Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Sâm Cầm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24084 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sâm Cầm
Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh

Bạn bè

Lê Minh Hà
Cô y tá trẻ thì thầm than vãn với chị y tá già... Bệnh nhân tự tử thứ mười hôm nay đấy chị. Chết kiểu gì không chết lại đi chọn kiểu chết khổ chết sở để người ta đè ra bơm nước vỡ bụng ra thế này. Cái cậu uống Vophatoc hôm qua tỉnh rồi nhưng cứ quờ quạng chân tay làm ràm như thằng dở người ấy chị ạ ...
Nữ bác sỹ đứng thẳng dậy, nhìn sang cái giường kế bên. Một hình người dẹp lép như cái đóm dưới tấm chăn mỏng. Cái đầu trọc lóc. Lằng nhằng dây dợ. Tiếng máy thở pinh pinh đều đặn. Đấy cũng là một bệnh nhân tự tử. Một cô bé. Cô y tá trẻ vẫn rầm rì than vãn với chị y tá già. Nữ bác sỹ thở dài phụ họa ừ ca trực này hết cả hơi và kéo cái ống nghe tụt xuống cổ, ra khỏi phòng. Hai người y tá nhìn theo, rồi nhìn nhau: Mẹ này hôm nay sao hiền thế không biết?! Chị y tá già thúc tay vào cùi chỏ cô bạn: Sinh nhật chị ấy hôm nay đấy. Phòng bác sỹ thấy đầy hoa .
Căn phòng riêng của nữ bác sỹ thì không có hoa. Sạch sẽ và lạnh lẽo. Cái lạnh lẽo lẩn quất trong từng góc nhỏ ngay cả những ngày nồng nực nhất ở những nhà không có trẻ nhỏ. Hai ngày rồi nữ bác sỹ chưa về nhà và cứ băn khoăn quên chưa hé cửa sổ cho bay hết mùi giấy đốt.
Chị đã chuẩn bị cho ngày sinh của mình như thế: Hỏa táng kỷ vật hai mươi năm. Một xấp giấy mỏng. Những tờ thư. Một tình bạn. Thời con gái. Không phải để chuẩn bị làm điều gì mới mẻ. Từ lâu rồi nữ bác sỹ đã tin đời mình không đổi nữa.
Người đàn bà nạ dòng rời đám các bà các cô đang xúm xít xung quanh, buông bát bún riêu, đứng phắt dậy túm lấy ghi đông xe đạp của cô bé, vừa nghiêm trang vừa bả lả. Em về nói với bà chuẩn bị một cái lễ lên chùa xin đội bát hương đi! Em căn cao số nặng, tình duyên rồi ra lật đật lắm. Nghe chị. Chị xem cho em không lấy tiền đâu. Số em rồi thể nào cũng phải về hầu cửa Thánh. Chạy trời không khỏi số đâu em. Xin đội bát hương giờ cũng còn chưa muộn lắm. Đừng ngạo mạn tin mình rồi hận một đời em ạ...
Cô bé cười ngơ ngác, lúng túng và xấu hổ. Những người đàn bà ngồi quanh gánh bún riêu nhìn người đàn bà đầy vẻ sùng mộ. Bao nhiêu lời khuyên tới tấp bay ra từ những miệng đàn bà chắc chắn nồng nặc mùi mắm tôm. Nghe cô đi em ạ. Số mình vậy, Thánh đã sang lời qua cô. Không biết thì đành. Biết thì phải làm rồi Thánh vuốt ve che chở cho...
Sau này Thảo hay nhớ buổi chiều vô tình gặp người đàn bà ấy khi đạp xe ra chợ mua chấp gội đầu. Nhớ cả cảm giác vừa thẹn vừa bực vừa sờ sợ khi nghe lời khuyên vỗ mặt của người đàn bà không quen, khi nhìn chị ta. Mặt choắt. Trán dồ ra hai bên. Hệt một quả trứng lộn ngược. áo cánh trắng, quần sa tanh vừa cộc vừa nhàu. Hàm răng trắng ăn trầu nhờ nhờ hồng hồng, và đặc biệt: cái nhìn man dại. Nhiều lần đi qua những hàng quà có đàn bà xúm xít Thảo bất chợt bắt gặp mình đang kiếm tìm người đàn bà đồng bóng ấy. Nhưng chị không biết chị có nghe lời chị ta hay không. Hay sẽ vẫn như xưa: háo hức và sợ sệt kể cho đám bạn cùng tuổi, sau đó quên phứt.
