“Khi gặp khó khăn, gian khổ, con người ta ai cũng mong thoát khỏi tình cảnh đó. Nhưng trên thực tế, dù rất muốn nhưng phần lớn đều khó thoát ra được. Cuộc đời tôi là quá trình chịu đựng sự bất hạnh, sự không được như ý và là quá trình không ngừng nỗ lực hướng tới tương lai tươi sáng Và nhờ thế mà tôi đã thực hiện được ước mơ.”
LÀM VIỆC TẠI CÔNG TY THUA LỖ Năm tôi vào làm – 1955 – Công ty Công nghiệp Shofu tuyển cả thảy năm nhân viên mới tốt nghiệp đại học. Nhưng khổ nỗi, cả năm đứa chúng tôi hễ cứ gặp nhau là y như rằng lại mở miệng kêu ca, phàn nàn về công ty: “Tụi mình thật là xúi quẩy. Không dưng lại rủ nhau cùng chui vào cái công ty “èo uột” này. Có làm cả đời ở đây cũng không có tương lai. Mau mau tính đường chuồn thôi”.
Trong thời buổi kiếm được công ăn việc làm còn khó hơn lên trời, nếu không nhờ sự can thiệp của các giáo sư thì chúng tôi đừng hòng mà mong có được chỗ làm này. Mặc dù vậy, không ai trong chúng tôi cảm thấy hãnh diện gì cả mà chỉ suốt ngày ca cẩm về công ty. Thực ra, mới đi làm chưa đầy một tháng thì một người đã bỏ việc. Sang tháng thứ hai lại thêm hai người nữa. Và đến mùa thu thì trong số năm nhân viên mới chỉ còn sót lại có hai. Một người là tôi. Còn người kia là sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Kyoto, anh quê ở Amakusa, cùng đảo Kyushu với tôi.
Hai đứa chúng tôi ở lại và động viên nhau: “Kêu ca hoài cũng đâu có giải quyết được vấn đề gì. Thôi mình cứ chịu khó làm vậy”. Nhưng cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng ở lại công ty thì thực ra cũng chẳng có tương lai. Đến lúc nào đó rồi cũng phải bỏ đi thôi. Nghĩ thì nghĩ thế, nhưng nếu có định bỏ công ty này đi thì cũng không thể kiếm được công ty khác để đến. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất với nhau: tốt nhất là xung phong đi lính. Thế rồi, tranh thủ ngày nghỉ, chúng tôi đến xin đơn ở trụ sở của lực lượng phòng vệ đóng ở Katsura, quận Nishikyou, thành phố Kyoto. Sau đó, chúng tôi nộp đơn và dự thi vào trường đào tạo sĩ quan tại đơn vị đồn trú của lực lượng phòng vệ đóng ở thành phố Itami tỉnh Hyogo. Cả hai chúng tôi cùng đỗ.
CHỈ CÒN LẠI MỘT MÌNHĐể theo học trường đào tạo sĩ quan cần phải có bản hộ tịch gốc. Hai chúng tôi ra bưu điện đánh điện tín về bảo người nhà gửi gấp. Ít bữa sau, bạn tôi nhận được ngay, còn tôi cứ giục đi giục lại mãi mà gia đình vẫn không gửi. Sau này, tôi mới hay là anh trai tôi nổi giận nên không gửi bản hộ tịch gốc cho tôi.
Thời kì đó, trong hoàn cảnh vẫn còn hỗn loạn sau chiến tranh, gia đình tôi sống rất nghèo khổ. Cả nhà phải bóp bụng lắm tôi mới xin được việc làm trong công ty ở kyoto. Vậy mà đi làm mới năm bữa nửa tháng, luôn thấy tôi ca thán đòi bỏ việc, anh tôi rất bực tức.
