nghiêm Nho giáo, chàng thấy tội bất hiếu của mình to lắm, mấy kiếp mà rửa cho sạch. Hối hận day dứt lòng chàng.
Nhưng khi nỗi buồn đau đã dịu theo nước mắt, chàng lại lần ra chỗ hẹn. Chàng chờ, lòng càng nung nấu bởi cơn giông tố vừa qua. ồ, chỉ một ánh mắt, một nụ cười của bạn yêu, là chàng không còn hối hận gì về thái độ đã có trước mặt cha. Chàng sẽ quên hết, tha thứ cho cả miệng đời ô trọc; những lời vu cáo, chàng sá kể gì, khi chàng đã thấy mắt Nga nhìn, đã nghe môi Nga nói.
Nhưng chàng chờ, chàng chờ, bóng tím đã lùa vào hang thấp như một nỗi lo âu, mỗi lúc một đè trĩu thêm tim chàng. Sau cùng khi đêm đã buông màn đen xuống mênh mang của trời nước, chàng đành thất thểu trở về.
Chàng thức suốt đêm hôm đó, viết cho Nga một bức thư dài. Chàng không tiếc lời trách móc, lòng cảm thấy một thú thích kỳ dị, thầm kín khi day dứt bạn yêu, thú thích càng sâu sắc trong ý nghĩ những lời đó sẽ rạch sướt tim nàng, như lúc này mỗi nét bút chàng vạch cũng đang rạch sướt chính tim mình một cách vừa đau đớn vừa êm dịu.
Chàng chờ đợi năm ngày trong thấp thỏm. Sau cùng thư trả lời đến, đánh đòn chí mệnh lên hồn chàng. Cô gái bĩu môi mà đáp rằng, không, những lời trịch thượng của anh chàng kia, một con người tuy có học vấn nhưng vẫn là kẻ quê mùa ngốc nghếch và hợm hĩnh, đã không làm nàng nổi giận đâu, nàng chỉ đã mỉm cười.
Sinh im lặng, tự hãm tình cuồng trong một mối kiêu ngạo nam nhi.
III
Tiếng trẻ nô đùa khiến Sinh tỉnh cơn mơ mộng. Chàng ngơ ngác nhìn; nắng vàng tươi bay phấp phới trong không gian, chảy trên những lá đa, lẩn loáng thoáng giữa những cành lay động, và khi sớt phải làn rêu của mái đền góc cong thì ngưng đọng lại mơ màng. Chàng đã đến cửa đền. Chân chàng bước trên những lát điệp trắng - người ta nói mô đất xây đền vốn là đáy biển dâng vào một thời không xa - và chàng đã nghe tiếng rì rào trầm buồn, như tiếng xay thóc những đêm thôn dã, của sóng biếc. Trong khi hồn lạc nghĩ ngợi vẩn vơ, chàng đã vô tình tiến về phía bãi bể. Vô tình! Một sức huyền bí nào dường như đã đưa dần bước chân; và chàng lan man nghĩ tới Định Mệnh.
Hôm ấy, cầm bức thư độc ác, Sinh, lòng kiêu căng bị tổn thương, đã tự thề không thèm nhớ tiếc người con gái bạc tình và vô tư cách. Nhưng chàng cảm thấy ngay lời thề ngớ ngẩn, bởi ai đâu sai khiến được lòng mình, khi lòng mềm nghiêng ngả theo muôn tình?
Rồi tiếp đến mây thu dồn dập kéo ám trời, mưa rơi nao nao từng cơn, lệ tình não nùng của Ngưu Lang, Chức Nữ. Một chiều kia, lòng cuồng điên thất vọng, chàng đi lang thang hàng giờ trong các ngõ xóm và ngước nhìn bầu trời ảm đạm, mải mê hứng những giọt mưa lạnh rơi trên trán, trên da mặt. Trở về, đầu chàng nóng hầm hập và nửa đêm chàng lên cơn sốt.
Trong phòng bệnh, bóng tối u uất đè mãi lên hồn chàng. Một lần, thừa cơ phòng vắng, chàng lén mở cửa sổ. Một làn ánh sáng chảy vào, thứ ánh sáng xám mùa đông. Tuy vậy chàng chắp hai tay ngước nhìn trời, thầm cảm ơn; và chàng hát mãi câu đầu bài thơ "Cầu nguyện" chàng đã viết cạnh một ngọn đèn hoa kỳ tù mù:
Tôi chờ nắng lên cho lòng hửng sáng...
