Báo chí ở Sài Gòn chạy cái tít nóng hổi nơi trang đầu. Dân chúng chụm đầu đọc báo rồi bàn tán về cuộc kịch chiến ở Ban Mê Thuột. Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, tân tư lệnh quân khu 2 được xem như là anh hùng của dân chúng Ban Mê Thuột nói riêng và vùng cao nguyên nói chung. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chặn đứng bộ đội Bắc Việt không cho chúng làm chủ cao nguyên. Sức chiến đấu can cường trong tình trạng thiếu hụt về quândụng của Việt Nam Cộng Hòa gây ngạc nhiên và thắc mắc cho các chính trị gia và tướng lãnh của nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp và nhất là Bắc Việt và Nga Tàu. Lệnh từ Hà Nội ban cho tư lệnh Mặt Trận B- 3 phải ngưng hoạt động để kiểm điểm và học hỏi sai lầm cũng như điều nghiên chiến trường kỹ lưỡng hơn.
1 giờ sáng.
Đường xá trong thủ đô vắng tanh. Đoàn quân xa mười mấy chiếc đang đậu bên hông của ngân hàng Quốc Gia Việt Nam cùng lúc nổ máy xong từ từ chạy theo sau chiếc xe quân cảnh dẫn đường. Chừng nửa tiếng đồng hồ đoàn quân xa chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất. Quanh co một hồi nó đậu kếchiếc phi cơ thương mại có phù hiệu AIR FRANCE. Ba chiếc fortlift thay phiên nhau nâng những kiện hàng to tướng và nặng nề lên máy bay.
Ngồi cạnh nhau nơi băng trước của chiếc quân xa Ngọc Thụy quay qua hỏi Đình Anh.
- Chừng nào mình mới nhận được tiền?
- Cậu Viên nói với anh khoảng ba tới bốn tuần lễ. Chính phủ Pháp giúp mình nhưng họ cũng không muốn làm phật lòng chính phủ Mỹ cho nên họ phải làm trong bóng tối. Anh đã tính ra 16 tấn vàng trị giá một trăm hai chục triệu đô la. Tuy số tiền không nhiều nhưng có còn hơn không nhất là trong lúc dân mình, nước mình nghèo tả tơi. Sau vụ này rồi không biết mình còn có cái gì để đem ra bán nữa không?
Ngọc Thụy thở dài.
- Có... Nhưng em nghĩ chắc không được bao nhiêu tiền. Tiền vàng ở trong ngân hàng còn nhiều lắm. Mấy món đồ cổ nằm trong viện bảo tàng. Cái này khó bán hơn vàng vì mình phải kiếm người thích họ mới chịu mua...
Đình Anh cũng thở dài như người yêu.
- Dân chúng và binh lính lên tinh thần lắm sau trận đánh ở Ban Mê Thuột. Quốc lộ 19 và 21 đã được giải tỏa cho nên sinh hoạt cũng trở lại bình thường. Riêng quốc lộ 14 nối liền Ban Mê Thuột - Pleiku có đoạn cần phải hộ tống nhưng tổng quát thời tình hình có vẻ khả quan hơn. Tuy nhiên cậu Viên tiên đoán là Bắc Việt đang chuẩn bị để mở một cuộc tổng tấn công vào năm tới...
- Mình nên trở lại Châu Đốc để tiến hành việc đào kinh Vĩnh Tế. Mình phải hoàn thành chậm nhất là cuối tháng 2...
Bạch và Hải mừng rơi nước mắt khi thấy Ngọc Thụy và Đình Anh bước vào căn lều dùng làm nơi làm việc và chỗ ở của hai đứa. Ngọc Thụy thầm cám ơn hai cộng sự viên tí hon đã giữ chỗ làm việc được sạch sẽ và ngăn nắp. Hai đứa trẻ cám ơn rối rít khi mặc quần áo mới mà Ngọc Thụy đã đặt may ở Sài Gòn. Đại tá Sanh bắt tay Đình Anh thật chặt rồi cười nói với Ngọc Thụy.
