Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> TUYẾT BỎNG

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 46153 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TUYẾT BỎNG
YURI VASSILIEVITCH Bondarep

Chương 5- 4

“Vích-to,-ông nghĩ.-Phải rồi, Vi-chi-a…”
Trong thời gian gần đây, mọi khuôn mặt trẻ trung mà Bét-xô-nốp tình cờ bắt gặp đều gợi lên trong ông cảm giác cô đơn ốm yếu, cảm giác mình là người cha có lỗi không bào chữa được đối với con trai và giờ đây càng nghĩ đến con, ông càng tưởng như cả cuộc đời con trai ông đã trôi qua bên ông, và kỳ quái thay, ông đã không hề chú ý tới nó.
Bét-xô-nốp không thể nào nhớ chính xác những chi tiết về thời thơ ấu của nó, không rõ nó thích gì, nó có những đồ chơi gì khi bắt đầu đi học. Ông chỉ đặc biệt nhớ rõ một lần vào ban đêm con trai ông thức giấc có lẽ do giấc mơ hãi hùng, nó khóc và khi nghe tiếng khóc ông bật đèn lên. Đứa bé ngồi trong chiếc giường nhỏ, gầy gò, những bàn tay thon nhỏ của nó run rẩy bám lấy tấm lưới. Bét-xô-nốp ẵm nó lên, ôm chặt thân mình yếu đuối của nó vào bộ ngực lông lá của mình, cảm thấy mùi chim sẻ trên mái tóc sáng, ẩm của nó, ông bế nó đi trong phòng, vừa đi vừa ru nó bằng những lời ru do ông đặt ra, những lời ru toát lên vẻ trìu mến vô cùng của bản năng người cha: “Con ơi, con hỡi, con hời, bố chẳng đem con cho ai đâu, bố con mình sẽ cùng nhau, con nhỉ…”.
Nhưng ông còn nhớ rõ một kỷ niệm khác, nó khiến ông về sau đặc biệt đau lòng: với nét mặt sợ hãi, bà vợ ông giằng khỏi tay ông chiếc dây lưng ông dùng để quất vào đùi đứa con trai mười hai tuổi, cái quần may bằng thứ vải rẻ tiền và dính đầy bụi bẩn ở nhà kho. Thằng bé không kêu một tiếng nào. Khi ông vứt chiếc dây lưng đi, thằng bé chạy ra ngoài, cắn chặt môi, đến cửa nó ngoái nhìn lại-trong đôi mắt màu xám giống như mắt mẹ của nó long lanh những giọt lệ sững sờ của trẻ thơ.
Đã một lần trong đời, ông làm cho con trai đau đớn. Lần ấy con trai ông đã xoáy tiền trên bàn viết của ông để mua chim sẻ… Chả lẽ Vích-to đã nuôi chim sẻ ở trong nhà kho? Chuyện đó cũng mãi về sau ông mới biết rõ.
Người ta chuyển ông từ đơn vị này sang đơn vị khác-từ Trung Á đến Viễn Đông, từ Viễn Đông đến Bi-ê-lô-rút-xi-a,-đến chỗ nào cũng ở nhà của Nhà nước, dùng đồ đạc của Nhà nước; đồ đạc khi di chuyển vẻn vẹn chỉ có hai chiếc va li; từ lâu vợ ông đã quen với cảnh đó, lúc nào bà cũng chuẩn bị chuyển chỗ, tới nơi công tác mới của ông. Bà lặng lẽ chịu đựng ông và gánh nặng của mình.
Tưởng chừng như tất cả phải như thế. Nhưng mãi về sau này, sau khi đã trải qua các trận chiến đấu ở gần Mátxcơva, lúc nằm bệnh viện, đêm đêm ông nghĩ tới vợ con và vỡ lẽ ra rằng nhiều điều đã có thể không như thế, rằng cuộc đời ông như một bản nháp mà tự đáy lòng mình ông luôn luôn hy vọng viết sạch lại sau một, hai năm, khi ông đã ba, bốn mươi tuổi. Nhưng sự đổi thay may mắn đó đã không xảy ra. Ngược lại, ông đã được lên cấp, lên chức đồng thời nổ ra các cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, ở Phần Lan, sau đó ở Pri-ban-tích, Tây U-crai-na và sau hết là năm bốn mươi mốt. Giờ đây ông không định cho mình những thời hạn kỷ niệm nữa, chỉ tự nhủ rằng cuộc chiến tranh này sẽ thay đổi nhiều cái.
