Vì không định học tiếp, nên suốt thời gian dài, cứ tan học là tôi lại đi chơi bóng chày. Về sau lại lao vào việc đi bán hàng. Vì vậy tôi không có thời gian để ôn thi vào đại học. Trong khi tôi phải đi bán bao bì giấy thì những đứa bạn thân của tôi tập trung ôn luyện để đi thi. Nói thật lòng là nhiều lúc tôi cũng cảm thấy ghen tỵ với chúng.
Có một lần, một người bạn thân mang đến cho tôi xem cuốn sách hướng dẫn luyện thi. Đây là cuốn sách xuất bản định kỳ nhiều số dành cho các thí sinh ôm mộng bước chân vào cổng trường đại học. Tôi mượn những số mà bạn tôi đã đọc xong, đem về nhà đọc thâu đêm trong tâm trạng ao ước được vào đại học. Ở trường, những câu chuyện của bạn bè tôi cũng chỉ xoay quanh một chủ đề: Thi lên đại học. Vì thế mà ước muốn được vào đại học mỗi lúc một lớn thêm trong lòng tôi. Anh cả cũng nói với cha mẹ tôi: “ Nhà mình khó khăn, không có ai học được đến nơi đến chốn cả. Thôi cha để cho Inamori thi vào đại học đi.” Tức thì cha tôi – bình thường là người vốn ít nói và lặng lẽ - liền nổi xung lên: “Học hết cấp ba chưa đủ sao mà bây giờ lại đòi vào đại học.” Thầy Karashima cũng đến nhà nói vun vào cho tôi: “Các bác cố cho nó học lên đại học đi,” Khi thầy về, cha gọi tôi đến trước mặt và nói: “Muốn vào đại học thì phải vào trường có tiếng tăm hẳn hoi, nếu không thì đừng.” Cha tôi nói “trường có tiếng” ý muốn nói đến Đại học Quốc gia Kyushu. Cha cố ý đưa ra cái trường rất khó thi đậu để buộc tôi phải từ bỏ ý định học lên đại học.
Tôi bèn đem chuyện đó đến bàn với thầy chủ nhiệm, thầy khuyên: “Nếu phải lên tận tỉnh Fukuoka để thi vào trường Kyushu thì đằng nào cũng thế, cậu cứ lên hẳn Osaka để thi vào trường Đại học Quốc gia Osaka còn hơn.” Năm đó tôi thuộc số ít thí sinh trong tỉnh đạt kết quả tốt tại cuộc thi thử trên toàn quốc nhằm kiểm tra khả năng học tiếp lên đại học, có lẽ vì thế mà thầy khuyên tôi như vậy.
Kể từ khi quyết định thi vào đại học, tôi liền miệt mài ôn luyện. Trong khi bạn bè ngủ say sưa, tôi vẫn thức suốt đêm để học. Tôi đạt được kết quả tốt trong lần thi thử cũng là do tôi đã cố gắng nhiều hơn bất cứ đứa nào khác. Hơn nữa, tôi phải cố cũng là để học bù những kiến thức bị hổng trong nửa đầu những năm cấp ba.
THI TRƯỢT ĐẠI HỌC QUỐC GIA, ĐẬU ĐẠI HỌC TỈNHDo từng mắc bệnh lao nên trong thâm tâm tôi muốn theo học dược khoa để trở thành dược sĩ nghiên cứu bào chế ra các loại dược phẩm mới. Vì thế, tôi đã đáp chuyến tàu lửa ban đêm đi Osaka và dự thi vào Khoa Y dược trường Đại học Osaka. Tôi rất tự tin vì được học trường cấp ba của tỉnh, hơn nữa đã dành thời gian ôn luyện kỹ càng.
Nhưng, trái với mọi dự tính trong đầu, tôi thi trượt. Tôi bị sốc nặng. Nếu là do chủ quan hay không tập trung ôn luyện thì cũng đành. Đằng này với “kinh nghiệm đầy mình” từ những lần thi trượt ở cấp dưới, tôi học ngày học đêm vậy mà lại vẫn trượt.
Không còn cơ hội “sang năm sẽ thi lại” nữa, tôi vội vã nộp đơn thi vào Khoa Công nghiệp thuộc trường Đại học của tỉnh. May mắn là ngày thi vào trường Đại học tỉnh tổ chức muộn hơn so với ngày thi của các trường Đại học Quốc gia nên tôi vẫn kịp dự thi và cuối cùng nhận được giấy báo đỗ.
Trường Đại học Kagoshima sau này cũng trở thành Đại học Quốc gia. Lúc đó tôi định chọn ngành Hóa hữu cơ – ngành học liên quan tới Y học và Dược học – trong Phân khoa Hóa học Ứng dụng thuộc Khoa Công nghiệp của trường tỉnh, học tạm một năm rồi sẽ thi lại vào trường Đại học Quốc gia Osaka. Nhưng gia cảnh nhà tôi không cho phép tôi làm theo ý muốn. Việc tôi theo học ở trường đại học Kagoshima thôi cũng đủ làm gia đình tôi vất vả lắm rồi. Vì vậy tôi không thể thực hiện được ý định thi lại vào trường Đại học Osaka.
Thời đó, Khoa Công nghiệp của Đại học Kagoshima chỉ có bốn phân khoa: Hoá, Điện, Cơ khí và Xây dựng. Cả khoa chỉ có khoảng sáu, bảy mươi sinh viên. Vì vậy, sinh viên theo học các phân khoa đều biết mặt và chơi thân với nhau. Trong số đó, có một anh bạn đồng khoá cũng học ngành Hoá hữu cơ với tôi. Anh ta hầu như không bao giờ đến trường, nhưng lúc nào cũng có mặt ở sòng đánh bạc bằng máy – Pachino. Anh ta lớn hơn tôi một tuổi, nhưng do chơi bời, ngày ngày tụ tập ở sòng bạc chẳng chịu học hành gì nên lưu ban xuống học cùng lớp với tôi. Anh ta, sau khi ra trường, về làm việc ở một công ty thương mại xuất nhập khẩu máy móc điện tử.
Hồi đó tôi là “con mọt sách”, chưa từng lai vãng tới sòng đánh bạc Pachino. Một hôm, thấy tôi lúc nào cũng chỉ học, anh ta rủ tôi đi đánh Pachino.
“Này, Inamori, cậu có biết chơi Pachino không?”.
“Không. Không biết đánh.”
Thế rồi, anh ấy dẫn tôi đến một sòng bạc Pachino lớn ở trung tâm buôn bản sầm uất của thành phố Kagoshima. Tôi vẫn còn nhớ là anh ấy cho tôi một hai trăm yên gì đó và bảo tôi đánh thử. Máy đánh bạc Pachino ngày trước nửa tự động, phải lấy tay đánh từng viên bi sắt sao cho vào đúng lỗ. Nói thật lòng là tôi chẳng thích thú gì cái trò cờ bạc cả. Vì thế trong suy nghĩ, tôi - một kẻ suốt ngày vùi đầu đọc sách ở thư viện – hơi coi thường anh ta: “ Suốt ngày cờ bạc chẳng học hành gì cả, anh bị lưu ban cũng chẳng oan”. Nhưng chẳng biết từ chối sự rủ rê của anh ta cách nào nên chẳng mấy chốc tôi đã thua sạch. Trong khi đó, anh bạn lưu ban của tôi thì thắng to. Tôi đứng xem anh ta đánh hồi lâu, nhưng không khí trong sòng bạc rất ngột ngạt và ồn ào nên tôi xin phép về trước.