Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Sâm Cầm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24067 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sâm Cầm
Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh

Con gà của bà

Lê Minh Hà
Kể tuổi tác thì chị mái này đã sắp thành lão bà trong làng gà. Chẳng biết vì sao mà bà lại quý nó đến thế. Ngay cả trong thời son trẻ nó cũng chẳng nhan sắc gì cho lắm. Lông độc một màu vàng phờ phệch. Càng tuổi tác càng phờ phệch. Được mỗi cái dáng son sẻ, chân ngắn, đầu nhỏ, mỏ to. Và mắn đẻ. Đến một nửa đàn gà là con cháu của nó. May cho bọn gà, trời không phú cho cái khả năng tự hào nhớ ơn vớ vẩn. Chứ không, suốt đời chịu đựng bà cụ tổ già cốc đế mà vẫn có vẻ tinh anh sống sờ sờ bên cạnh thì cũng tàn một đời gà.
Đàn gà là niềm tự hào của bà. Nhớ năm ấy chiến tranh đánh phá lần thứ nhất vừa dừng. Từ một cái làng có những người đàn ông đàn bà tóc lõa xoã quanh vai đi lại thoăn thoắt trên những con đường cỏ mọc thẳng từ ruộng lầy bước mỗi bước lại rùng rà rùng rình, bà dẫn bầy cháu lít nhít trở về. Nhà của bà, bộ đội đóng quân vừa rút đi, trống huơ trống hoác từ mái cho tới nền. Bà làm một mâm cơm cúng ông, rồi sai mấy chị em xếp gạch vỡ quây một góc bếp lại, đặt mấy thanh củi gộc lên trên. Rồi bà trịnh trọng tháo lạt chằng cái rọ vốn dùng nhốt lợn con đem bán ở chợ, nắm hai cổ chân chị mái vàng kéo ra, thả vào đó. Không biết bà xin giống nhà ai, nhưng lúc đó con mái vàng đã lớn và chỉ mấy hôm sau nó đã quen chuồng rồi nhảy ổ. Lần sơ tán sau, cách đó mấy năm, ngoài bầy cháu và mấy cái tay nải, đi đâu bà cũng sai chị Ty xách theo cái rọ nhốt con mái vàng. Bà cứ một mực là giống nó tốt. Tốt gì mà tốt. Về già, con mái vàng đẻ trứng bé như trứng chim. Có đập cả lứa trứng của nó rán ăn một bữa cũng chẳng đủ cho ba cái mồm háu đói của mấy chị em. Đã thế, con mái vàng lại mắc tật ấp bóng. Cứ được vài trứng là nó nằm xềm xệp trên ổ, xùy thế nào cũng chỉ tục tục hết sức thảm thiết nhưng nhất định không chịu nhảy xuống. Mấy lần bà đã phải túm cẳng nó mang ra sông dìm nước cho quên cái thói ấp vô tội vạ.
Trừ cái tội ấp bóng này con gà già chả có vẻ gì là lẩm cẩm. Mấy con ngan ục ịch vẫn nằm vầy bùn chỗ nhà hàng xóm đặt chum nước hết sức kính nể nó. Con mèo mướp thì sợ nó hết hồn. Chú mướp thường nằm lim dim hong nắng ở góc sân, nhưng hễ con gà già vỗ cánh lạch phạch rời gốc chuối là mèo ta lừ lừ lảng. Sợ mẹ mái già này là phải. Hồi mấy bà cháu tha nhau vào sơ tán trong Đồng Mít, con gà già đã lập chiến tích đánh nhau với cả quạ làm lũ trẻ con sướng mê tơi quên cả nhảy xuống hầm lúc máy bay tới. Nó không hãi cả con cầy hương tai quái ở rệ đê đã cắn cổ không biết bao nhiêu gà trong xóm. Bọn trẻ trong nhà, từ chị Ty trở xuống, nó coi khinh, cứ thản nhiên mổ ngô phơi trên cái nia đặt đầu mé sân, không thèm để mắt tới cái sào gảy rơm chị Ty tự trang bị. Điều quan trọng nhất khiến con gà già được tất cả bọn chó mèo vịt ngan trẻ con kính nể là sự bao bọc rất không công bằng bà dành cho nó.
