Chuỗi ngày kế tiếp cuộc sống rối loạn hẳn lên. Vì đã lâu, tình cảm tôi như chú mèo con yên ngủ, bây giờ lại thức giấc.
Mỗi buổi sáng thức dậy với một cảm giác mơ màng, đêm đến tôi lại thiếp đi với tình cảm lâng lâng. Ban ngày, tâm hồn ngơ ngẩn. Ban đêm ngủ đầy mộng mơ. Mỗi ngày nhìn vào kính, lúc nào cũng thấy đôi má tôi ửng hồng, đôi mắt như đắm đuối say mê.
Tôi đã biết chuyện gì xảy ra, vì trên từng lỗ chân lông tôi lúc nào cũng như đang thì thào lập đi lập lại hai chữ: Tình Yêu! Tình Yêu!
Sống trong tình cảm đó, lại phải học mỗi ngày với Trung Đan khiến tôi nó có vẻ làm sao ấy. Mỗi buổi sáng, tôi hồi hộp chờ đợi tiếng gõ cửa, rồi trong một thoáng khi Trung Đan bước vào, tôi ngẩng đầu lên mở to mắt chăm chú nhìn chàng lấy tập ra, tò mò muốn biết chàng sẽ làm cách nào để tự khắc phục chính mình, để đóng trọn vai trò của một ông giáo.
Khi Trung Đan giảng bài, đôi lúc tôi như đánh mất chính mình, tôi tì tay vào cằm, thẫn thờ nhìn khuôn mặt của chàng. Có lần Trung Đan để sách bút xuống, chau mày ngắm tôi một cách ngạc nhiên:
- Trời ơi! Ức My, sao em dễ thương quá vậy.
Sách vở bắt đầu bỏ rơi một bên, bút lăn trên đất, còn giấy thì mặc gió thổi bay. Trong khi mắt anh trong mắt tôi, môi anh lướt qua cổ qua mặt, còn những ngón tay lướt nhẹ trên mũi, giọng êm ái như ru:
- Em có chiếc mũi như đuôi chim, đôi mắt to như mắt mèo, nhưng đôi mày em quá sậm không đẹp lắm. Mái tóc ngắn ngổ ngáo quá, lúc nào cũng che bít cả trán. Tay em không mềm, da em không trắng. Tóm lại anh biết em không đẹp nhưng em có duyên và dễ thương làm sao?
Rồi môi Trung Đan kề cận tai tôi, giọng ngây ngô như trẻ nhỏ:
- Em có muốn nghe anh thố lộ cho biết một chuyện bí mật chăng?
Tôi gật đầu:
- Muốn.
- Thế thì nghe đây nhé. Chàng cố ý làm ra vẻ quan trọng - Có người muốn ăn thịt em!
- Ai?
- Anh!
- Tại sao?
- Vì anh sợ kẻ khác cướp mất em.
- Ai cướp?
- Hừ, Trung Đen hểnh mũi lên, như vừa uống phải hũ giấm chua - Cần gì phải nói ra, vì anh biết, em biết, cả hắn cũng biết nữa.
Tôi cười:
- Anh thật đa nghi!
- Có đúng là anh đa nghi không?
Trung Đan ngẩn mặt ra, nhìn tôi dò xét, một lúc gật đầu bảo:
- Chúng ta cùng biết hết phải không? Nhìn nụ cười rạng rỡ của em, anh biết em đang tự hào về sức thu hút của mình. Có lẽ trong đáy lòng em, em đang dự định chinh phục tất cả đàn ông trên đời này.
- Đừng đoán ẩu như vậy, anh tưởng rằng công cuộc nghiên cứu về tâm lý của anh đã đến chỗ toàn bích rồi sao?
- Đúng vậy, nhất là với tâm lý của em!
- Thật không? Tôi nhướng mày hỏi.
- Thật!
- Thế thì xin anh trả lời tôi ba câu hỏi. Trước nhất, điều tôi hy vọng nhất là gì? Thứ hai, tôi đang nghĩ gì? Và thứ ba, người tôi yêu mến nhất là ai?
- Trả lời câu thứ nhất là Từ Trung Đan, câu thứ hai cũng là Từ Đan và câu thứ ba lại là Từ Trung Đan.
