Không khí gia đình trầm xuống, ẩn chứa sóng ngầm sau khi anh Chung đột nhiên mất tích một thời gian. Phương biết dì Thái và cha giận nhau nhưng không rõ nguyên cớ. Một buổi trưa cả nhà đang ăn cơm, cha xô cửa bước vào. Cạnh ông là anh Chung, đầu bị cạo trọc trắng hếu.
- Bà thấy đẹp mặt chưa?
- Con ơi là con - Dì Thái buông đũa khóc.
- Cái xã hội mà cha chú mày đã vào sinh ra tử tạo nên không có chút giá trị nào so với ma lực của đồng tiền xanh bên kia đại dương sao? Mày là hạt giống lép của mùa màng bội thu này. Kể từ nay đừng bao giờ gọi tao là cha nữa. Việc tao bảo lãnh mày ra khỏi chốn lao tù là thiện chí cuối cùng của tao.
Bất ngờ không kém sự trở về, anh Chung tình nguyện đăng lính. Dân Sài Gòn bắt đầu nơm nớp âu lo nghe tiếng đại bác vọng tới từ biên giới Tây Nam. Gương mặt cha dãn ra như vừa trút đi gánh nặng rất lớn. Ánh mắt dì Thái chùng xuống hơn bao giờ hết. Dì biết con cái đã trưởng thành, đã ra khỏi bàn tay chăm bẵm của dì. Ngày lên đường Chung yêu cầu không ai được theo anh ra phường đưa tiễn. Anh xoa đầu Phương, giọng nói tình cảm:
- Lại chiến tranh nhóc à. Hy vọng thế hệ của chú không phải khoác lên người nghiệp chướng binh đao. Trong chiến tranh kẻ thắng người thua là phụ, mất mát nơi con người và sự thụt lùi của xã hội là chính.
Loáng cái Khơ me đỏ bị quét đến tận bên trong biên giới Thái Lan. Xã hội hừng hực ngữ nghĩa mới, nào là diệt chủng, bành trướng và "đôi mắt mang hình viên đạn!". Báo chí ngoài mục đích tuyên truyền đã tôi luyện thêm khả năng chửi rủa. Chửi tất tần tật những thứ của kẻ thù. Không hiểu sao Phương cứ láng máng, không thể quên một bài xã luận chơi chữ có kèm tranh minh họa về chiếc "Tiểu bình" vỡ tung ra vì cố gắng nhồi nhét "Bốn hiện đại hoá".
- Chửi vậy là thường, sớm muộn sẽ tự ngượng mồm. Người Tàu dễ dàng dịch chữ "bá quyền" và "bành trướng" của ta một cách văn hoa là "Từ thuở mang gươm đi mở cõi" - Thầy giáo dạy văn của Phương hỏi thêm - Cả lớp biết tại sao Nguyễn Trãi viết Bình Ngô chứ không phải Bình Minh Đại cáo không?
Chẳng đợi học trò suy nghĩ thầy tự trả lời luôn:
- Này nhé, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương người đất Ngô. Chửi thâm nho nhất là réo tên tông tộc người ta mà bêu.
Anh Dũng ra trường, cưới vợ và đi làm giữa thời buổi bo bo, mì sợi. Có thêm chị dâu nhưng Phương vẫn thấy ngôi nhà chẳng hề bớt lạnh. Chị Linh vợ anh là xã viên hợp tác xã dệt thảm len. Tính chị bặt thiệp và anh Dũng ít nói nên gia đình thiếu hẳn tiếng cười. Ngoài giờ đi học, nếu không tập đàn hoặc ôn bài, Phương lang thang khắp phòng trong, sân ngoài. Hơn năm năm không bảo dưỡng, căn nhà đang xuống cấp trông thấy. Các bồn hoa bên cửa sổ xác xơ, loang đầy cỏ dại. Mảnh sân rộng thu hẹp dần với những luống rau tươi, thậm chí có lúc còn được ngăn lại làm chuồng heo hoặc đào vét trữ nước nuôi cá trê phi. Vài nơi lớp vôi cũ lộ ra làm bức tường có vẻ sáng sủa hơn. Nhiều khi Phương ngồi cả giờ đồng hồ ngắm các hình thù ngẫu nhiên trên vách một cách say mê. Tâm trạng khác nhau qui định trí tưởng tượng không đồng nhất trên cùng một thể thức. Đường cong ngẫu nhiên khi là bóng mẹ hiền, lúc là chiếc áo choàng đen phù thủy. Có thể đây là chìa khóa lý giải sự định hình tâm lý của Phương sau này. Nỗi cô độc từ bé khiến tinh chất ngây thơ của cậu không bao giờ mất đi hoặc biến chuyển phù hợp với hoàn cảnh. Trải qua càng nhiều khúc quanh, Phương lại khao khát một chân trời ổn định, bình lặng mang dáng vẻ cầu toàn. Hoặc trái ngược hẳn, đó là nỗi hoài nghi dẳng dai. Càng hướng tới những giá trị tuyệt đối, Phương càng dễ tổn thương. Cậu bị ám ảnh bởi nhiều chân lý rạch ròi, minh bạch chỉ có trong truyện cổ tích.
***
Kinh tế sa sút thảm hại, dì Thái bắt buộc phải lén cha nhận những thùng hàng chị Dung gởi về mới mong cả nhà đủ cơm ăn, áo mặc. Nỗi lo dì dành hết cho anh Chung ngoài mặt trận. Để gác qua phiền muộn, dì dồn nhiều thời gian của mình cho Phương. Một sáng Phương đang trả bài bên chiếc Dương cầm, tiếng chuông gọi cửa bỗng dồn dập.
- Má ơi con đã về! - Anh Chung nghẹn lời.
- Trời đất! Con có thương tích gì không? Dì Thái vội vàng cởi chiếc áo sơ mi của anh Chung và gục mặt vào mấy vết sẹo ngang dọc còn hồng màu da non.
- Số con cao lắm má à. Con cần má giúp đỡ.
- Lại xảy ra chuyện gì sao con?
- Má cho con xin năm cây vàng. Con muốn ra đi.
