Hai lực lượng có tính quần chúng và có khả năng đề kháng những độc tố huỷ hoại sinh lực quốc gia là đảng phái và tôn giáo, sau 9 năm bạo trị của chế độ Ngô Đình Diệm, chỉ như đóm lửa bùng lên lần chót và cao điểm ngày cách mạng 1-11-63, rồi sau đó không còn tiềm lực để duy trì thành quả của một phong trào đang lên. Ba năm xáo trộn mà tôi trình bày trong chương trước chỉ là hậu quả tất nhiên của cái thời kỳ chín năm khốc hại trước mà thôi.
Các nhà làm chính sách của Hoa kỳ không nhìn thấy được nguyên uỷ đó, lại càng không phát hiện được vai trò và nhiệm vụ lịch sử của các tôn giáo trong dòng sinh mệnh của dân tộc Việt nam, nên đã đánh giá sai lạc vị trí và sức mạnh của các Tôn giáo Cao Đài, Hoà Hảo và Phật giáo Việt nam mà họ cho là không chống cộng như Giáo hội Thiên chúa giáo, cho nên sau ba năm xáo trộn, người Mỹ lại can thiệp mạnh mẽ vào chính trường Việt nam (như cách đó 10 năm trước họ đã áp lực để đưa ông Diệm về và đẩy ông lên làm Thủ tướng) để khai sinh ra một nền Đệ nhị cộng hoà với hai đặc tính rõ rệt: quân phiệt, để sử dụng võ lực chống cộng, và Thiên chúa giáo để bảo vệ tinh thần chống cộng. Nghĩa là chống cộng bằng vũ khí và bằng quyết tâm của tông đồ “diệt ma quỷ”. Khai sinh ra nền cộng hoà Đệ nhị với hai đặc tính đó sau ba năm xáo trộn quả thật phù hợp với ý đồ của lực lượng chính trị của Giáo hội Thiên chúa giáo đang thoả mãn vì thấy "không có cụ thì loạn như thế", và đang lợi dụng tình trạng hỗn loạn (mà họ cũng đã là một thành tố đóng góp) để tìm cách trở lại chính quyền.
Vì chỉ là một phần mười dân số và vì đa số người Thiên chúa giáo chỉ sống tập hợp đông đảo tại Sài gòn và vùng phụ cận nên đã làm cho những ai thiếu nghiên cứu hoặc chỉ phân tích một cách phiến diện theo nhãn quan chính trị Tây phương, tưởng rằng trong vấn đề tương quan quyền lực tại Việt nam, khối Thiên chúa không phải là một thế lực chính trị vững mạnh và có tầm vóc quyết định cục diện chiến trường miền Nam. Trước năm 1954, tại miền Nam Việt nam, Giáo hội Thiên chúa giáo chỉ có các giáo phận Huế, Qui Nhơn, Sài gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ. Nhưng từ khi ông Diệm lên cầm quyền và với cuộc di cư của trên 700.000 giáo dân miền Bắc, ông Diệm và Giáo hội La mã cấp tốc mở thêm các giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên (1960), Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc và Phú Cường (1964) trong ý đồ mở rộng nước chúa việc mở thêm hai giáo phận cuối cùng đã được sắp đặt từ thời Tổng thống Diệm, đến năm 1964 mới thực hiện.
Đồng thời để bảo vệ cho dinh Độc lập và cho "căn cứ địa" của chế độ là thủ đô Sài gòn, cũng như để phô trương sức mạnh của Thiên chúa giáo, ông Diệm đã cho xây dựng một cái giáp sắt Thiên chúa giáo (danh từ của Jean Lacouture trong Le Vietnam en tre deux paix) bao quanh Sài gòn và cho phép giáo dân "xâm chiếm" đất đai Sài gòn và vùng phụ cận. Ai đã từng sống tại Sài gòn từ trước 1954 cũng phải nhận thấy rằng đến năm 1963, Sài gòn không còn mang tính chất "Nam Kỳ" nữa mà đã "Bắc Kỳ hoá" theo kiểu Thiên chúa, Sài gòn không có được sự tổng hợp phải có ba miền sau cuộc di cư với sự hoà đồng văn hoá mà đã tiến thành một đô thị đặc biệt Thiên chúa giáo. Trước năm 1954, Sài gòn và Chợ Lớn chỉ có nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Kỳ Đồng, nhà thờ Chợ Lớn (sau này quen gọi là nhà thờ Cha Tam) mà tín đồ phần đông là người Pháp, người Pháp gốc Việt và người Tàu. Nhưng từ ngày ông Diệm lên cầm quyền thì nhà thờ và tu viện mọc ra khắp nơi (chưa kể số nhà thờ trong các đơn vị quân đội chỉ mới được thiết lập sau khi ông Diệm lên cầm quyền). Giáo dân sống tràn ngập vùng Phú Thọ, Ngã Tư Bảy Hiền, ngã ba ông Tạ, vùng Lăng Cha Cả, vùng Hạnh Thông Tây, vùng Tân Châu Sa, ngã ba Chú ía, vùng Tân Định, Gò Vấp... Cứ nhìn khu Phạm Ngũ Lão náo nhiệt gần chợ Sài gòn thì đủ thấy các cơ sở thương mại, kinh tế, báo chí đa số đều do người công giáo làm chủ. Cứ nhìn vào con số các trường tư ta sẽ có ý niệm về sức bành trướng ảnh hưởng của người Thiên chúa giáo tại miền Nam Việt nam dù dân số họ thua kém cả hai tôn giáo Hoà Hảo và Cao Đài. Cho đến năm 1969 (trên toàn quốc) Thiên chúa giáo có 1.256 trường trung, tiểu học và mẫu giáo. Trong lúc đó thì mãi cho đến năm 1970, Phật giáo mới chỉ có 160 trường trung, tiểu học Bồ Đề. Còn cơ sở giáo dục của hai tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo thì thật vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là con số không.
Chỉ một lãnh vực trên, khi phóng rộng ra mà không sợ sai nhiều, ta cũng thấy được sự hoạt động xông xáo của người công giáo di cư về mọi mặt, đặc biệt là về mặt chính trị, thứ chính trị giành giựt địa vị, danh lợi. Đã thế người công giáo Việt nam còn được Hoa kỳ, cả chính quyền, Giáo hội lẫn tư nhân tin cậy, yểm trợ hết lòng về phương tiện và thế lực nên Thiên chúa giáo Việt nam càng bành trướng quyền lực mau lẹ và dữ dội. Người Thiên chúa giáo "Bắc Kỳ", như Jean Lacouture đã nói trong tác phẩm của ông, là hạng người hiếu động, “to mồm”, mang nặng hận thù với người Việt dân tộc từ thế kỷ 17, 18. Họ lại cuồng tín, giáo điều, và hẹp hòi đến độ bất nhân cho nên sau cái chết của ông Diệm họ vẫn không chịu công nhận tội lỗi và trách nhiệm để trở về hoà đồng với đại khối dân tộc. Họ tìm cách vùng lên, tìm cách tái tạo thế lực hầu tiếp tục quá khứ vàng son của họ để vừa có thể nắm được chính quyền vừa để trả thù những lực lượng dân tộc vốn chỉ là nạn nhân của họ. Sau cái chết của ông Diệm, người công giáo trở nên đoàn kết hơn, cả những người đã từng chống đối anh em ông Diệm cũng quay về đứng chung một giới tuyến, làm hậu thuẫn cho Nguyễn Văn Thiệu mà trường hợp Linh mục Hoàng Quỳnh và Cao Văn Luận là điển hình. Hiện tượng đó, bên trong là do mặc cảm tội lỗi và bên ngoài là vì sau cái chết của ông Diệm những sự thật về mối liên hệ giữa Giáo hội Thiên chúa giáo và chính quyền Diệm, đặc biệt là với thành phần Cần lao công giáo, càng lúc càng bị tiết lộ ra rõ ràng, ngay cả luật sư Nguyễn Văn Huyền, một nhân sĩ Công giáo miền Nam từng có thái độ bất hợp tác với chế độ Diệm, từng đả kích Cần lao trong một cuộc phỏng vấn của báo chí khi cách mạng 1-11-63 vừa hoàn thành, thế mà rồi bất đắc dĩ cũng phải hợp tác với Nguyễn Văn Thiệu.
Thật ra thì sự phục hồi quyền lực của khối Công giáo đã bắt đầu từ khi xảy ra cái chết của thiếu tá Nhung, viên sĩ quan thân tín của tướng Dương Văn Minh, người đã hạ sát hai ông Diệm - Nhu. Kể từ cái chết đó, khối Công giáo tích cực hoạt động chống đối Phật giáo, chống đối sinh viên và chống đối các đảng phái để tiến lên cho đến khi họ lật được chính quyền dân sự của hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Huy Quát, tạo lý do và cơ hội đưa dần Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống như tôi đã trình bày.
Về phần Nguyễn Văn Thiệu, tuy đã nắm được chính quyền nhưng tự biết mình vừa không đủ uy tín vừa không có hậu thuẫn, đã thế còn bị Nguyễn Cao Kỳ thù nghịch và chống phá nên phải thoả hiệp và "đầu quân” với khối Công giáo để có hậu thuẫn chính trị hầu đương đầu với các khối đối lập.
Sự cấu kết giữa "kẻ cắp" Nguyễn Văn Thiệu và "bà già" Công giáo đã biến chế độ Đệ nhị Cộng hoà thành ra chế độ Diệm không Diệm. Việc ra đời cuốn sách “Làm thế nào để giết một Tổng thống" của Cao Thế Dung vào năm 1970 và việc ra đời cái tổ chức gọi là "Phong trào phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm" của khối Công giáo mà Thiệu đã âm thầm chủ xướng, càng tô đậm thêm cái căn cước thật sự của chế độ Thiệu là một chế độ Diệm không Diệm.
Lợi dụng cơ hội "đầu quân” đó của Thiệu và nhìn thấy viễn tượng quyền lực Thiệu sắp nắm được, người Công giáo bèn quên cái tội của Thiệu trong quá khứ vốn là một con chiên ngoan đạo và là một sĩ quan trung thành với ông Diệm nhưng cầm quân tấn công dinh Gia Long để lật đổ ông Diệm. Có quên cái "tội" đó mới thoả hiệp được với nhau trong vấn đề san sẻ quyền lực và tiến hành được ý đồ phục hồi những quyền lợi đã mất. Những người Công giáo tự xưng là trung thành với ông Diệm cũng đã không ngần ngại ngửa tay nhận của Thiệu 500.000 đồng bạc để tổ chức lễ cúng kỵ ông Diệm, lần đầu tiên tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi và còn mời cả vợ Thiệu đến tham dự. Buổi lễ đầu tiên ấy chính do âm mưu sắp đặt của Thiệu như Robrt Shaplen đã nói trong loạt bài The cult of Diem nên Ngô Khắc Tỉnh, Bộ trưởng thông tin của Thiệu tổ chức và chủ toạ, nói lên sự cấu kết giữa chính quyền Thiệu và khối Công giáo chặt chẽ và tương đắc như thế nào. Trung uý Nguyễn Minh Bảo, trong tập Đời một Tổng thống, nhân nói về lễ cúng kỵ ông Diệm tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đã tỏ lòng biết ơn và tôn vinh chính quyền Thiệu, càng làm nổi bật cái bản chất chế độ Thiệu là một chế độ Diệm nối dài:
... Hàng năm, ngày 2 tháng 11 tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi Sài gòn, lễ truy điệu (cố Tổng thống Diệm) được tổ chức trọng thể...
Ngay giữa Thủ đô, buổi lễ được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của hàng vạn người (LTG: thật ra chỉ vài ngàn người mà hầu hết là người Công giáo) còn nói lên thái dộ sáng suốt, vô tư và đắc nhân tâm của chính quyền vì nó đã gây được niền hân hoan cho một tập thể quần chúng đông đảo có tinh thần quốc gia chân chính...
