Vào khoảng đầu xuân năm 1968, như đã nói trong một chương trước, tôi được chỉ định đi thanh tra các đơn vị Công binh trong khi chờ đợi một vụ thường trực hơn sau thời gian một năm ở Pháp. Tuy công tác có tính cách tạm thời và tuy không có một kiến thức nào về ngành chuyên môn này nhưng nhờ dịp đó và bằng những thẩm định thuần tuý an ninh quốc phòng xuyên qua ngành công binh, tôi đã được đi khắp miền Nam và nghiên cứu một cách khá chính xác về tình hình đất nước.
Tôi còn nhớ vào tháng 3 năm đó, tôi cầm đầu phái đoàn thanh tra xuống Sa Đéc định thăm trung tá Nguyễn Bảo Trị đang chỉ huy một sư đoàn tại đây nhưng Trị đi vắng. Thiếu tá Trần Thanh Chiêu, Tham mưu trưởng Sư đoàn, tiếp tôi. Chiêu còn trẻ tuổi, chưa bao giờ chỉ huy đơn vị tác chiến, nhưng nhờ gia đình Công giáo, có liên hệ nhiều với ông Ngô Đình Diệm nên được anh em ông Diệm hết sức thương yêu, tín nhiệm, nâng đỡ Chiêu ham đọc sách, thích lý luận về chính trị và quân sự đúng với phong cách tính tình của người dân vùng quê hương Nam Ngãi.
Chiêu cho tôi biết chỉ mới năm 1958, nghĩa là chưa đầy 4 năm sau hiệp định Genève mà Việt cộng đã thực hiện xong giai đoạn giáo dục quần chúng và tổ chức hạ tầng cơ sở cho nên tình hình nông thôn tuy bề ngoài có vẻ an bình nhưng bề sâu thật sự đã có những đợt sóng ngầm chuyển động. Theo Chiêu thì dân chúng vùng Hậu Giang, trừ những làng Hoà Hảo, đều đã theo Việt cộng hết nhưng chính quyền địa phương thì vẫn chủ quan và vẫn báo cáo láo với Tổng thống là tình hình an ninh tốt đẹp. Chiêu thành khẩn nói với tôi: "Em biết đại tá rất trung thành với Tổng thống, đại tá nên nói cho ông biết sự thật kẻo ông cụ bị các tỉnh trưởng lừa bịp hoài".
Tôi tin Chiêu không phóng đại tình hình bởi vì ngay giữa Sài gòn vào tháng 10 năm ngoái (1957), trong một ngày mà Việt cộng dám đặt hai quả mìn tại đường Trần Hưng Đạo, một tại chợ An Đông làm nổ tung một chiếc xe chở Mỹ và làm sập đổ một góc khách sạn có sĩ quan Mỹ trú ngụ. Vào tháng 11 năm 1957, trong cuộc hành quân ở Ô Môn (Cần Thơ), quân chính phủ đã bắt được 12 tên Việt cộng và tịch thu được nhiều võ khí khá hiện đại. Về Sài gòn tôi trình bày tình hình an ninh chung, kể lại những lời Trần Thanh Chiêu đã nói cho Tổng thống Diệm nghe nhưng tôi bị ông "tạt ngang một gáo nước lạnh lên đầu” như ông đã thường la rầy trung tá Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Nha chiến tranh tâm lý là hay bi quan: "Anh chớ nghe thằng Chiêu nói tầm bậy".
Thật vậy, trong lúc anh em ông Diệm tự hào tự mãn vì những lời ca ngợi của một số chính khách tướng lĩnh Mỹ, và lạc quan vì những buổi đón tiếp đông đảo của dân chúng mỗi lần ông đi kinh lý, thì tình hình an ninh của miền Nam đã thật sự đến hồi đáng lo ngại. Nhìn lại toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc chiến Việt nam, không ai có thể tưởng tượng được rằng sau Hiệp định Genève 1954, trong khi Cộng sản Bắc Việt bị kiệt quệ về mọi mặt và trong lúc miền Nam Việt nam được đệ nhất cường quốc Hoa kỳ yểm trợ tận tình và dồi dào mà chỉ 5 năm sau (1960) tình trạng an ninh ở miền Nam đã bị thui chột ở hạ tầng vì bị sức mạnh công phá của kẻ thù ở nông thôn cũng như ở các vùng biên đô thị. Ngày 26 tháng giêng năm 1960, một trung đoàn thuộc sư đoàn 21 đóng quân ở Trạng Sập, cạnh tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 12 cây số, bị Việt cộng tấn công gây thiệt hại nặng nề cả nhân mạng lẫn vũ khí.
Ngoài tác dụng quân sự dĩ nhiên của nó, thảm bại của sư đoàn 21 còn chứng tỏ thêm hai điểm rất rõ ràng trong chính sách cai trị của ông Diệm đó là chính sách sử dụng nhân sự qua việc lựa chọn và chỉ định trung tá Trần Thanh Chiêu, một tay chân "Cần lao công giáo" thân tín, giữ chức Tư lệnh Sư đoàn dù. Chiêu không có kinh nghiệm chiến trường (chỉ trong 5 năm Chiêu được thăng chức từ trung uý lên trung tá vào giai đoạn mà tình trạng đặc cách và tình hình chiến sự chưa đến nỗi sôi bỏng như vào những năm 1970 sau này), và dù quân đội lúc bấy giờ không thiếu sĩ quan cấp Tá đã từng lăn lộn trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Thứ hai là thảm bại này cũng chứng tỏ rất rõ cái hệ quả tất yếu của chính sách kỳ thị và đàn áp Cao Đài của chính phủ Diệm. Cao Đài là một tổ chức yêu nước chống Pháp từng là hậu thuẫn của Kỳ ngoại hầu Cường Để Giáo chủ Phạm Công Tắc từng bị thực dân lưu đày ở Comeres mấy năm trường.
Dưới chế độ của Quốc trưởng Bảo Đại, lực lượng võ trang Cao Đài chiến đấu sinh tử chống Việt minh và giữ vững an ninh cho những làng mạc (nhất là miền Đông Nam phần), nơi có tín đồ Cao Đài sinh sống. Nhưng kể từ ngày 5 tháng 10 năm 1955, khi anh em ông Diệm mua chuộc được tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương rồi một mặt cho tấn công vào Toà thánh Cao Đài Tây Ninh tước khí giới 300 hộ vệ quân của Phạm Công Tắc, một mặt cho báo chí và đài phát thanh Sài gòn đưa ra chiến dịch bôi lọ Giáo chủ Cao Đài nào là dâm ô, tham nhũng, việt gian, thì Giáo chủ Phạm Công Tắc tướng Lê Văn Tất và một số tín đồ trốn qua Cao Miên. Từ đó Cao Đài bỏ chủ trương chống Cộng quay qua chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Theo giáo sư Douglas Pike thì sau khi Phạm Công Tắc lưu vong qua Cao Miên, trong số 11 hệ phái theo Việt cộng chỉ còn một hệ phái ủng hộ Diệm mà mục đích chỉ là để bảo vệ lấy Thánh thất Cao Đài cho đến khi chế độ Diệm bị lật đổ, toàn thể lực lượng Cao Đài lại trở về hợp tác với những chính phủ sau Diệm.
Tuy nhiên dù có một hệ phái Cao Đài ủng hộ chế độ Diệm nhưng chỉ là sự ủng hộ bên ngoài mà thôi bởi vì họ đã không hợp tác với Sư đoàn 21, không thông báo những hoạt động của Việt cộng trong vùng họ sinh sống cho Sư đoàn, do đó Sư đoàn mới bị tấn công bất ngờ, bị thiệt hại hết sức nặng nề, mất toàn bộ vũ khí của cả một Trung đoàn. Chính trung tá Trần Thanh Chiêu, Tư lệnh Sư đoàn 21 đã công nhận thái độ thiếu thân thiện của Cao Đài khi tôi đến Tây Ninh đích thân điều tra vụ thất bại này.
Ngoài trận tấn công vào Sư đoàn 21 làm cho mọi giới Việt - Mỹ bàng hoàng, trong năm 1960, những hoạt động của Việt cộng cũng đã xảy ra rất nhiều nơi đã cho ta thấy lực lượng quân sự cũng như chính trị của Việt cộng quả thật đã trưởng thành và gia tăng mau chóng, Quân đội VNCH đã chạm trán với Việt cộng ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau). Ở Thái Lai (Phong Dinh), ở Bầu Răm (Long An), ở Phong Phú (Kiến Tường), ở Đức Huệ (Long An), ở Gia Rai (Ba Xuyên), ở Cai Lậy (Định Tường), ở Phước Tân và Bầu Sen (Tây Ninh), ở Cao Lãnh (Kiến Phong)... và rất nhiều nơi khác Việt cộng còn dám tấn công vào quận Đức Hoà gần thủ đô Sài gòn vào ngày 28 tháng 5 năm 1960. Có nhiều nơi Việt cộng đã hành quân với cấp tiểu đoàn như trận đánh ngày 22 tháng 6 năm 1960 ở Cóc Rinh (Đức Huệ, Long An), Biệt động quân đã phải kịch liệt chống cự với Tiểu đoàn 506 của Việt cộng. Ngày 21 tháng 10 năm 1960, các đồn Dakpek, Daksout, Dakso ở Kontum bị Việt cộng tấn công ồ ạt và bị tràn ngập, chính phủ phải gởi mấy tiểu đoàn Nhảy dù đến cứu viện. Thế mà ngày 28 tháng 10, nghĩa là 6 ngày sau, Việt cộng đã lại tấn công vào công trường làm đường Kontum - Quảng Ngãi, làm cho đại đội Công Binh, đại đội Bảo An bảo vệ công trường này và một số đồn Bảo An bảo vệ công trường lân cận bị đánh tan rã, xe cộ, dụng cụ công binh bị phá huỷ, và công trường bị bãi bỏ (tôi có nói công trường này vào mục trước). Việt cộng còn táo bạo hơn nữa khi chúng dám tấn công căn cứ quân sự Hiệp Đức ở Quảng Nam đóng trên một ngọn đồi vào ngày 29 tháng 8 năm 1960. Việt cộng đã đánh tan đội quân bố phòng, thu đoạt toàn bộ vũ khí, chiếm đóng căn cứ mấy tiếng đồng hồ và chờ quân tiếp viện đến để tấn công theo chiến thuật “công đồn đả viện”.
