Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> MIỀN CỔ TÍCH HOANG HƯ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10249 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

MIỀN CỔ TÍCH HOANG HƯ
Trương Thái Du

1 - Tí...

- Chị làm ơn chỉ giùm… Câu nói của Phương lẫn vào nhịp thở dồn dập.
- Nhập viện ngày nào, tên tuổi?
- Dạ, Trần Thị Hiền Phương - Hai mươi mốt tuổi. Vợ tôi vô đây ba ngày rồi...
- Đàn ông thật đáng sợ. Đang mổ. Phòng 112, lầu trên, bên trái.
Không kịp trao lời cảm ơn Phương phóng lên cầu thang ba bậc một. Dọc sống lưng anh xuất hiện luồng phong hàn tê tê. Cơ thể Phương biết thế nhưng tinh thần thì không. Anh đã bỏ quên cái lạnh tám độ bách phân, ngoài lớp vải phong phanh của chiếc sơ mi tay ngắn vẫn mặc từ buồi chiều Sài Gòn của thế kỷ hôm qua.
Dãy hành lang ngút mắt. Khi bảng đèn "Phòng giải phẫu" nằm dưới số 112 đập vào mắt Phương cũng là lúc anh nghe tiếng khóc sơ sinh òa lên. Sững người, anh hét đến vỡ cả giọng:
- Con tôi… con tôi khóc. Khóc… chứ… không… cười…
Gần như đã cố gắng quá mức, Phương khựng lại, đầu óc quay cuồng vô định. Mọi vật xung quanh anh đang chuyển động. Bê tông, xi măng, sắt thép nứt toác ra và đổ sập xuống. Bình minh tràn qua miền cổ tích mù sương. Mang theo nỗi tuyệt vọng, Phương bay về phía chân trời bắt đầu ửng hồng. Anh không thể giữ lại tiếng khóc của con mình, để làm điểm tựa cho tất cả giá trị của những ngày đang tới.
***
Rất nhiều lần Phương cố mường tượng về phút giây chào đời của anh. Rốt cuộc vẫn lửng lơ câu hỏi: "Ta đã cười hay khóc?". Ngày đó cha vắng nhà, bà ngoại bệnh nặng. Mẹ anh vượt cạn một mình, không thân thích, giữa tiếng bom long trời lở đất. Cho dù với sinh học đó là điều phi lý, Phương linh cảm anh đã giễu cợt thế gian bằng tràng cười man dại. Anh biến nỗi hoài nghi thành triết lý sống, mệnh đề tồn tại, qua năm tháng chông gai, đối diện với quái thai của lòng người.
Phương rất tin trí nhớ của mình. Vệt ký ức đầu tiên xuất hiện và đeo bám anh dọc những lẽ đời là một góc của buổi sáng chớm Thu. Cậu bé Phương mới hai hoặc ba tuổi là cùng. Cậu tỉnh dậy sau giấc ngủ trống rỗng. Bà ngoại hình như đang giặt giũ ngoài cầu ao. Tiếng nước chảy róc rách vọng vào lúc rõ lúc không. Nắng xiên qua khe cửa sổ, chiếu lên những gợn sóng lăn tăn thẳng đứng của chiếc màn muỗi bằng lưới xô mỏng. Heo may mát dịu nhè nhẹ lay động không gian. Nỗi cô độc thẳm sâu và tuyệt đối tĩnh lặng. Từ đây con thuyền ý thức của Phương bắt đầu rời bến, chìm nổi trên bản năng sinh tồn.
Có lần vui miệng cha kể rằng thuở mới biết ngồi, Phương hiền như bụt. Cậu chẳng bao giờ khóc trừ khi đói bụng. Nhà cửa neo đơn chắc cậu cũng biết thương bà ngoại vất vả. Bà muốn làm gì thì làm, chỉ cần cố định cậu với mặt phản bằng cách quấn chiếc chăn bông xung quanh là yên tâm. Dù đi mấy tiếng, trở về bà vẫn thấy Phương trong tư thế cũ, chăn không hề bị xô lệch.