- Trời ơi… Ba con mà biết thì…
- Do đó con cần đi liền. Con không thể bỏ xác tại những cánh rừng nhiệt đới bên kia biên giới. Nhiệm vụ con đã hoàn thành. Con không có cơ hội sống sót trong tương lai. Những bẫy mìn, những trận phục kích triền miên. Con vừa thoát chết trong gang tấc. Để hỗ trợ quân bản xứ, trung đoàn trưởng xếp tân binh người ta sau đội hình tiến công. Bọn nó đồng ngôn ngữ nên đã liên lạc vô tuyến và cùng nổ súng. Con là một trong tám kẻ trở về được hậu cứ, thương tích đầy người.Má ơi, cái quí nhất con có lúc này là sinh mạng chính mình. Hơn ai hết má biết con chưa bao giờ đạo đức giả. Con đâu biết mình sẽ làm được gì nay mai, nhưng má hãy tin con không chấp nhận kiếp sống thừa. Con sẽ tạ lỗi với ba sau. Con chẳng nỡ oán ghét ba đâu má à.
Dì Thái biết anh Chung đã dứt khoát. Dì đưa anh hai chiếc nhẫn kim cương và dặn Phương giữ kín việc anh vừa ghé qua nhà. Chung khóc. Anh ôm chặt mẹ mình và cả Phương vào lòng:
- Tổ quốc bắt đầu từ ruột thịt. Con nhớ ba má và anh em nhiều lắm. Rồi con cố tìm chị Dung. Ba má ở lại mạnh giỏi. Hãy luôn làm vui lòng ba và mọi người Phương nhé.
Chung vượt biển trót lọt trong khi cha cứ ngỡ anh mất tích, bỏ xác xứ người.
Đến đận đổi tiền năm 1985, dì Thái khánh kiệt hẳn. Cha Phương không chút quan tâm đến kinh tế gia đình. Tư tưởng và nỗi lo vĩ mô tạo cho ông vẻ vô tư trước khó khăn gia đình chồng chất. Hằng tháng ông đưa dì Thái gần hết số tiền lương hụt trước thiếu sau, chỉ để lại vài đồng tiêu vặt. Vợ chồng anh Dũng là nhân viên nhà nước, lại mới sinh bé Thịnh nên cũng lờ đi khoản đóng góp chung. Qui định giới hạn trọng lượng và số lượng các thùng hàng từ Mỹ gởi về tiếp tế hằng năm cho từng tờ hộ khẩu làm dì Thái lâm vào cảnh túng bấn thường xuyên. Của chìm dì tích cóp cả đời vẻn vẹn còn lại ngôi nhà bề thế và rỗng tuếch. Cái gì không cần thiết trước mắt dì đã bán hết, trừ chiếc đàn dương cầm hiệu Yamaha.
- Cải cách "Giá, Lương, Tiền" sắp thành công, bà chớ rầu cho nặng óc. Chỉ năm sau thôi, khi mọi việc ổn định chúng ta sẽ được nhà nước đài thọ hoàn toàn các nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Kinh tế tiểu tư nhân trở lên hết đường sống. Sức sản xuất toàn xã hội sẽ hồi phục. Lúc ấy đồng tiền, nỗi ô nhục sót lại của chủ nghĩa tư bản sẽ trở thành giấy lộn - Cha phán như vậy khi dì Thái đề cặp đến khó khăn.
"Tình cảm có nằm trong những nỗi ô nhục đó không nhỉ?" - Phương tự nhủ. Không thể nói cậu đã lây một cách vô ý thức lý sự "cùn" của anh Chung. Trí não bắt đầu trưởng thành của Phương nhận thấy rõ lỗ hổng quá lớn giữa thực tế và các luận điểm thời sự. Phương đã không cầm được nước mắt trong đám tang của bà ngoại cậu bạn chung lớp. Người bà ấy về quê thăm con. Quà bà nhận được từ vựa lúa Cửu Long là bọc gạo hẩm của một mùa đói kém vì thiên tai, hạn hán và sâu bệnh. Dăm ký gạo quá lớn với những cái bụng lép kẹp của con cháu bà nơi đô thành. Và còn lớn hơn nữa khi món quà tình cảm nhỏ nhoi này bị qui là vật chứng của tội gian thương trước trạm kiểm soát thị trường. Quá uất ức, trong cơn quẫn trí bà đã lao đầu vào bánh xe tải.
Phương học hành dưới mái trường hoàn toàn khác xa anh Chung nên cậu không mạnh miệng như anh. Đó là kiểu học thuộc lòng sơ sài, và sẵn sàng bóp chết sự tìm tòi. Chẳng hạn về phong trào Tây Sơn, Phương thắc mắc tại sao mấy anh em nhà Nguyễn chia rẽ rồi một nước có đến hai ba vua! Vì mục đích thật sự nào mà các vị nỡ bỏ cả họ thật của mình. Họ sáng tạo ra môn võ nổi tiếng toàn miếng hiểm chết người dựa trên Thiếu Lâm của Trung Hoa. Võ này tuyệt dụng với ngoại xâm nhưng chắc chắn là con dao hai lưỡi cho xung đột nội tộc. Giáo viên lịch sử dẹp ngay trò táy máy của Phương bằng ô điểm hai trong sổ cái. Thầy đã bực từ lúc Phương cắc cớ: Trong sách không nói rõ về giai đoạn lập quốc triều Nguyễn. Thông thường các vua Thái Tổ phải là người tài giỏi mới chiếm được lòng dân, khôi phục thái bình, xóa bỏ binh đao, bất công và sâu mọt cũ. Dù con cháu Gia Long bạc nhược dâng non sông cho Lang Sa, đó đâu phải lỗi của tổng công trình sư cố đô Huế, kỳ quan vô nhị của dân tộc.
Cuối cùng ngọn gió lành cũng tới. Phương không hiểu thế nào là bó buộc nhưng hiệu quả của việc cởi trói và mở cửa diễn ra không lâu sau đó, tác động sâu rộng đến đời sống dân chúng một cách tích cực. Cha Phương đột ngột bị hưu non có lẽ là dấu ấn tiêu cực của cải cách theo góc độ chủ quan của người trong cuộc. Ông bất ngờ và hết sức bị động. Ông giam mình trong nhà mấy tháng trời đến nỗi đổ bệnh. Ông dường như cấm khẩu và vật vờ bên chiếc bóng xiêu vẹo. Mặc kệ mọi người, ông bè bạn với tiếng thở dài nén kín tận đáy lòng.