Rõ ràng mới năm 1960, nghĩa là sáu năm sau khi ông Diệm lên cầm quyền, bốn năm sau khi Việt cộng bắt đầu cuộc phát động cuộc đấu tranh võ trang mà bức tranh miền Nam đã ảm đạm và lực lượng du kích của Việt cộng đã dám công khai thách thức đối đầu với lực lượng chính quy của Việt nam cộng hoà.
Vấn đề đặt ra là tại sao quân đội VNCH và lực lượng võ trang Bảo An gồm phần đông những tướng tá binh sĩ có tinh thần chống Cộng rất cao, có kinh nghiệm chiến đấu suốt 6,7 năm trời dưới chế độ Quốc trưởng Bảo Đại (vốn được gọi là quân đội quốc gia), một quân đội đã trưởng thành trong khói lửa mà ngày nay dưới ngọn cờ độc lập hoàn toàn, thêm được sự hỗ trợ của một đồng minh mạnh nhất thế giới, lại không đè bẹp được lực lượng du kích của Việt cộng tại miền Nam dù sao cũng mới bắt đầu thử lửa.
Gác ngoài những sai lầm chưa trầm trọng về cách tổ chức và huấn luyện theo kiểu Mỹ vốn không phù hợp cho một cuộc chiến tranh nhân dân chiến tranh cách mạng vì những sai lầm đó chưa ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của quân đội VNCH lúc bấy giờ, nếu ta xét thuần về sức mạnh quân sự thì lực lượng chính phủ đã nắm rất nhiều ưu thế: ưu thế về huấn luyện về võ khí trang bị về yểm trợ của pháo binh và không quân, về hệ thống truyền tin và liên lạc, và nhất là về một hậu phương dồi dào nhân, vật lực... vậy mà vẫn không khai dụng được những ưu điểm đó đến nỗi mới năm 1960 mà đã bị lui vào thế phòng ngự bị động. Như vậy rõ ràng sự trì trệ và yếu kém của quân đội chỉ có thể giải thích bằng chính sách lãnh đạo sai lầm của gia đình ông Diệm, chỉ muốn tập trung quyền hành điều động trong quân lực vào một thiểu số, và khống chế quân lực bằng một hệ thống bổ nhiệm bất công làm cho quân nhân các cấp mất hẳn tinh thần chiến đấu và quân đội trở thành một kẻ khổng lồ không tim óc, quờ quạng trong chiếc bẫy sập tinh vi của kẻ thù, một kẻ thù vừa sở trường về du kích chiến vừa được thôn dân nhiệt tình ủng hộ.
Thật vậy, quân đội VNCH yếu kém trước hết vì tính chủ quan khinh địch của anh em ông Diệm, những người chịu trách nhiệm trước tiên về việc lãnh đạo chiến tranh, về việc chỉ đạo đường lối chiến lược. Vì chủ quan khinh địch nên anh em ông Diệm đã không nắm vững tình hình lại còn muốn che giấu sự thật, nguỵ trang thành những thành quả để say sưa với các lời tôn vinh.
Hãy nghe lời ca ngợi của những người bạn ngoại quốc của ông Diệm thì thấy rõ cái chủ quan vô lý của ông ta. Chẳng hạn như giáo sư Wesley Fishel người Mỹ đầu tiên có công tạo uy thế cho ông Diệm trên chính trường Hoa kỳ vào tháng 6 năm 1958 đã viết: "Miền Nam Việt nam được liệt vào hàng quốc gia hoà bình, vững chãi nhất Á Đông”, Cố vấn cải cách điền địa của ông Diệm, ông Wolf Ladejinsfy cũng viết: “Cuộc nổi dậy tại miền Nam Việt nam chỉ là hoạt động rời rạc của cán bộ Việt cộng ở những vùng xa xôi hẻo lánh mà hôi". Ngay cả một nhân vật khả kính quốc tế người Anh, giáo sư Honey, mà cũng tuyên bố rằng vào năm 1959, Tổng thống Diệm đã củng cố vững chắc địa vị của ông ta và vô hiệu hoá những lực lượng chống đối”. Hậu quả của tính chủ quan khinh địch là sự mù quáng, mà đã mù quáng thì không biết địch tình, không biết phương đối phó địch thủ như cố nhân đã dạy từ xưa mà vẫn luôn luôn dùng: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Ông Diệm và người Mỹ đã không biết đầy đủ “ta”, lại càng không biết gì hết về "người" thì thất bại là lẽ tất nhiên. Nhưng trên hết và quan trọng nhất là vấn đề lòng dân, yếu tố quyết định sự thắng bại thì dân đã lại càng ngày càng hướng về Việt cộng và người Mỹ lại cớ cho rằng nhân dân miền Nam vẫn ủng hộ ông Diệm và chế độ của ông ta.
Đối với quân đội thì quyết tâm hy sinh của binh sĩ là yếu tố căn bản cho một cuộc chiến đấu lâu dài thì người Mỹ lúc đầu lại cho rằng sức mạnh tinh thần không bằng sức mạnh của vũ khí. Còn ông Diệm thì lại không lãnh đạo quân đội theo tinh thần hy sinh cho Tổ quốc như truyền thống và binh thuyết dựng nước của lịch sử nước ta mà lại xây dựng quân đội theo chánh sách bảo vệ ngôi vị cho ông và phục vụ quyền lợi bất chính của gia đình và phe nhóm của ông ta.
Sau khi đánh tan các nhóm võ trang của các giáo phái, nhiều người cho rằng từ nay quân đội sẽ được thống nhất, nhưng bất hạnh thay, anh em ông Diệm lại xây dựng một thứ “quân đội giáo phái” mới: Giáo phái “Công giáo Cần lao”. Từ đó nội bộ hàng ngũ sĩ quan trong quân đội chia ra hai phe: một phe Cần lao và một phe không Cần lao gồm rất đông sĩ quan người của các đảng phái như Duy Dân, Đại Việt, Việt Quốc, Việt Cách và các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, hay người của Nguyễn Phước Tộc. Số sĩ quan đông đảo này coi chế độ Diệm là kẻ thù vì đảng phái của họ đã bị đàn áp hoặc tiêu diệt.
Quân đội có 9 sư đoàn bộ binh thì đã có đến 7 sư đoàn do sĩ quan Công giáo nắm chức Tư lệnh, mặc dù số sĩ quan không Công giáo vẫn chiếm đa số. Những sĩ quan Công giáo đó là Bùi Đình, Ngô Du, Nguyễn Văn Thiệu, Lâm Văn Phát, Bùi Đình Đạm, Lê Quang Trọng, Nguyễn Bảo Trị (đó là chưa kể đến Trần Thanh Chiêu và Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Thế Như cũng đều đã từng là Tư lệnh Sư đoàn).
Quân đội thiếu gì sĩ quan chuyên môn hoặc đã được đào tạo từ các ngành chuyên môn trong nước hoặc xuất thân từ các trường ngoại quốc về, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, thế mà anh em ông Diệm lại đặt Lê Văn Sâm giữ chức Giám đốc Nha Quân cụ. Quyết định này thật sự chỉ vì Sâm lấy em gái Bác sĩ Lê Khắc Quyến làm vợ mà Bác sĩ Quyến lại là thầy thuốc riêng của thân mẫu ông Diệm. Sâm nguyên chỉ là một thợ máy tàu đò chạy trên sông ngòi miền Lục Tỉnh. Sau đó lại được ông Nguyễn Ngọc Lễ, lúc đó đang chỉ huy Việt Binh Đoàn, đem về Huế cho điều khiển ba chiếc thuyền máy, cho đến khi ông Diệm về nước, Sâm gia nhập đảng Cần lao và phục vụ đắc lực cho quyền lợi của Ngô Đình Cẩn nên được Cẩn vận động với ông Diệm cho vào Sài gòn chỉ huy ngành quân cụ để làm kinh tài cho nhà Ngô.
Quốc gia thiếu gì nhân tài, thiếu gì những nhân vật xuất thân từ các đại học chuyên môn về môn kinh tế, tài chính, thương mại, luật pháp để giữ chức Tổng giám đốc Nha Hành Ngân Kế thuộc Bộ quốc phòng, một chức vụ vô cùng quan trọng có trách nhiệm quản trị điều hành một ngân sách lớn nhất của quốc gia để nuôi dưỡng tiếp liệu cho một quân đội đang trong thời kỳ chiến tranh. Thế mà anh em ông Diệm lại giao chức vụ khó khăn và quan trọng đó cho Nguyễn Đình Cẩn, nguyên chỉ là một thư ký toà sứ thời Pháp thuộc, trình độ văn hoá chỉ có bằng Thành Chung, nghĩa là bằng Trung học đệ nhất cấp. Sở đĩ Cẩn được giữ chức vụ đó vì Cẩn là người Công giáo Quảng trị, "bí thư đảng Cần lao tại Sài gòn", để làm kinh tài cho nhà Ngô.
Tôi chỉ đưa ra vài dẫn chứng cụ thể và nổi tiếng để cho thấy ông Diệm chủ trương “Cần lao hoá” quân đội song song với việc “Công giáo hoá” các cấp Công an, tỉnh trưởng mà tôi đã nói trong mục trước. Vì chủ trương "Cần lao hoá" của chế độ Diệm cho nên hầu hết các sĩ quan không còn tinh thần phục vụ nữa, không thấy binh nghiệp như một phương thế đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho đất nước nữa. Họ tự hỏi đánh giặc cho toàn dân hay cho một gia đình, hy sinh tính mạng cho một quốc gia hang cho một phe nhóm? Không những tinh thần quân đội bị suy nhược mà các lực lượng bán quân sự cũng mất đi cái khí thế chống Cộng và hiệu năng tác chiến để chống lại lực lượng võ trang của Cộng sản.
