Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cánh hoa chùm gửi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32984 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh hoa chùm gửi
QUỲNH DAO

Chương 12
Đêm ấy tôi lại mất ngủ. Đầu óc tôi rối mò với những việc xảy ra lúc nãy. Khuôn mặt của giáo sư, bà Nghị, Hạo Hạo, Khởi Khởi, Trung Đan...cứ lần lượt ẩn hiện không thôi trong óc. Dầu mệt mỏi vô cùng tôi vẫn không tài nào nhắm mắt. Tinh thần bất an, tình cảm bị khuấy nhiễu, tất cả lôi cuốn tôi vào trong cơn lốc rối rắm, tôi thấy như mình bị rơi vào một gia đình đa sự. Hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra, những sự việc cứ như những dây gai chằng chịt lúc nào cũng quấn quanh tôi.
Lăn lộn mãi trên giường để vỗ về giấc ngủ, tôi bắt đầu đếm số. Từ số một tôi đếm đến số một ngàn lẻ ba mươi, một ngàn lẻ ba mươi mốt, một ngàn lẻ ba mươi hai vẫn chưa ngủ được, tôi lại đếm ngược lại: một ngàn lẻ ba mươi, một ngàn lẻ hai mươi chín, một ngàn lẻ hai mươi tám...Khi đến đến số tám trăm bảy mươi chín, tôi bắt đầu đếm lộn chín trăm bảy mươi tám rồi bảy trăm tám mươi chín. Miệng vẫn lảm nhảm bảy a tám ạ..Nhưng thần trí tôi vẫn mê muội, cơn buồn ngủ kéo đến, mí mắt nặng trĩu.
Không rõ là mình đã đếm bảy trăm tám mươi chín hay chín trăm tám mươi bảy, thì nghe có tiếng mở cửa, hình như có tiếng người nhẹ bước vào. Tiềm thức tôi vật lộn với những con số, rồi tiếng chân bước, hơi thở lạ, bóng người mờ ảo.
Rồi một bàn tay đặt nhẹ lên tay khiến tôi hoảng hốt bật lên, miệng vẫn đọc:
- Bảy trăm tám mươi chín!
Sực tỉnh, tôi nhìn ánh sáng lờ mờ trong phòng, nhớ sực ra mình đã quên kéo màn ở cửa sổ lại. Ánh trăng rọi qua khung kính tạo nên thứ ánh sáng mờ ảo. Trên đầu giường, bà Nghị như bóng ma đang đứng sững nơi đấy, vì không phải là lần thứ nhất bắt gặp, nên dù có bản năng phòng bị của tiềm thức, tôi cũng không còn kinh hãi với sự xuất hiện đột ngột của bà nữa. Chỉ có bà Nghị vẫn còn hoảng hốt vì tiếng bảy trăm tám mươi chín của tôi.
Bà đứng đấy, trố mắt nhìn tôi. Tôi nhỏ nhẹ hỏi:
- Chào bác ạ! Bác có chuyện chi không mà đến khuya như thế này?
Bà Nghị không đáp. Tôi với tay tìm ngắt điện của chiếc đèn nơi bàn ngủ, bà vội khoát tay:
- Đừng mở đèn cháu! Tôi không muốn ông nhà tôi biết tôi đang ở đây cũng như không muốn làm phiền một ai khác.
Tôi lại tắt đèn, tựa lưng vào gối, vỗ nhẹ lên mép giường nói:
- Mời bác ngồi chơi. Bác thường đến gặp con, có lẽ có chuyện gì muốn nói với con phải không?
Bà Nghị ngồi xuống, nhìn thẳng vào tôi không nói gì cả. Nhưng trên gương mặt buồn bã với đôi mắt đẹp ảo não kia tôi biết bà đang muốn nói một cái gì với tôi.
