Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Phiêu Lưu, Mạo Hiểm >> Tứ quái TKKG

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 62746 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tứ quái TKKG
Stefan Wolf

Chín

Cuộc du ngoạn hồ Đá Bùn coi như chấm dứt. Bóng tối sụp xuống quá nhanh. Cách giải quyết thằng Kaluschke cũng thật sòng phẳng. Tứ quái bắt gã phải để hết tang chứng là chiếc ba lô chưa trang bị lặn và bộ đồ để mặc đi đường lại rồi mới cho phép gã mặc quần bơi trần trụi phóng xe gắn máy về nhà. Kaluschke tiu nghỉu như một con gà mắc mưa. Về đến đô thị trong tình trạng mất vệ sinh kiểu này gã hết còn hy vọng nhìn mặt đàn em nữa.
   Tan buổi picnic, Tròn Vo hoan hỉ báo tin:
   - Tao, Tròn Vo thay mặt gia đình “Sôcôla và thức ăn ngọt” Sauerlich xin mời cả nhóm đến dự bữa tiệc tư gia ăn mừng ông bà già tao vừa khai trương một phân xưởng sôcôla mới.
   Nó rút túi áo ra ba tấm thiệp bỏ trong bao thư trịnh trọng:
   - Đây là thiệp mời. Cha mẹ tôi nhờ tôi chuyển đến các bạn. À, quên một chuyện này nữa, chú Georg tài xế sẽ đón các bạn bằng xe hơi. Nhớ đó!
   Cả nhóm tứ quái chia tay. Như thường lệ, Tarzan đưa Gaby về nhà. Khi đi ngang qua một ngôi biệt thự kín cổng cao tường sang trọng, Công Chúa bỗng dừng xe lại. Cô bé nói:
   - Đây là nhà Kaluschke!
   Cô bấm chuông. Cái chuông nằm kế bên một tấm bảng vẽ hình con chó bẹc-giê nhe nanh để dọa “coi chừng chó dữ”. Vài giây sau một người đàn bà hầm hầm bước ra, theo sau bà ta là hai con bẹc-giê cao bằng Công Chúa. Bà ta hé mắt qua ô cửa sắt:
   - Mấy đứa nhãi ranh chúng mày muốn gì?
   - Muốn trả lại bà cái giỏ đựng đồ lặn của con trai bà…
   Công Chúa Gaby mềm mỏng đến đáng sợ:
   - Gã đã bị băng giang hồ… TKKG đánh chạy thục mạng quên cả quần áo. Chúng tôi có lượm được cái ba lô.
   Cánh cửa sắt hé vừa đủ. Người đàn bà giật phắt chiếc ba lô cửa thằng con trai trời đánh và đóng sầm cửa lại không một lời cảm ơn. Qua ô quan sát nho nhỏ, Công Chúa thấy người đàn bà có cái mũi khoằm như một mụ phù thủy. Cô xoa tay thở dài với Tarzan:
   - Không hề giống mẹ mình. Không giống má bạn nữa. Chỉ giống… thằng Kaluschke thôi.
   Tarzan cười buồn bã:
   - Hậu quả của vai trò giáo dục gia đình. Thượng bất chính hạ tắc loạn. Tôi còn nghe đồn cha thằng Kaluschke làm chủ một khách sạn lớn cho ngoại quốc mướn. Cả gia đình gã chỉ sống vì tiền. Thằng Kaluschke hư hỏng là phải, làm sao mà giống mẹ tụi mình được.
 