Thưởng phạt nghiêm minh là yếu tố bảo toàn tinh thần và kỷ luật của quân đội nhưng anh em ông Diệm lại đối xử với quân nhân như tôi tớ, dùng việc thăng thưởng để ban phát ân huệ cho những gia nô trung thành với mình và với đảng Cần lao công giáo. Nhìn về hình thức thì việc đề nghị thăng thưởng hàng năm có vẻ công bằng cẩn trọng lắm, nhưng kết quả mỗi kỳ thăng thưởng đã làm mất hết ý nghĩa của cấp bậc và làm nổi bật sự bất công, nổi sự khinh thường hệ thống quân giai. Mỗi lần danh sách thăng thưởng được công bố là mỗi lần tăng thêm sự bất mãn và chống đối của sĩ quan và hạ sĩ quan.
Mỗi năm Nha Nhân viên Bộ quốc phòng thành lập một Hội đồng Thăng thưởng do một vị tướng làm chủ tịch và bốn sĩ quan cấp tá làm hội viên chỉ để lo việc thăng thưởng cho cấp đại tá trở xuống (còn cấp tướng thì do chính Tổng thống Diệm và ông Nhu quyết định lấy). Bốn sĩ quan cấp tá gồm có một là Giám đốc Nha Nhân viên có nhiệm vụ trình bày hồ sơ cá nhân của mỗi sĩ quan có đủ tiêu chuẩn để được đề nghị thăng thưởng: từ trình độ văn hoá, xuất thân từ trường Võ Bị nào, đã tu nghiệp những lớp huấn luyện nào, thâm niên quân vụ, thâm niên cấp bậc, khả năng chỉ huy, chiến công, huy chương, bằng tưởng lục, số ngày bị phạt, lời phê điểm của cấp chỉ huy trực tiếp; hai là Giám đốc Nha An ninh quân đội có nhiệm vụ trình bày về lý lịch an ninh, tư tưởng chính trị và tinh thần phục vụ của mỗi trường hợp; ba là Tư lệnh quân binh chủng hay đơn vị trưởng trực tiếp chỉ huy của đương sự, hội viên này có nhiệm vụ soi sáng Hội đồng vì ông ta cho biết rõ thuộc cấp của mình, sự hiện diện của hội viên này cũng như của hội viên thứ tư, một sĩ quan độc lập còn là để chặn đứng sự thiếu vô tư, nếu có, của vị Giám đốc Nha Nhân viên và của Nha An ninh quân đội. Sau mỗi trường hợp được trình bày, cân nhắc, thẩm định. Hội đồng bỏ phiếu kín để lấy kết quả. Danh sách lập xong được kèm theo biên bản của Hội đồng để đệ trình lên Tổng thống (sao cho Bộ quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu).
Hình thức đề nghị thăng thưởng tương đối hợp lý và vô tư nhưng nghị định thăng thưởng được ban ra có chữ ký của Tổng thống thì thường thường lại không ăn khớp với bản đề nghị của Hội đồng, bị thêm bớt rất nhiều. Lý do là vì ngoài bản đề nghị thăng thưởng chính thức của Bộ quốc phòng còn có những danh sách của Giám mục Ngô Đình Thục, của ông Nhu, ông Cẩn; còn có một số thư từ gởi gấm của rất nhiều linh mục khắp nơi. Vì thế người ta mới thấy hàng năm tuỳ phái viên của ông Nhu, người nuôi heo cho ông Cậu, người gác nhà cho Đức Cha... đều thăng cấp vù vù, đều lên lon trung uý, đại uý dù họ chưa có một thành tích binh nghiệp, chưa đổ một giọt mồ hôi nào trên thao trường cũng như một giọt máu nào ở chiến trường. Như nhiều người đã hiểu rõ, dưới chế độ Diệm, số sĩ quan và quân nhân được biệt phái phục vụ cho anh em ông Diệm, cho những tổ chức chính trị kinh doanh riêng tư rất nhiều, cho nên ân huệ phải được trang trải ra nhiều người, mà số sĩ quan được thăng cấp hàng năm thì lại có hạn theo bảng cấp đã qui định. Do đó số sĩ quan đủ tiêu chuẩn ở các đơn vị đáng được thăng cấp đã bị giảm thiểu xuống để nhường chỗ cho các sĩ quan gia nô. Cứ lấy việc ông Nhu phải tri ân cho các sĩ quan thuộc hệ thống buôn lậu thuốc phiện của ông ta, việc ông Cẩn lấy binh sĩ xây lăng cho ông ta cũng đã đủ thấy sự thăng thưởng bất công rồi.
Vì chế độ thăng thưởng như thế cho nên đại tá Linh Quang Viên, khi ông Diệm mời về nước thì đã là đại tá rồi, đã từng giữ chức Tư lệnh một quân khu rồi mà sau mười năm đại tá vẫn cứ là đại tá, trong lúc thiếu tá Trần Ngọc Tám, tay chân thân tín của Ngô Đình Thục và nguyên Tỉnh trưởng Vĩnh Long, thì từ năm 1958, đã được thăng ba cấp lên đến Thiếu tướng. Còn như Vĩnh Lộc, Huỳnh Văn Tôn và hàng trăm sĩ quan khác, khi ông Diệm mới về nước đã mang cấp thiếu tá mà sau gần mười năm quân vụ chỉ lên được một cấp mà thôi, lại không cho giữ chức vụ chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ngay như tại Nha An ninh quân đội do chính tôi trách nhiệm, năm 1958 khi tôi về chỉ huy thì thiếu tá Trần Văn Kính đã khá thâm niên mà đến đầu năm 1963 mới được thăng trung tá. Đại uý Thăng mà trong ngành tình báo phản gián, giữ chức chánh sở một quân khu, có công khám phá và tiêu huỷ rất nhiều cơ sở binh vận của Việt cộng, là một đại uý thâm niên từ thời quân đội quốc gia, thế mà mười năm trời dưới chế độ Diệm đại uý Thăng chỉ được thăng lên có một cấp. Trong lúc đó thì sĩ quan Cần lao khắp nơi thăng quan tiến chức lên như diều, mà điển hình là Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Văn Châu và Lê Quang Tung. Khi ông Diệm mới về nước vào tháng 7 năm 1954, Tung mới ra trường khoá 14 Trù Bị, thế mà đầu năm 1963 đã lên đến đại tá: tám năm lên sáu cấp, mặc dù Tung chưa bao giờ tham gia trận mạc mà luôn luôn ở Huế và Sài gòn.
Vì anh em ông Diệm đã xem việc thưởng phạt sĩ quan như đặc quyền cá nhân nhằm ban phát ân huệ cho gia nô nên binh thống, danh dự và quân kỷ của quân đội không còn nữa, mà chỉ tạo ra tình trạng bất công và ganh ghét trong quân đội, cho nên ngay tướng Dương Văn Minh kể từ năm 1960 đã tỏ ra bất mãn. Tôi còn nhớ năm 1960 hay 1961, khi làm Chủ tịch Hội đồng Thăng thưởng, ông đã không sợ tai vách mạch rừng khi tuyên bố thẳng lúc mới bắt tay vào việc: "Cấp trên chỉ định tôi làm Chủ tịch thì tôi phải làm, nhưng tôi biết rõ Hội đồng này chỉ là một trò hề. Dù sao tôi cũng yêu cầu anh em trong Hội đồng phải làm theo lương tâm, phải hết sức vô tư vì việc làm của chúng ta, chữ ký của chúng ta vẫn mãi mãi nằm trong hồ sơ lưu chiểu của quân đội”.
Phê phán về quân đội VNCH, giáo sư sử học Buttiger, người đã từng yểm trợ tối đa cho ông Diệm, cũng đành phải viết: "Không cần phải là một chuyên viên quân sự cũng thấy được rằng Quân đội VNCH đã được huấn luyện sai binh pháp cửa cuộc chiến tranh đương thời. Được tổ chức theo phương pháp Mỹ, Quân đội VNCH không đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật cho một cuộc chiến tranh nổi dậy. Sau năm 1960, một số cấp lãnh đạo (Mỹ) mới hiểu rằng chiến tranh du kích phải được đối phó theo phương thức riêng của nó, rồi đột nhiên nhiều người bàn đến sự cần thiết phải tổ chức những đơn vị phản du kích. Nhưng người ta chẳng làm được gì nhiều trước cung cách lãnh đạo chiến tranh thiếu khả năng và vô giá trị ".
Đêm Giao thừa tết Canh Tý trời đất bỗng nổi cơn u ám, một trận mưa lớn đổ xuống Sài gòn và kéo dài cho đến gần suốt sáng mồng Một. Đó là một hiện tượng thiên nhiên lạ lùng mà theo các bô lão thì đã mấy chục năm qua không bao giờ có. Thế rồi trong khi anh em ông Diệm hân hoan đón nhận những lời chúc tụng của văn võ đình thần trong dinh Độc lập thì nơi những xóm nhà lá nghèo nàn, dân chúng bàn tán đến cái điều Trời. Họ bảo năm nay “Trời khóc vào ngày mồng Một Tết" là điềm không lành sẽ đến với miền Nam. Tin hay không là một chuyện nhưng đối với người dân Việt nam thì những "giọt lệ" của Trời rơi xuống đúng vào ngày Nguyên Đán hình như là điềm chằng lành báo hiệu những biến cố trọng đại sẽ xảy đến sau này làm bật gốc nền móng chế độ của ông Diệm trong năm Canh Tý (1960), năm tuổi của vị nguyên thủ quốc gia. Biến cố chính trị đầu tiên là bản tuyên ngôn của nhóm Caravelle ngày 26 tháng 4 năm 1960, biến cố thứ hai là cuộc đảo chính của Nhảy dù ngày 11-11-1960, biến cố thứ ba là sự ra đời của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam Việt nam ngày 20 tháng Chạp năm 1960. Nhưng mở đầu tất cả chuỗi biến cố đó là cuộc tấn công của Việt cộng vào sư đoàn 21, ngày 26 tháng 1 năm 1960..