Bà Nghị là người ít khi nào chịu biểu lộ tình cảm của mình ra ngoài, với nét mặt hiện tại, tuy ánh sáng không được tỏ lắm nhưng tôi vẫn phân biệt sự khác biệt với lúc bình thường, bà ấy muốn nói gì với tôi đây? Bỗng nhiên, tôi có linh cảm là ngay từ lúc đầu gặp tôi bà ấy đã muốn thố lộ một việc gì mà đều bị mọi người gạt ngang. Chuyện gì bí mật thế? Bí mật? Tại sao tôi lại nghĩ đến hai chữ bí mật? Có phải chăng vì ngôi nhà này lúc nào cũng bao trừm một vẻ lạ lùng? Hay là sự kết hợp của gia đình này quá đặc biệt? Dầu sao đi nữa, tôi đang nôn nóng được sự giải thích của bà Nghị.
Nhìn bà mãi không chịu nói, tôi không nhịn được:
- Bác Nghị, bác muốn dạy bảo con điều chi?
Bà ta lắc đầu, thở dài, rồi với một giọng điệu đau thương, bà nói:
- Bác không có điều chi dạy bảo cả, chỉ có lời muốn xin cháu.
- Xin? Tôi ngạc nhiên - Bác muốn xin cháu điều chi? Đâu có việc gì mà bác cần phải xin cháu?
- Có, nhưng cháu có sẵn sàng chấp nhận lời cầu xin của bác không chứ?
Tôi nghi ngờ: - Thế chuyện chi?
- Cháu hãy tha cho nó.
Lại cũng câu ấy! Tôi không hiểu gì cả. Xích lại gần một chút, tôi nói:
- Bác có thể cho cháu biết rõ một chút không? Bác bảo cháu buông tha nhưng mà tha cho ai? Cháu chưa hề ghét hay làm hại một ai cả.
Bà Nghị nói thật thản nhiên:
- Có, cháu có thể làm cho nhiều người phải đau khổ.
- Thật sao bác? Tại sao? Bác cho con biết bác muốn con tha cho ai?
- Tha cho Khởi Khởi.
- Khởi Khởi ư? Tôi càng ngạc nhiên hơn - Con đã làm gì Khởi Khởi đâu mà bác phải lo lắng như thế? Bác Nghị, bác đừng hiểu lầm, con lúc nào cũng muốn được làm bạn của Khởi Khởi, chỉ có Khởi Khởi từ chối con. Bác Nghị, con xin thề với bác là con không hề có một ác ý gì với chị ấy cả.
Bà Nghị cắt ngang:
- Có!
- Không, không bao giờ.
- Cô đã chiếm đoạt Từ Trung Đan của nó!
Giờ tôi mới mơ hồ tìm được một chút giải đáp. Thì ra tất cả rắc rối là do Từ Trung Đan! Chăm chú nhìn bà Nghị, chăm chú nhìn bóng bà trong tối, ánh mắt long lanh mặt ngước cao. Đúng là gương mặt của một người mẹ. Thế mà tôi vẫn tưởng bà là người không tình cảm. Tôi đã lầm, vì bà đích thực là người mẹ hoàn toàn, một người mẹ đáng yêu.
Nhưng, những điều bà vừa trách tôi có lẽ không hợp lý chút nào cả! Vì vậy, tôi cong người lại ôm gối, nhìn bà Nghị, nhẹ nhàng đáp:
- Thưa bác, cháu không hề cố ý chiếm đoạt Từ Trung Đan, mà là cháu yêu anh ấy. Bác không trách cháu khi cháu yêu phải không?
Bà Nghị nhìn tôi, giọng nói bà như uy hiếp, như bắt buộc:
- Cô đã cố ý chiếm đoạt Trung Đan, tôi biết, vì ngay từ phút đầu cô đã biết Khởi Khởi đã yêu hắn.
Tôi thành thật:
- Có lẽ, tôi cũng hiểu được phần nào Khởi Khởi yêu Trung Đan, nhưng không phải vì thấy Khởi Khởi yêu anh ấy rồi tôi cũng yêu theo, mà tôi chỉ yêu anh ấy vì anh ấy là Từ Trung Đan thôi.
Bà Nghị nghi ngờ:
- Cô có thật tình yêu hắn không?
Tôi thành thật không hổ thẹn đáp:
- Dạ thật!
- Nhưng hắn có phải là người đẹp trai lắm đâu?