Cho tới ngày ấy.
Sinh nhật Thảo rơi vào tháng năm. Tháng của mưa rào, của những môn thi cuối cùng, của những lo sợ cuối cùng háo hức đầu tiên trước một mùa hè. Ba mẹ chiều cô con gái lớn đã là sinh viên dắt thằng con trai nhỏ cách cô chị cả chục tuổi về bên ngoại, sau khi chuẩn bị đầy đủ bánh trái nước non cho con gái mời bạn. Mẹ trước khi đi cẩn thận đặt bình hoa huệ lên bàn thờ, dặn: Để đêm mẹ về thắp hương. Năm sau sinh nhật con đừng mua huệ nữa nhé. Sái lắm. Hương bạn thân Thảo cằn nhằn: Cháu bảo nó rồi mà nó không nghe. Lại còn cãi cố tao thích.
Thảo cười khì khì mẹ với cái Hương mê tín quá. Mà không giải thích vì sao mình lại tầm cho được chục huệ mang về. Nhành gầy, nụ nhỏ, trắng muốt, thơm mát cả lòng, dịu cả chiều hè ngột ngạt. Thảo thích huệ, rất thích và có lần còn đùa cùn với mấy đứa bạn. Đám cưới tao tao cho chú rể ôm gà trống thiến, còn tao thì cầm bó tỏi. Rực rỡ đủ dùng. Tụi mày toàn loại bốn mắt thử nói tao nghe không có kính thì chúng mày nhìn bó tỏi khác bó hồng bạch chỗ nào? Hâm à? ừ thì thôi vậy. Thay bó tỏi bằng bó huệ ta. Sang trọng và truyền thống gấp vạn lần ôm bó lay ơn to vật như cái chổi đót. Lũ bạn cười ầm ỹ. Một đứa hét cho thằng Quang làm chú rể. Và Quang quay sang Thảo, tinh quái: Thế nào? Dịu dàng một tý đi thì tớ nhận làm cô dâu của tớ. Có tất cả chúng nó đây, thề với Thảo là tớ sẽ cho Thảo ôm hoa huệ trong ngày cưới!
Lũ bạn vẫn thường ngạc nhiên thằng Quang ngang cành cành thế mà cứ nhũn như con chi chi trước cái Thảo. Chỉ có Thảo là biết Quang nhũn như thế nào. Vừa câu trước câu sau kể cho Quang nghe buổi hẹn hò thứ mấy mấy với anh sinh viên thứ mấy mấy Quang đã mắt tròn mắt dẹt: Có vậy thôi à? Tưởng các ông sinh viên yêu đương thế nào chứ chỉ có mời đi ăn chè thì Quang cũng mời được. Cho ăn mệt nghỉ đỗ đen Hàng Thùng hay thập cẩm Hàng Điếu. Hay bây giờ mình lại đi đi. Chúng nó bảo hàng chè đầu Hàng Điếu anh gì mời Thảo vẫn chưa ngon. Phải hàng thứ hai cơ. Lạc rang hơi quá tay một chút. Thơm lắm.
Không làm cách nào chọc tức được thằng bạn chuyên môn chọc tức người khác. Mà cũng không thể nào thôi không chơi với nhau. Cứ đùng đùng dắt xe bỏ đi buổi chiều là tối lại thấy Quang tỉnh bơ gõ cửa cháu chào hai bác rõ to và thằng ranh con Tuấn đâm bổ từ phòng trong ra anh Quang anh Quang ầm ỹ. Chỉ còn duy nhất hai cách cư xử phải thay đổi: hoặc hậm hực đi ra đi vào nhìn Quang dạy thằng Tuấn tò toe tí toét cái Clarinet và thỉnh thoảng cười gì với bố mẹ, hoặc cũng làm ra vẻ tỉnh bơ một cách lịch sự. Rồi khi Quang về thì theo ra đóng cổng và nhìn nhau phì cười.