Nguyễn Minh Bảo là một sĩ quan thuộc Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ thời Đệ nhất cộng hoà, một cán bộ Cần lao công tín chỉ biết nhất Chúa nhì ông Diệm còn tất cả chỉ là thứ yếu. Rõ ràng trong lúc toàn quân, toàn nước, toàn thế giới ai cũng biết và phỉ nhổ chính quyền Thiệu quân phiệt, tham nhũng, hại nước hại dân thì Bảo lại ca tụng cái chính quyền đó là "sáng suốt, vô tư và đắc nhân tâm...” như Bảo đã từng mù quáng ca tụng "người ta chỉ thấy rằng dưới thời Ngô Đình Diệm, các tôn giáo đã đạt được một thời kỳ hưng thịnh nhất” trong cuốn sách của anh ta. Điều đó chỉ nói lên hai điểm đặc trưng của những thành phần Cần lao công giáo Việt nam: thứ nhất là khối Công giáo sẵn sàng ca tụng và hậu thuẫn cho bất cứ ai, bất cứ thế lực nào, miễn là có lợi cho nước chúa, dân chúa; và thứ hai, mà đây mới là điểm thê thảm, là những điều họ nghĩ, họ nói và họ làm phản ảnh cái phong cách hành xử của một Giáo hội đang chà đạp cái nội dung tốt đẹp của những lời rao giảng trong Phúc âm.
Năm 1966, nền Đệ nhị Cộng hoà ra đời với vấn dề với tấm giấy khai sinh chính trị dề tên "chế độ Nguyễn Văn Thiệu”. Để nhận diện chế độ này ta không thể theo phương pháp thông thường đặt nặng vấn đề cứu xét các chánh sách, thẩm định các cơ cấu chính quyền hay phân tích cái văn kiện căn bản về hành chính và tư pháp, mà trong trường hợp chế độ Thiệu của miền Nam kể từ 1966, ta phải nhìn thành phần nhân sự lãnh đạo ở thượng tầng, và cái thế lực hậu thuẫn chế độ đó ở hạ tầng quần chúng.
Thật vậy, kể từ năm 1954, chính trị miền Nam là một loại chính trị mà lực vận động chính là nhân sự. Chánh sách, đường lối, sách lược, phương tiện... đều đã bị Hoa kỳ âm thầm hay công khai nắm lấy để điều động cho nên trong mỗi giai đoạn, với mỗi chế độ đều có một khuôn mặt Việt nam tiêu biểu, đều có một lực lượng Việt nam nổi bật lên, và chỉ cần xét khuôn mặt đó, lực lượng đó là ta có thể thấy được chân tướng chính trị và văn hoá của chế độ này.
Đó là quy luật đặc thù của chính trị miền Nam từ sau 1954.
Chế độ Thiệu cũng không nằm ngoài quy luật dó, cho nên chỉ cần điểm mặt thành phần lãnh dạo làm việc cho Thiệu và vì Thiệu, chỉ cần lôi ra ánh sáng thế lực hậu thuẫn cho chính quyền quân phiệt đó là ta có thể xác định được chế độ Thiệu có phải là một chế độ “Diệm không Diệm” không?
Vậy thì những ai làm việc cho Thiệu?
Trong dinh Độc lập có cố vấn an ninh Tình báo kiêm Cố vấn quân sự là Đặng Văn Quang, người con nuôi tinh thần của bà ấm, chị ruột Tổng thống Diệm và là thân mẫu của Giám mục Bùi Văn Lương thời Diệm. Ngoài những chức vụ chính thức Quang còn có những nhiệm vụ bí mật là thiết lập kế hoạch và phối hợp công tác của các cơ quan chính quyền để triệt phá các thành phần đối lập với chế độ mà đối tượng số một là Phật giáo. Quang cũng là người điều động một hệ thống tổ chức buôn thuốc phiện lậu để chia lời với Thiệu như Ngô Đình Nhu trước kia buôn thuốc phiện lậu để làm giàu mà Mác Coein đã nói rõ trong The Politics of Heroine in Southeast Asia.
Cố vấn phụ trách kinh tài là Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, Giám đốc hãng thuốc O.P.V, người Công giáo Phú Cam, từng làm dân biểu gia nô và kinh tài cho anh em ông Diệm. Nhiệm vụ chính trị của Thăng là xây đựng cho Thiệu một Quốc hội bù nhìn mà đa số phải là người Công giáo. Chính Thăng thay Thiệu để giao thiệp, mưa chuộc, hướng dẫn và kiểm soát Quốc hội để hướng định chế gọi là "dân cử" này ủng hộ đường lối của Thiệu. Khi Thăng bất thình lình chết vì bệnh ung thư thì phụ tá của Thăng trong dinh Độc lập là Nguyễn Văn Ngân lên thay thế. Ngân là người Công giáo Nghệ Tĩnh, bà con của Linh mục Cao Văn Luận. Đúng như giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã nói trong tác phẩm "Những ngày cuối cùng của VNCH", thì hết Thăng rồi đến Ngân họ chính là những người nắm giữ tay hòm chìa khoá của cái quỹ chi tiền cho các dân biểu, nghị sĩ và các lực lượng thân chính.
Cố vấn chính trị và là tối cao quân sự của Thiệu một cách không chính thức trong dinh Độc lập là Linh mục Cao Văn Luận, nguyên là một công thần của nhà Ngô. Cao Văn Luận may mắn được anh em ông Diệm cho làm viện trưởng Viện đại học Huế nhưng đến năm 1963, trước cao trào đấu tranh dũng mãnh của Phật giáo, sinh viên và trí thức miền Nam, Luận phải miễn cưỡng gia nhập theo nên bị nhà Ngô cắt chức viện trưởng. Cần nhắc lại rằng khi chế độ Công giáo được phục hồi, Cao Văn Luận bị khối Công giáo chỉ trích thái độ chống chính quyền Diệm trước kia nên bèn tìm cách liên hệ để tiến thân với Thiệu và cuối cùng được Thiệu tín nhiệm. Nhờ cái “mác” Viện trưởng Viện đại học cũ, lại nhờ đi ngoại quốc nhiều nên Luận được Thiệu giao cho nhiệm vụ đặc biệt là giao thiệp, liên lạc với các chính khách Hoa kỳ, và đặc biệt với Toà thánh La mã.
Cố vấn tình báo chiến lược là Huỳnh Văn Trọng, người Công giáo Phú Cam. Nguyên Trọng là nhân viên cao cấp của sở Liêm phóng Pháp tại Trung Việt thời chiến tranh Việt - Pháp và đã nhập Pháp tịch. Khi Pháp từ giã Đông Dương năm 1955, đáng lẽ Trọng đã theo Pháp về mẫu quốc nhưng vì Trọng có biệt tài về ngành phản gián nên Pháp bèn gởi Trọng qua Cao Miên tiếp tục phụ trách ngành tình báo cho Pháp trong ý đồ yểm trợ cho Sihanouk và Cộng sản quấy phá VNCH, và cũng nhờ tư cách và loại công tác đó mà Trọng đã mật thiết liên hệ với Việt cộng. Khi Thiệu mới lên cầm quyền, lợi dụng tình hình còn chưa ổn định và lợi dụng thế lực Công giáo đang hồi phục, Trọng bèn liên lạc với Linh mục Nhuận và thiếu tá Nguyễn Đức Xích (người Công giáo Huế, tỉnh trưởng Gia định thời Diệm), để nhờ giới thiệu với Thiệu và Quang rồi được cử chỉ huy ngành tình báo chiến lược cho dinh Độc lập. Tuy nhiên dần dần tình báo Mỹ tìm ra được lý lịch dĩ vãng của Trọng và bắt được Trọng liên lạc với gián điệp cộng sản nên Trọng và một số cộng sự viên bị bắt và bị toà án quân sự tuyên án đày ra Côn Đảo.
Như vậy, trong một chế độ mà các quyết định sinh tử hên hệ đến vận mệnh quốc gia tập trung vào một người chứ không phải vào những Hội đồng an ninh, Hội đồng nội các hay Quốc hội như chế độ Thiệu thì vai trò cố vấn trong những buổi họp kín giới hạn mới là vai trò mấu chốt. Mà bốn người cố vấn quân sự, chính trị, kinh tài và tình báo tuy xuất thân từ những môi trường khác, sinh hoạt trong những lãnh vực khác nhau, tiến thân từ những trình độ khác nhau nhưng lại có một yếu tố chung rất nổi bật, đó là Tôn giáo của họ, đó là cái liên hệ ruột thịt và sắt đá vào Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam, mà nhờ đó họ đã bước lên được vị trí gần nhất chung quanh ông Tổng thống Công giáo của nền Đệ nhị Cộng hoà.
Họ cần Thiệu cũng như Thiệu cần họ trong cái thế thoả hiệp để san sẻ quyền lực và củng cố quyền lực. Con chiên ngoan đạo Nguyễn Văn Thiệu đã không cần thắp đuốc tìm nhân tài mà chỉ cần mở cửa quyền lực đón người đồng đạo là có đủ quyền lực để cai trị miền Nam. Vì khi đã có "tứ trụ triều đình" người Thiên chúa giáo rồi, thì cũng như Diệm ngày xưa trong chánh sách nhân lực, cả cái hệ thống vận hành trung cấp ở dưới phải là các linh mục và các tín đồ Thiên chúa giáo khác.
Trước hết là linh mục Nhuận và nhóm Nguyễn Đức Xích phụ trách việc theo dõi, dò xét các đảng phái, tôn giáo và những thành phần đối lập rồi báo cáo thẳng cho Đặng Văn Quang. Linh mục Nhuận là cha sở thuộc họ đạo Phú Nhuận, sau đó được Thiệu và Quang đền bù công lao bằng cách giúp tiền bạc để xây cất một giáo đường đồ sộ tân kỳ tại Phú Nhuận, đối diện với ngôi chùa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của Cao Đài gần cổng số 4 Bộ Tổng tham mưu, đường lên Quân y Viện cộng hoà. Còn thiếu tá Nguyễn Đức Xích (có người anh là linh mục hiện sống ở úc Châu) được Thiệu và Quang cho giữ chức "giám sát" trong cơ quan giám sát viện, phụ tá bí mật cho ông Nguyễn Xuân Tích là bà con của Thiệu giữ chức Chủ tịch viện giám sát. Người phụ tá miền Trung cho Linh mục Nhuận có tên là Huỳnh Bút (biệt hiệu là Hoàng ái Việt) quê tỉnh Quảng Ngãi, vốn là một cán bộ Việt nam quốc dân Đảng từng được Ngô Đình Cẩn mua chuộc trước kia. Những hoạt động phản đảng của Huỳnh Bút được anh em Việt Quốc biết rõ từ thời Ngô Đình Diệm.