*
 
   Đúng sáu giờ chiều ngày chủ nhật, Tròn Vo và Tarzan đã có mặt tại băng ghế đá ngoài khuôn viên trường nội trú. Hai đứa ăn mặc như người lớn. Tarzan đẹp trai không thua tài tử đóng phim chút nào. Chúng chờ chiếc Jaguar màu nhũ bạc mà chú tài xế riêng gia đình Sauerlich sẽ lái đến.
   Và chiếc Jaguar đậu lại không chậm trễ một giây. Chiếc xe hơi mà cha của Tròn Vo, Willi Sauerlich tự Kloesen, cưng như vàng vì không dễ dàng gì sắm nó nếu không sản xuất được… sôcôla đặc quyền. Nó đậu sát hai thiếu niên không một tiếng động. Chú Georg kéo cửa kính xuống cười ha hả:
   - Đây là Tarzan mà mày thường nói với chú phải không Kloesen?
   Chiếc Jaguar tiếp tục lướt đi trút cái bóng trắng bạc lộng lẫy của nó trên đường vào thành phố. Họ ghé lại nhà Máy Tính Điện Tử trước rồi đón Công Chúa sau cùng. Lần này Công Chúa mặc chiếc váy toàn bông hoa đủ loại, còn đẹp hơn cả chiếc váy trắng pha lẫn nụ xanh mà Tarzan thấy kỳ trước. Chú Georg trầm trồ thay cho hắn:
   - Trời ạ, cháu xinh xắn như búp bê. Cháu còn quyến rũ hơn mấy thiếu nữ trong các bức tranh mà ông chủ mới mua ở nhà nữa.
   Tarzan tự nhiên giật mình. Hắn có một linh tính bất chợt. Hắn tò mò:
   - Chú Georg ơi, bộ gia đình ông chủ chú mê tranh lắm sao?
   Vị tài xế khả kính phì phèo điếu thuốc. Còn phải hỏi, ông ta rất thương trẻ con:
   - Đúng vậy Tarzan à. Nhưng mới đây thôi. Cũng do cái phân xưởng mới khánh thành và cũng là mừng việc làm ăn phát đạt. Ông chủ Sauerlich của chú vừa mua tới mấy bức tranh… Ôi, đắt kinh khủng.
   - Sao chú Georg biết là đắt?
   - Cái thằng lắm chuyện. Không đắt mà có chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật của Viện bảo tàng… đến à? Ông chủ mời cái thằng cha mặt mũi râu xồm như ăn cướp đến để thẩm định giá trị. Ê, Tarzan, cháu biết lão Paul Pauling nghiên cứu… bậy bạ đó không? Lão có mặt ở buổi tiệc chiều nay đấy.
   - Biết, lão chính là P. P.
   Tứ quái đồng loạt gầm lên một hợp âm để đời khiến điếu thuốc trên môi vị tài xế vui tính suýt rớt xuống. Mặc kệ cái gã P. P nguy hiểm. “Happy birthday to you”. Công Chúa châm ngòi bằng một bài ca sinh nhật làm cả đám hào hứng hát theo. Lão chuyên viên P. P là cái quái gì. “Happy birthday to you” là trên hết. Thà ngó bộ râu xồm bẩn thỉu của lão còn hơn đối đầu với cặp mắt cú vọ của Rembrandt. May mà cha mẹ Tròn Vo không phục tài hội họa của Rembrandt Pauling…
   Chiếc Jaguar chui vào gara. Nó đậu như ông hoàng cạnh bốn chiếc xe hơi khác. Ngôi biệt thự của gia đình Tròn Vo Sauerlich phải nói là bá phát. Căn nhà biệt lập như một lâu đài cổ tích được bao bọc bởi những cây cổ thụ.
 
