Ngày 29 tháng 2 năm 1947, cựu Đại sứ Hoa kỳ William Bullit viết trên tờ Life Magazine một bài báo gọi chiến tranh Đông Dương là "Trận chiến tranh buồn thảm nhất" (The saddest war), ông kêu gọi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt nam dù là một Việt nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Lời kêu gọi cửa William Bullit tuy ngây dại nhưng phát xuất từ khuynh hướng "giải phóng dân tộc" nên đã đánh động được dư luận Hoa kỳ, cho nên khi Điện Biên Phủ lâm nguy (tháng 5 năm 1954) và khi chính phủ Pháp yêu cầu Hoa kỳ yểm trợ bằng lực lượng không quân thì Tổng thống Eisenhwer và ngoại trưởng Foster Dulles từ chối. Quan điểm của Ngoại trưởng Dulles lúc bấy giờ là nếu Pháp muốn Hoà Kỳ cứu viện thì phải chịu hai điều kiện: một là phải trả độc lập hoàn toàn cho thành phần quốc gia Việt nam không Cộng sản và hai là Mỹ phải giành lấy trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, phần vì chính phủ Anh không chấp thuận việc đồng minh tham chiến tại Đông Dương, phần khác vì cả Pháp lẫn khối Cộng sản đều muốn giải quyết mau chóng vấn đề Việt nam nên chủ trương của Ngoại trưởng Dulles đã không được thực hiện.
Qui ước của hội nghị Genève 1954 đã tạm thời chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17. Phản ánh đúng đắn đường lối ngoại giao của mình, Hoa kỳ can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề Đông Dương mà cự thể là giúp ông Diệm về nước để xây dưng một tiền đồn để chống Cộng tại Đông Nam A. Hoa kỳ đã không ngại ngùng dùng mọi kế sách và phương tiện để ủng hộ cho miền Nam. Kể cả việc không tôn trọng hai điều khoản quan trọng của hội nghị Genève về vấn đề Tổng tuyển cử (năm 1956) và về vấn đề quân đội ngoại nhập. Quân viện và kinh viện Hoa kỳ đổ vào miền Nam như thác đổ, chuyên viên và phương tiện Hoa kỳ như một kho tàng bất tận cho nhà cầm quyền miền Nam sử dụng: tiếc thay anh em ông Diệm đã không biết vận dụng sức mạnh đó để bổ túc cho sức mạnh cốt lõi của dân tộc hầu phòng Cộng và phát triển quốc gia.
Ngay từ năm 1957, vị Đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam là ông Ellridge Durbrow đã thấy ông Diệm tiến hành một chính sách độc tài trong việc quản trị miền Nam cũng như đã hành xử một cách quan liêu phong kiến, khiến cho nhân dân bất mãn và làm đình trệ các chương. trình phát triển kinh tế, xã hội. Ông Durbrow cũng đã thấy được thái độ lộng quyền thất nhân tâm và phản tuyên truyền của bà Nhu, nên đã khuyến cáo ông Diệm nhiều lần. Đặc biệt ông đề nghị giảm bớt các hình thức làm dân bất mãn và tạo cơ hội cho địch tuyên truyền như giảm thiểu đoàn xe hộ tống đông đảo ồn ào, như đừng bắt dân bỏ công ăn việc làm cả ngày để chờ chực đón chào Tổng thống, như không nên ngồi chễm chệ trên ghế bành đặt trên thuyền để sĩ quan lội nước đẩy thuyền. Ông cũng khuyên nên để bà Nhu ra nước ngoài một thời gian hầu xoá dịu lòng căm phẫn của dân chúng.
Nhưng những lời khuyến cáo của Đại sứ Durbrow đã không có hiệu quả nào vì lúc bấy giờ Washington vẫn còn tin tưởng vào "uy tín và tài năng” của ông Diệm nên không muốn tạo ra những mâu thuẫn cá nhân giữa hai người, làm phương hại đến mối giao hảo đang tốt đẹp giữa hai quốc gia. Đã thế, ông Diệm lại bày tỏ sự bất mãn đối với Washington về thái độ của Đại sứ Durbrow mà ông cho là "hay sinh sự" để Bộ ngoại giao Hoa kỳ làm áp lực ngược lại ông Durbrow.
