Dọn qua nhà mới, Phương bắt đầu cuộc sống tự lập không do dự. Anh đăng ký học lại lớp 12, ôn thi đại học và kiếm việc làm thêm. Cô Tâm, giáo viên chủ nhiệm cũ, người hết sức hiểu tình cảnh Phương đã ra tay giúp đỡ.
Ban đầu Phương nhận toàn việc vặt vãnh, ngắn hạn như sơn sửa, xiết ốc vít cả trăm khung ghế sắt cho trường, hoặc buộc lại hàng rào khu vực gởi xe học sinh. Con mắt hiếu kỳ của bao người không làm Phương bối rối. Anh chẳng hề tự ái hay mặc cảm khi xoay trần đánh vật với các dụng cụ lao động chân tay. Phương hăng say tận hưởng từng phút giây khó nhọc. Anh tin có ngày giọt mồ hôi hôm nay sẽ trở thành báu vật vô giá của niềm kiêu hãnh.
Xong giai đoạn thử thách, cô Tâm an lòng và không ngần ngại bảo lãnh cho Phương làm nhân viên phục vụ tại tụ điểm cà phê nhạc, lầu chín khách sạn Cờ Đỏ.
Chưa bao giờ Sài Gòn đói món ăn tinh thần như lúc ấy. Rạp chiếu bóng chán phèo. Những bản anh hùng ca xây dựng xã hội chủ nghĩa của người anh cả Liên Xô rất dễ khiến khán giả ngủ gật. Thi thoảng bộ phim nào mang nội dung khác đi tí chút sẽ có ngay cao trào hưởng ứng của công chúng. Xuất chiếu đông nghịt. Người xếp hàng mua vé rồng rắn qua mấy dãy phố.
Sân khấu xuống sắc thảm hại. Ở đâu cũng nghe xập xình toàn kiểu "Thủy điện âm vang mùa xuân" hoặc "Ô… ố hồ… à ha… a ha… la là la là là la là la… mùa xuân đến từ những giếng dầu…" Dầu đâu không thấy, ngoài đường bắt đầu xuất hiện loại xe "sáng tạo", "cải tiến kỹ thuật" chạy bằng than đước U Minh. Sau mặt phố lớn người ta hay tự phục vụ bằng nhạc vàng hoặc nhạc trẻ Tây dương nhập lậu. Băng từ chất lượng kém, rệu nhão, oang oang đường trên hẻm dưới, trong vô số quán cà phê bắp rang vỉa hè. Khách kín chỗ ngáp dài từ chiều này đến sáng nọ. Bốn triệu dân Sài Gòn chỉ có vài điểm chiếu băng hình hạn chế. Muốn mua vé phải chạy chọt, xin giấy giới thiệu phờ người.
Con chiên văn hóa tụ tập chen lấn trước xuất chiếu hơn tiếng đồng hồ. Cọng dây thừng làm rào chắn hạ xuống như hiệu lệnh xuất phát cho cuộc đua bộ hành lên tầng chín. Ai cũng cố chen lấn, giành giật một chỗ khả dĩ trước màn hình 21 inch. Tiếng chân sầm sập trên bậc xi măng. Giá vé xem ca nhạc tại Cờ Đỏ đã cộng gộp tiền đi thang máy. Tuy nhiên đống sắt thép hết hơi của chế độ cũ chỉ đón kẻ ngờ nghệch lần đầu võ vẽ diện kiến Eagles, Rockwell, Lionel Richi… với những giai điệu Hello, Hotel California, We are the world…
Khán phòng xếp hàng trăm chiếc ghế chật hẹp. Mười cây quạt trần quay vù vù. Nhân viên phục vụ phải chen chân giữa các dãy người hỏi xem khách dùng nước gì. Sau đó cà phê đá, nước chanh, xirô được đem ra và bỏ vào chiếc rọ sắt nhỏ gắn trên lưng ghế. Phân phát thức uống xong, cửa ngoài khép lại, đèn tắt. Cô cậu trẻ tuổi bắt đầu ngả nghiêng, trầm trồ, hò hét theo màn ảnh và tiếng hát phát ra từ hệ thống loa thùng có công suất cực lớn. Phương không thể quen nổi chất nhạc khai thác triệt để nhịp điệu. Anh hay bị nhức đầu dữ dội.
Mỗi đêm Cờ Đỏ đón hai lượt khách. Hơi người, mùi mỹ phẩm và khói thuốc trộn lẫn với vị hăng hắc của cần sa tạo nên bầu không khí vô cùng nghẹt thở. Hai trăm mét vuông sàn nhà nhơm nhớp nước đường, mảnh ly vỡ, tàn thuốc lá và bã kẹo cao su là cửa ải cuối cùng Phương phải vượt qua. Mười hai giờ anh ra về. Chân tay nhừ mỏi. Đầu óc nặng chịch.
Phương chạy bàn khoảng ba tháng, trước khi anh tự kiếm được chỗ ngồi kéo khung in lụa tại một cơ sở tư nhân nhỏ, sâu hút trong con hẻm ngoằn ngoèo bên Thị Nghè. Bà chủ xưởng hiền từ, khả ái. Bà có hai con trai xấp xỉ tuổi Phương. Họ học xong lớp 12 rồi nghỉ ở nhà chờ ngày đoàn tụ với cha mình bên Mỹ. Tú với Phương quét màu. Anh Tuấn phụ trách cắt vải và đạp máy may. Bà mẹ rong ruổi bỏ mối ngoài chợ. Gia đình cư xử với Phương hết sức nhu hòa, anh bớt thấy ngày tháng đơn điệu. Phương vui niềm vui của họ giữa công việc, buồn nỗi buồn của họ nếu chẳng may bạn hàng trốn nợ. Hôm nào ế, Tú vẫn dành ít hàng cho Phương cầm cự. Có thế anh mới dám ở lại dùng cơm tự nhiên. Phương giấu biệt tâm sự riêng tư nhưng hình như bà chủ rất thấu hiểu và luôn tạo điều kiện cho anh lao động.
Thường lúc cận lễ tết hoặc đầu năm học mới hàng hóa bán rất chạy. Một ngày Phương chỉ ngủ ba bốn tiếng. Ngoài giờ học anh dồn hết tâm sức cho những nét màu. Buông khung in, đặt lưng xuống giường là Phương bị bóng đè. Nhịp tim nhảy loạn xạ. Dòng máu sôi nóng cuộn chảy róc rách, rạn nứt thịt da. Người Phương cứng đờ nhưng không dễ dàng chào thua hung thần đêm tối. Anh la hét, cào cấu điên loạn đến kiệt lực. Lúc Phương buông xuôi, thanh thản chờ cái chết như sự giải thoát chính là lúc anh tuột vào vô thức. Đó là giấc ngủ thân thiện, hữu ích. Không mộng mị, không bàng bạc sắc màu tự ngã, không có cả lãng quên hay hy vọng. Giấc ngủ có cánh và biết bay. Nó đưa Phương vượt qua bóng đen quái ác. Sức trẻ phục hồi nhanh chóng. Chưa bao giờ Phương ngủ gục trong lớp học ban sáng.
Tâm trạng muốn phiêu lưu tìm hiểu cái chết bắt đầu xuất hiện trong Phương từ dạo này. Nó dẳng dai đeo bám anh và chưa bao giờ mất tích. Đứng bên ban công tòa nhà cao tầng nào đó, nhìn dáng người thu nhỏ phía dưới Phương hay hình dung cảnh sẽ diễn ra nếu anh bị xô qua lan can. Trí tưởng tượng kỳ cục luôn có cơ hội sống dậy. Thời sinh viên vào Nam ra Bắc vượt đèo Hải Vân cheo leo. Giai đoạn đi biển, tàu viễn dương nhiều lần chạy ngang các khe nứt sâu hoắm trên vỏ trái đất. Lối sống đô thị xe cộ vùn vụt trong mắt, bánh cao su to lớn xiết xuống lòng đường bằng phẳng hoặc nảy tưng tưng trên ổ gà ổ voi.
Phương rời bỏ bàn in cuối năm thứ hai đại học vì phải ra Hải Phòng. Anh chẳng bao giờ quên được xóm lao động nghèo nhưng nhiều nghĩa tình này. Không ở đâu có tiếng còi dễ động lòng như vậy. Thanh âm trầm trầm văng vẳng lan tỏa trên dải mái tôn rỉ sét. Một con tàu ra khơi hoặc cặp bến chỉ nghe âm sắc đơn lắng đọng. Giao thừa tết Tây, hàng trăm tiếng còi hòa nhau trở thành bản đồng ca thảm thiết, nhức nhối âm ỷ. Phương biết đa phần tiếng còi cất lên từ những con tàu xa nhà. Tiếng còi luôn chứa đựng giấc mơ đoàn tụ nhất quán. Lòng Phương se thắt. Năm tháng đã qua của cuộc đời anh được tái hiện. Thước phim câm quay chậm có làng quê bom đạn, có khúc nhạc ru ấu thơ rất đỗi dịu dàng nhưng ngắn ngủi. Anh nhớ cha, nhớ dì, nhớ bà và tưởng tượng ra mẹ. Anh nhớ cả hình ảnh chưa rõ nét của tổ ấm tương lai đang ẩn trong nỗ lực mưu sinh cho đoạn tháng ngày, giữa con đường lập thân.