Thảo nhớ lan man, thắc mắc chưa thấy thư chúc mừng sinh nhật của Quang trong khi tay năm tay mười dọn bàn cùng cô bạn. Những cơn gió nồm lồng lộng thổi qua khung cửa để ngỏ. Lòng Thảo không sao yên được trong một niềm vui chưa có tên. Có tiếng gõ cửa ngập ngừng. Khéo khách ở quê ra! Hương ngẩng đầu nói với theo bước chân gấp gáp vui mừng của cô bạn. Mẹ Quang đứng đó, nhợt nhạt. Thảo cũng nhợt nhạt. Người đàn bà nhìn cô gái, lòng bị cắt thêm bởi một nỗi đau, và chợt hốt hoảng khi thấy la liệt trên mặt bàn những bánh những kẹo những hoa quả đã bày biện tỉa tót. Bác xin lỗi cháu... bác không biết là... Tiễn người đàn bà về, Thảo quay lại Hương run run: Mày không được nói gì tối nay, nhớ chưa? Cô bạn hốt hoảng gật đầu, hốt hoảng nhìn lên bàn thờ. Thảo cũng nhìn lên bàn thờ. Bình hoa huệ thơm thanh khiết, mùi thơm chưa ngát lẫn mùi hương khói. Nước mắt hai cô gái ứa ra.
Thế đấy! Thế là không có lời chúc mừng của Quang sinh nhật ấy. Không bao giờ còn có lời chúc mừng của Quang những sinh nhật sau. Không còn những trêu chọc và chiều chuộng hết sức bình thường trong những năm tháng ấy và đã trở thành không bình thường vào những ngày sau. Khi Thảo cho phép mình nhớ.
Quang với tiếng kèn Ôboa... Giai điệu Dòng kênh xanh của Phú Quang... Hội trường Cung Văn hóa thiếu niên. Quang với cái trống đại và đôi tay gõ dùi như múa theo một bài hành khúc trong đội hình nghi lễ đón tiếp phái đoàn các nước sang thăm ở sân bay Gia Lâm. Và giọng nói đầy chòng ghẹo... Tên là cỏ mà chẳng khác gì loài thân gỗ. ừ mà được đấy. Cỏ làm đình. Thì mình lấy ta. Chung một phận nghèo này... cỏ ơi... Điệu sa mạc chênh vênh đi trong tiếng cười òa ra trên sân trường loang nắng mùa đông. Mình lấy người ta thì còn phải tỏ tình khướt! Cả lũ lại cười, thúc: Nói đi Quang! Đèn xanh đấy! Và Quang nghiêm túc: Sẽ! Nhưng khi nào cô bạn của chúng mình chán những cuộc hẹn hò với các anh chàng kháu lão trong tương lai đã. Em chào thầy ạ! Ông giáo già mặt mũi nghiêm trang có biệt danh Trịnh Trọng Viên gật đầu đi ngang, không biết thằng học trò cưng đang hốt hoảng thè lưỡi nén cười cùng chúng bạn.
Sẽ! Không bao giờ! Vậy là kẻ thù đã ngăn được bước ta đi. Quang nói bình thản, và hát tiếp khí thế tiến công mang sức mạnh thần kỳ. (1) Cũng một buổi chiều. Cuối hạ. Mấy bà hàng xóm nhà trong ngõ đi làm về dắt cái xe chở đầy rau cho ngày nay cho ngày mai cho hai ngày sau (2) ngang chỗ hai đứa đúng, mặt khó đăm đăm. Nhưng có điểm thi đại học rồi mà. Quang đi nước ngoài là cái chắc rồi mà! Thảo chán nản níu một hy vọng mơ hồ. Giấy gọi nghĩa vụ phường đưa chiều hôm qua rồi. Làm sao chờ được giấy báo nhập học. Mẹ Quang khóc cằn nhằn bố không chịu chạy trước mấy ông ngoài phường. Nhưng có mà chạy giời. Biên giới đánh nhau dữ thế!
... Chiều biên giới em ơi... Có nơi nào xanh hơn (1)... Không biết ở biên giới mình với Tàu thế nào chứ cái màu xanh ấy ở nơi giáp ranh đất Miên này sợ lắm Thảo ạ. Quạnh quẽ. Rợn ngợp. Và cả đất nước ấy nữa. Bọn Quang vừa đi qua một làng Miên. Mới lác đác người về. Những ngọn cây thốt nốt chĩa vào trời xanh rờn rợn...
... Có một cô bé Campuchia hay mang thằng em tới chỗ bọn mình. Cô bé mười sáu tuổi, tên là Phaly. Cái tên nghe cứ trong veo. Cả nhà hai đứa chết hết. Thế mà hai chị em, rất lạ lùng, cứ vui như bọn mình tuổi ấy. Quang cứ thắc mắc hay đấy chính là bản năng sống của con người. Sống là phải biết quên những điều không thể chịu đựng...
