Như tôi đã nói, mục đích của cuộc đời là ở chỗ làm người. Làm người có nghĩa là trở thành người có tâm hồn cao đẹp, có tấm lòng nhân hậu, biết thông cảm và quan tâm tới người khác. Dù có tiền của, có địa vị nhưng nếu quên đi sự khiêm nhường, có thái độ hách dịch huênh hoang thì không thể coi là có cuộc đời tốt đẹp được vì đi chệch khỏi mục đích của cuộc đời. Chỉ có những người có tấm lòng nhân hậu, biết thông cảm và quan tâm tới người khác mới là người thực sự tuyệt vời. Việc vượt qua được vô số thử thách và trở thành người có tấm lòng như vậy thì tương lai tươi đẹp mới mở ra cho mình.
Tôi quan niệm mục đích cuộc đời chính là việc trở thành con người có tấm lòng cao thượng. Vì thế, tôi vạch ra cho mình một kế hoạch: đến năm 60 tuổi, sẽ tịnh tâm dành thời gian học lại về cách làm người. Và nếu được thì sẽ đọc thật nhiều sách về tôn giáo. Trước khi làm cuộc viễn du của phần hồn – đi vào cõi vô định – tôi muốn chuẩn bị sẵn cái tâm cho mình. Nếu có thể tôi sẽ vào cửa Phật và theo học các vị thiền sư.
Tôi đã rắp tâm như vậy từ cách đây rất lâu.
Vậy mà, đúng năm tôi 60 tuổi thì công việc lại ngập đầu, không làm sao có được thời gian như dự định. Và rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đã bước sang tuổi 65. Chẳng ai biết trước được mình sẽ sống được đến khi nào. Hơn nữa nếu cứ vướng vào công việc bận rộn thế này, tôi không thể có cơ hội vào nơi cửa Phật được.
Chính lúc này là lúc thích hợp nhất để tu hành. Và thế là tôi quyết định đem điều mà mình nung nấu bấy lâu nay đến bàn cụ thể với các vị sư trong chùa. Đồng thời tôi cũng nhờ sư lão Nishikata Tansetsu - vị cao tăng mà tôi hết lòng tôn kính – làm Pháp độ cho phép tôi được nhập môn.
Đúng vào lúc sắp đặt xong xuôi kế hoạch nói trên thì bác sĩ cho biết tôi bị ung thư dạ dày và phải phẫu thuật sớm. Thế là ngày dự định vào chùa trở thành ngày nhập viện để cắt bỏ khối u.
Người ta cắt bỏ đi hai phần ba dạ dày của tôi. Nhưng sau đó, khối u vẫn tái phát. Ngày nay, việc cắt bỏ khối u dạ dày không còn là điều phức tạp nhu trước kia nữa. Nhưng trường hợp tôi có lẽ vì số đen hay sao đó mà phẫu thuật bị thất bại. Thời gian tôi phải nhập viện và chịu đau đớn dài gấp nhiều lần so với người khác.
Cuối cùng tôi cũng được ra viện. Không thể để vuột cơ hội lần hai nữa, tôi xuống tóc cạo đầu và trở thành người tu hành. Tôi đã vào chùa dù thời gian rất ngắn. Một hôm, sư lão Nishikata đến gặp tôi và dạy: “Có lẽ quay về với xã hội, làm những việc có ích cho đời mới là con đường đắc đạo đối với anh.” Tôi nhận lời dạy bảo, trở về công ty. Không bao lâu sau, tôi rút khỏi tuyến đầu trên mặt trận kinh doanh, lập ra và điều hành Quỹ Inamori, mở trường quản trị tư thục Selwa với mục đích đón nhận và đào tạo các nhà kinh doanh trẻ tuổi, xây dựng các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật trên khắp Nhật Bản… Tôi từng bước bắt tay thực hiện những công việc có ích cho đời.
LỜI PHẬT DẠY
Để sống cuộc đời tốt đẹp, tôi khuyên các bạn hãy tham khảo những lời Phật dạy: trở thành người có tấm lòng nhân từ, biết thương người là điều quan trọng nhất. Nếu biết tu dưỡng thành người có thiện tâm thì có thể sống cuộc đời tuyệt vời tới mức bản thân người đó cũng không thể tưởng tượng nổi. Nếu biết tu dưỡng thì không những sẽ trở thành người có đạo tâm mà mọi điều bất hạnh cũng lánh xa và mở ra cảnh giới tốt đẹp.
Để có thể trở thành người như vậy, Phật dạy sáu phép sửa mình: đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, bát nhã.
Đầu tiên là giúp đỡ mọi người - tức là bố thí. Việc cúng dường tiền bạc, thực phẩm được gọi là bố thí. Nói rộng ra thì giúp đỡ người khác là thực chất của “hạnh bố thí”. Bố thí là làm việc cho đời, cho người. Nói cách khác, bố thí xuất phát từ tấm lòng nhân từ và thương người.
Thấy người nghèo khổ thì động lòng muốn giúp. San xẻ bớt cho ngươi những gì mình đang có bằng lòng nhân từ, cảm thông và thương xót. Hết lòng làm việc thiện cho đời, cho người.
Các bạn có thể hiểu lầm chỉ có những người dư dả tiền bạc mới có thể bố thí hoặc quyên góp. Dù không có tiền bạc nhưng nếu có lòng tốt thì vẫn làm được những việc lợi lạc cho mọi người.