Tới chiều tối Bét-xô-nốp đã trông thấy rõ ràng rằng dù đã đưa ra trậng trung đoàn xe tăng độc lập và sư đoàn bộ binh dự bị “305”, dù lữ đoàn chống tăng độc lập đã hoạt động nhanh chóng và quên mình, dù hai trung đoàn súng cối bắn đạn tên lửa đã bắn rất mãnh liệt cũng vẫn không đẩy được bọn Đức ra khỏi bàn đạp chúng đã chiếm được vào cuối ngày trên bờ sông phía Bắc, không đánh bật được xe tăng của chúng ra khỏi phía Bắc khu làng, nhưng tuy vậy, dù vô cùng chật vật ta cũng đã làm giãn được gọng kìm của địch, kẹp chặt cứng lấy các cánh quân bên sườn của sư đoàn Đê-ép, chọc thủng được một hành lang hẹp dẫn tới trung đoàn của thiếu tá Trê-rê-pa-nốp bị bao vây, đã kiệt sức vì cuộc phòng ngự vòng tròn. Đến nửa đêm, trên giải phòng ngự của tập đoàn quân các trận đánh dần dần lặng đi ở khắp nơi. Vào giờ ấy Bét-xô-nốp tuy còn nghi hoặc đối với sự lắng dịu đó nhưng ông vẫn thấy có phần hài lòng sau khi nghe báo cáo về hoạt động của sư đoàn “305” đã chọc thủng được hành lang dẫn tới trung đoàn Trê-rê-pa-nốp. Ông ngồi trong hầm ngầm của mình, mệt mỏi lắng nghe báo cáo về tình hình của thiếu tá Gla-đi-lin, phó trưởng phòng tác chiến. Bản báo cáo khô khan, kiểu hành chính. Bét-xô-nốp không ngắt lời Gla-đi-lin lần nào. Vì thần kinh căng thẳng quá, chân ông lên cơn đau: những cơn đau đó lặp đi lặp lại suốt chiều tối, đặc biệt là sau khi ông bị ngã mấy giờ trước đó trong đường hào, chân bị gấp lại không thoải mái, lúc địch pháo kích bằng súng cối sáu nòng. Vì những cơn đau đó, khuôn mặt Bét-xô-nốp vốn đã khô khan càng khô khan hơn, trông hốc hác, sạm lại; thỉnh thoảng ông lại dùng khăn tay lau mồ hôi ở cổ, thái dương, cố tránh đôi mắt chăm chú của thiếu tá Bô-gi-scô chằm chằm nhìn ông, từ lâu anh ta đã nhận ra rằng tư lệnh không được khỏe lắm. -Không rõ ràng, thiếu tá ạ,-sau khi nghe báo cáo Bét-xô-nốp nói rồi ông duỗi chân dưới gầm bàn, tìm một tư thế thích hợp. Lời nhận xét “không rõ ràng” không liên quan đến báo cáo, cũng không liên quan tới tình hình trong các đơn vị, tuy nhiên Gla-đi-lin-con người đứng tuổi có vóc dáng xương xẩu, tác phong dân sự, vốn điềm tĩnh, lặng lẽ, đã báo cáo các số liệu chính xác, cố gắng không chen xúc động vào-tỏ ra hơi bối rối y như thể ông đã quên lưu ý tư lệnh điều cơ bản mà ông không có quyền không để ý, không biết tới. -Xin đồng chí thứ lỗi cho, thưa đồng chí tư lệnh, tôi không hiểu rõ.-Vầng trán cao của Gla-đi-lin đỏ hồng lên, càng làm nổi bật mái tóc bạc như cước chải mượt ở sau gáy. -Chiều tối hôm qua,-Bét-xô-nốp nói tiếp bằng cái giọng rin rít của mình,-địch không ngừng hoạt động một giờ nào. Hôm nay, theo tin tức của chúng ta, sau khi đưa lực lượng dự bị ra trận và thậm chí sau khi đã chiếm được một bàn đạp thuận lợi, hoạt động của chúng lắng dịu đi, Thiếu tá có thấy điều đó dường như phi lô-gích không? Có phải là không triệt để không? -Tôi nghĩ rằng điều đó gắn với hoạt động của các đơn vị láng giềng của chúng ta ở trung lưu sông Đông, thưa đồng chí tư lệnh. Gắn với hoạt động của các phương diện quân Tây Nam và Vô-rô-ne-giơ. Quả thật màn mở đầu cuộc tiến công hôm nay của chúng ta