- Nói mà không biết ngượng.
Vừa nói tôi vừa bước xuống. Trung Đan ngăn lại:
- Đừng đi!
- Tại sao anh lại cản tôi?
- Chỉ vì anh muốn nghe tim anh đang thổn thức, em thấy không?
Tôi kề tai sát vào ngực chàng.
Chàng hỏi:
- Nó có đập dữ không em?
- Nó đập thùm thụp, thùm thụp...
Trung Đan tựa cằm vào tóc tôi, chàng nói nhỏ:
- Em nói sai rồi, anh nghe nó kêu Ức My, Ức My.
Tôi ngẩng đầu lên, môi chàng vôi giữ chặt lấy môi tôi. Mở to mắt ra, tôi nói:
- Anh là ông thầy tồi, anh muốn dạy tôi môn gì đây?
- Dạy môn khó nhất và tế nhị nhất, đó là luyến ái học.
- Hứ!
Tôi lại cười. Chàng cúi xuống lật vở ra, tằng hắng, cúi nhặt cây bút chì khi nãy rơi dưới đất, rồi đứng thẳng người nghiêm giọng:
- Thôi bắt đầu giờ phút này không cho lộn xộn nữa nhé, học hành đàng hoàng đấy!
- Hứ! Anh làm như tôi là người gây ra lộn xộn không bằng!
- Thì tại em trước chứ còn ai nữa? Ai bảo em cứ nhìn anh chằm chập khiến anh phải động lòng.
- Thế em không nhìn anh thì nhìn ai? Chính tại mình động lòng tà rồi đổ lỗi cho người ta.
- Thôi được rồi đừng cãi nữa. Trung Đan dằn chiếc thước kẻ trên bàn tiếp - Bây giờ nếu ai đi ra ngoài phạm vi bài vở trước sẽ bị đánh. Thước kẻ tôi để đây, đôi bên có thể thi hành. Bây giờ lật trang số một trăm hai mươi mốt, chúng ta xem các công thức về tam giác.
Tôi mở sách ra, lật đúng trang 121, đoạn quay nhìn chờ đợi.
- Kiếm được chưa?
- Rồi.
Trung Đan bắt đầu giảng:
- Người ta gọi một hệ thức tam giác là...
Và chàng ngưng bặt, nhìn tôi lạ lùng.
- Ồ! Ức My, anh vừa khám phá ra tròng mắt em không phải màu đen mà hình như là màu hổ phách!
Tôi cầm thước lên, đánh thật mạnh vào lưng bàn tay chàng một cái khiến Trung Đan nhảy nhỏm lên:
- Ức My, em đánh mạnh quá! Chàng xuýt xoa. Thật đúng như sách dạy, trong đời độc ác là trái tim người đàn bà!
- Ai biểu anh không lo giảng bài.
- Thôi được để anh giảng.
Chúng tôi trở về với sách vở, chàng cầm bút chì lên, bắt đầu giảng một cách thật tỉ mỉ cho tôi biết thế nào là một hệ thức tam giác, vẽ hình rồi ví dụ.
Trong khi tôi đưa tay nâng cằm lắng nghe giọng nói của chàng, tiếng nói trầm trầm khiến tôi thích thú. Tôi nghĩ có lẽ chàng hát hay lắm, dù ít khi chàng hát vì chàng chỉ thích nhạc hòa tấu Nhạc của Schubert là loại nhạc tuy không hẹn, mà tôi và chàng đều cùng thích.
Bỗng nhiên Trung Đan cầm thước đưa lên:
- Nào đưa tay cho tôi!
Tôi không chịu trợn mắt:
- Cái gì?
- Em nghĩ vẫn vơ không chịu nghe. Em nghĩ gì thế?
- Nghĩ về Schubert.
- Tốt! Vậy đưa tay ra đừng nói nhiều!
Tôi nhìn chàng, cây thước đưa lên cao, gương mặt không một nụ cười và nghiêm khắc như một quan tòa, khiến tôi phải miễn cưỡng đưa tay ra, nhắm chặt mắt, tôi cười:
- Này đánh đi thầy!
Nhưng tôi thực kinh ngạc, vì chàng đánh thật, đánh rất đau. Tròn xoe mắt nhìn vết thước đỏ nằm dài, tôi hơi giận, thách thức:
- Muốn đánh nữa không?