Ai cũng tỏ ra thông cảm với ông. Đây là lần đầu tiên trong đời Phương có khoảng thời gian khá dài được ở bên cha, không gián đoạn. Phương biết cha chẳng ưa tiếng đàn dương cầm. Dù là bài tập đứt đoạn, câu luyện ngón đơn điệu hay vài bản nhạc nằm lòng điệu nghệ, đều làm ông nhức đầu. Phương không chút đắn đo, đồng ý bán cây đàn theo lời khuyên của dì Thái.
Vậy mà người khó cầm lòng lại là dì. Dì treo giá rất cao, vài vị khách lè lưỡi. Khi quý bà xồn xồn tự giới thiệu là phu nhân của gã thủy thủ viễn dương nào đó chẳng thèm cò kè, toan mở hầu bao thì dì lắc đầu. Dì thả người xuống trường kỷ. Mắt dì rướm nước. Bà khách có nét mặt đanh đá lủi thủi ra về. Phương án anh Dũng đưa ra là tối ưu. Hai anh em đẩy chiếc đàn vào gầm cầu thang, nơi chứa đồ cũ và lấy đinh phong chặt hai cánh cửa nhỏ.
Hơn chục năm sau Phương bị tình cảm mà dì Thái từng dành cho cây đàn lay động, khi anh tìm mua cho mình một chiếc đàn cũ. Những người bán đàn Phương gặp, tất thảy do hoàn cảnh khó khăn, đành đoạn rời xa âm nhạc. Gương mặt họ và gia cảnh hiện ra xung quanh luôn u buồn và đáng thương. Phương thường không dám trả giá dù anh chưa dư dả. Anh chỉ bám vào chất lượng của đàn để đi đến quyết định cuối cùng. Phương sợ vô tình mang đến cho họ sự thua thiệt mà họ đã có thừa.
Cải cách cũng đem lại vận hội mới cho vợ chồng anh Dũng. Chị Linh nghỉ việc nhà nước, hùm hạp mở tổ hợp may mặc. Chị thuyết phục dì Thái đưa chị giấy tờ ngôi nhà để vay vốn và trưng dụng phần lớn diện tích tầng trệt làm xưởng và văn phòng. Công việc mở màn trôi chảy, mức sống gia đình được nâng lên hằng ngày. Đến lúc này dì Thái mới dám nói thật cho cha Phương biết về anh Chung và tình hình hai chị em ở California. Niềm vui không tày gang. Cha đang ngày ngày dõi theo những bước chân dè dặt của Việt kiều về thăm quê thì phát hiện mình bị ung thư vòm họng ác tính.
Cha Phương nhập viện dành cho những người như ông. Dịch vụ y tế miễn phí ở đây khác xa đa số nơi khác. Không bao giờ có cảnh hàng đoàn người chầu chực trước phòng khám. Khuôn mặt tái nhợt của đội quân bán máu chuyên nghiệp khó tìm thấy cơ hội hiện diện. Không có các góc dơ bẩn, dành cho những người nông dân mặc áo bà ba dúm dó kê vài cục gạch nấu cơm, nấu mì gói. Không khí tuyệt đối yên tĩnh. Sân vườn thoáng mát, vắng vẻ. Giờ cơm người nhà bệnh nhân lục tục gói nhỏ, xách to chứa đầy thực phẩm bổ dưỡng tiến vào. Bác sĩ, y tá, hộ lý luôn nhẹ nhàng, lễ phép dạ thưa. Nút chuông màu đỏ trên đầu giường được nhấn là lập tức hai ba chiếc áo trắng sẽ xuất hiện, đáp ứng mọi đề xuất dù nhỏ nhất, không kể giờ giấc.
Hai tháng điều trị không kết quả, cha biết khó qua khỏi nên muốn về nhà trăn trối. Những ngày cuối đời của ông tù túng và chật chội trong căn phòng đơn sơ cuối ngôi biệt thự ồn ào. Ban đầu ông còn khó nhọc thốt được vài lời, sau thì tắt tiếng hẳn. Phương mới vào lớp mười hai, ngoài giờ học anh luôn ở bên cha cùng dì Thái. Cả hai người chớ nề hà trong việc chăm sóc ông. Mỗi ngày không dưới vài lần ông phún ra hàng đống đờm rãi, máu mủ. Phương chưa bao giờ thấy dì nhăn mặt, chun mũi ghê sợ. Dì nhẹ nhàng chiều chuộng ông mọi bề. Cha không nói được, ánh mắt ông xa vắng và hiền từ vô hạn trong khi dì Thái từ tốn ôn lại bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ. Lạ thay, dì không biết ái ngại trước mặt Phương. Có lẽ trong tâm khảm dì, Phương là đứa con mang nặng đẻ đau của dì chứ không phải kết quả của sự thủy chung nửa vời nơi chồng mình. Anh Dũng, chị Linh và cháu bé thi thoảng mới đảo qua vấn an cha. Họ đang bạc mặt với công nợ và thường trực trong căng thẳng.
Phút lâm chung của cha, may mắn toàn bộ con cháu kịp về. Anh Chung trở thành kẻ yếu đuối nhất. Vừa bước vào anh đã đổ sụp xuống bên ông và khóc rống lên. Mọi người nước mắt lưng tròng như phản xạ dây chuyền, chỉ trừ chị Dung. Chị đến bên giường, khẽ nắm tay cha và chăm chú nhìn vào mắt ông. Phương không tin chị vô cảm. Chị không có tình thân với cha vì cha con xa cách quá lâu. Thẳm sâu trong cái nhìn của chị là nỗi niềm ruột thịt, là lòng cảm thương vô hạn và sự nuối tiếc tháng năm ngăn trở phi lý. Chị chỉ chảy nước mắt khi chồng chị bắt đầu vuốt mắt cho cha, giữa lúc chín mười con người xung quanh cảm thấy hụt hẫng, mất hết phương hướng. Họ cắn những đôi môi mằn mặn mà thốt lên ông ơi, cha ơi… anh ơi…
Vài phút trước khi cha ra đi, dì Thái cố đọc những gì cha muốn nói qua ánh mắt. Thật lạ lùng, ông mong trút hơi thở cuối cùng trong tiếng dương cầm.