Quan hệ giữa ông Diệm và Đại sứ Durbrow càng lúc càng trở nên căng thẳng và lên đến cao điểm sau biến cố ngày 11-11-1960, biến cố mà vì những hằn học cá nhân ông Nhu cứ nhất định cho là do Mỹ chủ xướng và Đại sứ Durbrow là người đóng vai trò quan trọng. Dù lúc bấy Washington đã thấy sự suy sụp của chế độ mà Đại sứ Durbrow đã báo trước từ lâu, nhưng vì muốn duy trì mối liên hệ ruột thịt giữa chế độ Diệm và Hoa kỳ cũng như vì muốn làm hài lòng ông Nhu, Tổng thống Kennedy đã kéo Đại sứ Durbrow về nước và cử Đại sứ Nolting qua Sài gòn thay thế, dù ông này không có nhiều hiểu biết hoặc kinh nghiệm về Việt nam cũng như về Đông Nam Á.
Đại sứ Nolting là một nhà trí thức hoà nhã, một nhà ngoại giao tế nhị mà Bộ ngoại giao đã chỉ thị nên dùng những thái độ mềm mỏng trong khi khuyến cáo chính phủ Diệm để khỏi phạm tự ái của những nhà lãnh đạo miền Nam. Ông Nolting đã thi hành quá chỉ thị của thượng cấp đến độ tại Washington người ta có cảm tưởng ông ta bị lôi cuốn bởi bà Nhu để trở thành một vị Đại sứ của ông Diệm bên cạnh người Mỹ hơn là một vị Đại sứ của Mỹ tại Sài gòn. Cảm tưởng đó hẳn không sai lầm vì ông Nhu đã thành công trong việc điều động viên Đại sứ dễ vận dụng này và đã có lần khen ông Nolting là vị Đại sứ thông minh nhất của Hoa kỳ tại miền Nam từ trước đến nay.
Người Mỹ đã tìm mọi cách để nâng uy tín ông Diệm lên cao, một uy tín đang bị sụp đổ và đang cần phải xây dựng lại gần hầu duy trì khả năng chống Cộng của chính quyền miền Nam.
Thật vậy, vừa làm lễ nhậm chức cuối tháng Giêng năm 1961 thì ngày 15 tháng 5 Tổng thống Kennedy đã gởi vị Phó tổng thống của mình qua miền Nam để thẩm định lại tình hình tại chỗ, một tình hình không mấy lạc quan vì sự gia tăng hoạt động của Việt cộng và những báo cáo bi quan về các thất bại chính trị của chính quyền miền Nam. Đồng thời Tổng thống Kennedy cũng nhờ ông Johnson trao lại một lá thư riêng cho ông Diệm tái xác định quyết tâm của Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ ông Diệm và yểm trợ nhân dân miền Nam chống Cộng... Lá thư nói rõ rằng Hoa kỳ chỉ giúp phương tiện và ngân phí mà thôi, còn việc chiến đấu bảo vệ quê hương là do chính nhân dân miền Nam nhận lấy trách nhiệm.