... Hồi theo Cung Văn hóa vào tham quan Sài Gòn, qua những cánh rừng cao su đều tăm tắp xanh ngút ngát, Thảo cứ ồ à mãi nhớ không? Nhưng đi vào trong thì đơn điệu chết đi được. Còn ngủ giữa rừng cao su thì không hiểu sao rất mệt. Khác ngủ trong rừng Cúc Phương hồi lớp chín. Cứ tưởng Thảo ghê lắm, vậy mà con vắt còn cách cả mét đã hét lạc cả giọng. Hôm đó Thảo cứ bắt Quang mang địa lan về. Nhưng Thảo thấy không, cái màu vàng cam ấy chỉ lộng lẫy đúng ở góc rừng ấy...
... Có nhiều người rủ Thảo đi ăn chè nữa không? Chờ đấy! Quang về thì Quang sẽ tỏ tình thật chứ không ngỏ lời theo kiểu ấm ớ ấy. Nhưng vẫn với một điều kiện: Thảo hết tính ương...
... Lời ở lại vẫn còn đó chứ ...
Những lá thư. Như những dòng ghi chép. Nhiều lá viết sau đến trước. Đêm đầu tiên của tuổi mười chín, khi bạn bè về hết, Thảo đọc lại, tất cả, rồi xếp cẩn thận vào cái cặp da nhiều ngăn cũ bố đã bỏ không dùng. Và những ngày sau đến trường cười như Liên Xô. Hương nhìn gương mặt trắng nhợt và đôi mắt rừng rực của bạn, cáu kỉnh: Vợ để tang chồng ba năm. Mày cũng cố nhớ thằng Quang thêm vài hôm cho tròn một trăm ngày chứ! "Tao là gì của Quang mà phải thương với nhớ hơn mày? Mày nhớ Quang à? Thì phần nhớ để cho mày hết. Thảo tỉnh bơ, nhấm nhẳng. Nhưng đêm về không hiểu sao toàn nằm mơ thấy Quang, thức giấc lại mường tượng ra luôn gương mặt người đàn bà đồng bóng.
Người đàn bà đã bảo cô bé mười sáu tuổi rồi tình duyên sẽ lật đật. Rút cục thành vậy thật. Biết bao nhiêu lần trở về từ một cuộc hẹn hò Thảo lại chán nản hiểu rằng mình chỉ ao ước được nghe lời tỏ tình từ người con trai ấy, người bạn học cũ, Quang. Quang đã không đùa về chuyện ấy lúc chia tay, nhưng lúc đó mặt Quang bừng sáng, mắt nhìn nghiêm trang lạ kỳ: Thảo hứa chờ Quang về rồi nhé! Nhưng Thảo vẫn có thể đi ăn chè với một ai chứ? Nếu không thì tốt hơn! Sơn thân nhất với Quang chen vào: Yên tâm vững bước mà đi. Thảo sẽ chỉ đi ăn chè với tao cho đến lúc mày về! Cứ như trong một trò chơi trốn tìm. Sau này Thảo đã buồn rầu tiếc mình cứ hay đùa cợt như thế. Nếu không, thì chị có thể tin rằng Quang đã tỏ tình theo cách của Quang. Hoặc nếu không, chị đã không phải giữ lời thề của người ở lại. Như thế chị sẽ dễ dàng hơn biết bao mỗi bận đến nhà Quang. Ra trường, bạn bè thưa thớt dần, chỉ còn chị và Hương và Việt đều đặn có mặt ở nhà Quang ngày giỗ bạn. Như những người bạn cũ. Nhưng bố mẹ Quang và chị gái Quang nhìn chị biết ơn và xót thương. Không biết nhà Quang hiểu thế nào về tình bạn giữa hai đứa mà khi đi tìm mộ Quang bà mẹ lại cho cô con gái đến nhà tìm Thảo. Lúc đó chị đang nghỉ ôn thi tốt nghiệp. Còn có năm tuần. Mẹ suốt ngày chăm bẵm cô con gái cưng sắp thành bác sỹ sững sờ ngồi phịch xuống ghế khi Thảo xin đi chơi xa. Con về Phát Diệm với mấy đứa cùng lớp. Vẫn mang theo sách học mà mẹ. Cái Sâm nó cào khan cào vã mãi. Nghe bảo ở đó có khu nhà thờ đá trắng đẹp tuyệt vời...