Khi nằm bệnh viện, lần đầu tiên ông nảy ra ý nghĩ rằng cuộc đời ông, cuộc đời của một quân nhân chắc chỉ có thể diễn ra theo một kiểu duy nhất mà ông đã lựa chọn, xem như nhất thành biến biến.
Chẳng có cái gì ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc đời của ông cả. Ông không chép sạch lại cuộc đời đó và cũng không cần thiết làm như vậy. Cứ như là số phận: hoặc là thế này, hoặc là thế kia. Không có sự lấp lửng nửa vời. Nếu như phải chọn lựa lại, chắc ông sẽ không thay đổi số phận của mình. Nhưng một khi đã hiểu được như thế, Bét-xô-nốp nhận ra một điều không thể tha thứ được: cái kiểu sống duy nhất, gần gũi nhất mà ông lựa chọn đã trôi qua nhanh chóng, như thấp thoáng trong sương khói và ông không thể bào chữa được trước vợ và con trai.
Ông đã gặp Vích-to, con trai ông lần cuối cùng chính tại một viện quân y ở gần Mátxcơva, trong căn phòng sạch sẽ, trắng tinh dành cho các vị tướng. Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan bộ binh và nhận phân công công tác, con trai ông đã cùng với mẹ đến thăm ông ba giờ đồng hồ trước khi lên tàu ra mặt trận từ ga Lê-nin-grát. Quân hàm đỏ chói, dây lưng và quai dai mới tinh đeo chéo, bảnh bao, chàng thiếu úy mới ra lò ăn vận như ngày hội, sung sướng, rạng rỡ, tuy có vẻ choáng lộn như một thứ đồ chơi, chắc các cô gái ngoài phố phải ngoái nhìn. Anh ngồi ở chiếc giường bên cạnh-giường của vị tướng đã lại sức, vừa tế nhị đi ra khỏi phòng-và bằng một giọng trầm trầm mới vỡ, anh kể rằng mình được phân công về một đơn vị đang chiến đấu. Anh nói rằng anh đã “chán ngấy” những trò đơn điệu vô tận “tập hợp, nhìn trước, thẳng!” ở trong trường. May mắn thay, giờ đây anh được ra trận, anh sẽ được nhận chỉ huy một đại đội hoặc một trung đội-tất cả học viên ra trường đều như vậy-và thế là bắt đầu cuộc sống thật sự.
Khi trò chuyện chẳng hiểu sao anh đã cẩu thả gọi Bét-xô-nốp bằng “bố”, chứ không xưng hô như trước đấy và anh còn chưa quen với cách xưng hô mới này. Bét-xô-nốp nhìn khuôn mặt linh hoạt của con trai với đôi mắt xám vui tươi, hàng lông tơ mềm mại, bàn tay nhỏ nhắn của một chú bé khéo tay mà anh hay dùng để vỗ vào túi quần với vẻ băn khoăn và chẳng hiểu sao ông nghĩ tới những chú bé khác-những thiếu úy, trung úy và chỉ huy trung đội, đại đội mà ông hầu như bao giờ cũng chỉ được gặp có một lần: sau mỗi cuộc chiến đấu có những người khác tới thay thế họ…
-Pê-chi-a, mình cho phép, con nó hút thuốc,-bà vợ xen vào khi thấy con trai có vẻ băn khoăn.-Nó đã bắt đầu hút thuốc rồi đấy, mình không biết ư?
-Thật thế hả Vích-to?-Bét-xô-nốp hỏi, cảm thấy ngạc nhiên một cách khó chịu nhưng ông đẩy thuốc lá và diêm của vị tướng nằm bên cạnh để trên mặt bàn lại phía con trai.-Đấy hút đi…
-Con mười tám rồi đấy bố ạ. Ở trường pháo binh ai cũng hút thuốc. Con không thể là con quạ trắng được.
-Chắc là con biết uống rượu nữa chứ? Đã nếm thử chưa. Nào, cứ thẳng thẳn: vì con là thiếu úy, một người tự lập rồi cơ mà.