*
 
   Tròn Vo Kloesen giới thiệu tam quái với mẹ mình. Nó hãnh diện có một người mẹ phúc hậu:
   - Các bạn con, thưa mẹ. Đây là tiểu thư Gaby, còn đây là Karl và bạn… Tarzan, à quên, bạn Peter Carsten của con.
   Bà mẹ của Kloesen phúc hậu thật. Bà ôm hôn lần lượt từng người. Bà có vẻ giản dị với bộ đồ trang nhã đang mặc. Chiếc áo dài may kiểu Thượng Hải càng làm cho bà mang dáng dấp Á Đông hơn là một bà chủ hãng sôcôla bề thế.
   - Con hãy hướng dẫn các bạn thăm căn nhà, lần đầu tiên mẹ được gặp các bạn con xinh đẹp thế này. Nhớ đi đứng cẩn thận nghe Kloesen!
   Tròn Vo sướng phập phồng cánh mũi. Nó dạ một tiếng thật vĩ đại và lôi tam quái lên tầng trên. Coi, phòng riêng của nó không thiếu một thứ gì.
   Tarzan ngạc nhiên thực sự:
   - Tại sao mày cứ thích rúc trong tổ đại bàng của trường nội trú, trong khi…
   Tròn Vo lẳng lặng nhún vai:
   - Có hai lý do để tao đi giang hồ. Thứ nhất: tao phải bảo vệ tình mẫu tử với mẹ tao bằng cách trốn khỏi hãng sôcôla để bà ấy nghĩ rằng tao cương quyết đoạn tuyệt với kẹo ngọt, bởi vậy bà ấy mới… nể tao như lúc nãy chứ. Thứ hai: làm sao tao giã từ cái máu thám tử được, ở nhà kẻ đưa người đón không cách gì phiêu lưu với mày được, phải không?
   Karl Máy Tính tập trung nghe được chừng ba bài nhạc Beatles thì có tiếng chuông reo. Nó rầu rĩ gắp cặp kính cận của người hùng John Lennon lên mắt:
   - Y hệt ở trường học. Giờ ăn đến rồi.
   Bữa ăn đã sẵn sàng. Từ trần thòng xuống một bộ đèn chùm bằng pha lê nhưng không thắp sáng, thay vào đó là những ngọn nến kỳ diệu như nghi thức quý tộc cổ điển. Chiếc bàn đủ chỗ mười hai thực khách, nhưng chỉ có bảy người. Tất cả đồ sứ đều tuyệt trần, riêng muỗng dĩa đều bằng bạc thật. Tarzan chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào giống Tròn Vo đến như thế. Ông ta và Kloesen như hai đứa trẻ song sinh, chỉ trừ bộ râu mép. Nhờ bộ râu mép mà ông chủ hãng sôcôla được phân biệt là cha của Tròn Vo.
   Ông ngồi giữa, cạnh cậu quý tử và chuyên viên nghệ thuật Paul Pauling, ông nói thật cởi mở:
   - Dùng bữa đi các cháu. Tôi rất vinh hạnh được các cháu tham dự. Kìa, Kloesen, mời các bạn đi con.
   Rồi ông lịch sự quay sang vị khách quý có bộ râu xồm:
   - Tôi và vợ tôi luôn luôn nghĩ ông là một… thiên tài. Khả năng hiểu biết về mỹ thuật của ông là vô tận. Nhưng bây giờ thì phải ăn đã chứ. Chúng ta sẽ xem tranh sau.
   Nhà nghiên cứu mỹ thuật, đối thủ đáng nghi ngờ nhất của tứ quái gật đầu. Lão suýt nhúng cả bộ râu xồm vào chén súp bong bóng cua nóng hổi. Tarzan nghĩ thầm, lão không linh hoạt bằng ông anh Rembrandt, trái lại là đằng khác, lão P. P này chậm chập như một con cù lần. Nhưng biết đâu được, Tarzan đã tích lũy cho mình vài kinh nghiệm sinh tử, biết đâu đằng sau cái dáng vẻ ngô nghê kia là một tay buôn lậu tranh quốc tế. Hắn hoảng hồn với ý nghĩ đó. Đúng rồi, trong đầu hắn thấp thoáng hình ảnh bốn người Nhật Bản và… con mẹ Linh Miêu bên chuồng cá sấu. Chỉ có lão P. P râu xồm mới biết cách giao thiệp và ngã giá các tác phẩm hội họa Hà Lan với họ. Đúng rồi, lão đang làm tại một Viện bảo tàng và biết tới mấy thứ tiếng ngoại quốc, trời ạ.