Hoàn toàn không quá đáng nếu Phương tự nhận anh từng làm gần hết các nghề trong xã hội kể cả quét rác. Thật vậy, thi thoảng thầy trong trường Hàng Hải giới thiệu học trò xuống tàu dọn dẹp. Ai chẳng rõ thủy thủ viễn dương vốn nổi tiếng giàu nứt đố đổ vách Anh chấm dầu, cậu thực tập sinh học việc từ cảng nước ngoài về là có quyền ngẩng cao đầu tự phụ. Ở xứ khác họ phải lặn ngụp vệ sinh những hầm chứa hàng to như sân vận động. Ghé cảng Việt Nam thì chẳng ai bỏ phí dịp sĩ diện. Thuê trí thức tương lai làm rất rẻ, lại được ra oai, ra ơn ban phát. Tiền công phụ thuộc vào chuyến hàng họ vừa bốc dỡ vì rác tương đối có giá. Gỗ kê lót, hạt nhựa hay phân bón rơi vãi là số một. Chịu khó sàng lọc bán cho thuyền bè thu mua trên sông thì hời to. Đây là cơ may tốt cho đám sinh viên trường kỳ túng thiếu như Phương, chưa kể còn được mon men nhìn ngắm con tàu mơ ước. Gặp kẻ hắc ám, trước khi trả tiền chúng giở thêm câu anh anh, em em ngọt lịm. Là em ngoan, để lần sau anh nhớ tên thì rán khom lưng giữa căn phòng ngổn ngang bề bộn. Quần áo, chăn gối khắm khú đem giùm anh ném vào máy giặt. Lau giúp anh mặt bàn, quét hộ anh sàn nhà, tiện thể vứt cho anh mớ rác lổn ngổn bao cao su "kế hoạch hóa gia đình", vỏ bia, vỏ rượu và vỏ đồ hộp…
Không hiểu từ lúc nào Phương rất tự hào với bè bạn và chính mình về những gian khó anh đã trải qua. Đôi lúc nó còn được tô vẽ thêm phần lãng mạn, cao ngạo, thậm chí phi thực tế. Rồi anh cũng nhận ra, mình chỉ là trường hợp không điển hình trong xã hội mà thôi. Thời buổi ấy, không vật vã khổ sở mới lạ đối với toàn thể người dân Việt Nam. Dần dần người khốn quẫn cũng chẳng ít đi nhưng đã xuất hiện kẻ ăn trắng mặc trơn. Không ai bảo ai, giữa họ, chuyện kể về cái ngày xa xưa bần hàn luôn trầm lắng, dễ động lòng, lúc nào cũng long lanh như trang sức. Vẫn biết thói đồng bóng không hay ho gì, nhưng Phương phải công nhận anh chưa thể từ bỏ nó dễ dàng và dứt khoát.
Phương từng làm gia sư hai ba nơi. Ngày đầu tiên nghe phụ huynh gọi mình bằng thầy giáo thật hãnh diện. Không hiểu có phải phú quí nên họ ít nhiều lễ nghĩa và thẳng thắn. Họ cần người lớn bên cạnh kèm cặp bài vở cho con cái. Giờ học thêm chính là giờ học bài, làm bài ở nhà của chúng. Các công tử lớp sáu, lớp bảy quá bé để thấu hiểu bài học đạo lý nhưng có nhận thức xã hội trước tuổi. Chúng tôn trọng, nể sợ thầy giáo ở vài buổi đầu tiên chưa thân quen. Chúng hiểu Phương muốn gì mới xin đi gõ đầu trẻ và sự coi thường ở mức độ nào anh phải chấp nhận. Có đứa mạnh dạn đề nghị chuyển cách xưng hô là anh em cho thân mật. Sau, thậm chí trong giờ học, thầy giáo thường được cậu ấm yêu cầu đứng nghiêm để cậu dợt thế võ Kung phu học lóm băng hình phim chưởng. Nếu khó tính, căng thẳng với chúng tí chút là sách vở bị bỏ bê. Có khi chúng hiểu nhưng cố tình không làm bài kiểm tra trong lớp. Sớm muộn cha mẹ chúng sẽ thuê thầy mới. Còn đâu truyền thống "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"!.
Phải vậy thôi - Phương biện giải - Thời buổi này nhân cách cá nhân từng người thầy ảnh hưởng rất nhỏ đến trò trong đa số trường hợp. Ngày xưa, nhiều lắm một cậu cử có năm ba ông đồ uốn nắn từ thuở chỏm đào. Hôm nay người ta cần cả trăm thầy cô cho tấm bằng đại học, chưa kể rừng thông tin mênh mông nhiễu loạn như truyền hình, phim ảnh, ấn phẩm.v.v. Gia đình, nền tảng căn bản nhất cho nhân cách cũng đang lung lay. Giáo chức phải chấp nhận thực tiễn làm người anh cả, người bạn lớn của học sinh hơn là khư khư giữa lấy chữ Thầy trong câu "Quân - Sư - Phụ" của Khổng Giáo. Biến thái của trường của lớp và cả của người thầy trong bối cảnh mới cũng cần đề cặp.
Những lúc như thế Phương hay nghĩ đến cô Tâm. Mặc tình thế thái, cô mãi mãi là vị giáo học Phương luôn kính trọng, không bởi sự giúp đỡ cô từng dành cho anh. Cô phụ trách bộ môn lịch sử. Cô thông minh, tốt bụng và thùy mị như tố nữ trong tranh. Vẻ đẹp toàn bích của cô cải hóa được cả mấy đứa cá biệt nghịch ngợm nhất, lười nhác nhất. Dù táo tợn đến đâu, học trò luôn dành cho cô sự ngưỡng mộ có khoảng cách, biểu hiện rõ rệt ở thái độ ngoan ngoãn chăm học. Xuất thân từ trường Tây nhưng cô ham mê nghiên cứu "cái đến trước hiện tại và tương lai". Đặc biệt cô rất lý thú với quá trình dựng nước của cha ông mình. Có lẽ vậy nên cô không theo gia đình xuất cảnh. Biết Phương thích sử, cô tận tình chỉ dạy và cho anh mượn rất nhiều sách đọc thêm. Cô còn cảnh giác: "Lịch sử là thực tế đã tồn tại. Nó cao hơn sự thật một bậc. Không quyển sách nào hoàn toàn mô tả lịch sử như nó có. Thời đại và chủ quan tác giả luôn tái hiện lịch sử như họ muốn".
Không hiểu sao vài năm sau cô Tâm bỏ trường bỏ lớp. Phương đến nhà thăm cô. Hơn ba mươi tuổi, cô vẫn thích độc thân. Anh gợi kỷ niệm thầy trò. Cô khóc. Cô hứa chừng nào Phương lập gia đình, cô sẽ tặng Phương tủ sách cô đã cất công sưu tầm bằng nỗi đam mê lớn nhất đời mình.
Bẵng đi khá lâu Phương bỗng thấy tên cô xuất hiện trên báo, như đồng phạm trong đường dây buôn bán trẻ em ra nước ngoài, thông qua các văn phòng từ thiện mang danh ngoại kiều. Phương tìm cô nhưng bặt vô âm tín. Cô không bị kêu án và đã dọn nhà đi đâu đó. Có thể từ thiện là đam mê lớn thứ hai của cô chăng?
***
Chị Linh đi làm suốt ngày. Cháu Thịnh gởi bán trú mẫu giáo. Nhà rất yên tĩnh nhưng Phương không thể chú tâm học bài. Nước lên còn đỡ, nước xuống con rạch đen ngòm bốc lên mùi hôi không thể tưởng tượng. Rảnh là Phương giam mình thường trực trong thư viện Đại học Sư phạm trên đường Lê Văn Sĩ. Rất tiện, nếu bài vở vướng mắc, hỏi bên trái hoặc bên phải là có ngay anh chị tốt bụng nào đó chỉ dạy cặn kẽ. Thầy cô giáo tương lai luôn nhiệt tình với Phương.
Phương cố gắng không nhận tiền chị Linh đưa. Anh chi tiêu rất hà tiện. Sách vở thiếu hụt nhiều. Làm hết bài tập khó có dấu sao trong sách giáo khoa Phương hay rảo khắp các tiệm bán sách cũ. Anh mua ít nhưng đọc nhiều và rán học thuộc lòng sơ lược lời giải, giữa hằng hà sa số tập sách ôn luyện thi đại học.
Phương rất dao động khi chọn trường. Anh học khá khoa học xã hội lẫn tự nhiên. Ước mơ đầu tiên của Phương là trở thành thầy giáo lịch sử. Không ít lần anh hình dung mình nghiêm nghị đứng giữa giảng đường. Bằng viên phấn trắng bên bảng đen Phương dẫn học trò đến miền tri thức, nhân văn bao la của dân tộc và nhân loại. Anh quyết tâm không nhồi nhét bất cứ tiên đề giáo huấn nào trong bài giảng.