Một linh mục khác mà bà con Nguyễn Phước Tộc hầu như ai cũng biết là Linh mục Bửu Dưỡng, vị cố vấn bí mật đặc trách văn hoá giáo dục cho chính quyền Thiệu. Bửu Dưỡng là người đã cùng với Ngô Đình Nhu khai sinh ra cái quái thai "Chủ nghĩa Nhân vị Duy linh" và yểm trợ cho chế độ Diệm tiến hành sách lược "Công giáo hoá miền Nam" mà tôi đã đề cập trong những chương trước. Cuộc cách mạng 1-11-63 đã bị linh mục này bóp méo nội dung của nó và chỉ xem như là một cuộc chiến tranh Tôn giáo mà Phật giáo là kẻ thù đã lật đổ chế độ. Nên khi Thiệu cầm quyền, Bửu Dưỡng đã tự nguyện đến hợp tác với chỉ một ý đồ là phục hồi lại các nhân sự của chế độ cũ để nắm lấy guồng máy chính quyền mà trả thù Phật giáo. Bửu Dưỡng đã được Thiệu và Hoa kỳ giúp đỡ thiết lập trường Đại học Minh Đức để cùng với trường đại học chính trị kinh doanh Đà Lạt của Ngô Đình Thục trước kia làm công việc "trồng người" cho chế độ Công giáo trị mới. Vì căm thù Phật giáo quá độ, Bửu Dưỡng đã không ngại ngùng xúi giục khuyến khích sinh viên Công giáo trường Minh Đức viết bài đả kích công khai Phật giáo trên tờ nguyệt san Đại học Minh Đức, cơ quan ngôn luận chính thức của nhà trường. Nhiều cựu sinh viên Minh Đức, và Vạn Hạnh hẳn không thể nào quên được những bài báo ký tên Thích Quang đã có những luận điệu hạ nhục cả đức Thích Ca. Mở trường Đại học Minh Đức, Bửu Dưỡng và khối Công giáo còn muốn ganh đua với trường Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo đang thu hút đông đảo sinh viên thanh niên hướng về tình tự và truyền thống dân tộc.
Một vị giám đốc nổi tiếng khác là Nguyễn Văn Thuận (gọi Tổng thống Diệm bằng cậu ruột và cai quản giáo phận Nha Trang). Ông là một người thông minh, khôn ngoan và thâm thuý, ông cũng là vị Giám mục trẻ tuổi nhất trong hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt nam. Tôi gặp ông lần đầu tại Paris năm 1956 do linh mục Giảng (hiện ở Pháp) giới thiệu. Lúc bấy giờ ông bí mật hoạt động lôi kéo kiều bào ở Pháp về với chế độ Diệm, đồng thời vận động tu sĩ và trí thức trẻ Thiên Chúa giáo Pháp ủng hộ cho chế độ của người cậu ruột ông ta.
Sự sụp đổ của chế độ và cái chết của ba người cậu ruột đã làm cho ông trở nên cứng rắn, quyết liệt hơn trong tham vọng xây dựng khối Thiên Chúa giáo thành một lực lượng sắt thép để nắm chính quyền tại miền Nam và biến miền Nam thành một người con hiếu thảo của Giáo hội La mã hầu trả mối thù gia tộc theo sách lược của các ông cậu ruột trước kia. Những tổ chức Thiên Chúa giáo quốc tế còn tiếc thương gia đình họ Ngô đã ngầm giúp Giám mục Thuận sớm trở thành nhân vật quan trọng của Giáo hội Việt nam để ông có uy thế và phương tiện hoạt động chính trị. Vì thế cho nên dù là một Giáo mục còn trẻ tuổi, ông vẫn được giao phó trọng trách phụ tá Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Ông còn được Thiên Chúa giáo quốc tế giao chức Tổng thủ quỹ Caritas, một tổ chức từ thiện của Thiên Chúa giáo Hoa kỳ đặt trụ sở tại Phillippines. (Thật ra từ thời Diệm đến thời Thiệu, Thiên Chúa giáo quốc tế, đặc biệt là Giáo hội Hoa kỳ, đã đặt tại miền Nam rất nhiều cơ quan bề ngoài thì để làm việc từ thiện cho dân Việt nam nhưng mục đích chính yếu là để mua chuộc dụ dỗ người Việt nam theo đạo Thiên Chúa).
Để tránh dư luận, Giám mục Thuận ít công khai liên hệ với Thiệu tại dinh Độc lập mà chỉ bí mật giao thiệp với Đặng Văn Quang, vốn là người em tinh thần của ông. Tuy nhiên hành động bí mật của ông cũng không che mắt được Võ Văn Hải, một người rất khinh bỉ và thù ghét nhóm Công giáo Cần lao, thù ghét Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang. Cũng như dưới thời Tổng thống Diệm mà Hải đã để tâm theo dõi những hành động ám muội của anh em Tổng thống Diệm, ngày nay Hải lại theo dõi Đức cha Thuận và biết được ông ta cùng với Đặng Văn Quang cầm đầu tổ chức buôn vỏ đạn trọng pháo mà theo Hải thì thương vụ lên đến 800 triệu bạc Việt nam.
Như vậy, bảy nhân vật Thiên Chúa giáo mà tôi vừa kể trên (mà đến 4 đã là Giám mục là Linh mục) đã thực sự là những người quần tụ chung quanh vị Tổng thống cũng theo Thiên Chú`a giáo để tạo ra cái đầu não nắm lấy vận mệnh miền Nam. Họ bám lấy Thiệu mà sống và phát triển cũng như Thiệu bám lấy họ mà tồn tại và thi thố quyền lực.
Khi đã có cái đầu não vừa đồng đạo vừa đồng lợi như vậy thì các bộ phận thừa hành cũng phản ảnh và nối dài cái tính chất đạo và lợi như thế để phù hợp khít khao vào cái khuôn thước mà chế độ Diệm để lại. Thật vậy, ở Thượng viện, Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn có 3 hay 4 liên danh Công giáo làm tay sai: Liên danh Nguyễn Văn Huyền, liên danh Huỳnh Văn Cao, liên danh Nguyên Gia Hiến và liên danh Trần Văn Lắm gồm toàn là người Công giáo hay là người của chế độ cũ nổi tiếng trung thành với ông Diệm. Chức Chủ tịch Thượng viện suốt thời gian Thiệu cầm quyền nằm trong tay hai nhân vật Công giáo là Nguyễn Văn Huyền và Trần Văn Lắm (ông Lắm hiện sống ở úc Châu). Đệ nhất Phó Chủ Tịch là Trần Trung Dung, cháu rể Tổng thống Diệm, và Đệ Nhị Phó chủ tịch là Phạm Duy Phiên, một vị cựu quan lại tay chân cũ của Tổng thống Diệm. Cũng có thời ông Hoàng Xuân Tửu (một người Công giáo Quảng Trị thuộc đảng Đại Việt Hà Thúc Ký) được bầu vào chức Đệ Nhị Phó chủ tịch nhưng đến năm 73-74 ông Tửu theo đường lối của Đảng quay ra chống đối Thiệu trong phong trào chống tham nhũng của cha Trần Hữu Thanh.
Còn ở Hạ Viện, người Công giáo (nhất là người Công giáo di cư và tay chân cũ của chế độ Diệm) chiếm đa số, đặc biệt là khối Độc lập 19 người gồm toàn thành phần Công giáo Cần lao do nhóm Nguyễn Quang Luyện, Vũ Văn Mẫu, Phạm Hữu Giáo cầm đầu. Khối này đã giành lấy những chức Chủ tịch của các Uỷ ban quan trọng để chi phối Hạ Viện. Theo giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ trong Những ngày cuối cùng của VNCH thì sau khi thành lập xong khối Độc lập, Nguyễn Quang Luyện vào dinh Độc lập gặp Thiệu và hứa sẽ ủng hộ Thiệu để đổi lại những ưa đãi đặc biệt. Cũng vì thoả hiệp đó mà nhóm dân biểu Luyện, Mẫu, Giáo xuất ngoại buôn vàng lậu, đô la lậu, đồ lót đàn bà làm náo động dư luận quốc tế và làm mất quốc thể Việt nam, Thiệu và Quốc hội Công giáo vẫn che chở bỏ qua, những kẻ vi phạm luật lệ không bị một hình phạt nào, kể cả biện pháp chế tài hành chính.
Phê bình về sự thao túng và nguồn gốc của khối Độc lập này, một hôm nhân đàm đạo với chúng tôi, Dân biểu Trần Văn Tuyên chủ tịch khối dân tộc đã mỉa mai rằng: "Không phải vô tình mà khối Dân biểu Công giáo lấy tên "Độc lập”, mà phải biết rằng "khối Độc lập” và "dinh Độc lập” đều có chung một ý đồ, nhằm chung một mục đích, sống chung một lối sống chỉ phá nát quốc gia mà thôi. Người ta không quên trong những buổi thảo luận tại Hạ viện, khối Dân tộc của Trần Văn Tuyên và khối Độc lập Công giáo gia nô của Thiệu thường nhiều lần tranh cãi giận dữ gần như muốn đi đến xô xát. Nhưng khi có biểu quyết một dự luật nào thì thắng lợi vẫn về khối Độc lập của Thiệu.
Chức Tổng thư ký Hạ viện là một chức vụ rất quan trọng vì có trách nhiệm điều hành Hạ viện cả về mặt hành chính lẫn chính trị, dĩ nhiên phải nằm trong tay Dân biểu Đinh Xuân Minh (mà nghị sĩ Nguyễn Văn Chức hiện ở Mỹ là em vợ), một người Công giáo di cư mà cả gia đình nội, ngoại đều tôn thờ Tổng thống Diệm. Chủ tịch Hạ viện trong nhiệm kỳ đầu là ông Nguyễn Bá Lương. Ông ta không phải là người Công giáo nhưng được Thiệu và Thăng mua chuộc các dân biểu khác để sắp đặt bầu vào chức Chủ tịch Hạ viện vi ông là người "ba phải", dễ thuần phục mà lại thích danh vị. Vả lại, lúc mới cầm quyền Thiệu thấy rằng Tổng thống đã là Công giáo, Chủ tịch Thượng viện đã là Công giáo nên Thiệu đặt Nguyễn Bá Lương đứng đầu Hạ viện để có thể làm bớt lộ liễu màu sắc Công giáo của chính quyền. Đây cũng chỉ là một thủ đoạn nối dài của thời Đệ nhất cộng hoà với một ông Nguyễn Ngọc Thơ (không Công giáo) được anh em ông Diệm cố tình cho giữ chức vụ Phó tổng thống để làm nhẹ cái thực tế rõ ràng là Tổng thống Công giáo, các ông Chủ tịch Quốc hội thay phiên nhau như Trần Văn Lắm, Phạm Văn Nhu, Trương Vĩnh Lễ đều là người Công giáo, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu và cả gia đình cầm quyền cũng là Công giáo.
Nhưng ông Nguyễn Bá Lương chỉ giữ chức Chủ tịch Hạ viện nhiệm kỳ đầu mà thôi. Qua đến nhiệm kỳ hai, khi tình hình chiến tranh và chính trị trở nên trầm trọng có thể đe doạ vị trí lãnh đạo, thì Thiệu phải lấy những biện pháp độc tài để kiểm soát Lưỡng viện chặt chẽ hơn. Và vì cần sự ủng hộ công khai của định chế này nên Thiệu vận động để chức Chủ tịch Hạ viện vào tay Nguyễn Bá Cẩn, một Công giáo Cần lao nguyên là Phó Tỉnh trưởng Định Tường, và cũng là một đàn em của Huỳnh Văn Cao thời Cao còn là Tư lệnh vùng Bốn.
Với một Quốc hội nằm trong tay đa số người Công giáo và người của chế độ Diệm đang cấu kết với Thiệu như thế, tất cả các dự luật thất nhân tâm như Luật báo chí, Luật uỷ quyền, việc hợp hiến hoá cuộc bầu cứ Tổng thống độc diễn... đều đã được dễ dàng và mau chóng thông qua. Đó là không nói đến những hồ sơ tố cáo tham nhũng, lộng quyền bị Quốc hội dẹp bỏ trước sự công phẫn của nhân dân và chỉ trích gay gắt của báo chí như các nhật báo Bút Thép, Điện Tín, Dân tộc...