Anh Dũng và Phương chạy vội lên văn phòng cơ sở may mặc. Chiếc két sắt được dịch ra. Họ phá tung hai cánh cửa nhỏ chỗ hầm cầu thang. Bốn người nữa xắn tay áo xốc vào vần khối gỗ và sắt nặng hơn hai trăm ký đến cuối giường bệnh. Nét thỏa mãn phủ tràn khuôn mặt cha dù lúc đó thân thể ông đã héo hon, tàn tạ như chiếc lá thu vật vờ trong ngọn gió tử thần.
Bên chiếc đàn ai cũng chựng lại. Lâu rồi Phương chẳng đụng đến một nút phím, dì Thái cũng thế. Những ngón tay chắc chắn sẽ cứng đờ trong các giai điệu tinh tế, mượt mà và uyển chuyển. Đôi mắt cha lờ đờ chờ đợi. Mọi người ái ngại. Cuối cùng chị Dung thì thào một tràng tiếng Anh với con mình. Đứa bé mười mấy tuổi ngơ ngác và hoàn toàn bị động ngồi vào đàn. Nó run rẩy ướm tay và rải hợp âm đầu tiên, bản "Con thiên nga" của Camille Saint Saens. Chiếc đàn mốc meo bám hàng lớp bụi dầy, lỗ chỗ vết mọt xông. Bộ dây đã rỉ sét gần hết, lạc giọng không đều. Tác phẩm chỉ là những ý chủ đạo, đơn giản hóa để phù hợp với bàn tay tuổi nhi đồng. Lạ lùng thay, chính trong sự méo mó của chuẩn mực, bản nhạc vang lên không chút xa lạ. Bè trầm là ngọn lửa hoành tráng, âm ỉ thiêu đốt thời gian. Lời ca dung dị nhưng day dứt cứ vút lên mạch lạc, xoáy vào định mệnh khắc nghiệt nỗi hoài vọng khôn nguôi, bừng tỏ ý chí tồn tại và cả sự tiếc nuối tháng ngày xa xăm mịt mù.
Cha Phương tắt thở khi thanh âm đang chùng xuống và dãn ra để đi vào đoạn kết. Hơn một lời trăn trối, âm nhạc đã nói hộ ông tất cả. Ông trở về hư không sau hơn nửa đời xa lánh tiếng nhạc, thậm chí còn kết tội nó nữa.
***
Tổ hợp sản xuất của chị Linh trờ tới bờ vực phá sản. Không khí tang tóc trong nhà sau khi cha Phương mất lại thêm phần não nề.
Nhiều người vẫn còn trách chị Linh nhưng Phương thì không. Anh hiểu chị dấn thân vào thương trường với khát khao dẫm lên lạc hậu, đói nghèo và tụt hậu đã hành hạ toàn xã hội lâu nay. Tuy nhiên điểm tựa cất cánh của chị không được vững chãi.
Cha mẹ chị mấy đời là tá điền bán lưng cho trời bán mặt cho đất. Họ đều hy sinh trong phong trào đồng khởi. Giữa những năm 1960 chị được gởi ra bắc học trường học sinh miền nam. Chị tốt nghiệp phổ thông và trở về Sài Gòn ngay trong năm 1975 vì nỗi nhớ quê và tự thấy kiến thức như vậy đã đủ. Chị là công nhân gương mẫu, lao động điển hình với danh hiệu “Bàn tay vàng” mấy năm liền. Trong kỳ báo cáo thành tích nọ, chị lọt vào mắt cha và mau chóng trở thành chị dâu Phương.
Thời điểm xuất khẩu hết món ngon vật lạ của đất nước sang Đông Âu, chị nghe lời bè bạn đang lao động hợp tác bên Nga mở xưởng may. Khởi sự trôi chảy, hàng tháng một hai container hàng đều đặn tới bến và việc chi trả luôn sòng phẳng. Chị ráo riết mở rộng sản xuất và còn góp vốn vào mô hình hợp tác xã tín dụng nhiều thành phần. Tiền chưa phải là yếu tố cần và đủ cho sự thành công trong kinh doanh giữa bối cảnh lạm phát không thể kiểm soát. Chị bị đòn choáng váng khi hàng chục tổ chức buôn tiền đầu voi đuôi chuột lộ nguyên hình lừa đảo. Số dư nợ chị gởi gắm nơi bạn bè ở xứ Perestroika lên đến hàng chục container cũng biệt tích luôn.
Chị Linh và anh Dũng ra hầu toà. Án sơ thẩm chiếu cố nhân thân và cái tang chưa xanh cỏ của cha họ. Thẩm phán quyết định tịch thu toàn bộ tài sản của cơ sở kể cả ngôi biệt thự đứng tên dì Thái.
Dì Thái chết điếng dẫn đến bệnh tâm thần. Dì nằm trên giường bệnh thì không sao. Nếu bước ra ngoài, cứ nhìn mấy tờ giấy niêm phong tài sản loằng ngoằng chữ ký và mộc đỏ thì dì lại rú lên điên dại, tự cào cấu mặt mũi, bứt tóc bứt tai. Phương phải bỏ học, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để ở cạnh dì. Anh Dũng đưa dì vào bệnh viện chuyên khoa. Được mấy ngày dì không những không bớt mà còn nặng thêm. Người dì trầy xước, da thịt bầm tím vì bị đòn. Phương thương dì quá nên xin cho dì về. Từ đó trở đi chỉ mình Phương mới có thể làm dì tĩnh trí sau mỗi lần lên cơn. Anh Dũng hay chị Linh đưa thuốc cho dì uống hay đút cơm cháo, dì gạt ra và ném thuốc đi hoặc đập vỡ hết chén bát.
Dì sợ ánh sáng. Ban ngày cửa nẻo phải khép kín. Dì ngồi như bóng ma, miệng hoảng hốt lảm nhảm đủ thứ, đôi mắt trợn tròn hướng ra các khe hở. Chẳng biết dì nói gì. Trong đêm dì gần như không ngủ. Ban đầu thuốc an thần còn tác dụng. Sau bốn tuần thì dì uống bao nhiêu thuốc cũng chẳng chợp mắt được. Phương kê ghế bố ngoài cửa phòng và thường trực trông chừng dì. Một hai lần Phương tỉnh dậy bởi bàn tay vuốt ve dịu dàng của dì trên mặt anh. Khuya. Tranh tối tranh sáng. Đôi mắt dì đẹp lắm. Buồn vô độ.
