Quá nhiều người hào hứng với số 2000. Bản tính ăn xổi ở thì hiện rõ trong sự chọn lựa. Đành rằng 2000 là con số chẵn rất đẹp, tuy nhiên chỉ dùng vài lời giải thích đơn sơ, bọn trẻ tiểu học dễ dàng hiểu rằng năm 2001 mới đúng là khởi đầu thiên niên kỷ mới. Tối 31.12.1999 Phương bật truyền hình. Anh lập tức bị hớp hồn bởi những ánh mắt, cánh tay vươn lên trời đêm của hàng vạn công dân New Zealand đang hồi hộp đếm từng giây cuối cùng sát thềm năm mới. Sao họ hạnh phúc thế? Đất nước ấy nằm ở điểm gặp nhau giữa trời và đất trong các tư tưởng triết học Á đông xa xưa. Đó là cửa ngõ đi vào thế giới của tuyệt đối, của sự thiêng liêng, là cõi chân thiện, chân thực. Đêm ấy Phương quên ngủ. Anh nhiễm luôn trạng thái lâng lâng của chúng sinh trong phút giao thời. Canh thìn là cái tết gia đình Phương đoàn tụ đầy đủ nhất. Chị Dung, anh Chung cùng toàn thể con cái, dâu rể về Việt Nam xây mộ cho nội tộc. Phương gác qua bên tất cả thất vọng cũ, cũng như bộn bề công việc cá nhân, để hưởng trọn nghĩa tình ruột thịt. Chiều Long Khánh âm u. Nghĩa trang Vương gia lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái già cỗi. Anh Dũng, dưới danh nghĩa trưởng họ, đã tu bổ chỉn chu mọi thứ. Những nấm mộ rất to quây quần quanh tháp thờ lợp ngói. Trên bàn hương chung có hẳn cây phả hệ bằng hình ảnh. Mẹ Phương và dì Thái ở cạnh nhau. Anh Dũng sao lục trong tập hồ sơ lưu trữ của cha được tấm ảnh thẻ mốc meo của mẹ Phương. Anh in đá rất tinh xảo. Người thiếu phụ trong ảnh luôn nhìn Phương bằng ánh mắt ảm đạm trống rỗng. Mẹ và dì Thái có chung nét đài các phong kiến quý phái. Nếu dì Thái xuất sắc trong âm nhạc thì mẹ Phương, theo lời kể của vài người thân, rất sành thi ca. Bà thuộc lòng truyện Kiều của Nguyễn Du và có thể định dạng bất cứ tâm trạng tình cảm nào bằng hai câu lục bát lẩy Kiều mang nhiều sáng tạo, tài hoa. - Thật ngạc nhiên vì anh Dũng xây mộ to quá - Anh Chung bảo với Phương khi họ rảo bước quanh vườn sau tuần nhang. - Phong cách này khá phổ biến ở miền Trung. Có lẽ lăng tẩm nhà Nguyễn đã phả vào hủ tục Việt Nam sự phô trương phù phiếm. - Tốn kém nữa chứ. - Nếu dành vật liệu mai táng cho nhân sinh thì dọc tuyến xe lửa xuyên Việt sẽ không còn nhiều mái ấm chắp vá, bé như hủ nút bên cạnh cơ man nhà mồ hoành tráng. - Với thời đại, mọi lăng mộ đều rỗng tuếch. - Đạo quân đất nung của Thủy hoàng đế là kho tàng văn hóa vô giá không thể chối cãi. - Ngoại lệ luôn tồn tại, hơn nữa Á đông ta chỉ có một Tần Doanh Chính. - Mai này em sẽ trăn trối được hỏa thiêu hoàn toàn, kể cả xương cốt. Để tấm hình em trong tháp thờ là đủ. Tro than rải xuống gốc cây sầu riêng này chẳng hạn… - Ý em rất hợp anh. Tuy nhiên không nên nói về cái chết quá nhiều. Điều quan trọng là sống như thế nào chứ không phải chết ra sao. - Mấy chú luôn nói chuyện trên trời! - Chị Dung đột ngột xuất hiện giữa hai anh em – Phương lấy vợ đi. Các anh chị sẽ lo hết, tính luôn căn nhà mặt tiền cho mợ út buôn bán. Đó mới là cách sống hợp lý, đảm bảo yên ổn. Dòng họ mình, mỗi em chưa vẹn bề gia thất, em không sợ tiền nhân quở trách cả tụi chị sao? - Chị thương em nhiều như vậy thì xin chị rán thương luôn tính độc lập của em. Quả thật Phương là cậu út ngỗ nghịch, luôn gây lo lắng cho mọi người. Nhiều lúc anh rất muốn gắng mua quách căn hộ chung cư, để sống bớt tạm bợ. Anh hay tìm đủ lý do phủ quyết ý định kia. Chẳng hạn Phương mong ngôi nhà tương lai là sự chung sức tạo dựng của hai người tâm đầu ý hợp, hoặc anh cầu toàn chờ thêm thời gian tích cóp, nhà ra nhà. Phương rất sợ gặp bạn đời đặt sự ổn định vật chất trên hết. Đứng trên bình diện an lạc của mình, các anh chị ngại ngùng cho Phương là hoàn toàn không khó hiểu. Gia đình chị Dung đã định cư hẳn tại Nam California. Cậu cả Tony Nguyễn gần 30 tuổi, bác sĩ bệnh viện Fountain Valley. Cô út Catherine Nguyễn ngoài hai mươi, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Catherine hiện là trưởng một ngành hàng trong hệ thống siêu thị liên bang Target, nơi cô gắn bó từ thuở sinh viên vừa làm vừa học. Chị Dung không cản được hai đứa rời gia đình thuê chỗ ở tiện nghi sống riêng lẻ. Đó là lối sống mang tính cá nhân chủ nghĩa mà chúng lựa chọn. Song chúng luôn để ý chăm sóc cha mẹ. Công việc hai đứa thuận lợi, thu nhập cao. Mỗi tháng chúng góp biếu cha mẹ vài ngàn Mỹ kim. Thêm khoản trả nợ tiền vay phục vụ tiêu dùng cá nhân ngày trước, còn bao nhiêu chúng dùng hết cho nhu cầu bản thân, không hề biết dành dụm. Vợ chồng chị Dung thôi đi làm thuê đã mấy năm. Họ mướn người, mở quán cà phê nhạc ở đường Bolsa, gần Sài Gòn Nhỏ. Ngoài giờ coi sóc quán và thả mình hồi tưởng tháng năm tuổi trẻ bên dòng nhạc lãng mạn tiền chiến hoặc đương chiến, họ xoắn xuýt cùng nhau sống nối thời sinh viên với những lớp ngoại khóa văn chương, chữ Nôm tại một viện đại học. Gia đình bốn khẩu này, kẻ trước người sau cũng tập hợp đủ bên bàn thờ tổ tiên tết nguyên đán tại quê nhà. - Cũng phải gắng gượng mà sống vì con cái thôi chú ạ. Bạo lực góp phần cấu thành cái gọi là văn hóa hơn hai trăm năm của Hợp chủng quốc Huê Kỳ. Thực lòng, thế hệ của anh chị vẫn mong hoàn hương - Anh Tòng thổ lộ với Phương. - Người Mỹ khoái phim hành động bắn giết thả giàn. Họ không ưa túc cầu mà chuộng bóng chày, bóng bầu dục vì chất bạo lực hơi nhiều. Bạo lực và văn minh phải chăng có mẫu số chung? - Văn minh vật chất có họ hàng gần với sự dã man. Những vụ tự tử hoặc giết người hàng loạt ở Mỹ nói lên điều đó. Chắc em không thể nào làm quen được với văn minh nước giải khát sủi bọt đóng hộp và thức ăn nhanh? - Anh coi đó là biểu tượng thiếu chiều sâu sao? - Ngược lại là đằng khác. Không nên đặt Bill Gate cao hơn gã đầu bếp sáng chế ra món gà rán hay cậu nhân công pha chế tân dược tình cờ nắm được bí quyết làm nước coca cola. Họ đều là người tự do có vận hội. Họ tạo nên giá trị của nước Mỹ bằng sức lao động trên cơ sở đó. - Cuộc biểu tình dữ dội phản đối vòng thương thuyết mậu dịch toàn cầu tại Seattle vừa qua vạch trần thủ đoạn lấn lướt, chèn ép trong xã hội tư bản. Người ta chỉ thực sự có nhiều vận hội và bình đẳng khi quy luật cá lớn nuốt cá bé bị tiêu diệt. - Xã hội càng tân tiến thì càng lắm phức cảm. Tâm hồn sâu sắc của người Á đông chính là rào cản khiến các sắc dân da vàng chưa bao giờ hoàn toàn hòa nhập được vào lối sống Âu Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Mỹ luôn mang cảm giác bất an. Mặt trái của tự do kiểu Mỹ là vậy. Bọn côn đồ mũi tẹt thỉnh thoảng vẫn bắn nhau trong quán của anh chị. Mâu thuẫn khá vớ vẩn. Sức ép tinh thần thường trực kết hợp với lối suy nghĩ nông cạn, buông thả làm người ta khó tự kiềm chế. Không có tiền khổ chục nẻo thì có tiền khổ trăm nẻo. Băng đảng trộm cắp rình rập, đố kỵ. Có đủ người Việt, người Mễ, Mỹ trắng, Mỹ đen. Đời sống thu hẹp trong công việc và gia đình. Gia đình truyền thống của chúng ta không thể thiếu con cái. Cái dở là thế hệ tiếp theo không hiểu cha mẹ chúng cần gì. Anh Dũng và chị Linh cũng bắt đầu hậu vận hưng nhàn. Từ đầu thập kỷ 90 họ dành dụm mua vài mảnh đất ruộng bên kia cầu Sài Gòn. Đô thị phình ra, lãi trăm lãi ngàn. Họ gom góp xây ngôi biệt thự cho Tây thuê giữa khu nhà ngói xanh ngói đỏ phường Thảo Điền, quận Hai. Chị Linh mở thêm cửa hàng thời trang trên đường Lý Tự Trọng. Suy thoái kinh tế, họ dọn về căn biệt thự ế khách. Anh Dũng lập quán cà phê vườn nho nhỏ ngay tại nhà, thế là đủ sở hụi hằng ngày. Anh nghỉ việc nhà nước về tỉa tót cây cảnh, mặc chị Linh bán buôn ngoài phố nhộn nhịp. Thịnh, đứa con duy nhất của anh chị đã lớp 12, cao to, lanh lợi và liếm thoắn. - Anh an phận và bắt đầu nghỉ ngơi sớm vậy? - Khủng hoảng chỉ nhất thời thôi em. Sau cơn sốt nhà đất thường là thời kỳ đóng băng. Người ta cứ bảo sốt ảo, đóng băng thật. Nhưng ngược lại mới đúng. Diễn biến này chính là phân hóa xã hội. Thiểu số nào đó sẽ thu vén hết của cải xã hội, đẩy đa phần dân chúng thành người vô gia cư, người làm thuê, ở thuê. Quá trình này sẽ từ từ xoáy vào đời sống bằng những chu kỳ không đều đặn, phụ thuộc ở giá trị tích lũy niềm tin, tích lũy tư bản. - Thì ra anh ứng dụng cách mượn gió bẻ măng. - Phải là gió mới ăn trên ngồi trước được. Nếu không có sự đột biến nào, chừng hai thế hệ nữa, tài sản anh chị ky bo sẽ chia nhỏ cho con, cháu. Đó cũng là phân hóa, sự phân hóa của tự nhiên. - Được, mất thật vô biên anh nhỉ! - Khi không nắm quy luật người ta mê tín và tin vào số phận, cho nên mới có câu: triệu phú do bần, tỉ phú tại thiên. Giàu nghèo là hai mặt tối sáng của văn minh. - Giàu luôn dễ tính bằng các con số. Nghèo khổ thì khôn cùng. Đây phải chăng là hố chôn tương lai? Lắm khi thịnh vượng gắn liền với tai họa. - Đừng truyền thống thế. Đừng định nghĩa mạt rệp là đạo đức. Đó là sai lầm khủng khiếp của bản sắc và lịch sử văn hóa Việt Nam đấy. Hãy tìm đọc Hoá thực liệt truyện trong Sử ký Tư Mã Thiên. Ngoài ra ông ta còn viết: “Phép trị nước cao nhất của Đế vương là thuận theo ý muôn dân. Hạng nhì dẫn trăm họ về đường lợi ích. Hạng ba dùng đức giáo hóa. Hạng tư kế đến lấy hình pháp ràng buộc. Thấp tệ hơn hết là nhà nước đứng ra tranh giành mối lợi của dân. - Vỡ lẽ thật! Xã hội công dân mà các nhà tư tưởng đối lập Đông Âu thai nghén từ nửa sau thế kỷ 20 không mới mẻ lắm. Đây là thất truyền hay sự mê muội? - Ngọc quý ít thấy ánh sáng. Anh Chung của Phương lấy vợ năm 1990. Học muộn, ra trường trễ, chí thú làm ăn anh cũng yên phận trong căn nhà nhỏ giáp ngoại ô Glendale, Arizona. Anh hiện làm công cho hãng kinh doanh máy tính. Bé gái của anh chị mới chín tuổi mang tên thuần Việt, Vương Thị Hoài Hương, mặc dù vẫn phải hoán đổi họ ra sau. Chị Xuyến, vợ anh người Việt gốc Hoa, xuề xòa dễ tính. Chị là bác sĩ Đông Y có phòng mạch tư đang ăn nên làm ra. - Việt Kiều khắp nơi, không riêng ở Mỹ, chưa tìm ra tiếng nói chung. Cảm giác chiến bại thỉnh thoảng che mờ sự rạn nứt và bôi xóa mãnh liệt đang hoành hành - Chung phân tích. - Thời gian không đợi ai. Viễn cảnh thật đáng buồn. Em còn nghe khái niệm Do Thái da vàng. - Do Thái da vàng là người Hoa hoặc người Việt gốc Hoa sống tại Mỹ chứ không phải người Việt Nam. Đằng sau sự sầm uất, rình rang bề nổi của Sài Gòn nhỏ ở Cali hoặc nhiều tiểu bang khác là các ông chủ đất, chủ nhà người Hoa. Họ lặng lẽ thu tiền thuê mướn từ người Việt. Không kèn, không trống, họ ngồi mát ăn bát vàng trên lưng cộng đồng Việt mấy mươi năm nay rồi. - Anh có bao giờ so sánh vài cộng đồng Mỹ gốc Á không? - Rất mủi lòng. Phải nói chúng ta thua thiệt mọi bề. Người Hoa chẳng hạn, ít