Trong chuyến viếng thăm này, để làm hài lòng bản chất tự tôn và tính kiêu hãnh của vị lãnh đạo miền Nam, ông Johnson khi đến Sài gòn đã không ngại ngùng công khai ca ngợi "Tổng thống Diệm là Churchill của thập niên này". Nếu ta so sánh cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Churchill và ông Diệm thì ta sẽ thấy lời đề cao quá lố này chỉ là một lời tuyên bố thuần tuý thuộc ngôn ngữ ngoại giao rất cần thiết nhằm gây lại uy tín cho ông Diệm vốn đã suy sụp quá nhiều, và đồng thời vừa để chứng tỏ cho Cộng sản cũng như nhân dân miền Nam biết rằng Hoa kỳ vẫn cương quyết ủng hộ chế độ Ngô Đình Diện dù những sai lầm và thất bại của chế độ đó. Cũng chuyến viếng thăm này, khi ngồi trên phi cơ bay thị sát các quân khu và bị ký giả Mỹ chất vấn về lời tuyên bố đó, Phó tổng thống Johnson đã trả lời: "Xì! Diệm là đứa duy nhất mà ta có ở đây” ( “Shit? Diems the only boy weve got out there”).
Loại ngôn ngữ ngoại giao đầy thủ đoạn chính trị đó, sau này cũng đã được Nixon dùng để khen Thiệu là "một trong bốn lãnh tụ tài ba nhất thế giới" tại vườn hoa Toà Bạch ốc vào năm 1973. Nhưng điểm khác biệt đáng chú ý là Nixon khen Thiệu để khuyến khích thi hành hiệp định Paris cho Mỹ có thể giải kết khỏi miền Nam trong “danh dự”, và Thiệu biết lời khen đó là giả dối, còn Johnson khen ông Diệm là để mong tạo uy tín thêm cho ông Diệm hầu cuộc chiến chống Cộng có thể thành công, trong lúc trong thâm tâm thì lại nghĩ khác, nhưng ông Diệm lại không biết điều đó. Vì không biết, nghĩa là không phát hiện ra sự giả dối và không thấy uy tín mình đang bị mất nên ông Diệm mới dại dột tuyên bố trong một bài diễn văn đáp từ Johnson rằng: Biên giới của thế giới tự do chạy dài từ Alaska đến sông Bến Hải, tạo cơ hội cho Đài phát thanh Hà Nội lợi dụng tuyên truyền về bản chất tay sai của chính quyền miền Nam trong quan hệ Mỹ- Diệm, và đã đập tan cái luận cứ độc lập và dân tộc chống Cộng của chính nghĩa miền Nam trong nhân dân.
Mặc dù uy tín và sức mạnh chính trị bắt đầu bị tổn thương sau vụ thất bại tại “Vịnh Con Heo” ở Cuba vào tháng 4 nhưng Tổng thống Kennedy đã theo lời yêu cầu của ông Diệm, tiến hành chiến dịch tăng cường số quân nhân tham chiến (nguỵ trang dưới hình thức cố vấn quân sự và chuyên viên cứu trợ nạn lụt) tại miền Nam Việt nam sau chuyến điều nghiên của Tướng Mazwell Taylor và cố vấn Walt Rostow vào tháng 10 năm 1961. Chiến dịch này đã được ông Diệm và chính quyền Mỹ đồng thuận thi hành một cách tích cực mà sự ra đời của Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ quân sự Mỹ (Ameriean Military Assistance Command) vào ngày 6 tháng 2 năm 1962 đã cho phép ông Diệm nhận thêm từ 700 "cố vấn" đến 12.000 “cố vấn” vào giữa năm 1962. Nghĩa là gia tăng 1700 phần trăm trong vòng 8 tháng. Tất cả chiến dịch đó đã được chính quyền Mỹ khôn khéo trốn tránh chính Quốc hội và báo chí Hoa kỳ (vốn đang bắt đầu có khuynh hướng chống việc gửi quân nhân Mỹ tham chiến tại ngoại quốc sau vụ thất bại tại Cuba) để mạo hiểm một mặt thoả mãn lời yêu cầu của chính phủ Diệm và mặt khác để bảo đảm sự thành công của cuộc chiến thống Cộng lại miền Nam: Thật vậy, mặc dù trong cuộc thảo luận với Phó tổng thống Johnson trước đó năm tháng, ông Diệm đã không muốn đem quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, nhưng khốn nỗi vào tháng 10, khi tướng Taylor đang trên đường đến Sài gòn thì Việt cộng phát động các đợt tấn công dữ dội vào tỉnh lỵ Phước Thành, đốt phá các cơ sở, giết hại cả Tỉnh trưởng lẫn Phó Tỉnh trưởng và rất nhiều binh sĩ, cán bộ, công chức, đồng thời Việt cộng lại tấn công nhiều quận ly của tỉnh Daklak và tung ra nhiều đơn vị lớn đánh phá khắp miền Nam, công hãm các đồn bốt chiến lược dọc quốc lộ số 4 và gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng VNCH. Tình hình an ninh suy sụp đã khiến cho ông Diệm sợ hãi một cuộc tổng nổi dậy của Việt cộng nên ông bèn đưa ra lời tuyên bố chính thức rằng chiến tranh thật sự đã xảy ra tại miền Nam.