Hồ sơ thứ hai Phương nộp cho Đại học Hàng Hải - Hải Phòng. Anh chọn trường này trên cơ sở giải quyết vướng mắc hiện tại hơn là định hướng cho tương lai. Phương muốn xa Sài Gòn. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Anh sẽ có chỗ ở, học bổng và nếu chịu khó làm việc vặt thì cũng sống qua được bốn năm năm.
Quá trình sơ tuyển vào ngành Hàng Hải rất nhiêu khê. Trường chỉ nhận con em cốt cán. Đơn xin dự thi phải được chính quyền sở tại tán đồng. Phương lớ ngớ ôm bìa giấy khá dày lên ủy ban phường.
- Anh về phường cũ xin xác nhận khoảng thời gian trước vì anh mới cư trú tại đây gần một năm. Chúng tôi không thể làm tắt được.
Tay ủy viên thư ký bên kia bác ngay:
- Đành rằng cha anh là dân kết, nhưng người nuôi dưỡng anh thuộc nhóm tiểu tư sản. Tuy gia đình anh đã ly tán, song chúng tôi biết hiện còn hai người sống tại Mỹ. Anh tự biết mình đủ điều kiện học ở đâu chứ.
- Nếu tôi nhớ không lầm thì trước đây anh có đến nhà nhờ vả cha tôi. Chính cha tôi chứ không ai khác đã khai sáng cuộc đời chính trị cho anh. Tôi làm sao quên được vẻ hăng máu của anh khi châm lửa vào đống sách đồi trụy, phản động trước cổng nhà tôi ngày nào.
- Trí nhớ tốt lắm nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Không có chỗ cho lòng biết ơn. Cha anh còn gãy cánh giữa đường vì giai cấp của bà Thái, huống gì anh.
Phương đã vậy thì bạn bè anh cơ man khổ sở. Người ta dò xét từng li phả hệ ba đời chỉ để quyết định một cá nhân có quyền được đi học, đi làm hay không. Qua được vách núi này chưa hẳn nhẹ gánh. Thang tuyển chọn giữa các thành phần khác nhau, cao như bức thành, có khi chênh lệch hàng chục điểm. Khoảng cách trình độ của nhóm lý lịch cỡ từ trò đến thầy, từ sự dốt nát đến giỏi giang.
Chị Linh bảo Phương đến gặp chú Hùng, người bà con xa thành đạt. Ông ta ranh mãnh quơ tên cha Phương vào lý lịch mình như người đỡ đầu cùng huyết thống từ dạo nào.
- Mua bộ hồ sơ mới, khai lại. Bỏ tên người nuôi dưỡng đi. Cô sẽ trực tiếp đến yêu cầu phường cháu trám mộc đỏ vào đây.
- Thưa chú…
- Tình cảm là thứ xa xỉ và phù phiếm. Mày phải nghe chú. Mày thương yêu, kính trọng dì ở tấm lòng chứ không phải trên mấy dòng tự thuật vớ vẩn này.
- Chú nói đúng đấy cháu à - Bà vợ xồn xồn hóng chuyện nãy giờ bỗng xen ngang.
- Cháu cám ơn cô chú.
- Ơn nghĩa gì. Mai này vi vu Tây Tàu mua hộ cô dàn nghe nhạc nội địa Nhật loa rời là tuyệt trần rồi.
- Bà này chỉ được cái lắm chuyện. Bảo bọn trẻ giảm âm thanh vidéo nho nhỏ thôi. Hay muốn khoe với tai vách mạch rừng và bọn đâm bị thóc, chọc bị gạo.
Xong việc Phương đem chai rượu Johnny Walker tạ lễ. Bà cô tít mắt:
- Thằng này khéo bày vẽ. Khổ thân mày côi cút. Xưa ông Thiện khác người quá mà. Từ nay có gì cứ đến gặp cô, cửa sau nhà cô là cửa chính cơ quan chú đấy.
***
Những năm 1980 thí sinh chỉ có một chọn lựa, các trường thi tuyển cùng ngày. Giai đoạn ôn luyện cuối Phương quay ngoắt sang phân ban xã hội nhân văn.
Phương vừa đủ điểm học khoa Sử - Đại học Tổng hợp. Nhiều năm sau, lâu lâu Phương lại ghé thăm trường cũ. Tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, trên nền trại lính cũ thời Ngô Đình Diệm, toàn cảnh ngôi trường bị phá vỡ bởi kiểu xây dựng đắp vá hổ lốn. Cổng ngoài mái ngói cong thâm thấp kiểu dáng chùa chiền. Dãy nhà cấp 4 lụp sụp sát đài truyền hình ngày trước đã biến thành khu phòng học mới khang trang hiện đại, tương phản với tòa lầu có khung chịu lực bằng thép tuổi thọ cỡ năm bảy mươi năm. Bìa phải còn nguyên kiến trúc phố thị Pháp, khi thì cho thuê làm khách sạn, lúc được tận dụng như văn phòng hành chính. Đại giảng đường mái tôn, có sân khấu, giống hội trường hoặc nhà hát hơn là nơi học tập. Kẹp giữa hai khu này là quán cà phê mang cái tên gợi nhớ sự lãng mạn của Sài Gòn xưa "Văn khoa". Nam thanh nữ tú dập dìu, nhạc nhẽo ỷ ê suốt ngày.
Khuôn viên trường sạch sẽ. Cây cỏ xanh tươi. Hàng Ngọc lan còi cọc hôm nao đã vút cao, lác đác hoa bốn mùa. Xã hội đổi thay nhiều, không hiểu phương pháp dạy và học mô phạm cứng nhắc ngày trước còn hay mất.
Gần hết học kỳ đầu, bỏ qua những tín chỉ giáo điều, với các môn chuyên ngành, Phương đều đưa ra phản đề trong giờ thảo luận. Lớp bốn mươi sinh viên, ngoài mấy cán bộ cơ sở có thâm niên được ưu tiên xét tuyển và hai nhà sư tu hành tại một ngôi chùa nhà nước, số còn lại ngang tuổi Phương. Tuyệt nhiên không ai ủng hộ lý lẽ của anh. Rốt cuộc, bài luận văn lịch sử về Mê Linh liệt nữ Phương viết gần như đóng chiếc đinh cuối cùng, tẩm liệm giấc mơ sư phạm nông nổi của anh. Chính vì thế Phương chẳng thể quên được bất cứ chữ nào trong tác phẩm đầu tay này.
“
TỪ HAI BÀ TRƯNG ĐẾN NHỮNG KHẮC KHOẢI LỊCH SỬ Có lẽ bài học lịch sử đầu tiên với rất nhiều người Việt Nam là những câu thơ nói về Hai Bà Trưng trong Đại Nam quốc sử diễn ca:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân. Tôi đã thuộc lòng cả bài thơ này từ thuở tiểu học, để đến ngày kia mới giật mình khi đọc một tác giả nước ngoài: “Lịch sử Việt Nam phần lớn là cuộc tranh cãi về mối quan hệ Hoa – Việt, câu chuyện với chủ định rõ ràng và khẩn thiết, sự thừa nhận nó là phần quan trọng trong việc làm người Việt Nam”.
Lời nhận xét thật đáng buồn! Lịch sử, với tôi, chính là bà mẹ tinh thần của dân tộc. Dù mẹ nghèo hèn, thấp kém đến đâu đi nữa, thân phận bà cũng không thể qui định tương lai những đứa con. Chỉ có kẻ hư hỏng mới mong đẻ ra mẹ mình. Bằng kiến thức hạn hẹp, tôi vẫn khuyên mình dũng cảm lên đường tìm mẹ. Việc trước nhất tôi muốn tự tra xét chính là bài học lịch sử đầu tiên đã nêu.
Rất nhiều sử gia đồng tình rằng theo Thủy Kinh Chú, chồng bà Trưng Trắc tên Thi. Ông chẳng những không hề bị Tô Định sát hại, mà còn sát cánh bên phu nhân của mình trong cuộc nổi dậy năm 40. Khi Mã Viện tấn công, đuối sức, ông bà bỏ chạy vào Kim Khê. Chuyện tiếp theo như thế nào thì Thủy Kinh Chú bỏ lửng. Dân gian truyền tụng Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát giang. Có giả thuyết Hai Bà sau đó bị Mã Viện bắt được và chém đầu, đem thủ cấp về Tàu báo công, cho nên trong đền thờ Hai Bà ở Hát Môn có tục kiêng màu đỏ.
1. Những nghi vấn :
Ở đây tôi muốn trả lời hai câu hỏi: Tại sao sử gia phong kiến Việt Nam lại mượn tay tên Thái thú kia khai tử ông Thi? Và lý do gì khiến các văn bản sử chính thống hiện nay vẫn luôn lập lờ hai mặt khi đề cặp tới ông Thi.