- Bác nghĩ là thế, nhưng thật ra đối với tôi cũng như với Khởi Khởi, anh ấy có sức thu hút làm sao ấy.
Tôi không hiểu tại sao bỗng nhiên mình lại thích biện hộ cho Trung Đan như vậy, có lẽ vì tôi không thích một ai nói xấu chàng, tôi tiếp:
- Không phải chỉ cần hai chữ đẹp trai không là được, bác xem Hạo Hạo có cái mã như thế, rất dễ thu hút phụ nữ, nhưng tình yêu thành thật thì không phải chỉ cần thứ ấy không là đủ. Tôi ngần ngừ một chút - như bác trai ở nhà chẳng hạn, bản tính nóng nảy dễ giận, chắc chắn ít có người đàn bà nào thích, thế mà đối với bác thì lại khác, bác có thấy không?
Có lẽ việc quá lẻo mép của tôi khiến bà La Nghị hơi run rẩy? Tôi đã nói câu nào xúc phạm đến bà? Nhìn vẻ mặt bất an và nghi ngờ của bà, tôi thấy bà ta như sợ một cái gì? Sợ tôi chăng, hay sợ một cái gì khác? Trong khoảnh khắc, đôi môi bà Nghị khẽ rung, bà nói:
- Ức My, hãy buông cho hắn nhé!
- Buông tha ai?
Bản năng kháng cự làm tôi hỏi:
- Tại sao?
- Vì Khởi Khởi. Bà Nghị nhỏ nhẹ nói - Nếu cô không đến đây, thì Trung Đan có thể hoặc đã yêu Khởi Khởi rồi. Cô đến đây khiến bao nhiêu tình cảm vỡ tan. Khởi Khởi vì không biết cách biểu lộ tình cảm nên khi nhìn bề ngoài, cô thấy nó rất dửng dưng, lạnh lùng, nhưng thật ra nó chỉ là đứa con gái yếu đuối. Ức My, cô với Khởi Khởi hoàn toàn khác biệt, cô cứng cỏi, phóng khoáng vui vẻ, tôi biết cô có thể chịu đựng sự đau khổ, với Khởi Khởi thì không thể như vậy được.
Lần đầu tiên tôi mới nghe bà Nghị phân tích sự việc một cách rõ ràng như thế, cũng là lần đầu tiên tôi thấy bà đề cập đến một vấn đề trơn tru như vậy. Bà Nghị không phải lúc nào cũng mê loạn, bà vẫn còn đủ tâm trí và tư tưởng sáng suốt. Nhưng việc yêu cầu của bà có đúng không?
- Bác Nghị, bác ích kỷ lắm.
- Vâng, tôi ích kỷ thật. Bà Nghị thở dài - Nhưng, Ức My, bản tính cô cứng cỏi, việc mất Trung Đan sẽ không làm cô đau đớn cho lắm.
- Tại sao bác biết? Tôi hỏi ngược lại - Bác Nghị, sống trên đời, con người có thể vứt bỏ tất cả nhưng với ái tình thì không. Nếu có một ai có thể vì mình thì tôi nghĩ là người ấy là thần chớ không là người nữa. Bác Nghị, bác đã đưa tôi lên cao quá sự thật tôi vẫn là người chớ không phải là thần thánh gì cả.
Bà Nghị lại run rẩy, tôi đã làm bà ấy đau buồn khổ sở sao?
- Ức My, tình yêu của cô không giống như tình yêu của Khởi Khởi với Trung Đan.
Bà Nghị nói.
- Tại sao bác biết như thế? Không có một cái gì có thể đo lường được tình yêu. Tôi như khiêu khích - Giả sử như tình yêu của Khởi Khởi với Trung Đan có nhiều hơn của tôi đi nữa, thì đó cũng đâu phải là lý do để tôi bỏ rơi Trung Đan được.!
- Đúng vậy, nhưng nếu không có cô thì Trung Đan đã yêu Khởi Khởi rồi.