Vì không còn giữ ý định chống lại việc quân đội Mỹ tham chiến tại miền Nam nữa nên ông Diệm đã yêu cầu Mỹ đem một số “quân chiến đấu tượng trưng” vào miền Nam và lớn tiếng kêu gọi Hoa kỳ cùng với Việt nam cộng hoà ký một hiệp ước phòng thủ song phương. Trước lời kêu gọi đó của ông Diệm, và trước tình hình an ninh suy thoái một cách trầm trọng của miền Nam, Bộ Tổng tham mưu Hoa kỳ cũng khuyến cáo Tổng thống Mỹ nên gởi quân qua Việt nam tham chiến. Ý kiến này được Thứ trưởng Quốc phòng William P. Bundy ủng hộ mạnh mẽ vì theo ông Bundy, sách lược "tốc chiến tốc thắng" có thể giúp ông Diệm nhiều may mắn hơn và có thể lật ngược thế cờ. Nhưng vì việc quân đội Mỹ công khai tham chiến tại Việt nam có thể gây nhiều phức tạp trong nội bộ chính trị Hoa kỳ cũng như có thể gây các phản ứng quốc tế nguy hiểm nên Toà Bạch ốc bề ngoài đã phải giảm thiểu những thúc giục ồn ào tại cả Sài gòn lẫn Washington, bằng cách giả vờ lộ một số tin tức cho nhật báo New York Times, tiết lộ rằng "các cấp lãnh đạo ở Ngũ giác đài cũng như Đại tướng Taylor đều tỏ ra miễn cường về việc gởi các đơn vị chiến đấu Mỹ sang Đông Nam Á”. Bài báo này đã chặn đứng được những tuyên bố quá lộ liễu của ông Diệm.
Sự thật rõ ràng là chẳng những ông Diệm đòi quân Mỹ vào miền Nam, mà còn nhờ Mỹ vận động với Trung hoa dân quốc gởi một sư đoàn qua Việt nam tham chiến. Tài liệu mật của Ngũ giác đài dưới đây tiết lộ một bản mật điện của Toà đại sứ Mỹ tại Sài gòn gởi về Washington trình bày về cuộc thương thảo giữa Đại sứ Nolting và ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Phủ Tổng thống, cho thấy những bí ẩn đó:
Những đòi hỏi vào năm 1961 của Việt nam về những đơn vị tác chiến Hoa kỳ.
Điện văn từ Toà đại sứ Mỹ tại Sài gòn gởi Bộ ngoại giao 13-10-1961 về những đòi hỏi của Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Quốc phòng của miền Nam Việt nam. Bản sao gởi Bộ Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương và Toà đại sứ Mỹ tại Bangkok Thailand và Taipei Taiwan.
Trong buổi họp 13-10 Thuần đã đưa ra những đòi hỏi sau đây:
1 Thêm phi đoàn AD-6 thay vì phi đoàn T-20 như đã dự định và gởi qua càng sớm càng tốt.
2- Yêu cầu cung cấp phi công dân sự Mỹ để lái máy bay trực thăng và phi cơ C-47 để bay những phi vụ tác chiến.