Ý kiến phổ thông của đa số học giả trong thế kỷ 20 cho rằng nhà Nho, khi viết sử phải “giết” ông Thi, vì nếu ông còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ… thánh hiền Khổng – Mạnh! Họ cũng thống nhất cư dân Việt cổ hình như theo chế độ mẫu hệ - bằng chứng là thuộc tướng của Hai Bà Trưng phái nữ rất nhiều, nào là Lê Chân (thánh chân công chúa), Ngọc Lâm (thánh thiên công chúa), Vũ Thục Nương (bát nàn công chúa), Thiều Hoa (đông quân tướng quân), Diệu Tiên v.v. Giải thích như thế chưa thuyết phục lắm. Theo tôi sự bịa đặt còn ẩn chứa hàm ý sâu xa khác, nó làm người ta không chú tâm đến địa điểm của cuộc nổi dậy.
Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Tô Định tại Mê Linh, với sự ủng hộ mạnh mẽ của mẹ mình là bà Man Thiện. Khi thành công rồi, Hai Bà Trưng xưng vương và đóng đô cũng tại Mê Linh, nơi chôn nhau cắt rốn của Hai Bà. Giả sử Hai Bà Trưng không có em trai. Khi chồng chết, Trưng Trắc (lúc này đang ở bên chồng) về lại quê cùng giữ quyền thế tập với em gái, rồi “hận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… phất cờ” khởi nghĩa. Chuỗi luận thật tròn trịa, dễ ru ngủ người đời. Thật sự nó đã ru biết bao thế hệ người Việt ngủ ngon hằng ngàn năm.
Quả tình ông Thi chẳng bị ai ám hại. Ông là con Lạc tướng Châu Diên, rất “môn đăng hộ đối” với Trưng Trắc, chứ không phải anh lực điền tứ cố vô thân được gia chủ nuôi và gửi gắm con gái rượu. Không có ông bên cạnh Trưng Trắc đánh đuổi Tô Định, thì không ai thắc mắc khi lấy vợ ông đi ở rể hay rước dâu về. Nếu lúc ấy người Việt cổ đã theo chế độ phụ hệ, Trưng Trắc phải về nhà chồng. Và nếu chiêu binh tất bà sẽ chọn Chu Diên chứ không phải Mê Linh. Do đó ta thấy vai trò của kẻ làm dâu trong một gia tộc danh giá thời ấy hơi khác thường.
Đến đây nên mạnh dạn kết luận khi phối ngẫu với Trưng Trắc, ông Thi phải theo vợ sang Mê Linh. Vai trò của ông Thi trong cuộc binh biến và cả sau khi binh biến thành công khá mờ nhạt. Thay vào đó là hình ảnh Trưng Nhị, em gái Trưng Trắc. Đó là điều hiển nhiên, xã hội mẫu hệ cho Trưng Trắc quyền thế tập và Trưng Nhị là hàng thừa kế thứ nhất, thậm chí Trưng Nhị còn có thể thừa kế cả anh rể mình nữa, điều này hoàn toàn không có gì xa lạ với nhiều bộ tộc còn chậm tiến trên thế giới ở thế kỷ 20 vừa qua. Giả thuyết này có thể lấy chuyện hôn nhân của Mỵ Châu và Trọng Thủy trước đó gần 200 năm làm điểm tựa. Hình ảnh truyền thuyết An Dương Vương cưỡi ngựa mang Mỵ Châu bỏ chạy khỏi Cổ Loa, cũng mơ hồ cho thấy Mỵ Châu cần được bảo vệ như “thái tử” trong cơn nguy cấp.
Trả lời cho câu hỏi thứ hai đòi hỏi chúng ta phải làm quen với khái niệm hơi mới “Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc” trong giáo trình: “Nền văn minh Văn Lang–Âu Lạc, vào những thế kỷ VII đến III TCN, đã trở thành cội nguồn của các nền văn minh tiếp theo của dân tộc”. Tuy không khẳng định chắc chắn ở nền văn minh này xã hội Việt cổ đã theo chế độ phụ hệ chưa, nhưng trong mục “Sự ra đời của nước Văn Lang” người ta chú thích cuối trang: “Thời Hùng Vương chế độ một vợ một chồng dần dần phổ biến, gia đình nhỏ là một tế bào của xã hội. Đây là gia đình phụ hệ, nhưng người phụ nữ vẫn có địa vị quan trọng, được coi trọng ở trong gia đình và ngoài xã hội”
Trong nỗ lực nghiên cứu khảo cổ kết hợp với các lý thuyết lịch sử, sử gia Việt Nam hôm nay quyết tâm chứng minh người Việt Nam hiện đại với bản sắc rõ ràng, nguồn cội minh bạch đã có một quốc gia và nhà nước sơ khai vào khoảng thế kỷ VII đến TK VI TCN. Điểm mốc này gọi là mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thế ra nền văn hiến 4000 năm theo cách gọi cũ đã lùi xuống còn khoảng 2700 năm. Và hình như, theo lối kinh viện mà sử gia áp dụng, hình thái xã hội phụ hệ là điều kiện cần cho lý thuyết của họ. Khi đã đặt niềm tin sắt đá đến như vậy vào thời điểm cách cuộc nổi dậy của Hai Bà trưng đến 700 năm, mà lại công nhận thời Hai Bà Trưng người Việt cổ còn duy trì chế độ mẫu hệ, khác nào biến công lao cực nhọc kể trên thành trò cười cho những học giả nghiêm túc lấy nền tảng khoa học, sự trung thực làm tiêu chí và không bị chính trị chi phối. Điều này nếu không rút ngắn tuổi tác văn hiến Việt Nam xuống nữa, thì cũng tương tự như lời chê trách nền văn minh “Văn Lang-Âu Lạc” kia phát triển giật lùi! Càng cố chứng tỏ tính lên tục và nhất thống của nền văn hóa bản địa Việt cổ từ thời Văn Lang-Âu Lạc đến thời Hai Bà Trưng, các giáo sư càng đi vào thế kẹt rất tội nghiệp. Họ viết: Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, con lạc tướng huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), thuộc dòng dõi “họ Hùng”. Chữ “họ Hùng” được để trong dấu nháy tùy tiện khá vô duyên, và không hề được giải thích là họ Hùng nào, có phải họ của vua Hùng, trong truyền thuyết hay không. Hơn nữa, có đất nước Văn Lang và dân tộc Lạc Việt thì mới dẫn luận được giá trị cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng: “Đó là ý chí kiên quyết đấu tranh bằng mọi giá để giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc”. Đây là hai mặt tương cân của một vấn đề cho nên nó chứa đựng nguy cơ mất ổn định rất cao, và đe dọa sự sụp đổ công trình sáng tác sử học bất cứ lúc nào.
2. Một cách lý giải :
Lần ngược lịch sử, ta thấy khi Tây Hán bình định xong nước Nam Việt của họ Triệu, toàn cõi Nam Việt được cải thành Giao Chỉ bộ và chia làm 9 quận. Mỗi quận có Thái thú và Thứ sử trông nom. Ở quận Giao Chỉ (tức Bắc Việt ngày nay) những Lạc tướng, Lạc hầu vẫn được giữ quyền cai trị dân bản xứ. Từ đó đến hết thời Tây Hán (năm 25 sau CN) sử sách không nhắc gì đến Giao Chỉ. Năm 29 có Thứ sử Giao Chỉ triều cống nhà Hán sau loạn Vương Mãng.
Có thể hình dung suốt thời Tây Hán dân Việt và nhóm quan lại ủy trị của triều đình phương Bắc sống khá hòa thuận, chẳng gây điều tiếng gì khiến sử sách lưu tâm. Phải chăng hình mẫu này cũng giống như cảnh thanh bình, háo hức khám phá nhau lúc đầu giữa Kha Luân Bố và các bộ lạc da đỏ tại Tân thế giới. Giáo trình ghi: “Đầu thời Bắc thuộc, triều Tây Hán phải chở thóc gạo vào Giao Chỉ để cung cấp cho bọn quan lại đô hộ và quân lính chiếm đóng”. Suy rộng ra việc thu thuế của Hán quan có thể chưa được áp dụng, hoặc áp dụng lấy lệ, rất hạn chế, không đủ cho nhu cầu sinh sống tối thiểu của chính họ. Hơn nữa chuyện thái thú Cửu Chân Nhâm Diên bắt thuộc lại của quận trích lương bổng giúp những kẻ nghèo lấy vợ lấy chồng, không những rành rành trong nhiều văn bản mà còn được truyền tụng rộng rãi. Cuối thời Tây Hán, chính trị phương Bắc suy đồi, xã hội mục ruỗng, nông dân bị bần cùng hóa nổi lên làm loạn, giặc giã và thiên tai dồn dập khắp nơi. Năm 23 Lưu Tú dẹp được Vương Mãng tiếm quyền nhưng Trường An đổ nát, hoang tàn trong máu lửa, ông dời đô về phía đông đến Lạc Dương lập nên nhà Hậu Hán. Bối cảnh xã hội như vậy khiến xuất hiện làn sóng di dân tự do ào ạt về phương Nam. Người đi tìm “đất hứa” đa phần là nam giới đã trưởng thành, có thể họ tị nạn chính trị, trốn lính hoặc mưu cầu đời sống kinh tế dễ thở hơn. Nữ giới và trẻ em chắc chắn rất ít vì chặng đường dài từ Trung Nguyên đến bắc Việt đồi núi chập chùng đầy dẫy hiểm nguy, lam sơn chướng khí sẽ chôn vùi những cơ thể yếu đuối.