Dì suy sụp nhanh khủng khiếp. Đoạn cuối dì chẳng ăn uống gì, người gầy tọp, da bọc xương. Còn vài ngày tới phiên tòa phúc thẩm, dì trút hơi tàn. Dì ra đi âm thầm trong bóng đêm. Cô độc và lạnh lẽo.
***
Phương về ở với gia đình anh Dũng. Họ mua một căn hộ nhỏ trong tòa chung cư xuống cấp và hôi thối ven kênh Nhiêu Lộc bằng phần lớn số tiền khách phúng điếu người mẹ quá cố.
Anh Chung chịu tang mẹ trễ mất mấy tháng. Cũng tại anh Dũng không dám nói bệnh tình của dì cho chị Dung và anh Chung biết. Dì mất đột ngột, không ai chuẩn bị kịp. Anh Chung dành cho anh Dũng và chị Linh sự im lặng nặng nề. Không có lời qua tiếng lại hoặc trách móc.
- Em vừa kể mọi thứ cho chị Dung rõ qua điện thoại. Chuyện đã rồi nên xếp lại. Chị Dung và em thống nhất là anh chị cũng như em Phương cần một chỗ dung thân khá hơn.
- Cám ơn chú, anh thấy thế này là ổn rồi.
- Anh hãy đứng lên ngay chỗ mình vấp ngã. Số tiền em dự trù anh chị dư mua một căn nhà trong hẻm rộng. Còn lại anh chị coi buôn bán cái gì an toàn thì làm. Theo ý em thị trường đất đai sẽ sớm tăng nhiệt. Rán chịu khó, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ chuộc được ngôi nhà cũ.
- Tấm lòng hai người rất đáng quí. Anh gượng lên rồi đó thôi. Chị Linh đang phụ bạn bè đứng bán ở cửa hàng quần áo may sẵn. Anh trở về với ống nghe, toa thuốc. Nghèo mà sạch chú ạ. Phương ở đây không đói đâu mà chú sợ, ít ra đến khi nó học xong đại học. Hãy hiểu cho anh.
- Anh tự ti từ lúc nào vậy.
- Anh cảnh giác với đồng tiền thì đúng hơn. Nó có sức tàn phá ghê gớm, không tưởng tượng nổi. Chị Linh cũng nghiệm ra điều này sau lần tự vẫn không thành. Ý em ra sao hả Phương?
- Em vẫn vừa học vừa làm, phụ được anh chị tới đâu hay tới đó. Anh Chung mới qua Mỹ không lâu, cuộc sống ắt khó khăn muôn bề. Lòng tốt của anh em cám ơn nhiều lắm. Anh em mình không hiểu nhau thì còn mong hiểu ai nữa.
Chung không nài ép thêm, anh trở về California với lớp học và công việc làm thêm đặc kín thời gian biểu. Anh từng tỏ bày với Phương :
- Anh mừng bởi ba anh em chúng ta có một điểm chung rất quí. Chị Dung bao nhiêu lần nổi giận vì khái tính của anh. Lý ra cứ học một lèo thì anh ra trường rồi. Anh tự nuôi mình sau khi đến Mỹ ba tháng. Mấy bận phải bấm bụng buông lớp vì kiệt sức.
- Anh là tấm gương của em.
- Nước Mỹ thực dụng và quá sòng phẳng. Chẳng biết anh có sống đời ở đó được không. Hy vọng sẽ quen dần.
- Học xong, tích lũy chút đỉnh anh về đây em thủ cho một chị dâu hết ý.
- Anh không thể yêu những cô gái loại đó. Bao tấn bi kịch sờ sờ trước mắt luôn làm anh lạnh gáy. Kết hôn là con đường xuất ngoại của đa số người, bất chấp tất cả. Đừng lên án Việt kiều đểu giả. Đi với ma mặc áo giấy. Những cuộc trao đổi không ít thì nhiều, phải mang sự lật lọng như bùa chú phòng thân.
Anh Dũng quyết định đi lao động hợp tác bên đông Âu. Căn hộ hoang vắng rợn người. Chị Linh héo hon, ăn dè mặc vụng. Tiền bạc đã gom hết cho cuộc tha phương cầu thực của chồng. Cu Thịnh lớn nhanh như thổi, suốt ngày ghép vần thư bố.
Vài tháng sau anh Dũng bắt đầu gởi hàng về. Toàn đồ gia dụng và thực phẩm bình thường nhưng rất giá trị. Một gói bột ngọt đổi được cả tháng gạo cho cả nhà. Chị Linh hồng hào trở lại. Một ngày chị em, chú cháu chỉ gặp nhau trao đổi mấy lời vào sáng sớm. Phương thường về nhà từ chín giờ tối trở đi với chìa khóa riêng. Đặt lưng xuống giường là anh chẳng còn biết trời trăng mây nước gì nữa.
- Hồi khuya chú mơ gì mà cứ nói lảm nhảm một mình.
- Chắc tại em áy náy không hiểu mình phải xử sự ra sao.
- Có cần ý kiến của chị không?
- Một lời giải thích để em an lòng, đỡ lo cho anh Dũng là tốt lắm rồi.
- Chú cứ vòng vo mãi.
- Chẳng là tối qua em thấy chị.
Mặt chị Linh đỏ dần lên. Rõ ràng mấy lần Phương nhận ra chị và tay Bạch "Nga ngố" sánh vai bước vô nhà hàng Brodard trên đường Đồng Khởi. Bạch là 50% nguyên nhân phá sản của tổ hợp may mặc dạo trước.
- Bạch xin lỗi gia đình chúng ta. Hắn cũng là nạn nhân. Bọn đầu trọc Nga tấn công đoàn xe chở hàng, bắn hạ hai người áp tải rồi cướp sạch.
- Chuyện cũ chị đừng để ảnh hưởng tới anh Dũng và tương lai cháu Thịnh. Tình hình bất ổn bên kia có lẽ anh cũng sớm về thôi. Hai ba nhóm công nhân bị thải hồi trước thời hạn vừa về tới Việt Nam đó chị à.
- Cảm ơn em đã hiểu chị.
Chị Linh chắc chắn là con người có lòng tự trọng cao. Hàng chục năm sau Phương vẫn thấy ánh mắt ngại ngùng của chị mỗi khi hai người có dịp đối diện trò chuyện. Phương và anh Dũng liên lạc thư từ rất thường xuyên. Chưa bao giờ Phương hé môi về vấn đề này.