   Tự nhiên Tarzan thấy tay hắn đầy mồ hôi.
   Bữa tiệc đã đi đến phần sau cùng. Sau khi đã khoái trá làm một hơi sạch bách bốn ly rượu whisky chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật Paul Pauling bắt đầu phát biểu:
   - Tôi vô cùng áy náy vì đã lẻo mép trong đám bạn bè của tôi về việc gia chủ đã mua một số bức tranh quý. Tôi rất sợ lời đồn đại, thưa ông Sauerlich. Những lời truyền khẩu sẽ kích thích sự hiếu kỳ của bọn tội phạm. Chuyện mất cắp tranh tại biệt thự số 12 Cây Sồi mới đây là một ví dụ. Nhưng… mặt khác, tôi cũng muốn danh tiếng ông phải vượt ra ngoài phạm vi hãng sôcôla và thực phẩm ngọt này, cần phải cho dư luận biết có những người say mê nghệ thuật như ông Sauerlich không tiếc tiền để vĩnh cửu có các bức tranh vô giá…
   Lão ngừng lại để đón ly rượu whisky thứ năm từ bàn tay săn sóc của ba Tròn Vo rồi thở ra một hơi thật mạnh:
   - Ông chủ là người biết bảo vệ các giá trị văn hóa. À, à… gọi thế nào hợp lý bây giờ. Một nhà sưu tập tranh ngoại hạng chăng? Hay là nói kiểu Tàu là một Mạnh Thường Quân của các họa sĩ?
   Khỏi phải nói, khuôn mặt của vị chủ hãng sôcôla đầy xúc động. Họ chạm ly trong ánh mắt hoan hỷ của bà Sauerlich. Ông chủ gia đình nói với vẻ khiêm tốn:
   - Thực tình thì tôi chỉ muốn đầu tư qua địa hạt mỹ thuật. Vì như ông Paul Pauling thừa biết, giá tranh ở thị trường quốc tế đang lên vùn vụt. Tôi muốn biết ý kiến của ông về các bức tranh mới mua…
   Lão chuyên viên P. P không trả lời mà quay nhìn về phía những thiếu niên đang nghe ngóng. Mắt lão dừng lại ở Tarzan. Cha Tròn Vo hiểu ý “thiên tài” ngay lập tức. Ông ôn tồn:
   - Đến đây là chuyện của người lớn rồi. Các cháu ăn uống no chưa, rồi hả, Kloesen ơi, con mời các bạn ra vườn ngoạn cảnh đi con.
   Tarzan đành bước theo Tròn Vo. Hắn liếc qua Máy Tính Điện Tử và Công Chúa đều bắt gặp một thái độ tương tự: chưa đứa nào muốn rời khỏi bàn. Nhưng biết phản ứng cách nào bây giờ, bởi chính gia chủ đã kết luận “đến đây là chuyện của người lớn”.
   Tứ quái trút mọi nỗi bực dọc vào trò chơi ca rô. Cứ mỗi cặp đánh có một xấp giấy tập. Trong trò chơi đánh ca rô có lẽ Máy Tính Điện Tử là thông minh nhất. Nó thắng tất cả học sinh lớp mười một, mười hai trong trường.
   Mười giờ tối. Trăng huyền hoặc giữa trời. Con tắc kè núp trên nhánh cổ thụ rúc lên não ruột. Giờ này mẹ Gaby, mẹ Karl chắc đã hắt hơi. Chưa kể các thầy giám thị của trường nội trú đang đứng chờ Tarzan và Tròn Vo trở về.
   Bà Sauerlich gọi người giúp việc kêu tài xế:
   - Kêu giùm tôi chú Georg. Tôi cần đưa gấp đám trẻ về nhà.
   Khoảng năm phút sau chị người ở trở lại mặt tái mét. Chị chỉ có thể ra dấu ú ớ bằng tay:
   - Chú Georg… chú…
   Ông Sauerlich đã bước xuống cầu thang. Ông cũng đã tiễn “thiên tài” râu xồm P. P về từ hồi nào. Ông hốt hoảng chạy lại phía người giúp việc:
   - Sao? Có chuyện gì? Nói…