3- Nhiều đơn vị tác chiến Hoa kỳ, hoặc những đơn vị gọi là "huấn luyện tác chiến" vào miền Nam Việt nam. Một phần để đóng ở phía Bắc gần vĩ tuyến 17 để thay các lực lượng QĐVNCH ở đó phải bận đi chống du kích ở vùng Cao nguyên. Và cũng để đóng ở nhiều tỉnh của vùng Cao nguyên Trung Việt.
4- Phản ứng của Hoa kỳ về dự định của Việt nam yêu cầu Trung Hoa quốc gia gởi một sư đoàn tác chiến cho mặt trận Tây Nam.
Tài liệu mật của Ngũ giác đài trên đây và sự gia tăng nhảy vọt của số lượng “cố vấn” Mỹ tại chiến trường Việt nam sau đó, không những đã cải chính sự huênh hoang tội nghiệp của những phần tử Cần lao công giáo đang cố bám víu vào cái huyền thoại "Ngô Tổng thống không chịu cho quân Mỹ vào Việt nam nên bị Mỹ lật", mà còn làm nổi bật lên một sắc thái đặc thù của liên hệ Mỹ-Việt vào năm 1962 của chính phủ Ngô Đình Diệm: đó là dù ông Diệm bất lực trong việc chống Cộng, chính phủ Mỹ vẫn yểm trợ, bao bọc ông Diệm. Và ông Diệm đã công nhận, đã chấp thuận sự bảo bọc đó một cách quá trớn, nhất là trong trường hợp can thiệp lộ liễu của "cố vấn" Mỹ trong những quyết định quân sự, đến nỗi sau này lúc hồi tưởng lại năm 1961, khi còn làm phóng viên tiền tuyến theo dõi các cuộc hành quân, ký giả Ngô Đình Vận đã viết: "Tôi thấy rõ quân đội trong thời Đệ nhất cộng hoà đã không thực sự có được độc lập, có được đầy đủ sự chủ động ngay cả trong lúc giao tranh của địch quân”.
Sự yểm trợ và bao che đó lại càng nổi bật hơn nữa trong trận ấp Bắc mà kết quả thảm bại, dù rất rõ ràng hiển nhiên, đã được ông Diệm và bà Nhu đổi ngược thành chiến thắng, và trong liên hệ thắm thiết Mỹ-Việt lúc bấy giờ, đã được một số nhân vật chủ yếu của chính quyền Kennedy đồng loã công nhận.
Thật vậy: Từ đầu năm 1962, khi các cố vấn quân sự Mỹ và số khí cụ tối tân mới được tăng viện cho miền Nam trong kế hoạch Taylor-Rostow thì quân đội VNCH đã thu lượm một số chiến thắng tại châu thổ sông Cửu Long và lần đầu tiên đã tiến vào được chiến khu Đ, rừng U Minh, vốn là những căn cứ bất khả xâm phạm của Việt cộng. Những chiến thắng thuần tuý quân sự đã gây phấn khởi cho cả Sài gòn lẫn Washington. Để yểm trợ cho mặt trận tuyên truyền tại Hoa kỳ, ông Diệm đã cho phép đại tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, diễu hành tại thủ đô Sài gòn với sự tham dự của một số Dân biểu Quốc hội. Trong lúc đó tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara họp báo tuyên bố miền Nam Việt nam của ông Diệm đang lật ngược thế cờ. Nhưng những chiến thắng đó chỉ như bọt sóng bắn lên tung tóe rồi sau đó tan vơ mất vì ngay cả chỉ trên mặt thuần tuý quân sự mà thôi, ưu thế lưu động của hai chiến thuật trực thăng vận và thiết vận xa M113 đã không được khai thác đúng mức, hơn nữa. chúng lại không hiệu dụng trong một trận chiến mà kẻ thù đã khôn khéo phối hợp được các kỹ thuật du kích chiến với những vũ khí tối tân do Nga viện trợ.