Bà ngoại thương Phương lắm. Ông mất trong thời kỳ cải cách ruộng đất, giữa những năm năm mươi. Bà ở vậy nuôi hai chị em của mẹ. Mẹ đi xa khi Phương mới ba tháng tuổi. Người ta không tìm được dấu vết của chiếc hầm trú ẩn cá nhân mẹ đã lao xuống. Máy bay ném bom vẫn hay băng qua ngoại vi thị trấn. Chúng thường nháo nhào trút bừa bom thừa và bỏ chạy ra biển sau khi đột kích không thành sân bay quân sự gần đó, do hỏa lực phòng không quá mạnh.
Điểm mốc tương đối liền lạc với nhiều biến cố đời sống tiếp theo là mùa đông ảm đạm năm 1972. Hai bà cháu côi cút trong ngôi nhà cổ rệu mục của một dòng họ sắp đến hồi tuyệt tự. Chiến tranh đã bước tới bậc tam cấp mọc đầy rêu xanh. Bà ngoại mỏi mòn ngóng cha Phương về. Cha chỉ tạt qua nửa buổi, đủ thời gian để ông đào vội nách hầm chữ A sơ sài dưới gậm giường.
Tiếp theo là đổ nát và chết chóc. Hằng đêm Phương nằm gọn trong lòng bà dưới hầm. Tiếng máy bay gầm rú, đất rung lên từng chập.
Hình như con người không biết sợ những gì có vẻ quen thuộc, dẫu là mối hiểm nguy. Tình thương của người bà đôn hậu cũng góp phần làm Phương không hề sợ hãi. Có lần choàng tỉnh giấc vì tiếng bom rất gần Phương thấy bà đang ở trong tư thế bò mà che cho cậu.
- Bà làm gì đấy? Bà sợ lắm hả? Sao bà run lập cập thế?
- Không, tại trời rét quá. Bà bò thế này để nhỡ hầm sập còn có thể gượng dậy.
- Bà ơi, đất đưa như võng thế này làm sao cháu ngủ được.
- Thôi chóng ngoan. Bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe nhé. Ngày xưa có cô Tấm…
- Ứ ừ… cháu chẳng thích cô Tấm đâu. Ai lại ác thế. Giết người làm mắm. Ác như thằng Mỹ…
Phương thiếp đi giữa lời kể ngọt ngào của bà về Thánh Gióng. Trong giấc mơ cậu cưỡi con trâu què của ông hàng xóm. Không cần nhổ tre vì đêm qua hàng tre đầu làng trúng bom tróc gốc nằm sẵn đấy. Cậu nắm bụi to nhất và vung lên. Máy bay rụng từng chùm. Cả làng chạy theo cậu hò reo. Thiếu hẳn màu khăn xô trắng quen mắt. Có những người đã được đưa tang lẫn trong đám đông. Con trâu đi vào trung tâm thị trấn, qua rẻo dốc bên cạnh hai lỗ châu mai đen ngòm của chiếc lô cốt thực dân. Không thấy cảnh đổ nát nhưng tuồng như dân cư trong phố cứ dật dờ tựa những bóng ma trơi.
Nửa cuối 12 ngày đêm bom đạn, một buổi trưa cha Phương bất ngờ ghé nhà. Cha ôm chặt Phương hồi lâu rồi cùng bà thu xếp chăn màn, quần áo. Hai bà cháu được ngồi trong chiếc xe con cắm đầy là ngụy trang của cha. Nơi đến là hầm trú ẩn trong lòng núi Thanh Tước. Hang rất rộng và sâu, khoét vào đá. Người đông như kiến vỡ tổ, đa số là các cụ cao niên và con trẻ. Đèn đóm tù mù. Không khí ngột ngạt nóng bức dù bên ngoài đang mùa gió bấc. Tiếng rên la của người già, tiếng khóc sơ sinh khát sữa, tiếng gào thét hoảng hốt thẳm sâu giữa giấc ngủ chập chờn. Hơi mồ hôi chua lòm. Bom nổ gần, bom nổ xa inh oang vọng lên từ lòng đất.