Thành phần nhân sự Thiên Chúa giáo và thuộc chế độ Diệm cũ không những chỉ nắm chức vụ lãnh đạo để khuynh loát ngành lập pháp, mà quan trọng hơn còn cả trong ngành hành pháp: Bộ trưởng phủ Thủ tướng nằm trong tay Cao Văn Tường, một tay chân trung thành với nhà Ngô đã từng được Ngô Đình Nhu cho làm Đệ nhất Phó Chủ tịch Quốc hội thời Đệ nhất Cộng Bộ Ngoại giao thì do các ông Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm hay Vương Văn Bắc thay phiên nhau cầm quyền. Ông Thành là ông Lắm ai cũng biết là tay chân nhà Ngô cũ, còn ông Bắc là một người Công giáo di cư. Bộ Ngoại giao là một bộ phận phụ trách việc vận động quốc tế, tranh thủ dư luận thế giới yểm trợ VNCH, nhất là trong giai đoạn phải thương thuyết với Hà Nội và Mặt trận giải phóng miền Nam. Nhưng nhìn lại dĩ vãng ta thấy các nhà ngoại giao của chúng ta chỉ coi sinh mạng quốc gia là trò đùa. Ông Trần Văn Lắm đi phó hội tại Paris thì chỉ vênh vang lặp lại lời tuyền bố "Hoà bình đã trông thấy ở cuối đường hầm” của Kissinger mà thôi mặc dầu những điều kiện hoà bình đó chỉ giúp mở cửa cho Cộng sản dễ dàng thôn tính miền Nam. Còn ông Vương Văn Bắc mới lên giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao được ít tháng vội vã cho vợ con xuất ngoại an cư ở nước ngoài và thỉnh thoảng mượn cớ công du để đi thăm. Hậu ý của ông là khi có biến, ông có thể trốn thoát dễ dàng không bận bịu thê nhi. Cái hậu ý đã nói lên rõ ràng việc ông biết lo cho gia đình trước khi lo cho một quê hương mà ông biết như lá vàng sắp rụng.
Bộ Thông tin dĩ nhiên phải để cho Ngô Khắc Tỉnh, học trò cũ của Giám mục Ngô Đình Thục và cựu Dân biểu gia nô thời Đệ nhất cộng hoà. Nhưng khi số trường đại học, trung học, số trường kỹ thuật được Hoa kỳ và các nước đồng minh gia tăng viện trợ thì Thiệu bèn hoán chuyển Ngô Khắc Tỉnh qua nắm Bộ Giáo dục để có thể kiểm soát lực lượng giáo chức và thanh niên sinh viên vốn là lực lượng tiền phong luôn luôn dễ dàng nổi loạn. Để Tỉnh có đủ uy tín đối phó với lớp trí thức khoa bảng, Thiệu cứ một phụ tá cũng khoa bảng giúp Tỉnh và dĩ nhiên vị phụ tá này phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo gốc Huế, thân tín với chế độ cũ: ông Bùi Xuân Bào.
Tuy nhiên, Thiệu biết rằng Lập pháp, Hành pháp hay Tư pháp trong một miền Nam chiến tranh và trong một chế độ do Mỹ điều động vẫn chưa đủ để củng cố quyền lực mà chính quân đội mới là thành tố quyết định sức mạnh của kẻ cầm quyền. Hơn ai hết, Thiệu biết rõ vai trò của Quân đội trong những biến cố chính trị, cũng hơn ai hết Thiệu biết rõ sự cần thiết phải Công giáo hoá Quân đội mới hoàn tất được cái khước với lực lượng Công giáo đang hung hăng sống dậy tại miền Nam. Mà trong một chế độ độc tài của một quốc gia đang có chiến tranh như Việt nam, thì sức mạnh của quân đội hầu như nằm trong tay một số tướng, tá cao cấp, cho nên chính thành phần nhân sự lãnh đạo VHCH là thành phần mà Thiệu và khối Công giáo thoả hiệp chặt chẽ và lâu bền nhất.
Trước hết Thiệu dàn xếp cho Cao Văn Viên giữ chức Tổng tham mưu trưởng và đàn em của Viên là Đổng Văn Khuyến thì vừa là Tổng tham mưu phó vừa Tổng cục trưởng cục Tiếp vận. Viên là thành phần trung thành tuyệt đối với Tổng thống Diệm, vợ Viên là chân tay đắc lực của bà Nhu trong phong trào Phụ nữ liên đới cũ. Viên đã được Tổng thống Diệm cữ giữ chức Tư lệnh Nhảy dù thay thế đại tá Nguyễn Chánh Thi sau cuộc đảo chính thất bại năm 1960 mặc dù Viên chưa một ngày ở trong binh chủng này và chỉ mới mang cấp bậc trung tá. Trong đêm Cách mạng 1-11-63, Viên đã trả lời Dương Văn Minh là không theo cách mạng mà chỉ tuân lệnh Tổng thống Diệm mà thôi. Viên đã nắm giữ phần trọng yếu trong cuộc chỉnh lý hạ bệ Dương Văn Minh vào cuối tháng giêng năm 1964, và gián tiếp chịu trách nhiệm trong việc hạ sát thiếu tá Nhung tại trại Nhảy dù do sĩ quan Công giáo chủ xướng. Hồ sơ quân vụ của Viên ghi đầy những công lao lớn trung thành với nhà Ngô nên càng được khối Công giáo trong quân đội tín nhiệm và ủng hộ. Khốn nỗi vợ Viên quá lộng hành và gây nhiều tai tiếng nên vị trí của Viên bị đe doạ, Viên thu mình ngậm miệng lại và chỉ biết tìm nguồn vui qua việc luyện tập Yoga tại nhà hay trau dồi học vấn mà không để tâm nhiều vào việc chỉ huy quân đội. Đã có lần Thiệu định để Đỗ Cao Trí thay Viên nhưng áp lực của khối Công giáo, của người anh ruột là Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu và của Mỹ quá mạnh nên Viên vẫn làm một thứ Tổng tham mưu trưởng nhàn hạ cho đến ngày bỏ nước ra đi.
Tổng Cục Chiến tranh Chính trị các Cục trực thuộc như Cục Tuyên uý, cục chiến tranh tâm lý, cục An ninh quân đội, Đài phát thanh và báo chí quân đội thì do Trần Văn Trung, một người Công giáo Phú Cam điều khiển. Cơ quan này đáng lẽ phải bảo vệ tinh thần quân đội thì lại trở thành một khí cụ cho các tuyên uý Công giáo khai thác lợi dụng để tuyên truyền phát triển Thiên Chúa giáo trong quân đội. Hiện tượng này không lộ liễu như dưới thời Diệm nên người ngoài ít ai để ý, nhưng các phần tử thuộc các tôn giáo khác thì thấy rất rõ và tuy bất bình mà không dám công khai nói ra.
Cầm đầu Nha Động Viên là Bùi Đình Đạm, một sĩ quan Công giáo di cư và từng là kẻ dưới quyền Huỳnh Văn Cao, Đạm liên hệ mật thiết với linh mục Trần Du, chủ nhiệm báo Hoà Bình, vị linh mục cùng với người cháu gọi ông là cậu ruột (mà tôi quên tên) làm quản lý báo Hoà Bình, và nằm trong hệ thống tình báo đặc trách việc theo dõi sinh hoạt báo chí cho nhóm Thiệu - Quang. Đạm là sĩ quan hoàn toàn thiếu khả năng nhưng nhờ ngoan đạo mà được Thiệu giao cho chức vụ Giám đốc Nha Động Viên, một cơ quan vô cùng quan trọng và dễ dàng làm tiền dân chúng trong một quốc gia đang có chiến tranh. Phụ tá cho Đạm là đại tá Huỳnh Văn Lang lại cũng là một sĩ quan Công giáo khác.
Xuống thấp một chút ở các đơn vị địa phương và thực sự nắm quân là các chức vụ Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn thì những tướng tá Công giáo Cần lao hoặc tay chân của chế độ cũ cũng nắm phần đa số mà tiêu biểu là Ngô Du, Phạm Quốc Thuần, Đỗ Cao Trí, Trần Văn Minh (cựu Tỉnh trưởng Long Xuyên thời Đệ nhất cộng hoà, tay chân của Đặng Văn Quang), Phạm Văn Phú (nguyên Tư lệnh Phó Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung), Nguyễn Văn Toàn (từng chỉ huy Thiết giáp tấn công Phật giáo trong biến cố 1966), Lữ Lan (một tay chân thân tín của Tổng thống Diệm nên được Cao Thế Dung đề cao trong cuốn Làm thế nào để giết một Tổng thống). Thời làm Tư lệnh Quân đoàn 2, Lan đã chiếm đoạt 30 mẫu đất tại Ba Ngòi nhưng rồi bị "Phong trào cắm cùi" của Thương phế binh lên án tham nhũng và giành lại để họ xây nhà.
Sau quân đội là cảnh sát, công an. Ban đầu vì còn có Nguyễn Cao Kỳ làm Phó tổng thống nên Thiệu đồng ý để cho đại tá Trần Văn Hai (sau khi tướng Loan bị thương trong biến cố Tết Mậu Thân) làm tổng giám đốc. Nhưng vì Hai thân với đảng Đại Việt và lại là một sĩ quan liêm chính nên muốn nắm vững Công an, Thiệu đặt trung tá Nguyễn Mâu (một người Công giáo Cần lao từng thay ông Nguyễn Văn Đằng trong chức vụ Tỉnh trưởng Thừa Thiên để đàn áp Phật giáo năm 1963) nắm chức vụ Phụ tá ngành Công an đặc biệt, một chức vụ sinh sát do Dương Văn Hiếu nắm giữ thời chế độ Diệm. Sau đó khi Phó tổng thống không phải là Kỳ nữa, Thiệu bèn giao chức Tổng giám đốc Cảnh sát Công an cho Nguyễn Khắc Bình, vừa là bà con với vợ Thiệu vừa lại có công với nhóm Công giáo Cần lao (Bình đã có công tố cáo với ông Ngô Đình Nhu hành động “phản loạn” của tướng Nguyễn Hữu Có khi Có xuống Mỹ Tho tổ chức đảo chính chế độ Diệm năm 1963).
Như vậy, với một quân đội có những Cao Văn Viên, Đổng Văn Khuyên, Trần Văn Trung, Bùi Đình Đạm, Huỳnh Văn Lang, Ngô Du, Phạm Quốc Thuần, Đỗ Cao Trí, Trần Văn Minh, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Lữ Lan... nắm những chức vụ then chốt; và với một lực lượng Công an Cảnh sát có những Nguyễn Mâu, Nguyễn Khắc Bình... Thiệu đã vá lại được mạng lưới Cần lao công giáo bị rách vào năm 1963 để phủ xuống một quân lực mà các thành phần ưu tú và trong sạch nhất thì nằm ở tuyến đầu khói lửa chứ không phải tại các thủ bộ ở thủ đô Sài gòn.
Với tình hình an ninh càng lúc càng suy thoái và tiếp nối chính sách quân sự hoá các Tỉnh trưởng của chế độ Diệm, Thiệu mở rộng mạng lưới Công giáo ra khắp nơi. Thiệu còn trắng trợn và khiêu khích bổ nhiệm các sĩ quan Cần lao cũ tại các địa phương đông Phật tử như đại tá Thân, đại tá Nguyễn Hữu Duệ tại Thừa Thiên và đại tá Nguyễn Ngọc Khôi tại Đà Nẵng, hai sĩ quan sau là hai sĩ quan Thiên Chúa giáo cao cấp thuộc Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng Phủ của ông Diệm trước 1963, còn đại tá Thân là tay chân của linh mục Cao Văn Luận.