- Muốn.
- Thế thì đánh đi!
Chàng đưa môi hôn lấy bàn tay tôi, ậm ừ:
- Ức My ơi! chắc phải tìm một giáo sư khác!
Tối hôm ấy, Trung Đan và tôi đi xi- nê. Khoảng chín giờ đã ra. Chúng tôi đi xe bus đến góc đường Tân Sanh Nam và Bình Đông, rồi thả bộ đi dọc theo đường Tân Sanh Nam về nhà.
Buổi tối mùa hạ trời thật đẹp, ánh sao lấp lánh trên cao, gió lộng. Chúng tôi kề vai nhau vừa đi vừa cười nói, lòng vui như khung trời không một gợn mây.
Chàng nói cho tôi biết những cảm nghĩ của chàng về giáo sư La Nghị:
- Giáo sư là người có khuôn mặt dữ tợn nhưng lại có một tấm lòng rất tốt.
Tôi phản đối ngay:
- Chỉ tại ông ấy không chịu chải tóc, chải râu cho đàng hoàng. Em nghĩ nếu ông ta đầu tóc gọn ghẽ, râu ria cạo sạch, thì gương mặt sẽ đẹp lắm. Chân mày sậm, mắt sáng, mũi cao, chỉ bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ ông rất đẹp trai. Anh nghĩ xem Hạo Hạo đẹp trai như thế thì thuở xưa khi còn trẻ ông ta nào có thua gì Hạo Hạo đâu?
Trung Đan ậm ừ:
- Thế em thấy Hạo Hạo đẹp trai lắm sao?
- Đúng vậy, anh không thấy hắn đẹp trai à?
Trung Đan nhìn tôi dò xét:
- Thế hắn đẹp trai hơn anh không?
- Anh...Tôi đứng lại ngắm nghía, rồi cười - Anh cũng biết là anh không có vẻ gì đẹp trai cả mà!
- Còn hắn đẹp lắm ư?
- Vâng. Hắn rất đẹp.
Tôi gật đầu. Trung Đan chau mày.
Chúng tôi tiếp tục bước. Chàng bẻ một cành cây bên vệ đường, miệng lẩm bẩm:
- Mong cho nó xuống địa ngục cho rồi!
Tôi hỏi:
- Anh nói ai?
- Anh nói Hạo Hạo.
- Trung Đạn Nói xấu người vắng mặt là một điều không tốt, sao anh ích kỷ thế?
Chàng thở dài:
- Ức My, ai biểu em khen cái vẻ đẹp trai của hắn làm chi.
- Chớ anh không thích thưởng thức cái đẹp à!
- Phần nào thôi, anh thích vẻ trầm lặng và phóng khoáng của hắn, nhưng không thích cái lối sống phù phiếm của hắn. Ức My, anh biết hình ảnh hắn đang chiếm một vị trí trong tim em...
Tôi phá ngang:
- Đừng nói khùng!
- Anh không khùng, Ức My, nhất là đối với em, ngoài việc đem tất cả tâm hồn ra để được gần gũi em, anh còn đang tìm tôi để hiểu tất cả bí mật trong tận cùng quả tim em, kể cả những phần mà em cũng chưa hề biết.
Tôi thấy hơi khó chịu:
- Đừng anh, đừng bao giờ nghĩ thế, vì em thấy rằng chưa chắc chắn viếc làm đã đúng.
- Anh cũng mong như vậy.
Chúng tôi đến bên bức tường của trường Đại Học, tôi ngẩng đầu lên nhìn bờ tường cao ngất:
- Tường cao thế này, muốn vào cũng đâu phải là chuyện dễ.
Chàng nói.
- Nhưng em sẽ vào được!
- Anh chắc như thế?
- Ừ!
Tôi mỉm cười, không tin tưởng chút nào.
Đang bước chợt thấy một vật gì trăng trắng đang cựa quậy dưới bờ tường. Tò mò nhìn, thì ra là chú mèo con. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, chiếc thân ốm nhỏ tựa nơi góc tường trông nó cô độc và buồn thảm làm sao. Có lẽ nó chỉ mới sinh được khoảng mười bữa nên trông chẳng khác chú chuột bạch. Tôi cúi xuống, vuốt nhẹ chiếc đầu nhỏ, tội nghiệp:
- Ôi chú mèo con!