Hôm nay, dạo bước lang thang, chàng lại bắt chợt mình đang thì thầm câu hát đó. Tôi chờ nắng lên cho lòng hửng sáng... Nắng đã lên rồi, chói lọi! Nhưng lòng chàng chưa hửng sáng, lòng chàng mà những kỷ niệm buồn vừa tới ám, và còn vương vít lưới sầu mùa đông...
Sinh từ bờ đường nhảy xuống, lần theo bãi cát chạy ven con sông nước mặn. Dải sông chợt phình trái bầu, như để ôm trong hai tay mở rộng nước tràn từ bể cả vào. Lần đầu thấy lại khoảng trời nước mênh mang. Sinh tưởng chừng ngột thở. Chàng đứng dừng, ngờm ngợp nhìn thinh không, rồi bỗng dưng như một người điên, chàng vừa chạy vừa múa may vừa hát huyên thiên. Chàng muốn tỏ ra mình cũng là một cái gì đáng kể trong vũ trụ, không phải như trước kia, hồi chàng nằm trong buồng kín, lẫn cùng bóng tối, một hư vô chìm lặng trong hư vô.
Vài bác chài, mình trần trùng trục phô lưng đen loáng ánh mặt trời, chống nạnh yên lặng đứng nhìn theo. Đoạn họ đi xuống nước, rồi nhìn thẳng phía bể bơi ra, bằng lối bơi nhẹ nhàng mà hùng cường của họ, tay uyển chuyển đưa xé nước roàn roạt.
Sinh bắc loa miệng gọi - chàng sung sướng nghe tiếng mình âm vang trong thinh không:
- Các bác đi bắt cá đấy à?
Họ quay đầu, hỉ hai luồng nước từ lỗ mũi, gật đầu. "Bắt cá" nghĩa là đón những thuyền chài các nơi vào bán cá. Sau khi đánh lưới, những thuyền chưa về vội, ghé vào những cửa lạch lân cận bán một phần thu hoạch. Vài bác dân chài trong vùng bơi ra dẫn lối cho thuyền, bởi cửa sông thường bị cát bồi thành bãi ngầm đáng sợ; họ lại giới thiệu khách mua và ăn hoa hồng tính theo giá bán.
Sinh lại hỏi:
- Sao không trèo ra ngoài mỏm đá kia?
Nhưng họ đã ra xa, bơi xế về phía bên kia sông để đón hai chiếc thuyền lưới trên đó đám bạn chài hạ buồm đang hét ầm ĩ như có giặc.
Sinh nghĩ thầm: trèo ra ngoài mỏm đá kia rồi mới xuống nước thì đỡ được một đoạn bơi, nhưng đối với những tay dân chài gân guốc kia thì đoạn đường có nghĩa lý gì.
Một chốc sau, chàng nhận thấy mình lầm. Men theo đường mòn chân núi, chàng vừa bám tay định leo qua tảng đá chắn lối đã vội lùi ngay lại. Roạc! Khối đá lớn sụt nghiêng, bụi trắng rơi lả tả. Sinh cúi nhìn: những trận mưa vừa qua đã xói hẳn đất bên dưới, thành thử tảng đá chỉ bám rễ vào đất bằng một chân nhỏ, còn phía bên kia thì gác chênh vênh lên một tảng đá khác. Sinh đi men thử bám lên tảng này, nhưng chàng lại phải bỏ ngay ý định. Xuyên qua bao thế kỷ, nước bể đã gọt đẽo kỳ khu trên mặt đá những hình nhọn hoắt lởm chởm, giống như những đền chùa tí hon mái cong chồng chất dính trên non bộ. Sinh vừa xoa xuýt tay rớm máu, vừa nhìn địa thế. Phía bên kia là chân núi, ở đó nước bể tuồn vào một cái lạch sâu; chàng bèn quay trở lại, rồi bám trèo dọc sườn núi. Sườn núi hầu như dốc đứng; chân co quắp bấu vào những chỗ xù xì, tay bíu chặt những bụi cỏ nước mặn lá sắc nhọn cứa lên da rớm máu, chàng lần đi. Có lúc, đầu chàng lả ngửa ra sau, trời đất quay cuồng đảo lộn, mũ suýt băng ra. Lạch nước phía dưới kia như sụt xuống, sụt mãi xuống, tưởng chừng sâu thăm thẳm ngợp hồn.
Khi đặt chân tới "động", Sinh gần ngất đi. Chàng ngồi phục xuống, đầu nặng gục lên hòn đá ngai; bệnh trở lại, một cơn sốt dữ dội kéo đến.