Ngoài các cơ quan công quyền được “Công giáo hoá” dần dần, Thiệu còn với tay nắm lấy Tổng Liên đoàn Lao công, một sản phẩm của ông Nhu để lại hầu làm hậu thuẫn cho Thiệu. Tổng Liên đoàn Lao công vẫn do Trần Quốc Bửu (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng Cần lao) giữ chức chủ tịch với một vị phụ tá là Nguyễn Bửu, người Công giáo Quảng Bình. Dưới thời Thiệu, chính Nguyễn Bửu mới là người thật sự điều hành Tổng Liên đoàn vì Trần Quốc Bửu đã được Thiệu giáo phó nhiệm vụ giao thiệp với các nghiệp đoàn Hoa kỳ và bí mật liên hệ với cơ quan CIA Mỹ, việc mà Bửu thi hành từ thời ông Nhu. Lợi dụng các vụ xuất ngoại, Trần Quốc Bửu chuyển tiền ra nước ngoài một số lượng đắng kể, đã mua cho vợ bé một ngôi biệt thự sang trọng tại Thuỵ Sĩ.
Bóng ma của chế độ Diệm vẫn đè nặng trên sinh hoạt chính trị của miền Nam để điều động những chiếc áo dòng màu đen lăng xăng ở các trung tâm quyền lực. Truyền thống độc tài và bạo trị của gia đình họ Ngô vẫn khống chế dư đảng Cần lao trong quân đội và ngoài dân sự để thúc giục họ duy trì một chánh sách bạo trị hại dân hại nước. Nói cách khác, ông Diệm chết rồi nhưng những kẻ thừa kế của ông, mà đứng đầu là con chiên Nguyễn Văn Thiệu và các linh mục đầy quyền lực, đã thành công trong cuộc phục hồi lại các xác chết đó để làm biểu tượng cho chế độ, một chế độ Diệm không Diệm, không thèm đếm xỉa đến các bộ phận dân tộc khác, không thèm đếm xỉa đến những biến thiên mới của tình hình.
Chính vì cái chế độ Diệm không Diệm mang nặng màu sắc Thiên Chúa giáo đó mà những tướng lĩnh thân Phật giáo như Dương Văn Minh, Nguyễn Chánh Thi phải bị kỳ thị lưu vong biệt xứ. Nguyễn Văn Thiệu đã từ chối quyết liệt không chịu cho tướng Minh về nước cho mãi đến năm 1970, nhờ dư luận báo chí và áp lực cửa một số người gốc Nam Kỳ cũ cũng như nhờ uy tín của chính mình, tướng Minh mới được Thiệu cho rời Bangkok để hồi hương. Còn đối với tướng Nguyễn Chánh Thi thì Thiệu lẫn khối Cồng giáo Cần lao và cả người Mỹ đều xem ông như một kẻ có tội với đất nước, một đối thủ chính trị nguy hiểm, nên nhất định cấm ông hồi hương mặc dù một số Dân biểu, Nghị sĩ và báo chí đã vận động can thiệp. Ngay cả với cựu hoàng Bảo Đại người không còn tham vọng, và không có thế lực mạnh, nhưng vì trong quá khứ đã bị ông Diệm xem như kẻ thù nên dù có dư luận đề nghị mời gọi về thăm quê hương để tỏ tình đoàn kết, Thiệu và đám cố vấn Công giáo trong dinh Độc lập cũng nhất định không chịu chấp nhận.
Kỳ thị tôn giáo và kỳ thị địa phương là hai sản phẩm đặc thù của chế độ Diệm. Hai tệ hại đó tưởng đã được quét sạch sau ngày 1-11-1963 nhưng nay nhờ chế độ Thiệu sẵn sàng tiếp tục con đường của chế độ cũ nên lại được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ mà những cái chết của các ông Trần Văn Văn, Nguyễn Chữ và vụ mưu sát Thiện Toạ Thích Thượng Minh là những minh chứng không chối cãi được. Cũng không chối cãi được là chính vì cái chính sách kỳ thị đó mà người miền Nam đã phải từ chối cái truyền thống độ lượng chất phác của họ để phản ứng lại với những tổ chức riêng biệt như Hội Liên Trường, Hội Chủ Báo Nam Việt, Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt... và rất nhiều hội ái hữu tương tế khác...
Để cho lực lượng Công giáo Cần lao làm nòng cốt và tiến hành chính sách kỳ thị tôn giáo lẫn kỳ thị địa phương vẫn chưa đủ, chế độ Thiệu còn muốn nối dài tệ trạng tham nhũng và bất công của giai đoạn tiền 63 với những năm cuối của chế độ trong thập niên 1970.
Thật vậy, sau khi nắm vững được chính quyền lực lượng hậu thuẫn sắt thép là khối Công giáo và Tướng tá trong quân đội, nhóm Thiệu, Khiêm, Viên, Quang và một số tướng lĩnh tay chân của Thiệu bèn bước lên vết xe cũ của anh em nhà Ngô để thực hiện một nền tham nhũng kinh khủng nhất trong lịch sử Việt nam. Nền tham nhũng của chế độ Thiệu tàn bạo đến độ đại uý bác sĩ Hà Thúc Nhơn tại Nha Trang quá căm phẫn phải nổi loạn để mua lấy cái chết ám muội. Sau cái chết của người anh hùng chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn, nhóm Sóng Thần của các nhà văn Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Hà Thế Quyệt, Vũ Thế Ngọc... bèn lập hội thờ Hà Thúc Nhơn mong duy trì và phát triển phong trào chống tham nhũng tại miền Nam mà hành động quyết liệt đầu tiên là lúc người cháu rể của tôi là bác sĩ quân y Phạm Văn Lương từ Đà Nẵng vào Sài gòn để mở chốt hai quả lựu đạn đứng trước tiên đình Quốc hội công khai tố tham nhũng trong chế độ.
Nền tham nhũng của chế độ Thiệu đã được nhà viết sử Nguyễn Khắc Ngữ trình bày và phê phán tương đối đầy đủ trong tác phẩm Những Ngày Cuối Cùng của VNCH khi gọi ông Nguyễn Văn Thiệu và tập đoàn là "tham quyền cố vị" là "chịu đấm ăn xôi”, là "Hạm lớn, Hạm nhỏ", là "phản quốc"... Tiếc rằng ông Nguyễn Khắc Ngữ đã không còn cơ hội để đi sâu hơn vào các địa phương nơi dân chúng thấp cổ bé miệng phải cơ cực điêu linh vì các ông Linh mục tham nhũng vốn là cánh tay sắt nối dài của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Bốn trường hợp điển hình trong cả ngàn trường hợp khái mà tôi ghi nhận sau đây xin dành để bổ túc cho hồ sơ các nhà viết sử lương thiện và can đảm tương lai.
Chuyện thứ nhất: năm 1962, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất, một Cần lao cuồng tín hống hách (thời Pháp thuộc làm Hương bộ) được Ngô Đình Cẩn cho làm Tỉnh trưởng. Y thường cầm ba toong đánh công chức, đánh xã trưởng. Y âm mưu lấy số đất đai hai mẫu vừa tư vừa công của dân chúng toạ lạc tại một địa thế rất đẹp giữa tỉnh lỵ cho mưu đồ phe đảng riêng. Y thông cáo là sở đất đó sẽ được toà hành chính trưng dụng để làm công việc thành phố, hễ ai có nhà cửa mồ mả trên đất đó thì phải dời đi, còn tư nhân nào có đất riêng thì phải bán cho chính phủ với giá tượng trưng. Rồi y lươn lẹo công quỹ đến giúp linh mục Ngoan, cha sở tại, dựng một ngôi nhà thờ to lớn trên sở đất đó.
Năm 1963, nhà Ngô bị lật đổ, tại Quảng Ngãi có phong trào tố Cần lao, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất bị bắt, cha Ngoan phải bỏ trốn, việc xây cất nhà thờ phải đình chỉ. Năm 1964, dân chúng nhờ ông Lê Nguyên Long một nhân sĩ tên tuổi tại tỉnh nhà can thiệp để được đền bù thiệt hại. Nhưng khi Cần lao được phục hồi dưới chế độ Thiệu, giám mục Phạm Ngọc Chi can thiệp với tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn II, áp lực với Tỉnh trưởng Lê Trung Tường xếp bỏ nội vụ. Cha Ngoan lại vẫn tiếp tục xây nhà thờ trước sự công phẫn của dân chúng, còn Nguyễn Văn Tất thì được trả tự do.
Câu chuyện thứ hai do ký giả William Jean Lederer kể lại đại khái như sau:
Làng Phú Hoà thuộc quận Hiền Đức tỉnh Quảng Nam là một làng Phật giáo nằm cạnh một làng Thiên Chúa giáo. Mà quận Hiền Đức thì ở sát quận Hoà Vang do thiếu tá Hào, cháu ruột của Giám mục Phạm Ngọc Chi làm quận trưởng. Làng Phú Hoà có 1.600 mẫu đất rất tốt có thể sản xuất lúa hai mùa nhờ nước từ một cái đập ở cách đó một cây số cung cấp. Đập này nguyên thuộc một vị cố đạo người Pháp từng cho dân Phú Hoá thuê mà mỗi năm công dân Phú Hoà phải trả cho ông 1/3 số lúa thu hoạch được. (LTG: Đất đai của dân Việt nam mà đập nước thì lại của riêng của một ông cố đạo Pháp đã là một cái nhục, thế mà sau khi ông cố đạo Pháp không còn ở đó nữa, dân Phú Hoà vẫn phải trả lúa cho một ông linh mục Việt nam). Dân Phú Hoà còn phải đút lót cho Quận Hào bởi vì nếu không thì y không cho chở lúa đi ngang qua quận của y để đem bán tại Đà Nẵng. Tuy bị thiệt thòi nhưng dân Phú Hoà vẫn phải cắn răng chịu đựng để đợi ngày mãn hạn giao kèo và được làm sở hữu của cái đập. Nguyên lại giao kèo ký giữa ông cố đạo Pháp và dân Phú Hoà là 12 năm, hết hạn, cái đập sẽ thuộc về dân Phú Hoà. Nhưng đã qua 12 năm rồi mà ông linh mục Việt nam vẫn bắt dân Phú Hoà nộp lúa, nếu không thì ông ta khoá đập không cho nước chảy.
Tại làng Phú Hoà có một đội “công tác dân vận” Mỹ được dân chúng hết lòng cộng tác. Đội Công tác dân vận này bèn giúp đỡ cho dân Phú Hoà bằng cách mua cho họ một cái máy bơm nước và điều đình với ông linh mục để mua lại cái đập. Thấy dân Phú Hoà có máy bơm và trước sự can thiệp cương quyết của người Mỹ, ông linh mục bằng lòng bán cái đập lại cho dân. Nếu có máy bơm và cái đập riêng, nông dân sẽ có lợi tức cao, có khả năng gia nhập hợp tác xã nông nghiệp, nông dân bán lúa và vay tiền của chính phủ không sợ ông Quận Hào làm khó dễ nữa. Thế mà dân làng vẫn không qua mặt nổi tên Quận Hào tham nhũng, lúc dầu Quận Hào nhờ giám mục Phạm Ngọc Chi ra lệnh cho vị linh mục Việt nam không được bán đập, nhưng vì người Mỹ can thiệp mạnh mẽ nên Phạm Ngọc Chi phải chịu nhượng bộ. Tuy vậy, những khó khăn oan ức của dân chúng Phú Hoà không phải đã chấm dứt. William J. Lederer đã kết thúc câu chuyện bằng một lời than dầy tuyệt vọng: nhưng mà việc phải kéo dài vì những bàn tay tham nhũng khủng khiếp. Khi dân làng Phú Hoà đến ngân hàng Nông nghiệp để xin gia nhập hợp tác xã và mượn tiền thì họ bị thất vọng não nề vị Quận Hào cháu của Giám mục Phạm Ngọc Chi đã có mặt trước đó rồi. Với hàng tá lý do mà không ai biết là lý do gì, ngân hàng từ chối nguyện vọng của dân làng Phú Hoà.
Chuyện thứ ba là chuyện che giấu đào binh và thanh niên trốn dịch tại các đạo ở Biên Hoà.