Tàu dập dình dập dình. Ngang Ninh Bình mấy bà buôn chuyến hò hét đóng cửa sổ đóng cửa sổ ngay lại khéo vỡ đầu giờ. Đá trẻ trâu ném lên thình thình. Bến xe miền Tây. Chiều Tây Ninh nắng. Mẹ Quang rưới rượu vào cái tiểu sành bà khư khư ôm suốt chuyến đi. Thảo bàng hoàng trong khi con mắt nghề nghiệp nhoay nhoáy ghi nhận: hộp sọ, răng, xương đốt ngón chân, xương đốt ngón tay, xương bả vai... Đấy không phải là Quang! Không phải là Quang! Không phải Quang! Chị Quang giục đốt hương. Gió vật vã. Đồng trống. Trời xanh. Bó hương bốc lửa đùng đùng. Chị Quang thì thào thằng Quang về. Không phải Quang! Không phải mình thắp hương cho Quang . Nước mắt Thảo ròng ròng. Quang ơi! Thảo thắp hương cho mình.
... Nữ bác sỹ về nhà vào lúc xế chiều. Bó hoa huệ bọc trong lá dong gác gượng nhẹ trên thành giỏ xe. Có hai đứa con trai con gái đang nói cười rộn rã trước cửa phòng chị. Đứa con gái mừng rỡ: Cô đã về. Chúng cháu chờ cô mãi. Mẹ cháu bảo đến làm bún chả mừng sinh nhật cô. Chiều muộn mẹ cháu mới đến được cô ạ. May cháu thông minh chuẩn bị tất tật ở nhà. Cô mở cửa cháu bê vào. Có cô này. Chú Việt này. Mẹ Hương cháu này. Mẹ cháu bảo chỉ bạn thân phổ thông với nhau thôi...
Đứa con gái liến thoắng trong khi thằng con trai cẩn thận dựng xe khệ nệ bê hai cái làn nhựa đỏ chóe đặt lên bàn. Cậu trai cười bao dung trong khi cô bạn mở máy còn nhanh hơn trước: Bún đây cô nhé. Cháu tầm đúng bún con bừa. Nước chấm trong lọ này. Chả trong xoong này. Rau sống rửa rồi. Đu đủ lúc nãy cháu mới mua được. Cô chịu khó gọt ngâm hộ cháu cho ngấm. Không là cô lại phải nghe mẹ cháu ca bài con gái con đứa đoảng thay cháu đấy... Dạ... Cháu đi luôn cô ạ. Chiều chúng cháu học thêm toán. Nhất định phải đỗ đại học chứ cô. Có thế thì mới có quyền hy vọng những năm năm nữa.
Hai đứa con trai con gái nhìn nhau đồng lõa rồi nghiêm trang: Chúng cháu chúc cô sinh nhật lần thứ... và bối rối dừng phắt lại. Lần thứ bốn mốt - Nữ bác sỹ mỉm cười đón lời - Được rồi! Thôi hai đứa đi đi. Cô cảm ơn My My và cháu... Cháu tên gì nhỉ? Quang? à! Quang. Cô cảm ơn My My và Quang. Giọng nữ bác sỹ đột nhiên khao khao như bị viêm thanh quản. Nhưng những người trẻ tuổi không hề nhận ra. Cũng không hề nhận ra cái vô duyên của một bữa bún chả mừng sinh nhật thiếu những tiếng nói cười rầm rỹ, thiếu gió tạt khói thơm lừng, chỉ có vài gương mặt bạn bè dẫu mỡ màng đến mấy cũng vẫn phảng phất vẻ nẫu nẫu của tuổi. Bọn trẻ thật vô tâm. Bác sỹ nhìn theo họ đạp xe vù đi trên phố nắng, sững sờ: Chính mình. Tuổi ấy. Bảy tám chín tám. Hai mươi năm rồi. Sao trong lồng ngực vẫn như có trái tim mười sáu tuổi? Chị cắm cả bó hoa huệ còn nguyên lá dong bọc ngoài vào xô nước đặt ở góc phòng, lê tới giường, nằm vật xuống, ngủ lịm đi. Trong giấc ngủ, nữ bác sỹ vẫn nhận biết được tất cả. Tiếng một con ve kim chói lói xa xa gần gần trên vòm sấu. Tiếng lũ trẻ reo dưới phố. Bà hàng xóm mắng con luộc rau không mở vung để rau bị vàng. Mùi giấy đốt khen khét. Mùi chả nướng thơm ngột ngạt trong căn phòng đóng kín cửa sổ. Từng lúc, từng lúc, hoa huệ lại phất qua một mùi thơm thanh khiết, mong manh...