Tôi cũng nghĩ điều ấy đúng, nhưng lời nói của bà Nghị đã đánh thức cho tôi thấy một sự thật. Tôi hiểu rõ tại sao bà nghĩ rằng bà có quyền, có tư cách bắt tôi phải buông Trung Đan, vì tôi là con bé mồ côi ăn nhờ ở đậu nhà họ La này, tôi không có quyền tranh giành tình yêu với cô chủ. Nếu có tranh chấp thì tôi phải là kẻ hy sinh cho Khởi Khởi. Khởi Khởi là chủ, còn tôi hèn mọn đâu đáng kể. Như bị tổn thương, tôi nói:
- Bác Nghị, bác có hối hận vì đã cho tôi ở trong nhà này không?
Tôi ngẩng đầu lên, một niềm kiêu hãnh đau thương làm tôi cao giọng.
- Bác Nghị, tôi chỉ là con bé mồ côi được gia đình bác cho ăn nhờ ở đậu, nhưng chẳng phải vì bác là người ơn mà tôi phải hoàn toàn tùy thuộc vào sự sắp xếp của bác...
Bà Nghị vội cắt ngang:
- Không, cô lầm rồi, tôi không có ý chèn ép cô.
- Nhưng tại sao bác bắt tôi phải bỏ anh Từ Trung Đan? Tôi hơi lớn giọcháu thà làm thân Vi Kính Thảo đứng trong gió lộng, hơn là trở nên loài Thố Ty Hoa yếu ớt.
Bà Nghị sững người ra đứng đấy, hình như những lời nói của tôi đã làm cho bà bị xúc động mạnh.
- Bác có thể yêu cầu một người vứt bỏ tất cả tương lai, mộng tưởng, khoái lạc cuộc đời chăng? Trung Đan đối với tôi là tất cả những điều đó. Làm sao tôi có thể chỉ vì ơn nghĩa, vì chén cơm mà vứt đi tất ca. ũ Nếu bác thấy là đã cho tôi một chỗ nương tựa nên có quyền đòi hỏi như thế thì tôi xin được dọn ra khỏi nhà này nội trong ngày mai. Tôi và Trung Đan với đôi bàn tay trắng sẽ tự gầy dựng cuộc sống không cần nhờ vả ai cả, như thế cuộc đời của chúng tôi càng có giá trị hơn.
Bà Nghị hét lớn:
- Ức My, tôi không có ý như vậy, vì Khởi Khởi thật đáng thương, nó yếu đuối, giàu tình cảm, em hãy hiểu cho, vì tôi là mẹ.
Tôi nói:
- Khởi Khởi phải tập cứng rắn một chút chớ, tôi nghĩ chị ấy sẽ làm được. Bà cũng đừng bao giờ để chị ấy biến thành một loài Thố Ty Hoa.
Bà Nghị ngạc nhiên:
- Thố Ty Hoả
- Vâng, giống như loài cây ở bên rừng đó, bác có để ý không? Nó leo trên thân cây Tòng, rễ đâm sâu vào thân, cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào đó. Bác Nghị, khi cây Tòng ngã xuống thì Thố Ty Hoa cũng chết theo.
Tôi không suy xét gì nữa, nói ngay.
- Bác đã là một loại Thố Ty Hoa rồi, không lẽ lại nỡ để Khởi Khởi biến thành dây Thố Ty Hoa thứ hai sao? Với cháu thà làm thân Vi Kính Thảo đứng trong gió lộng, hơn là trở nên loài Thố Ty Hoa yếu ớt.
Bà Nghị sững người ra đứng đấy, hình như những lời nói của tôi đã làm cho bà bị xúc động mạnh.
Tôi thấy mình hơi quá lố đúng ra không nên nói như vậy với bậc trưởng thượng, niềm hối hận làm tôi xấu hổ. Bà Nghị quay sang tôi, đôi mắt bà long lanh đọng lệ. Tôi hoảng hốt không biết phải làm thế nào.
Bà Nghị nói:
- Đúng vậy, nên làm loài Vi Kính Thảo hơn là làm loài Thố Ty Hoa. Nhưng Ức My, Thố Ty Hoa có phải cũng là một trong những loài thực vật không?
- Vâng ạ.
- Cũng là một sinh vật trong trời đất này?