Đầu năm 1963, ba cán bộ "Cần lao công giáo" của ông Diệm là Tư lệnh Vùng 4 Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bùi Đình Đạm và thiếu tá Tỉnh trưởng Định Tường Lâm Quang Thơ, với quân số đông hơn, với vũ khí hiện đại hơn, lại hứng chịu thảm bại nhục nhã tại áp Bắc trước tiểu đoàn 514 của địch không đến 400 quân.
Thảm bại rõ ràng này không những đã khiến cho Tướng Lê Văn Tỵ phải đích thân xuống điều tra tại chỗ mà chính các cố vấn quân sự Mỹ, đặc biệt là trung tá John Paul Vann - người phối hợp các phương tiện hoả lực gồm M113, trực thăng UH-1A, trực thăng CH-21, các đơn vị quân đội Mỹ trong vùng cho trận ấp Bắc này - đã phải nhục nhã gọi là "Một thành tích khốn nạn" vì tướng Cao đã "chọn lựa tăng cường sự thất bại thay vì nỗ lực để chiến thắng”.
Báo chí Mỹ tức giận vì sự bất lực của quân đội VNCH và sự vô hiệu của các chiến cụ viện trợ đã phanh phui sự thất bại đó và còn quá khích đòi hỏi chính quyền Mỹ phải giành lấy quyền lãnh đạo chiến tranh tại Việt nam để tiêu diệt Cộng sản. Thảm bại đã rõ ràng như thế, nhưng để tránh cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Sài gòn khỏi lan rộng thêm vì một thất bại quân sự nặng nề, ông Diệm - và ngay cả bà Nhu, người không có thẩm quyền về các vấn đề quân sự - đã tuyên bố rằng ấp Bắc là một chiến thắng oai hùng của Sư đoàn 7.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara, Đại sứ Nolting, Đại tướng Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt nam Paul Harkins, đành phải bênh vực ông Diệm bằng cách xác nhận đó là một chiến thắng. Thái độ bưng bít sự thật để tiến hành chính sách - mà trong giai đoạn đó là chính sách ủng hộ "người hùng" Ngô Đình Diệm - còn tiếp diễn dài dài sau này suốt cuộc chiến Việt nam.
Chương trình ấp chiến lược là do sáng kiến của ông Thompson người Anh, Cố vấn du kích chiến của Toà Bạch ốc. Chương trình này đã được Tổng thống Kennedy hết lòng yểm trợ và đặt hết hy vọng vào hiệu quả của nó mà sự thành công đã được chứng nghiệm tại Mã Lai dù điều kiện ứng dụng có khác. Khi Mỹ đề nghị thực hiện chương trình này trong mục đích tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt cộng tại nông thôn thì bị ông Ngô Đình Nhu bác bỏ. Mỹ phải vận động mãi và đặc biệt phải tăng tài phí lên rất cao Ngô Đình Nhu mới chấp thuận.
Khi tiền viện trợ bắt đầu được tháo khoán, Nhu đích thân nắm lấy việc điều khiển thực hiện chương trình và cho áp dụng kế sách riêng của ông ta theo đường hướng của chủ nghĩa “Nhân vị” và đặc biệt để tạo một bộ máy nhân sự trung thành với chế độ. Mà bộ máy trung thành đó có mục đích quyết liệt nhất là gì nếu không phải là nhân danh công cuộc chống Cộng đã phát động và thực hiên cho được âm mưu Công giáo hoá nhân dân trong các ấp chiến lược như tôi đã trình bày ở một chương trước.
Trước sự thất bại và hệ quả nguy hại rõ ràng đó, ông Rufus Phillips, nhân viên cao cấp nhất của Mỹ đặc trách về chương trình ấp chiến lược đã phải phúc trình trực tiếp với Tổng thống Kennedy để yêu cầu tái xét lại ngay cả sự cần thiết của chương trình này. Nhưng một lần nữa, những nhân vật rường cột của chánh sách Mỹ tại Việt nam như Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng Mac Namara, Đại sứ Nolting, Tướng Harkins, và ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Roger Hillsman (người sau này quyết liệt ủng hộ việc lật đổ chế độ Diệm) vẫn bênh vực ông Diệm và cho rằng chương trình ấp chiến lược đã thành công.