bốc đồng, ít chơi trội, ít kèn cựa. Người Hoa theo Tưởng và người Hoa theo Mao không khi nào đấu tố nhau. Chắc họ hiểu nguồn mạch văn hóa là vĩnh cửu, son phấn chính trị chỉ nhất thời. - Em hơi bất ngờ. - Sự tồn tại bền vững phải gánh vác những ý nghĩa tích cực. Ý nghĩa cuối cùng của bản năng trong từng cá nhân là mưu sinh độ nhật nhằm duy trì nòi giống. Có hay không bản năng cộng đồng? - Sau thế chiến thứ hai, gần mười triệu người Đức trở về, đồng cam cộng khổ dọn đống gạch vụn. Hình ảnh ấy đẹp biết bao. - Nhiều tổ chức Việt Kiều luôn cực lực phản đối bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ và ký hiệp định thương mại. - Anh đoán xem hai bên có tái họp và ký kết sau lần đổ vỡ vừa qua không? - Hãy nhận rõ chân tướng của các hình thái chính trị Tây dương, phân tích xác đáng vị thế của đất nước ta trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Câu trả lời nằm ở đó. - Ảnh hưởng mà người Mỹ muốn tạo dựng trên đất nước này là động lực cuối cùng để họ nhượng bộ. Cái gọi là lợi ích kinh tế dành cho thương gia Mỹ, hoặc chiêu bài dân chủ hay nhân quyền đều là vỏ bọc. Tay lái buôn giàu xụ kia chẳng ham hố gì mảnh thị trường đông dân nhưng còn quá nghèo của chúng ta đâu. Ba mươi năm nữa, tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam chắc chắn chưa bằng 1% của Mỹ. Không chóng thì chầy Mỹ sẽ ký hiệp định với chúng ta. Đó là bước đi đầu tiên trong nỗ lực đề phòng từ xa một dân tộc Trung Hoa hùng cường nay mai. - Con thuyền Việt Nam thêm lần nữa đứng trước thử thách của cục diện vĩ mô. Thử thách luôn bắt buộc phải mang theo lợi thế cùng nhiều toan tính. - Một tác giả tên tuổi của đại học Havard dựng ra lý thuyết về xung đột giữa các nền văn minh. Ông ta nghĩ thế chiến thứ ba sẽ xảy ra ở nơi có sự chồng lấn và giao thoa văn minh. Việt Nam là điểm hội tụ tất cả điều kiện cần thiết để hình thành ngòi nổ. - Đáng tiếc, lịch sử đứng về hoang tưởng ấy. Không ai có thể phủ nhận Việt Nam hai ngàn năm nay là một mắt xích của chuỗi văn minh đông Á. Tuy vậy, đây lại là mắt xích biên viễn yếu nhất. Nhật Bản tự thân vận động thành đế quốc. Triều Tiên, Trung Hoa thì rõ ràng chưa dễ bị nuốt trửng bởi Tây dương. Duy nước Việt ta, hoàn toàn chìm trong đêm dài nô lệ, nếu không kể triều đình Huế hư danh. Thậm chí ngôn ngữ của chúng ta, trên hình thức truyền thông, đã bị biến đổi và hiện nay đang nằm dưới nguy cơ Âu hóa khôn lường. - Toàn cầu hóa và đa phương hóa sẽ hóa giải yếu địa chăng? - Ảo tưởng toàn cầu hóa rất đáng sợ. Thật ra quá trình toàn cầu hóa hiện nay chỉ là toàn cầu về kinh tế, giữa những tên tư bản kếch xù nhất. Hàng chục cuộc sát nhập của các tập đoàn khổng lồ đang nở rộ. Từ New York đến Frankfurt, từ Luân Đôn đến Tokyo, không phân biệt địa phương, dân tộc, bọn trọc phú đoàn kết hơn bao giờ hết để tạo ra hệ thống vơ vét lớn chưa từng có. Chúng sẽ hút máu nhân loại cần lao và phá hủy hoàn toàn môi trường sinh thái của hành tinh xanh. - Giáo sư Amartya K. Sen nghiệm thấy nghèo đói có nguyên nhân chủ yếu từ mô hình kinh tế sai lệch. Ngược lại, muốn có thật nhiều tiền, tư bản từ lâu đã vận hành những học thuyết hữu dụng để vắt kiệt sức lực và tài sản thiên nhiên của nhân loại. Cỗ máy hiện đại nhất của chúng bây giờ là cỗ máy "Toàn cầu hóa". Cái tên này khá văn hoa, vô tình phù hợp với khái niệm nền kinh tế tri thức. Chúng tung hô lợi ích này nọ, dân chủ, tự do. Thực chất là tự do cưỡng ép, dân chủ tống tiền cho bọn đầu tư. - Toàn cầu hóa thông tin sinh ra nền kinh tế tri thức. Lập tức toàn cầu hóa mậu dịch được thai nghén để mưu lợi. Năm ba ngàn người luôn tụ tập phản đối trước cửa các nghị phòng của IMF, WB, WTO chứng minh toàn cầu hóa lương tri, nhân bản và nhân ái thuộc về của thiểu số. Hàng rào cảnh sát với chó săn, ngựa chiến, dùi cui, súng đạn, ngăn cản đàn áp nhóm người kia chính là bộ mặt thật của những ông chủ lớn trên thế giới. Tại sao chúng sợ đoàn người chỉ mang theo biểu ngữ và lời kêu gào thống thiết? - Ngày trước tư bản chia nhau các châu lục để cướp bóc bằng các cuộc chiến tranh qui mô đồng bộ. Hôm nay, bất cứ mảnh đất nào trên hành tinh chúng ta cũng có thể bị chúng cùng bâu lại làm gỏi bằng vài mảnh văn tự ngọt ngào nhất. Chúng càng ranh ma thì càng đề phòng rơi mặt nạ, càng sợ sự cảnh tỉnh của các cuộc biểu tình. *** Một ngẫu nhiên lớn đã xảy ra. Năm ngoái anh Chung dẫn vợ con về quê ngoại ở Quảng Đông. Từ bến xe đò đối diện ga tàu lửa Hương cảng họ đến thị trấn Lão Sơn tá túc vài hôm trong gia đình họ hàng chị Xuyến. Lang thang gần đó vãn cảnh anh phát hiện được nguyên quán năm đời của mình. Về Việt Nam Chung đưa Phương tờ giấy, chữ Hán giản thể viết tay rất tháu: - Em dịch đi. Cái này hay lắm. - Trung Hoa quốc, Quảng Đông tỉnh. Bất Giá Sơn trấn, Vương Tộc hương - Phương vừa đọc vừa đoán - Quê ngoại bé Hoài Hương hả anh? - Địa chỉ cố hương chúng ta đó. "Anh muốn có thời gian nói chuyện đủ ngọn ngành. Ở Việt Nam anh nghe kể ông cố là con một người Trung Hoa lưu lạc sang vùng Rạch Giá lập nghiệp dạo chiến tranh Nha phiến. Thuở khẩn hoang người chăm chỉ làm ăn. Đến đời ông cố thì phất lên, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Thời đó pháp luật chưa đến vùng hẻo lánh. Các gia tộc tự luyện võ, vũ trang giữ đất mà tồn tại. Ông nội ba tuổi thì mất cha vì cuộc đụng độ lớn với gã hội đồng Phước chuyên đè nén kẻ thấp cổ bé họng. Giết người xong chúng ép phải bán rẻ đất vừa khẩn hoang cho chúng. Họ Vương ngậm đắng nuốt cay dời về Bạc Liêu. Của cải lại tìm đến người lam lũ cần kiệm. Cha mình sanh ra trong nhung lụa. Ông nội chẳng tiếc tiền cho cha lên Sài Gòn ăn học. Ông tổ họ Vương là một hào trưởng tinh thông phong thủy, Kinh dịch. Của quí duy nhất ông tặng con mang theo lập nghiệp bên này là lá bùa hộ mệnh. Ngoài phần chú niệm an lành may mắn, ông trích năm chữ từ bài cổ văn ông thích gồm Thụy - Công - Ly - Thức - Linh và khuyên sử dụng năm chữ này làm tên lót cho năm thế hệ tiếp theo của các chi tộc ở Trung Hoa cũng như Việt Nam. Lý ra cha mình lót chữ Ly nhưng ông đã tự ý đổi tên khi tham gia kháng chiến. Anh lấy làm lạ với làng họ Vương tại thị trấn Bất Giá Sơn. Anh dẫn chị Xuyến đi thăm nghĩa trang của làng. Anh bập bõm dăm ba chữ Hán. Chị Xuyến biết nhiều nhưng không đọc sõi âm Hán Việt. Và anh bủn rủn hết chân tay khi nghe chị Xuyến dịch lòng vòng các ngôn ngữ Việt, Hán Việt, Anh để xướng tên người trong một khu mộ giản dị. Tất cả chia theo lớp lang, thứ tự y như năm chữ nói trên. Dò hỏi mãi cũng tìm được thân nhân khu mộ. Hậu thế nói đúng tên ông tổ chúng ta theo trí nhớ của anh. Bên đó đời thứ sáu lót chữ Hiển. Mai này sanh con em hãy nhớ chữ Linh. Anh mong lắm!". - Khi nào có điều kiện em sẽ về thăm cố hương. - Quê nghèo! Chẳng khác gì làng mạc xa xôi ở ta. Mừng là chính phủ rất giàu. Các công trình phúc lợi xã hội đang từng ngày đổi thay lục địa. Nếp sống đô thị tuy chưa thật hào nhoáng như Tây dương, nhưng cốt lõi chỉn chu, nghiêm cẩn trong xây dựng, văn hóa sinh hoạt và đời sống, chứng minh rằng họ đã tạo được tiền đề tiến lên văn minh mạnh mẽ, nhanh chóng. - Em vẫn tin thế kỷ 21 là thế kỷ của người Á đông, trong đó có dân tộc chúng ta. - Nhìn thẳng vào sự thật vẫn hơn. Thế giới luôn rùm beng chuyện ấy. Thậm chí ứng cử viên tổng thống Mỹ còn tuyên bố phải kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc. Con đường phồn vinh trên cơ sở lao động chân chính còn lắm gian nan. Có khi tưởng bở quá hóa diệt vong. Cái bẫy nguy hiểm nhất là cái bẫy ngọt ngào nhất. Từ khi Trung Quốc mở cửa, Tây dương có điều kiện tiếp xúc đầy đủ với cái nôi văn hiến Á đông. Họ choáng ngợp trước sự vĩ đại của quá khứ chúng ta. Tâm trạng lo lắng về cuộc rượt đuổi lấn lướt là kết quả dễ hiểu. Nước Mỹ hiện đang manh nha hội chứng mới tương tự như hội chứng Việt Nam xưa kia. Họ rất sợ Trung Quốc làm chủ những phát minh khoa học lớn. Điển hình là việc bắt giam bừa bãi nhà bác học họ Lý mới đây. Ông Lý bất cẩn sao chép hồ sơ kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân sang đĩa mềm, mà quên ghi mã số an toàn. Thế là ông bị kết tội, đày ải xuống bang New Mexico chờ điều tra và ra tòa vì "Cung cấp thông tin tối mật cho Bắc Kinh". - Điều đáng buồn là ở chính mảnh đất Việt Nam này, cũng ẩn tàng hội chứng Trung Hoa. Người Mỹ có lý của họ, nhưng với người Việt Nam, hội chứng Trung Hoa dường như là ám ảnh không thật, là ý thức bề nổi cố tình che giấu vô thức nhược tiểu trầm trọng nếu không kể đến sự đố kỵ thường tình giữa hai kẻ láng giềng có quá nhiều liên hệ lịch sử, văn hóa, thậm chí huyết thống. Với nhiều con bệnh, tai họa lớn nhất là tai họa không bao giờ có khả năng xảy ra. Chiến tranh trong dĩ vãng tác động đến chúng ta quá nhiều. Không kể thuở hồng hoang chưa minh bạch, từ khi người Việt giành được độc lập cách đây 1000 năm, các cuộc xung đột phần lớn nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến. Đời Trần quân Nguyên xâm lược Việt Nam chứ không phải Trung Hoa. Minh, Thanh đánh ta vì quí tộc thất sủng của Việt Nam cõng rắn cắn gà nhà. Triều Lý thì đánh qua đánh lại. Lý Thường Kiệt khởi binh trước. Lịch sử Việt Nam tung hô trận san bằng thành Ung Châu và tàn sát 58.000 người là "An Nam đệ nhất võ công". - Mao Trạch Đông từng gọi nước Mỹ là “con hổ giấy”, nghe qua có vẻ thấm đẫm tinh thần AQ. Nếu chịu khó đào sâu sẽ thấy nhiều tầng ngữ nghĩa. Dẫu câu nói ấy đơn giản là liệu pháp tâm lý cũng không thể xem thường. Dân Trung Hoa được khuyên nhủ không nên sợ Mỹ, dù cảnh giác cũng chẳng thừa. Nấc thang “không sợ” nằm dưới nấc thang “được nể vì”. Hoang mang về đế quốc Trung Hoa trong lòng người Việt là rất thật. Thời phong kiến chúng ta chỉ biết so sánh với Trung Hoa, và luôn nhận ra nước Việt thật nhỏ bé. Thế kỷ 20, tầm nhìn càng rộng, chúng ta lại thấy mình còn nhỏ hơn nữa. Thế kỷ 21, lẽ nào điều đó sẽ tái diễn. Nếu không mơ hão thành cường quốc, người Việt với mảnh đất hình chữ S tuy khiêm tốn vẫn có thể mong trở nên một quốc gia phát triển, tiến bộ, văn minh. Cuộc cách mạng đầu tiên chúng ta phải làm nhất định là tiến trình giũ bỏ vô thức nhược tiểu, tâm lý tự ti trong tư tưởng chính mình. Chúng ta nên lấy thành công của bè bạn, láng giềng làm gương hơn là biến nó thành sự ái ngại vô lý, thành căn bệnh thần kinh mang tính chất di truyền cho các thế hệ mai sau. - Đại Việt sử ký toàn thư – Ngoại kỷ - Quyển 2 – Lê Văn Hưu nói: “…thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi…. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế (tức Nam Việt Vương Triệu Đà) mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giếng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương bắc không thể lại ngấp nghé được…”. Cùng trang này, Ngô Sĩ Liên cũng bàn: “Kinh dịch nói ‘Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua’”. - Thiện chí và lòng tin tương hỗ sẽ vun đắp hạt giống lịch sử thành cây cổ thụ hòa bình, hữu nghị. Hy vọng trong bóng mát vĩnh cửu, người Việt và người Hoa sớm tái thức tỉnh tình anh em môi hở răng lạnh, chung mạch nguồn văn hóa Á đông. - Nhìn Á cũng nên xét Âu. Nó cho ta tầm mắt quán xuyến, đa chiều. - Có quá đáng không nếu tạm ước đoán ba mươi phần trăm cơ sở vật chất văn minh Tây dương sở hữu là do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Bảy mươi phần trăm còn lại là kết quả của cướp bóc, giết người và xâm lược. Họ chiếm toàn bộ châu Mỹ, châu Úc, tiêu diệt hoặc xua đuổi người bản xứ vào những khu đất cằn cỗi, bất lợi. Họ nô lệ châu Phi mấy trăm năm, và hiện vẫn còn làm chủ gần hết tài nguyên khoáng sản ở đó. Á châu chỉ cầm cự ở mức độ nhất định, đa số đất đai chúng biến thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa cả thế kỷ. Vài năm trước chúng còn trâng tráo tổ chức rùm beng ngày tên hải tặc Kha Luân Bố đặt bước chân đầu tiên lên Tân thế giới. Cái bất biến của văn minh Tây dương chính là bản chất ăn cướp. Đã là kẻ cướp thì nhìn nhận của chúng nông cạn là dễ hiểu. Ban đầu chúng đòi "khai hóa" Á đông bằng các yêu cầu thông thương, tự do truyền giáo. Sang thế kỷ hai mươi, sau khi phải ngậm ngùi cút khỏi Á đông, chúng tô vẽ thêm con bài nhân quyền, hòng trở đầu làm mưa làm gió trên mảnh đất này. Hãy nghe học giả Tây dương phán xét về cuộc trường chinh vô vọng của nòi giống mình từ đầu thế kỷ hai mươi: " Chúng ta thấy trước mắt một nền văn minh trọn vẹn, đã xây dựng từng nền tảng một từ lâu đời, nó đã quá tinh anh, quá học thức, quá cổ đại đến mức đôi khi gần như xuống dốc (vì đã lên tột đỉnh). Tất cả nghệ thuật và rất nhiều những khoa học, kể cả khoa cai trị, đã đi đến chỗ toàn mỹ… Những luật lệ, phong tục, tôn giáo và văn học đã kết hợp chung lại một cách hoàn hảo và thuận hợp, mà từ nhiều thế kỷ qua đã tạo nên nền văn minh hài hòa. Tất cả dã man đã biến mất từ lâu, dân tộc này đã khai hóa, trong khi ở Tây dương con người mới chỉ có bán khai… Mưu toan tiêu diệt một nền văn minh như vậy là một ý định điên rồ và là một tội ác. Những hành động hiện tại của chúng ta, với sức mạnh vũ lực nhất thời, không thể nào mãi mãi chống nổi những gì đã có từ lâu đời, đã được toàn thể tôn kính. Nếu chúng ta tấn công vào, chúng ta sẽ là những kẻ chiến bại. Chúng ta sẽ bị áp đảo bởi nền văn minh ấy, không thể nào đánh sâu vào gốc rễ nó được…" Tuy rất sáng dạ và phân tích rất chí lý, vị học giả nọ vẫn không vượt qua được dã tâm ăn cướp của đồng chủng mình khi đề ra đường lối bóc lột tinh vi hơn: "Chúng ta phải làm thế nào để thích nghi với nền văn hóa ấy, để phục vụ thành công kế hoạch của chúng ta… Trừ những người ảo tưởng một cách cứng đầu, hoặc vài bộ óc thoái hóa, thật không còn ai nghĩ đến đường lối chính trị áp chế ở Đông dương…". Trích đoạn này nằm trong quyển sách viết về Phan Chu Trinh. Tiến sĩ Thu Trang Công Thị Nghĩa dẫn dịch lời nói kia từ Albert de Pouvourville: Les Défenses de l Indochine et la politique d association. Nhà xuất bản A. Pedone, Paris 1905. - Nói chung khái niệm “dân chủ” mà Tây dương luôn muốn áp đặt lên đại lục Á đông của chúng ta chẳng khác nào chiếc thòng lọng vô hình. Điều kiện tiên quyết của dân chủ phải là dân trí. Khi cách mạng dân chủ tư sản nổ ra tại trời Âu, trên 60% dân số Tây dương là người thành thị. Ở Á đông thì sao, 70% nhân lực của chúng ta hiện vẫn là nông dân. Hệ quả của việc này thế nào thì không phải ai cũng hình dung được. Đặng Tiểu Bình tiên đoán giữa thế kỷ 21 Trung Hoa mới có thể áp dụng phổ thông đầu phiếu. Chiếc áo “dân chủ” Tây dương từng khoác vội lên dăm hòn đảo xung quanh chúng ta có làm họ giàu mạnh, thống nhất và hùng mạnh hơn Trung Hoa đâu. Vẫn chỉ là bất ổn, xào xáo. Ngay Thái Lan đến tận năm 1992 mới bắt đầu áp dụng bài học dân chủ đầu tiên, kết quả đang ở phía trước. - Trong trường hợp này, dân chủ là vỏ bọc của dã tâm ăn cướp và âm mưu khuynh loát hệ thống chính trị của chúng ta. - Nhìn qua hình dáng vị anh hùng bậc nhất của họ là Napoleon cũng đủ thấy bản chất ấy. Xuất thân từ thất phu, Napoleon dựa dẫm mụ quý tộc nạ dòng để ngoi lên. Đời hắn trải dài trên các cuộc xâm lăng cướp phá triền miên. Hắn lải nhãi ca ngợi văn minh cổ Ai Cập trong khi không chút do dự hạ lệnh bắn đại bác vào tượng Nhân sư để tìm… vàng! Đúng như lời của hắn: "Từ cái cao cả đến cái lố bịch chỉ cách một bước chân". Những tên sát nhân, sát văn hóa hèn hạ dường ấy vẫn ngự trị trên cõi đời này như biểu tượng anh hùng bất tử thì chưa có gì sáng sủa cả. - Hãy so sánh hành động của bọn lính Lang Sa đã đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một cột trước khi trao trả Hà Nội, và việc Ba Lê phi quân sự để bảo vệ di sản kiến trúc trong thế chiến thứ hai; là biết ngay "cái cao cả" của bọn hèn mạt. - Nửa sau thế kỷ hai mươi trở đi con bồ câu trắng ngậm cành ô liu đánh lừa được nhiều người. Các chính sách tiền tệ, đầu tư, tài trợ hoặc toàn cầu hóa của Tây dương xem ra còn õng ẹo hơn cành Ô liu nhiều. Lưỡi kiếm êm ái, tuyệt đối hữu dụng là lưỡi kiếm sắc nhọn, càng mềm càng mỏng càng tốt. Sự nhân đạo duy nhất là nạn nhân sẽ không cảm thấy đau. Cái chết đến nhẹ nhàng như giấc ngủ. Kỷ nguyên nô lệ Hậu hiện đại đang thành hình và được quảng bá trần trụi. Không có bom đạn chưa hẳn là hòa bình. Nghệ thuật ăn cướp siêu hình mới mẻ của Tây dương đã triệt hạ tất cả những nỗi đau thức tỉnh hữu hình nơi con mồi. - Người Việt Nam tin mình rất yêu chuộng hòa bình. Không sai! Nhưng chúng ta không tin Trung Hoa cũng là dân tộc yêu hòa bình. Mảnh đất Á đông luôn luôn yêu chuộng hòa bình, ngoại trừ Mông Cổ xa xưa và nước Nhật nửa đầu thế kỷ 20. Tần đại đế uy vũ trùm thiên hạ, thống nhất nội quốc bèn xây Vạn lý trường thành nhằm chấm đứt binh đao vĩnh viễn với rợ Hung Nô. Công trình ấy là gì, nếu không phải lời cầu nguyện hòa bình thuyết phục nhất của người Trung Hoa. Vó ngựa Hung Nô bị Trường thành và những đạo quân tinh nhuệ của Hán Vũ đế đuổi về phía tây. La Mã bị đốt trụi, Ba Lê bị vây hãm trong vài thế kỷ tiếp theo là hệ quả tất yếu… - Chẳng lẽ giờ đây chúng ta nên xót xa vì tổ tiên mình yêu chuộng hòa bình? - Thời cổ đại, hòa bình chưa hẳn đã tốt. Dường như bản năng xa xưa của nhân loại từng sử dụng chiến tranh như cơ hội để lai tạo nhiều chủng tộc với nhau, nhằm tạo nên các thế hệ ưu việt hơn. Một trong những nguyên nhân làm biến mất rất nhiều nền văn minh cực kỳ rực rỡ của loài người là vì họ đã sống và phát triển trong không gian hoàn toàn đồng chủng. Gần chúng ta là văn minh Phù Nam, xa có văn minh Incas, Mayas, Aztec… Quá mù sa mưa, lạm dụng chiến tranh như Hy Lạp, Lưỡng Hà tất đi vào ngõ cụt. - Nói vậy hơi quá nhưng rõ ràng nếu từ năm 221 trước công nguyên, Á đông mở vòng tay tiếp cận nhiều nền văn minh khác ngoài lãnh thổ của mình thì hôm nay khuôn mặt nó chắc rất sáng sủa. Các triều đại và chính thể hậu Tần không có đầu óc duy tân triệt để như Thủy hoàng đế. Đó mới là điều đáng tiếc. - Sự phát triển rực rỡ của Triết học Tiên Tần thai nghén ra Tần Thủy Hoàng. Hệ tư tưởng lớn là cha đẻ những lãnh tụ kiệt xuất. Thời đại sinh thành vĩ nhân. Không bao giờ có chuyện ngược lại. - Tần Thủy Hoàng đã chiến thắng sự chia rẽ cũng như tư duy vụn vặt, tủn mủn nằm trong máu người Á đông. Nhà nước phong kiến tập quyền ông dựng nên khá hùng mạnh vào thời điểm ấy. - Đốt sách, chôn 460 Nho sinh, đày ải dân đen trong công trường xây dựng lăng mộ và Vạn lý trường thành là hai tội không thể tha thứ của ông ta? - Cho nên mới xuất hiện câu chuyện truyền khẩu bệnh hoạn ý nói Tần Thủy Hoàng là con hoang. Lời nguyền đó là hình phạt nặng nề nhất mà ông ta phải chịu đựng hai thiên niên kỷ rồi. Những đứa con hoang của văn minh hiện đại chỉ cần một quả bom thông thường đã phanh thây cả ngàn tính mạng, chỉ cần một tệp tin nhỏ trên mạng máy vi tính trong nửa ngày có thể xóa sạch hàng triệu ổ cứng với dung lượng tương đương nhiều thư viện sách vở khổng lồ. - Lỗi cũng do kỹ nghệ giải trí rẻ tiền. Buồn là số đông công chúng không tin tín sử, như của Tư Mã Thiên chẳng hạn, bằng những hư cấu quái thai. Ngay cả Chiến quốc sách, tác phẩm văn học chính trị cổ đại cũng chỉ dám nói Lã Bất Vi buôn vua, làm gì có chuyện Tần Thủy Hoàng là con lão ta. Yên vương hèn bạo, giết Thái tử Đan dâng thủ cấp cho Tần bởi Tần hung bạo! Mâu thuẫn ba xu kiểu như vậy hết đời này đến đời khác vùi dập hình ảnh một con người vĩ đại, vĩ đại hơn chính cái đất nước mênh mông và thời buổi cách mạng triệt để nhất trong lịch sử Á đông mà ông gầy dựng nên. - Hãy nghĩ về quá khứ bằng cả tấm lòng, hướng đến tương lai với trọn vẹn lý trí. - Giáo chủ John Paul II ở Roma vừa rồi công nhận Galileo đúng. Nghe bảo ông ta cũng sắp xin lỗi nhân loại về những tai họa có dính dáng đến toà thánh Vatican trong sự cuồng tín. - Ngài John Paul II già nua, yếu ớt thật dũng cảm và đáng được tôn trọng. - Lịch sử cướp bóc của Tây dương gắn liền với lịch sử truyền đạo Kitô. Chiêu bài tự do tín ngưỡng luôn là vũ khí quan trọng khai hỏa vào thành trì độc lập. Hiện nay tất cả các chính trị gia Tây dương vẫn chưa chịu từ bỏ lý thuyết cũ mèm này. Chứng tỏ dã tâm nô thuộc chưa mất đi, chúng chỉ ẩn trốn dưới các mỹ từ cao sang hơn. Nhìn lại mới hay Nho Lão của Á đông cao cả biết chừng nào. Đó là thái độ "giác ngộ" hiền lành, trân trọng đặt con người vào ba ngôi: Thiên - Địa - Nhân. Cõi cực lạc của Nho Lão không ở trên chín tầng mây. Nó là những giá trị nhân bản đã thất truyền, cần được cứu chuộc: Đề cao con người, không hạ thấp tự nhiên, có ý thức tương thông, tương cảm với tự nhiên. Người hiện đại phải học hỏi tư duy này, trước ngưỡng cảnh trái đất bị tàn phá nặng nề bởi công nghiệp. - Nho Lão không phải tín ngưỡng. Đó là tập hợp triết lẽ và đạo lý nhân sinh hoàn chỉnh nhất, nhân ái nhất của Á đông nói riêng và loài người nói chung. Về bản chất, xã hội không giai cấp Marx từng mơ đến ở thế kỷ 19 rất gần với huyền thoại Nghiêu - Thuấn lý tưởng của Khổng Tử. Nếu biết câu "Dân chi cơ dĩ kỳ thượng thực thuế chi đa" (dân khổ vì thuế cao) trong Đạo đức kinh, ta sẽ nhận thấy giải Nobel kinh tế 1998 của Amartya K. Sen là sự diễn giải chi ly, tỉ mỉ bằng