Xã hội Việt Nam khi đó hình thành hai cộng đồng dân cư riêng biệt, có hai thể chế cai quản khác nhau về hình thức lẫn bản chất, khoác hai bộ cánh văn hóa không mấy tương đồng nhưng lại chia sẻ cùng một mảnh đất và ít nhiều liên kết với nhau bằng những cuộc hôn nhân và các giao tiếp phổ thông thân thiện. Hệ mâu thuẫn phát sinh là tất yếu: giữa quan lại triều đình nhà Hán với chính nhà Hán; giữa quan lại bản địa và quan lại triều đình nhà Hán; giữa người Việt cổ với lạc hầu, lạc tướng; giữa di dân và Hán quan; giữa liên minh thống trị Lạc-Hán và nhân dân nói chung. Tuy các mâu thuẫn trên hiển nhiên tồn tại nhưng con người vẫn sống thanh bình với nó trong khoảng thời gian dài, chứng tỏ tương quan lực lượng giữa hai phe còn cách biệt nhau khá xa.
Nhiều sử gia có cái nhìn đơn giản hóa vấn đề cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng là mâu thuẫn về quyền lợi trong việc sở hữu đất đai của hai cộng đồng Việt cổ và tân Hán. Nhưng theo tôi dị biệt văn hóa mới là căn nguyên của mọi tranh chấp. Nguyên tắc phụ quyền của kẻ ngụ cư và truyền thống mẫu quyền bản xứ là hai mặt hoàn toàn đối lập nhau đã kích thích những mâu thuẫn sẵn có bùng phát thành biến cố có vai trò như cuộc binh biến bảo vệ thuần phong, tái lập trật tự cũ. Bản chất biến cố này không hề mang tính cách mạng vì lực lượng đại diện cho cái mới chưa đủ mạnh. Sự xuất hiện của Tô Định vào năm 34 chỉ là nguyên tố xúc tác giúp phản ứng diễn ra, là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước đầy ắp mà thôi.
Khi Tô Định đến Long Biên thì những người Hán di cư đầu tiên (từ đầu công nguyên) đã kịp sinh con đẻ cái tạo nên thế hệ trung gian đã trưởng thành. Chính họ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn vốn có, và đưa chúng đến tận không gian sinh hoạt của nhiều gia đình (tức là tế bào của xã hội) mẹ Việt, cha Hán. Tô Định tiếp quản bộ máy cai trị mang tính hình thức với nhóm thư lại ít nhiều bị Việt hóa sau bao năm chung sống với người Việt. Có lẽ sức ép từ triều đình khiến tân thái thú phải xây dựng bộ máy bóc lột nhằm biến Giao Chỉ thành miếng bánh ngon giữa bàn tiệc thực dân, chứ không thể mãi mãi là mảnh đất trang trí trên bản đồ đại Hán, và đôi khi là gánh nặng khó kham. Tuy nhiên hắn hoàn toàn đơn thương độc mã, nếu không kể nhúm lính Hán hộ tống theo hắn từ Trung Nguyên. Tô Định chắc chắn phải giao tiếp với người bản xứ qua thông ngôn, khiến hắn thêm lạc lõng và có khoảng cách nhất định với thực tế. Có thể hắn đã tiến hành vài cuộc khủng bố lẻ tẻ nhân danh thiên tử Tàu, và dùng áp lực của chính quyền tối cao giải quyết các mối bất hòa trong xã hội liên quan đến hôn nhân, thế tập, thừa kế cũng như quyền sử dụng đất đai.
Lẽ đương nhiên người Việt không thể chấp nhận cách thức ấy. Nhóm dân gốc Hán một mặt âm thầm ủng hộ lối thực thi pháp luật Trung Hoa tại đây, một mặt vì những liên hệ tình cảm gia đình, họ hàng bên ngoại với người Việt, đành hướng sự nổi giận của lạc hầu, lạc tướng vào cá nhân thái thú. Bọn thư lại cũ chắc luôn tỏ ra vô can, không muốn đứng hẳn về phía nào và chỉ mong Tô Định mau cuốn xéo, để lại cho chúng bộ ấn tín thái thú và cảnh thanh bình giả tạo cũ với bầu trời yên tĩnh lạ lùng trong mắt bão.
Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa năm 40, dân Việt đồng tình hưởng ứng khắp nơi. Tô Định chuồn thẳng về Nam Hải (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) mà không hề có trận chiến ra trò nào với Hai Bà Trưng để sử sách hoặc dân gian truyền lại. Chi tiết này thêm một lần nữa xác tín bối cảnh được xây dựng ở trên là hợp lý. Qui mô đội quân chiếm đóng của Tô Định rất nhỏ, chẳng thể đánh đấm gì được. Nhóm người Hán có dây mơ rễ má với người Việt đào ngũ, không nghe lệnh viên thái thú chưa xây dựng được cho mình hệ thống tay chân tâm phúc sau hơn 5 năm nhậm chức. Có sử gia phương Tây nghiên cứu sách vở máy móc còn gợi mở: “Hãy thử tưởng tượng số phận của những người Trung Hoa bị (Tô Định) bỏ lại, không kịp chạy trốn sẽ như thế nào?”. Nếu hiện hữu làn sóng trả thù, thậm chí tắm máu sau đó thì đương nhiên dân gian sẽ rất hứng thú sử dụng nó để làm giàu thêm dữ liệu “chống Tàu”, chứ không dễ gì cho sự kiện mai một hẳn theo năm tháng.
Cuộc hành quân về Long Biên của Hai Bà Trưng nhanh chóng thành công. Điều này là tiền đề thuận lợi cho Hai Bà Trưng tập hợp được thêm nhiều lực lượng ủng hộ, tiến tới xưng vương rồi đóng đô tại Mê Linh.
Năm 43 Mã Viện mang theo quân thiện chiến sang đến, bằng kinh nghiệm lọc lõi của tên tướng phong kiến, hắn kiên nhẫn đóng quân tại Lãng Bạc và nghe ngóng tình hình. Hai Bà Trưng sốt ruột, chủ động tấn công trước và thất bại, phải rút về Mê Linh rồi Cấm Khê (chân núi Ba Vì). Mã Viện tiếp tục truy kích và bắt được Hai Bà Trưng. Tàn quân Việt chiến đấu được vài tháng nữa mới tan rã. Dân gian Việt Nam có hai ngày giỗ Hai Bà Trưng là 5.2.43 và 8.3.43 (âm lịch), có lẽ ngày đầu là ngày Hai Bà Trưng bị bắt và ngày sau là ngày họ bị hành hình. Ở đây xuất hiện hai khả năng: Một là Mã Viện giữ Hai Bà để dụ hàng nhằm kêu gọi nhóm nghĩa quân chưa buông vũ khí ra trình diện. Hai là Mã Viện thuyết phục Hai Bà kêu gọi nhân dân thuần phục nhà Hán và chấp nhận luật pháp Hán. Dù sao ta cũng biết chắc Hai Bà Trưng đã không chịu thỏa hiệp dù phải bỏ mình.
Sự kiện Hai Bà Trưng anh dũng tấn công Mã Viện dẫn đến liên tưởng hơi ngoài lề. Rõ ràng Hai Bà rất tự tin và có quân số không kém gì Mã Viện. Với lực lượng hùng hậu như thế, tại sao Hai Bà không củng cố thành Cổ Loa cũ để đương đầu với quân viễn chinh. Ngoài thực địa Loa thành chỉ cách Mê Linh trên dưới 20km đường chim bay, không hề bị sông lớn, suối rộng, núi cao, khe sâu ngăn trở, và Hai Bà có gần 3 năm để chuẩn bị cuộc kháng chiến dài lâu. Như vậy truyền thuyết An Dương Vương và Loa thành có thêm nghi chứng phủ nhận. Chi tiết này rất quan trọng, nó có thể đánh đổ lập luận về tính liên tục và nhất thống của nền văn hóa bản địa Việt cổ đã nói ở trên. Nếu mai này khảo cổ học chứng minh được hai vòng ngoài của thành Cổ Loa do người Việt xây dựng, thì việc Hai Bà Trưng không biết sử dụng thành trì trong chiến tranh chứng tỏ sự liên hệ văn hóa giữa thời Hai Bà và thời An Dương Vương khá rời rạc, thậm chí đứt đoạn.