   Dãy nhà để xe nằm sau rặng cây không một bóng đèn. Không bao giờ người tài xế Georg trung thành lại vô ý để tình trạng thiếu ánh sáng ở gara như vậy. Nhất là từ khi có những hoạt động phi pháp ban đêm mỗi ngày mỗi tăng thêm tại khu vực toàn biệt thự này, đi liền với các vụ trộm cắp tranh không tìm ra thủ phạm. Vị gia chủ bật công tắc hệ thống điện dự phòng để chiếu sáng nhà xe. Ông và bà Sauerlich cùng Tarzan theo gót chân người giúp việc lao tới đó.
   Một cảnh tượng diễn ra khủng khiếp. Bà Sauerlich đưa hai tay bụm mặt:
   - Chúa ơi!
   Trong khi ông Sauerlich đỡ lấy người vợ phúc hậu sắp ngất xỉu thì Tarzan đã nhanh chóng cầm cổ tay người tài xế đáng thương bắt mạch. Coi, chú Georg nằm sấp trên mặt đất trước gara, đầu úp giữa hai cánh tay dang rộng. Cái nón lưỡi trai chú thường đội rơi cách đó vài mét. Không hề thấy tăm hơi chiếc Jaguar bóng lộn nước sơn màu nhũ bạc…
   Tarzan reo lên mừng rỡ:
   - Mạch vẫn đập. Chú Georg sẽ tỉnh lại bây giờ…
   Quả nhiên chú Georg động đậy. Người tài xế rên rỉ và cố ngước đầu lên.
   - Chú Georg ơi, cháu đây mà, Tarzan đây.
   - Tôi… tôi… bị đánh…
   Karl Máy Tính và Tròn Vo dìu chú Georg đứng dậy. Công Chúa Gaby cũng xốc nách bà Sauerlich với sự trợ giúp của chị người ở để đưa bà vào nhà. Chỉ còn ông Sauerlich ưỡn cái bụng tròn vo đang há hốc miệng kinh ngạc.
   Chú Georg đưa tay sờ đầu đau đớn:
   - Tôi nhớ rồi. Nó tấn công tôi từ phía sau…
   Ông Sauerlich hỏi dồn dập:
   - Ai tấn công chú? Tấn công bằng gì?
   - Có lẽ là một đoạn cây ba phân vuông, thưa ông chủ. Tôi định ngồi vào chiếc xe Jaguar thì… mười ngôi sao hiện ra. Nó đã rình từ sau lưng tôi và ra tay liền. Tôi… không biết gì nữa cả.
   Tarzan khẳng định như đinh đóng cột. Lúc này, ở đây, hắn đáng mặt… người lớn hơn ai hết:
   - Chiếc Jaguar đã bị lấy cắp. Đó là mục tiêu tối nay của kẻ cướp. Nó còn lấy luôn chùm chìa khóa của chú Georg nữa. Nó định âm mưu gì tiếp theo đây?
   Câu hỏi khong ai dám trả lời. Vị gia chủ gọi điện báo cảnh sát. Trước khi xe tuần tra đến, vị bác sĩ láng giềng đã được mời lại. Khác với sự lo lắng của chú Georg, vị bác sĩ kết luận: thủ phạm tuy đã sử dụng cây gậy ba phân vuông nhưng đã được bọc vải cẩn thận ở một đầu. Vì thế chú Georg sẽ không ngại chuyện chấn thương sọ não nữa.
   Mặt người tài xế trông thật não nùng:
   - Từ ngày về gia đình ông chủ Sauerlich lái xe, tôi đã mài gươm ở ẩn. Vậy mà cũng chẳng yên, có lẽ tôi phải tập đấm bốc trở lại để truy tìm tên cướp.
   Cũng không ai nỡ cười, dù là cười gượng gạo để hưởng ứng câu pha trò chân thật của người tài xế. Chiếc xe tuần tra lúc đó cũng đã đậu trong sân ngôi biệt thự. Tứ quái bất đắc dĩ phải lên xe cảnh sát. Bốn thiếu niên dễ thương được những người thừa hành pháp luật đưa về nhà cho đúng cách một công hai việc. Chắc chắn chẳng đứa nào có thể ngủ được, riêng Tarzan cứ trằn trọc vì một câu hỏi:
   - Nó định âm mưu gì tiếp theo đây?
   Hắn lẩm bẩm một mình khi mí mắt bắt đầu nặng như chì:
   - Cây gậy ba phân vuông vải bọc, chỉ nhằm mục đích làm ngất đối phương thôi sao?...

<< Tám | Mười >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 230

Return to top