không thành công lắm nhưng dẫu sao… -Có thể thế,-Bét-xô-nốp thốt lên. Sau suốt một ngày đêm, gây sức ép có kết quả, gia tăng vội vã đòn công kích,-cảm thấy rất rõ rằng chúng nôn nóng muốn đạt mục đích ngay,-bọn Đức đã ngừng tiến công trong dải phòng ngự của tập đoàn quân, cố nhiên như thế không phải vì đêm tối, không phải cì chúng cần nghỉ để cho bọn lính xe tăng đó lả uống cà phê nóng và ăn bánh lương khô, không phải vì tướng Gốt, tư lệnh đạo quân xung kích sổ mũi tại sở chỉ huy của hắn (Bét-xô-nốp cười khẩy khi nghĩ tới điều đó), mà nhất định là vì những nguyên nhân khác, không lường trước được, mới mẻ, cơ bản. Thời gian phản công đã thỏa thuận với tư lệnh phương diện quân phụ thuộc vào chính cái thực tế mới mẻ này, cuộc phản công đó phải được tung ra không sớm và không muộn-vào lúc có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ rằng đối phương đã dùng hết lực lượng dự trữ và đã tỏ ra mệt mỏi trong quá trình tiến công. Nhưng còn nhiều điều chỉ có thể làm sáng dứt khoát trong một vài giờ tới, có thể là cho tới sáng: bọn Đức sẽ lại bắt đầu hay chung sẽ không bắt đầu tiến công tiếp? Nhằm vội vã nôn nóng vươn tới mục đích, liệu địch có công kích lần thứ hai vào cánh trái của tập đoàn quân, nơi buổi trưa một tốp xe tăng Đức đã đẩy lùi được đội cảnh giới chiến đấu và tới chiều đã tới được bờ sông phía Nam và cũng đã thọc sâu được vào trận địa phòng ngự của quân ta hay không? Tuy nhiên, theo trực giác, Bét-xô-nốp không tin vào sự thay đổi hướng công kích chủ yếu đó, ngoài ra, không có một căn cứ gì để cho rằng địch đang sắp xếp lại lực lượng đối diện cánh trái của tập đoàn quân. Sự thật là thế nào trong toàn bộ tình hình đó? Đâu là sự thật đanh thép? -Thưa đồng chí tư lệnh, đồng chí đã gọi nước chè. Xin lỗi, cho mấy thìa đường đây ạ? -À phải rồi… hai thìa. Cám ơn. Thiếu tá Bô-gi-scô nhấc ấm nước sôi trên chiếc lò sắt, rót đầy một ca nước chè bốc khói, thơm ngát. Sau khi suy nghĩ, anh xúc ba thìa đường vào ca rồi đặt lên bàn trước mặt Bét-xô-nốp. Xung quanh ông, trong hầm ngầm, tiếng các chiến sĩ thông tin khi thì vang lên rào rào như tiếng chuồn chuồn đập cánh, gọi sư “305”, trung đoàn xe tăng Khô-khơ-lốp, lữ đoàn pháo độc lập, khi thì chút chít như tiếng chuột trong bầu không khí ẩm ướt đã được sưởi nóng đến ngột ngạt, lớn tiếng nhắc lại những tin điện báo cuối cùng từ các sư đoàn, các quân đoàn nói về tổn thất, về số xe tăng địch đã hạ được và về việc bổ sung đạn dược. Ngọn lửa ở bốn chiếc đèn thắp bằng bấc lắc lư, sáng rực, soi rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt đã sạm lại vì mất ngủ của các sĩ quan tác chiến đang nghiêng mình trên tấm bản đồ, soi rõ cả tấm lưng tròn của chuẩn uý phụ trách máy vô tuyến điên ở góc hầm và của thiếu tá Bô-gi-scô đang đứng cầm ấm nước. Nhưng Bét-xô-nốp không để ý đến cảnh tượng trong hầm tuy có nghe và nhìn thấy công việc mọi người đang làm, ông lơ đãng dùng thìa quấy ca nước chè. -“Thế ra chúng đã hết hơi và đã lặng đi?-Bét-xô-nốp nghĩ, nhìn ánh đèn sáng rực ở trước mặt.-Hay là dẫu sao chúng cũng vẫn còn sức và lại sẽ bắt đầu?”