Không lâu sau đó, làng quê rộn ràng khác lạ. Hai chữ hòa bình vang lên khắp nơi. Hiệp định Ba Lê được ký. Thị trấn mít tinh rất to. Cờ đỏ rợp trời. Chẳng biết có phải do hình ảnh kinh khủng của mười hai ngày đêm còn quá nặng nề mà Phương chớ thấy vui. Mọi người ăn mừng chiến thắng, nụ cười nhiều hơn nước mắt nhưng không thể dấu biệt nỗi xa xót in hằn và tương lai chưa định hình.
Dọc dài năm tháng, rừng cờ đỏ luôn ẩn hiện đâu đó quanh Phương. Dù là phim ảnh hay ngoài đời, ít khi nào Phương hòa được mình vào nhịp điệu lễ hội. Không gì có thể xóa đi thương đau mất mát cũ. Trong Phương cũng có cuốn phim rất giống nhưng cũng rất khác tư liệu chớp bóng kia. Đó là thước phim câm của riêng anh. Thênh thang nỗi buồn, nhạt nhòa đen trắng. Mọi thành tố tạo nên sự hoảng loạn đã vượt qua ngưỡng dung nạp bình thường của giác quan để đi đến sự biểu cảm lặng câm, muôn phần nhức nhối.
Mãi đến thập kỷ 90 trở đi, thỉnh thoảng trên phố, đi theo những thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam, cờ đỏ lại tung bay rợp trời. Lần nào cũng vậy, Phương cố thu xếp để bước vào dòng người hân hoan. Cảm giác chiến thắng thì ít, nhưng nỗi niềm hòa bình rất sâu đậm. Anh yêu những đám đông. Họ hò hét đến khản cổ rồi về nhà, chìm sâu trong giấc ngủ an lành, không so đo về cái giá được và mất của niềm vui thể thao.
Ngay cả bây giờ, trong hồi tưởng của Phương cũng chẳng có chỗ cho nỗi sợ hãi. Anh chỉ cảm nhận sự vô nghĩa và lợm giọng của chiến tranh. Thế hệ trước Phương hay bĩu môi khi nghe lớp trẻ bình luận về chiến tranh. Xin rộng lòng đôi chút. Xin đừng khuyên người khác khai thác vinh quang trong máu lửa. Thuyết tiến hóa đã hé mở cánh cửa cội rễ để nhân loại đi tìm chính mình. Bạo lực, vũ khí sinh tồn của buổi khai nguyên sống lại mãnh liệt. Loài người bị thôi miên bằng khái niệm bản năng chết, bản năng tự hủy diệt. Ba vạn sáu ngàn năm trăm hai mươi lăm ngày của thế kỷ hai mươi bị nhuộm đen. Lương tri văn minh chính là lòng hận thù chiến tranh, là xếp chiến tranh trong bể nhục ô uế.
Năm 1996 trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác, Phương tình cờ ngồi cạnh một người da trắng. Máy bay giảm độ cao hạ cánh. Phương dán chặt mắt vào khung cửa hẹp như muốn thu hết bức tranh làng quê tươi đẹp lạ lùng. Màu xanh của yên bình trải dài bất tận. Trời bắt đầu về chiều. Nắng nhạt dần. Những tia xiên khoai hiu hắt cuối cùng như muốn níu giữ từng lá cây ngọn cỏ. Và thật lạ lùng, bóng râm đổ xuống khu vực Đông Anh mờ mờ vẽ lại hình ảnh ba vòng thành Cổ Loa truyền thuyết. Hai ngàn năm lịch sử bi tráng bỗng hiển hiện bên cạnh Phương, thì thầm bất tận những câu chuyện không đầu không cuối, vụn vặt và rời rạc, nhưng tuyệt đối có giá trị. Cao hứng anh quay sang bạn đồng hành và thốt lên:
- Ông biết không, làng quê Việt Nam nào cũng giống nhau. Những tấm thảm của nền văn minh lúa nước mới tuyệt vời làm sao. Tôi được sinh ra ở đây. Lần đầu tiên tôi có dịp chiêm ngưỡng nơi chôn nhau cắt rốn của mình từ trên cao. Hạnh phúc vô cùng!