-Có, con đã nếm thử… Không, không cần, con có thuốc rồi, thuốc “Pu-sca”. Con hút được chứ ạ? Bố không sao chứ?-Người con trai nói nhanh, đỏ mặt, thổi thổi vào điếu thuốc; anh quẹt diêm theo kiểu đặc biệt, kiểu ở ngoài mặt trận, giữa hai bàn tay chụm lại, có lẽ anh đã học được cách đó lúc ở trường. Anh bắt đầu nói nhanh để che giấu sự bối rối:-Con cứ nghĩ nếu trước đâu bố biết việc này thì không hiểu sự thể sẽ ra sao? Bố đánh con chắc?
Người con trai hút thuốc một cách vụng về, nhả khói xuống phía gậm giường như khi ở doanh trại trong trường, vì sợ sĩ quan trực nhật tới, Bét-xô-nốp và vợ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau.
-Không,-Bét-xô-nốp trả lời giọng trầm trầm.-Sau lần ấy thì chả bao giờ nữa. Chả lẽ con cho bố… là một người cha hà khắc à?
-Dẫu sao lúc ấy bố cũng đã làm đúng.-người con trai nói.-Đánh là phải. Con thật là ngốc nghếch!
Anh cười vang khi nói chuyện đó, nhắc lại điều đôi lúc làm cho Bét-xô-nốp đặc biệt bị giày vò vì đã có lúc ông làm cho con trai đau đớn về thể xác.
-Trời ơi, bố con ông rõ thật là… Thế là nhà ta bây giờ có hai trang nam nhi!-Bà mẹ khẽ kêu lên và siết chặt cổ tay Bét-xô-nốp để trên tấm chăn.-Pê-chi-a ạ, xảy ra chuyện kỳ quặc lắm, như thể, không có sự can thiệp của mình ấy; Vích-to sẽ đi Vôn-khốp, tới một đơn vị nào không rõ… Chả lẽ mình không thể làm gì để giữ nó lại với mình… cho nó vào một sư đoàn nào của mình không được sao? Chí ít mình cũng để mắt được tới nó. Mình hiểu chứ?
Ông hiểu rõ mọi việc hơn bà, ông biết số phận bấp bênh của các chỉ huy trung đội và đại đội bộ binh. Ông đã nghĩ nhiều lần tới chuyện đó và muốn vuốt ve bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của vợ để bà yên tâm nhưng trước mặt con trai ông kìm lại.
-Mình thấy đấy, Ô-li-a, bây giờ tôi là tướng không quân,-Bét-xô-nốp nói với vợ nhưng vợ chăm chú nhìn con trai.-Khi nào tình hình thực tế rõ ràng rôi sẽ gọi Vích-to về, cố nhiên nếu như…
Người con trai không để cho ông nói hết, sặc khói thuốc lá, lắc đầu quầy quậy tỏ ý không tán thành.
-Ấy, không đâu bố ạ! Nấp dưới cánh của một ông tướng là bố mình ư? Không đâu! Thôi đừng nói chuyện ấy nữa mẹ ạ! Có lẽ rồi mẹ còn bảo xếp con làm sĩ quan tùy tùng cho bố chắc? Để bố phát huân chương cho con nữa chứ?
-Bố sẽ không để con làm sĩ quan tùy tùng đâu, mà sẽ trao cho con một đại đội,-Bét-xô-nốp nói.-Còn về huân chương, nếu không có công lao bố sẽ không trao đâu. Tuy bố biết rằng người ta được huân chương theo nhiều cách khác nhau.
-Không đâu! Bố biết không, ở trường lũ bạn con lúc nào cũng cứ tủm tỉm cười và hỏi: “Thế nào, bây giờ về chỗ bố chứ?”. Con chả thích thế đâu bố ạ. Chỉ huy đại đội ở đâu mà chả thế? Với lại con đã có quyết định ở trong túi rồi. Bốn chúng con ở trường ra sẽ cùng nhau tới đó. Chúng con đã cùng học với nhau và sẽ cùng nhau xông lên tiến công! Còn nếu xảy ra chuyện gì thì đó là số phận! Làm gì có hai số phận hả bố!-Anh lặp lại những lời nghe được của người khác.-Thật thế đấy mẹ ạ!