Phía các lãnh tụ dân sự, vì thực lực đã bị tan rã, cán bộ đảng viên của họ đã bị ông Diệm vô hiệu hoá hết nên chỉ còn khả năng phản ứng tiêu cực là gióng lên tiếng chuông cảnh cáo và báo động. Họ hội họp tại khách sạn Caravelle ngày 26 tháng 4 năm 1960 ra tuyên ngôn cảnh cáo ông Diệm và đòi ông Diệm phải thực hiện tự do dân chủ, chấm dứt chế độ gia đình trị. Tuy những đòi hỏi của họ có vẻ khiêm tốn nhưng lời lẽ bản tuyên ngôn không thiếu phần dũng mãnh. Bản tuyên ngôn bắt đầu bằng những lời chỉ trích ông Diệm đã không đem lại cho dân chúng một cuộc sống tốt đẹp, tự do. Họ mỉa mai bản Hiến pháp chỉ là một tờ giấy lộn. Quốc hội chỉ là công cụ của chính phủ, bầu cử chỉ là trò bịp bợm, và tất cả là một sự bất nhược khuôn rập theo nền độc tài. Tất cả gồm 18 nhân vật tên tuổi tiêu biểu cho mọi khuynh hướng chính trị miền Nam như các ông Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Lương Trọng Tường và linh mục Hồ Văn Vui. Điều có ý nghĩa quan trọng là trong số 18 nhân vật kể trên đã có đến 10 người là cựu ân nhân, đồng chí, bạn thân và những Bộ trưởng đã từng hợp tác với ông Diệm thời ông chưa có quyền hành hay thời ông đang còn gặp những khó khăn với tướng Hinh và Bình Xuyên. Vì họ nhóm họp tại khách sạn Caravelle để thảo luận và tuyên ngôn cho báo chí quốc tế nên bị ông Nhu mỉa mai là "Nhóm Caravelle". Sở dĩ họ nhóm họp tại Caravelle là để an ninh họ được bảo đảm khỏi bị Công an mật vụ khủng bố trước khi bản tuyên ngôn được thành hình và phổ biến rộng rãi.
Tất nhiên, với chế độ như chế độ của ông Diệm, lời vàng ngọc của Thánh nhân cũng không làm sao cho đầu óc ngoan cố của anh em nhà họ Ngô xúc động thì bản tuyên ngôn của một số chính khách thất thế (mà Ngô Đình Nhu chê bai là chính khách xa lông) làm sao có thể lay chuyển nổi những con người hẹp hòi độc đoán đó. Cho nên từ sau khi bản tuyên ngôn ra đời, những thành viên can đảm của nhóm Caravelle dân lượt bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn.
Cố nhân dạy rằng Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách cho nên dù những nhân vật trong nhóm Caravelle không làm được gì thì việc đưa ra bản tuyên ngôn để phản đối một chế độ độc tài cũng đã là một hành động của kẻ sĩ hữu trách đối với quê hương dân tộc rồi.
Vì báo chí dưới chế độ Diệm hoặc bị mua chuộc hoặc bị kìm kẹp gắt gao nên bản tuyên ngôn của nhóm không được phổ biến cho dân chúng biết, nhưng tất cả những toà đại sứ ngoại quốc tại Sài gòn cũng như ký giả quốc tế đều nhận được bản tuyên ngôn đó và bắt đầu được bí mật phổ biến trong quần chúng Việt nam. Dù ai ngoan cố muốn bênh vực chế độ Diệm thì thực tế đã cho thấy bản tuyên ngôn Caravelle như những lời tiên tri báo trước sự sụp đổ của ông Diệm.
Và mặc dù anh em ông Diệm bắt bớ giam cầm nhóm Caravelle, vu khống cho họ là xuyên tạc chế độ nhưng ba cuộc binh biến liên tiếp xảy ra từ cuối năm 1960 đến cuối năm 1963 đã cho thấy nhóm Caravelle và nhân dân xác nhận trước lịch sử sự bất mãn toàn diện của Quân dân miền Nam đối với chế độ Diệm rồi.
Về phần tôi với tư cách chỉ huy một cơ quan có nhiệm vụ theo dõi và bảo vệ tinh thần Quân đội thì tình hình chế độ Diệm năm 1960 đã làm cho tôi vô cùng lo âu.
Ngoài nông thôn thì tình hình an ninh ung thối, trong quân đội thì tràn ngập bầu không khí chia rẽ hận thù với số đào ngũ mỗi ngày một tăng, số cán bộ binh vận của Việt cộng mỗi ngày một lộng hành táo bạo hơn. Trong lúc đó thì anh em Diệm mỗi ngày một tham nhũng, cán bộ Cần lao càng hành động thất nhân tâm hơn, còn ông Diệm thì vẫn tiếp tục binh vực anh em bà con, vẫn cứ nghe lời một số linh mục thối nát, ngu xuẩn và hẹp hòi. Năm 1960 quả thật đất nước đang trên đà suy vong, chế độ đang trên đà sụp đồ. Cho nên sau khi bản tuyên ngôn của Nhóm Caravelle ra đời, tôi cảm thấy như được thúc đẩy phải có một hành động quyết liệt để đánh thức cơn mê muội của ông Ngô Đình Diệm. Vị Tổng thống mà tôi vẫn kính mến, trung thành.
Tôi nhớ lại hai năm về trước, năm 1958, trong một chuyến ông Ngô Đình Luyện từ Pháp về thăm nhà, ông đã mời một số anh em mà ông cho là tâm huyết trung thành nhất với ông Diệm như Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, các ông Uông Hải Thọ, Võ Văn Hải, Bùi Kiện Tín vân vân... và tôi vào Chợ Lớn ăn cơm trong một căn phòng kín đáo để ông tâm sự. Tôi còn nhớ mãi lời nói tha thiết, chân tình tuy thô lỗ của ông: "Nếu quả anh em có lòng thương yêu ông Cụ thì tôi thành khẩn yêu cầu anh em hãy nằm xuống "liếm chân" ông Cụ như thằng Cao. Thằng Cao nó "liếm chân" là để nó kiếm danh lợi còn anh em "liếm chân" ông Cụ là để nói thật tình hình đen tối của chế độ cho ông nghe may chi ông mở mắt ra”. Nhớ lại lời nói thô lỗ nhưng chân thành của ông Luyện, tôi bèn quyết định mời một số anh em tâm huyết cùng chí hướng như Linh mục Nguyễn Văn Thính, các ông Nguyễn Ngọc Lễ, Tôn Thất Trạch, Bùi Kiện Tín, Võ Văn Hải, Nguyễn Vinh, Uông Hải Thọ... cả thảy 10 người đến ăn cơm và họp tại nhà tôi ở đường Tân Hưng, Chợ Lớn. Tôi trình bày một cách chi tiết và đầy đủ tình hình bi thảm của đất nước, tình hình xuống dốc của chế độ, và kêu gọi lòng trung nghĩa của những cán bộ đối với lãnh tụ, đề nghị với Cha Thính và các anh em làm một bản điều trần ghi những sai lầm khuyết điểm của chế độ, mọi người sẽ ký tên rồi cùng vào dinh Độc lập đích thân đệ bản điều trần đến tận tay ông Diệm. Bản điều trần cũng sẽ ghi rằng nếu sau một thời gian nhất định nào đó mà ông Tổng thống không chịu sửa sai thì anh em sẽ bắt chước thái độ của ông ta ngày xưa là "cởi áo từ quan" và khước từ, xa lánh không coi ông là lãnh tụ nữa. Mọi người đều hoan nghênh ý kiến của tôi và hẹn trong lần gặp lại sắp tới, mọi người mang theo một dự thảo ghi lại những đề nghị của mình để tổng hợp làm bản điều trần chính thức.
Nhưng độ hai tuần sau Cha Thính đến tận nhà cho tôi biết rằng công việc đã bại lộ, ông Nhu đã biết hết và Cha Thính đã bị ông Nhu gọi vào văn phòng để cảnh cáo Theo Cha Thính thì ông Nhu tỏ ra rất thù ghét tôi, người mà ông cho là hay sinh sự, người mà ông muốn trừng phạt nặng nề nhưng chưa thi hành được độc kế chỉ vì tôi được ông Diệm hết lòng bênh vực. Sau đó tôi mở một cuộc điều tra riêng thì tìm ra rằng sở dĩ dự định làm bản điều trần bị bại lộ vì một số anh em quá hăng say đem bàn chuyện bản điều trần với một số bạn bè trong mục đích lấy thêm chữ ký. Do đó chuyện đến tai ông Ngô Đình Nhu.
Thế rồi một chủ nhật nọ, vào khoảng mười giờ sáng, sau giờ làm lễ của gia đình ông Diệm, tôi được sĩ quan tuỳ viên mời vào dinh để gặp Tổng thống. Vào đến nơi, tôi thấy hai anh em ông Diệm, Nhu đang ngồi nói chuyện trong phòng riêng.
Thấy tôi, ông Diệm ngẩng đầu lên hỏi liền: "Nghe nói anh sinh vì tướng, tử vì thần phải không?". Tôi tự nghĩ xưa nay ông Diệm với tôi nhiều đêm rảnh rang thầy trò thường đàm đạo chuyện đời không đề cập đến chuyện lý-số mà ông rất thích thú và tin tưởng. Nho học ông cao thâm hơn tôi nhiều, ông đã đọc Kinh Dịch cho nên mỗi lần hai thầy trò bàn đến Đông y, phong thổ, dịch lý và rất tương đắc. Những lúc đó, ông thường gọi già ấn, người đầy tớ trung thành, đem rượu lễ hay cà phê để hai thầy trò cùng uống và bàn bạc chuyện thế sự nhân tình. Khi tướng Hồ Văn Tố chết, ông giải thích rất nhiều về bệnh Thượng mã phong như có ý tỏ cho tôi biết rằng ông cũng thành thạo chuyện phòng the, nhưng rồi ông kết luận dù sao thì chuyện chết sống cũng đều do số mệnh. Thế mà hôm nay ông lại có ý mỉa mai tôi về chuyện tử vi. Tuy nhiên thấy ông vừa nói vừa mỉm cười, tôi đoán thầm rằng ông không có ý trách móc mà thật ra chỉ vì ông Nhu xúi giục. Tôi bèn tương kế tựu kế cho Ngô Đình Nhu một bài học về lý số cho vui nên trả lời với ông Diệm rằng: "Thưa Cụ, có lẽ vì anh em (tôi muốn nói đến nhóm Cần lao) nghe mấy thầy tử vi nói số của tôi là số "sinh vi tướng tử vi thần" rồi họ về báo cáo cho Cụ và ông Cố vấn biết chứ tôi đâu dám nghĩ tới chuyện “Tướng với thần”. Tôi liếc nhìn Ngô Đình Nhu và nói thêm: "Thưa cụ, tướng với thần là phải như Tiết Nhơn Quý đời Đường. Mặc dù xuất thân là kẻ hầu bàn hạ lưu nhưng Tiết Nhơn Quý gặp được và hết lòng khuông phò minh quân chân chúa, sống ông làm Nguyên soái, chết ông trở thành vị Thần thiêng liêng. Còn tôi xuất thân chỉ là một anh đội khố xanh theo Cụ làm cách mạng chống Tây, rồi đánh nhau với Cộng sản mười mấy năm trời, nay làm đến đại tá tôi tự cho là lớn lắm rồi, còn đâu dám nghĩ đến chuyện Thần với Tướng”. Ông Nhu bấy giờ mới bảo tôi: “Nhưng anh không nên đi đến nhà thầy bói để bị mê hoặc".