- Vâng.
- Thế thì thân xác và cuộc sống của nó cũng là do thượng đế ban cho chứ?
- Vâng.
- Vậy thì Thố Ty Hoa không thể không là Thố Ty Hoa được, phải không? Tôi muốn nói nếu tạo hóa đã chỉ định rằng nó phải là loài Thố Ty Hoa, phải sống bám vào thân thực vật khác thì nó không thể nào cãi lại với tạo hóa rằng tôi không muốn làm loài Thố Ty Hoa, hãy để tôi làm loài cỏ dại, phải không? Thố Ty Hoa thì lúc nào cũng là Thố Ty Hoa, cô làm sao có thể van xin để nó trở nên một loài khác? Và sự hiện hữu của nó đâu phải là một lỗi lầm phải không cô?
Nghe cũng có lý, đầu óc tôi như bị quay cuồng với những chữ Thố Ty Hoa, Vi Kính Thảo.
Bà Nghị buồn bã thở dài, nhẹ nhàng bảo:
- Đó cũng là những điều khổ đau của chính tôi, tôi không thể nào không làm loài Thố Ty Hoa được.
Nói xong, bà chậm rãi bước ra cửa. Ánh sáng ban mai đã bắt đầu xuất hiện. Khung kính lờ mờ trắng đục như khuôn mặt bà Nghị với đôi mắt đen lánh nước mắt. Tôi như bị quật ngã trước sự bi thương đó thảng thốt kêu:
- Bác Nghị!
Bà Nghị đứng lại, mặt đối diện với tôi, tôi chưa nói lời nào bà đã buồn bã nói:
- Thôi được rồi Ức My, tôi xin rút lại lời tôi vừa nói. Em có lý, tôi không có quyền yêu cầu em xa Trung Đan được. Tôi đã tưởng rằng em có thể hoặc là không yêu hắn, nhưng bây giờ tôi biết tôi đã lầm. Bà thở dài - Ở đời có nhiều việc không thể ngờ được, em đã đến đây ngay lúc mà tình cảm giữa Trung Đan và Khởi Khởi bước vào giai đoạn huyền diệu nhất, rồi nhẹ nhàng cướp lấy Trung Đan...
Bà Nghị ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài khung kính màu trắng đục, chậm rãi như tự nói với chính mình.
- Ai đã an bài tất cả mọi việc ở thế gian này? Cuộc sống tự nhiên có những luật lệ riêng của nó để phán xét tất cả những tội lỗi, ân oán một cách công bằng chăng?
Tôi không hiểu bà muốn nói gì, đôi mắt bà vẫn thẫn thờ nhìn ra khung cửa như một tín đồ ngoan đạo chiêm ngưỡng đấng tối cao. Lời nói như than van kia có một mãnh lực làm nát lòng người. Tôi bị mê hoặc trong tư thế đó, chúng tôi lặng lẽ đứng nhìn nhau. Một lúc sau cánh cửa từ từ mở, Trung Đan nhẹ bước vào, chàng đứng sững đấy. Nhìn thoáng qua, tôi hiểu rằng nãy giờ chàng đã đứng bên ngoài khá lâu, vẫn bộ đồ ngủ với chiếc áo hở cổ, bất động với đôi mắt say đắm nhìn tôi suốt một đêm dài không ngủ, lại bị dằn vặt vì chuyện vừa qua, tôi như mơ mơ màng màng, ánh mắt của chàng làm tôi như mê say.
Chúng tôi vẫn nhìn nhau cho đến lúc tiếng thở dài của bà Nghị đánh thức chúng tôi. Bà Nghị bước ra cửa và nói với Trung Đan đang đứng chắn ngang nơi ấy:
- Cho tôi đi qua.
Trung Đan nhích sang bên, chàng cúi đầu thật thấp chào bà Nghị, thành khẩn nói:
- Cám ơn bác thật nhiều, bác đã giúp cho tôi hiểu mọi việc.
