Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Sâm Cầm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24098 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sâm Cầm
Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh

Trên tay còn tuổi

Lê Minh Hà
Chạy tuột cả guốc mà rồi tôi vẫn phải bật ra trường ngoại thành. Vậy cũng là tốt. Còn hơn bắt cả nhà dựng giường lấy chỗ chăn trẻ như cái Ngọc năm trên. Nó guốc mười một phân, tóc tém một mất một còn, nói năng thì như anh Mới băm thịt gà, bảo Thôi ở nhà! Vì tương lai con của mẹ tao, làm sao lo được tương lai con thiên hạ! Vậy mà lúc làm cô nuôi dạy hổ tại gia, hiền lành hẳn. Chỉ đến tối đóng bộ vào đi học ngoại ngữ mới thấy nó lại là nó.
Ngọc đạp xe theo tôi lên trường nộp quyết định phân công công tác. Vừa đi vừa về bảy chục cây, tóc tai dựng ngược. Lúc về tới Hà Nội, phố đã lên đèn. Vào quán cà phê, hai đứa nhìn nhau: Y như hồi xưa đi tham quan ấy nhỉ! Xa Hà Nội có mỗi một ngày, về cứ có cảm giác nhà quê đập mũi vào cổng tỉnh. Uống hết tách, Ngọc đứng lên giục tôi về. Lúc lấy xe đạp, Ngọc tự dưng thở dài, rồi tự dưng lại cáu: Mày đi dạy thế cũng tốt. Dù sao thì cũng là cái nghề được học. Nhưng mà liệu cái thần hồn. Có mỗi mống người yêu đó đừng để sảy!
Duyên tại người phận tại trời. Cứ đi đã. Lẵng nhẵng mãi cũng hết một niên khóa. May cho tôi. Trường xa nhưng vẫn thuộc về Hà Nội, Hà Nội can, nên vẫn có thể theo xe ca đi về hàng ngày, không phải ở lại tới cuối tuần. Bến tôi đi là bến gốc. Bến đến cũng áp bến gốc. Nên kiểu gì cũng có thể thu xếp được một chỗ ngồi. Đi được bốn tháng thì tôi tập được thói quen xe chạy tới bến thứ hai là ngủ. Xe dừng lấy khách, nóng như luộc; Một đứa nhỏ ăn mày kiêm ăn cắp bị bắt quả tang; Đầu va côm cốp vào cửa kính, vào tay vịn... Kệ. Ngủ đã. Không tập được thói quen này thì tôi chắc phải bỏ nghề. Xe chạy tuyến này là Carosa, nhập từ xứ rét nào chẳng biết, thời sinh viên bọn tôi gọi là xe Chaôicha, toàn cửa kính là cửa kính bí như một cái hầm. Lên xe thì đủ thứ mùi. Mùi mồ hôi. Mùi những bãi nôn lưu cữu. Mùi thuốc lá. Vào những hôm mưa phùn thì còn mùi quần áo của đủ hạng người lê la ở đủ các nơi. Sợ nhất là mùi phân gà trộn mùi tỏi tươi cộng thêm mùi hoa huệ của mấy bà buôn chuyến. Lần nào xuống xe tôi cũng phải tuột dép ngồi luôn ở vỉa hè để định lại thần trí.
Người yêu tôi thương lắm. Nên rất chiều tôi. Tôi bảo đừng đi đón em, xe về không đúng giờ, chờ khổ, lại dặn bảy giờ tối tới trình diện, bảo gì nghe răm rắp. Mấy bà chị đi cùng một tuyến xe thương cảm: Chẳng bao giờ thấy người yêu Quỳnh đi đón! Tôi cười tươi hơn hớn: Y theo lệnh em đấy! Bụng rủa thầm: Các bà mà nhìn thấy thì gièm chắc bỏ nhau luôn!
Là tại vì đấng người yêu của tôi rất đẹp trai. Hồi đầu mới biết nhau, tôi không nghĩ bọn tôi sẽ là cái gì của nhau nên phát biểu rất thành khẩn: Gã này giống cái bánh rán nóng nhân mặn quá! Bọn con gái ngó tôi cười suýt sặc. Bọn con trai thì im lặng nhìn nhau. Bình thường có diện kiến cậu chàng đẹp trai nào, tôi thường khen là giống cái Mifa, giống cái Eska đập hộp. Hết. Các cậu vô can cười sung sướng. Gã bị khen thì nhăn mặt và sau đó lịch sự hiếm thấy với tôi.