***
Ba giờ sáng ngày 11-11-1960, tôi đang ở nhà riêng tại Chợ Lớn thì chuông điện thoại reo vang. Đầu kia điện thoại đại uý Bằng, người sĩ quan cận vệ trung tín nhất của Tổng thống Diệm, hốt hoảng nói: “Cụ hỏi đại tá đơn vị nào đảo chính?”. Tôi trả lời: “Tôi chưa rõ, để tôi điều tra rồi sẽ trình Cụ sau".
Khi biết được lực lượng Nhảy dù tạo cuộc binh biến, tôi bèn gọi vào dinh thì đầu kia dây chính Tổng thống Diệm cầm ống nghe. Tôi nói: “Thưa Cụ, tôi chưa biết đầy đủ chi tiết nhưng biết chắc Nhảy dù là lực lượng chủ lực của cuộc đảo chính. Dù sao xin Cụ cứ ra lệnh cho đội phòng vệ phủ Tổng thống liều chết giữ vững dinh Độc lập rồi tôi sẽ có kế hoạch cứu viện”. Ông Diệm hỏi: “Anh có kế hoạch gì?" Tôi trả lời: "Xin Cụ cho gọi ngay lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung về, phần tôi sẽ gọi người em là đại uý Đỗ Như Luận đem tiểu đoàn 1 truyền tin cùng về tăng cường cho quân phòng thủ dinh Độc lập. Tôi cũng sẽ gọi Trung đoàn Thiết giáp ở Gò Vấp về tăng viện thì quân đảo chính khó mà xâm nhập được vào dinh. Giai đoạn hai thì xin Cụ cho gọi Huỳnh Văn Cao và Sư đoàn 13 ở Biên Hoà về để giải vây Đô thành, còn tôi sẽ gọi Tiểu đoàn I thuỷ quân lục chiến do cháu tôi là Nguyễn Bá Liên đang chỉ huy cuộc hành quân ở Kiến Hoà về phụ lực thêm". Tôi còn nói thêm: "Thưa Cụ, "cứu binh như cứu hoả", tạm thời như vậy đã rồi sẽ tính sau". Ông Diệm im lặng một phút rồi giục tôi: "Được rồi anh vào đây ngay“.
Độ hơn 6 giờ sáng thì em tôi Đỗ Như Luận và cháu rể tôi là đại uý Chu Văn Trung kéo Tiểu đoàn I truyền tin và một phần của Lực lượng đặc biệt về bố trí suốt dọc phía trái dinh Độc lập song song với đường Hồng Thập Tự (Sở dĩ Luận có thêm Lực lượng đặc biệt là vì Tiểu đoàn I truyền tin và lực lượng đặc biệt cùng ở chung một vị trí sau lưng Bộ Tổng tham mưu chỉ cách nhau một hàng rào kẽm gai; Luận rất thân với Tung và Tung thì vắng mặt).
Còn Trung đoàn thiết giáp ở Gò Vấp do thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi chỉ huy, khi nghe lệnh tôi liền tức tốc đưa đơn vị lên đường. Khốn nỗi Bôi bị trung tá Vương Văn Đông, lãnh tụ cuộc đảo chính, cùng với tướng Lê Văn Tỵ đích thân đến căn cứ của Trung đoàn khuyến dụ Bôi theo phe đảo chính, hai bên giằng co, cãi vã và làm cho Bôi mất rất nhiều thì giờ. Đã thế khi đoàn xe của Bôi đi ngang qua nhà Trung tướng Thái Quang Hoàng trên đường Ngô Đình Khôi còn bị đơn vị Nhảy dù đóng ở đây (để bắt tướng Hoàng) cản trở, làm cho Trung đoàn thiết giáp mãi tới 9 giờ sáng mới vào tới khuôn viên dinh Độc lập. Dù sao thì binh sĩ phòng vệ phủ Tổng thống cũng chặn đứng được đợt tấn công đầu tiên của một tiểu đoàn Nhảy dù rồi, và giờ phút này có thêm lực lượng hùng hậu của Thiết giáp, ông Diệm đã thấy vững tâm hơn rất nhiều.
Tôi phải nói rõ ở đây rằng về phương diện quân sự, việc bảo vệ Thủ đô do Trung tướng Thái Quang Hoàng (hiện ở Mỹ) Tư lệnh biệt khu Thủ đô phụ trách. Dưới quyền điều động của ông chỉ có một trung đoàn Bộ binh là Trung đoàn 135. Nhưng Trung đoàn này còn phải lo canh gác nhiều nơi và ông cũng không có một lực lượng trù bị nào cả. Thuỷ quân lục chiến và Nhảy dù, những lực lượng mà Trung tướng Hoàng có thể điều động được khi Thủ đô có biến thì Thuỷ quân lục chiến đã bận hành quân xa, còn Nhảy dù thì lại đang là lực lượng "phản loạn"!
Trên kia đã nói về tinh thần quân đội thì quân nhân hầu hết đều bất mãn với chế độ Diệm và sẵn sàng phát dộng hoặc tham dự đảo chính bất cứ lúc nào, cho nên ngay từ đầu năm 1960, tôi đã xin với Tổng thống Diệm phải đặt Nguyễn Xuân Vinh và Đỗ Khắc Mai (hiện đang ở hải ngoại) chỉ huy không quân và Thẩm Nghĩa Bôi chỉ huy Trung đoàn thiết giáp để nắm giữ lấy lực lượng “can thiệp” (force de frappe) đề phòng khi có đảo chính hoặc biến loạn do Việt cộng gây ra. Nguyễn Xuân Vinh, Đỗ Khắc Mai và Thẩm Nghĩa Bôi là những cộng sự viên, những đồng chí thân thiết của tôi từ thời còn ở Nha Trang. Nhưng sáng ngày 11-11-1960, Bôi thì đã điều động được Trung đoàn về cứu viện, còn Vinh, Tư lệnh không quân, thì bị nhóm lãnh đạo đảo chính bắt về bộ chỉ huy của họ và bị Nguyễn Cao Kỳ đang có mặt tại đó dụ dỗ theo phe đảo chính. Sáng ngày 12 tháng 11 năm 1960 Vinh mới trốn được xuống căn cứ không quân Biên Hoà để điều động phi cơ phóng pháo yểm trợ cho những đơn vị Bộ binh giải cứu Sài gòn.
Có lẽ nhờ tình hình đã tạm thời lắng dịu và biết rõ được chính tôi đã đưa ra kế hoạch chống đảo chính nên Ngô Đình Nhu gọi điện thoại cho tôi hỏi thêm tin tức rồi bảo tôi vào dinh ngay. Tôi nghĩ thầm đã gần 5 năm rồi nay Nhu mới có những lời lẽ êm dịu với mình. Phải chăng trước cơn nguy biến con người mới thấy được là mình yếu đuối không phải là thánh thần gì, như cọp dữ có mắc lưới mới thấy được tư cách ân nhân của con chuột đang cắn đứt mạng lưới cho mình. Tôi trả lời ông Nhu để tôi cho gọi cháu tôi là Nguyễn Bá Liên và liên lạc với Lê Văn Nghiêm chỉ huy trưởng trường Võ bị Thủ Đức rồi sẽ vào dinh ngay.
Sau khi liên lạc và dặn dò kỹ kế hoạch với mọi nơi, tôi bèn lên xe vào dinh. Nhưng trẽn đường vào dinh, vì muốn quan sát tình hình Nha Công an, tôi bị lọt vào một nút chặn của Nhảy dù ở đường Thành Thái, gần trường Pétrus Ký, và bị bắt giam tại điểm gác trước cống tư dinh tướng Nguyễn Văn Là, Tổng giám đốc Công an cảnh sát. Tôi bị giữ từ 9 giờ sáng ngày 11 cho đến trưa hôm sau mới được toán quân nhân cảm tử của Nha An ninh quân đội dựa theo đà tiến quân của Bộ binh đến giải thoát.
Độ 3 giờ chiều ngày 12-11-1960, tôi vào dinh Độc lập để trấn an Tổng thống Diệm. Tôi thấy chung quanh ông có ông Nhu, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, tướng Dương Văn Minh, và một số Bộ trưởng như Trần Lê Quang, Nguyễn Đình Thuần, Huỳnh Hữu Nghĩa, Ngô Trọng Hiếu... ngoài ra còn có bác sĩ Trần Văn Thơ bận áo Treillis ngồi ở góc phòng. Khói thuốc lá và những tiếng nói cười ồn ào tràn ngập cả phòng có máy điều hoà không khí. Tổng thống Diệm và Nhu mặt mày hớn hở, thái độ cởi mở. Tổng thống Diệm bảo tôi kể lại chuyện bị Nhảy dù bắt cho ông nghe rồi ông Nhu giới thiệu cho tôi bác sĩ Thơ, khoe rằng bác sĩ Thơ không nề nguy hiểm đã làm liên lạc viên giữa dinh Độc lập với đại tá Trần Thiện Khiêm ở Phú Lâm, (Công lao bác sĩ Thơ như thế mà chỉ ba ngày sau, 14-11-60 ông được cử giữ chức Tổng giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền). Trong lúc những nhà lãnh đạo quốc gia vui cười trước cơn đắc thắng thì nhóm lãnh tụ đảo chính đã lên phi cơ Dakota do đại uý Phan Phụng Tiên lái, trực chỉ Phnom Penh xin tị nạn chính trị, bắt theo cả tướng Thái Quang Hoàng làm con tin.