Ở nhà quê, gà qué sẵn nhưng là để bắt mang ra chợ kiếm món tiền trang trải vào trăm ngàn việc. Năm thì mười họa các nhà mới làm thịt một con. Còn thì toàn chờ đến lúc có dịch gà toi mới lo xơi cuống xơi cuồng. Bà thì hơi khác. Tại vì trong nhà từ bố mẹ cho tới các cô chú ai cũng thoát ly đi công tác ngoài Hà Nội cả. Bà nuôi gà chỉ để tiếp tế cho người nhà nước lương ba đồng ba cọc. Những lúc chỉ có mấy bà cháu, bà hay lên cái chợ đầu cầu mua tép đánh giậm, hay chờ chiều tối đón thuyền chài hỏi mua cá về kho tương với lá gừng ăn quanh cùng rau cỏ trong vườn. Rau muống, rau dền, lá sắn, ngọn khoai, rau ngót, rau cần... Cùng lắm thì bát canh rau tập tàng, vài ba lá mảnh cộng, dền cơm, rau muối nấu láo nháo với dăm ba lá ớt. Ăn thế cũng đủ để mấy chị em chưa hết tháng đã đả hết tiêu chuẩn gạo mì bố mẹ đưa về. Nhưng những khi bố mẹ với cô chú về hay lúc có khách thì bà phóng tay bắt gà. Con thì thịt, con thì bà lấy rơm trói cẳng treo dốc đầu ghi đông xe đạp cho mọi người mang ra Hà Nội. Lúc thì bạn bố mẹ tiện đường lên nơi sơ tán thăm con cái tạt qua thăm mấy bà cháu. Lúc lại là người cùng làm một chỗ với cô với chú đi công tác ghé qua cho biết nhà. Bà chẳng để ai về tay không. Mãi sau này mấy bà cháu mới biết các cô chú khách đó chẳng phải ai cũng thật vì tiện đường mà ghé, mà là người của chi bộ đi thẩm tra lý lịch để xét kết nạp Đảng mấy cô chú trong nhà. Có khách, bà thịt gà làm cơm ngon, bớt hẳn món khoai khô độn, còn ngoài ra, tứ thời mấy bà cháu trung thành với cá mú. Mà nói cho đúng, cá mú chỉ béo mồm mấy chị em, bà thì chỉ hai vực cơm với mấy quả đỗ non, hạt lạc kẹ, hay mươi đọt lá núc nác đắng teo lưỡi bỏ nồi cơm hấp lên.
Thành thử ở nhà quê mà mấy chị em chỉ nhớ độc có một lần ăn thịt gà chua cả răng. Đó là hồi chạy lụt. Trận lụt năm ấy đến là to. Nhà bà ở ngay bên bờ đê, nhưng chỗ đất cao. Kể nước có dâng nữa cũng chưa mùi mẽ gì nếu không có chuyện chia lũ về sông Đáy cứu Hà Nội khỏi ngập. Chạy lụt, chợ búa không có, rau cỏ cũng không, chẳng có gì nuôi gà, mang được con nào theo bà thịt bằng hết cho các cháu trong nhà và trẻ hàng xóm ăn. Ăn thế dĩ nhiên là chẳng còn ngon lành gì.
Nếu không tính cái lần ăn thịt gà trừ rau ấy ra thì sau lúc từ giã bà trở ra Hà Nội, mỗi bận thịt gà đều là sự kiện với chị em Tâm và trẻ con hàng phố vào cái thời cả lũ vẫn phải thay bố mẹ đi xếp hàng mua lương thực thực phẩm chất đốt và đứa nào cũng thuộc tem phiếu hơn cả thuộc bài. Bao nhiêu ngày tháng đã qua, và Tâm vẫn khảnh ăn, thế mà những điều bé nhỏ như thế Tâm nhớ mãi. Như mỗi lần thịt gà. Thường là ngày nhà có giỗ. Hay cảnh thằng bạn bị mẹ tát cho lệch cả mặt khi hãnh diện khoe có ông bác được treo ảnh ở Bờ Hồ. Thằng bạn chưa biết chữ không biết ông bác vượt tuyến vào Nam không hề có tên trong lý lịch của bố mẹ nó, cũng không biết là ông bác vừa bị bắt sống trong chiến dịch gì đó mùa khô năm đó, và cái ảnh ông bác được phóng rõ to trên bảng tin thắng trận treo ở phía trước câu lạc bộ Thống Nhất, to đến mức đứng đầu Hàng Khay cũng nhìn rõ đã làm cả nhà nó sợ rúm tứ túc, họa chăng chỉ có ông bà nó là mừng.