Bà Nghị liếc ngang chàng rồi bước ra. Trung Đan đến gần tôi, đứng cạnh giường, vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt say đắm. Chàng ngồi xuống, chìa tay ra nắm lấy đôi tay tôi, tôi nghĩ là chàng sẽ ôm lấy tôi và hôn một nụ hôn thật dài. Nhưng không, chàng vẫn bất động, như để nhìn thấu ruột gan tôi. Một lúc sau Trung Đan từ từ đưa tay lên ôm mặt tôi. Tôi ngẩng lên nhìn chàng, chàng nhẹ nhàng bảo:
- Ức My, anh không ngờ rằng anh đã chiếm được một địa vị như thế trong tim em, anh thật là ngu xuẩn và vô tình quá phải không em? Tội anh thật đáng đánh đòn.
Tôi không nói gì cả. Trung Đan xích lại gần ôm tôi vào lòng, cọ nhẹ cằm lên tóc tôi thủ thỉ:
- Ức My, anh thú thật, trước khi em đến đây anh có đeo đuổi Khởi Khởi, đó là lỗi lầm của anh, cũng có thể là lỗi lầm của bao thằng con trai khác. Khởi Khởi đẹp, quá đẹp đến rung động lòng người, nhưng chẳng bao lâu anh nhận ra sự lầm lẫn của mình. Không phải thất vọng vì sự lạnh lùng của nàng mà là sự khác biệt về cá tính và phong cách. Em có hiểu cho anh không hở Ức My? Anh đã xa Khởi Khởi không phải vì sự hiện diện của em, mà là vì sự giác ngộ. Đối với em, Ức My, anh không muốn tán tỉnh là em đẹp hay tài giỏi nhưng em quả thật là một đứa con gái lý tưởng, một đối tượng hoàn toàn của anh.
Trung Đan hít một hơi dài rồi lại nói ;
- Ức My, em hãy để cho mọi đau khổ và ngộ nhận trôi qua từ đây hai đứa mình sẽ không còn sự quấy nhiễu tranh chấp hờn ghen và lầm lẫn. Tất cả những gì không hay, không đẹp đều do chính chúng ta tạo nên chứ tự nhiên làm sao có. Về sau chúng ta sẽ sáng suốt hơn không còn làm khổ nữa em nhé!
Trung Đan nâng cằm tôi lên, môi chàng trôi từ vành tai đến môi tôi rồi dừng ở đấy. Trời đã sáng, một buổi tối không ngủ đã trôi qua.
Tôi lại trở lại tung tăng trong vườn hoa, đếm những cánh hoa cúc vàng nở, nhặt những chiếc lá vàng rơi đầy đất, hứng những cơn gió mùa thu. Tôi vui sướng như loài hoa Phong Linh Thảo (tôi cũng không biết Phong Linh Thảo là loài cây gì, chỉ thấy thinh thích cái tên như vậy mà thôi).
Từ vườn hoa bước qua vườn cây, qua giàn giây leo, tôi đứng lại trước cây Tòng đang chằng chịt dây Thố Ty Hoa. Tôi ngạc nhiên vì Khởi Khởi đang ngồi đấy, hai tay ôm gối lơ đãng nhìn tôi. Cô ta mặc chiếc áo mầu xanh nhạt với chiếc jupe xanh đậm hơn, tóc tung tăng trong gió, giống như một đóa hoa trông thật dễ thương - Đừng Quên Tôi.
Tôi vui vẻ cười:
- Ủa chị cũng ra đây làm gì thế?
Cô ta lạnh lùng:
- Không làm gì cả, ngồi chơi thôi.
Tôi ngồi xuống bãi cỏ bên cạnh, duỗi dài chân ngắm Khởi Khởi. Dáng vẻ cô ta thật đẹp, thật sang, còn chân tay tôi thì không giống ai cả. Tôi bắt chước tréo chân nhưng thấy khó chịu lại bỏ xuống. Chống tay xuống đất, tôi ngã dài người ra, nhìn Khởi Khởi cười nói:
- Chị ngồi sao trông tự nhiên quá, tôi tập mãi không được.
- Ai biết đâu!