Nữ bác sỹ mở mắt khi nắng cuối chiều xuyên qua khe cửa sổ vào giường, rọi thẳng gáy chị. Người chị đẫm mồ hôi. Trong một thoáng chị không hiểu gì cả. Mùi chả nướng. Mùi hoa huệ. Mùi giấy đốt. Những âm thanh thực dường như nhỏ hơn lúc nghe trong mơ. Tiếng gõ cửa khắc khoải. Hương. Hương xì ke ngày xưa giờ nom thật mợ. Nhìn bạn, nữ bác sỹ nhận ra thời gian đã trôi đi như thế nào. Phải đổ ngay chậu gio giấy đốt mấy hôm trước. Không cần giữ làm gì phải không Quang. Người ta chỉ giữ kỷ vật khi sợ sẽ quên...
ý nghĩ ấy lại đến với chị khi chị nhìn cô bạn có thâm niên chơi với nhau hơn hai mươi năm cẩn trọng cắt từng nhành huệ cắm vào cái lọ sứ trắng muốt. Hai mươi năm rồi Hương không còn thắc mắc vì sao chị mua huệ cho ngày sinh. Hai mươi năm rồi Hương chung với chị nỗi nhớ người bạn mãi mãi mười chín tuổi.
Lúc chị xách cái chậu còn vương muội tro quay vào nhà, cô bạn đang loay hoay sửa nhành huệ bị nghiêng trong lọ hoa vừa đặt lên bàn thờ. Một tấm ván. Một bát hương tàn vun cao hơn thành. Không một bức ảnh. Hương không quay lại. Hình như Hương nói gì.
- Gì cơ? Thủ tiết! Mày hỏi gì buồn cười vậy. Tao với Quang vô tư. Y như mày. Là bạn. Y như với mày.
- Cơ quan tao mới về một ông. Thảo này, tại chức thôi nhưng biết người biết việc lắm...
- ... Con bé nhà mày đến đây lúc chiều. Đi với một thằng cu trông rất được. Hương này, nó đủ khôn để hiểu chuyện trong nhà rồi. Ông tại chức của mày... thôi để phần mày.
Hai người bạn gái nhìn nhau cười rũ. Nữ bác sỹ đưa tay nhấn công tắc đèn. ánh sáng bừng lên, xô bóng chiều nhập nhoạng ra ngoài khung cửa. Ký ức như một cuốn phim được quay nhanh. Những người đàn ông chị đã gần gũi khi được sự đồng ý của hai cơ thể như dân y nhà chị vẫn hay đùa. Những người bạn gái giờ chồng già con lớn chắc là đã quên bẵng chị. Và Quang. Môi cười nhếch một bên vừa cởi mở vừa giễu cợt. Những bông ngọc lan trắng lấp lánh trong tàn lá xanh cứ mỡ đi sau trận mưa rào. Và Quang. Tiếng kèn Ôboa như tiếng vọng thẳm sâu, thanh thản, da diết. Giọt nắng chầm chậm chuyển trên vai đột nhiên nhảy nhót trên mái tóc khi Quang nghiêng người bên chiếc Ôboa chiều bế giảng năm học phổ thông cuối cùng... Đột nhiên nữ bác sỹ nhận ra ý nghĩ lạc đi đâu đâu. Giá mà Hương quên ngày sinh của mình! Chị lắc đầu: Con bé năm nay thi đại học rồi. Mười bảy rồi đấy nhỉ? Tháng sau à?
Nữ bác sỹ nhớ tới thân hình dẹp lép và cái đầu trọc lóc của cô bé đang phải thở máy trong phòng cấp cứu. Nhớ tiếng làm ràm của cậu thợ chữa đồng hồ ở ái Mộ Gia Lâm vào viện mấy hôm trước vì uống thuốc trừ sâu, nhớ cái bụng õng nước của cậu sinh viên bị đè ra rửa ruột sáng nay, ngỡ ngàng. Sao bọn trẻ bây giờ thích tự tử thế không biết!

11.1998
Chú thích:
1: Lời một bài hát thường được phát trong chiến tranh biên giới Việt Trung.
2: Nhại lời "Bài ca xây dựng" (Hoàng Vân): Cho ngày nay cho ngày mai cho muôn đời sau.

<< Phục trước tĩnh đàn | Cái đồng hồ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 923

Return to top