Gương mặt vị khách tỏ vẻ xúc động rất thật. Chẳng kịp ngỏ ý, gã nhoài người qua Phương nhìn xuống và phụ họa:
- Đẹp quá, thanh bình quá. Tôi ghen tị với anh đấy.
Khi gã ta trở về tư thế cũ, cánh tay Phương nhói đau. Hoá ra chiếc huy hiệu lưu niệm in hình cô du kích đội nón tai bèo đã móc vào người anh. Phương chau mày:
- Vậy mà có thời bức tranh dưới đây đã chi chít hố bom, vất vưởng bao xác chết vô tội - Người kia cụp mắt xuống thật nhanh và lí nhí:
- Biết nói gì với anh bây giờ. Lời xin lỗi thì thừa lịch sự nhưng ít giá trị. Trông tôi giống một cựu chiến binh Mỹ lắm phải không? Tôi chỉ là con dân thuộc về nền văn minh đã dõng dạc tuyên bố quyết kéo Hà Nội trở về thời đồ đá. Như thế đã đủ kết tội chưa?
- …
- Các anh có quyền, ít nhất là tạm quên mọi thứ. Còn chúng tôi, ám ảnh kia còn lâu mới buông tha bất cứ hành động ngạo mạn nào.
Sau đó cả hai đều im lặng. Kẻ đồng hành với Phương hấp tấp lấy hành lý đi ra cầu thang khi máy bay vừa tiếp đất an toàn. Anh hiểu tại sao gã không gởi lại lời tạm biệt. Đôi khi ngôn từ chẳng thể đèo bồng thiện chí.
***
Giữa năm 1973, cha Phương được thưởng huân chương chiến công hạng nhất kèm theo chuyến tham quan Liên Xô ba tháng. Khi cha về gần như cả xóm tới nhà nghe ông kể chuyện. Phương không để ý lắm đến những gì cha nói. Người lớn có chuyện cổ tích cho người lớn. Phương chỉ nhớ ai đó nhận xét rằng: "Đất nước trong câu chuyện của anh thật hoàn hảo". Thời gian và sự trưởng thành dạy Phương rằng nơi hoàn hảo tột cùng là xuất phát điểm của vòng xoay mới. Cảm giác bất an là có thật khi ta đứng trước vấn đề hết sức tròn trịa, không kẽ hở, ít ra là kẽ hở trong mắt một đứa trẻ.
Năm 1974 bà ngoại Phương mất. Những ngày hấp hối của bà, rất may có con rể lo lắng. Bà thoi thóp ba bốn hôm. Nhà trong nhà ngoài lúc nào cũng có rất nhiều người, bà con xa, láng giềng gần. Phương không còn nhớ nổi ai nhưng hương vị ân tình, nghĩa tử là nghĩa tận của làng quê Việt Nam vẫn rất rõ nét trong những hình ảnh dĩ vãng mờ nhạt. Phương lui cui môt mình sân trước, hè sau. Thỉnh thoảng như bừng tỉnh, cậu ùa chạy vào đứng bên giường bà. Bà nhắm mắt, tay chân khẳng khiu bất động. Khoang ngực gầy guộc của bà đều đặn trồi lên hạ xuống. Chỉ khi nào yên trí vì bà còn đó Phương mới trở ra và quanh quẩn bên cha ở phòng khách, giữa các câu chuyện trầm trầm. Âm thanh được nén bớt như cách tôn trọng người sắp chết.
Phần lớn thời gian này Phương ngồi trên gốc khế cổ thụ meo mốc bên bờ mảnh ao bèo cuối vườn. Tiếng các thân tre kẽo kẹt cọ vào nhau vì gió lay động. Tiếng côn trùng ban ngày mông lung. Tiếng khế rụng xuống thảm lá mục. Bờ ao bên kia lất phất đôi ba bộ da rắn độc sặc sỡ.
