Khi tôi đang học năm thứ ba trung học thì Nhật Bản cải cách giáo dục theo hệ 12 năm: cấp một 6 năm, cấp hai 3 năm, cấp ba 3 năm. Trường trung học cũ phân thành cấp hai cải cách và cấp ba cải cách. Cha tôi mong tôi thôi học để đi làm. Chính tôi cũng nghĩ là sau khi tốt nghiệp trung học thì sẽ đi làm. Lúc đó, anh cả tôi học xong trung học là đi làm luôn ở công ty đường sắt nhà nước. Thường thì con trai thứ như tôi hay được cha mẹ cho phép làm theo ý muốn. Thấy cha mẹ vất vả quá, nên tôi chỉ muốn tốt nghiệp trung học một cái là đi làm ngay để đỡ gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng, từ khi chuyển sang hệ thống giáo dục cải cách, tất cả bạn bè trong lớp tôi đều học tiếp lên cấp ba, nên tôi trong bụng cũng muốn đi học tiếp.
Trong khi còn chưa biết nên quyết định ra sao thì thầy hiệu trưởng Karachima, đồng thời là giáo viên dạy toán, gặp tôi và khuyên tôi nên học tiếp lên cấp ba. Tôi rất phân vân: nhà quá đông anh em, gia cảnh khó khăn, nhưng bạn bè tôi đều học tiếp lên cấp ba cả. Cha tôi chỉ buông thõng một câu: “Không học nữa, đi làm”. Nhưng rồi cha tôi cũng xuôi lòng khi tôi nài nỉ: “Học xong cấp ba là con sẽ đi làm ngay.” Và thế là tôi tiếp tục theo học trường cấp ba Kagoshima số 3. Tình cờ thầy Karashima cũng được điều động sang trường này và làm giáo viên chủ nhiệm lớp tôi.
Nhưng chẳng bao lâu sau, trường cấp ba Kagoshima số 3 chuyển thành trường cao đẳng thương nghiệp Kagoshima. Hai năm sau, chúng tôi cùng với thầy Karachima lại chuyển sang trường cấp ba Gyokuryu. Chúng tôi được xếp học năm cuối cùng, và trở thành học sinh khoá đầu tiên tốt nghiệp theo hệ cải cách của trường.
Tôi không có ý định học tiếp lên đại học. Tôi muốn sau khi tốt nghiệp cấp ba sẽ xin vào làm ở ngân hàng địa phương, ngân hàng Kagoshima. Vì vậy, mỗi khi tan học là chúng tôi lại rủ nhau chơi bóng chày làm bằng vải cho tới tận tối mịt mới vác mặt về nhà. Thấy thế mẹ tôi nổi giận – lúc này bà phải đi buôn gạo để kiếm thêm đồng ra đồng vào: “ Cả nhà phải vất vả để cho con ăn học. Vậy mà con chỉ biết rong chơi tối ngày. Thế là thế nào hả?”. Tôi rất hối hận, không chơi bóng chày nữa và bắt đầu đi bán túi giấy do cha tôi làm. Trước chiến tranh, ngoài việc in ấn nhà tôi cũng từng sản xuất bao bì bằng giấy. Trước khi có máy làm bao bì tự động, nhà tôi thuê các bà già hàng xóm đến làm theo phương pháp thủ công. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha tôi dùng dao xén cả tập mấy trăm tờ giấy. Các bà già làm công gấp túi theo từng kích cỡ, rồi dùng hồ dán lại. Tôi bèn bàn với cha tôi: “Cha quay trở lại làm bao bì giấy đi. Con sẽ mang đi bán”.
Cha tôi làm hơn chục loại bao bì giấy đủ kích cỡ. Tôi xếp chúng vào sọt tre, buộc vào poóc-ba-ga xe đạp chở đi bán. Poóc-ba-ga xe đạp hồi xưa rất to, nên tôi tha hồ chất bao bì cao lút đầu. Có hôm, tham xếp nhiều quá làm bánh trước chổng ngược lên trời. Lúc đầu, tôi chỉ mang đi bán ở các cửa hàng gần nhà nhưng hàng bán không chạy lắm. Về sau, tôi chia thành phố, thành bảy khu. Mỗi tuần- kể cả Chủ nhật – tôi chỉ tập trung bán ở một khu nhất định. Và thế là cứ tan học tôi vội vã về nhà, ngồi lên xe đạp rong ruổi đi bán hàng. Từ các cửa hàng bánh kẹo lớn trong thành phố đến các quầy bán lẻ trong hang cùng ngõ hẻm, không chỗ nào là tôi không mò tới để tìm mối giao hàng. Tôi đi bán hàng không quản nắng mưa, vất vả chẳng khác gì các nhân viên tiếp thị thời nay. Đôi khi đến gõ cửa nhà người ta, thấy tiếng mở chốt lạch cạch, và rồi một cô gái xinh đẹp trạc tuổi mình ló mặt ra, tôi xấu hổ quá chẳng kịp chào hỏi vội chuồn thẳng.