Thăm Tổng thống Diệm xong, tôi xuống tầng dưới thì thấy tướng Nguyễn Khánh đang lo việc điều động bố trí các đơn vị để bảo vệ Thủ Đô đề phòng Việt cộng thừa "nước đục buông câu” đột kích Sài gòn.
Cũng vào tối ngày 12-11-1960 đó, Quốc hội họp phiên họp bất thường để “thảo kế hoạch an ninh dâng lên Tổng thống" và sáng hôm sau một Uỷ ban Nhân dân Chống Đảo chính ra đời tập họp một số công chức và Dân biểu kéo đến Dinh Độc lập hoan hô chào mừng Tổng thống Diệm đã nhờ "Thượng đế ban phước lành mà nạn khỏi tai qua". Điều quái đản là mặc dù ông Nhu ra lệnh cho ông Lê Văn Thái, phụ tá của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, (hiện ở San Diego) mời tôi tham dự vào Uỷ ban chống đảo chính đã bị tôi quyết liệt từ chối, thế mà vẫn có tên trong danh sách của Uỷ ban.
Cuộc đảo chính của Nhảy dù, theo lời tuyên bố của đại tá Nguyễn Chánh Thi, là để quật ngã một chế độ thối nát của gia đình họ Ngô mà từ lâu quân đội vẫn xem là thù nghịch mà không dám hở môi. Cuộc đảo chính cũng là một cơ hội tốt đẹp mà quân đội vẫn mong chờ để trút nỗi căm hờn của mình trả thù cho các chiến hữu đã hy sinh và rửa nhục cho quốc dân. Cuộc đảo chính cũng để đánh một dấu chấm hết cho trang sử ô nhục của nhà Ngô. Cũng theo đại tá Thi tuyên bố thì "mụ Nhu là người phản dân hại nước, có hành động bạo ngược ê chề lắm rồi". Còn trung tá Vương Văn Đông đã đòi hỏi Tổng thống Diệm phải "tuyên bố đầu hàng, giải tán chính phủ và thành lập một chính phủ quân nhân". Vương Văn Đông còn nhấn mạnh thêm "không thể để một bọn đĩ điếm ở trong dinh Độc lập được”.
Trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960, ngoài quân đội là chủ lực do những sĩ quan trẻ xuất sắc như Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng, Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu, Nguyễn Huy Lợi... còn có những tổ chức dân sự như Liên Minh Dân chủ, Mặt trận Quốc gia đoàn kết. Lực lượng Nghiệp Đoàn của ông Bùi Lượng và nhiều nhân vật thuộc các đảng phái chính trị khác như các ông Lê Vinh (Duy Dân), Phan Bá Cầm, Nguyễn Bảo Toàn (Hoà Hảo), Vũ Hồng Khanh, Xuân Tùng (Việt Quốc)... cầm đầu, “Mặt trận Quốc Dân đoàn kết" do Nguyễn Tường Tam và các ông Phan Khắc Sửu (Cao Đài), Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn (Việt Quốc) lãnh đạo... Tất cả có hàng trăm nhân vật chính trị dân sự đại diện cho các đảng phái trực tiếp hay gián tiếp tham dự cuộc đảo chính của Nhảy dù. "Mặt trận Quốc gia đoàn kết" của Nguyễn Tường Tam còn liên lạc với Đức Cha Từ, Đức Cha Hiền, các linh mục như cha Oanh, cha Lộc, cha Phiên... "Mặt trận quốc dân đoàn kết" cũng đã chỉ thị cho lực lượng của Mặt trận sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền ở các địa phương một khi tại Sài gòn lực lượng quân đội lật đổ được chế độ Diệm.
Ngoài các lực lượng nói trên còn có bác sĩ Phan Quang Đán, lãnh tụ khối Tự do dân chủ được đại tá Nguyễn Chánh Thi mời trực tiếp tham dự quân đảo chính. Cũng như đại tá Thi, bác sĩ Đán đã lên Đài phát thanh Sài gòn đọc bản cáo trạng lên án nặng nề chế độ độc tài phản dân chủ của chế độ Ngô Đình Diệm. Thật ra sự thất bại của nhóm Thi- Đông không phải vì có Sư Đoàn 7, Sư đoàn 13, Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến, Trung đoàn thiết giáp, tiểu đoàn truyền tin, hay trường Trù Bị Thủ Đức... kéo về cứu nguy cho ông Diệm. Bởi vì, đúng như Trần Văn Đôn trong “Our endless war” đã nhận định, lực lượng đảo chính vẫn dễ dàng làm cỏ dinh Độc lập với pháo binh và thiết giáp của họ, ngoài ra họ còn có thể sử dụng không quân nếu họ muốn, trong không quân, ngoài Nguyễn Cao Kỳ ra có nhiều sĩ quan bất mãn với chế độ Diệm. Nhưng phần vì trong lúc tiến hành cuộc đảo chính đã có sự chia rẽ nội bộ giữa Thi và Đông, phần khác, và là phần quan trọng nhất, vì nhóm lãnh tụ đảo chính thiếu cương quyết và không có kế hoạch huy động quần chúng làm hậu thuẫn chính trị. Ngoài điểm quan trọng hơn cả phải kể đến “khổ nhục kế” của ông Diệm, cũng như sự kiện một nhân viên CIA là ông Miller (hiện đang ở San José) thuyết phục Đông nên tạm thời ngưng cuộc tấn công để đợi ông Diệm thương thuyết, nhờ vậy ông Diệm có thì giờ gọi quân cứu viện về cứu Sài gòn và làm nản lòng những đội quân đảo chính.
Cuộc đảo chính của Nhảy dù là một vụ binh biến xảy ra bất ngờ cho cả anh em ông Diệm lẫn cả người Mỹ, nhưng ông Nhu thì lại quyết đoán một cách công khai rằng chính Hoa kỳ đã chủ xướng cuộc tạo phản. (Tuy nhiên cũng phải ghi nhận rằng Đại sứ Hoa kỳ, ông Durbrow, và Tư lệnh Phái bộ viện trợ Mỹ, Đại tướng Me Garr, cảm thấy biến cố 11-11-1960 cũng không phải vô ích vì họ hy vọng rằng nó có thể gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh ông Diệm). Nhưng tại sao ông Nhu lại cứ đề quyết cho người Mỹ là thủ phạm châm ngòi cuộc đảo chính? Thì mãi ba năm sau, năm 1963, tôi mới hiểu được thủ đoạn của vợ chồng Ngô Đình Nhu, mà tôi sẽ nói tới ở một thương sau.
Cuộc đảo chính Nhảy dù năm 1960 đã được nhiều sách sử ghi chép, đặc biệt là cuốn Biến cố 11-11-1960 do nhiều nhân chứng tham gia vào biến cố này đồng ghi lại (có lưu chiểu tại nhiều thư viện tại Hoa kỳ). Ở đây tôi muốn ghi nhận một số giai thoại hay bí ẩn mà tôi thu lượm được, viết ra mong có thể sẽ bổ ích cho những nhà viết sứ sau này:
- Thứ nhất là câu chuyện về đại tá Trần Thiện Khiêm, Tư lệnh Sư đoàn 7 đang đóng tại Mỹ Tho và được ông Diệm gọi về cứu cấp. Khiêm đem quân về đến Phú Lâm, cửa ngõ của Đô thành vào khoảng 6 giờ chiều ngày 11 rồi dừng lại đó. Theo một sĩ quan thuộc đảng phái Đại Việt dưới quyền Khiêm kể lại thì Khiêm không thật lòng muốn cứu ông Diệm. Khiêm vốn người ít nói, tính tình thâm trầm từ lâu đã có thái độ bất mãn với chế độ Cần lao mặc dầu Khiêm vẫn được trọng dụng.
Cho nên khi về đến Phú Lâm, Khiêm cẩn trọng lượng định tình hình, thấy quân đảo chính đã không biết thực hiện kế hoạch "tốc chiến tốc thắng" và cuộc tấn công đã bị khựng lại, tức là Nhảy dù đã nắm phần thất bại rồi, Khiêm bèn đổi ý và đứng về phe ông Diệm. Sau cuộc đảo chính 11-11-1960, Khiêm được anh em ông Diệm coi như “người nhà", thăng Khiêm lên tướng và giao cho chức vụ quan trọng là Tham mưu trưởng Quân đội dưới quyền tướng Lê Văn Tỵ, để kiểm soát và nắm vững quân đội. Nhưng dù được mua chuộc, thâm tâm Khiêm vẫn không bao giờ thần phục nhà Ngô. Đã từ lâu Khiêm là người thân tín bí mật của Mỹ.