Phương cũng hay nghịch chiếc đồng hồ cơ khí khổng lồ hiệu Westminster những khi không có ai trong phòng khách. Chiếc đồng hồ này ông ngoại Phương mua tại Pháp. Màu sắc nó hơi sáng, có vẻ không mấy tương xứng với tủ thờ và bộ bàn trà khảm ốc. Phương chưa biết thời gian được đếm bằng dao động kèm theo tiếng gõ nhịp của quả lắc. Có thứ gì đó toát ra từ chiếc đồng hồ luôn làm cậu nôn nao. Cảm giác lạnh lẽo lắng sâu trong ba bốn thỏi thép xi mạ treo ở đầu các sợi dây xích luôn làm Phương giật mình.
Lúc nào can đảm lắm Phương mới rón rén bước vào điện thờ uy nghiêm thông với phòng khách bằng cánh cửa hẹp. Ánh sáng mờ mờ lọt vào từ các khe vách gỗ. Những thanh gươm trong suốt đâm toạc không gian chăng đầy mạng nhện. Hàng triệu hạt bụi màu vàng bé ti ti phát sáng. Cậu bé mân mê mọi thứ trong tầm tay mình tuy rất ái ngại người lớn bắt gặp và trách mắng. Sách chữ Nho của ông ngoại xếp cạnh hương án còn khá nhiều. Trước ngày bà đổ bệnh, có lần Phương lận lưng tập giấy rời trong mớ sách kia để gấp thuyền và máy bay. Chơi chán cậu vo tròn vứt vào xó nhà. Bà ngoại dọn dẹp phát hiện ra và giận lắm. Bà bảo chữ thánh hiền không được xem thường. Thứ nào loại ra phải đem đốt ở nơi sạch sẽ chứ không được ném đi như rác.
Xế chiều ngày cuối cùng bà ngoại mở mắt. Đồng tử bà lờ đờ, ít ánh sáng. Bà chỉ nhận ra Phương và khe khẽ động đậy mấy ngón tay trong bàn tay cậu. Giọng bà yếu ớt thều thào nửa mê nửa tỉnh "Ông giáo ơi! Các con ơi! Gượm chờ tôi với…". Người ta sờ được chiếc áo tử thần dần khoác lên cơ thể bà. "Bà cụ đang đi. Bàn chân bắt đầu lạnh rồi" - Ai đó cất tiếng báo cho cha Phương.
Phương trở thành giọt máu cuối cùng của chi phụ một dòng họ ngang tàng. Cao tổ ngoại Phương là tùy tướng của quan tổng đốc trấn thành Sơn Tây cuối thế kỷ mười chín. Ngài vốn được điều ra từ kinh đô Huế. Ngài gốc Minh hương, là con cháu của những khai quốc công thần từng phò tá Thế tổ Nguyễn Ánh. Ngài thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến chủ chiến, đang sa sút và mặc cảm bởi câu biếm của nhà vua. Có lần vua ghé qua tư thất, mặc nhiên mọi người phải cúi mặt xuống trong lễ diện kiến. Người con thứ sáu của ngài, tức ngoại Tằng của Phương, do non dại và vô ý, cả gan nhìn thẳng vào mắt vua. Vua đã quở mắng. Không ai nhớ ngài mắng nặng hay nhẹ. Sự kiện ấy ám ảnh Cao tổ nhiều lắm. Nó như chiếc gông chụp lên cả gia tộc.