Xin tạm che giấu cảm tính dân tộc và tinh thần quốc gia (những khái niệm không thể có ở thời Hai Bà Trưng), để đứng trên bình diện văn minh mà dè dặt nói: kết cục cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện có thể tiên liệu trước, chế độ thị tộc mẫu hệ, hay ít ra là tàn dư của nó phải bị khuất phục trước mô hình xã hội tân tiến hơn, để giải phóng sức sản xuất xã hội, phân công lại lao động, đưa con người và lịch sử tiến lên phía trước. Sự thật là Hai Bà Trưng phải đương đầu với Mã Viện, tên tướng xâm lăng, nên nguyên nhân thất bại cốt lõi của Hai Bà rất khó được chấp nhận đối với hầu hết người Việt Nam, không phân biệt trình độ nhận thức. Có những nét đẹp trong phong tục Việt Nam hôm nay chắc chắn đã được bảo tồn từ thời Hai Bà Trưng: Cách ghép họ cha mẹ thành họ con như Trần – Lê, Phạm – Nguyễn, thói quen gọi nhau bằng tên riêng chứ không dùng họ trịnh trọng như nhiều nền văn minh khác…
Hai Bà Trưng ra đi khép lại thuở bán khai trên đất Lạc Việt. Thời điểm này chính là hoàng hôn trước đêm dài nô lệ. Người Việt biết chấp nhận nỗi nhục thiếu tự do để học hỏi, tự hoàn thiện mình. Thỉnh thoảng một vài ngọn đuốc lại bừng sáng mang nhiều cái tên anh hùng như Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan hay Phùng Hưng. Đáng kể là hơn nửa thế kỷ độc lập của Lý Nam Đế cùng các phụ triều trong giấc mơ Vạn Xuân đầy hiện thực. Đó là những bước tiến vững chắc, không thể phủ nhận của con người và đất nước thời khởi sử, làm bệ phóng cho kỷ nguyên tự chủ bắt đầu với Khúc Thừa Dụ năm 905. Tám trăm năm tròn Bắc thuộc là cái giá quá đắt nhưng không hề vô nghĩa. Dân tộc Việt Nam, văn minh Việt Nam hình thành trong gian khó và thử thách đã lớn mạnh vượt bậc. Từ đó về sau phong kiến phương Bắc không lần nào hoàn toàn khống chế được chúng ta nữa. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đại diện thực dân châu Âu là Pháp Lang Sa, với ưu thế hơn hẳn chúng ta về sức mạnh vũ khí được sản xuất dưới nền khoa học kỹ thuật tân kỳ, tổ chức xã hội tư bản tiến bộ, cũng chỉ áp đặt sự đô hộ không đồng bộ của chúng trên mảnh đất này tròm trèm 80 năm mà thôi.
Từ quyển hiến sử đầu tiên còn lưu lại đến ngày này là Đại Việt Sử lược (1377 – 1388), nếu không kể đến An Nam Chí Lược của tên phản quốc Lê Tắc viết năm 1335, sử gia Việt Nam đã chấm bút lông vào nước lã để viết về ông Thi. Năm tháng qua đi, sách sử nối nhau ra đời, Bà Trưng Trắc vẫn phải làm quả phụ bất đắc dĩ, gồng gánh thêm bao nhiêu khái niệm không cùng thời với Bà như quốc gia, dân tộc và tổ quốc. Lối tư duy suy diễn chủ quan, kết hợp với truyền thống tạo dựng chính sử thiên kiến và không tôn trọng sự thật một cách có hệ thống, vô hình chung đã tô son trát phấn lên Bà mẹ chân đất “vi nhân hữu đảm dũng”. Kết quả là người mẹ vĩ đại của chúng ta chẳng đẹp hơn tí nào. Nó chỉ khiến người đời chạnh buồn cho những đứa con vụng về, xốc nổi và đồng bóng của Bà.
Mảnh đất hình chữ S có tên Việt Nam ngày nay hiện hữu khoảng 200 đền thờ Hai Bà Trưng. Đó là tuyên bố rõ ràng nhất về vai trò lớn lao của Hai Bà trên non sông này. Mọi lý thuyết học thuật cổ kim đều không thể phủ nhận bản chất anh hùng và tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng, những người mẹ đáng kính của lịch sử Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Hãy trả lại cho mẹ hình hài thực và tâm hồn mộc mạc của người, đó là nhiệm vụ của từng đứa con của mẹ, và của tôi, kẻ đã được sinh ra trên chính mảnh đất Mê Linh huyền thoại, là cháu, là con của những người phụ nữ nhiều đời an cư lạc nghiệp tại Mê Linh.
3.Con cháu Hai Bà Trưng ngoài đảo xa:
Mùa xuân năm 43 Hai Bà Trưng bại trận và bị xử trảm. Tùy tướng của Hai Bà đem tàn quân rút chạy vào Cư Phong, thuộc huyện Cửu Chân. Mã Viện tiếp tục truy kích đến cuối năm 43 thì hoàn thành cuộc xâm lăng. Một nhóm nữa phải hàng phục. Tuy nhiên có một bộ phận bất khuất không nhỏ đã lên thuyền ra khơi. Thời điểm cuối năm 43 hoàn toàn hợp lý và là chi tiết quan trọng, vì trên biển Đông bắt đầu vào đợt gió mùa Đông Bắc. Đây chính là đôi cánh tự do trời đất ban tặng cư dân Việt cổ, đẩy những con thuyền đưa họ đến eo Malacca. Cũng có khả năng nhiều người trốn chạy theo đường bộ, rồi hòa lẫn vào các bộ lạc sống dọc bờ biển trung bộ Việt Nam ngày nay. Họ đã góp phần xây dựng nên đế chế Chiêm Thành sau này.
Hiện nay có hai cộng đồng thị tộc mẫu hệ, có nguồn gốc gần gũi, sống hai bên eo biển Malacca, thuộc hai quốc gia: 1. Cộng đồng thứ nhất là người Minangkabau, sống ở đảo Sumatra, Indonesia. Họ có khoảng 4 triệu người, chiếm ¼ dân số của đảo. 2. Cộng đồng thứ hai sống ở bang Negeri Sembilan, thuộc bán đảo Peninsular, Malaysia. Họ cũng là người Minangkabau. Họ vượt eo Malacca đến đây định cư khoảng từ TK 15 đến TK 16, và ngày nay sống rải rác trên diện tích khoảng 6,645 km2, dân số hơn 722.000. Negeri Sembilan dịch nghĩa là “Chín nước”. Có cái gì đó rất gần gũi với chữ Cửu Chân. Biết đâu nó mang ý nghĩa 9 đại thị tộc! Thủ phủ của Sembilan cách Kuala Lumpur khoảng 64 km.
Nền văn hóa của hai cộng đồng này mang bản sắc độc đáo và riêng biệt. Họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Quyền thừa kế nằm hết ở giới nữ. Tuy nhiên trưởng tộc lại là nam giới. Lãnh thổ chung của họ chia thành những vùng tự trị có tên là Luak (Lạc?). Người đứng đầu vùng tự trị cũng là nam giới, do hội đồng trưởng thị tộc bầu lên gọi là Luak Undang (Lạc tướng?). Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi (tiếng Bahasa Indonesia lần lượt đọc là t run ch chik và t run nhi). Ngữ âm này, sau biết bao biến đổi qua thời gian, đọc lên vẫn thấy mơ hồ hai cái tên Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Về đời sống, nam giới có trách nhiệm chính với mẹ và chị em gái của họ trong thị tộc. Nhiều nơi, nam giới chỉ ở với vợ ban đêm, ban ngày trở về với chị em gái mình và những đứa cháu. Nữ giới lập gia đình thường ở lại nhà cha mẹ họ. Người chị đã lập gia đình luôn có mối liên hệ gần gũi với em gái chưa lập gia đình, thậm chí họ còn ở chung với nhau. Ở Indonesia hôm nay, người Minangkabau là các nhà kinh doanh giỏi. Điều này được tạo nên một phần bởi sắc thái văn hóa Minangkabau. Nam nhi Minangkabau phải rời gia đình đi tìm tương lai. Họ buộc phải thành công. Khắp Indonesia ta gặp rất nhiều ông chủ lớn nhỏ người Minangkalau. Họ theo đạo Hồi đã vài thế kỷ. Tuy nhiên truyền thống văn hóa và tín ngưỡng đã hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên.
Chế độ thị tộc mẫu hệ hiện tồn tại trong cộng đồng người Minangkabau luôn lôi cuốn giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhân loại học. Ngành du lịch Indonesia và Malaysia cũng khai thác triệt để tính đặc thù này để thu hút du khách. Trong rất nhiều đoạn phim quảng bá du lịch người Minangkabau đã không dưới một lần tuyên bố tổ tiên họ là người Việt và đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền.
Kiến trúc truyền thống Minangkabau cũng khiến không ít tác giả suy tư: “Ở Indonesia, người Minangkabau có những ngôi nhà mái cong rất đẹp, nhịp điệu bay bổng, phong phú, một mặt giống ngôi nhà sàn hình thuyền, một mặt lại giống mái cong của đình chùa Việt Nam”.
Xin hãy tham khảo một giai thoại Minangkabau: Ngày xưa có mối bất hòa giữa người Minangkabau và người Java, thay vì giải quyết bất hòa đó bằng cuộc chiến với máu đổ không cần thiết, họ thỏa thuận chọi trâu để phân định. Người Java có con trâu khổng lồ, mạnh mẽ và hung dữ. Người Minangkabau chỉ có con nghé con. Người Java rất tin tưởng con trâu của mình sẽ đè bẹp chú nghé kia. Vậy mà yếu đã thắng mạnh. Người Minangkabau bỏ đói con nghé nhiều ngày. Trước trận đấu họ buộc con dao sắc vào đầu nghé. Vào trận nghé đói tưởng trâu là mẹ mình. Lập tức nó rúc vào bụng trâu để tìm vú. Con trâu kềnh càng bị chết vì dao đâm thủng bụng. Người Minangkabau chiến thắng. Cũng theo giai thoại này Minang nghĩa là chiến thắng, kabau là trâu.