- Công việc đào kinh tiến nhanh lắm. Vùng Kiên Lương đã hoàn thành với chiều sâu támthước và rộng hơn một cây số. Vùng Tịnh Biên và Tri Tôn sẽ hoàn tất trong tuần tới. Riêng vùng Châu Đốc chỉ còn vào khoảng năm cây số mà thôi. Tôi mời thiếu tá và cô Ngọc Thụy đi quan sát...
Ba người lên xe jeep chạy dọc theo con đường đất sát bờ kinh. Ngồi băng trước nhìn con kinh rộng mênh mông và nước chảy mạnh Đình Anh thở hơi thật dài.
- Thật là một công trình vĩ đại. Sức của trăm ngàn người quả nhiên có thể dời sông lấp biển...
Xe chạy tới đoạn mà dân chúng đang làm thời ngừng lại. Ba người đi bộ một lát xong đại tá Sanh nói thật chậm.
- Ba đoạn nối liền với sông Tà Keo, sông Hậu và sông Tiền khó đào nhất vì nước chảy rất mạnh. Hôm qua có bảy người bị nước cuốn may nhờ có tàu hải quân cứu được...
Đình Anh nhìn mấy chiếc giang đỉnh đang chậm chạp ngược con nước lên ngã ba sông Tà Keo.
- Đại tá nghĩ mình dùng chất nổ phá vỡ đoạn còn lại được không?
Ngọc Thụy hỏi nhỏ.
- Thưa cô tôi cũng nghĩ tới chuyện đó. Khi nào mình đào tới sông Tà Keo cách chừng năm bảy chục thước tôi sẽ trình với tướng Hưng xin người nhái của hải quân đặt chất nổ phá vỡ đoạn cuối cùng này...
Ba ngày sau đại tá Sanh tới mời Đình Anh và Ngọc Thụy theo ông ta đi xem người nhái của hải quân đặt mìn phá vỡ đoạn kinh đào cuối cùng. Dân chúng cũng tò mò đứng xem đông nghẹt. Bắt tay đại tá Sanh vị trung úy trưởng toán tháo gỡ chất nổ cười nói.
- Chúng tôi đã đặt chất nổ xong. Chừng nào đại tá muốn cho nổ?
- Nếu xong xuôi trung úy cứ việc nổ...
Tất cả mọi người đều lùi lại thật xa trừ toán tháo gỡ chất nổ. Hàng chục tiếng ầm ầm vang lên cùng với cột nước khổng lồ vọt lên trời cao ba bốn chục thước. Nguyên cả dãy đất dài hơn cây số và bề ngang năm ba chục thước bị nước cuộn mất tiêu. Dân chúng vỗ tay reo hò khi thấy con kinh Vĩnh Tế bây giờ trở thành con sông rộng mênh mông và nước cuồn cuộn chảy. Hôm đó dân chúng được nghỉ dưỡng sức để ngày mai tàu hải quân đưa họ qua bên Tân Châu khơi nốt phần còn lại của con kinh Vĩnh An.
Quốc, Đình Anh và Ngọc Thụy đứng cạnh nhau bên dòng sông Vĩnh Tế. Gió thổi phần phật.
- Nhiệm vụ của chúng ta đã xong. Việc giữ an ninh ở đây sẽ do hải quân và các tiểu đoàn địa phương quân đảm trách. Ba liên đoàn 4, 5 và 6 được trả về Sài Gòn dưỡng quân một tuần lễ xong ra Nha Trang tăng viện cho lực lượng đặc nhiệm 2...
Ngừng lại nhìn Đình Anh và Ngọc Thụy Quốc cười hỏi.
- Hai em sẽ làm gì khi về Sài Gòn?
- Em trở lại bộ tổng tham mưu làm việc...