Tôi hình dung đương kim người yêu chờ ở bến xe mà sợ. Mặt tôi lúc ấy bắt nắng đỏ gay gắt. Kính chễm chệ trên mũi, nếu bỏ ra lau thì người ta sẽ nhìn thấy hai vòng trắng lốp bao quanh mắt. Tay xách túi vải bạt giống mấy chị làm đường. Chân xỏ đôi dép chỉ đáng đem hiến cho mấy bà ai lông gà lông vịt đồng chì nhôm kẽm dép nhựa can nhựa hỏng bán đơ...i....i. Nó vốn được đặt ở bậc tam cấp sau nhà tôi để ra chỗ chuồng gà công nghiệp cho mấy con gà ăn. Lúc quyết định nhận công tác, tôi đem kỳ cọ cẩn thận và đặt ra cửa trước. Nói chung là bộ dạng tôi lúc bò trên xe xuống trông chẳng giống ai. Không ra dáng sinh viên. Dĩ nhiên. Bây giờ là lúc tôi nhìn mấy chị ranh sinh viên cùng đi một tuyến xe bằng một góc mắt. Không ra dáng mấy mẹ buôn chuyến. Điều này chẳng có gì đáng tự hào. Dân buôn chuyến lắm tiền ăn quà vặt dọc đường nhanh như thụi. Càng là một cái gì xa lạ với khái niệm giáo viên trung học, trong Nam ngày xưa còn được tâng là giáo sư đấy. Đi đi về về khổ như thế nhưng tôi vẫn không thể nào bó thân ở lại trường đến cuối tuần. Phần vì lời cảnh tỉnh của Ngọc. Phần vì không sao chịu nổi cảnh xa Hà Nội. Tôi có cảm giác chỉ cần sống qua mấy chiều phố huyện như thế là sẽ biến thành mấy chị hiếm chồng cùng trường ngay. Các chị dạy ở xa tít mù tắp đâu bây giờ mới xoay được về trường gọi là gần nhà. Buổi chiều tắt nắng các chị đặt một xoong cơm bé như cái bát úp lên bếp dầu, cơm cạn vặn bếp nhỏ ra tưới rau. Có xôn xao chăng chỉ có mỗi mùa làm bột sắn dây vào cữ giêng hai. Bà nào cũng làm. Làm đêm làm ngày. Mua sắn. Mài sắn. Lọc sắn. Phơi sắn. Ướp hoa bưởi. Đó là kế hoạch ba hàng năm của họ. Bán quanh cho chị em khắp trường. Cuối tuần thủng thỉnh chờ chuyến xe chiều vãn khách xách một bao về nhà ở Hà Nội, vừa để lại cho hàng xóm vừa kính biếu những đâu đâu. Chẳng hiểu có khi nào họ mang làm quà cho con của một cựu tình nhân nào đó không? Sống thế, thà tìm cái chùa nào còn được nhận người đầu Phật mà tu quách!
Tôi phải về Hà Nội hàng ngày. Để tối tối đạp xe đến trường ngoại ngữ. Học gì đâu. Lớp ngoại ngữ ban đêm là nơi người ta tập cho nhau hát từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng. Chỉ cốt để thấy mình vẫn đang sống.
Tan lớp ngoại ngữ thì bọn tôi đi chơi. Không có nhiều chỗ chơi ở một thành phố nhỏ như Hà Nội. Quán cà phê mờ mờ ảo ảo không phải là nơi tôi thích, không thích thay cho cả ví tiền của anh. Ghế đá công viên, bờ hồ ban đêm đố đôi tình nhân nghiêm nào kiếm ra. Mà chỗ đó cũng mờ ảo nốt. Không phù hợp với bọn cộng lại có những tám mắt mười điop như bọn tôi. Thành thử cứ đạp xe lang thang hết phố này đến phố khác. Mỏi chân thì về. Dọc đường về dừng xe trước cửa trường Đại học Việt Nam cũ. Tôi thích chỗ này. Phố Lê Thánh Tông nằm rất hiền. Vỉa hè rất rộng. Bậc thang rất cao. Nhìn thẳng ra phố Lý Thường Kiệt. Xế bên trái là Thông tấn xã Việt Nam lúc nào cũng rào rào tiếng máy. Ngồi đây thì không sợ trấn lột. Đêm đầy ắp gió. Tán lá thật dày, thật cao, nhưng đúng chỗ ngã ba cành lại không giao nhau, lộ một khoảng trời chi chít sao. Tôi thích ngồi bậc dưới, lọt thỏm trong lòng anh, nghe tiếng lá lao rao, nhìn sao, hạnh phúc thấy mình bé bỏng. Và lạ lùng: Người dưng mà sao có cảm giác hiểu nhau đến thế.