- Việc thứ hai là trường hợp tướng Huỳnh Văn Cao, Cao là một sĩ quan không có khả năng gì ngoài tài mồm mép khéo léo nịnh bợ. Nhờ là người Công giáo mà lại là thứ Công giáo Phú Cam thường mượn danh Đức Mẹ để mê hoặc anh em ông Diệm nên được ông Diệm coi như con cháu ruột thịt, đề bạt Cao lên thật mau để Cao có thể giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội thay Đại tướng Lê Văn Tỵ trong chính sách “trồng người”, chính sách Công giáo hoá nhân dân và Quân đội miền Nam. Khi ông Diệm mới về nước, Cao chỉ mới mang cấp đại uý tạm thời rồi nhờ Thái Quang Hoàng lập chiến khu Đông sai Cao đi liên lạc với dinh Độc lập, từ đó Cao nên danh, nên phận. Vào Sài gòn, vì ông Luyện đau chân nên Cao đẩy xe lăn cho ông ta đi dạo mát và phục vụ cho gia đình ông Luyện như một tên gia bộc không hơn không kém, nên được thăng thiếu tá và giữ chức Tham mưu trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng thống thay thế cho đại tá Đang. Ở địa vị này, Cao đã đẩy một cán bộ trung kiên, từng đóng góp tiền bạc và nhiều phen sống chết cho ông Diệm thời phong trào Cường Để và thời ông Diệm gặp khó khăn với Bình Xuyên là thiếu tá Nguyễn Vinh ra khỏi Tiểu đoàn danh dự. Cao mượn việc cải tổ Tiểu đoàn danh dự thành ra Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống để đề nghị đưa bà con là trung tá Nguyễn Thế Như, người Công giáo Phú Cam về thay chỗ của Vinh, dù về khả năng quân sự cả Như lẫn Vinh đều xuất thân là Đội khố đỏ thời Pháp thuộc như nhau. Nhưng Nguyễn Thế Như mới chỉ huy Lữ đoàn được 3,4 tháng thì bị binh sĩ Lữ đoàn tố cáo là tham nhũng và tác phong bê bối nên bị cắt chức. Sau này trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, người Công giáo Quảng Trị, về giữ chức Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống (Nguyễn Thế Như và Nguyễn Ngọc Khôi hiện đang có mặt tại hải ngoại). Còn Nguyễn Vinh nhận thấy ông Diệm là người vắt chanh bỏ vỏ, từ đó không bao giờ gặp lại ông Diệm nữa (Những nhân vật ở hải ngoại hiện nay như ông Võ Như Nguyên, Tôn Thất Trạch, đại tá Phùng Ngọc Trưng, ông Trần Văn Hướng và Bác sĩ Bùi Kiện Tín đều biết rõ công lao và sự nghiệp của Nguyễn Vinh thời ông Diệm còn hàn vi, còn sa cơ thất thế).
Về trình độ văn hoá, Cao chỉ có bằng tiểu học, còn về quân sự Cao chưa bao giờ chỉ huy một đơn vị, dù chỉ là một trung đội. Cho đến năm 1954, vì thiếu sĩ quan nên Cao được đại tá Trương Văn Xương cho chỉ huy một tiểu đoàn khinh quân đang thụ huấn tại Ninh Hoà (Khánh Hoà). Mặc dù tiểu đoàn đóng ngay giữa thành phố nhưng Cao đã để cho tiểu đoàn bị Việt cộng tập kích thình lình làm tan nát cả một tiểu đoàn, vì vậy Cao bị tướng Hinh đưa ra toà. Nhưng nhờ có thiếu tá Hoàng Phúc Hải ở Nha Trang, một tay chân thân tín của tướng Hinh, xin xỏ nên Cao được miễn tố và chỉ bị cắt chức mà thôi.
Cao là người có tài len lỏi trong các ngõ ngách của thời thế cho nên ngày Nhảy dù đảo chính ông Diệm, mặc dù Cao đang chỉ huy Sư đoàn 13 đóng ở Biên Hoà chỉ cách Sài gòn 3 cây số, mà mãi đến sáng ngày 12, nhờ tướng Nghiêm thúc giục lắm và khi Cao đã thấy Nhảy dù yếu thế, Cao mới tiến quân về Thủ đô, Lực lượng đảo chính thất bại, Cao trở nên anh hùng giải phóng Thủ Đô.
Tội nghiệp hai ông Diệm-Nhu, 3 năm sau, ngày toàn quân toàn dân thật sự lật đổ chế độ hai ông vẫn còn tin tưởng vào đứa “con nuôi Huỳnh Văn Cao” đang là Tư lệnh Quân khu IV. Họ có ngờ đâu rằng nửa đêm mồng 1-11-1964, Cao đã đầu hàng cách mạng dù Cao vẫn còn 2 sư đoàn dưới trướng, còn có cả một giang sơn rộng lớn nếu muốn có thể dùng làm "đất Ba Thục” cho anh em ông Diệm nương thân hầu tu binh mã đợi ngày trở lại "Trung Nguyên". Tài trí, công nghiệp của Huỳnh Văn Cao như thế đó mà nhóm "Cần lao công giáo" ca ngợi Cao như một thiên tài...
- Việc thứ ba là trường hợp của thiếu tá Công giáo Lê Như Hùng (hiện sống ở Califorma). Khi xảy ra cuộc binh biến Nhảy dù, Hùng đang giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hoà. Kiến Hoà là căn cứ địa cơ bản vững chắc của Cộng sản, nổi tiếng từ năm 1940 khi Xứ uỷ Nam bộ Cộng sản Đông Dương khởi nghĩa chống chế độ thực dân Pháp. Vì Kiến Hoà bất an nguy kịch nên Tiểu đoàn I Thuỷ quân lục chiến do cháu vợ tôi là Nguyễn Bá Liên được biệt phái về Kiến Hoà để hành quân (Tiểu đoàn phó là đại uý Trần Văn Nhật hiện ở Mỹ).
Tổng thống Diệm biết rõ thân phụ của Liên là ông Nguyễn Bá Mưu vì cùng hoạt động trong phong trào Cường Để cho nên Liên rất trung thành với Tổng thống Diệm. Khi nhận được lời kêu gọi của tôi, Nguyễn Bá Liên vội vã tập họp Tiểu đoàn về Sài gòn cứu ông Diệm. Nhưng Liên bị tỉnh trưởng Lê Như Hùng cản trở không cho qua phà để qua sông, không cho quân xa để sử dụng. Hai bên cãi cọ xô xát đã định bắn nhau. Cuối cùng vì không được sử dụng phương tiện quân đội, Liên bèn thuê thuyền và xe đò dân sự để di chuyển Tiểu đoàn về Sài gòn. Vì sự cản trở của Hùng cho nên mãi đến 2 giờ sáng ngày 12 tháng 11, Tiểu đoàn I của Liên mới có mặt tại bến Bạch Đằng.
Khi ông Diệm làm Thủ tướng và bị Nguyễn Văn Hinh chống đối thì Hùng là đảng viên đảng “Con ó” của ông Hinh đang giữ chức Tư lệnh Thuỷ quân lục chiến. Tướng Hinh ra đi, ông Diệm cắt chức Hùng và Hùng bị theo dõi một thời gian. Nhưng ít lâu sau, tất cả đảng viên "Con ó" có đạo Thiên Chúa như Hùng đều được “phục hồi danh dự”, được trọng dụng và được thăng cấp mau chóng (chẳng hạn như Bùi Dinh, tay chân thân tín của tướng Hình, từng lên đài phát thanh quân đội năm 1954 công khai mạt sát Thủ tướng Ngô Đình Diệm giao cho chỉ huy một sư đoàn vì Bùi Dinh là người Công giáo Phú Cam).
Có lẽ Lê Như Hùng cũng không có ý phản bội ông Diệm khi cản trở Nguyễn Bá Liên, chẳng qua Hùng sợ vắng tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến thì Kiến Hoà sẽ bị nguy kịch. Nhưng Hùng quên rằng với bối cảnh ngày 11-11-60 thì dù tỉnh Kiến Hoà có mất vào tay Việt cộng cũng còn hơn Thủ đô Sài gòn địa vị Tổng thống của ông Diệm và chế độ Cần lao rơi vào tay bọn "phản loạn Nhảy Du". Cho nên vô tình hay cố ý, việc cản trở Nguyễn Bá Liên mang quân về Sài gòn cứu ông Diệm đã làm cho Lê Như Hùng - trước mắt ông Diệm- mang tội phản loạn tiếp tay quân đảo chính. Phỏng thể sau khi Nhảy dù thất bại, tôi mang tâm địa hèn mạt như bọn Cần lao tố cáo hành động phản bội của Hùng với ông Diệm thì Hùng đã bị ông Diệm đẩy ra Côn Đảo như số phận của các lãnh tụ vụ binh biến rồi.
Nhưng chẳng những Hùng không bị trừng phạt mà qua hệ thống Cần lao, Hùng còn được Tổng thống Diệm thuyên chuyển về Sài gòn, thăng cấp trung tá và giao cho chức vụ cận thần là Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống.
- Việc thứ tư là trường hợp của bà Ngô Đình Nhu. Ngày 12 tháng 11, sau khi tôi vấn an Tổng thống Diệm xong như đã nói ở trên kia, bèn xuống tầng dưới để ghé thăm tướng Nguyễn Khánh đang lo điều động bố trí những đơn vị quân đội đề phòng Việt cộng lợi dụng cảnh rối loạn mà tập kích Sài gòn. Vừa đến nơi tôi thấy bà Nhu và tướng Khánh đang to tiếng cãi vã ồn ào. Tôi chỉ còn nhớ lời tướng Khánh nói với bà Nhu: "Ở đây tôi chỉ huy chứ không phải bà, bà hãy đi chỗ khác để tôi làm việc". Nói xong, tướng Khánh gác hai chân lên bàn tỏ vẻ khinh bỉ bà Nhu ra mặt. Tôi thấy bà Nhu đỏ mặt tức giận, quay người thật nhanh rồi bỏ lên lầu, vừa đi miệng vừa lẩm bẩm những gì không rõ. Tất nhiên "Rồng Cái" (dịch chữ Dragon Lady của ký giả ngoại quốc gán cho bà Nhu) phải giận dữ lắm bởi vì lần đầu tiên trong cuộc đời uy quyền tột đỉnh của bà, bà đã bị một "anh ka ki" khinh khi miệt thị trước mặt rất đông binh sĩ và nhân viên dân chính. Cứ chỉ của tướng Khánh làm cho tôi cảm phục và hài lòng vì theo tôi biết trong triều đình nhà Ngô, ngoại trừ Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ thường tỏ vẻ lãnh đạm còn Bộ trưởng, Dân biểu, Trí thức, Giám mục, Linh mục có liên hệ với Ngô triều đều khép nép, cúi mình trước Đệ nhất phu nhân. Ngay cả chồng và ông anh chồng là vị nguyên thủ quốc gia mà còn phải chịu luỵ bà như tôi đã và sẽ trình bày thêm, thế mà kẻ "võ biền" Nguyễn Khánh lại đám sừng sộ xua đuổi bà đi chỗ khác.