Thằng bạn và Tâm thân nhau từ hồi bé bằng cái mắt muỗi. Một tình bạn phải đi vào bí mật để trốn những lời chế của bọn trẻ cùng ngõ thành thử vô cùng sâu sắc và đầy sẻ chia. Nên cái cẳng gà và nắm xôi được mẹ dành riêng trước bữa bao giờ Tâm cũng mắt trước mắt sau đem cho nó, dù rằng thèm đến mức không dám nhìn nó ăn. Mỗi lần nhà thịt gà như thế đều là một sự kiện có khả năng phát triển tình bạn bé nhỏ và đẹp đẽ giữa hai đứa. Nhưng Tâm nhớ những lần đó như một sự kiện trước hết là bởi cái chết của con gà già.
Cái hôm đó chú về bất chợt. Suốt cả tuần nghe phong thanh Hà Nội bị B52 rải thảm, ruột gan mấy bà cháu nóng như lửa đốt. Tâm và ông anh kế thì chỉ mới biết sợ. Bà hết đứng lại ngồi lại loanh quanh lên đầu cầu ngóng tin. Còn chị Ty thì ra sau vườn củ bột ngồi khóc thầm. Chú về báo tin bố mẹ và các cô chú còn nguyên vẹn, mấy bà cháu nhẹ hẳn người. Bà mừng, luýnh quýnh suýt quên cả chuyện đi giúp một nhà có đám. Quay ra quay vào mấy lượt, lúc thì đậy điệm lại nồi cá vừa kho, lúc lại châm thêm nén hương đặt vào thúng chuối rấm đất đèn thúc cho mấy nải chuối chín nhanh, cuối cùng bà hạ lệnh:
Hôm nay bà đi ăn cỗ một mình. Mấy đứa ở nhà chơi với chú. Rồi chốc nữa mấy chị em bốc nắm thóc lừa bắt con gà chú cháu thịt mà ăn. Đừng có phần bà nhé - Bà moi từ thắt lưng đồng bạc đưa chị Ty
Bảo em chạy ù lên chợ đầu cầu mua lấy rá bún về. Bà ngâm măng để giỗ ông, chắc được ăn rồi. Con luộc qua rồi nấu bún măng cho chú với em ăn. Chặt gà nhớ để cho em cái cẳng.
Bà tong tả gánh hai cái thúng bên đựng gạo bên đựng buồng chuối xanh đi đến nhà có đám. Cái viễn cảnh được gặm ít nhất là một trong hai cái chân gà làm Tâm khuây ngay nỗi thất vọng không được theo bà. Mấy chị em râm ran vâng dạ, rồi lại vâng vâng dạ dạ nhưng bớt phần râm ran hơn khi ông chú trẻ cân nhắc một hồi rồi ra chỉ thị thực hiện lệnh của bà:
Thôi! Con Ty đi nấu cơm. Có biết nấu cơm độn mỳ không? Chú mới mang về. Thổi thử xem mì tháng này có ngon không? Kia kìa. Con gà già ngủ gật ở gốc chuối kia kìa. Ra lấy cái lồng chụp nó mang vào chú thịt. Thịt gà rang gừng, đợi chiều bà về ăn cùng. Được chưa? Còn giờ thì ăn cá kho. Gớm, chạy bom chạy đạn có cái mà ăn thế là bố tướng rồi - chú cười cười nhìn Tâm bùng xụng bùng xịu - chúng mày được ở với bà, chứ đi sơ tán cùng bọn trẻ con cơ quan bố mẹ chúng mày ấy à...