Nạn đào binh và thanh niên trốn quân dịch đã trở thành một hiểm hoạ cho quân đội VHCH. Có rất nhiều đơn vị mà quân số tác chiến cấp tiểu đoàn chỉ còn lại một đại đội. Dưới cả hai thời Đệ Nhị cũng như Đệ nhất cộng hoà, nơi trú ẩn an toàn nhất cho thành phần đào binh và trốn quân dịch là các họ đạo. Thành phần bất hợp pháp đến trốn tránh ở đây vừa được bảo vệ chắc chắn vừa được làm ăn sinh sống mà mỗi tháng chỉ cần nạp cho các ông cha sở một số tiền.
Một hôm vị Quận trưởng châu thành Biên Hoà mở cuộc hành quân để lùng bắt các phần bất hợp pháp, nhưng khi Bảo An vừa đến nơi thì gặp ngay phản ứng của các vị linh mục. Dân vệ Công giáo dàn thành thế trận, chuông nhà thờ báo động đổ liên hồi và các vị linh mục đích thân chỉ huy cuộc bố phòng để kháng cự không cho Bảo An xâm nhập vào khuôn viên họ đạo. Tất nhiên sau lời thách thức hăm doạ của các ông “lãnh chúa Bùi Chu", ông Quận trưởng chỉ còn biết kéo quân về.
Những sự kiện trên đây đã được báo chí Sài gòn đăng tải rất rộng rãi.
Không cần nói thì ai cũng biết dưới hai chế độ Diệm và Thiệu, linh mục và giám mục tại nhiều địa phương còn quyền thế hơn các viên chức chính quyền. Chẳng những thế nhiều chức quyền địa phương như Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Trưởng ty chỉ là kẻ thừa hành ngoan ngoãn của các vị linh mục oai quyền có liên hệ tôn giáo và quyền lợi với vị nguyên thủ quốc gia mà thôi (những sự kiện này rất nhiều sách báo Mỹ đã nói rõ).
Chuyện thứ tư dưới đây càng làm nổi bật thêm uy quyền bất khả xâm phạm của một lãnh chúa áo đen khác bởi vì ông lãnh chúa này làm mưa làm gió ngay kế cận thủ đô Sài gòn, kế cận Toà Tổng giám mục của Giáo hội Thiên Chúa giáo, kế cận quyền hành trung ương của dinh Độc lập.
Tại ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình tỉnh Gia định, linh mục Đinh Xuân Hải cai quản một họ đạo người Bắc di cư và được Quận trưởng Tân Bình người Công giáo di cư là ông Phan Gia Quýnh phục vụ đắc lực. Nhờ vậy Định Xuân Hải tha hồ làm mưa làm gió trong lãnh dịa của ông.
Trước hết Đinh Xuân Hải tìm cách nới rộng "giang sơn" bằng cách đuổi một số dân chúng không Công giáo vốn cư ngụ lâu đời chung quanh họ đạo đi nơi khác. Dân chúng phẫn uất khiếu nại với chính quyền nhưng tiếng dân kêu nào có thấu tới trời. Người dân nào không dời nhà di, ông cho dân vệ của họ đạo đến nhổ hàng rào, xô sập nhà cửa, ném đồ ra đường. Cho đến ngày giang sơn của Đinh Xuân Hải mở rộng đến một ngôi chùa và cơ sở xã hội Quách Thị Trang do Đại Đức Thích Nhật Thiện điều khiển, khi Đinh Xuân Hải ra lệnh cho nhà sư phải nhường đất đai và chùa chiền lại cho ông thì tất nhiên nhà sư không chịu, và vị linh mục bèn cho dân vệ phá phách vườn tược của cơ sở Quách Thị Trang rồi cuối cùng cho ném lựu đạn vào cơ sở xã hội này. Tuy ông chỉ mới hăm doạ nhưng hành động bạo ngược của ông từ trước đến nay cũng đã làm cho Đại Đức Thích Nhật Thiện hoảng sợ phải bỏ chùa, bỏ cơ sở Quách Thị Trang trốn về Sài gòn cầu cứu với Viện Hoá Đạo. Viện Hoá Đạo cũng không biết có cách gì hơn là chỉ gởi điện với toà Hành chính tỉnh Gia định, với quận Tân Bình. Thế nhưng Đinh Xuân Hải vẫn vô can vẫn bình chân như vại, vẫn vênh váo làm một lãnh chúa bạo ngược. Suốt 6, 7 tháng trời báo chí Sài gòn đã sôi nổi theo dõi và đăng tin, bình luận về vụ này và gọi Đinh Xuân Hải là một "hung thần", "ác quỷ", nhưng Đinh Xuân Hải vẫn tiếp tục lộng hành, nào có sợ chi ai khi mà chính quyền, quân đội, công an, cảnh sát... đều nằm trong tay nhóm Công giáo Cần lao, nhóm người chỉ muốn trả thù Phật giáo và lương dân. Hiện tượng Đinh Xuân Hải làm sôi nổi dư luận dân chúng thủ đô Sài gòn - Gia định một thời, được báo chí Sài gòn triệt để khai thác nhưng sau này lại không được một “sử gia Công giáo” nào ghi vào tác phẩm của họ.
Thật vậy, chế độ Thiệu ngày càng tham nhũng và thối nát, xã hội Việt nam ngày càng băng hoại suy đồi, cho đến năm 1971 khi Thiệu bày trò bầu cử độc diễn thì uy tín và vận mệnh miền Nam không còn gì nữa. Trước hoàn cảnh đó và trước sự khinh bỉ của lực lượng dân tộc, một số trí thức Công giáo vốn ủng hộ Thiệu từ trước bèn thay đổi lập trường. Bắt nguồn từ mặc cảm tội lỗi có thật, họ quyết định chấm dứt ủng hộ chế độ và tỏ thái độ chống đối Nguyễn Văn Thiệu cùng những tướng tá tay sai của Thiệu.
Trong số trí thức Công giáo hiếm hoi đó tôi ghi nhận được bà Nguyễn Phước Đại (nghị sĩ trong liên danh Mặt Trời của Huỳnh Văn Cao), bà giáo sư Bùi Tuyết Hồng, các ông Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Văn Chức, các linh mục Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định...
Tôi biết bà Nghị sĩ Đại có thái độ chống Thiệu vì chính bà ta đã trực tiếp nói với tôi trong một buổi xem triển lãm hội hoạ tại đường Tự Do. Bà nặng lời đả kích cuộc bầu cử độc diễn của Thiệu và không ngại ngùng nói với tôi: "Là người Công giáo, tôi càng thấy xấu hổ khi thấy trong ngày bầu cử tại Sài gòn chỉ thấy có quân đội, công an và cảnh sát, và các ông Cha bà Sơ đi bầu cho Thiệu, còn nhân dân thì tẩy chay. Từ đây tôi chấm dứt lập trường ủng hộ ông Thiệu”.
Tôi biết bà giáo sư Hông (hiện ở Hà Lan) có lập trường chống Thiệu vì chính bà đã mấy lần đến thăm tôi tại nhà riêng và tâm sự với tôi: "Lúc đầu vì chống Cộng mà tôi ủng hộ Thiệu, nhưng bây giờ tôi quá chán chường và tuyệt vọng".
Hai linh mục Thanh Lăng và Nguyễn Quang Lãm thì quyết liệt hơn. Hai ông đứng vào hàng ngũ báo giới để chống Nguyễn Văn Thiệu bằng cách viết bài, xuống đường biểu tình công kích luật báo chí của Nguyễn Văn Thiệu, và cũng đã từng nếm mùi lựu đạn cay và dùi cui của cảnh sát dã chiến của Nguyễn Khắc Bình.
Trong số những nhân vật Công giáo chống đối tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu thì nhóm các linh mục Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định, Nguyễn Học Hiệu là can trường quyết liệt hơn cả mặc dù hai linh mục Thanh và Định đã từng ủng hộ chế độ lúc Thiệu mới lên cầm quyện.
Linh mục Đinh Bình Định đã từng là đại diện cho liên danh Thiệu - Hương tại khu vực Tân Sa Châu trong cuộc bầu cử độc diễn năm 1971, còn linh mục Trần Hữu Thanh đã từng là giảng sư tại trường Chiến tranh chính trị của quân đội. Nhưng rồi vận mệnh miền Nam mỗi ngày một nguy hiểm, tình hình mỗi lúc mỗi khẩn cấp mà theo linh mục Thanh thì nguyên nhân chính là do tập đoàn tham nhũng thối nát của Nguyễn Văn Thiệu. Vì ưu tư với thời cuộc, ông đã cùng với các ông Nguyên Trân, Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Kim... thành lập Phong trào nhân dân chống tham nhũng. Ban lãnh đạo phong trào tuyệt đại đa số là người Công giáo và đảng viên cao cấp của đảng Đại Việt mà ông Hà Thúc Ký là "chất xám" của phong trào.
Ra đời từ đầu năm 1974, Phong trào chống tham nhũng trước sau chỉ hoạt động được tại một khu vực hạn hẹp là vùng Tân Sa Châu thuộc họ đạo của linh mục Đinh Bình Định tại Sài gòn. Phong trào cũng có tổ chức một cuộc biểu dương tại Huế và chỉ được giáo dân Phú Cam ửng hộ một lần rồi thôi. Ngoài ra các khu vực Công giáo khác khắp miền Nam không một nơi nào hưởng ứng cuộc đấu tranh của Cha Thanh. Ban lãnh đạo cũng ra Nha Trang vì tin tưởng vào ông cựu Tỉnh trưởng Nguyễn Trân, một thành viên lãnh đạo của Phong trào, với hy vọng có thể lôi kéo được những người Công giáo địa phương giúp Phong trào tổ chức một cuộc xuống đương rầm rộ. Không ngờ phong trào lại thất bại chua cay vì sự lãnh đạo của giới Công giáo Nha thành. Cấp lãnh đạo của phong trào chỉ gặp một nhóm người tại trường trung học Bá Ninh để trao đổi ý kiến rồi sau đó tan cuộc không ai chịu hưởng ứng cuộc vận động cả. Sở dĩ phong trào thết bại tại Nha Trang vì giáo dân nơi này đã bị giám mục Nguyễn Văn Thuận ngầm chỉ thị không được tham gia hoạt động của Phong trào. Làm sao giám mục Thuận lại có thể để cho giáo dân của ông chống đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khi mà Thiệu và Quang đang làm sống lại chế độ Diệm, nghĩa là đang giúp Giám mục thực hiện cuồng vọng của Ngài. Phong trào chống tham nhũng chẳng những bị toàn thể khối Công giáo tẩy chay lại còn bị sáu ông linh mục, trong đó có cả vị linh mục tên tuổi là Hoàng Quỳnh, lên án phá hoại chế độ.
Sáu đêm liền, sáu vị linh mục thay nhau lên đài truyền hình để bênh vực và ca ngợi Thiệu là nhà lãnh đạo quốc gia liêm khiết, cương quyết chống cộng, đồng thời kết án Cha Thanh là phá rối hậu phương, làm lung lạc tinh thần binh sĩ nơi tiền tuyến, nghĩa là làm lợi cho Cộng sản.
Để trả lời những xuyên tạc cho rằng Phong trào phá hoại quân đội, Cha Thanh bèn viết một bài lên báo Hoà Bình ca ngợi tinh thần hy sinh chiến đấu của binh sĩ và nêu đích danh một số tướng liêm chính như tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Đức Thắng, Dương Văn Đức.
Linh mục Thanh cũng không quên ghi tên tôi vào thành phần các "tướng sạch":
"Tướng Đỗ Mậu khi còn tại ngũ đã tỏ ra là một sĩ quan liêm chính dù ông ta ở địa vị có thể dễ dàng tham nhũng. Vì thế mà khi ông đã về hưu rồi, tên tuổi và uy tín của ông vẫn còn được mọi người nhắc đến”.