thuật toán hiện đại nhận xét cô đọng kia của Lão Tử mà thôi. Hai ngàn năm trăm năm nay kẻ khen nhiều, người chê lắm nhưng Nho Lão vẫn tồn tại. Các biến thể của nó như Hán nho lão, Tống nho lão, Thanh nho lão và cả Việt nho lão đều có chung cội rễ. Nho Lão cần sức sống mới, cái mà thời đại nào cũng có nhưng chưa biết dùng đúng nơi, đúng chỗ. Người ta đã nghiên cứu Nho Lão quá nhiều. Hôm nay các triết gia nên suy tư về nó. - Nho – Lão sẽ là lưỡng nghi của nhân văn Á đông ngày mai. Cực âm sinh dương. Cực dương hình âm. Lẽ biến dịch này là gì nếu không phải là sự vận động của xã hội, của tư tưởng. Phan Bội Châu xem Kinh Dịch là nhân sinh quan, vũ trụ quan của nhân loại. Ông cho rằng bình đẳng và đại đồng hay cộng hòa là tinh thần của Kinh Dịch. Lâu nay Dịch hay bị nhầm lẫn tương đương với suy diễn luận phiến diện. Thực ra nó chính là phương pháp luận đặc sắc và rất riêng của Á đông. Nó sinh ra do nhân tâm hòa điệu cùng vũ trụ, đó là thiên địa nhân hợp nhất. Nó thay thế được tôn giáo nên dù cả trăm năm vận động, lôi kéo, đạo Kitô chỉ khiến dưới 7% người Á đông đi theo. Nó vượt qua giảm hóa luận hiện đại một bậc ở chỗ ít chủ quan và áp đặt. - Triết học Tây dương đã hoàn toàn phá sản. Phương pháp giảm hóa luận lấy cá thể đặc thù làm chân lý - và ngoài phạm trù cá thể đặc thù ra, tất cả mọi ý nghĩa chỉ là sự giả định suy diễn thiếu cơ sở vững chắc. Tuy vậy giảm hoá luận vẫn là nền móng cho giá trị nhân văn Tây dương cả thế kỷ qua. Đây là sai lầm cơ bản của chuỗi lý luận, và nó đã lây nhiễm ra cả cộng đồng thế giới vốn nhắm mắt chạy theo văn minh Tây dương vô ý thức. - Kinh dịch có bổ khuyết được cho giảm hóa luận không, chắc chắn vẫn là điều bí mật của tương lai. *** Hôm đưa ông táo về trời, ba đứa cháu lớn của Phương bất ngờ đổ bộ vào nhà anh. Chúng tự tay dọn dẹp, thu xếp đồ đạc, khóa trái cửa và lôi bằng được Phương qua nhà anh Dũng ăn tết. Nhìn thế hệ tiếp sau mình Phương không rõ cảm xúc. Catherine và Tony chỉ là người Việt 50%. Chúng nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ kha khá nhưng hay bí từ ngữ kinh tế, khoa học. Chúng chẳng khen hay chê nước Mỹ. Chúng không quan tâm đến lĩnh vực xã hội. Đời sống là hiện tại với những nỗi lo nhỏ hẹp. Chúng coi quê cha đất mẹ là chốn du lịch hơn là nỗi niềm nguồn cội. Tuy nhiên tình cảm chúng dành cho người thân còn tương đối sâu đậm. Chúng thực lòng quí Phương, nhất là Catherine, lúc nào đi chơi cũng nài bằng được cậu Phương tham dự. - Tụi cháu vẫn là người Việt vì biết tội nghiệp lo âu vô lý của cha mẹ - Catherine và Tony giảng giải cho Phương hiểu. - Trong mắt đấng phụ mẫu khắp năm châu, con cái họ luôn còn bé dại. Chú chẳng thấy sự bất hợp lý nào ở đây. - Không đâu chú. Tình cảm của tụi Tây không khắng khít như dân da vàng ta - Tony nói. - Cháu cho chú ví dụ về cái lo âu vô lý xem. - Không riêng gì ba má cháu, phần lớn người nhập cư gốc Á đông đều tham công tiếc việc. So với các cộng đồng khác họ luôn là kiện tướng làm ngoài giờ. Chuyện vui chơi, giải trí bị hạn chế tối đa. Chú đừng nghĩ họ cố kiếm tiền gởi về cho gia đình, người thân nhé. Thống kê cho biết số tiền họ gởi về nước chiếm tỉ lệ không lớn lắm so với thu nhập phụ trội. - Như vậy - Catherine tiếp lời anh trai - cuộc sống thành ra quá nặng nề. Hưởng thụ chính là tái lập sức lao động và tăng cường khả năng sáng tạo. Nước Mỹ còn cho người ta cơ hội sử dụng trước đồng tiền sẽ được làm ra, bằng nhiều cách. Hình như hai mươi năm nay ba má cháu chưa bao giờ phải vay tiền ngân hàng cho sinh hoạt hay mua sắm. Có vẻ như họ rất thích đọc số dư trên tài khoản ký thác. Niềm vui tỉ lệ thuận với độ lớn của các con số. - Đây là biểu hiện bệnh lý dễ hiểu, đáng được thông cảm. Chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu đã ngự trị trong máu người Á đông từ rất lâu rồi. Với đa số cá nhân, họ được làm quen cơ cực gian nan khi còn nằm trong bụng mẹ. Y học có đề cặp đến hành động tích trữ thức ăn, nước uống của những thủy thủ từng bị trôi lạc trên biển, bị đói nhiều ngày. Các cháu chớ cho rằng cha mẹ mình phấn đấu để khỏi phải mượn tiền trang trải học phí đại học cho con cái là không cần thiết. Đừng kết luận vội vàng thu nhập của hai đứa hiện tại dư sức hoàn trả mọi khoản vay, nếu có. Hãy nhận thức về thế kỷ lầm than sắp đi qua trong nỗ lực vượt bậc của lớp người hôm nay. Đó là món nợ không văn tự mà tất cả chúng ta phải có trách nhiệm. Thịnh ở thái cực khác. Với cậu, Mỹ là nhất. Cậu tự đặt tên tiếng Anh cho mình giống tên tổng thống Mỹ đương nhiệm, William Vương. Cậu nói chuyện với Tony và Catherine bằng tiếng Anh. Quần áo đi chơi, đồ dùng hằng ngày của Thịnh in đầy chữ USA và cờ sao sọc. Cậu thuộc lòng tất cả tên ca sĩ và những bài hát Tây dương trong nhóm mười MTV. Anh Chung đang chuẩn bị đón Thịnh qua theo đường du học tự túc khi cậu thi tú tài xong. Chắc chắn Thịnh không tốn mấy thời gian hòa nhập với lối sống Âu Mỹ. Chỉ cần nhuộm mái tóc chẻ ngôi giữa, chẳng ai dám nghi ngờ cậu không phải là Việt Kiều thế hệ thứ hai. Phương thăm hỏi, Thịnh cười tự tin: - Chú ơi văn hóa ngày mai là văn hóa đa chủng tộc. Biên giới của bản sắc sẽ khó nhận ra. - Bản sắc là gốc rễ. Mất bản sắc là mất nước, mất chính đời sống tinh thần và tâm linh phong phú. Hãy xem cháu kìa, câu nói nào cũng cố chen tiếng Anh tiếng u vào. Giống y như cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn phục vụ Ta nhưng cố nhét tiếng Tây từ bồn vệ sinh trở đi. - Tại sao chú đi trách thằng nhóc như cháu vậy. Dịp kỷ niệm thành phố ba trăm năm, hơn nửa ký ức Sài Gòn là hình ảnh thuộc địa. Họ tụng ca vẻ đẹp xưa, sao lục hàng ngàn hồ sơ cũ để làm sống lại tám mươi năm ê chề, bị ngoại bang lên lớp khai hóa. Họ mất gốc hay là thiếu liêm xỉ? - Viện bảo tàng Mỹ thuật Seoul hình như là Dinh toàn quyền cũ của Nhật. Tí nữa nó ra tro vì người Triều Tiên không muốn lưu giữ nỗi đau mất nước. Các cuộc tranh luận công khai trước bàn dân thiên hạ bao nhiêu năm mới đi đến quyết định cho phép tòa nhà đó biến thành bảo tàng. Cái đẹp cần dung dưỡng là điều hiển nhiên nhưng lòng tự trọng phải luôn được duy tồn. - Hôm kia anh Tony và chị Catherine dẫn cháu đến khách sạn Continental ăn tối. Hành lang vào sảnh chính trưng bày nhiều ảnh Sài Gòn xưa. Họ chua mỗi tiếng Pháp, kể cả lai lịch mấy gốc cây Sứ cổ thụ trồng từ năm 1880. Chị Catherine không hiểu cứ tưởng họ triển lãm ảnh Châu Âu. - Ai đó vinh dự vì trăm năm thuộc địa lắm sao? Chú từng xúc động khi đọc một phóng sự nói về người lao vụ gắn bó mấy chục năm với Continental, trải qua ba chế độ. Ông rất vui vì giờ đây nước ta đã hoàn toàn độc lập. Hóa ra ông vẫn là kẻ vong quốc trên chính quê hương mình. Chúng ta là loài vô gia cư trong ngôi nhà mà ta nắm quyền sở hữu. - Xấu xa thay cho cái tên "Hòn ngọc Viễn đông"! - Muốn hiểu tường tận cái tên này, phải đi sâu vào bệnh ngã tâm và thói vọng ngoại của người Việt. Thuyết ngã tâm nói nôm na ra là lập luận tự xem mình như cái rốn của vũ trụ. Thuyết ấy áp dụng ở phương Tây người ta gọi là Âu tâm, ở Trung Quốc gọi là Hoa tâm và ở Hoa Kỳ hiện tại thì chắc chắn sẽ là Mỹ tâm… Thật ra thuyết ngã tâm xưa nay rất phổ biến. “Chẳng hạn thuyết Âu tâm từng làm mưa làm gió suốt mấy thế kỷ vừa qua, tác động của nó đến trật tự thế giới hiện đại không phải nhỏ. Các ngài Âu tâm đặc phong mình là nền văn hóa ưu việt số một, chủng tộc thượng đẳng để bước vào bao cuộc thập tự chinh đầy máu me với tên gọi khá mỹ miều : khai hóa, thanh lọc giống nòi, truyền bá văn minh .v.v… Nhiều hệ quả từ thuyết Âu tâm rất chi là phi lý và ngớ ngẩn như R.Heine-Geldern s (1937) từng đề ra giả định nền văn hóa Đông Sơn với biểu trưng rực rỡ nhất là trống đồng có nguồn gốc từ châu Âu (!?). Thực dân châu Âu trước kia chia loài người thành hai loại là da trắng và da màu. Từ “da màu” để chỉ nhóm người với họ là man di, mọi rợ. Người Việt học tiếng Tây, dùng luôn nghĩa Tây nên ngôn ngữ Việt Nam mới có cụm từ “các sắc tộc thiểu số” khá kỳ cục. “Chúng ta không lạ gì thuyết Hoa tâm, nhưng ít người biết ở Chiêm Thành hay Chân Lạp trước kia thuyết này cũng rất thịnh hành. Ngọn nguồn là từ triết lý tôn giáo Ấn Độ. Nhà vua của họ nói chung bao giờ cũng coi kinh đô của mình là trung tâm vũ trụ. Họ thường xây dựng hoặc chọn ngọn núi có sẵn làm núi Meru (trục quay của vũ trụ) và đền tháp, điện thờ sẽ mọc lên xung quanh, điều đó chứng minh nhà vua là người cai quản vũ trụ. Đền Angkor Vat, Angkor Thom và thánh địa Mỹ Sơn là ví dụ. “Nói chung thuyết ngã tâm mang đầy tính chủ quan, võ đoán và lòng tự tin quá mức. Tuy vậy nó vẫn phải đứng trên những nền tảng nhất định. Rất dễ xác tín các thể chế văn hóa quan niệm mình là tâm điểm của vũ trụ đã từng làm chủ nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật, nhân văn và nghệ thuật siêu việt của nhân loại. Việc phát minh ra giấy và công nghệ in ấn của Trung Hoa chính là cuộc cách mạng thông tin có tính toàn cầu. Nhiều giá trị phương Tây mang bản chất khai sáng hiện vẫn là trụ cột của văn minh loài người. Khiêm tốn như người Chăm, người Khơ Me cũng tạo tác được nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ, độc nhất vô nhị trên thế giới trong thời hoàng kim rất sớm của mình. “Từ xưa người Việt luôn tỏ ra rất ghét thuyết ngã tâm. Âu cũng dễ hiểu vì ta ở cạnh ông láng giềng hơi bị khổng lồ, cái gì của ông ấy mà chả nhất, nghe rêu rao riết cũng bực mình “Biết rồi… khổ lắm… nói mãi…”. Thời tiền hiện đại nước Việt lại bị một gã Âu tâm nô lệ cho gần tám mươi năm. Căm thì có căm đấy, nhưng cũng không thể không phục. Có thể đó là căn nguyên của thói vọng ngoại chăng? Nói cho cùng, nếu không ngã tâm được thì đành vọng ngoại vậy, hai tiến trình này ở góc độ nào đó là đối nghịch nhau, là phản đề của nhau. “Ngày xưa các cụ nhà ta không ưa Tàu nhưng hay “xổ nho”, con cháu hôm nay thì giỏi hơn, kính yêu Tây và xì xồ tiếng Tây không biết mệt. Ngày còn đi học, chú từng dự một “hội nghị dân chủ sinh viên” rất kêu. Ngài hiệu trưởng – giáo sư – tiến sĩ – nhà giáo ưu tú đáng kính đề xuất học trò và thầy cô tích cực rèn luyện Anh ngữ để từ từ phấn đấu sẽ học hành, giảng dạy bằng Anh ngữ. Nghe ra rất phù hợp với xu thế thời đại, nào là hòa nhập, bắt kịp thế giới, xuất khẩu lao động đem ngoại tệ về cho đất nước. Không ngờ có ý kiến phá bĩnh : “Nếu vậy mai này các kỹ sư của chúng ta phải học thêm khóa “tiếng Việt trong kỹ thuật” để giao tiếp với giai cấp công nhân tiên phong thì khá rắc rối. Có nhiều chi tiết máy tiếng Anh gọi là “con mèo”, tiếng Việt gọi là “con chó” cứ loạn tùng phèo lên sẽ nan giải lắm”. Chuyện này may mà bị bỏ lửng, người đề xuớng về hưu, trường cũ của chú đã qua thêm một hai đời hiệu trưởng nhưng vẫn sử dụng giáo trình Việt ngữ được dịch từ tiếng Nga sang, độ những năm 1960 của thế kỷ trước! Không hẳn chú không kính trọng thầy mình, có điều chú nghĩ thay vì làm đại trí thức ngành giáo dục Việt Nam, thầy qua đài truyền hình nhận ghế to thì khá xứng tầm. Các xướng ngôn viên ở đó cần được học thêm ngoại ngữ hơn ai hết. Cách phát âm, giọng đọc không chuẩn cũng chưa ghê gớm lắm, đằng này họ còn tùy tiện sử dụng ngoại ngữ không đúng chỗ. Thật khổ cho những người chẳng hiểu “Sờ tra ta vi lích, trận bóng ‘đá bi’ kinh điển, tinh thần phe pờ lây…” hoặc “Lai vờ xô, vi đi ô cờ líp, em xi…” là cái quái quỷ gì (họ chiếm đến hơn 70% dân số Việt Nam, ở nhà quê, vùng sâu, vùng xa). “Tư tưởng vọng ngoại khiến cái gì của Tây cũng tuyệt, lời Tây nói vu vơ cũng thành chân lý. Có nhiều nhà báo chuyên viết chuyện phố phường nhân sinh dựng nên hẳn công thức phổ thông. Chê thói hư tật xấu sẽ rút ra kết luận : “Hình ảnh này đập vào mắt người nước ngoài thì sẽ ra sao?”