Ngọc Thụy cười thành tiếng nhỏ.
- Em bỏ học để mua bán...
Quốc nhìn cô em gái bé tí ti với chút thắc mắc. Ngay cả Đình Anh cũng nhìn người yêu lom lom.
- Muốn đánh nhau với lính Bắc Việt chính phủ ta cần phải có vũ khí và tiếp liệu. Bởi vậy em bỏ học để hành nghề buôn lậu vũ khí. Chỉ cần trúng mánh là giàu to...
Quốc với Đình Anh cười ha hả vì lời nói đùa của Ngọc Thụy.
- Làm cái nghề buôn lậu nguy hiểm lắm. Anh đề nghị em nên có người hộ vệ...
Quốc đùa. Ngọc Thụy nhìn Đình Anh.
- Anh muốn làm hộ vệ viên cho em không. Em sẽ năn nỉ cậu Viên cho anh theo em học nghề...
Đình Anh cười lớn.
- Anh phải theo hộ vệ em chứ không có người nào bắt cóc em thời mất công anh đeo đuổi...
Quốc bắt tay từ giã hai đứa và hẹn gặp nhau ở Sài Gòn. Trên đường trở lại chỗ làm việc Đình Anh hỏi người yêu.
- Em tính sao về Bạch và Hải?
- Em dẫn tụi nó về nhà cho má em nuôi...
- Má em chịu không?
- Chịu là cái chắc. Má em ở không suốt ngày. Bây giờ có hai đứa nhỏ làm cho bả bận bịu để bả khỏi đi đậu chếnh...
Đình Anh cười khì. Về tới lều đôi tình nhân rất hài lòng khi thấy giấy tờ và sổ sách đã được hai cộng sự viên tí hon xếp vào thùng gọn gàng và thứ tự để sáng mai họ tháp tùng đoàn xe công binh về lại Sài Gòn.
Sau khi nghỉ một tuần dưỡng sức ở Sài Gòn liên đoàn 6 của trung tá Nguyễn Hữu Hiện được lệnh thay lữ đoàn 1 dùgiữ an ninh cho đường 21 từ Ninh Hoà dài lên tới M Drắk. Ba tiểu đoàn và bộ chỉ huy liên đoàn phải trải, phải căng tới mức tối đa thành ra lực lượng mỏng như tờ giấy. Thiếu tá Ánh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 58 phàn nàn:
- Anh sáu... Mình mà trải ra như vầy thời lính của ông Giáp nhai mình như nhai gỏi...
Hiện cười an ủi.
- Thôi ông và anh em ráng gồng đi...
Chỉ có thế. Từ lâu lắm rồi. Từ lúc mà cái hiệp định khốn kiếp Paris được ký kết để cho người lính chiến Hoa Kỳ được trở về nước và bộ đội Bắc Việt ngang nhiên xua quân vào nam thời lính của Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu gồng mình lãnh nhiệm vụ trấn giữ tiền đồn chống cộng cho thế giới tự do được hưởng hòa bình. Cũng được đi. Tự do của vùng Đông Dương hay Đông Nam Á gắn liền với tự do của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên người lính chiến nhỏ bé phải gồng mình tới mức tối đa khi chính phủ Hoa Kỳ không giữ lời hứa. Cắt giảm quân viện. Hành động này cũng giống như cắt tay cắt chân người lính chiến đang phải cắn răng, đang phải gồng để chiến đấu trong cô đơn và ngoảnh mặt của những người bạn đồng minh. Bây giờ họ không đếm xác địch mà đếm từng viên đạn M16. Không có đạn là chết. Cái vật vô tri không đáng giá 1 cent đó lại chính là sinh mạng của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Thê thảm thật.