Nhìn mối bang giao Mỹ - Việt, đặc biệt là liên hệ giữa chế độ Diệm và các cấp lãnh đạo Hoa kỳ, trong suốt chín, mười năm trời cai trị miền Nam, anh em ông Diệm đã phạm không biết bao nhiêu lỗi lầm trầm trọng, ta thấy dù những lỗi lầm đó đã đưa đất nước từ thanh bình đến rối loạn, từ cảnh an ninh đến tình trạng chiến tranh thật sự, thế mà người Mỹ vẫn một lòng ủng hộ ông Diệm và chế độ của ông ta.
Mãi cho đến đầu năm 1963, trước cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng tại miền Nam Việt nam mà hệ quả có thể là sự suy sụp toàn diện sức mạnh chống Cộng của cả nước, và trước những áp lực của quần chúng Hoa kỳ, của chính giới Hoa kỳ, của công luận thế giới, của các nước đồng minh, của Toà thánh Vatican..., giới lãnh đạo Mỹ mới bắt đầu áp dụng những biện pháp cứng rắn trong lãnh vực chính trị và viện trợ để vừa làm áp lực vừa giúp đỡ chính quyền miền Nam sửa sai.
Nói chung, về chính trị, người Mỹ đòi hỏi phải tôn trọng và thực thi nguyên tắc phân quyền và chính sách tản quyền để tránh tình trạng trung ương tập quyền đang làm mù quáng và tê liệt khả năng điều hành của dinh Gia Long. Cụ thể là để cho thành phần đối lập được tự do sanh hoạt tại nghị trường Quốc hội cũng như trong chính giới, xét lại hệ thống bổ nhiệm nhân sự ở các địa phương để tránh tình trạng lạm dụng quyền hành nhờ có liên hệ đặc biệt với gia đình Tổng thống, các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương phải thực sự tự do và trong sạch... Lẽ dĩ nhiên những đòi hỏi này chỉ được người Mỹ trình bày dưới hình thức khuyến cáo để tránh tình trạng "can thiệt vào nội tình của nước khác", ngược hẳn với những biện pháp khác táo bạo và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát việc sử dụng tài phí viện trợ. Vấn đề kiểm soát tiền viện trợ này không phải chỉ vì chính quyền Mỹ muốn hiệu năng hoá công cuộc chống Cộng mà còn vì muốn biện minh với Quốc hội Hoa kỳ trong những điều trần về tình trạng tham chiến tại Đông Dương.
Đặc biệt chính quyền Mỹ muốn được biết về số tiền tài trợ cho Lực lượng đặc biệt, các cơ quan công an, mật vụ, và những mật phí đó được sử dụng đúng đắn cho các công tác tình báo chống Cộng không. Đòi hỏi này đã bị ông Nhu xem như là một áp lực của Hoa kỳ nhằm kiểm soát những bí mật quốc phòng và đã bị ông quyết liệt từ chối, vì ai cũng biết phần lớn của số tiền đó được chi tiêu để xây dựng bộ máy đàn áp đối lập, xây dựng những tổ chức kinh tài cho anh ông và cho những hoạt động mờ ám khác.
Trong quân đội, các cố vấn Mỹ tỏ ra khắt khe hơn trong việc sử dụng các phương tiện của Hoa kỳ khi hành quân và họ cũng tham dự nhiều hơn và trực tiếp hơn vào những trận đụng độ càng lúc càng lớn với quân Việt cộng. Tình trạng này đã tạo ra nhiều va chạm giữa sĩ quan Việt nam và sĩ quan cố vấn Mỹ về chiến thuật giao tranh với kẻ thù. Cho nên trong thời gian đó đã có những sĩ quan Việt nam không cần tiếp cận của Mỹ và vì tự ái dân tộc đã sáng tạo ra những chiến thuật tiêu diệt địch oai hùng, nhưng cũng có rất nhiều đơn vị trưởng khác nhất là các sĩ quan thuộc hệ thống Cần lao chuyên lạm dụng quyền để thủ lợi, không dám hành quân mà chỉ lui về thế phòng ngự giữ chặt lấy các tỉnh ly cho an toàn, và để mặc nông thôn Việt cộng thao túng.