Những mùa hè nối mùa hè. Bọn tôi vẫn chưa cưới. Người yêu tôi bảo: Bọn mình cưới thì em nên nghỉ. Đi dạy thế này cực nhọc quá. Mà lương có làm được gì đâu! Tôi ngồi nghe, lặng yên, gật. Nhưng cứ lần lữa không chịu cưới ngay. Đi làm thì thế. Nhưng bỏ việc... Làm gì cho hết ngày? Dù sao vẫn phải sống để hy vọng chứ. Tôi hy vọng chuyển được về nội thành. Dạy cấp một cũng được, dù rằng tôi ác cảm với chương trình cải cách chính tả đang được phổ cập cho bọn trẻ con. Dạy ở trường sáng hay chiều. Kèm thêm vài ba đứa đầu đậu phụ bố mẹ lắm tiền. Cũng bằng đẩy xe bò lên dốc. Có lẽ vẫn thiếu trước hụt sau. Sẽ vẫn phải về kèo nèo mẹ. Nhưng còn hơn làm nội trợ không lương cho chồng và lo đẻ.
Trường tôi lại thay một lứa giáo viên. Mấy bà chị cùng đi ô tô đã xoay được về nội thành. Bà đi dạy bà chuyển nghề. Một bà chị trong đám hiếm người yêu vừa nhận lời ông trưởng phòng nông nghiệp huyện góa vợ ba con. Bà này vậy là thành người phố huyện cả đời rồi. Mùa thu lắm bão. Tôi đi sớm về muộn. Xe phải đổi đường liên tục vì nước ngập. ở trường, học trò nhao nhác chờ thầy cô đến chậm. Thầy trò mặt mũi nhợt nhạt vì mưa. ống quần cả thầy lẫn trò sau ba tiết học vẫn không khô, dính sát vào bắp chân rất khó chịu. Phòng học mù mịt hơi nước. Tôi ngồi đóng đinh bên bàn giáo viên không dám đứng dậy, hỏi bâng quơ: Nhà các em kịp gặt hết không? Cả lớp nhao nhao Kịp cô ạ Không kịp cô ạ. Thằng Thạch ngồi bàn đầu bé như cái kẹo mút dở thở dài: Làng em hôm kia có đứa chết. Anh em nó đi gặt lúa ngập. Dây điện đứt. Nhà em hôm qua đi vớt lúa về tưởng phải cảm hết cả. Con bé Hoàn to như con voi mi - ni hơn bạn cùng lớp hai tuổi bật khóc: Nhà em gặt sớm làm đất trồng tỏi cho ngoại thương sớm. Trồng xong thì bão. Mất hết vốn rồi. Chẳng biết tiếng đứa nào: Còn tiền cũng không mua đâu ra giống tỏi bây giờ.
Tôi nhìn cả lũ học trò. Nghĩ mất mùa, sang năm lớp mười hai thế nào cũng có đứa bỏ học. Cái Hoàn lớn đùng năm nay đã mười tám sẽ đi lấy chồng theo lệnh bố mẹ. Rồi sẽ đi buôn. Con gái phố huyện này đảm lắm. Buôn đủ thứ. Mật mía. Tỏi. Dưa lê. Thịt chó. Hoa huệ... Ra bến xe thấy trò huỳnh huỵch xếp hàng, chào rất to: Cô hết tiết rồi cô? Cô chờ em khuân nốt đống này. Để em giữ ghế cho thầy cô. Lên xe sớm nực lắm. Bao giờ cũng thấy một đứa nào đó áo hớt vạt trước. Hỏi thăm, trò cười ngây ngô, hớn hở: Em một cháu rồi cô ạ.