Bất kỳ người Việt nào cũng tìm thấy ở câu chuyện trên thứ gì đó thật gần gũi với bản sắc văn hóa đồng bằng sông Hồng. Chuyện dân gian Trạng Quỳnh dùng nghé đấu Trâu của sứ Tàu với truyện trên, có lẽ là hai biến thể của một tư duy chung, triết lẽ giản dị nhưng nhiều giá trị: Đề cao trí tuệ và lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hợp, lấy trí thắng lực, hóa giải mâu thuẫn bằng trái tim nhân hậu.
Phải chăng người Minangkabau ở Indonesia và Malaysia hôm nay cũng là con cháu của Hai Bà Trưng? Phải chăng cái tên mà hai ngàn năm nay người Việt tôn gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị không phải là tên riêng mà là chức danh của hai hoặc một nhóm người phụ nữ Việt Nam bất khuất? Câu trả lời đang ở tương lai rất gần. Ở đây tôi xin được đổi cách gọi “Hai Bà Trưng” truyền thống thành Mê Linh liệt nữ.
Khắc khoải tìm lại hình ảnh thật của những người mẹ trong tôi hình như lớn hơn một nỗi niềm. Tôi xin thắp nén hương lòng thành kính nhất, cầu khấn bà mẹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam phù hộ người Việt ở thế kỷ hai mươi mốt tìm được những anh em cùng huyết thống đang ở ngoài đảo xa. Biết đâu, dù đã qua hai ngàn năm dâu bể thăng trầm, họ vẫn còn giữ được bao nhiêu di sản quý báu của mẹ, trong hình hài, lối sống, sinh hoạt và văn hóa. Và từ đó, lịch sử Việt Nam sẽ được viết lại, không phải trong hoang tưởng xuất hiện từ mặc cảm tự ti, thua thiệt mà với tự hào lấp lánh sự thật minh bạch”.
4. Ai sẽ viết lại lịch sử: Nếu gọi A là bản sắc Việt Nam thời Mê Linh liệt nữ ta sẽ có phương trình toán học: A + B = C . Trong đó C là bản sắc Việt Nam thế kỷ 21. B là tham số hình thành từ lúc Mã Viện hoàn tất cuộc cưỡng chế và diệt chủng tại đồng bằng sông Hồng và sông Mã, trải qua 800 nô lệ, 1000 năm tự chủ và Nam tiến, rồi lại 80 năm Pháp thuộc cho đến ngày nay.
Qua những phân tích trong các phân mục trên, hơn bao giờ hết giá trị của A rất dễ tìm ra, bằng những nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp có đối chứng với bản sắc Minangkabau. Thực ra người Việt Nam hiện đại đã ngộ nhận về giá trị của A suốt thế kỷ 20. Từ ngày 17-3-1879 Pháp áp đặt chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt nhằm loại bỏ hoàn toàn nền Hán học ở Nam Kỳ, sau đó là các ngày 27-4-1904 ở Bắc Kỳ và 30-10-1906 ở Trung Kỳ, người Việt đã bị tách ra khỏi những trang hiến sử họ tự viết đã hàng ngàn năm. Hơn nữa họ bị choáng nặng khi cái chương trình giáo dục kia khẳng định “Tổ tiên chúng ta là người Gauloir”. Rồi phản vệ đã lôi họ đi thật xa khỏi sự thật, biến những năm tháng bán sử của dân tộc thành thời hoàng kim chói lọi ảo tưởng. Có lẽ đó là lý do Tản Đà phải thốt lên:
Dân hai lăm triệu ai người nhớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con Như vậy lịch sử Việt Nam chính là B. Ở góc độ nào đó, B là một hàm số có nhiều biến số như thời gian, tư tưởng, phương pháp luận, và đặc biệt là sự ảnh hưởng của văn hóa Hoa Nam (Bách Việt) và Hoa Hạ (Trung Nguyên). Bài viết này của tôi, giờ đây đã quay lại điểm khởi đầu của nó, với câu dẫn của một học giả ngoại quốc. Và tôi bỗng hoang mang: “Ai sẽ viết lại lịch sử?”.
Thật đáng tiếc, tôi tin rằng sẽ không có ai viết lại những trang sử chân thực của đất nước tôi, trong thời đại mà tôi đang sống. Những sử gia đáng kính của Việt Nam hôm nay chắc đã biết những điều tôi vừa biết lâu lắm rồi. Và hành xử thống nhất của họ gần như là im lặng, một sự im lặng đáng sợ và vô cùng tủi hổ. Với những người nước ngoài, dù nghiên cứu của họ luôn đáng để tham khảo nhưng không thể biến chúng thành sách giáo khoa lịch sử Việt Nam. Điều hiển nhiên sẽ đến là, thế hệ con cái chúng tôi lại học lịch sử bằng những bài ca dân dã hư cấu giản dị đến sơ sài, từ đầu thế kỷ 20:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên…” Phương là người thứ ba trong lớp đọc bài luận để mọi người bình phẩm. Khi anh dứt lời, phòng học tĩnh lặng đến khó tả. Bạn bè trang lứa với Phương ngơ ngác như gà lạc mẹ. Thầy giáo ngó ra cửa sổ. Không gian sùng sục những cái nhìn căm hờn của mấy tay cán bộ lớn tuổi. Phạm Minh, thi sĩ kiêm văn sĩ, người dù đã được nhân hệ số 2 cho điểm thi tuyển đại học vì công lao ở chiến trường K. vẫn không đủ vào khoa Văn đành chạy chọt nhảy sang học tạm Sử, sấn tới bên Phương:
- Đồ tiểu tư sản bẩn thỉu. Nếu mày không chứng minh thuyết phục rằng Hai Bà Trưng từng đi chân đất ở thời đó thì không xong với tao đâu!
- Ông nhà thơ thân mến, hãy ra Hà Nội và gào lên câu vè “Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ” để xem Tố Hữu có xác tín được Phạm Tuân mang dép râu, xách xô bèo hoa dâu lên trời làm thí nghiệm khoa học không – Phương thách thức.
- Đây là lịch sử chứ không phải văn chương hay khoa học. Lịch sử là máu là xương của cha ông tao và của chính tao nữa – Phạm Minh gằn giọng rồi hùng hổ xé toạc ngực áo, xoay về các phía để mọi người nhìn rõ những vết xẹo gớm giếc trên người hắn. Vở kịch trào tới đỉnh điểm bằng cái tát nổ đom đóm vào mặt Phương.
Phương bàng hoàng bất động hồi lâu. Anh định hét vào mặt Phạm Minh “Mày không xứng đáng làm một con người để tao đưa nốt bên má chưa bị tát cho mày thử sức”, nhưng không hiểu sao Phương lại thôi. Bình tĩnh đến lạ lùng, anh quay gót bước ra khỏi lớp học như đã đến giờ giải lao, như chưa hề có buổi thảo luận rồi cuộc đôi co và màn bạo lực nóng hổi. “Văn chương và khoa học không có máu ư?” – Phương ngạc nhiên – “Ba họ của văn tài Nguyễn Trãi rơi đầu chưa đủ tắm pháp trường sao? Chỉ tiếc Việt Nam không có Galileo, Copecnic hoặc những du học sinh biết quyên sinh, mổ bụng giấu bí quyết công nghệ đem về quê hương. Cái nghèo chắc cũng có nguyên nhân từ đấy”.
Trước kỳ thi thầy chủ nhiệm gọi Phương lên văn phòng khoa:
- Em làm thầy nhớ về tuổi trẻ hiếu thắng của mình. Thầy tôn trọng em. Suy nghĩ và cách tiếp cận bài học của em có sự nghiên cứu nghiêm túc. Tuy nhiên xã hội chưa thể chấp nhận hướng luận này. Ngoài ra, lỗ hổng kiến thức trong em còn rất lớn. Hãy thu mình học hỏi thêm trước khi muốn xào xáo trật tự cũ.
- Thưa thầy em không thể học vẹt và chúa ghét công thức hứa hưu hứa vượn sau mỗi bài bình giảng, từ những giờ tập làm văn phổ thông trung học.
- Khám phá của em chưa có gì mới. Khi chấm bài của em, thầy chỉ có hai con số để chọn lựa là Không và 10.
- Em hiểu khởi đầu đồng nghĩa với kết thúc.
- Không. Đơn giản chỉ là phương pháp. Bài viết về Mê Linh liệt nữ của em là ví dụ. Em đã dùng quy nạp luận để tìm sự thật trên cơ sở giá trị đặc thù. Giáo trình thì dựa vào niềm tin chủ quan nhằm suy diễn. Xung đột là hệ quả của hai bậc tư duy. Em là nạn nhân của “thánh chiến”. Lũ người “ở ẩn” như thầy thấy em đáng thương lắm!