Đúng như dự đoán. Xã hội Đông Au hỗn loạn, công nhân xuất khẩu lũ lượt kéo về. Anh Dũng được đền bù mấy ngàn Đức mã. Anh lại khoác lên mình chiếc áo trắng bác sĩ. Chị Linh tùng tiệm chi tiêu buôn bán trên số vốn kia. Bài học cũ giúp chị vững bước hướng tới ngày sung túc.
Hơn hai năm xa cách nhưng Phương thấy anh Dũng gần gũi hơn bao giờ hết. Anh viết thư cho Phương rất đều. Qua đó Phương hiểu thêm nhiều vấn đề.
Đông Đức ngày … tháng … năm …
Phương em,
Đầu thư anh gởi em lời hỏi thăm sức khỏe. Anh biết ơn em rất nhiều. Giờ đây em là chỗ dựa tinh thần cho hai mẹ con Linh. Đọc thư cháu Thịnh anh thấy nó quí em còn hơn cả anh, anh mừng lắm.
Nghĩ đi nghĩ lại, anh rất tắc trách với em. Anh em mình ít khi tâm sự với nhau chẳng phải anh xa lánh em. Bản tính anh ít nói, lắm khi chị Linh còn nổi quạu.
Em không kết tội anh và chị Linh gây nên cảnh cùng quẫn cho gia đình, dẫn đến cái chết của dì. Anh mang ơn em. Tuy nhiên anh vẫn nghĩ hành động của em không bình thường nhưng hoàn toàn dễ hiểu. Ba không chiều chuộng, mẹ mất sớm, em tự đặt mình là kẻ ở trọ trong nhà. Em chưa hiểu dì và các anh chị đâu Phương ạ.
Từ nay trở đi anh sẽ viết thư cho em thường xuyên. Anh dùng ngôn ngữ đắn đo bên cây bút, tờ giấy để tỏ tường suy tư, thay cho lời nói.
Thời gian của anh quá nhiều. Anh không có khả năng chịu trận như bè bạn. Buông công việc ra là họ lùng sục khắp nơi, xếp hàng mua cái này bán cái nọ. Anh giận mình đã tự học tiếng Đức trước khi qua đây. Dùng ít nhưng nghe chửi thì nhiều. Người ta gọi mình là dân đầu đen thô tục. Tinh thần đoàn kết vô sản chỉ là mồm mép.
Mấy quyển sách triết học cũ em tặng anh thế mà hữu dụng. Anh đọc nó hằng ngày, đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc lại sáng ra một chút. Anh bỗng thương em vô hạn. Mười mấy tuổi đầu em lọ mọ tìm hiểu minh triết. Người ta chỉ thích lý lẽ cuối con đường hạnh phúc chông gai, khi mọi cánh cửa đã khép kín. Tôn giáo là thứ hạnh phúc thụ động và yếm thế. Tôn giáo cuốn hút hơn triết học bởi nó là thành trì vững chắc cuối cùng của sự thiểu tuệ và ươn hèn. Em không bị ru ngủ trong tôn giáo là điều hay. Vượt qua vách núi cheo leo, nơi các triết gia tọa tưởng em sẽ tìm được thung lũng thanh bình của lòng nhân ái đã biệt tích.
Ký tên: anh Dũng.
Tái bút: anh Mạnh, người bạn chung phòng để lại cho anh hai chiếc xe Mifa. Anh bỏ luôn vào thùng hàng của anh ta gởi về. Em nhắn chị Linh, khoảng 1 tháng nữa qua nhà Mạnh nhận xe.
*
Đông Đức ngày … tháng … năm …
Cả tuần nay anh bận tối mũi.
Thứ hai, mười mấy người trong cư xá bị một băng đầu trọc hành hung bưu đầu sứt trán. Hàng mới mua ra bị cướp phá sạch.
Thứ tư, toán công nhân Việt Nam bên nhà máy xe lửa qua đây giải quyết mâu thuẫn công nợ bằng gậy gộc và cả súng ngắn. Một cậu quê miền Trung bỏ mạng. Cảnh sát nghe báo nhưng tảng lờ. Chúng nói mặc kệ lũ đầu đen, luật pháp của chúng là để bảo vệ người bản xứ. Các quan bên Đại sứ quán sang hò hét lên lớp cả buổi rồi cũng bỏ về.
Thứ năm xưởng nấu rượu lậu trên tầng sáu bị phát hiện khi thả dây bán một chai cho thằng bé 17 tuổi. Họ bao vây cư xá và khám xét. Ba người bị trục xuất, mấy kho hàng bị tịch thu. Họ kết tội mình tích trữ hàng cấm và buôn lậu.
Thực ra chị Linh cũng rất áy náy khi anh lên đường sang đây. Nếu anh không đi thì Linh cũng phải đi. Thân gái dặm trường sao nỡ hả em. Cảnh nhà túng thiếu, cu Thịnh còi cọc, lương bổng của anh có cũng như không. Anh không thể ngó lơ khi nhìn vợ làm tôi đòi cho bè bạn cùng trang lứa, ngày ngày khom lưng chạy chợ từng bữa.
Anh không lọc lõi bán buôn nhưng luôn tiết kiệm từng đồng gởi về cho mẹ con Linh. Đọc thư em thấy tràn trề nhựa sống và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ anh vui khôn tả.
Chị Dung và Chung vừa điện thoại cho anh. Anh chỉ đề cặp sơ sơ tình hình chúng ta cho họ yên lòng. Chị Dung thân gái dâu con, tuy khá giả nhưng đừng để chị phải bận tâm, lao lực cho lũ con trai họ Vương. Nhà chồng chị nói ra nói vào thì chẳng tốt cho hương hồn cha mẹ chúng ta tí nào.
Chung còn khó khăn dài dài. Ngoài giờ học Chung làm đủ nghề như rửa xe, nhân công trại mộc. Tất cả đều làm chui, không bảo hiểm y tế xã hội gì sất. Như vậy lương cao hơn tí chút. May mà trai tráng ít khi đau ốm bệnh tật nhưng nếu mất việc thì không khéo đói vì chẳng có trợ cấp thất nghiệp.