Lãnh phần giữ từ Buôn Tương lên tới Ea Trang, Ánh chia tiểu đoàn ra bốn vị trí. Đại đội 1 đóng ở Ea Trang. Đại đội 4 và bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng ở Buôn Tương. Đại đội 3 giữ cao điểm 677. Đại đội 2 do trung úy Đỗ Tân Uyên làm đại đội trưởng được giao cho một nhiệm vụ bằng vàng y. Trấn đèo Phượng Hoàng. Tên thật đẹp. Tuy nhiên cái tên này lại không đẹp đối với Tân Uyên và người lính của đại đội 2 bởi Phượng Hoàng lại đèo thêm chữ " đèo " ở đằng trước.
Ngay khi đặt chân lên đỉnh đèo một người lính thắc mắc:
- Tại sao người ta gọi là đèo hả trung úy?
Vị đại đội trưởng đại đội 2 cười giải nghĩa đùi:
- Đèo là cõng, mang, vác trên lưng... Bởi vậy tụi mình mới phải đèo cái đèo Phượng Hoàng này...
Lính cười khì khi nghe đại đội trưởng giải thích về đèo Phượng Hoàng. Là một vị trí quan trọng nằm trên quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột đi Ninh Hòa đèo Phượng Hoàng cao 560 mét nhưng so với các cao điểm lân cận thời thấp hơn nhiều. Hướng đông bắc là cao điểm 677 cách đèo Phượng Hoàng không đầy cây số. Xa hơn nữa về hướng bắc độ mươi cây số là Chư Mư cao hơn hai ngàn mét. Hướng tây bắc là Chư Nang cao 820 mét còn hướng tây khoảng sáu bảy cây số là Chư Khơn cao 916 mét.
Hôm nay 30 Tết. Người lính biệt động quân đón giao thừa và chuẩn bị ăn tết bằng cách đào thêm công sự chiến đấu, hầm núp để tránh pháo. Họ không sửa soạn đón xuân mà đón lính của già Hồ. Tuy trời chưa tắt nắng mà khí núi bốc ra lạnh căm. Sương mù bay lãng đãng. Tân Uyên cùng với An, người lính mang máy của mình chia nhau món quà hậu phương giản dị và đơn sơ nhưng đậm tình người. Để nhớ ơn người chiến sĩ dân chúng đã gởi cho mỗi người lính một gói quà nhỏ gồm một gói thuốc lá, bịch mứt gừng và chút trà để thưởng xuân.
Mở gói Ruby người đại đội trưởng rút một điếu xong trao gói thuốc cho An:
- Em giữ đi... Khi nào hết anh hỏi...
- Trung úy ăn mứt gừng trung úy... Cái này tiêu cơm và ấm bụng...
Hơi mỉm cười Tân Uyên cầm lấy miếng mứt gừng đoạn leo ra khỏi hầm. Vừa hít thuốc vừa nhai mứt mừng người đại đội trưởng vừa ngắm cảnh. Bốn bề là rừng. Là núi. Xa xa về hướng nam là núi Chư Pai cao hơn 600 mét. Phía bắc đỉnh Chư Mư sừng sững đầy mây mù. Ba ngọn Chư Nang, Chư Tô và Chư Khơn trông xa như hình cây cung. Từ các cao điểm đó pháo của địch rót vào vị trí của đại đội mỗi ngày. Riết rồi người lính không thèm tránh khi nghe tiếng départ vọng lại. Họ chỉ nhảy xuống hố khi nào nghe tiếng xè xè thật gần. Ngồi trên cục đá lớn Tân Uyên nhìn về hướng nam. Biên Hòa. Khuôn mặt của cô nữ sinh tên Hạnh hiện ra. Má lúm đồng tiền. Chiếc răng khểnh. Đôi mắt đen láy. Nụ cười dễ thương. Tuy không giống như đám cưới trong Màu Tím Hoa Sim của thi sĩ Hữu Loan nhưng đám cưới của anh với Hạnh cũng nghèo và cũng vội vàng. Hai vợ chồng mới cưới chỉ gần nhau một tuần lễ rồi cường độ chiến tranh đẩy anh càng xa nhà nhiều hơn. Năm tuần lễ trước đây từ Châu Đốc theo liên đoàn trở lại Sài Gòn anh được phép về thăm nhà. Hạnh sắp sanh đứa con đầu lòng. Vừa hết phép liên đoàn được lệnh tăng phái cho Lực Lượng Đặc Nhiệm 2 đóng ở Nha Trang. Từ đó liên đoàn lại khăn gói ra Ninh Hòa thay lữ đoàn 1 Dù giữ đường 21.