Sau trận thất thủ thành Sơn Tây, cùng lúc với việc Pháp chiếm Hà Nội lần hai, Cao tổ mất tích. Họ hàng bảo ngài sợ bị triều đình tru di vì bại trận nên bỏ trốn và biệt tăm. Không ít người nghi ngờ ngài tiếp tục cầm đầu một nhóm nghĩa quân đánh Pháp có liên hệ với lực lượng Cờ Đen nổi tiếng, hoặc phản triều đình lãnh chứ Đề đốc Tàu chống Pháp. Con cháu truy đến việc ngài bị bọn liên quân Lê dương - Ma tà phục kích và bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc thì sợ quá không dám tìm nữa. Chắc họ lo lắng sẽ bị liên lụy với nhà chức trách vì tinh thần bất khuất của ngài. Cũng may ngài tiên đoán được thời thế nên đã dặn mấy người con trai thay tên đổi họ và phân tán khắp các tỉnh trong đồng bằng sông Hồng đề phòng họa nạn. Tằng tổ ngoại của Phương lưu lạc về My Linh. Ông đăng lính khố đỏ, trở thành thầy Đội cai quản ngụy quân địa phương. Ông mất sớm bởi một viên đạn phá nát ngực trái trong lần chạm súng với chiến binh Đề Thám. Hai phần ba thế kỷ sau, khi quy tập mộ chí tông tộc, Phương và mọi người hãy còn bàng hoàng về vết thương làm nát nguyên mảng xương sườn của cụ.
Ông ngoại Phương là con trai duy nhất của thầy Đội. Ông hưởng toàn bộ gia sản đồ sộ gồm tòa nhà cổ và hàng chục mẫu ruộng tốt. Đây là bằng chứng để sau này người ta khép ông vào tội địa chủ cường hào. Ông có hai người mẹ, cụ già và cụ trẻ là hai chị em. Hai cụ thủ tiết thờ chồng và nuôi nấng, dạy dỗ ông chu đáo. Ông tốt nghiệp trường Bưởi và theo học chuyên ngành thông ngôn. Đầu thế chiến thứ hai ông bị điều sang Pháp làm sĩ quan phiên dịch cho đạo quân đỡ đạn Phát xít của thuộc địa Đông dương. Ba Lê nhục nhã đầu hàng, ông xin về lại Việt Nam. Bề ngoài ông chán ghét tất cả. Tuy còn trẻ nhưng ông luôn ra vẻ đã rũ bỏ hết sự đời, đam mê và tham vọng. Ông từ chối sự bổ nhiệm hành chính cấp tỉnh của thực dân để trở lại quê mở tư thục. Từ đó người ta tôn kính gọi ông là ông Giáo. Thực ra ông cũng có tham gia hội kín cứu nước nào đấy. Việc bất đồng tư tưởng khiến ông thối lui, dừng ở mức độ cảm tình và những giúp đỡ vật chất bí mật.
Tằng tổ mất khi ông ngoại còn rất bé. Lớn lên ông ngoại có hành động rất kỳ quặc. Một năm ông chỉ thăm mộ cha mình hai lần nhằm ngày Thanh Minh và giỗ kỵ. Họ hàng thân thích muốn viếng tằng tổ, ông đều nhờ hai bà mẹ của mình dẫn đi giùm. Nghĩa trang chẳng bao xa, cách nhà bốn năm trăm mét là cùng. Lần hồi người ta đoán ông âm thầm trách cứ tiền nhân đã phản bội tổ tiên đầu quân làm tay sai cho giặc.
Ông chỉ có hai người con. Cậu của Phương học xong chương trình phổ thông thì xung phong đi bộ đội. Cậu học rất giỏi nhưng không được vào đại học vì là con địa chủ. Những trận đụng độ ác liệt xung quanh Khe Sanh năm 1967 đã hòa nhục thể của cậu vào đất mẹ.
***
Cha đưa Phương về Hà Nội sau lễ tang bà. Hình ảnh đầu tiên của Đông Đô trong mắt Phương là kết cấu sắt thép xám xịt, kềnh càng và thô kệch của cầu Long Biên. Đoàn xe lửa nghiến bánh, chiếc cầu khe khẽ rung. Phương sợ sệt ôm chặt chân cha. Lòng sông Hồng mùa lũ nước dâng cao, xoáy ầm ào. Bọt phù sa đỏ quạnh. Một hai ngôi nhà tranh trên bãi bồi giữa sông bị ngập gần hết. Rác rưởi bám quanh nóc rạ.