Sau khi bà Nhu lên lầu rồi bà Thái Quang Hoàng (hiện ở Mỹ) vào dinh Độc lập để đòi hỏi chính phủ bằng mọi cách đem chồng bà từ Phonom Penh về lại Việt nam. Bà Hoàng la ó ầm ĩ, trách chính phủ và quân đội đã không bảo vệ nổi chồng bà để chồng bà bị nhóm lãnh tụ đảo chính bắt theo làm con tin. Có lẽ vì nghe tầng dưới ồn ào tiếng đàn bà, bà Nhu lại trở xuống "sân khấu", thế là một màn đấu khẩu xảy ra giữa hai mệnh phụ mà cố nhân thường gọi là thứ "phụ nhân nan hoá", thứ đàn bà "dễ có mấy tay". Tôi không còn nhớ nguyên văn lời bà Nhu nạt bà Hoàng, nhưng đại ý là tại sao dám huyên náo chốn tôn nghiêm, bà Hoàng bèn xông tới ngay trước mặt bà Nhu mà nói "nếu chồng bà bị bắt như chồng tôi thì bà có la hoảng lên không?", bà Hoàng còn nói tiếp "nếu chồng tôi có mệnh hệ gì thì tôi làm loạn lên cho bà xem". Bà Nhu không ngờ lại gặp phải địch thủ không vừa nên bà Nhu lại bỏ lên lầu, vừa đi miệng vừa lẩm bẩm những gì không ai nghe rõ nhưng chắc bà ta đang tính kế trừng trị những kẻ thuộc cấp đã dám coi thường bà.
Tướng Thái Quang Hoàng thời còn là thiếu tá (1954) đã có công đầu lập chiến khu Đông ở Phan Rang để chống tướng Nguyễn Văn Hình ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm nên được nhà Ngô coi như "khai quốc công thần". Tướng Hoàng liên tiếp chỉ huy Quân khu I Quân khu II, rồi Quân khu Thủ Đô với nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ thành trì Tổng thống Diệm. Chẳng may Nhảy dù "làm loạn", địa vị ông Diệm cơ hồ lung lay, lại thêm bà vợ mắng nhiếc bà Nhu cho nên sau khi Đô thành yên cơn bão tố, tướng Hoàng bị thất sủng, bị đổi tên lên Đà Lạt giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Đại học quân sự, một chức vụ ngồi chơi xơi nước cho đến ngày chế độ Diệm suy vong.
Tướng Thái Quang Hoàng là người ít nói nhưng là thứ người khí phách và can trường. Ông có một đức tính hiếm hoi là không bao giờ nói xấu ai với cấp trên. Thái độ quân tử nhiều khi vô lý của Thái Quang Hoàng đã làm cho tướng Lê Văn Tỵ phải bực mình.
- Câu chuyện thứ năm là về Võ Văn Hải, người Chánh văn phòng đặc biệt của ông Diệm. Hải theo ông Diệm từ hồi còn rất trẻ. Hải có một người em ruột là Võ Lăng (hiện đang sống ở Pháp) cũng hoạt động cho ông Diệm bên cạnh ông Ngô Đình Luyện từ thời ông Diệm còn ở Pháp. Hai anh em Hải, Lăng là con của cụ án Võ, mà cụ là bạn thân của ông Diệm từ thời làm quan cho Nam triều. Tuy nhiên trong thời gian ông Diệm cầm quyền, cụ án Võ đứng ngoài chính trường, xa lánh chính trị sống ẩn dật tại Đà Lạt chỉ lo lui tới nơi chốn thiền môn.
Ngày 11-11-60, trước cuộc tấn công của Nhảy dù, trong lúc những kẻ thường múa mép khua môi khoe khoang là trung nghĩa đều chạy trốn hết thì Hải không ngại gian nguy, mang thân đơn độc “vào hang hùm để gặp được cọp”, Hải gặp Vương Văn Đông và Nguyễn Chánh Thi, những lãnh tụ của cuộc đảo chính với mục đích tha thiết xin cứu mạng cho vị lãnh tụ của mình. Gặp Đông, Hải thương thuyết:
"Tôi đồng ý việc làm của trung tá. Dinh Độc lập không thề để cho một bọn đĩ điếm ở được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, kéo dài cuộc chiến đấu chỉ có lợi cho Cộng sản. Tôi xin là trung gian giữa ông Diệm và trung tá, tìm giải pháp ổn thoả để có thể tránh được sự lợi dụng của Cộng sản và đồng thời đáp ứng được đòi hỏi của phe nổi dậy. Giải pháp này có thể là tạm thời giữ ông Diệm ở lại làm đại diện quốc gia, không quyền hành pháp, gạt bỏ gia đình Nhu và Cẩn ra khỏi chính trường Việt nam và cải tổ chính phủ".
Hải là người nắm vững và nắm kỹ những bí mật quốc gia, những bí mật thầm kín nhất của anh em gia đình họ Ngô, những bí mật khó nói nhất của nhiều triều thần nhà Ngô, nhiều tay chân cốt cán trong đảng Cần lao công giáo, cho nên Hải thấy rất rõ bộ mặt xấu xa, dơ dáy, ghê tởm của chế độ, vì thế nên Hải thường tỏ ra ưu tư, buồn phen, giận dỗi.
- Câu chuyện thứ sáu nói về chính Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày 11-11-60, trong đó đang bị nguy khốn nhưng qua sự vận động của Võ Văn Hải, của tướng Khánh và với sự tán đồng của tướng Lê Văn Tỵ, ông Diệm đã đồng ý với trung tá Vương Văn Đông là sẽ giải tán chính phủ hiện hữu để thành lập một chính phủ "liên hiệp quân dân". Những lời cam kết của ông Diệm đã được long trọng tuyên bố trên đài phát thanh kèm theo nhật lệnh của tướng Tỵ.
Nhưng khi sóng gió qua rồi thì ông Diệm lại nuốt những lời hứa. Nếu cuộc đảo chính đã làm ông mất nhiều uy tín thì thái độ thiếu thành tín của ông lại càng làm cho danh dự của ông sụp đổ thêm, trong quân đội cũng như ngoài nhân dân và trước quốc tế mà các ký giả ngoại quốc không quên nhắc lại
Từ khi cầm chính quyền ông thường đưa ra khẩu hiệu “thành tín" như một bảo đảm chắc nịch cho quan niệm “đức trị” của ông trong việc lãnh đạo quốc dân. Ông còn đặt quốc huy là tiết trực tâm hư, lấy cây trúc làm biểu tượng để tỏ ra mình là người chính nhân quân tử, thế mà hôm nay ông đã công khai và rộng rãi tuyên bố cùng đồng bào rồi chính ông lại thất tín không giữ lời đã hứa, cho nên không kể Việt cộng và những kẻ đối lập chính trị với ông có cơ hội phản tuyên truyền mà chính quân đội và nhân dân, sau đó, cũng đã mỉa mai ông là một kẻ đạo đức giả, bất tín, bất nghĩa.
- Việc thứ bảy là việc của tôi. Như đã nói trên kia, 9 giờ sáng ngày 11-11-1960 tôi bị một đơn vị Nhảy dù chặn bắt ở quan sát Nha Công an trước khi vào dinh Độc lập. Đã bị bắt mà với tư cách Giám đốc Nha An ninh quân đội, một cơ quan bị binh sĩ coi như là tay sai của chế độ, thì tôi chỉ còn chờ đợi giờ “đền tội”. Nhưng nhờ phúc đức còn vững còn dày nên tôi đã thoát chết.
Ngày Nhảy dù đảo chính, tất cả những nhân vật cầm đầu cơ quan An ninh Mật vụ có bổn phận ưu tiên bảo vệ sinh mạng và chế độ Tổng thống Diệm đều bị vô hiệu hoá hết mà chỉ riêng tôi là có hoạt động để cứu giúp ông Diệm, tôi cảm thấy hình như giữa ông Diệm và tôi trong những giờ phút nghiệt ngã của năm 1960 vẫn còn có một sợi dây thiêng liêng ràng buộc tình nghĩa thầy trò.
Thật là lạ lùng: trong lúc biến cố xảy ra, bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Nha nghiên cứu chính trị, tướng Nguyễn Văn Là, Tổng giám đốc Công an, trung tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt, đều là những nhân vật có quyền uy hơn tôi, được ông Nhu tín nhiệm hơn tôi, thế mà khi tiếng súng "phản loạn" bùng nổ thì đều không có mặt hoặc lẩn tránh hết, trong lúc đó thì tôi lại đóng góp được ít nhiều công tác trong việc bảo vệ sinh mạng ông Diệm được an toàn.
- Việc thứ tám, tôi muốn đề cập đến cái gọi là "Uỷ ban nhân dân chống phiến Cộng" do ông Trương Công Cừu là Chủ tịch, ông Ngô Trọng Hiếu là Phó chủ tịch, và trung tá Nguyễn Văn Châu làm Tổng thư ký. Sau khi sóng gió qua rồi, nhóm lãnh tụ đảo chính thoát thân an toàn qua Cao Miên, các đơn vị Nhảy dù, Biệt động quân đã trở về trại nép mình theo kỷ luật, thì tối 12.11.1960, Quốc hội nhóm phiên họp bất thường để (như báo chí tường thuật) “thảo kế hoạch an ninh dâng lên Tổng thống".
Sáng hôm sau, với sự hướng dẫn và tổ chức của trung tá Châu (Giám đốc Nha chiến tranh tâm lý), Quốc hội tham dự cuộc biểu tình trong khuôn viên dinh Độc lập để hoan hô chào mừng Tổng thống đã "nhờ ơn trên ban phép lành" nên tai qua nạn khỏi. Nhưng theo Dân biểu Huỳnh Thành Vị thì tối hôm đó Quốc hội nhóm họp đã không thảo luận gì hết mà thật sự chỉ để chỉ mặt điểm tên, tố cáo nhau là hèn nhát, là trốn tránh, là phản bội. Cuộc binh biến 11.11.1960 như là mắt xích cuối cùng của một chuỗi dài những khủng khoảng chính trị và quân sự mà chế độ Diệm phải đối phó với rất nhiều vụng về và thiếu chuẩn bị.