Trung Đan nói:
- Có lẽ nó bị vứt bỏ đấy. Nó sống không lâu đâu! Còn nhỏ quá, đang còn bú sữa mẹ mà bị bỏ như vậy, tội nghiệp.
Tôi ôm chú mèo lên, nó khoanh tròn trong tay tôi kêu meo meo, gương mặt nhỏ nhắn với đôi mắt to nhìn tôi e ngại, có phải chăng nằm trong tay tôi ấm áp hơn là bức tường? Trung Đan nhìn chú mèo dò xét một lúc rồi nói:
- Ối trời ơi! Chú mèo sao giống em quá.
- Nói bậy không à!
- Thật mà, nhất là đôi mắt.
Tôi nghiêng đầu ngắm nghía, chú mèo cũng ngẩng đầu nhìn tôi. Trong khi tôi chau mày, hắn lại hỉnh hỉnh chiếc mũi nhỏ.
Trung Đan bật cười:
- Em với chú mèo giống nhau thật mà, cả cử chỉ cũng thế.
- Hừ!
Tôi đặt chú mèo xuống đất, định bước đi. Bỗng chú mèo bò đến, đầu cọ vào chân tôi, kêu nhỏ như cầu xin. Lúc ấy, tôi mới nhìn thấy cái chân tật nguyền của hắn. Lòng chợt rung động, tôi thở dài:
- Lại một cuộc đời đáng thương, nếu không được ân cần chăm sóc và nuôi nấng, nó không thể nào sống nổi!
Thế là tôi cúi xuống bồng chú mèo lên, nói với Trung Đan:
- Anh nghĩ em có thể nuôi chú mèo này được hay không?
- Sao lại không.
- Em sợ giáo sư La Nghị nói em lộn xộn. Hình như tất cả những người trong gia đình họ La đều không thích thú vật. Nhưng em sẽ cố chăm sóc nó và không để làm phiền mọi người.
Tôi vuốt đầu mèo con.
- Chú mèo con tật nguyền tội nghiệp quá! Từ nhỏ em đã thích chăm sóc cho những loài vật xấu số như thế này rồi anh ạ!
- Mang nó về đi, rồi anh sẽ giúp em nuôi. Nhìn xem hình như nó đói lắm rồi!
Thật vậy, chiếc bụng chú mèo xe.p lép, đôi mắt to đang xoe tròn nhìn tôi, chiếc lưỡi nhỏ liếm quanh bàn tay. Tôi háo hức muốn tìm ngay thức ăn cho nó thế là chúng tôi kêu ngay chiếc xích lô chạy nhanh về nhà.
Bước vào phòng khách quang cảnh chung quanh làm tôi ngạc nhiên, vì chiếc phòng vắng lạnh hằng ngày nay bỗng đầy đủ cả mọi người. Điều ngạc nhiên hơn nữa là bà Nghị, hồi nào tới giờ chưa hề bước xuống thang lầu, thế mà hôm nay đang ngồi ở salon với chiếc áo cánh trắng, nước da trắng xanh, trông đẹp làm sao! Khởi Khởi ngồi trước chiếc đàn piano đang dạo “Khúc nhạc ngày xuân” của Mozart. Hạo Hạo đứng tựa lưng lên cửa sổ lơ đãng. Giáo sư La Nghị ngồi yên trong ghế lắng tai nghe tiếng đàn của Khởi Khởi.
- Ủa? Hôm nay ngày gì thế này?
Trung Đan giật mình.
- Anh không biết thật à? Hạo Hạo đốt điếu thuốc, hít một hơi thật dài - Hôm nay là ngày sinh nhật thứ mười tám của Khởi Khởi.
Trung Đan hơi ngại ngùng:
- Thế mà tôi quên mất.
Khúc nhạc vừa dứt, Khởi Khởi đậy nắp đàn lại, xong quay qua, đôi mắt đẹp của nàng lấp lánh nhìn chúng tôi với một vẻ lạnh lùng không cảm giác. Nhìn Trung Đan, Khởi Khởi lãnh đạm:
- Chỉ có mẹ là còn nhớ ngày sinh nhật của tôi, vì đó là ngày đau đớn nhất của người. Còn đối với người khác thì sinh nhật của tôi nào có nghĩa gì đâu? Có khi còn coi đó là một ngày đáng phiền nữa là khác.