Hai người thương em lắm Phương à. Họ đề xuất ý kiến lo cho em qua đây rồi trốn sang Tây Đức. Họ sẽ xin tị nạn cho em tại Mỹ. Ở nhà học hành không phải không tốt nhưng thời buổi thầy hèn hơn thợ, tương lai mù mờ. Em nhớ cho anh biết ý kiến.
Có rất nhiều chuyện gia đình ta mà em chưa tỏ tường. Bây giờ em đã lớn, đã đủ hiểu biết anh không muốn dấu em nữa. Mong rằng qua đây em sẽ hiểu cha, hiểu dì và các anh chị cùng cha khác mẹ của mình hơn. Chúng ta phải đoàn kết thương yêu nhau hơn nữa, đó là cách báo hiếu để cha mẹ ngậm cười nơi chín suối.
*
Ba lên tàu tập kết, dì một nách hai con thơ và cái bụng mang bầu em Chung. Xã hội hỗn loạn đời sống khó khăn vô tả.
Năm 1956 ước vọng thống nhất đoàn tụ qua tuyển cử tự do, phổ thông đầu phiếu không thành. Ông bà ngoại anh mất. Họ nội lụn bại vì bị Diệm Nhu trù dập những gia đình có thân nhân tập kết.
Dì bắt buộc giũ áo lụa tiểu thư bước vào con đường kinh doanh buôn bán. Không ít thì nhiều mẹ anh luôn tỏ ra là con dâu trưởng hiếu nghĩa. Đường xá xa xôi, chiến tranh du kích cát cứ nhưng năm nào mẹ cũng bí mật cho người xuống vấn an ông bà nội, báo ông bà tình hình con cháu và không quên giúp đỡ vật chất. Tình cảm gắn bó làng quê của ông bà làm nguyện ước phụng dưỡng cha mẹ chồng của mẹ không thành. Hơn nữa chú Ba và cô Tư đều vào bưng biền, cô Năm nằm vùng hoạt động, ông bà nội không nỡ dứt áo bỏ lên thị thành.
Luật 10.59, ấp chiến lược, phong trào Đồng Khởi nối nhau diễn ra. Hàng loạt cuộc hành quân bố ráp của Diệm Nhu lần lượt khai tử chú Ba, cô Tư và cô Năm.
Năm 1962 ông bà nội người trước người sau tạ thế. Vậy là riềng mối ruột thịt của người chồng mà mẹ rất đỗi yêu thương, kính trọng bị cắt đứt. Tình cảm mẹ dành cho cha chỉ còn là nỗi nhớ âm thầm trong lòng. Mẹ dồn hết tâm huyết, gắng gượng làm ăn lo cho ba chị em nhỏ dại mau trưởng thành.
Đủ hiểu biết anh mới rõ mẹ cơ cực và đáng thương biết chừng nào. Mẹ còn trẻ, đẹp người đẹp nết và tài hoa. Trong công việc mới ngoài xã hội mẹ được bao nhiêu người để ý. Chẳng khi nào mẹ dấu diếm ba đứa con thơ. Mẹ phải dối ba mất nên họ luôn kiếm mọi cách để được gần mẹ. Kẻ giàu có dùng tiền bạc lung lạc. Mấy tay tướng tá, công chức ưa trăng hoa thì gây sức ép tâm lý, hành chánh. Vậy mà mẹ không khó xử với họ bằng vài ba người thật lòng thương mẹ. Con người đâu phải gỗ đá phải không em. Mẹ có ba đứa con thông minh, ngoan ngoãn, có một người chồng đầy lý tưởng nhưng xa cách. Do đó mẹ vẫn vượt qua được những phút giây yếu lòng. Những phút giây ấy là có thật vì với một người phụ nữ trên dưới ba mươi, thiếu vắng sự chiều chuộng, chia sẻ và an ủi của một người đàn ông bên cạnh là hết sức khủng khiếp.
Cuộc sống ban ngày dễ quên nỗi buồn trong lòng. Đêm về, đưa ba chị em lên giường xong, mẹ còn mỗi một mình. Sự cô độc làm mẹ dần nhiễm chứng bệnh mất ngủ. Có đêm hai ba giờ sáng mẹ trở dậy đánh đàn. Tiếng đàn của mẹ buồn lắm. Nó mênh mang tha thiết, xoáy vào đêm nỗi khắc khoải vô hạn. Cũng có khi âm nhạc ầm ào trong cảm giác bị đè nén khát vọng được là vợ, là tình nhân của chính người chồng mình.
Mẹ luôn đạp cần giảm thanh của chiếc đàn, cửa các phòng cũng kín nhưng nhiều hôm ba chị em không ai bảo ai đều trở dậy xúm lại ôm chặt mẹ. Bốn mẹ con không cất nổi nửa lời, nước mắt ấm môi.
*
Năm 1966 mẹ xuống quê chuyển hài cốt ông bà nội lên nghĩa trang gia đình ở Long Khánh thì vỡ lẽ chú Ba có người vợ ít ai biết. Vợ chú vừa đi lấy chồng. Mẹ dẫn luôn nhỏ Thắm côi cút về nuôi. Mẹ thương Thắm không kém con ruột. Vì không được ăn học giáo dục từ nhỏ, tiếp xúc cuộc sống thành thị thuở trăng tròn, Thắm trở chứng hư hỏng. Mẹ buồn lắm, càng dạy nó càng lì lợm. Nó tụ tập, đàng điếm xì ke ma túy khi mới 18 tuổi. Mẹ tốn bao nhiêu tiền bạc đi tìm kiếm và chuộc nó ra từ một ổ Tú bà. Thoát kiếp bán thân nó mon men làm gái nhảy. Có lần thằng trung tá Mỹ bồ nó đã xua lính đuổi mẹ ra khỏi khách sạn Caravelle vì mẹ muốn khuyên giải nó trở về nhà. Năm 1970 Thắm nhảy lầu tự tử đúng ngày sinh nhật của mình. Tình tiền và chất kích thích đã kết liễu đời nó. Mẹ ma chay tươm tất và chôn Thắm cạnh mộ phần ông bà nội.