Buổi tối tôi lại đi cùng người yêu. Bọn tôi thôi không hẹn nhau ở trung tâm ngoại ngữ nữa. Gặp nhau sớm hơn và chia tay về ngủ cũng sớm hơn. Sau cơn bão, cây cối xơ xác. Ban đêm nhìn càng xơ xác. Trời vần vũ mây trắng. Thoáng một vệt sao rơi. Kể chuyện ở trường, người yêu tôi cười: Em vẫn đọc Hà Nội Mới hàng ngày đấy chứ? Giá sinh hoạt đứng ở mức cao. Nhưng cũng không còn thế nữa đâu. ừ thì nhà quê mất mùa. Em xót mấy đứa học trò. Xót luôn mình nhân thể. Mới chỉ thấy đồn tăng bù giá vào lương, ở chợ giá đã lên đùng đùng. Bão chưa tan, giá lại lên. Chị Hải anh chiều nay kể gạo lên mấy giá rồi. Rau cũng đắt lên rồi...
...Tôi không tiếc rẻ cái nghề đã kì cạch học và hành bao năm nữa. Cũng không hi vọng nữa. Tôi bỏ trường. Không chia tay với học sinh. Không liên hoan với đồng nghiệp. Gửi một cái đơn xin thôi việc lên Ban Giám hiệu và chờ nhận về một cục. Rồi xong. Nhưng đấy là sau khi người yêu tôi lấy vợ. Vợ anh trẻ hơn tôi, là bác sỹ mới ra trường, về làm phòng y tế ở cơ quan anh. Ông bố cô ta là giáo sư, trước cùng khoa với chị gái anh, từ ngày lên bộ đi nước ngoài như đi chợ. Hôm anh cưới, tôi đến đúng giờ ghi trong thiếp mời, thấy cô dâu tươi tắn và trong trắng quá.
Bây giờ, tôi mùa hè thì móc thuê. Mùa đông dệt len. Và đảm trách toàn bộ bầy gà công nghiệp. Có lần mấy đứa bọn tôi rủ nhau mở quán giải khát ở nhà Hà. Địa thế đẹp. Phòng rộng. Bàn cãi mấy buổi trưa vì cái tên của quán. Quán Hà, viết trên bảng hiệu bỏ dấu thành Quan Ha, nghe khá là Hồng Kông Đài Loan và có vẻ gợi. Mà sao vắng khách. Cả lũ bỏ một đống tiền để ốp tường bằng gỗ, mua bàn ghế cốc tách chanh đường cà phê bánh ngọt định kinh doanh theo kiểu Profi, rồi ra sức tiêu thụ hàng của chính mình, cuối mùa chia nhau nốt những thứ không ăn được uống được. Đang ngồi giữa một đống chân bàn chân ghế lộn ngược thì em Hà đèo bồ đi đâu về đâm sầm cái Dream vào tấm biển vừa hạ xuống. Tuấn cười: Các bà mở quán mà không có tươi mát thì ma nó vào. Bồ Tuấn lườm người yêu. Tôi nhìn, tự dưng đau cả bụng. Thằng em vô tư: Chứ gì nữa. Đêm hôm nọ mưa, anh về, thấy các chị ấy để đèn nê ông sáng tưng bừng nhìn chẳng khác gì phòng hội nghị lúc phát phong bì xong rồi ấy. Bọn tôi cười ầm. Hà cáu. Rồi cũng cười. Nghĩ thằng em thế mà khéo, không nói là trông các chị chẳng tươi mát tý nào. Lại nhớ có lần con em tôi vừa vào đại học bảo Các bà giống hệt mấy quả thối. Rơi vào đầu ai người đó chết. Mà giẫm phải cũng chết. Đốt lên thì thiên hạ chạy. Cười hết cơn, Hà nghiêm nghị: Mày cũng dẻo mỏ đấy. Nhưng mới chỉ nhìn thấy hiện tượng. Chưa nắm bắt được bản chất vấn đề. Mẹ Hà lễ mễ xách cái làn nhựa đựng đầy rau cỏ từ chợ về, nhìn đống chân ghế chổng ngược, lầm bầm: Vào hàng mấy chị thì thiên hạ ế chỏng vó! Hà lảu bảu mẹ buồn cười nhỉ. Bọn tôi lại cười. Vừa cười vừa ngạc nhiên sao mình cứ cười.
...Tôi lại đi học ngoại ngữ ban đêm. Ngày xưa tôi học tiếng Nga. Bây giờ tôi học tiếng Anh. Tôi sắp đến tuổi học vào chậm ra nhanh. Nhưng tôi học chăm chỉ. Xung quanh tôi là rất nhiều người trẻ tuổi. Xung quanh tôi từng đôi chim bay đi.
1997

<< Mờ nhân ảnh | Ngựa ô >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 721

Return to top