- Khi nào khoa học mới thắng được tôn giáo hả thầy?
- Liên chi bộ sinh viên và giáo viên bàn cãi trường hợp em nhiều lần. Vào phòng họp thầy là cấp dưới của học trò mình thôi em à. Họ kiên quyết yêu cầu các thầy đánh trượt nếu em tiếp tục học theo lối riêng kia.
- Em bị loại khỏi cuộc chơi một cách thiếu công bằng. Có lẽ em không thích hợp với trường với lớp "Nhân văn" nữa phải không thầy?
- Thầy chia buồn với em.
Phương bỏ học, bỏ luôn mơ ước tâm huyết đầu đời. Anh quay lại với Toán - Lý - Hóa và làm hồ sơ thi đại học lần hai.
Giảng đường đại học Hàng Hải đầu tiên Phương bước vào là dãy nhà cấp bốn, cạnh chuồng nhốt chó hoang của trung tâm phòng dại Sài Gòn. Trường có trụ sở chính tại Hải Phòng. Họ đang xin mở phân hiệu phía Nam. Sinh viên phải học hai năm cơ sở cơ bản trong những chỗ thuê mướn, điều kiện tạm bợ. Giờ giải lao hàng trăm con người có mỗi khoảng sân hẹp để thở và mục kích xe bắt chó từ khắp hang cùng ngõ hẻm đổ về. Tiếng cắn, sủa, tru tréo đinh tai. Mùi xú uế nồng nặc. Cảnh tìm chó, chuộc chó, cãi vã, tranh chấp om xòm như chợ âm phủ.
Phương lên lớp vừa đủ số tiết trong qui định bắt buộc để được dự thi cuối kỳ. Việc mưu sinh luôn bức bách trước mắt. Trò giải trí yêu thích duy nhất của anh là đọc báo trong thư viện. Phương thấy ở đây cơ hội mới. Anh bắt đầu tập tành viết lách. Tất cả chuyên mục độc giả có thể góp bài anh đều thử sức và may mắn được đăng ít nhiều, được trả thù lao.
Cũng từ dạo ấy Phương âm thầm hoài bão về một quyển tiểu thuyết. Nhân vật chính sẽ được xây dựng trên những nét lớn của bản thân anh, trên mốc thời gian anh từng trải qua. Xa hơn nữa, truyện phải chứa đựng hình ảnh và tâm thức của thế hệ Phương. Thế hệ sinh ra trong tiếng bom gào đạn xé, lớn lên bên cạnh nhọc nhằn, ấu trĩ của buổi giao thời. Phương không muốn tôn vinh điều tốt đẹp hẳn phải có. Anh xem cái đẹp rất mơ hồ và dễ vỡ. Hành trình về cái đẹp, giữa nhung nhúc xấu xa, phi lý và thấp hèn chính là cuộc sống thật.
Phương không đắn đo xác định anh hết sức mâu thuẫn ở từng con chữ trên trang sách. Anh tỉnh táo định nghĩa mâu thuẫn tồn tại nhờ vận động nội tâm không ngừng nghỉ. Quá trình này tác động đến con người theo nhiều chiều hướng. Nó có thể sinh ra chủ nghĩa hoài nghi và chứng tâm thần loạn óc. Cũng có thể là lòng tin sắt đá khó chuyển dời. Con người khoác bộ cánh mâu thuẫn để thoát khỏi bản năng, thứ tinh thần mang nguồn gốc tự nhiên trong họ.
Bản thảo dầy lên mãi theo tuổi đời và chiều sâu tâm hồn Phương. Anh hay đào xới hình ảnh xung quanh như cách khám phá thế giới của mình. Và trên hết, cuộc sống bao hàm trọn vẹn ký ức. Chẳng gì mất đi, chỉ là có hay không cơ hội day dứt giữa hoài niệm. Với Phương năm tháng đã qua luôn tràn trề sức sống. Nó biến động không ngừng và vẫn sản sinh những nghĩa hướng mới mẻ trên con đường vươn tới bến bờ chân thức. Nơi ấy từng phút giây của đời người mãi mãi tự do như một cuộc đời biệt lập, không thể là bản sao cẩu thả của dĩ vãng.
Phương chẳng phải kẻ thực dụng, ưu tiên kết quả cuối cùng. Anh luôn mài giũa, phân tích tư duy trừu tượng trong mọi tình huống. Bản thân Phương còn rất nhiều sai biệt giữa suy nghĩ mông lung và đời thực. Có thể người đọc khó tính sẽ kết tội Phương thích rao giảng. Sự thật đó chỉ là các luận điểm hết sức riêng tư. Phương xem tư duy như biểu hiện tích cực của thái trạng tiền hành động. Anh ngụp lặn trong dòng thác tâm tưởng để tìm lối đi, thức cách sống và lời răn dạy chính bản thân. Bỏ qua lộng ngôn cường điệu và bóng bẩy là mạch đời hết sức trung thực. Trung thực, ít ra là trung thực với chính mình, với sự hiểu biết của mình, là giá trị cuối cùng nơi Phương, nếu trang viết của anh không hơn mấy lời lảm nhảm vô ích. Phương ghét sự hạ cố và ơn chuẩn lãnh đạm của cõi người ta.
Và cũng chính vì tôn trọng sự thật Phương đã mang gần như toàn bộ những người anh từng biết vào truyện. Họ bị đổi tên, hoán tuổi, thậm chí trộn lẫn vào nhau để tạo thành nhiều nhân vật văn học. Không thể nói Phương hoàn toàn khách quan. Song anh luôn cố gắng vượt lướt mọi rào cản và cái tôi khổng lồ. Rất nhiều cuộc đời có mặt trong sách đã rộng lòng cho phép Phương toàn quyền sử dụng mảnh đời riêng tư thầm kín nhất của họ. Họ hiểu anh không giản đơn sao chép, điển hình hóa hoặc tái hiện cuộc sống. Anh cũng không xào nấu thân phận con người hay dừng lại ở hình tượng. Phương muốn nâng tất cả lên hàng biểu tượng, nhằm mở ra vô vàn góc nhìn trên cùng một thực thể. Tuy vậy, vì nhiều lý do anh không thể gặp lại vài cá tính đặc biệt. Phương đành gửi tới họ lời tạ lỗi chân thành trong chính đoạn văn anh viết về họ. Giữa phức cảm chồng chéo đan xen, Phương luôn kỳ vọng "dương bản" của nhân vật anh đề cặp sẽ bỏ qua thói mạn phép, nhằm đi sâu vào cõi riêng tây, chia sẻ với anh gánh nặng làm người.
Khi Phương sắp đặt dấu chấm hết cho bản thảo, anh chợt nhận ra mình đã sống hai lần trên cùng một cuộc đời. Phương không rõ nên vui hay buồn. Có những định kiến lập lại, dai dẳng bám lấy anh như ám ảnh di truyền và tuyệt đối mù mịt trước tương lai. Đôi lúc Phương tự an ủi, sự trình bày nét chấm phá của đời sống dù không mạch lạc cho lắm cũng là thành công. Ứng vào độc giả bất kỳ, câu chữ kia chắc chắn không còn là của riêng anh nữa. Đứa con tinh thần có thể chết yểu nhưng nó đã được cưu mang bằng cả tấm lòng Phương từng dành cho chính cuộc đời anh.
Kẻ thích đùa bảo: "Dân Việt Nam ta cứ mười người thì có mười một thi sĩ!". Cuộc sống nhộn nhịp và ngắn ngủi chưa cho phép "Nhà nhà viết tiểu thuyết". Tuy nhiên lý do đó cũng đủ để những trang in tương lai của Phương bị xếp xó và đóng bụi trên kệ sách, hoặc hành quân xuống vỉa hè "hạ giá" làm giấy gói xôi.
Như vậy ý nghĩa được sống lại, được làm lại và quyết không làm lại nhiều chi tiết có thật hoặc hoang tưởng, dọc năm tháng đời mình trở thành mục tiêu cuối cùng khiến Phương ngông nghênh chấp bút. Và khi khép vào toàn bộ sơ thảo Phương bỗng bàng hoàng nhận ra anh chỉ và mãi mãi sẽ chỉ khai tâm được cho chính mình mà thôi. Phương, cá thể hoang dã đã bị ném vào đời và ngụp lặn trong cộng đồng luôn luôn ngộ nhận về ý nghĩa tồn tại của chính mình. Anh và tất cả những gì xung quanh anh vẫn hì hụi ở vài chiêm nghiệm bán khai nhầy nhụa, tởm lợm. Chẳng ai có thể nắm tóc mình để tự cứu khỏi bầy đàn nhung nhúc kia. Đáng buồn thay, nhưng quy luật là vậy, sự khai tâm cũng là tự tận, là kết liễu đời sống tinh thần, bởi không có nó người ta vẫn sống, vẫn duy trì nòi giống, vẫn khắc khoải với giá trị này nọ, với hạnh phúc và tình yêu.
***