Bét-xô-nốp chỉ hơi đụng đậy các ngón tay trong lòng bàn tay đã trở nên ẩm ướt của bà vợ, bà cũng im lặng. Bét-xô-nốp nhìn nhận hơi khác điều mà con trai ông giờ đây tưởng như rõ ràng, đơn giản, điều thôi thúc anh đợi chờ cuộc sống mới tự lập, tình đồng chí chiến đấu và các cuộc tiến công quyết định và cố nhiên bao giờ cũng thắng lợi. Ông hiểu rất rõ thế nào là chiến trường, và cái chết trong chiến tranh không phải lúc nào cũng đẹp đẽ.
Nhưng ông không có quyền nói tất cả những điều đó với con trai bằng một giọng từng trải và quá ư thiết thực, phá tan ảo tưởng ngây thơ của tuổi trẻ ở trong anh. Hơn thế nữa, lúc này anh không chấp nhận gì hết. Có lẽ Vích-to chỉ cảm thấy một điều: tấm giấy quyết định cử anh ra mặt trận, đang sọt soạt đầy sức lôi cuốn trong chiếc áo va rơi của anh. Phải, chỉ có chiến tranh mới có quyền uốn nắn mọi cái cho đúng.
-Số phận-Bét-xô-nốp nhắc lại.-Vích-to, con nói tới số phận. Nhưng trong chiến tranh số phận dẫu sao cũng không phải là một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn. Dù con thấy lạ lùng thế nào đi nữa, đó là sự khắc phục bản thân… nếu như con muốn biết rõ. Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ đó…
-Vâng, vấn đề không phải ở chỗ đó, chúng ta sẽ không lao vào triết lý rắc rối-Anh con trai tán thành một cách vô tư và chỉ cẳng chân băng bó của cha đặt dưới tấm chăn, hỏi:-Bây giờ bố thấy dễ chịu rồi chứ? Bố sắp ra viện chưa? Con cứ nghĩ: nằm đây thật là chán ngắt! Con thông cảm với bố lắm! Bố không đau chứ?… Ồ, thì giờ quái quỷ thật!… Các bạn con đang chờ. Đến giờ con phải đi ra ga rồi!-Và anh nhìn đồng hồ. Qua cử chỉ đó của anh có thể thấy rằng anh còn chưa hình dung được thế nào là đau đớn, có lẽ thậm chí anh không thể hình dung được ngay chính cái khả năng đau đớn.
-Bố hy vọng là sẽ sớm được ra khỏi đây,-Bét-xô-nốp nói.-À mà này, nhớ viết thư cho mẹ nhé. Ít nhất, mỗi tháng một lần.
-Bốn lần trong một tháng, con xin hứa như vậy!-Vích-to đứng dậy, hầu như sung sướng khi nghĩ rằng rốt cuộc chả mấy chốc anh sẽ ngồi trong toa xe lửa cùng với các bạn học của mình.
-Không, hai lần thôi, Vi-chi-a ạ,-bà mẹ sửa lại.-Chả cần viết nhiều hơn đâu. Chỉ cốt mẹ biết được…
-Con xn hứa, mẹ ạ, con xin hứa. Đến giờ rồi, chúng con đi đây!…
Và còn một kỷ niệm nữa.
Trước khi ra đi, người con trai đứng lại, mỉm cười, do dự không biết có nên ôm hôn cha hay không (trong gia đình không quen làm như vậy). Vì không quyết định được nên anh chìa tay ra theo kiểu người lớn:
-Tạm biệt bố!
Tuy nhiên Bét-xô-nốp siết chặt những ngón tay mảnh dẻ của con trai, kéo anh lại gần và chìa má hốc hác, bao giờ cũng cạo nhẵn nhui, cau có nói:
-Thôi được, bố không biết liệu chúng ta có còn gặp nhau nữa không,-chiến tranh mà, con trai của bố.
Lần đầu tiên trong suốt cuộc trò chuyện này ông gọi anh là “con trai” nhưng không phải với giọng điệu như khi Vích-to gọi ông là “bố”.
Vích-to lúng túng đặt môi lên khóe miệng ông và Bét-xô-nốp hôn lên cặp má nóng hổi của anh, cảm thấy trên áo va rơi mùi mồ hôi dìu dịu toát ra từ tấm thân trẻ trung trong trắng của anh. Ông nói:
-Con đi đi! Con hãy nhớ lấy điều này: mảnh đạn và đạn không thích các ông già. Chúng tìm những người như con… Và nếu như con nghĩ lại-cứ viết thư, bố sẽ giao cho con một đại đội ở chỗ bố. Thôi, chúc thiếu úy mọi sự may mắn!