Dù chính Mỹ đã khai sinh và nuôi dưỡng chế độ Diệm từ năm 1953, dù người Mỹ trong các cơ quan then chốt đã đóng những vai trò quan trọng trong các chính sách từ nhiều năm qua... nhưng đến khi cần chống Mỹ thì Nhu lại nêu những khuyến cáo và những biện pháp đó làm lý do để cho rằng “bị Mỹ làm áp lực, bị Mỹ chen vào nội tình quốc gia" dù đã 8, 9 năm đè đầu dân tộc nhờ tiền bạc và thế lực của Mỹ.
Suy luận rằng Mỹ chống Cộng nên sẽ không bỏ rơi miền Nam, ta thấy điều đó không phải là Nhu hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, cho đến cuối tháng 8 năm 1963 (nghĩa là cho đến ngày Nhu hung bạo tấn công các chùa chiền và bắt giam các tăng sĩ Phật giáo) dù liên hệ Việt - Mỹ đã trở nên rất căng thẳng vì những hành động và những lời tuyên bố của Nhu, dù tình báo Mỹ đã khám phá ra âm mưu của Nhu muốn thoả hiệp với Cộng sản, chính quyền Kennedy vẫn chưa có ý định ủng hộ một cuộc thay đổi cấp lãnh đạo tại miền Nam Việt nam. Nhưng điểm sai lầm căn bản nhất của Nhu là đã không nhận định được sự vận hành của một cường quốc. Một cường quốc thì phải đặt chính sách ngoại giao trong một quan điểm toàn cầu và dài hạn. Ngăn chặn Cộng sản (containment) là triết lý ngoại giao chỉ đạo mọi sách lược của Hoa kỳ lúc bấy giờ, và giúp Việt nam trở thành tiền đồn chống Cộng hay yểm trợ ông Diệm (năm 1953) về nước chống Cộng chỉ là những thể hiện có tính cách chính sách của triết lý ngoại giao đó mà thôi. Cho nên dù chế độ Diệm - Nhu có độc tài, tham nhũng, thì trong quá khứ Mỹ vẫn ủng hộ và sẽ còn ủng hộ mãi cho đến khi Diệm - Nhu không chống Cộng nữa hoặc làm lợi cho Cộng thì Mỹ mới can thiệp, vì làm lợi cho Cộng là đi ngược lại với cái triết lý ngoại giao chỉ đạo đó
Sự can thiệp đó có thể là chấm dứt tư cách đồng minh, có thể là vận động để thay thế bằng cấp lãnh đạo mới. Nhu không thấy rằng Mỹ giúp miền Nam chống Cộng chứ không phải chỉ giúp riêng một gia đình họ Ngô chống Cộng, cho nên cứ đinh ninh là có thể làm "chantage" Mỹ được. Nhu cứ tưởng rằng đối với Mỹ thì trong 15 triệu dân miền Nam, chỉ có gia đình họ Ngô là có quyết tâm và có khả năng chống Cộng mà thôi nên muốn yêu sách gì cũng được. Và Mỹ đã không giải kết khỏi miền Nam trong năm 1963 đó, nhưng đã bỏ rơi gia đình họ Ngô. Nhu đã nhận định đúng một nửa, là Mỹ không bỏ rơi miền Nam, nhưng nửa còn lại thì Nhu đã sai một cách thê thảm vì Mỹ sẵn sàng bỏ gia đình Ngô để yểm trợ cho một thành phần lãnh đạo mới.