- Trung úy... Anh Thư muốn nói chuyện với trung úy...
Anh Thư là danh hiệu truyền tin của Ánh, tiểu đoàn trưởng. Không biết Ánh nói gì chỉ nghe Tân Uyên trả lời.
- Tôi nghe Anh Thư 5/5...
Đưa ống liên hợp cho An xong Tân Uyên nói nhanh.
- Em gọi bốn ông trung đội trưởng tới họp...
Lát sau bốn ông trung đội trưởng có mặt. Mời mỗi người một điếu thuốc Tân Uyên nói với giọng không bình thường.
- Anh Thư vừa nói cho tôi biết là phòng 2 của quân khu 2 ghi nhận sự chuyển quân của trung đoàn 25 địa phương về vùng Ninh Hòa. Họ đoán cộng quân sẽ tung ra những cuộc tấn công nhỏ để thăm dò sức kháng cự của ta. Bốn ông nên bung các tiểu đội rộng ra hơn. Lính của mình còn bao nhiêu đạn?
Bốn ông trung đội trưởng nhìn nhau rồi thiếu úy Thanh, trung đội trưởng trung đội 1 người có cấp bậc cao nhất lên tiếng.
- Mỗi người có chừng 200 tới ba trăm viên và năm trái lựu đạn. M72 thời mỗi trung đội có ba cây. Chừng nào mình mới có tiếp tế hả Tân Uyên?
- Mùng sáu... Sáng mai mùng một Tết nên anh em được nghỉ. Sáng mùng 2 bốn ông cho lính đi tuần và giữ an ninh khu vực của mình...
- Từ đây tới mùng năm mà tụi nó đánh thời mình kẹt lắm trung úy...
Thượng sĩ Hoành, trung đội trưởng trung đội 4 nói. Tân Uyên cười nhẹ.
- Ông bảo lính ráng gồng đi...
- Tôi bảo họ hoài mà họ nói họ gồng hết nổi rồi trung úy. Bây giờ chỉ còn nước nín thở qua sông thôi...
Tân Uyên và ba ông trung đội trưởng không ai cười khi nghe câu nói rất thực của ông thượng sĩ già tuổi đời lẫn tuổi lính.
- Tôi cũng biết điều đó... Tuy nhiên...
Tân Uyên ngừng lại vì có lẽ cũng không biết nói gì thêm.
- Thôi bốn ông cứ về dặn lính làm được cái gì hay cái đó...
Bốn trung đội trưởng im lặng ra khỏi hầm. Họ giống như con cọp kiệt sức vì đói khát và đang bị bao vây bởi đàn cáo hung dữ.
Ba ngày tết qua đi trong bình yên. Mùng 5. Nắng trưa chói chang dọi xuống con đường tráng nhựa lồi lõm vì pháo của địch. Như những con chuột từ lâu sống chui rúc trong hầm hố người lính của đại đội 2 hân hoan đón ánh nắng mặt trời. Nó tượng trưng cho sự ấm áp và nhất là sự bình yên của một ngày. Có người cởi bộ trây di cả tuần hay mười ngày chưa giặt ra phơi trên tảng đá. Có người cởi đôi vớ cả tháng chưa giặt đem phơi trên cành cây với hy vọng gió và ánh nắng sẽ làm tan đi cái mùi thum thủm. Đầu đàng kia ba bốn người tụ nhau để binh xập xám. Bộ bài dơ dáy, cũ mèm và nhầu nát nhưng được họ cưng chiều tới độ gói hai lớp giấy ny lông để khỏi bị thấm nước. Hạ sĩ nhất Tấn, tiểu đội trưởng cười nói khi thấy Tân Uyên.