Cuối năm 1974, khi miền Nam cơ hồ đứng trên bờ vực thẳm vì những thắng lợi quân sự và chính trị hên tiếp của Cộng sản và vì Hoa kỳ đã cụ thể giải kết, để tỏ thiện chí với chính quyền, Phong trào quyết định đình chỉ hoạt động.
Cũng thô bạo trong thủ đoạn và nghèo nàn trong nội dung như những ông cha Ti vi và những ông cha Tuyên uý trước 1975, tám năm sau tại hải ngoại, ông Luận lại chụp mũ Phong trào chống tham nhũng của Cha Thanh là do Mỹ điều động và chống tham nhũng "chỉ có lợi cho Cộng sản chứ không có lợi gì cho quốc gia cả". Chỉ khác lần này ông Luận thêm một số yếu tố: cá nhân Cha Thanh là tay sai của Mỹ (qua buổi "nói chuyện rất lâu" với một Thượng nghị sĩ thuộc nhóm phản chiến) và chống tham nhũng chỉ có lợi cho Cộng sản vì "nước nào trên thế giới cũng có tham nhũng cả". Trước hết, tôi không biết Cha Thanh có đến xin ông Luận ký vào truyền đơn không vì tôi nghi ngờ sự có thật của lời kể lại này, ai không biết ông Luận lúc bấy giờ là cố vấn của Thiệu (trước đó là cố vấn của ông Diệm, và sau này còn là cố vấn của Nguyễn Bá Cẩn như lời ông kể lại nữa), cha Thanh đến “xin” ông Luận ký tên chống Thiệu có khác gì Thượng toạ Trí Quang đến xin ông Nhu ký vào truyền đơn chống ông Diệm! Nhưng cứ ví như chuyện đó có thật thì cứ vin vào lý do Cha Thanh gặp một Thượng nghị sĩ Mỹ để cho rằng phong trào đó do “Mỹ xúi giục” và từ chối hợp tác thì quả thật lý luận chính trị của ông Luận quả thật ấu trĩ. Ông Thượng nghị sĩ Mỹ đó tên là gì, sao ông Luận 8 năm sau không dám nói ra tại hải ngoại hay là tại một chuyện tương tượng khác của ông Luận? Họ gặp nhau nói gì làm sao ông Luận biết được nội dung buổi nói chuyện mà đã lên án là "Mỹ xúi giục"... Ông Luận mập mờ những sự kiện đó mà không cần đắn đo suy nghĩ tính xác thực của nó chỉ vì ông hấp tấp muốn lên án Phong trào chống tham nhũng cho nhịp nhàng với những vận động của nhóm “Phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm" và nhóm rửa mặt cho Thiệu đang bắt đầu hoạt động tại Hoa kỳ từ những năm đầu của thập niên 80.
Lại nữa, cái luận cứ "đừng lên án và đừng chống tham nhũng” vì "nước nào nên thế giới cũng có" để bênh vực chính quyền Thiệu chỉ chứng tỏ cái quan điểm phản động và cái nhìn lịch sử bạc nhược của một người chỉ muốn duy trì đặc quyền đặc lợi cho một giai cấp thống trị bóc lột dù sự duy trì đó (bằng tệ trạng tham nhũng) có đục khoét thêm sinh lực quốc gia, có tạo thêm bất công khốn khổ cho dân tộc và có làm cho kẻ thù lợi dụng để kích phá. Không biết lịch sử Việt nam trong 100 năm thực dân đô hộ có dạy được cho ông Luận bài học vì sao dân ta vùng lên đấu tranh chống tham quan ô lại và thực dân bóc lột không, không biết lịch sử thế giới có mở mắt cho ông Luận thấy rằng nước nào có độc tài, tham nhũng, bất công, nghèo đói là ở đó Cộng sản dễ sinh sôi nẩy nở và lớn mạnh không?
Và cuối cùng là cái lý luận cổ điển rằng chống chính quyền tham nhũng thì làm lợi cho Cộng sản. Cộng sản Việt nam mạnh từ những năm 1960, 1961, mạnh đến nỗi năm 1962 ông Diệm phải tuyên bố "Tổ quốc lâm nguy" và sau đó phải thoả hiệp với Cộng sản. Không những thế, chính vì cái chế độ tham nhũng “Diệm không Diệm” sau đó mà càng lúc Cộng sản càng mạnh thêm, bắt chính quyền Sài gòn phải ngồi vào phòng họp từ năm 1968 để ký hiệp ước vào năm 1973. Phong trào chống tham nhũng được phát động gần 15 năm sau khi Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời và dĩ nhiên không dính dự gì đến chuyện “làm lợi" cho Cộng sản thêm lớn mạnh đó cả. Đúng ra, chính vì không có Phong trào chống tham nhũng từ những năm 59, 60 cho nên địch mới mạnh thêm, vì nếu quả thật nếu có hành động làm lợi cho Cộng sản thì hành động đó là thay vì còn một chút lương tri để làm sạch chính quyền thì ông Luận lại đi làm cố vấn cho những chế độ tham nhũng?
Sau này, tại hải ngoại, Thiệu thú nhận đã lấy 16 tấn vàng của quốc gia và thú tội một cách trâng tráo "Tụi Mỹ nó làm áp lực tôi thế này thế nọ. Đó là lịch sử". Đúng, đó là lịch sử của một kẻ thừa kế chế độ cũ làm tay sai cho ngoại bang và được những tu sĩ Thiên Chúa giáo như Giám mục Lê Văn Ất, linh mục Vũ Đình Hoạt, sáu ông cha Tivi và hàng trăm cha Tuyên uý công khai bênh vực và đề cao. Còn Cao Văn Luận, dĩ nhiên, phải vinh danh Thiệu lên hàng "Lãnh tụ anh minh". Thì ra cứ tham nhũng thối nát, cứ làm tay sai cho Mỹ, cứ phá hoại quốc gia mà vẫn đọc kinh, vẫn đi nhà thờ đều đặn vẫn là đạo đức, sáng suốt và đắc nhân tâm? Những phần tứ Cần lao công giáo đó phải vinh danh và bám lấy một Tổng thống độc tài, quân phiệt, tham nhũng, phản quốc như Nguyễn Văn Thiệu vì không những chế độ đó mang lại đặc quyền đặc lợi cho họ mà, quan trọng hơn cả chế độ là chế độ của họ, chế độ Diệm không Diệm mà họ mơ ước.
***
Trong suốt 30 năm chiến tranh, khối Công giáo giành lấy độc quyền chống Cộng. Mười năm đầu họ làm tay sai cho quân đội viễn chinh Pháp, đất nước bị qua phân, mười năm giữa họ thoả hiệp với Mỹ để hậu thuẫn gia đình họ Ngô, đất nước bị suy nhược, mười năm cuối họ cấu kết với quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu và Tướng tá tham nhũng để phục hồi chế độ Diệm, đất nước rơi vào tay Cộng sản.
Thành tích của họ là như thế và đã được Thượng toạ Trí Quang tiên đoán từ trước, “Hễ quân phiệt mà cầm quyền thì chỉ làm tay sai cho ngoại bang, hễ Cần lao mà cầm quyền thì chỉ đem thắng lợi cho Cộng sản”. Thật vậy, miền Nam trong 10 năm cuối cùng không những cai trị bởi quân phiệt mà cả bởi Cần lao nữa nên dù quân viện, kinh viện của Mỹ ào ạt đổ vào để có lúc nâng quân số lên đến một triệu quân nhân (và nửa triệu quân Mỹ) để có lúc nền kinh tế phồn vinh giả tạo đã làm cho bộ mặt miền Nam có vẻ trù phú... thế mà cuối cùng vẫn tan hàng rã ngũ, cuốn cờ dẹp trống trốn chạy ra biển khơi.
Tất cả bắt đầu từ sau biến cố Mậu Thân, khi mà những thế lực Cần lao bắt đầu hồi sinh và nhấn những cái vòi bạch tuộc vào những vị trí lãnh đạo quyết định của nền Đệ nghị Công Hoà, biến cố Mậu Thân đã kéo theo ba hậu quả to lớn đe doạ vận mệnh miền Nam:
- Thứ nhất, về phía địch, Hà Nội lợi dụng để xâm nhập thêm các cán bộ chính trị và các đơn vị chính quy để nắm lấy quyền lãnh đạo tuyệt đối trên cả hai mặt chính trị lẫn quân sự hầu chuẩn bị Tổng tấn công vào năm 1975..
Thứ hai, về phía đồng minh, bị xúc động dồn ép về một cuộc chiến tranh mà những hình ảnh chết chóc vào tận phòng khách của mỗi gia đình cũng như những rạn nứt nội bộ nổ tung trên đường phố, cả nhân dân lẫn chính quyền Hoa kỳ đều muốn rút quân khỏi miền Nam, cầu hoà với Hà Nội để chấm dứt “chiến tranh phi nghĩa” kéo dài đến 5 đời Tổng thống.
- Thứ ba, về phía chính quyền miền Nam mà Thiệu là người nắm toàn quyền lãnh đạo, Thiệu đã không biết khai thác chiến thắng và sức mạnh của nhân dân miền Nam mà chỉ biết lệ thuộc thêm vào đường lối của Mỹ để nắm chặt quyền lực của mình.
Chính hậu quả thứ ba này mới là hậu quả quan trọng quyết định bước ngoặt lịch sử cuối cùng của số phận miền Nam. Vì dù Bắc Việt có đưa quân thêm vào Nam, dù Mỹ có Việt nam hoá để giải kết, mà sau chiến thắng Mậu Thân chính quyền miền Nam biết trong sạch hoá cơ cấu lãnh đạo, biết đoàn kết toàn dân để giành lại chính nghĩa, biết củng cố thực lực để nắm lấy chủ động thì chưa chắc miền Nam đã rơi vào tay Cộng sản vào mùa Xuân 1975.
Thật vậy, chúng ta hãy nhìn lại một số biến cố quan trọng tạo nên dây xích kiềm toả số mệnh miền Nam từ sau Tết Mậu Thân:
- Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson bị dư luận Mỹ chống đối nên tuyên bố quyết định không tái cử nhiệm kỳ thứ hai nữa và rút tướng diều hâu Westmoreland về nước.
- Ngày 18, 20-6-1968, Tổng thống Johnson và Thiệu gặp nhau tại Honolulu thảo luận sách lược hoà đàm với Cộng sản.
- Ngày 23-6-1968 căn cứ khổng lồ của Mỹ tại Khe Sanh rút bỏ.
- Tháng 11-1968, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Nixon hứa sẽ rút dần quần Mỹ ra khỏi Việt nam.
- Ngày 8-6-1968, Nixon và Nguyễn Văn Thiệu gặp nhau tại đảo Midway để thoả thuận về chính sách Việt nam hoá và lịch trình rút quân Mỹ. Nixon tuyên bố rút 25.000 quân Mỹ đầu tiên về nước.
- Tháng 2-1971, quân đội VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Hạ Lào nhưng bị thảm bại nặng nề. Sư đoàn 3 Bộ binh gần như bị xoá tên và Sư đoàn Dù thiện chiến nhất của quân đội miền Nam bị thiệt hại nặng nề. Các tướng lĩnh công khai đổ lỗi cho nhau càng làm nổi bật khả năng chỉ huy yếu kém của cát sĩ quan trách nhiệm. Sau trận Lam Sơn này quân đội VNCH lui dần về thế thủ.