. Khen người tốt việc tốt hoặc thứ gì đẹp đẽ : “Phương Tây họ rất quý… rất coi trọng… và rất giá trị…”. Có dạo đi đâu cũng nghe câu hát “Em ơi Hà Nội chóp…” vì người ta đem củ hành, củ tỏi và chóp gầy chóp béo của Nga “ngố” đặt lên các nóc nhà mới xây ở Tràng An cũ. Hiện tại thì văn minh hơn chút đỉnh, phong cách kiến trúc Pháp thuộc sống dậy mãnh liệt trong rất nhiều bản vẽ của các kiến trúc sư. Cũng vòm, cũng sảnh, cũng chỉ, cũng mái ngang mái dọc, hiên đông hiên tây, cũng đắp cột, tô tượng như ai nhưng thay vì áp dụng chi tiết ấy lên mặt bằng xây dựng hoành tráng ; họ linh động thu nhỏ vào những khuôn viên vài chục đến hơn trăm thước vuông là cùng, khiến công trình thành ra tủn mủn, vụn vặt, màu sắc hổ lốn tra tấn bàn dân thiên hạ đến nhức mắt. “Tóm lại, ai vọng ngoại thì cứ việc vọng, văn hóa làng xã Việt Nam với tính bảo thủ cố hữu bèn sáng tạo ra anh Chí Phèo đầy bản sắc để chửi tuốt tuồn tuột. Mà anh Chí cũng ngã tâm lắm chứ. Anh ấy chẳng là cái rốn của làng Vũ Đại thì còn ai vào đây. “Sau khi hòa bình, con cháu anh Chí bấm độn nhẩm tính được ba bốn thằng đế quốc nanh nọc bị cho ra bã trên mảnh đất hình chữ S, thế là văn ngôn ngã tâm của tiền nhân được trau chuốt không phải để chửi mà để ngâm vịnh. Kể cũng không cần nhắc điều đó ở đây, mỗi người Việt Nam chắc chắn đều có minh họa cụ thể của riêng mình. “Một kết hợp đằm thắm giữa thuyết ngã tâm và thói vọng ngoại, có lẽ là ở cái tên gọi phù phiếm nhưng đầy gợi cảm của Sài Gòn : “Hòn ngọc viễn đông”. Chú đã thử làm một tìm tòi bỏ túi bằng cách vào www.yahoo.com tra chữ “Hòn ngọc viễn đông”. Hơn trăm kết quả hiện ra dày đặc. Khen ngợi, tự hào… nói chung là tình cảm tích cực phổ biến hơn rất nhiều nghi hoặc và báng bổ. Mỹ từ kia hình như do gã Tây nào đó buột miệng thốt lên khi đến Sài Gòn thời nô lệ. Chú ngờ rằng câu nói đầy đủ của gã là “Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông… thuộc Pháp”. Giả thuyết của chú, chú tin, đến cả anh Chí nhà ta cũng phải khen là “chí lý”! Khu vực viễn đông này, ngoài mấy mảnh tô giới cỏn con của Pháp ở Trung Hoa thì chỉ còn Đông Dương thuộc Pháp mà thôi. Sài Gòn âu cũng là tên chột làm vua xứ mù. Chứ không, đem so Sài Gòn với Bangkok, Manila, Jakarta, Kualalumpur thì còn “khướt”, kể chi đến Đông Kinh, Bắc Kinh, Hương Cảng, Thượng Hải. Học giả Trần Trọng Kim đã đến Bangkok năm 1944, ông ước lượng nó lớn hơn Hà Nội năm lần trong hồi ký của mình. Hóa ra người Việt tiếp thu có sáng tạo, có động não câu nói hứng sảng, bằng cách tỉa bớt độ dài của nó và tung hê lên như pháo hoa đêm trừ tịch. “Như thế thuyết ngã tâm chẳng là tài sản của riêng ai. Từ anh Chí năm xưa đến nước Mỹ hùng cường hôm nay đều vận dụng nó thuần thục đến không tưởng. Người Mỹ luôn cho mình là đúng hơn hết thảy, là tâm điểm mà quả đất phải xoay quanh, là kẻ tạo dựng chân lý cho nhân loại. “Bản thân mỗi sự tồn tại dường như khó phân định phải trái, nên xem nó có phù hợp với thời cuộc hay không mà thôi. Để từ bỏ tồn tại lạc loài con người nói riêng và xã hội nói chung rất cần dũng khí và lương tri. Ngã tâm tào lao hay vọng ngoại thiếu tự trọng là hai khuôn mặt cần được nhận diện của thực thể văn hóa và con người Việt Nam hiện đại”. - Chú có nghĩ thằng bé sắp thi tú tài hiểu được những vấn đề rất phức tạp kia không? - Ngày xưa các nam nhi đỗ tú tài đều được tôn xưng là ông, thành cử nhân sẽ là cụ. Tri thức không phụ thuộc vào tuổi tác. - Cảm ơn chú. Lại nói về kiến trúc và văn hóa, cháu định đặt tên quảng trường nhà hát ngoài cửa Continental là "Siêu thực". Có "siêu" lắm mới "thực" nổi các trường phái kiến trúc và môi trường dân sinh quanh đó. Chú xem nhé: Nhà hát vừa phục nguyên dáng cũ. Nghe nói hai bức tượng trắng làm cột có tên "Nữ thần Nô lệ". Bên phải tất nhiên là Continental rất Ba Lê, khung kiếng khổ lớn bóng lộn. Bên trái là cao ốc chọc trời kiểu Nữu Ước mới hoàn chỉnh mang tên Delta Caravelle. Đằng trước có hai dãy cư xá xập xệ, làm dáng bằng những ban công trồi ra sụt vào, thỉnh thoảng vẫn trưng bày quần áo vừa giặt. Trệt của cư xá san sát cửa hiệu. Bảng quảng cáo nê ông xanh đỏ tím vàng cực kỳ bắt mắt. Công viên nhỏ chính diện quảng trường có đài phun nước lấp lánh trong ánh sáng thừa thãi. Bức tượng "Mẫu tử" quá hiện đại, đường nét biểu trưng tân tiến. Con người ở đây thì đa chủng tộc. Khách du lịch năm châu dập dìu. Hàng sư đoàn hành khất An Nam nón lá rách bụng bầu giả, nạng gỗ, xe lăn. Trẻ em ăn mặc bẩn thỉu, lôi thôi lếch thếch. Họ nài xin tiền bố thí, rao bán quà lưu niệm, báo chí, tranh ảnh và đồ thủ công mỹ nghệ bằng hàng chục thứ tiếng. Bọn móc túi, giựt dọc nhiều vô kể, mắt chúng luôn láo liên như mắt chuột nhắt. - Cháu còn bé mà đã nhìn đời khắt khe thế sao? - Đúng rồi! Hôm lắp hai bức tượng trên thềm Nhà hát cháu có đứng xem. Vị nghệ sĩ hạng nhất bụng ông địa, tóc dài, tự xưng là tác giả phục chế tượng được cháu và mấy đứa bạn hiếu kỳ phỏng vấn. Ông ta khoe nội trong tuần đó báo sẽ đăng bài viết của ông ta về quá trình săn tìm chứng tích cũ của nhà hát và công cuộc nhọc nhằn tái tạo cái đẹp. Cháu thắc mắc rằng trên khung nhà hát cũ rất dễ biến cải, tô điểm nét duyên dáng thuần chất Việt Nam, tân thời hay hoài cổ cũng được. Ông ta bĩu môi. Cháu tức quá nên nặng lời: "Chỉ những bộ óc nô lệ vĩnh cửu mới phải lao lực với hai bức tượng Nữ thần Nô lệ kia thôi". Ông ta văng tục rồi quay vào tiếp tục xoa bụng và hò hét công nhân cẩn thận kẻo trầy xước tượng. - Đáng buồn thật. Nhà hát lớn Hà Nội cũng thế. Họ còn xây một khách sạn hơi cổ kính kế bên cho thêm ấn tượng và hài hòa. Phá bỏ tất cả thì cực đoan nhưng cạn lời ngợi ca và gìn giữ mọi thứ như báu vật là hết sức hổ thẹn. Nên chăng hãy coi nó tồn tại vì nó từng tồn tại, thế thôi. Gương mặt của tương lai đừng nên tô đậm nỗi nhục xa xưa. - Chú bế tắc rồi nhé. - Hỡi ôi cho cái gọi "Bản sắc dân tộc"! - Thiên niên kỷ thứ ba không còn ứng với quan niệm của chú đâu. Trái đất bao la là ngôi nhà chung. Cháu thích sống bằng cảm giác, khai thác cảm giác mọi nơi, mọi lúc và mọi góc độ. Đó mới là thế giới riêng của mỗi cá nhân. - Đừng cố thử cảm giác của ma túy, chất kích thích nhé. - Ba má cháu tháng nào cũng thử nước tiểu để theo dõi cháu rồi. Chú an tâm đi. Nói cho cùng bản sắc Việt Nam luôn luôn nửa vời. Chín phần mười truyền thống dân tộc Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, sinh viên học sinh Nhật sang đây giao lưu bảo vậy, không hề mặc cảm hoặc tự ti. Người lớn cứ hô hào bảo vệ này nọ nhưng luôn tảng lờ chân lý rành rẽ. Đàn tranh, áo dài, kiến trúc cung đình, phong tục tập quán, lối tư duy, thậm chí cả từ ngữ đều na ná Trung Quốc. Kinh Dương Vương gặp Long Nữ ở hồ Động Đình bên Vân Nam chứ đâu phải tại hồ Tây hay hồ Gươm. Lạc Long Quân là cháu của Thần Nông tự thời Tam Hoàng, Ngũ Đế. Bản sắc của ta không ai phủ nhận song nguồn gốc là kết quả của lao động khoa học. Hơn hết không có thứ nguồn gốc khách quan nào máy móc quy định bản sắc. Khoa học cần trung thực và không nên bị tác động bởi tình cảm hoặc lý trí một cách chủ quan, phiến diện. Chúng ta đang chuẩn bị hướng đến ngày giỗ tổ Hùng Vương như quốc giỗ nhưng còn quá nhiều bất cập liên quan đến trước và sau thời điểm này. Ba hồi người ta bảo Triệu Đà - Nam Việt Vương là vua hiền của dân tộc, ba hồi xếp ông vào bè lũ xâm lăng. Họ phủ nhận luôn sự tôn vinh của ông bà ta từng dành cho Sĩ Nhiếp, người có công đưa chữ Hán vào Việt Nam và góp phần sáng tạo ra chữ Nôm để dịch kinh Phật, là Nam bang học tổ. - Theo lập luận Triệu Đà là ngoại tộc thì Vua Hùng, An Dương Vương cũng ngoại tộc nốt. Sách sử xưa nói An Dương Vương người nước Thục. Hôm nay họ cho thuyết này rất sai, nhưng sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ ông là người bản xứ. Hãy đợi cái ngày bí mật di truyền được khám phá, cộng với các khai mở khảo cổ trung thực, ít định kiến. Vậy theo cháu đất nước Việt Nam có bao nhiêu năm văn minh? - Khoảng 1500 năm đến 2000 năm chứ không phải 4000 năm. - Nằm giữa sự chênh lệch năm trăm năm này, ngoài Sỹ Nhiếp còn hai cái tên tiêu biểu là Trưng Trắc và Triệu thị Trinh. - Những người mẹ vĩ đại! Cháu đồng tình với chú khi giả định hình như Trưng Trắc là chức danh chứ không phải tên riêng của người. Tôn gọi Mê Linh liệt nữ là Quốc Mẫu ư? Sẽ sa vào vấn đề trong sáng của tiếng Việt. Còn công thức toán học chú dẫn nhập vào lịch sử, theo cháu nên áp dụng hệ phương trình: Gọi A là ẩn số bản sắc gốc của người Việt cổ và người Minangkabau, ta có hai phương trình: A + B = C ; A + D = E. Trong đó B và D là chuyển hóa bản sắc hai ngàn năm qua, C và E là bản sắc hiện tại của người Việt và người Minangkabau. C và E là hằng số, B và D cũng không khó truy nhận dù chỉ là tiệm cận. Tính được A sẽ lần ra lịch sử như nó vốn có. Thách thức xuất hiện: cái quan trọng không phải là tìm ra A mà là có thể chấp nhận tiệm cận B’ của B không. B’ chính là lịch sử. A đơn giản là sự thật đặc thù mà thôi. - Toán học thật lạnh lùng. Người Việt Nam đã đánh mất tên của mẹ mình dọc tháng năm dâu bể, để hôm nay chúng ta là những đứa con hoang, là thế hệ mồ côi lịch sử! - Chú bất ngờ lắm không? - Ai dạy cháu kiểu so sánh này thế? - Rõ ràng không phải nhà trường rồi chú ạ. Sao chú không nghĩ sự tìm tòi là thiện chí của cháu với bản sắc và cội rễ của dân tộc. - Cháu có mâu thuẫn không khi cho mình khả năng