Thời đó, trong nội thành Kagoshima có tới năm sáu cái chợ trời. Mang bao bì tới đó là người ta mua cả bó cho mình. Chỗ nào cũng có các bà buôn sỉ dữ dằn. Sau nhiều lần qua lại, chính các bà ấy lại chủ động gọi tôi đến hỏi mua. Thậm chí có lần công mang tới thì cứ để lại đây, chị bán giúp cho.” Khi đã quen rồi thì cứ thế là bà này giới thiệu cho bà khác. Tôi trở nên nổi tiếng ở các chợ trời với biệt danh Thằng túi giấy. Có một hôm, khi tôi đang mải miết đạp xe chở đầy hàng, bỗng một bà gọi giật lại. “Này, cậu túi giấy, chỗ tôi chuyên buôn sỉ bánh kẹo. Các nhà buôn lẻ thường muốn mua có cả bao bì. Vì thế nếu cậu bỏ hàng cho tôi thì sẽ bán chạy đấy.” Thế là tôi bỏ hàng cho bà ấy. Cứ hết là tôi lại mang tới. Những chỗ buôn bán thuận lợi như thế chẳng phải lúc nào cũng kiếm ra. Đương nhiên, người ta mua với số lượng nhiều thì giá mình phải hạ xuống. Qua đó tôi hiểu được phần nào vai trò của các nhà buôn sỉ trong mạng lưới lưu thông hàng hoá.
Sau đó, vì người ta cứ kháo chuyện về tôi, nên rất nhiều nhà buôn bánh kẹo đặt làm bao bì ở chỗ cha tôi. Bao bì giấy với nhãn hiệu Inamori có mặt khắp nơi trong tỉnh Kagoshima là nhờ vậy. Quá nhiều đơn đặt hàng, cả cha tôi và tôi vô cùng bận rộn. Chúng tôi phải thuê thêm nhiều học sinh tốt nghiệp trung học tới làm giúp, mua cả xe đạp cho chúng đi giao hàng.
Những hôm đi gom tiền hàng, tôi buộc chặt cái túi đựng tiền vào ghi-đông xe đạp. Túi tiền lúc nào cũng căng phồng. Về tới nhà là tôi giao cả túi tiền cho cha. Cha tôi lập tức ngồi vào bàn, một tay gẩy bàn tính, một tay ghi chép vào sổ tính tính toán toán cả mấy tiếng đồng hồ. Có thể nói tuy mới tập tọng vào nghề buôn bán nhưng tôi đã bước đầu thành công. Người ta kể lại với tôi rằng có một nhà sản xuất bao bì ở Fukuoka đã phải rút khỏi Kagoshima vì không cạnh tranh được với sản phẩm của nhà tôi. Chỉ có điều là nếu tôi suy nghĩ tính toán chi ly hơn về giá cả thì có lẽ thu được số tiền lời nhiều hơn thế. Nhưng tính tôi hay cả nể, cứ thấy người ta bảo “bớt cho chị mấy giá nữa đi” là tôi lại gật. Bây giờ suy nghĩ lại, mới thấy những ngày gò lưng đạp xe đi bán bao bì là một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong cuộc đời tôi. Cuộc đời kinh doanh sau này của tôi thực ra là khởi đầu từ những năm tháng đó.
Vào năm cuối của trường cấp ba, tôi giao lại toàn bộ công việc cũng như nhân viên của mình cho anh tôi. Cho đến lúc đó tôi vẫn nghĩ là sau khi tốt nghiệp sẽ xin đi làm, nhưng rồi thầy Karashima lại đến nói với tôi: “Nếu em bỏ học giữa chừng như thế thì uổng lắm. Hãy cố gắng học tiếp lên đại học.” Và thế là, một lần nữa tôi lại quyết định học tiếp.