Trung Đan vồn vã:
- Sinh nhật là ngày chào đời của một mạng sống, theo tôi thì sự ra đời của một sinh mệnh là điều đáng vui, vì thế gian này chỉ tồn tại khi có sự hiện diện của sự sống, nếu không sẽ không có cuộc đời này. Khởi Khởi có nhận thấy như vậy không?
Hàng mi dài của nàng khẽ rung động, đôi mắt đen nhánh chăm chú nhìn Trung Đan, nàng chậm rãi:
- Lời anh nói như lời của các nhà truyền giáo. Hẳn nhiên đối với thế giới này, không có sự sống thì chỉ là một quả thạch cầu to mà thôi, nhưng nếu bàn về cuộc sống riêng rẽ, thì dù có hay không có cũng không khác chi mấy. Vì đúng ra trước khi thượng đế tạo ra con người, nên tìm hiểu trước xem họ có chán sống không? Vì cuộc sống đôi lúc chỉ là một gánh nợ chớ không vui sướng gì! Anh có thấy như vậy chăng?
- Cô cũng có lý. Trung Đan gật đầu - Nhưng mà theo tôi, nếu đã có cuộc sống rồi nghĩa là đã có sự hiện diện của thể xác chính mình trên đời này thì mình phải biết yêu quí sự sống, phải biết tìm thú vui trong cuộc đời ô trọc này. Con người còn sống là còn trách nhiệm với thân xác. Cuộc đời chẳng qua như ngọn đèn sáp, đốt một phút, cháy một phút, đốt một ngày cháy sáng một ngày, mãi đến khi sáp đã tan, đèn tan hết thì ánh sáng mới tắt...
Hạo Hạo chịu không nổi, hắn chặn ngang lời Trung Đan:
- Thôi được rồi, đem tất cả cuộc sống của anh, đèn sáp, trách nhiệm.. dẹp hết đi. Giờ này đâu phải giờ học mà thầy giáo cứ lải nhải mãi những lý luận đó, hãy để đó đợi đúng lúc sẽ bàn sau.
Rồi đi ngang tôi hắn nhìn dò xét:
- Ức My, cô ôm cái gì đó?
- Một sinh mạng!
Tôi cười đáp, đoạn đem chú mèo đặt trên ghế salon. Chú mèo con đưa mắt thăm dò hoàn cảnh cuộc sống mới.
- Vì nghĩ là kẻ đã sáng tạo ra nó đã phủi trách nhiệm, nên tôi mang nó về đây.
- Ức My, cho phép tôi nói một câu. Hạo Hạo nói - Sao cô ưa gánh hộ việc người quá vậy. Cô tưởng là cha tôi cho phép cô thu nhận kẻ bá vơ như vậy sao?
Tôi nhìn giáo sư, ông hơi nhíu mày có vẻ không vui. Mắt ông nhìn tôi đăm đăm, tôi nghĩ có lẽ ông không hài lòng cho lắm về việc tôi mang về một mạng sống nhỏ bé.
Tôi vuốt nhẹ trên lưng mèo, đưa mắt van xin nhìn giáo sư La Nghị:
- Xin giáo sư cho phép tôi được nuôi nó. Tôi sẽ không để cho nó quấy rầy ai cả. Tôi nghĩ rằng giáo sư thu nhận một kẻ không nhà, không cửa như tôi thì có lẽ ngài cũng không phản đối việc tôi thu nhận một con mèo bơ vơ như thế này, phải không?
Giáo sư nhìn tôi một lúc, nói ngắn ngủn:
- Liệng nó đi, nhà này không nuôi thú vật!
- Thưa giáo sư, con mèo con này có gì phiền đâu, nếu liệng đi, nó sẽ chết. Xin giáo sư hãy để tôi nuôi nó, vì nhất là nó tàn tật làm sao nó có thể sống được? Liệng nó đi tội nó.