. Không thể trả lời chính xác câu hỏi đó được, ấy thế nhưng ông biết rằng nếu bọn Đức chưa sử dụng hết lực lượng dự trữ và ngày mai nghĩa là trong buổi sáng chúng bắt đầu đợt tiến công mới vào cánh phải của tập đoàn quân, ở đây, trên bàn đạp này, trên dải phòng ngự của sư đoàn Đê-ép thì ông sẽ buộc phải đưa những đơn vị và phương tiện cuối cùng ra trận, nếu không sẽ không thể chống chọi nổi, nghĩa là phải đưa các lữ đoàn thuộc các quân đoàn xe tăng và cơ giới do Đại bản doanh rút từ lực lượng dự bị ra cho để tiến công, các đơn vị này đã tập kết cách tuyến đầu khoảng mười lăm ki-lô-mét. Kết quả là các lực lượng cơ động nhằm để phản công sẽ bị xé vụn ra, sau khi xé vụn chúng, ông sẽ giáng đòn đánh trả địch không phải bằng một nắm đất siết chặt mà bằng những ngón tay xòe ra, điều này không bao giờ có thể đem lại kết quả tuy cách này đã được áp dụng nhiều lần. Chẳng hạn như ông nhớ lại mùa thu năm ngoái, lúc ông chỉ một quân đoàn ở trước cửa ngõ Mát-xcơ-va: lúc ấydưới sức ép của Gu-đê-ri-an, người ta đã cuống quít xé lẻ các đơn vị của cả một phương diện quân dự bị để lấp lỗ hổng trên mọi hướng, nhưng làm như vậy cũng không chặn đứng được kẻ thù tiến công. Bét-xô-nốp rút cái thìa nóng khỏi ca nước chè đặc, hỏi: -Rốt cuộc khi nào sẽ có liên lạc với ban tham mưu phương diện quân? Chủ nhiệm thông tin đâu? -Hiển nhiên là, thưa đồng chí tư lệnh,-thiếu tá Gla-đi-lin trả lời một cách khá chính xác,-khi vận động vào vị trí tập kết trong đêm tối qua quân đoàn xe tăng đã vấp phải cọc… Việc liên lạc sẽ được nối lại ngay. Chủ nhiệm thông tin đã ra tuyến trước từ lâu. -Tôi không quan tâm đến những nguyên nhân hỏng hóc. Tôi cần liên lạc! Bét-xô-nốp sờ chiếc ca xem có nóng không, uống mấy ngụm-thứ nước chè đặc này vẫn cứ có mùi sắt tây và dường như cả mùi thuốc súng nữa-rồi ông đặt ca xuống, lấy mùi soa lau thái dương và cổ vừa vã mồ hôi. Suốt ngày bận túi bụi với những thông báo bất tận của sở chỉ huy tập đoàn quân, với báo cáo của các quân đoàn, với những mối lo âu về việc dùng các lực lượng của sư đoàn “305” chọc thủng một hành lang hẹp tới chỗ trung đoàn Trê-rê-pa-nốp bị bao vây, Bét-xô-nốp vẫn không ngừng cảm thấy chỗ rát bỏng ở cẳng chân: chân ông đã tê dại, sưng lên một cách phiền toái và lúc ấy để tránh cơn đau, quên đi những dấu hiệu đáng lo ngại của nó, chẳng hiểu sao ông sực nhớ tới phương sách hiệu nghiệm trước đây khi ông nằm bệnh viện-hút thuốc lá thật tợn vào. Sau khi mổ người ta đã nghiêm cấm ông hút thuốc lá, nếu không chừa được cái món ma túy độc hại ấy thì cầm bằng như ông tự nguyện để cho người ta cưa chân mình. Ở bệnh viện người ta đã báo trước cho ông biết rằng vì mạch bên chân phải đập rất yếu cho nên thói quen húy thuốc trong nhiều năm giờ đây đối với ông sẽ trở nên tai hại. Nhưng lúc này khi nhớ tới chất ni-cô-tin vừa êm dịu vừa kích thích đó, Bét-xô-nốp liếc nhìn bao thuốc lá “Cu-dơ-bếch” hấp dẫn màu trắng và xanh da trời: bao thuốc lá do ai đó để quên trên bàn, của trưởng phản gián hoặc là Ve-xnin-thấy ông không hút nên cũng không ai dám đụng tới. Và như thể trầm ngâm ông vươn người về phía hộp thuốc lá, mở ra, lấy