Gió lùa trong hang lành lạnh thổi khô dần vạt áo nhễ nhại mồ hôi. Sinh tỉnh dậy; đầu mệt mỏi vẫn gối trên đá, chàng nghe tiếng sóng rì rào. Nhạc bể thân yêu đều đặn ru đưa hồn êm trôi về quá khứ. Những kỷ niệm nằm trong bóng tối thời gian vươn mình rũ cánh bay phất phới trên dòng nước hồn chàng.
Mối tình yêu dang dở và cay đắng, giờ này đây sống lại trong tâm hồn với một vẻ trọn vẹn và tinh khiết hoàn toàn, tựa hồ được lọc qua chiếc lọc của thời gian và của chính lòng chàng đã bình tĩnh trở lại. Không, chàng tự nhủ, yêu không bao giờ là một sự dại khờ, một sự thả buông và mất mát, khi nó là một niềm yêu chân thành tha thiết. Và cho dù nó được đáp ứng lại bằng sự tha thiết chân thành hay bằng điều tráo trở, chẳng ai, chẳng một cái gì, dù là điều tráo trở phũ phàng tàn nhẫn nhất, có thể cướp đi vẻ vẹn toàn trắng trong của nó.
Nhạc bể ru đưa, ru đưa hồn êm trôi, êm trôi về quá khứ. Sinh đứng dậy nhìn quanh, tưởng nghe tiếng xào xạc của đàn chim kỷ niệm rời tổ hồn chàng. Chàng đứng tựa vào một cột đá. Ngoài kia bể réo, từng ngọn sóng ào ào kéo vào, nhưng khi tới chân chàng, chỉ còn là một cái lưỡi nước rộng thè liếm cát. Sinh lần bước đi ngược vào hang. Chợt chàng đứng lặng, tưởng chừng ngột thở trong ngạc nhiên vui sướng: tại đáy hang, làn cát xổi lên, còn giữ nguyên vẹn những nét chữ mà chàng đã vạch bằng đá nhọn, cách đây bốn tháng. Những chữ S và N nằm quấn quýt, đủ các lối kết hợp. Đây là chữ S mà bàn tay nhỏ của Nga đã vạch, đây chữ N rắn rỏi nét sâu, ôm trùm cả chữ kia, của chính tay chàng. Đây là một câu yêu đương Nga đã viết, tay trong tay Sinh, câu viết chưa xong bởi một cái hôn ngắt quãng. Những hình ảnh diễn lại qua trí nhớ một cách rõ rệt kỳ dị, trong từng tiểu tiết. Chàng tưởng thấy bàn tay trắng muốt, tròn tròn như mọng lên, dạo trên cát ẩm những ngón thon móng đỏ thắm. Chàng kêu nho nhỏ: "Trời ơi!", lòng gần như chua xót trong một niềm vui sướng sắc nhọn.
Cái công trình kỷ niệm của tình yêu vạch trên cát, mà chàng tưởng mong manh, bởi chắc sẽ bị chân người xóa bỏ một ngày gần, không ngờ đã lâu bền ngoài lòng mong ước. Chàng lặng nhìn, trí nhớ gợi một chàng trai của thuở xưa dưới một trời xa. Chàng Olympio nọ, một lần, cũng về thăm chốn cũ như Sinh, chốn chàng đã để cho "tim thoát vỡ qua nhiều vết thương"1. Nhưng chàng thi sĩ đáng thương ấy đã thấy cảnh vật đổi dời. Nay lát gạch, con đường cát mà chân nàng hằng in gót xinh; những khóm hồng đã bị trẻ con phá hủy; chim ca hót, cánh đồng nhuốm xanh, trời chói nắng, quang đãng và lạnh lùng trước đau khổ của chàng trai.
Sinh gợi lại hình ảnh chàng thi sĩ trẻ thất vọng đi lang thang, cố tìm lại mà không bao giờ thấy một dấu vết của ân ái cũ. Và Sinh, đứa con cưng kia đã quỳ xuống trong dáng điệu cầu nguyện, để dâng lên đức Thượng Đế nhân từ tất cả lòng biết ơn thành kính. Chàng, chàng không sợ ai phá hủy được những chữ mong manh trên cát. Không một bàn chân nào, ngoài chân chàng, sẽ tới được đây. Và tình chàng sẽ sống chốn này mãi mãi, trong lời ru mênh mang của sóng nước.
Khi Sinh trở về, nắng chiều đã tắt. Lạnh đã trở lại, len trong hơi sương rất nhẹ. Nhưng một làn nắng mới vừa hửng lên, trong lòng chàng ấm áp...
1939
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1941