vừa đung đưa theo nhạc MTV vừa xem sách lịch sử, vừa nhai kẹo cao su vừa ê a đọc thơ Đường. Người xưa đến với con chữ của thánh hiền hết sức chay tịnh, thanh sạch, thậm chí họ đốt cả trầm hương để cạnh thư án. - Cháu thích nhạc MTV cũng giống như chú khoái nghe nhạc cổ điển vậy. Chú đừng giận nếu cháu nói trắng ra, việc mê mẩn Chopin mà bà nội truyền cho chú là sự lai căng của chính chú. Chú có thấy điều đó không? Cái đàn Piano đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam hẳn do người Tây dương mang vào. - !!! ??? - Cháu đã làm phép thử. Cháu gửi cho mấy người bạn nước ngoài hàng chục bản nhạc hiện đại của Nhật, Trung Hoa và Việt Nam qua điện thư. Chúng xác định ngay tinh chất Hán, Hòa nhưng rất lưỡng lự và đoán mò thứ được gọi là âm nhạc Việt Nam đương đại. Trừ mấy bản thử nghiệm ít ỏi, khai thác âm hưởng dân ca được xem mơi mới, đáng tiếc người Việt Nam không chuộng lắm. Nền âm nhạc cũng như khả năng lĩnh hội vẻ đẹp thuần dị trong âm nhạc của chúng ta bị đầu độc từ khi người Pháp vào Việt Nam. Nó đã tách hẳn khỏi chiếc nôi ngàn đời. - Cái này thì cháu không sai. Âm nhạc dân dã và cung đình đang ẩn mình trong các thính phòng bé xíu giữa nhiều chương trình du lịch trọn gói. Hiện nay trào lưu lai căng, đạo nhạc đang tra tấn lỗ tai cả xã hội. - Nhạc sĩ Việt Nam đã đánh mất tư duy âm nhạc của tổ tiên. Thời tiền chiến Văn Cao, Đặng Thế Phong còn cố đem vào lời hát vẻ đẹp của Đường thi, gia vị bằng ngũ cung. Ca khúc hôm qua, tạm gọi là truyền thống mấy mươi năm tân nhạc Việt Nam chỉ đánh đu trên triết lý yêu đương nặng nề, nơi ca từ sáo rỗng, trong cái vẻ óng ả, du dương của giai điệu và hòa âm ngoại nhập. Có người tự nhận mình là kẻ hát rong của thế kỷ, chau chuốt vần điệu còn hơn cả thơ, tự cho mình quyền rao giảng những đoạn phúc âm trong giáo lý tình cảm. Đó không còn là nhạc bởi âm nhạc là bộ ngôn nghệ thuật phi ngôn ngữ. Hôm nay thì cái chất pop, rock khó giấu đi đâu được. Lời hát sặc mùi bi lụy giả tạo. Người có học trường lớp lẫn kẻ tay ngang sáng tác đều rất Tây nhưng còn lâu mới sánh nổi Tây, ngoại trừ ăn cắp của Tây. Như vậy tuổi trẻ chúng cháu nghe thẳng nhạc Tây chứ cần gì vòng vo cho mệt óc. Xem ra sự kiểm duyệt là cần thiết cho đời sống âm nhạc. - Cháu biết gì mà kiểm và duyệt. Người bất tài hay chỉ trích, thích hô hào. Chế tài và độc tài chung một cái lưng đấy cháu ạ. - Cháu giỡn thôi. - Cháu hãy thử tập nghe thanh âm trừu tượng của im lặng xem sao. Nó giúp cháu điềm tĩnh. - Tụi cháu lớn nhanh hơn chú tưởng nhiều. Bây giờ học sinh biết tán tỉnh nhau từ tuổi mười lăm, tất tật là ngôn ngữ phim ảnh, truyền hình. Tụi cháu cũng biết xứ sở Việt Nam có bao nhiêu cái hay nhưng được phổ biến bởi lề thói xưa cũ, không cuốn hút và ăn nhập với tốc độ cuộc sống. Romeo và Juliette phải gọi Mỵ Châu, Trọng Thủy hay Trương Chi, Mỵ Nương bằng thầy song để thấu triệt cái hay, phải nâng dân trí lên cao hơn vài bậc. Thầy cô cháu bảo như vậy là giáo hóa. Chỉ tri thức mới có thể giáo hóa xã hội mà thôi. Kẻ nào vỗ ngực tự nhận gánh sứ mệnh giáo hóa đều là phường lừa phỉnh. - Tuyệt! Vậy cháu tự kiểm chứng xem mình có a dua theo chúng bạn trong mấy ngày lễ Tây dương gần đây nhất không? - Ý chú muốn cháu thay lễ tình nhân 14 tháng 2 tây thành 7 tháng 7 âm lịch Ngưu Lang gặp Chức Nữ chứ gì? Tuổi trẻ tụi cháu sẵn sàng… nhưng người lớn có hô hào, quảng bá và ủng hộ không là việc khác. - Chính phủ Trung Hoa cấm tất cả các phương tiện truyền thông quốc gia tuyên truyền cho dân chúng vui chơi vào các lễ hội Tây dương. Đó là thái độ đúng đắn. Rõ ràng lễ hội dân tộc của chúng ta đa số thuộc về văn minh nông nghiệp. Hôm nay, sống giữa đô thị kinh tế thị trường ta thấy nó lạc lõng bởi bản thân người chủ không biết hòa hợp tinh túy truyền thống với những hình thức thể hiện mới mẻ. Hơn nữa đằng sau tất cả lễ hội Tây dương luôn xếp hàng hàng lớp lớp các con buôn giàu sụ vung tiền mưu lợi. Và chúng ta, báo chí, truyền hình .v.v… đều mắc lỡm. - Chú ngây thơ lắm. Họ không bị lừa đâu, họ là một bộ phận của cỗ máy mưu lợi. Họ đã bán đứng danh dự, nhân phẩm và lòng tự trọng từ lâu rồi. Phương hơi rối trí trong khi anh Dũng và chị Linh tự hào về sự đối đáp trôi chảy của con mình. Thịnh học xuất sắc trong trường chuyên lớp chọn. Cu cậu từng từ chối suất học bổng đi Singapore vì luôn hướng tới nước Mỹ với niềm tin tuyệt đối về khoa bảng. Anh Chung hòa giải: - Lá vàng rụng về cội. Hãy để lá xanh chơi với trời xanh mây trắng cho thỏa thích. Người ta đọc được dòng chữ "thế hệ trẻ băng hoại" lần đầu tiên trong một quyển sách bằng đá bên Ai Cập, cách đây cỡ năm ngàn năm. Khi thấy hậu sinh khả úy là ta đã già đi rồi đấy Phương à. Tuổi thọ con người ngày càng cao, tuổi đời càng dài. Đừng để chữ già chóng đến. Trẻ trung hay cằn cỗi đều là trạng thái tâm lý. Phải biết kỳ vọng vào sự hiếu học rất đang phổ biến, dù rằng đôi lúc nó bị đóng khuôn trong những phương cách hạn chế như là yếu điểm nội tại của xã hội. Một ngày không xa nữa, trí thức tương lai như Thịnh sẽ quay về truyền thống mạnh mẽ hơn và sâu sắc chúng ta nhiều. Họ phải làm chủ tất cả thành tựu mà trí thức Tây dương có thể đạt được trước đã. Mấy ngàn năm văn hiến Á đông trong máu thịt chúng ta không dễ mất chút nào. "Cái gì của Á đông phải trả về cho Á đông" sẽ là câu nói cửa miệng của thế giới ngày mai. - Anh có sự nhầm lẫn giữa truyền thống và văn hóa. Văn hóa làng xã, như cách gọi phổ biến, chẳng qua chỉ là truyền thống thôi. “Thuở bán sử, nhà Tây Hán sang chiếm đóng Lạc Việt. Từ thời Mê Linh liệt nữ trở về trước các Lạc hầu, Lạc tướng vẫn được tự trị trong vùng đất rộng lớn của mình. Cuộc cưỡng đoạt và diệt chủng của Mã Viện thu nhỏ quy mô tự trị xuống đến đơn vị làng, xã. Đến đời Lý, phong kiến Việt Nam được tạo dựng, nền hành chính phân cấp xuống nhóm 50 nóc nhà gọi là Đảng, dưới đảng là Toại. Qua năm 1419 trong các văn bản nhà nước xuất hiện chức danh Lý trưởng để gọi người đứng đầu 110 hộ, Giáp thủ đứng đầu 10 hộ. Đến tận thế kỷ 19, triều đình Việt Nam thống nhất vẫn chỉ bổ quan đến phủ huyện, từ tổng trở xuống thì dân tự trị. Tổng là một nhóm vài làng xã. Phong tục tập quán của làng xã, chính quyền cao hơn hầu như không can dự vào. Như vậy lề thói “phép vua thua lệ làng” có lịch sử đã mấy ngàn năm. Trên quan điểm tiến hóa chính trị và xã hội, hành xử này chỉ có thể gọi là “truyền thống” chứ không thể xem là văn hóa. Vì nhiều người coi truyền thống đồng nghĩa với văn hóa nên đôi khi xuất hiện khái niệm “truyền thống văn hóa”. Thực ra văn hóa truyền thống là thành quả văn hóa cô đọng đã được công nhận như tinh hoa. Còn truyền thống là lề thói quen thuộc đi kèm với sự tôn sùng đôi khi vô thức. Từ ngày mở cửa, cụm từ “văn hóa làng xã” được thổi lên tận mây xanh. Làng xã Việt Nam được xem như pháo đài thanh lọc văn hóa ngoại lai suốt 800 năm nô lệ buổi sơ sử, cộng thêm 80 năm tây thuộc cận đại, như vậy nó hiển nhiên là chiếc nôi của bản sắc văn hóa Việt Nam. Cơ thể sinh học khi bị viêm nhiễm, dị ứng sẽ dẫn đến nóng sốt. Kháng thể được sinh ra để tiêu bệnh. Với nhiều hệ miễn dịch yếu kém, nó bị chính kháng thể tấn công tạo nên thấp khớp. Cơn bạo bệnh nô lệ của cơ thể xã hội Việt Nam có thể qua rồi, nhưng chứng đau đớn khó chịu từ xương tủy vẫn còn hành hạ nó đến khi nào? Bệnh ngày càng nặng thêm hay tất yếu phải nhẹ đi? Em xin lấy “văn hóa đi đường” làm ví dụ nhỏ. Hiển nhiên già trẻ lớn bé trí thức trí ngủ đều phải đi tới đi lui và phải bước ra đường, vần vũ trong dòng xe gắn máy ầm ì tiếng động oanh tạc cơ, ngột ngạt khí thải chết người. Riêng cái vạch dừng màu trắng tại giao lộ đèn xanh đèn đỏ cũng lắm chuyện. Em ngờ 90% công dân Việt Nam không tin đây là ranh giới giữa loạn và an, giữa thức và ngủ, giữa người và ngợm, 9% nữa luôn sợ bị chửi vì gây chuyện lạ đời đành để nước bẩn cuốn đi. Thác loạn giữa những mảnh nhựa hắc ín chắp vá, người ta chen lấn giành giật từng phần tư bánh xe trở đi. Luật có nhưng ai ai cũng thích dùng lệ. Hằng năm hơn 1 vạn người được đưa ma, gấp ba bốn lần số đó mang thương tật vĩnh viễn. Cuộc chiến tranh không súng đạn vẫn âm thầm gặm nhấm hòa bình. Song le luật cũng chẳng giống ai, hay nói khác đi cũng thuần là lệ cải biên ẩu tả. Chẳng hiểu thời nay văn hóa ở đâu ra nhiều cơ man: gia đình văn hóa, ngõ hẻm văn hóa, khu phố văn hóa, thanh thiếu niên văn hóa, ngôi trường văn hóa, lễ hội văn hóa, di tích văn hóa… Để từ “văn hóa” làm vĩ ngữ nhiều dễ nhàm, người ta nhón nó ra phía trước: văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh, văn hóa lãnh đạo, văn hóa thi cử, văn hóa đối thoại, văn hóa hành xử… Hai chữ “văn hóa” gần như trở thành nỗi ám ảnh của xã hội Việt Nam hiện đại. Nếu không thể thừa nhận nền nhân văn của chúng ta đang khủng hoảng thì ít nhất cũng phải xem nó bị bệnh nặng, với những tiền căn mơ hồ nhưng hoàn toàn không khó đoán định, trong đó “văn hóa lệ làng” đang xoáy lên các cơn nhức nhối từ xương tủy. Một tâm tình bất chợt thăng hoa có thể khiến người ta thành thi sĩ lưu danh muôn thuở. Nhưng để nhận ra đâu là văn hóa truyền thống, đâu là hủ tục thô lậu, cần biết bao bĩ cực đoạn trường, biết bao trăn trở và khắc khoải.” - Em không vượt thoát khỏi thực tại ô trọc này được đâu. Kết quả hiển hiện trước mắt vẫn là sự hoang mang không hơn không kém. - Dù sao em luôn cố khai tâm. - Để bè bạn với bi quan thường trực ư? Để đừng tự dối lừa về những xứ mệnh bánh vẽ ư? Sống như một người tuyệt đối bình thường luôn rất dễ và rất khó. Đấy là điều phi thường nhất trong những điều phi thường! *** - Ra ngoài không Phương, anh ngấy mấy tiểu phẩm hài trên truyền hình lắm rồi. Độ này người Việt ta cười như mắc bệnh tâm thần. Ngôi sao hài mọc từng chùm lố nhố từ phường, quận đến cả cái Sài Gòn nhỏ bên Cali cũng vừa lập nên năm bảy nhóm cạnh tranh khốc liệt. Nội dung thô tục, sống sượng và thậm chí bẩn thỉu. - Các xu hướng nghệ thuật thế kỷ hai mốt của chúng ta có lẽ đều đi đến hài. Diễn viên chính kịch quay sang hài kịch, thi sĩ khoác lốt thằng hề, nữ đóng nam, nam vào vai lại cái, cải lương cười, phim cười, báo cười, tranh cười, truyện cười… buổi tối mở vô tuyến hoặc vào quán cà phê nhạc cứ đụng hài… hô hố… - Khi những vai hề làm chủ đời sống tinh thần rồi vỗ ngực xưng tên là nghệ sĩ vĩ đại, là thần tượng bất tử thì nền nghệ thuật của chúng ta bắt đầu lâm nguy rồi. - Nghệ thuật thể hiện thực tại bằng các loại hình tượng. Đằng sau tiếng cười dễ dãi hiện tại là khuôn mặt suy đồi, biến dạng và tha hóa của một thế hệ. - Để