một điếu thuốc đầy đặn, chắc chắn, hít hít hương vị khô khan của điếu thuốc với vẻ khoái trá say sưa chưa quên được. “Chỉ một điếu thôi… Trước đây mình không thể chịu được. Thử xem. Một điếu thôi… Nhất là khi Ve-xnin không ở đây”-Bét-xô-nốp tự nhủ, ông tưởng tượng việc này sẽ làm cho uỷ viên Hội đồng quân sự ngạc nhiên thú vị như thế nào, là một người nghiện thuốc hạng nặng, chắc chắn Ve-xnin sẽ bỏ kính ra, dướn mày lên và hỏi: “Ô kìa, chả lẽ anh cũng hút thuốc đấy à, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích?”. -Chả lẽ đồng chí cũng hút thuốc, thưa đồng chí tư lệnh?-thiếu tá Gla-đi-lin hỏi có phần hơi thắc mắc một cách rụt rè, ông với lấy bao diêm ở bàn để châm lửa cho Bét-xô-nốp. Cả Bô-gi-scô cũng như các sĩ quan tác chiến và các chiến sĩ thông tin lặng im trong giây lát, tất cả đều nhìn ông chòng chọc. Thấy mọi người đều chú ý đến mình, Bét-xô-nốp bóp chặt đầu lọc của điếu thuốc, không hài lòng, bực bội trước những sự “quan tâm” đó. Có lẽ ở ban tham mưu tập đoàn quân cũng như ở đây, tại sư đoàn của Đê-ép người ta đã biết rõ những thích thú, thói quen và nhược điểm của ông: người ta đã báo trước cho nhau biết rằng nếu như không lâm vào tình thế khó xử thì chớ có để tư lệnh bất bình hoặc đưa ra nhận xét không cần thiết. -Như vậy là… tôi hết sức quan tâm muốn biết: khi nào sẽ liên lạc với ban tham mưu phương diện quân?-Bét-xô-nốp cố nén sực bực bội trong giọng nói lúc này vang lên một cách lịch thiệp quá mức và sau khi thở ì ạch, ông không chỉ hướng về riêng Gla-đi-lin:-Tôi cũng hết sức muốn biết tại sao cho đến nay vẫn không rõ uỷ viên Hội đồng quân sự đã tới được chỗ tập kết các lượng dự bị của tập đoàn quân hay chưa? Đồng chí ấy ở đâu? Anh hãy hỏi lại các quân đoàn xe tăng và cơ giới một lần nữa. Cho tới lúc này đồng chí ấy đã phải có ở đó rồi. Sao lâu thế? Thiếu tá Gla-đi-lin trả lời một cách nhã nhặn: -Tôi được biết, thưa đồng chí tư lệnh, uỷ viên Hội đồng quân sự đã không ghé qua ban tham mưu tập đoàn quân. Có thể là trên đường đi tới chỗ quân đoàn xe tăng Vi-ta-li I-a-ê-vích đã dùng dằng ở đâu đó trong các đơn vị của thê đội một. Rất có thể là… -Anh hãy hỏi các quân đoàn, sư đoàn “305”, trung đoàn Khô-khơ-lốp xem… Và tôi yêu cầu cho tôi liên lạc với phương diện quân! Tôi chờ. Bét-xô-nốp bực tức đặt điếu thuốc đã bóp nát vào hộp, gõ ngón tay trên mặt bàn. Trong tình huống có sự lắng dịu lờ mờ này ông cần liên lạc trực tiếp được với ban tham mưu phương diện quân như máu cần chảy trong huyến quản và đồng thời ông cần biết, rốt cuộc uỷ viên Hội đồng quân sự hiện ở đâu mà suốt ba tiếng đồng hồ không cho biết tin tức về mình. Ông không trình bày cái tình huống khiến ông lo ngại đó, cái tình huống tưởng như không thể nào giải thích được. -Tôi vừa mới nói chuyện với sư “305”, thưa đồng chí tư lệnh. Tuy nhiên, thiếu tá Gla-đi-lin cũng cầm lấy ống nghe trong tay người phụ trách điện thoại. Cố đáp ứng yêu cầu của Bét-xô-nốp muốn biết ngay việc Ve-xnin đã tới quân đoàn xe tăng hay chưa. Khi gọi về ban tham mưu phương diện quân, chuẩn uý phụ trách vô tuyến điện cúi thấp người hơn nữa sát máy, kinh