Nàng trả lời cộc lốc, mặt nghiêm nghị làm tôi cụt hứng. Điệu này có muốn thân thiện với cô ta cũng thật vô ích. Buông thõng tay, tôi nằm dài trên cỏ táy máy ngắt một cọng cỏ, cẩn thận tét bỏ hai chiếc lá già ở hai bên, nhai lấy phần non bên trong, mùi cỏ dại hòa lẫn nước bọt trôi dần vào dạ dày gây cho tôi một cảm giác sảng khoái.
Khởi Khởi vẫn ngồi cạnh, cô ta nhìn tôi lạ lùng. Để tránh khỏi phải nghe những lời cộc lốc, tôi không nói gì mà chỉ nằm yên nhìn bầu trời xanh lơ, tâm hồn thảnh thơi.
- Họ thích chị ở điểm này đấy à?
Khởi Khởi đột nhiên lên tiếng. Tôi không hiểu cô ta muốn gì:
- Gì? Chị nói gì?
- Tôi nói Hạo Hạo và Trung Đan.
Khởi Khởi đưa tay chỉ tôi, đôi chân mày châu lại:
- Thì ra họ thích chị như vậy đó.
Tôi ngồi dậy, lắc đầu bảo:
- Tôi cũng không biết họ thích tôi chỗ nào. Nhưng nằm như vầy, tôi cũng thấy không có gì bậy lắm.
Rồi ngắt một cọng cỏ non khác tôi trao cho Khởi Khởi.
- Chị thích thử không? Nhai nhai cũng vui vui.
Cô ta lách người qua một bên như bị tôi nhát sâu, vừa lắc đầu cô ta vừa hét:
- Trời ơi! Chị từ đâu đến vậy?
- Cao Hùng.
- Cao Hùng? Chỗ đó đâu phải là nơi man ri mọi rợ đâu?
- Đúng vậy, ở đấy phố xá rất đẹp, có nhũng thương xá lớn nhất, có bến chài và eo biển cùng với bao nhiêu người thân thuộc.
Tôi bỗng nhớ tới bà hiệu trưởng họ Lâm, bạn đồng nghiệp của mẹ, đến đám học trò ngây thơ dễ mến mà tôi đã lâu không viết thơ thăm.
- Bộ ở đó con gái đều ăn cỏ hết sao?
Khởi Khởi hỏi. Tôi ngẩn người ra chợt hiểu và cười to lên. Chuyện thật khó tin, cô ta tưởng việc ăn cỏ như một phong tục địa phương! Tôi không hiểu sao đầu óc Khởi Khởi lại có thể đơn giản như vậy. Ném cọng cỏ đi, tôi giải thích:
- Nhai nhai cho vui vậy mà. Vậy chớ lúc nhỏ chị chưa hề ăn mầm cỏ, ăn nhị hoa hồng hay cỏ me chua chua sao?
Khởi Khởi thật thà:
- Mấy cái đó ăn được ư?
Tôi nói:
- Được chứ! Ăn cho vui miệng. Thuở nhỏ tôi thường leo lên núi tìm mầm cỏ, nhị hoa, cỏ lá me. Đôi lúc tôi cũng hái những tai nấm dại đem về cho mẹ nấu canh, thích lắm, lúc nhỏ chị không chơi như thế à?
Khởi Khởi đứng lên, phủi những chiếc lá rơi trên áo và lạnh lùng bảo:
- Tôi thấy cũng không có gì vui lắm.
Rồi như dợm bước đi, nhưng rồi cô lại không nhúc nhích và đứng đó nhìn tôi chăm chú, gật gật đầu:
- Thì ra thế, bỗng dưng có một đứa con gái không quen biết thích ăn cỏ non từ đâu chạy đến làm náo loạn cả một nếp sống bình thản của một gia đình. Chị không thấy sự kiện như vậy là lạ lùng lắm sao?
Tôi không hiểu cô ta nói thế với một dụng ý gì? Khởi Khởi lại cười, nụ cười thật nhạt nhẽo và có vẻ khinh thị:
- Chị không lạ lùng, nhưng tôi thì thấy thật lạ. Tại sao mẹ chị lại đem con đi gửi cho người bạn già lâu năm không liên lạc? Tại sao cha tôi lại nhận chị vào nhà? Mẫn Ức My! Chị có đơn giản như cái tên đó không? Chị là ai? Mẹ chị, cha chị là ai? Chị đến đây với mục đích gì?