Quả thật, anh tôi đã hy sinh việc học lên đại học của mình cặm cụi làm việc để nhường cho tôi. Và cả em gái tôi nữa cùng vất vả làm việc để phụ giúp gia đình. Trong lá thư gửi cho tôi, anh tôi viết: “Anh luôn tin rằng em sẽ cố gắng làm việc để giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng. Cả nhà phải chịu đựng đủ thứ để cho em học cấp ba, rồi theo học lên đại học. Vậy mà mới đi làm được ít bữa, em đòi bỏ việc. Em nghĩ gì vậy? Lẽ ra, chỉ riêng việc xin được vào làm trong công ty cũng là tốt lắm rồi. Phải có lòng biết ơn mọi người chứ. Phải siêng năng làm việc…”.
Kết cục là tôi không vào được trường đào tạo sĩ quan. Còn bạn tôi thì ổn. Thế là chỉ còn trơ trọi một mình tôi ở lại công ty èo uột đó.
Công ty Công nghiệp Shofu sử dụng các nguyên liệu thông thường để sản xuất sứ cách điện. Sứ cách điện là một loại gốm dùng vào việc cách điện cao thế. Công ty ra chỉ thị: “Tập trung nghiên cứu, phát triển loại sứ mới phục vụ ngành điện tử - một ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai”. Từ đó, tôi được giao công việc nghiên cứu để tìm ra loại vật liệu mới có khả năng cách điện ở dải tần số cao.
Còn lại một mình- những nhân viên mới đều đã bỏ đi nơi khác – tôi thầm nghĩ: “Chẳng có chỗ nào khác cho mình tìm đến. Kêu ca mãi thì cũng đến thế. Thôi từ nay cứ toàn tâm toàn ý tập trung nghiên cứu tìm ra loại gốm công nghệ cao.” Cũng từ đó, tôi thay hẳn nếp nghĩ trong đầu bằng cách tự nhủ thầm: thay vì những lúc rảnh rỗi mình cứ suy nghĩ lung tung thì từ giờ mình sẽ dùng thời gian ấy để nghiên cứu. Từ đó, cuộc sống hàng ngày của tôi cũng thay đổi. Bình thường, cứ hết giờ làm việc là tôi lại về nhà tập thể công ty để cơm nước, giặt giũ. Tôi bắt đầu cảm thấy thiếu thời gian kể từ khi để tâm vào nghiên cứu. Vì vậy, tôi quyết định bê hết nồi niêu xoong chảo từ nhà tập thể về phòng làm việc. Tôi dùng lò điện trong phòng thổi cơm và ngủ lại luôn ở đó.
Có một điều lạ là khi tôi bắt đầu miệt mài nghiên cứu thì hàng loạt kết quả khả quan cứ theo nhau xuất hiện. Ông trưởng phòng hết lời khen ngợi: “Cậu làm việc khá lắm!” Chẳng mấy chốc, tiếng tăm của tôi lan khắp công ty, tới cả ban giám đốc. Họ cử người đến phòng nghiên cứu khen ngợi và động viên tôi. Khác hẳn với thái độ chán nản đến tột cùng trước đó, được cấp trên để ý và khen ngợi, tôi cảm thấy công việc nghiên cứu trở nên hấp dẫn hẳn lên. Thích thú với công việc, tôi lại càng cắm đầu cắm cổ vào nghiên cứu mày mò. Tôi trở thành một người khác hẳn. Từ một kẻ mở miệng ra là muốn thôi việc, giờ đây, tuy mới 23 tuổi, tôi đã mang trong lòng ý nghĩ: “Sẽ vực công ty lên bằng kết quả nghiên cứu của chính mình”.
Một vòng tuần hoàn theo hướng tích cực xuất hiện trong tôi. Được khen ngợi. Công việc trở nên hấp dẫn. Càng nỗ lực không ngừng. Về sau, nhận thức của tôi ngày càng sâu thêm: Điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người là ở chỗ phải tự tạo ra vòng tuần hoàn tích cực như vậy cho mình.