nghiệm giao tiếp thường xuyên với cấp trên đã khiến anh ta không rườm lời và không phô trương. Anh ta tựa như đã hòa tan vào góc hầm, vô hình vắng mặt, chỉ còn nghe thấy giọng nói đều đều: -“Ăng-ten”,”Ăng-ten”! “Điểm cao” đây. “Điểm cao” đây! Tôi đang tìm làn sóng: một, hai, ba. Bét-xô-nốp lắng nghe những tiếng gọi đó, thậm chí cảm thấy hơi thương hại đối với người phụ trách vô tuyến điện đang căng thẳng một cách vô ích, ông xoa bóp chân ở dưới gậm bàn, cơn đau dai dẳng bò từ đầu gối lên hông. -Liên lạc với “Ăng-ten” thế nào, chuẩn uý? Trạm vô tuyến điện của họ không hoạt động à? -Không trung khó hiểu lắm, thưa đồng chí tư lệnh. Tôi bắt được làn sóng nhưng chúng tôi không nghe rõ tiếng nhau… Vô tuyến điện của Đức và Ru-ma-ni đâm ngang vào. Có cái gì đó rất rối rắm. Đây đồng chí hãy nghe xem… Sự phóng điện trong ra-đi-ô, tiếng súng bắn tành tạch trong không trung ùa vào bầu không khí ấm áp và ẩm ướt của hầm ngầm; người phụ trách vô tuyến điện bật máy nghe, giọng nói bằng tiếng Ru-ma-ni trườn như con rắn mềm mại giữa tiếng điện lạo xạo rồi biến mất tăm, một mệnh lệnh bằng tiếng Đức cứng quèo, ê a như ngâm ngợi, vọt ra như thể chúng đang đọc một bức điện báo, những tiếng phóng điện trong không trung và tiếng đánh moóc tạch tè hối hả lấn át tất cả. Địch đang trao đổi với nhau bằng thứ tiếng lạ tai tại các ban tham mưu và các sở chỉ huy: vào giờ này các trạm vô tuyến điện của Đức và Ru-ma-ni hoạt động rất nhiều, đó là điều ít thấy trước khi chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc tiến công. Lúc ấy các máy vô tuyến điện thường im bặt, không trung tưởng như thanh bình và yên tĩnh. Lúc này đây không trung sôi động vô cùng. Bét-xô-nốp mệt mỏi cụp mi mắt xuống lắn nghe những con số xa lạ, uổng công dò đoán nguyên nhân của những cuộc trao đổi qua vô tuyến điện bằng những thứ tiếng xa lạ đó, và nghĩ: “Không biết ban đêm chúng gọi nhau loạn xạ như thế để làm gì? Chúng đang chuẩn bị cho sáng mai chăng? Tại sao các máy vô tuyến điện Ru-ma-ni lại hoạt động?”. Tiếng người nói, tiếng bước chân đi, tiếng ồn ào ở ngách hầm bên cạnh nơi Đê-ép ngồi cùng với các sĩ quan tác chiến ở các tiểu đoàn pháo, tiếp đó là tiếng gõ cửa rất mạnh-tất cả những âm thanh đó dứt Bét-xô-nốp ra khỏi dòng suy nghĩ. -Đồng chí cho phép vào, thưa đồng chí tư lệnh? Đại tá Đê-ép bước vào, đầu không đội mũ, khom mình ở cửa ra vào vì người cao quá khổ, vóc dáng đồ sộ của anh choán hết một phần ba căn hầm, cặp lông mày màu hung nhạt của anh như vui vẻ tròn xoe lại. Trong vòng nhiều giờ tiếp xúc với anh tại đài quan sát, Bét-xô-nốp đã có dịp gần gũi anh và không quên rằng ông đã tỏ ra trìu mến đối với Đê-ép lúc anh định xông pha đến tận chỗ Trê-rê-pa-nốp bị bao vây. Tuy vậy Bét-xô-nốp vẫn hỏi một cách khô khan, không bộc lộ cảm tình của mình với người sư đoàn trưởng trẻ nhất trong tập đoàn quân. -Có tin gì mới không đại tá? Tôi nghe đây. -Thưa đồng chí tư lệnh, đồng chí cho phép báo cáo-Đê-ép bắt đầu nói bằng giọng trầm đậm đà, oang oang của mình, niềm hân hoan đắc thắng toát lên qua giọng nói và ánh lên trong cặp mắt màu hung vàng óng của anh.