chứng tỏ mình ít điên khùng thì hãy ra đường dạo mát chờ giao thừa đi em ạ. - Hình như đêm nay bến Bạch Đằng có bắn pháo hoa. Phương vui vẻ như chú nhóc được người lớn dẫn đi chơi. Hai anh em vòng vèo trên phố. Trời se lạnh. Đường đông nhưng không lộn xộn như thường lệ, có lẽ phút liên giao làm mọi người hơi chùng xuống với những riêng tư thầm kín. Từng đoàn xe chăng đèn, cờ hoa rực rỡ diễu qua phố. Phương háo hức quan sát trong khi anh Chung ẩn giấu vẻ bí mật khang khác. Anh bảo Phương quay xe ra chợ Bến Thành và ghé vào sạp hoa muộn mua một bó hoa trắng. Người bán hoa ra giá khá cao, Phương trách. Anh Trung khẽ cười bảo "Thôi kệ, bó hoa này là ngoại lệ". Sau đó, như chiếc máy Phương chạy quanh co theo lệnh của anh. Phương thật sự ngạc nhiên khi anh Chung yêu cầu dừng xe ở góc ngã tư Mạc Đỉnh Chi, trước tấm bia tưởng niệm tử sĩ tết Mậu thân. Trước đây bia dựng gần toà nhà cũ. Việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ khiến tấm bia phải lùi xa ra lề đường. Nước Mỹ hùng cường xem ra hơi dễ bị tổn thương. Họ đập vội đập vàng cái cao ốc đồ sộ đã nhẵn mặt khắp địa cầu bằng hai hình ảnh bi tráng. Tết Mậu thân: hàng rào bê tông thủng; vách tường găm đầy vết đạn; một tầng cháy xém, khói bốc ra nghi ngút; sân cỏ khuôn viên rải rác máu tươi và xác chết. Mùa xuân 1975: cuộc tháo chạy hỗn loạn, người bu đen như kiến lên tận nóc sân thượng được tận dụng làm bãi đáp trực thăng. Quang cảnh mới là khu nhà thấp lè tè, xa lạ với kiến trúc phổ thông bắc Mỹ. Họ vẫn bị quá khứ ám ảnh, các bức tường dầy bằng vật liệu chống mìn, song sắt bảo vệ kiên cố nửa kín nửa hở khoe khoang hệ thống máy thu hình cảnh giới hiện đại. Phương nghe người bạn làm trong Lãnh sự Mỹ bảo, đằng sau bia Mậu thân, phía trong hàng rào, người Mỹ cũng xây đài tưởng niệm liệt sĩ Huê Kỳ! Tư tưởng cao bồi vĩ quốc, ước vọng ngạo mạn làm kẻ khởi thảo chuẩn mực xã hội hiện đại và ép buộc các dân tộc thấp cổ bé họng noi theo, lẫn khuất đâu đó trong cách cư xử với đoàn rồng rắn cầu cạnh thường trực, chủ yếu là xin chiếu khán nhập cảnh. Nước Mỹ luôn nghĩ mình là thiên đường của tự do. Trớ trêu thay, những chú lính quèn gác cửa lại mang sát khí của sa tăng với dùi cui, ma trắc, súng điện và bản mặt lạnh tanh. Chỉ cần vài mảnh tự trọng rơi vãi, bất cứ con dân An Nam nào cũng phải mủi lòng vì đám gác cửa kia trăm phần trăm da vàng, tóc đen và mũi tẹt! Tấm bia ẩn trong cái góc bình lặng nhất của Sài Gòn vào lúc này. Hàng điệp vàng che gần hết ánh đèn đường tạo ra cảnh tranh tối tranh sáng. Thấp thoáng bóng gái ăn sương. Dòng người thờ ơ lướt qua. Anh Chung bước xuống, với tay phủi sạch lá khô rải rác trên bệ bia và trân trọng đặt bó hoa lên. - Thật tệ! Sắp giao thừa rồi mà chẳng ai nhớ đèn nhang - Sương đọng nhiều trên nét chữ văn bia, anh Chung vẫn độc thoại - Nên gọi sương là mồ hôi hay nước mắt của đá nhỉ - Ở khoảng cách thích hợp và góc nhìn khéo chọn, từng giọt sương đang hút hết màu đỏ của tấm bia hồng nhạt. - Em để ý ngày lễ nào người ta cũng dọn dẹp và đặt hoa, thắp nhang. Hình như vì tế nhị ngoại giao nên ít khi linh đình nhưng không thiếu trang nghiêm. - Đây đích thực là trung tâm ngôi đền Chiến thắng. Chiến thắng quá vẻ vang nhưng vĩnh viễn cô độc. Chiến thắng đầu tiên và cuối cùng của sức mạnh truyền thống Á đông trước ngưỡng cửa mù mờ thời hậu hiện đại, nơi con người vẫn lúng túng tìm chỗ đứng thích hợp cho khoa học trong tổng thể văn hóa và văn minh. - Em lại thích chiến bại hơn. Gương mặt đưa đám của thái tử Anh quốc trong buổi lễ trao trả Hương Cảng ngày 1 tháng 7 năm 1997 có nên gọi là chiến bại đầu tiên của những tên kẻ cướp Tây dương không? - Từ bài học Việt Nam kẻ mạnh đã hiểu nơi nào sử dụng được bom bay, tên lửa, nơi nào cần đến bẫy tiền và sức ép kinh tế. Hãy nhìn hàng tỉ Mỹ kim người Mỹ bỏ ra để truy tìm tử sĩ của họ. Xót xa thay cho hàng triệu nấm mộ chiến sĩ Việt Nam vô danh còn thất lạc. Một giúp đỡ nhỏ nhoi nước Mỹ cũng chối từ. Đồng tiền của kẻ giàu kia chính là sự sỉ nhục với chúng ta. - Nhưng việc cầu cạnh còn hơn cả nỗi nhục. Mấy tháng trước em tình cờ đọc trên báo mẩu nhắn tin không có tác giả. Những người tốt dấu tên này đi cắm trại và tình cờ đào trúng huyệt chôn sơ sài của một liệt sĩ. Họ giao bộ hài cốt ấy cho nghĩa trang liệt sĩ huyện sở tại. Họ mô tả rất kỹ vật kỷ niệm thủ công bằng hợp kim nhôm lấy từ xác máy bay. Đó là chiếc lá cây Mộc miên, mặt trước khắc bụi tre, mặt sau có ghi tên cậu em, ngày sinh và nguyên quán. Em vội vàng đáp xe ra miền Trung. Cậu đã được an táng kỹ càng. Em gợi ý xin người quản trang bí mật đào quách tĩnh để em đưa cậu về quê với gia tộc. Xong việc, theo thói quen Sài Gòn em dấm dúi chiếc phong bì kha khá. Ông ta từ chối và bảo em đi mua bó nhang cùng dăm thứ hoa quả đặt lên bàn thờ chung. Em ngạc nhiên. Người quản trang quắc mắt mắng: "Nếu anh không coi thái độ của tôi là tấm lòng thành kính với người đã khuất thì cứ cho rằng tôi sợ hồn thiêng quở phạt. Hãy nhớ rằng đâu chỉ có anh muốn thân thích mình hồi hương. Gần phần ba trong hơn hai ngàn nấm mộ ở đây hoàn toàn trống rỗng nhưng chẳng hề vô nghĩa. Anh khó hiểu tôi thì làm sao anh có thể hiểu được những cái tên không đầy đủ trên bia mộ quanh đây chính là nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Nỗi đau không thể rịt bằng tiền đâu anh ạ!". - Em có bài học thật giá trị. - Văn minh Tây dương đang sử dụng loại siêu vũ khí là đồng tiền để tiến hành cuộc xâm lăng mới, cưỡng bức các dân tộc nghèo nàn lạc hậu. - Vài gã tỉ phú rút tiền từ túi này bỏ sang túi kia, Đông nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ vạn phần khốn đốn. Lời chào muôn năm cũ là mưa bom bão đạn đổ lên đầu dân tộc Serb và cuộc chinh phạt Tresnia. Thây người chất đống, phố xá biến thành gạch vụn. Tương lai khó tìm được Việt Nam thứ hai. - Nếu người ta biết anh là Việt Kiều chắc chắn anh sẽ nổi tiếng lắm. - Lịch sử tuyệt đối công bằng và mười mấy linh hồn nơi đây hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng. Sự hiu quạnh ở chốn này so với không khí lễ hội đằng kia làm anh chạnh lòng và đột nhiên nảy ra chuyện mua hoa. Chưa hẳn đây chỉ là chút biến thái của kẻ từng là dân triết học như anh. Đừng nghĩ lũ các anh đều xanh lè. Với phần đông người Việt tha phương tiền không phải là tất cả. Em không hiểu và sẽ không chịu hiểu đâu. - Hình như anh cũng ít sọc dưa. - Không hề! Bọn lãnh tụ miền nam cũ là những kẻ ăn chơi, cơ hội, nhu nhược và hoàn toàn bấp bênh trên mặt phẳng văn hóa. Chúng thừa ảo tưởng nhưng thiếu đầu óc thực tế, thậm chí cả lòng tự trọng. Thế hệ trẻ hơn rất bị động, luôn đứng trước sức ép đồng hóa cộng với ám ảnh quá khứ nên dễ bị khiêu khích và luôn sẵn sàng nổi loạn. Vừa mới thành hình, thai nhi đã nổi loạn tạo nên cơn đau bất thường cho người mẹ. Đủ 9 tháng mười ngày đứa trẻ phủ nhận chiếc tổ ấm vô cùng an toàn trong cuộc nổi loạn cá nhân vĩ đại nhất để dấn thân vào cuộc đời đầy dẫy chông gai, trắc trở. - Em muốn nổi loạn khi Clinton cao giọng tuyên bố bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. Đáng buồn là nhiều người vội vã tung hô, hồ hởi, thỏa mãn đón ân sủng. Coca Cola, Pepsi rú lên như vừa tìm ra Tân thế giới "Vui mừng gặp lại các bạn!". Quang Trung giả đem thư cầu hòa sang gặp hoàng đế Thanh triều nếu nghe được chắc cũng thẹn bầm tim. - Con người cần hướng cuộc nổi loạn của cộng đồng vào mục đích đi lên hơn là biểu thị sự bất lực trong cảm giác bị xúc phạm và tổn thương huyễn mị. Nói cho cùng sự nổi loạn là biểu hiện của con người man khai, là phép toán sơ đẳng, hạ cấp. - Em không tin luận lý ấy đúng trong tiền cảnh của thời hiện đại, của cuộc cách mạng thông tin và di truyền. Thành quả con người đạt được đã vượt xa khả năng tiếp nhận của chính họ, đó là chưa kể đến rào cản cố hữu. - Vượt qua nỗi nghi ngờ đơn thuần, tình cảnh này là lỗ hổng tồi tệ của các triết thuyết thế kỷ hai mươi. Chúng mất hẳn yếu tố dự đoán nghiêm túc trên con đường đi tới của nhân loại trừ những công thức toán học mơ hồ của thuyết tương đối. - Em không coi trọng yếu tố dự đoán. Bài học lịch sử rành rành ra đó. Em thích khái niệm chuỗi luận lịch sử. - Nên xem lý tưởng là nhân tố tích cực. Lý tưởng giúp điều chỉnh và cải thiện thực tại, đó là giá trị duy nhất của nó. Lạm dụng lý tưởng là việc làm sai lầm. Trước sau cũng đi vào ngõ cụt. - Đầu tiên là Mỹ, đến bây giờ hầu hết quốc gia có nền kinh kỹ phát triển đã ra lệnh cấm khoa học thực nghiệm sinh sản vô tính trên người. Phản ứng rất thụ động. Tư duy xã hội đi trước là võ đoán, đi sau thành thủ cựu. Chỉ mong hai hình thái trên song hành và bổ khuyết lẫn nhau. - Ở thế kỷ ánh sáng, châu Âu đã biết con người cần được bình đẳng trước tri thức. Học tập là quyền lợi được cổ xúy mạnh mẽ. Vấn đề tố chất của từng cá nhân liên quan đến sự học nảy sinh. Không phải ai cũng có khả năng, nghị lực và tinh thần lao động cần cù để đoạt được tấm bằng đại học. Tác động của di truyền là có thật nhưng ở mức độ nào thì chưa sáng tỏ. - Ba bốn tỉ mã di truyền của con người sắp được khám phá. Giới xã hội học toàn cầu đang lo lắng. Không biết các nhà khoa học có mở ra thời Hậu hiện đại rạch ròi như tổ ong không. Sẽ có những thế hệ sinh ra để làm chúa tể, làm công nhân, nông dân, binh lính… Người giàu sẽ không còn bệnh tật, tình cảm và cảm giác bị chế ngự. Phân hóa sẽ mãnh liệt khôn lường. - Đừng nên xem giả thuyết này là mặt trái của khoa học. Anh tin chắc rằng phương thuốc đầu tiên họ sẽ tạo ra trong tương lai phải là thuốc "nhân ái". Trong khi chờ đợi phép màu, con đường ngắn nhất dẫn đến tình thương đại đồng chính là tri thức. Hai anh em mải mê luận bàn trên đường tìm chỗ tham dự đêm pháo hoa. Những phát súng chát chúa phóng lên không trung khói và lửa, tạo thành muôn vàn bông hoa rực rỡ chào đón năm Canh thìn. Kỳ lạ thật, không rõ con người còn tôn sùng, say mê khói lửa và tiếng nổ đến chừng nào. Thuở xưa sấm chớp đem đến cho con người nỗi sợ hãi thiên nhiên và cả lửa, nhân tố giúp họ dứt mình khỏi bóng đêm hoang thú, bước vào hành trình văn minh. Phương chợt nghĩ, chẳng lẽ yếu tố nhân văn trong thuốc súng lại chính là sự nổi loạn di truyền của con người. Một viên quan Trung Hoa mê luyện đan trường sinh, đã tình cờ tạo ra thuốc súng. Bao nhiêu năm thuốc súng chỉ được dùng làm pháo tết, tạo nên tiếng nổ xua đuổi tà ma vô hình. Thế kỷ 19, những hạm đội "Man di" khạc lửa vào Hương Cảng, Sơn Trà cướp bóc lục địa Văn hiến. Nỗi chua sót muộn mằn ứ nghẹn. Ngày xưa nếu Socrate có