- Tháng 10-1971, Nguyễn Văn Thiệu đắc cử nhiệm kỳ hai tổng thống trong một cuộc bầu cử độc diễn. Kết quả bầu cử này tất nhiên đã được Mỹ đồng ý, nhưng cũng tất nhiên đã làm cho chính quyền càng mất chính nghĩa, mất uy tín cả trong lẫn ngoài nước và xé sự đoàn kết chính trị tại miền Nam ra nhiều mảnh chống kình nhau.
- Ngày 30 tháng 5 năm 1972, Cộng sản mở cuộc tấn công quy mô và rộng lớn khắp miền Nam. Dù tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH rất cao và dù sự hy sinh của họ vô bờ bến nhưng trận tổng tấn công này của Việt cộng đã làm cho tinh thần quân dân hoang mang xao quyến. Phần lớn các tỉnh Quảng Trị, Kontum và Bình Long rơi vào tay Cộng sản, riêng tỉnh Bình Long hoàn toàn bị cô lập không còn tiếp tế bằng đường bộ được nữa và chỉ có thể liên lạc bằng phi cơ. Sư đoàn 5 Bộ binh đóng ở Lai Khê, mỗi lần liên lạc với Bình Long là hứng lấy thiệt hại trên Quốc lộ 1A. Nhiều đồn bót và căn cứ quân sự bị rút bỏ. Căn cứ Tống Lê Chân do một tiểu đoàn biệt động quân đóng giữ và hy sinh tử thủ nhưng cuối cùng cũng không giữ nổi, tiểu đoàn phải tháo lui.
- Ngày 21-6-1973, sau 5 năm đàm đàm đánh đánh cả hai hoà trường lẫn chiến trường, hiệp ước Paris được ký kết. Hiệp ước này mặc nhiên xoá bỏ biên giới giữa hai miền Bắc - Nam và cho phép quân Bắc Việt được đóng tại miền Nam. Đồng thời một phái đoàn Việt cộng và cờ Mặt trận được ngự trị tại Tân Sơn Nhất để thỉnh thoảng đại diện Việt cộng là Võ Đông Giang lại lên án VNCH vi phạm hiệp ước Paris hoặc họp báo quốc tế phỉ báng VNCH. Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến tê liệt, chỉ riêng phái đoàn Hungari lợi dụng danh nghĩa của Uỷ hội để tuyên truyền ủng hộ cho Việt cộng, còn Hoa kỳ thì chỉ có những phản ứng lấy lệ. Cũng kể từ tài khoá đó, tình hình chiến tranh trở nên khốc liệt hơn, tàn phá những nỗ lực kinh tế xã hội tại nông thôn và đẩy quân lực VNCH hoàn toàn về thế phòng ngự thụ động. Đồng bào nông thôn lần lượt bỏ ruộng vườn lũ lượt kéo nhau về thành phố để tránh chết chóc và tàn phá. Hàng triệu người được gọi là "nạn nhân của chiến lược" tại miền Trung sống lây lất trong chương trình trợ cấp "khai dân lập ấp" của chính phủ do Phó thủ tướng Phan Quang Đán điều khiển.
Tại các thành phố, tình trạng cũng không lấy gì làm sáng sủa hơn: vật giá leo thang, đồng bạc mất giá, nạn thất nghiệp gia tăng đẩy cả triệu người vào tình trạng túng quẫn bất an và biến các thị trấn thành những trung tâm xáo trộn trên mặt an ninh và băng hoại trên mặt xã hội. Miền Nam như một trái bom nằm trong đống lửa mà các sinh hoạt chính trị tại Sài gòn cũng như các cuộc tấn công của Việt cộng ven biên Quân khu thủ đô chỉ như những thùng dầu đổ thêm vào.
Trước tình trạng nguy ngập đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm gì?
Sau ngày đắc cử nhờ “độc diễn”, Thiệu đã tuyên bố "sẽ từ chức ngày nào Mỹ ngưng viện trợ cho VNCH", lời tuyên bố không những phản ảnh cái tư cách tay sai của một cá nhân mà còn là những dấu hiệu chuyển biến chính trị của hội nghị Midway trước đó về vấn đề triệt thoái quân Mỹ của Nixon. Thì đầu năm 1974, khi miền Nam đứng trên bờ vực thẳm và trước những cuộc đấu tranh chính trị của nhiều giới tại Sài gòn cũng như trước những tấn công hoà bình của Hà Nội Thiệu tuyên bố "tôi sẵn sàng ra đi nếu việc ra đi của tôi có thể đem lại hoà bình cho Việt nam".
Nói thế nhưng không những Thiệu vẫn tham quyền cố vị bám lấy cái chức vụ lãnh đạo miền Nam mà không có một chính sách chính trị hay một sách lược quân sự nào để cứu vãn tình thế hầu giữ miền Nam, Thiệu còn gạt bỏ những nguyện vọng, đề nghị, yêu cầu, mục tiêu đấu tranh của các đoàn thể nhân dân. Thiệu đã không ngừng có một sáng kiến nào ngoài giải pháp quân sự do Mỹ dạy từ 20 năm trước. Khối Công giáo hậu thuẫn và cố vấn cho Thiệu cũng không có một kế hoạch gì mới lạ mà chỉ ngồi xem Thiệu và Mỹ múa may trong một phong cảnh thời cuộc sa đoạ. Thiệu chỉ biết một con đường, một lối hành xử, là hướng về ngoại nhân. Mỹ cho ăn thì sống, Mỹ không cho ăn nữa thì ta van xin, Mỹ từ chối thì ta từ chức bỏ chạy.
Cho nên sau khi hoà đàm Paris, năm 1973, Thiệu đi Hoa kỳ để “van xin” Tồng thống Nixon. Nhưng Nixon còn làm gì được khi nhân dân và đất nước ông đang tan nát, phân hoá, và suy sụp vì cuộc chiến Đông Dương; khi mà Quốc hội, báo chí và khối áp lực Mỹ - Do Thái đang trói chặt quyền hạn của Hành pháp về vấn đề Việt nam; và quan trọng nhất, khi mà chính ông và Kissinge là hai người chủ trương quyết tâm rút khỏi miền Nam qua một con ngựa thành Troie là Hiệp ước Paris để hoàn thế chân vạc toàn cầu hoà hoãn với Trung cộng. Đó là chưa nói đến vụ Wategate ngày càng tạo nên một Nixon tê liệt như cái xác vô hồn. Do đó, tại Hoa kỳ, Thiệu chỉ nhận những lời cam kết hươu vượn và những lời tuyên bố gian xảo của một Tổng thống Hoa kỳ nổi tiếng thủ đoạn và bất lương mà thôi.
Sau Hoa kỳ, Thiệu đi Âu Châu và đặc biệt hướng về La mã, một trung tâm quyền lực chính trị thế giới mà cũng là "Đất Tổ Hùng Vương" của khối Công giáo Việt nam. Nhưng dĩ nhiên Giáo Hoàng Paul 6 đã không cho Thiệu hội kiến, dù là hội kiến để xưng tội đi nữa. Cái chức vụ Tổng thống và cái tư cách con chiên của Thiệu làm sao có thể thay đổi được một nguyên tắc bất di bất dịch của Giáo hội La mã là bất kỳ Giáo Hoàng nào, dù thiên tả hay cực hữu, dù thân cộng hay không thân cộng thì ông phải lo vấn đề sinh tồn của Giáo hội La mã toàn cầu với gần 800 triệu tín đồ trước đã. Nếu phải hy sinh sinh mạng của 15 triệu dân miền Nam Việt nam không Cộng sản để bảo đảm được sự an toàn và uy tín của Giáo hội La mã thì không ngại gì mà không hy sinh. Huống gì lập trường của Giáo Hoàng Paul 6 về vấn đề chiến tranh Việt nam là bênh vực Hà Nội, chỉ muốn chấm dứt chiến tranh dù miền Nam có sống hoà bình dưới chế độ Cộng sản. Điều chua xót và tủi nhục hơn nữa cho Thiệu là Giáo Hoàng Paul 6 không tiếp kiến Thiệu, một Tổng thống VNCH, một con chiên mộ đạo mà sau đó mấy tháng Giáo Hoàng lại tiếp Xuân Thuỷ, trưởng phái đoàn Cộng sản tại Hoà Hội Paris. Về lại Sài gòn, dù thất bại trong chuyến đi cầu viện nước ngoài, Thiệu vẫn không thay đổi đường lối chính trị, cứ sử dụng giải pháp quân sự và chỉ dựa vào đường lối giải kết chiến tranh Việt nam của Hoa kỳ đã vạch sẵn mà điều khiển quốc gia.
Đầu năm 1975, VNCH như ngọn đèn lung lay trước gió, mỗi nỗ lực đoàn kết để tổng hợp sức mạnh của toàn quân toàn dân hầu cứu nước đều bị chính quyền và tình thế làm tê liệt, các tôn giáo và đảng phái không còn cách gì hơn là mỗi tổ chức hoạt động theo lập trường chính trị và điều kiện khả năng riêng của mình.
Đêm 25 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm được CIA đưa lên phi cơ của Mỹ trốn đi Đài Loan. Ngày 28, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng của quân đội là Cao Văn Viên cũng bỏ quân đội lén lút trốn ra tàu chiến của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ. Tuyến phòng thủ quanh Thủ đô đã vỡ, Sài gòn nằm trong tác xạ của trọng pháo địch, một số phi cơ F5 và A37 của Không lực VNCH đã bay qua căn cứ U -Tapao của Mỹ tại Thái Lan, dân chúng Thủ đô bồng bế nhau chạy loạn về Rạch Giá, ra Vũng Tàu, xuống Cần Thơ để tìm phương lánh nạn.
Số phận của VNCH đã được định đoạt mà giờ phút hấp hối đang bắt đầu. Chỉ tội nghiệp cho tướng già Dương Văn Minh và hai nhà trí thức Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Văn Huyền vẫn còn ngây thơ chân thành để phải làm những nạn nhân cuối cùng của chế độ Cộng hoà.
Năm giờ chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, trong khi tại dinh Độc lập, Dương Văn Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống thì bên ngoài cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống Sài gòn trong lúc hai phi cơ Cộng sản (lấy được của không quân VNCH) bắn phá Thủ đô. Việc này làm tôi nhớ lại cũng tháng 4 năm 1945, khi chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt đồng bào tại Huế thì trên nền trời Cố đô cũng có hai phi cơ lạ bay lượn và thả xuống hai cái thùng rỗng trên sông Hương.
Đêm đó phi trường Tân Sơn Nhất bi trọng pháo bắn phá và sáng 29 Cộng quân tiến vào ngoại ô Sài gòn, để rồi khép chặt chặt gọng kìm quanh toàn bộ lãnh địa Sài gòn, Chợ Lớn, Gia định lúc mờ tối.
Quân đội tan rã, nhân dân chỉ muốn chấm dứt chiến tranh, các đảng phái tôn giáo quốc gia chia rẽ, nhiều phần tử chống Cộng đã bỏ nước ra đi tử trước theo chương trình di tản của Mỹ, đồng minh đã bất đắc dĩ phản bội, số quân Cộng sản tại miền Nam là 20 Sư đoàn và Sài gòn bị khoá chặt nên sau một ngày điều đình với Việt cộng, 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Trôi nổi theo đoàn người tỵ nạn, gia đình tôi rời Sài gòn chiều 29 tháng 4 và kẹt lại tại Cần Thơ đêm đó để nằm nghe pháo gầm thâu đêm. Ngày 30, mướn được Lambretta ba bánh chạy đến được Đồng Hoà và từ đó cùng một số đồng hương tị nạn thuê thuyền đánh cá xuôi Nam. Sau 6 ngày lênh đênh trên biển không lương thực, không hải đồ với một lần bị bao váy, hai lần đổi thuyền, chúng tôi đến cảng Sattahip của Thái Lan và ở trong trại tị nạn gần 5 tháng mới được chiếu khán về trại Pendleton của tiểu bang California Hoa kỳ.