Hàm râu của giáo sư rung động, đôi mắt ông như dịu hẳn, ông đưa tay sờ mũi, rồi lẩm bẩm câu gì trong miệng, hình như tư tưởng ông đang xung đột dữ dội. Một lúc, ông nghiêm sắc mặt lại, rồi hét:
- Tôi nói đem liệng nó ngay nghe không?
Tôi bị tiếng hét làm giựt mình, cúi xuống nhìn chú mèo con lòng tôi thật đau xót, có lẽ con vật đã biết được vận mạng của mình, hắn nhìn tôi tròn xoe mắt, rồi kêu meo meo thật não nuột.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn thẳng giáo sư, cố gắng một lần chót:
- Thưa giáo sư, tại sao giáo sư lại từ chối làm một việc thiện? Nuôi một có mèo có mất mát gì đâu? Ngoài ra tôi xin cam đoan với giáo sư tôi sẽ cố gắng hết sức không để phiền lòng giáo sư. Cắn môi, tôi nói - Tôi biết giáo sư có một trái tim hiền lành và dễ xúc động, thế tại sao người mãi dùng cái bề ngoài tàn ác kia che đậy nó. Tại sao? Tôi không tin rằng giáo sư tàn nhẫn và vô tâm như thế.
Giáo sư đứng chồm lên, suýt chút làm vỡ bình trà trước mặt, mắt trừng trừng mở lớn, như muốn rơi ra khỏi đám cỏ rối, miệng ông lẩm bẩm hay tay nắm chặt, như sẵn sàng đập cho tôi một trận...Nhưng rồi, nắm tay buông thõng, mắt chớp nhẹ, ông nói:
- Em có “nghĩa vụ” phải nuôi nó chăng?
- Không có nghĩa vụ mà chỉ vì vui thích.
- Vui thích? Giáo sư La Nghị trừng mắt nhìn tôi - Em đã dùng hai chữ gì kỳ cục thế?
- Vâng, tôi thật tình ưa thích, vì khi còn bé tôi đã thích nuôi loài vật rồi, nhất là với loại tàn tật, ốm yếu, không nơi cư ngụ. Lúc còn ở Cao Hùng, trước ngày mẹ bệnh, tôi có nuôi ba con chó, hai con mèo và năm chú thỏ. Tôi thích nuôi những con vật ốm yếu để nhìn thấy một ngày nó trở nên khỏe mạnh, làm như thế tôi cảm thấy mình là kẻ quan trọng là kẻ giúp đời. Nhìn sự trưởng thành của nó ta sẽ thấy vui sướng biết chừng nào. Có một lần...
Tôi ngưng lại vì cảm thấy mình nói quá nhiều, nhưng giáo sư La Nghị lại chăm chú nhìn tôi:
- Nói tiếp đi!
- Có một lần, nhà bạn tôi có nuôi một con khỉ, chú khỉ ấy bị bệnh sắp chết, bạn tôi muốn quăng nó đi, tôi đã xin về nhà, dùng thuốc giải nhiệt, giải cảm cho uống. Lẽ dĩ nhiên là nó khỏi hẳn, nhìn nó càng ngày càng khỏe mạnh, tôi sung sướng lắm. Thế mà một hôm nó lại cắn tôi một phát, tôi phải vào bệnh viện chích hết bốn mũi thuốc. Tôi buồn lắm vì không ngờ con vật được mình cứu sống lại có thể hại mình như vậy. Mẹ tôi bảo - Ức My, đây là bài học đầu tiên cho con, con hãy nhớ rằng cuộc đời này đôi lúc không thể nói chuyện tình nghĩa, kẻ hại con có khi lại là người con tin yêu nhất, vì thế con đừng quá tin ai, kể cả chị em, bạn bè thân thuộc, chỉ có thể tin ở chính mình vì đó là người đáng tin cậy nhất. Con cũng đừng quá dễ dãi thương yêu ai để tránh khỏi phải khóc hận sau này. Việc đó đã ghi sâu vào tâm não tôi, cũng từ hôm đó tôi không còn nuôi một con vật nào nữa cả. Nhưng bây giờ chú mèo này lại khiến tôi động lòng.
Tôi mỉm cười, vỗ nhẹ đầu chú mèo.