-Mong bố chóng khỏe. Sau trận đầu tiên con sẽ viết thư?
Anh cười vang, đưa tay lên dây lưng của quai da đeo chéo, sửa lại những nếp gấp của cái áo sĩ quan, thích thú chỉnh lại bao da súng ngắn màu vàng bóng lộn, nhấc chiếc áo đi mưa mới tinh, sột soạt, để ở thành giường, khéo léo vắt nó trên tay. Vừa lúc đó có cái gì rơi lộp bộp trên sàn nhà chói nắng. Đó là những viên đạn súng ngắn T.T mới tinh, vàng chóe. Vích-to nhét đạn đầy các túi áo đi mưa. Sau khi tốt nghiệp, người ta chỉ phát có hai kẹp đạn cho mỗi người, còn anh chẳng hiểu bằng cách nào, đã tăng số đạn dự trữ, có lẽ đủ dùng nhiều tháng trong chiến tranh.
Bét-xô-nốp quay mặt nhìn ra cửa sổ, không nói gì. Còn bà mẹ thốt lên giọng thiểu não:
-Cái gì đấy? Sao nhiều thế hả con? Để mẹ nhặt giúp cho. Người ta phát cho con những ngần này cơ à?
-Con kiếm lấy đấy, mẹ ạ… Khoan đã mẹ. Con làm như thế để phòng bất trắc.
Vích-to hơi bối rối, nhanh chóng nhặt những viên đạn vung vãi trên sàn và khi đứng thẳng dậy anh nhét chúng vào các túi áo, khi trông thấy một viên đạn đang lăn đi, anh ngoái nhìn bố-ông đang nhìn ra cửa sổ-anh dùng mũi giày của mình đá nhẹ viên đạn vào một góc, khuôn mặt rạng rỡ, người thiếu úy ăn mặc bảnh bao, trông như một đồ chơi, dây lưng cót két, áo đi mưa mới tinh vắt trên tay, bước ra khỏi phòng như đi dạo chơi.
Về sau Bét-xô-nốp tìm thấy viên đạn bóng như gương này ở phía lò sưởi bằng hơi nước và ông giữ nó mãi trong lòng bàn tay, cảm thấy nó nhẹ bẫng kỳ lạ.

-Anh ta bao nhiêu tuổi, đồng chí chính ủy? Mười chín hay hai mươi?-Bét-xô-nốp hỏi bằng giọng rin rít, phá tan sự im lặng trong xe.
-Anh lính xe tăng ấy à?
-Và một anh khác nữa, đứng ở trên cầu.
-Nói chung toàn là các chú nhóc cả, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích.
Chiếc xe “Hoóc-xơ” xóc nhẹ trên các ổ gà, bật đèn pha phóng nhanh. Những chiếc xe tăng đã biến mất từ lâu vào màn sương màu lam nhạt của đem đen lạnh giá. Những chiếc xe tải kéo những cỗ pháo nặng, không bật đèn, đi ở bên phải như những chấm đen. Thỉnh thoảng lại vọng tới tiếng bánh xe nghiến ken két trên mặt đất đóng băng, gió đưa những tiếng hô khẩu lệnh rời rạc lọt qua những tấm kính lạnh giá-và Bét-xô-nốp lúc nào cũng cảm nhận được cuộc chuyển quân liên tục này, nghĩ: “Phải, nhanh lên, nhanh nữa lên!”.
Ở phía sau, ánh lửa diêm lóe lên như lân tinh và khói thuốc lá tỏa ra khắp trong xe.
-Vâng, hai mươi tuổi, anh ta bảo tôi thế,-Ve-xnin đáp và lập tức hỏi ngay với vẻ thận trọng tin cậy:-Thế con trai đồng chí thế nào rồi, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích? Vẫn không có tin tức gì à?
Bét-xô-nốp cảnh giác, các ngón tay nắm chặt lấy cái gậy đặt giữa hai đầu gối.
-Do đâu anh biết chuyện con trai tôi, Vi-ta-li I-xa-ê-vich?-Ông dè dặt hỏi, không quay đầu lại.-Nghĩa là anh muốn hỏi: con trai tôi còn sống không?
Ve-xnin đặt tay lên lưng ghế, gần vai Bét-xô-nốp.