Tôi đờ người, cứng miệng trước những câu hỏi hóc búa của Khởi Khởi. Đầu óc tôi lờ mờ, nhà họ La này, tôi có phải là người không có lai lịch hay không? Câu hỏi “Mẹ chị là ai” lần đầu tiên tôi mới nghe người ta hỏi đến. Mẹ tôi! Chẳng lẽ người là người lạ. Không thể được. Tôi lắc đầu, dẹp bỏ cái ấn tượng mà Khởi Khởi vừa mang đến cho tôi.
- Vâng. Thái độ tôi không kém - Chị Khởi Khởi, chị muốn đưa tôi vào con đường rối rắm phải không? Việc giản dị như vậy mà chị phân tích một hồi là thành không giản dị chút nào cả. Chính chị, chị không hề biết ăn một cọng cỏ chị mới chính thật là người kỳ quái.
- Có thật vậy không? Hồi đó tới giờ tôi chỉ nghe người ta nói loài trâu, bò mới ăn cỏ hoặc trong chuyện nhi đồng có nói đến những vị thiên sứ ăn cỏ hoa và uống sương mai. Chẳng lẽ chị là thiên sứ à? Rồi cô ta cười mỉa - Có lẽ, có lẽ chị là thiên sứ thật, nhưng chẳng phải là loại thiên sứ bình thường mà là loại thiên sứ phục thù! Thiên sứ phục thù!
Lần đầu tiên tôi mới nghe đến danh từ kỳ quặc như vậy. Tôi phục thù. Nhưng phục thù ai? Phải chăng, vì thất tình mà đầu óc Khởi Khởi bấn loạn? Hay cô ta muốn làm tôi bị rối óc chơi?
Khởi Khởi vuốt lại những sợi tóc bị gió thổi tung, cô ta đi về phiá khu vườn cây, đi được vài bước, cô ta quay đầu lại nhìn tôi nói:
- Ức My, chị lầm rồi, tôi không phải là loài Thố Ty Hoa mà có thể là loài Vi Kính Thảo. Mong rằng chị đừng tành nhẫn ăn cả đọt non của tôi nhé.
Cô ta đi mất rồi, tôi vẫn còn thẩn thờ ngồi đó. Thố Ty Hoa! Vi Kính Thảo! Vậy là đêm đó, lúc tôi và bà Nghị nói chuyện không hẳn chỉ một mình Trung Đan nghe lén. Nhìn bóng Khởi Khởi khuất dần trong lùm cây, đầu óc tôi rối mò, tâm hồn tôi mông lung.
Ngay trong lúc tôi thẩn thờ như thế, thì một bàn tay lạnh lẽo đặt lên vai tôi, gương mặt đang cười khờ khạo của Gia Gia.
Thở phào nhẹ nhõm, đưa tay lên chặn lấy ngực, tôi nói hơi giận dỗi:
- Gia Gia làm cái gì vậy.
- Hoa tàn rồi! Hoa tàn rồi!
Đúng thế, vì hôm nay là cuối thu. Nhìn Gia Gia, thấy bà vẫn mặc chiếc áo cánh mỏng, tôi không lấy làm lạ tại sao tay chân bà lại lạnh cóng như thế. Không có ai chăm sóc áo quần cho bà sao? Cởi chiếc áo bông đang mặc, tôi đứng dậy khoác lên người bà, vỗ về:
- Cho Gia Gia chiếc áo này đấy, mặc đi kẻo lạnh!
Bà ngạc nhiên nhìn tôi, đưa tay nắm thân trước áo. Tôi không thể hiểu được bà đang vui hay buồn? Chậm rãi bà quay người vừa đi vừa lập lại:
- Hoa tàn rồi! Hoa đã tàn rồi!
Tôi ngẩng đầu lên, chợt bắt gặp dây Thố Ty Hoa.
- Thật vậy, hoa đã tàn rồi!

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 979

Return to top