- Tôi tin rằng, nó sẽ không bao giờ cắn hay cào tôi. Giáo sư! Giáo sư có đồng ý cho tôi thí nghiệm một lần nữa không? Hãy để cho tôi nuôi nấng con vật khốn nạn này, nếu không nó sẽ phải chết ở đầu đường xó chợ. Ngài có thể nhẫn tâm nhìn nó chết như vậy không?
Giáo sư La Nghị không nói một lời gương mặt đăm đăm kỳ bí, tia mắt như muốn đi sâu vào trong mắt tôi. Lối nhìn của ông khiến tôi cảm thấy ngại ngùng, chỉ vì một chú mèo con mà có thể gây nên hoàn cảnh khẩn trương như vậy hay sao?
Hạo Hạo bước đến cạnh salon, ôm chú mèo lên ngắm nghía, cười lớn:
- Ô hô! Đúng là chú mèo sợ chuột gương mẫu. Được rồi! Ức My nuôi nó đi, tôi sẽ giúp cô, đây là của chung của hai người nhé, chịu không? Nói vậy chứ chú mèo này xem ra cũng lanh lợi lắm có lẽ bắt chuột được. Bạn tôi cũng có nuôi một con mèo, hết ăn tới ngủ, mập đi không muốn nổi, đến nỗi các chú chuột chạy quanh mình mà chú vẫn cứ ngủ tỉnh bơ, cho đến một hôm lũ chuột kéo nhau đến vặt sạch cả râu mép mà vẫn không hay!
Tôi cười to lên dù biết rằng chuyện của hắn là chuyện xạo, những vẫn không nín được.
Trong phòng ngoài tôi không một ai cười hết, không thí thật nặng nề. Mọi người yên lặng suy nghĩ làm nụ cười nham nhở của tôi bị cụt hứng. Nhìn ông Nghị, rồi bà Nghị tôi không hiểu gì cả, thắc mắc:
- Làm sao vậy?
Bà Nghị đứng dậy, gương mặt trắng bệch ra hơn, đôi mắt đen ưu sầu nhìn tôi, đoạn quay đi như một xác chết, bà thẫn thờ bước khỏi phòng đi về phiá phòng ăn. Giáo sư La Nghị bước theo đỡ vợ, nhưng khi bước đến cửa ông lại quay sang nhìn tôi, lần này với ánh mắt trang nghiêm nhưng không kém phần đau khổ. Kế đến là Khởi Khởi cũng đứng dậy, lạnh lùng nhìn tôi và Trung Đan một lúc, ho khan một tiếng rồi bước ra khỏi phòng.
Trung Đan quay nhìn tôi, từ mặt đến tay, tôi theo tia mắt ngó xuống mới thấy mình đang đặt tay trên đầu chú mèo, còn chú mèo thì đang nghẻo cổ nằm trong lòng Hạo Hạo. Do đó dù muốn dù không tôi cũng đang đứng cạnh Hạo Hạo, đầu tôi gần như muốn tựa vào vai hắn, Trung Đan hậm hực:
- Thế các người định “nuôi chung” chú mèo đó ư?
Hạo Hạo đáp nhanh:
- Đúng vậy, tôi đã nghĩ ngay cho nó một cái tên.
- Tên gì?
- Tiểu Ba ( Sóng nhỏ).
- Tiểu Ba ư? Theo điển cố nào mà đặt như thế?
Hạo Hạo ậm ự:
- Vì tôi thấy hình như có một cơn bão vô hình đang xảy ra quanh chú mèo, nhưng mong rằng với trí thông minh của tôi, tôi có thể giúp nó giải quyết.
Trung Đan tư lự nhìn Hạo Hạo, Hạo Hạo cũng nghinh lại, Hạo Hạo hỏi:
- Sao, đánh cờ không?
- Mạt chược nhé?
- Được.
Hạo Hạo đưa chú mèo cho tôi, rồi theo Trung Đan ra khỏi phòng. Trong một thoáng, phòng khách rộng thênh thang chỉ còn lại mình tôi. Lặng người giữa bao nhiêu chuyện lạ lùng, cho mãi đến lúc chú mèo kêu meo meo tôi mới chợt tỉnh.
Cầm chú mèo trên tay, tôi hỏi:
- Chuyện gì thế hở Tiểu Ba?