- Trung úy binh không trung úy...
Tân Uyên hỏi.
- Mấy em chơi bài bằng tiền hả?
Bốn người lính cười lớn. Binh nhất Hân đáp.
- Tụi em đâu có tiền trung úy. Tụi em bị mấy con đĩ ở Ninh Hòa lột sạch rồi. Tụi em chơi bằng đạn AK... Chừng nào mình mới lãnh lương trung úy...
Tấn nói với Hân.
- Mày lãnh lương làm gì... Có xài được đâu mà ham lãnh lương...
Cười cười Tân Uyên nói với lính.
- Ngày mai đoàn công voa tiếp tế lên tới đây. Họ sẽ mang lương cho mình...
Hạ sĩ Em cười hỏi.
- Họ có đem nước đá không trung úy?
Tấn thò lõ cặp mắt nhìn Em.
- Nước đá... Mày điên à... Bộ mày thèm nước đá sao mà hỏi kỳ cục vậy?
Em gật đầu.
- Ừ... Tự nhiên tao thèm cục nước đá...
Tân Uyên cười lắc đầu bước đi. Sống trong rừng rú núi non lâu quá người lính thường hay có những ước mơ vụn vặt. Sống xa tiện nghi của thành thị lâu quá người lính tự nhiên thèm muốn những cái thật kỳ cục và buồn cười. Có người thèm lon sữa hộp. Có người thèm cục nước đá. Có người thèm cục kẹo. Có người thèm miếng chanh. Có người thèm miếng bánh. Có người ước được về nhà ở Sài Gòn ngủ cho đã bởi vì nhà tượng trưng cho sự bình yên, không lo âu và sợ hãi. Chiều từ từ xuống. Nắng dọi lên tảng đá xanh thành màu vàng óng ánh. Lính bắt đầu nấu cơm xong ăn thật nhanh. Đi lính nhất là lính tác chiến thời có nhiều cái nhanh lắm. Nấu cơm nhanh. Không ai nấu cơm nhanh bằng lính. Chỉ cần năm mười phút họ đã nấu xong nồi cơm. Ăn nhanh. Chỉ cần năm ba phút họ đã ăn xong bữa cơm. Chết nhanh. Không ai bị chết nhanh hơn lính. Đang ngồi cười đùa nói chuyện rồi bùm một cái là đi đong.
Đang ngủ gà ngủ gật Tân Uyên và lính của đại đội 2 chợt tỉnh dậy khi nghe tiếng súng nổ rền ở cao điểm 677, nơi đóng quân của đại đội 3. Lắng nghe qua máy 25 An thì thầm với đại đội trưởng của mình.
- Trung úy... Tụi nó đang xóc lô tô đại đội 3...
Tân Uyên gật đầu. Không cần An nói anh cũng biết khi nghe tiếng pháo nện đều đều xuống cao điểm 677. Anh cũng biết rõ ý định của địch. Chiếm được cao điểm 677 chúng có thể uy hiếp đèo Phượng Hoàng. Đứng trên đỉnh 677 chúng sẽ thấy rõ vị trí đóng quân của đại đội 2 để điều chỉnh tọa độ cho pháo binh bắn chính xác hơn. Tuy biết như vậy nhưng anh không làm gì hơn là hy vọng đại đội 3 giữ vững vị trí.