-Thưa đồng chí tư lệnh, các chiến sĩ pháo binh ở trung đoàn 204, một tiếng rưỡi trước đây đã mang được người chiến sĩ trinh sát bị thương của ta và một ”cái lưỡi” bắt được đêm hôm trước về đây, có thể nói họ đã mang ra ngay trước mũi bọn Đức. Anh em đã đưa tên tù binh tới đài quan sát. Đây chính là kết quả hoạt động của chính đội trinh sát của tôi, đêm qua đã không trở về!...-Và không thể kìm được niềm hân hoan đắc ý, Đê-ép mỉm cười rạng rỡ để lộ hàm răng trắng lóa của mình.-Tên Đức quả thực đã bị cóng lạnh quá mức. Nhưng lưỡi hắn vẫn còn động đậy được và hắn vẫn còn nhớ được một số điều. Chúng tôi đã cho quân y săn sóc hắn và đã gọi phiên dịch tới. Dẫu sao các chàng trai của tôi đã không để tôi bị hẫng! Không, có thể tin vào họ được! Đồng chí có ra lệnh gì không, thưa đồng chí tư lệnh? Mọi người trong hầm ngầm-những người phụ trách điện thoại, các sĩ quan tác chiến và thiếu tá Gla-đi-lin lặng lẽ-đều quay người về phía Đê-ép. Giọng nói trầm của anh, vóc dáng lực lưỡng của anh toát ra vẻ thanh xuân tươi tắn, rạng rỡ, vững chãi. Lời báo cáo của anh và ngay câu hỏi “đồng chí có ra lệnh gì không?” cho thấy sự hả hê không che giấu đối với đội trinh sát của sư đoàn mình, sự hài lòng vì tên Đức còn sống và vì bản thân anh, một sư đoàn trưởng, ắt hẳn không phải là đồ vô dụng. Và Bét-xô-nốp bỗng nhớ tới lúc Đê-ép lần đầu tiên giới thiệu sư đoàn của mình với ông trước lúc cho quân xuống tàu: trong anh có cái gì trẻ thơ, ngang tàng, dũng mãnh, có lòng tin chất phác, huênh hoang vào những người mà anh chỉ huy. Anh là một đại tá trẻ may mắn, nhiều thành tích, mới đây còn là một tiểu đoàn trưởng. “Cái cậu Đê-ép này có cái phẩm chất như của một thanh niên: lòng tôn trọng bộ quân phục một cách thái quá đến mức huênh hoang”,-ông thoáng nghĩ và chẳng hiểu sao ông dễ dàng tha thứ cho cái nhược điểm ngây thơ, chất phác đó của anh. Đã tưởng không còn phải nghe nói gì về cái đội trinh sát thất bại được cử đi làm nhiệm vụ vào tối hôm qua đó, ông hỏi không khỏi ngạc nhiên: -Bằng cách nào các chiến sĩ pháo binh đã đưa được “cái lưỡi” tới đây? -Các chiến sĩ pháo binh ở bờ phía Nam, những người đặt súng bắn thẳng. Có thể nói họ đã vượt khỏi vòng vây để tới đài quan sát.-Đê-ép nhìn Bét-xô-nốp từ phía trên ngọn đèn bằng đôi mắt rực sáng, đắc thắng và cặp lông mi của anh vui tươi, vàng suộm như những tia nắng hè. -Các chiến sĩ pháo binh ở đâu? -Họ đã trở về đơn vị rồi. Ở đó họ chỉ còn có bốn người. Tiện thể xin nói luôn là tên Đức đã xác nhận, thưa đồng chí tư lệnh… -Nó xác nhận cái gì? -Hôm qua chúng đã đưa sư đoàn xe tăng mới tinh ra trận. -Ta sẽ xem “cái lưỡi” đó như thế nào?... Quả thực là muộn màng. Nhưng dẫu sao đó cũng vẫn là một cái lưỡi. Bét-xô-nốp thu chân lại dưới gậm bàn để đứng dậy cho thuận tiện hơn, ông tì tay vào gậy, vươn mình lên và cảm thấy đầu gối như có kiến đốt bỏng rát. Giây lâu ông còn nghe những tiếng gọi rền rĩ của người phụ trách vô tuyến điện: “Ăng-ten!” “Ăng-ten!”…-rồi khoác chiếc áo choàng ngắn do Bô-gi-scô đưa cho lên lưng, ông tập tễnh đi về phía cửa hầm do đại tá Đê-ép mở rộng cửa trước mặt ông.