Con gà già tự tin đến nỗi không thèm rảo cẳng khi chị Ty vác cái lồng đi tới. Kết quả là chị Ty chụp một phát đã trúng. Nồi thịt gà rang thơm phức kích thích mấy chị em suốt cả chiều. Bóng bà xiêu xiêu đầu ngõ lúc trời nhập nhoạng làm mấy chị em mừng. Bà vào nhà, cởi cái bao lưng đũi chỉ thắt vào những dịp đi đám cưới đám giỗ trong làng, lần lần móc từ trong đó mấy miếng cau nhặt ở đám về, rồi ngồi xuống bên cái mâm chõng, giục giã:
Mấy chú cháu ăn đi chứ chờ bà làm gì! Mà có mỗi con gà sao không ăn hết từ trưa lại còn để rang gừng nhiều thế này?
Chị Ty ấp úng:
Con gà già bà ạ...
Bà quên cả mấy miếng cau:
Cái gì? Con gà già làm sao? Mày thịt con gà già của bà rồi à? Sao lại thịt con gà già?
Chú vui vẻ:
Con bảo các cháu đấy mà u. Nó già quá rồi còn gì. Đẻ trứng chả ra trứng. Dai nhách. Mấy đứa tý nữa có gắp ăn khéo phải đạp chân vào tường mà rứt. U tiếc nó làm gì. Gà cả đàn. Lần này đi con chỉ xin trứng thôi, không mang gà của u theo nữa đâu.
Ôi giời ơi con ơi. Nào có phải mẹ tiếc đâu. Nuôi gà không để mà ăn thì để thờ à. Nhưng sao mày không bảo chúng nó bắt con khác, để con gà già ấy sống cho u...
Bà lẩm bẩm, thần người ra, và không hề động đũa một lần đến đĩa thịt gà, cứ bần thần như thế suốt bữa. Chú thở mạnh đến mức cả mâm nghe rõ. Mấy chị em Tâm cắm cúi ăn, cảm giác rõ ràng không khí quanh mâm y như lúc trời ỳ ạch nổi giông. Ông chú trẻ phát cáu thật:
U không thích thì cũng gắp lấy một miếng cho bọn trẻ nó ăn. Mấy đứa ăn mạnh dạn lên chứ sao lại ngồi nhấm nhót thế. Cái con TuTy này... Đưa bát đây chú cho miếng đùi... Đằng nào thì cũng thịt nó rồi. Không lẽ u lại thích cung phụng con gà già này cho đến lúc nó chết thì đem chôn. Nó sống thế cũng gần hết tuổi trời cho rồi. Hơn cả bao nhiêu người. Kia kìa. Mới tuần rồi Hà Nội bị B52. Tận ngày hôm qua con với anh cả vẫn còn phải cùng anh em tự vệ dọn dẹp Khâm Thiên....
Bà luống cuống:
ấy ấy con. Đừng to giọng thế các cháu nó sợ. U hôm nay ngồi cùng mâm với mấy bà, các bà ấy cứ gắp cho, thịt mỡ mỡ là, không muốn cũng phải cố ăn, giờ vẫn còn đầy bụng chứ không phải là... là... U có tiếc gì con gà. U chỉ thương nó. Con gà già đã sống sắp hết đời nó rồi. Thời buổi này... Biết đâu nó sống được hết tuổi trời, nó lại chẳng được hóa kiếp...
U thì chỉ... Nếu có kiếp sau thì chết kiểu gì mà chẳng hóa được. U muốn con gà già được hóa thành kiếp gì? Kiếp người nhé! Hoá kiếp người thì được ăn thịt gà như thế này là cùng chứ gì? Rồi theo nhau chết cả đống. Rồi lại hóa kiếp. Kiếp gì?
Chú nói nửa than vãn nửa cãi giả. Trong nhà chưa lần nào chưa có ai dám ăn nói với bà như thế. Mấy chị em Tâm im thin thít, quên cả nhai. Bà mắng chú, rất nhẹ lời:
Anh này ăn nói đến hay. Khổ nhục thế nào thì cũng là người. Biết sống ra người thì chết thế nào cũng vẫn lại được làm người. Nói thế phải tội con ạ.
Chú im. Bà nhìn mấy chị em Tâm, nhìn chú, đưa đũa về phía đĩa thịt gà. Gió thốc vào căn nhà nhỏ của bà. ánh đèn dầu chập chờn. Mấy chị em lén nhìn, sợ sệt. Cái gì như nước lóng lánh trên gương mặt của cả bà và chú.
10. 2000

<< Cái đồng hồ | Tiễn trăng >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 816

Return to top