Cha gửi Phương cho người bạn thương binh cụt chân nuôi hộ. Cô chú Đức và Cúc không có con. Họ sống ở đầu phố Hàng Đào. Ngôi nhà hai mặt tiền chật hẹp là cửa hàng bán nón đắt khách. Ngoài giờ đến trường Phương bị giam lỏng trên căn gác hình tam giác rộng khoảng bốn năm mét vuông. Thanh âm phố bát nháo vọng lên. Chuồng gà tăng gia ngoài ban công liếp chiếp. Chiếc loa công cộng treo đầu cây cột điện sứt mẻ ra rả suốt ngày.
Chủ nhật cha về Phương mới vui lên tí xíu. Cha dẫn Phương lòng vòng hẻm sâu tìm những hàng phở chui. Khách ngồi ăn trên những nắp cống sứt mẻ. Không dưới chục lần đang ăn mọi người phải ném bát đũa bỏ chạy vì cán bộ thị trường sục vào. Chiều tối cha hay dắt Phương ra ngồi ghế đá hóng mát bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Xe điện leng keng rất vui tai. Trong lúc cha qua phố Tràng Tiền xếp hàng mua kem que Phương luôn thích thú ngắm mấy người câu cá. Họ xắn quần lội xuống mép nước và kiên nhẫn chờ phao động đậy.
Tin chiến thắng từ miền Nam vọng ra ngày một nhiều. Phố chợ lao xao. Ông thợ cắt tóc trong cửa hàng quốc doanh cười ha hả bình luận với cha Phương và mọi người:
- Sắp thống nhất rồi. Bố con anh sướng nhé. Vào Nam uống nước dừa ngọt lịm thì còn gì bằng.
- Ba ơi quê mình ở tận đâu?
- Bạc Liêu con à, nhưng chẳng còn ai.
- Bạc Liêu đây. Hà Nội tới Bạc Liêu gần lắm, non bước chân - Ông thợ chỉ tay lên bản đồ hành chính Việt Nam treo trên tường.
Hương vị miền Nam đầu tiên Phương được thưởng thức không phải nước dừa mà là chai xá xị BGI hay Chương Dương gì đó. Phương thích vô cùng. Cậu nằng nặc xin cha cho cất một chai để dành làm quà cho dì Thái và các anh chị ở Sài Gòn! Chuyện đó xảy ra tại Huế, chặng nghỉ chân trên đường vào Nam tiếp quản của cha.
Họ thẳng hướng Sài Gòn trong chuyến xe hỏa tốc chở cán bộ tập kết chủ chốt. Những người này sẽ tạo thành bộ khung hành chính lâm thời khi Sài Gòn hoàn toàn về tay chính phủ Mặt trận.
Hình ảnh của chuyến hành trình ấy thấm rất sâu vào trí nhớ Phương. Nó bi thương và tang tóc hơn tất cả những cuộn phim tư liệu còn lưu trữ đâu đó, thỉnh thoảng được tuyên truyền cho quần chúng. Quảng Trị là đống gạch vụn. Hố bom, hố pháo chi chít. Bất kỳ mé lộ nào cha cũng giữ rịt Phương bên cạnh với lời cảnh báo lạc chân là vướng mìn tan xác. Từ Đà Nẵng trở vô lâu lâu lại thấy chiến cụ, binh xa chỏng chơ vật vạ đầy đường. Quân trang nhàu nát, cháy xém hoặc rách toạc và hình như có dính máu khô rải rác khắp nơi.
Phương mang máng là cha đã liên lạc với dì Thái và sẽ về ở nhà dì khi tới Sài Gòn. Cha cũng sơ bộ nói rõ tình hình của dì và các anh chị cùng cha khác mẹ của Phương.
Mười hai giờ trưa 30.4.1975, Phương đang ở Nha Trang. Chiếc đài bán dẫn của một cán bộ trên xe bắt được sóng: "Đây là tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vào lúc 11 giờ 30 hôm nay Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện. Tổ quốc đã qui về một mối. Hòa bình đã trở lại. Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng oanh liệt".

<< Đề từ | 2 - Sửu... >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 216

Return to top