mặt tại ải Hàm Cốc chắc ông ta chẳng ngại ngùng tháp tùng tác giả Đạo đức kinh vào rừng ẩn tích. Vậy mà dọc bờ tây Thái bình dương, hơn hai ngàn năm tiếp theo toàn thứ nổi loạn tầm thường, giành đất đai, địa vị, quyền thế. Thế hệ hôm nay hụt hơi theo đuôi bán cầu bên kia với mạng cáp quang không biên giới và các cuộc phiêu lưu trong đơn vị nhỏ nhất của sự sống. Khởi nguyên, khoa học bị lẫn vào tôn giáo. Khi khoa học đủ mạnh để tạo cho mình chỗ đứng độc lập thì tôn giáo đã biến hình. Tôn giáo khôn khéo gạn lọc tinh túy của lẽ đời, đúc kết thành cứu cánh dẫn loài người bước ra khỏi bóng đêm hoang dã. Thời hiện đại tôn giáo bị thất sủng. Con người nhận ra mình hèn yếu đi vì tôn giáo. Giáo lý không thể thay đổi nhằm phù hợp với sự phát triển vượt bậc của tư duy nhân loại. Sự sùng bái phi lý, con đường mòn dẫn đến giác ngộ tín ngưỡng đang bị lấp đầy cỏ dại. Đó là cái vòng luẩn quẩn, chẳng le lói chút tương lai sáng sủa. Hơn nữa nấc thang mới của nhận thức không cho phép bất cứ cá nhân nào trở thành minh chúa. Không ai dám vỗ ngực tự xưng mình có tư cách và phẩm chất bẩm sinh. Sự hiền minh của các loại chúa trời sẽ là điên rồ trong mắt tương lai. Như vậy mọi lối biện hộ cho chủ nghĩa độc đoán, chuyên quyền đã phá sản. Tự do thuộc về những con người đích thực. Áp đặt sẽ góp phần tha hóa xã hội trong cái vỏ bọc bình ổn tạm thời. Cá nhân độc lập tự do hoàn toàn có đủ năng lực, lý trí và tình cảm trước mâu thuẫn giữa lợi ích của bản thân và cộng đồng. Huyền thoại phi lý của tôn giáo hay những thứ na ná, nếu còn sống trong tri thức nhân loại, sẽ là sản phẩm tồi tệ hơn cả lạc hậu và sự thụt lùi khó cứu vãn. Thói man trá này là kẻ thù của phát triển, nhân văn cũng như khoa học. Nhiều kẻ cầm quyền Tây dương từng coi khoa học là vũ khí tối ưu. Người Á đông có phần kiêng nể và cảnh giác với khoa học. Chúng ta ít khi thích thú sử dụng khoa học để hoàn thiện điều kiện sống mà chỉ xem đó là trò giải trí tầm thường. Tâm lý phản trí thức, phản khoa học luôn hiện hữu. Phần lớn thành tựu khoa học cận đại của nhân loại khởi nguồn từ châu Á Thái bình dương. Phương Đông nhận ra điều đó trong ngày đầu tiên của thế kỷ hai mươi. Và chúng ta phải học lại thành tựu thất truyền của tiền bối, đã được phát triển mạch lạc và hữu dụng, trong sách giáo khoa Tây dương. Không ít du học sinh Nhật phải quyên sinh, nhét bí quyết công nghệ trong bụng, trong quan tài mang về truyền bá cho dân tộc. Khái niệm "Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông" và luật cưỡng ép giáo dục của Minh Trị Thiên hoàng từ năm 1868 vẫn rất mới với đại bộ phận Á đông. Ba thành tựu khoa học có ảnh hưởng lớn nhất đến thế kỷ hai mươi là thuyết tiến hóa Darwin, ngành Phân tâm học của Sigmund Freud, thuyết tương đối mang tên Albert Einstein. Hai cái sau là sự kết hợp tài tình giữa khái niệm siêu hình võ đoán của triết học Á đông và chuỗi luận thực nghiệm, thống kê, kiểm chứng Tây dương. Nó biến đổi cách thức suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và xã hội con người. Tuy vậy, bản chất cội rễ của khoa học lại hoàn toàn phi nhân văn. Người ta chưa thiết kế được rào cản hữu hiệu để chặn đứng mưu đồ biến khoa học thành thứ vũ khí lợi hại. Hai quả bom nguyên tử nổ trên bầu trời Hiroshima và Nagazaki là cái tát nảy sao của khoa học tặng cho gương mặt nhân tính. Ví dụ thuyết phục nhất chắc chắn là thế giới ảo bên cạnh thế giới tạm gọi là thực. Đó là cõi gần như thực, hay thực tế ảo, giữa không gian điện toán. Môi trường này thuần công thức và rất trừu tượng, với hệ thống tín hiệu. Nó sinh ra thứ kinh nghiệm và tri thức chỉ là trật tự điện toán, nó làm cho những cá thể thực không những không mang thực tính, mà còn chứa đựng nền tảng bất định, chạy theo nhiều tham số luôn luôn đổi thay. Linh hồn con người thoát thai từ cuộc tiến hóa sinh vật, tức là bông hoa trổ ra từ cái gốc chương trình điện toán của tự nhiên. Như vậy, thế giới ảo phải chăng là lỗ đen vật lý của nhân văn, mặc dù trước mắt nó làm được khá nhiều việc rất vĩ đại. Ở thì tương lai, khoa học đơn thuần sẽ máy móc hóa linh hồn và hiện hữu. Con người hết còn trăn trở, thao thức. Họ sẽ vặt bẻ bông hoa nhân bản kia vứt đi, để tự nguyện chôn vùi đời mình trong những chuỗi luận bắt đầu từ vài tiên đề không chỗ dựa, chẳng hạn một cộng một bằng hai (!?). Sản phẩm của khoa học, sớm muộn cũng vây hãm con người bằng những giá trị tràn lan, xếp hàng ngang, chẳng giá trị nào cần thiết hơn giá trị nào. Hóa ra có có không không, có không biến ảo khôn lường. Đời sống nói riêng, hay lịch sử nói chung biến thành bãi rác biểu tượng, khái niệm và tín hiệu. Người Á đông đã chế tạo kim chỉ nam giúp xác định phương hướng trên địa cầu, cách nay ba bốn thiên niên kỷ. Nhưng chúng ta chưa bao giờ là những thủy thủ giỏi trong giấc mơ đại dương cuối chân mây. Sẽ sai lầm nếu gán cho các chuyến viễn du sau này hơi hướng kinh tế. Nên gọi đây là cuộc chinh phục vĩ đại trong thân thiện và hòa bình. Thông kê cho thấy 50% người nhập cư bất hợp pháp vào nhiều nước có nền kỹ nghệ tân tiến thuộc giống da vàng. Ở bất cứ thành phố lớn nào tại Tây dương cũng có khu quần cư gần gũi về bản sắc của các dân tộc Hán, Việt, Nhật hoặc Hàn với tất cả truyền thống đáng quí được gìn giữ một cách vô thức như bản năng. Càng ngày càng nhiều tên Âu họ Á được nhắc đến như là tác giả của các công trình khoa học lớn. Tổ tiên chúng ta từng bằng lòng tự giam hãm mình trong làng quê nhỏ bé, có giếng nước cội đa, sân chùa, mái đình. Đâu cứ phải "Nhân li hương tiện, vật li hương quí". Tiếc thay, tầm nhìn giới hạn ấy còn phảng phất quá nhiều trong đời sống và văn chương, thi ca, nhạc họa đương thời. Nỗi hoài vọng thôn dã vẫn quẩn quanh giữa nếp nghĩ thành thị Á châu và lịch sử ngắn ngủi của nó. Thái Luân làm được giấy năm 105 sau Công nguyên. Phương pháp in ấn ra đời không lâu sau đó. Đây rõ ràng là cuộc đại cách mạng thông tin lần thứ ba của nhân loại, sau sự hoàn chỉnh ngôn ngữ và phát kiến văn tự. Trên cơ sở đó công nghiệp báo chí và xuất bản Tây dương hình thành. Tri thức và nhân quyền được khai phá rồi thiện toàn để truyền bá, giáo dưỡng cho quần chúng, tạo dựng tiền đề cho xã hội văn minh. Lẽ nào ngàn năm nữa chúng ta vẫn ngậm ngùi, len lén ngước nhìn bầu trời, để làm thơ ca ngợi vẻ đẹp dòng ngân hà. Tư tưởng tối cổ Á đông qui định đỉnh đầu là phương nam, mặt đất là hướng bắc. Tên gọi đàn tế trời là Nam giao có lẽ xuất phát từ đó. Gần hai tỉ con dân Á đông phải cất mắt lên khỏi hướng bắc nhu nhược và đớn hèn bởi phương nam không thể mãi mãi là hồng ân của thiên tử. Thế kỷ hai mươi mốt, kỷ nguyên hòa bình tự do, dân chủ và phú cường bắt đầu từ đấy chứ không phải nơi các con số nhân tạo trống rỗng vô hồn. Có vẻ ngược ngạo, từng cá nhân Á đông lục địa nên đem theo nỗi nhục lạc hậu bước vào cuộc đua với đồng loại năm châu, trước thềm thiên niên kỷ mới. Dù chúng ta có nền văn hiến vượt trội, nhưng tốc độ văn hóa năm trăm năm nay không cao nên bộ mặt văn minh kém tươi tắn so với Tây dương. Nỗi đau giúp người ta trưởng thành, thụ hưởng tất cả ý nghĩa của cuộc đời. Nỗi nhục sẽ là điểm tựa cho sự vươn lên không ngừng nghỉ. Điều này chừng nào mới trở thành kim chỉ nam, dẫn bước chúng ta khỏi lạc lối trong sự vị kỷ, đố kỵ và chia rẽ của những cá nhân, những dân tộc, những cộng đồng cấu thành phương đông thần thịnh xác suy!? Chùm hoa lửa mạnh mẽ rộ lên lần cuối, bầu trời rực sáng chói lòa. Lẫn trong màu pháo hoa kỳ diệu là mùi vị rất riêng, tượng trưng cho sự may mắn, xum họp. Nếu Nobel biết người Á đông rất thích mùi thuốc súng cháy và chưa bao giờ xem đây là mùi của tử thần, chắc ông ta sẽ bớt day dứt khi vĩnh biệt cõi đời. Nguyên lý thăng thiên đã và đang đưa con người vươn tới những vì sao. Đó là cuộc vượt thoát thân phận vĩ đại của nhân loại, bước tiến mạnh mẽ không thể phủ nhận của khoa học. Di sản vô giá của nền văn hiến Á đông cũng khó mô tả như vẻ đẹp của hội pháo hoa. Phải chăng người Á đông giờ đây cần quá khứ hơn bao giờ hết, như niềm tin soi rọi cho tương lai. Đến khi chúng ta quen với tàu vũ trụ như phi cơ, từ trên cao nhìn xuống, mong rằng trái đất vẫn còn mãi màu xanh bất tận thanh bình, mong rằng lúc đó, quá khứ huy hoàng không còn ám ảnh chúng ta như điều xa vời, không thực tế và khó lập lại với tương lai! *** Xem pháo hoa xong, hai anh em tách ngay khỏi đám đông ở trung tâm. Chị Dung điện thoại báo cả nhà đang chờ họ về hưởng lộc cúng thiên địa. Trời se se lạnh hết sức dễ chịu. Dòng người trẩy xuân bất tận. Nhang to lập lòe trên xe gắn máy. Phương nam này, chân xét thì chẳng có mùa xuân. Xuân ở lòng người là chính. Trong vạn người du xuân, Phương tin không ít ánh mắt khó chịu đang chiếu về các góc tối có đám gái ăn sương. Nhân danh chúa xuân, xin một tí độ lượng. Xin thay những câu khó nghe bằng lời chúc anh lành. Các giao lộ dập dìu xe cộ. Nhiều góc phố bong bóng bay, cờ hoa chen nhau giăng mắc. Phất phới hai màu đỏ vàng ấm cúng. Tác giả của bức tranh sống động ấy là ai? Họ chỉ là người dân lam lũ, áo vá, quần cộc, với hành trang là chiếc xe đạp nát và một máy bơm cơ khí đơn giản. Niềm vui mùa xuân của họ chắc chắn phụ thuộc vào số hàng bán được đêm nay và suốt dịp tết. Nhưng với Phương, họ chính là cái gốc xù xì ít người để ý, đang cưu mang trọn vẹn những hoa, những búp, những nụ và lộc non của cây đời mùa xuân xanh tươi đến động lòng. Trái cây, bánh kẹo ngoại nhập ê hề. Rượu khai vị dán tem nhập khẩu ứ hơi tràn ly. Anh Chung đứng bên bàn thờ xá mấy cái và đem đĩa bánh chưng xuống. Bọn trẻ xua tay: "Ăn bánh chưng lúc này khó tiêu lắm!". Anh mân mê sợi lạt nhựa: - Sẽ có ngày người ta gói bánh chưng bằng máy. Thịt heo công nghiệp siêu nạc. Đậu xanh, nếp trắng cải tạo gien. Vỏ bánh trong suốt. Màu xanh hoá chất thực phẩm. Chỉ mong khi các cháu sờ được không gian đa chiều, đo được thời gian xoắn ốc thì hãy xem trời tròn đất vuông là ngôi nhà đầu tiên của tổ tông. Trong ngôi nhà ấy ước vọng thanh bình và phồn vinh là ngọn lửa vĩnh cửu sưởi ấm tâm trạng bi ai truyền kiếp… Không khí thiêng liêng đến nỗi bé Hoài Hương chín tuổi cũng phải im lặng, ngơ ngác. Di ảnh trên bàn thờ đang nhìn xuống đàn con cháu xum vầy. Thiên đường cực lạc mà tiền nhân muốn tới là đâu, nếu không phải là tâm tưởng hiếu nghĩa và chí tiến thủ của hậu thế. Giọt máu đào chẳng bao giờ ngừng nghỉ. Huyết thống sục sôi. Mạch văn hiến luôn ầm ào nâng con thuyền tương lai dong thẳng, hướng về những vì sao vừa quen vừa lạ, nhấp nháy gọi mời đã tỉ năm có lẻ.