Năm 1968 loạn lạc nhưng bốn mẹ con tương đối an toàn. Gã đại tá si mê mẹ đã cắt cử một trung đội thủy quân lục chiến đóng trại dọc đường trước nhà mình. Cũng từ dạo đó mẹ đỡ buồn hơn vì chị Dung nhờ ai đó chỉ bảo đã hướng dẫn mẹ bắt sóng đài phát thanh miền Bắc. Mẹ vui hẳn lên và không ái ngại kể cho con cái nghe hết chuyện tình cảm cũ của cha mẹ. Trong lòng mẹ không lúc nào thiếu vắng hình ảnh cha. Thời sự Sài Gòn mẹ mù tịt nhưng nếu hỏi mẹ thời tiết Hà Nội thì mẹ trả lời không sót một cơn mưa nhỏ! Hôm nào đài báo máy bay Mỹ tấn công Hà Nội là mẹ không ăn, không ngủ được. Mẹ bảo mẹ rất nóng ruột.
Giáng sinh 1972 Sài Gòn vô cùng ảm đạm. Suốt mười hai ngày đêm hình như cả miền Nam nín thở. Dù ở hai phe nhưng Nam Bắc vẫn là một dân tộc. Người Mỹ định hủy diệt Thăng Long nhưng không hề biết Thăng Long không chỉ là thủ đô Bắc Việt. Thăng Long còn là thủ đô tinh thần độc lập ngàn năm của mảnh đất hình chữ S. Chị Dung bảo chính anh Tòng chồng chị, một sĩ quan trẻ đầy hãnh tiến cũng phải thốt lên: "Kẻ nào có thể vui mừng nở nụ cười hể hả trong mười hai ngày đêm tang thương ấy không phải tiểu nhân thì cũng là tên bán nước hèn hạ".
Mẹ nhốt mình trong nhà, không bước ra khỏi cửa. Mẹ hết đốt nhang khấn trời phật, ông bà rồi lại lầm bầm đọc kinh thiên chúa mong cha tai qua nạn khỏi. Cứ nghe đến bản tin đài Hà Nội báo người chết, cầu sập và nhiều máy bay bị hạ là mẹ lại khóc. Có đêm bốn mẹ con ôm nhau sụt sùi đến sáng.
*
Hiệp định Paris vừa ráo mực, mẹ chưa vui hết niềm vui hòa bình và đoàn tụ trong mơ thì đã buồn. Số là mẹ mày mò nhờ vả, tìm cách liên lạc với một vị đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong phái đoán bốn bên thực thi hiệp định. Viên sĩ quan ấy có quen ba. Do không rõ ba có mẹ trước khi tập kết nên ông ta vô tư kể chuyện ba đã lập gia đình.
Mẹ viết cho ba lá thư rất dài. Sau khi thuật hết chuyện gia đình họ mạc trong mười tám năm bặt tin, cuối thư mẹ gởi lời chia buồn với ba vì mẹ em không may mất sớm. Mẹ khuyên ba chăm sóc em cẩn thận, mai này khi hoà bình thống nhất mẹ xin phép ba cho mẹ coi em như con. Mẹ ít nói về bản thân, ngoài việc mẹ vẫn một mình nuôi con, tròn đạo làm dâu. Mẹ thực lòng ân hận vì không làm được nhiều hơn cho nhỏ Thắm vắn số.
Thư ba trả lời mẹ cũng rất dài. Không hiểu ba nói gì nhưng mẹ không cho tụi anh đọc. Ngày đoàn tụ sắp đến mẹ chỉ dặn đi dặn lại anh và Chung phải luôn tôn trọng, thương yêu ba và em. Cố đừng làm gì cho ba phật ý.
Mãi sau này anh mới biết mẹ không tha thứ cho ba trong chuyện tình cảm. Mặc dù ba đưa ra nhiều lý lẽ, mẹ vẫn kiên tâm sống bên ba bằng nghĩa chứ không phải bằng tình.
Ba yêu mẹ là điều có thật. Ba có con đường riêng của ba. Mẹ không can dự. Nhiều lần ba làm căng muốn dọn khỏi nhà. Mẹ không hề ngăn cản nhưng luôn đòi giữ bằng được em ở bên mẹ. Việc ba không thể chinh phục mẹ thêm lần nữa làm ba buồn nhiều dẫn đến tính tình hà khắc, mặc cảm và dễ nổi giận.
Cuộc đời chính trị của ba lắm chông gai. Nguồn gốc của ba thuộc giai cấp địa chủ. Mẹ anh là tiểu tư sản thành thị. Ba bị rầy rà giữa những năm sáu mươi. Thậm chí người ta bác đơn xin đi B của ba mấy lần vì sợ ba vào Nam và chiêu hồi để đoàn tụ với vợ con. Trong tâm trạng buồn nản rối bời ba gặp mẹ em. Mẹ em an ủi động viên ba. Sau khi cậu em hy sinh gia đình mẹ em mới được giũ bỏ tai tiếng bóc lột và ba thành hôn với mẹ em.
Đợt đả thông tư tưởng đổi mới ba bị hưu non. Người ta xâu xé đời tư của ba rất dữ và qui kết ba đồng lõa với mẹ tẩu tán tài sản dạo cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân. Họ nghi ngờ Chung đào ngũ và vượt biên trong khi ba cho rằng nó đã lọt ổ phục kích và mất xác tại chiến trường.
Mẹ từng coi ba là một anh hùng, bà suốt đời yêu thương và chờ đợi ba. Chính vì vậy sự không tha thứ là dễ hiểu. Nói cho ngay các sức ép tâm lý trải dọc đời mẹ đã ngấm ngầm nuôi dưỡng bệnh tâm thần. Là bác sĩ anh luận ra điều đó không phải để bản thân thanh thản hơn mà ngược lại. Anh thật bất hiếu. Anh cứ ngỡ đây là chứng bệnh nhẹ, thời gian và sự tĩnh dưỡng sẽ làm mẹ mau lành. Ai ngờ mẹ ra đi thê thảm quá. Anh chị đã bỏ mặc mẹ cho em để chạy vạy đầu nọ đầu kia hết luật sư đến toàn án.
Mẹ em, mẹ anh và ba chúng ta đều không còn nữa. Trừ chị Dung, anh em mình đang nỗ lực tồn tại. Dù cuộc sống kham khổ mọi bề nhưng anh tin giai đoạn này sẽ chóng qua. Nếu em thật sự biết thương yêu cha mẹ, dì và anh chị thì phải luôn tâm niệm rèn luyện ý chí và nghị lực để không bao giờ sa ngã Phương nhé.