Tiếng pháo nổ dồn chừng nửa tiếng xong thưa thớt rồi tiếng súng nổi lên. Đủ mọi loại súng. Đại liên 12 ly 8, 13 ly 8, M60, AK47, M16, B40, B41. Lựu đạn nổ ầm ầm. Tân Uyên và lính của mình không có dịp may xem trận đánh ở cao điểm 677 vì pháo bắt đầu rơi xuống vị trí của họ nơi đèo Phượng Hoàng. Tiếng gào của đại bác 130 ly, 122 ly và hỏa tiển 122 ly lồng lộng trong đêm vắng như tiếng ma kêu quỉ hú. Hàng trăm, hàng ngàn quả đại bác rơi xuống nổ thành thứ âm thanh khủng khiếp. Người lính của đại đội 2, tiểu đoàn 58 biệt động quân co, giật, rút, cuộn, thu hình lại thật nhỏ, nhỏ tới độ họ có thể làm được với hy vọng mong manh là sống sót trong chuỗi âm thanh cuồng nộ và thứ không gian nóng hừng hực hơn lửa ở chung quanh. Nửa giờ đồng hồ mà họ tưởng như dài vô tận. Pháo ngưng. Những người lính còn sống vội vả ngóc đầu lên để thấy trong ánh lửa bập bùng bộ đội ào ào tiến tới. Tiếng xích sắt của T54 kêu rổn rảng. Ánh đèn pha quét trên mặt đất. Tiếng đạn AK, thượng liên, trung liên, đại liên hòa lẫn trong tiếng la xung phong và tiếng " hàng sống chống chết ". Lính biệt động quân im lìm chờ đợi. Họ quá quen với chiến thuật tiền pháo hậu xung, biển người của bộ đội Bắc Việt. Lính của Tân Uyên nhắm kỹ.
- Phải bắn cho trúng nghe tụi bây. Mỗi viên đạn là một thằng bộ đội...
Thượng sĩ Hoành nghiến răng.
- Hàng hả... Đéo mẹ mày tới đây ông hàng cho mày trái này...
Tay lựu đạn tay súng người trung đội trưởng sẵn sàng chờ lệnh bắn của Tân Uyên. Năm mươi thước... Bốn mươi thước... Lính thiếu điều xón đái trong lúc Tân Uyên mặt lạnh như tiền. Hai mắt mở lớn nhìn về đằng trước. Ba mươi thước... Hai mươi lăm thước...
- Bắn...
Phát súng lệnh nổ ra. Một trăm ba mươi lăm ngón tay trỏ cùng lượt bóp cò. Một trăm ba mươi lăm viên đạn bay ra. Bộ đội gục xuống như sung rụng. M72 xẹt ra. Năm ba chiếc T54 bốc cháy. Lựu đạn nổ ầm ầm. Đất đá cây cỏ và xương thịt con người văng lên không, đập vào mặt người lính của đại đội 2. M16 nổ rền. Đại liên M60 rống lên từng hồi chát chúa.
- Xung phong...
Lính áo rằn nhào vào đánh xáp là cà với bộ đội. Họ đâm bằng lưỡi lê, đánh bằng báng súng, ôm nhau vật lộn như những kẻ không sợ chết hay bị say khói thuốc súng. Nửa giờ cận chiến ngắn ngủi. Bộ đội già Hồ chém vè quên luôn đồng đội còn nằm lại. Không buồn đếm xác, không buồn tịch thu vũ khí, lính của Tân Uyên ngồi khóc cho những đồng đội kém may mắn hơn họ. Hạ sĩ nhất Tấn ôm lấy xác của Em, người bạn thân đã binh xập xám với mình hồi chiều. An, người lính truyền tin ngồi ôm lấy xác của Tân Uyên. Vị đại đội trưởng đại đội 2, tiểu đoàn 58, liên đoàn 6 biệt động quân chết trước khi thấy mặt đứa con đầu lòng của mình. Lửa cháy nổ tí tách. Trận địa còn nồng khói súng và phảng phất mùi máu tanh đọng thành vũng trên đất.