-Xin lỗi, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, cố nhiên tôi không muốn… Tất nhiên tôi cũng có biết chút ít. Tôi biết là anh có một con trai, thiếu úy… cháu nó chiến đấu ở mặt trận Vôn-khốp trong tập đoàn quân xung kích số Hai… Nói chung chắc anh đã rõ về số phận của tập đoàn quân này.
-Hoàn toàn đúng,-Bét-xô-nốp lạnh lùng nói,-tập đoàn quân xung kích số Hai trong đó có con trai tôi, đã bị đánh bại vào tháng Sáu. Tư lệnh tập đoàn quân đã đầu hàng, bị bắt làm tù binh. Ủy viên Hội đồng quân sự tự sát, trưởng ban thông tin đã dẫn tàn quân thoát khỏi vòng vây. Trong số những người chạy thoát không có con trai tôi. Những người quen biết nó quả quyết rằng nó đã bị giết.-Bét-xô-nốp chau mày.-Tôi mong rằng mọi người ngồi đây hãy quên đi những điều tôi nói ở đây. Tôi không muốn để những kẻ nhàn rỗi hay đi săn tin giật gân xì xào về những biến cố xảy ra ở Vôn-khốp. Không phải lúc.
Nghe rõ tiếng lịch kịch của tấm kính do Ve-xnin hạ xuống để vứt mẩu thuốc lá ra ngoài, tiếng người lái xe trở mình trên ghế, như thể lời ngăn đe chỉ nhắm vào anh, anh làu bàu:
-Đồng chí làm chúng tôi phật lòng đấy, thưa đồng chí tư lệnh. Tôi đã được kiểm tra hàng trăm lần…
-Các anh phật lòng vì các anh không hiểu,-Bét-xô-nốp nói.-Điều tôi nói còn liên quan cả đến thiếu tá Bô-gi-scô. Tôi không chịu được những người lái xe cũng như những sĩ quan tùy tùng hay ba hoa ở bên cạnh.
-Tôi hiểu cả, thưa đồng chí tư lệnh!-Bô-gi-scô phấn khởi lên tiếng, không phật ý.-Nếu có sai lầm tôi sẽ cố gắng sửa chữa.
-Ai cũng có sai lầm cả.-Bét-xô-nốp nói.
“Một người khắt khe và không đơn giản,-Ve-xnin nghĩ.-Anh ấy cho thấy rõ là sẽ không lấy lòng ai cả. Nói chung đây là một người không cởi mở. Anh ấy nghĩ gì về mình nhỉ? Chắc đối với anh ấy mình chỉ là một anh dân sự đeo kính cận tuy khoác áo chính ủy sư đoàn…”.
-Xin lỗi, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, tôi xin hỏi thêm một câu nữa,-Ve-xnin thốt lên với ý muốn phá tan bầu không khí lạnh lùng trong quan hệ giữa họ.-Tôi được biết anh đã đến làm việc ở Đại bản doanh. Tổng tư lệnh tối cao thế nào hả anh? Anh thử hình dung xem, trong đời mình tôi đã được thấy Người mấy lần, nhưng chỉ được trông, thấy trên lễ đài thôi. Chưa bao giờ được thấy gần.
-Biết trả lời anh thế nào bây giờ, Vi-ta-li I-xa-ê-vich-Bét-xô-nốp nói.-Về chuyện đó không thể trả lời vắn tắt được.
Cũng như Ve-xnin bất giác còn dè dặt khi dò dẫm tìm hiểu vị tư lệnh mới của mình, Bét-xô-nốp cũng không thích tâm sự, không thích nói về những gì liên quan đến bản thân mình cũng như những điều có liên quan đến con tra mà Ve-xnin vừa hỏi. Ông ngày càng cảm thấy thấm thía hơn rằng số phận con trai ông đã trở thành gánh nặng của người cha, thành nỗi đau không nguôi và như điều thường xảy ra, sự chú ý, sự cảm thông và sự tò mò của những người xung quanh chỉ càng làm đau thêm vết thương rớm máu. Thậm chí ngay ở Đại bản doanh, nơi Bét-xô-nốp được mời tới trước khi được bổ nhiệm chỉ huy tập đoàn quân, trong cuộc trao đổi, vấn đề về con trai ông cũng đã được đặt ra.

<< Chương 5 -3 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 877

Return to top