Bạc
Bùi Hiển
Trên con đường quan gồ ghề đá trắng, người đi chợ phủ làm từng đám nhộn nhịp. Những bác nhà quê, cổ phanh rám đỏ, bước dài, hơi hất đầu gối. Những người đàn bà gánh hàng chạy chạy từng bước nhỏ, một tay vung vẩy như làm dáng; họ không vội vàng, nhưng sao có vẻ tất tả.
Một cái xe tay lạch cạch vượt lên. Ba bốn người ngồi trên, có người phải vắt bộ giò đen, gầy và gân guốc lên cái chắn bùn. Bác xe cắm cổ kéo: vậy mà còn nghĩ chuyện chơi khoảnh, đợi gần sát một đám người bác bỗng quát lên; mấy chị con gái đang mải chuyện vội nhảy ngang một cái sang lề đường, điệu bộ rất xấu. Qua cơn hốt hoảng, họ tít mắt cười với nhau; vài chị lên tiếng trách mắng, nhưng lại trở lại ngay câu chuyện bỏ dở. Khách xe văng lại sau chuỗi cười ha hả, dài và khoái trá.
Lúc xe tới chỗ ngã ba gần chợ phủ, một người đàn ông trong bọn nhảy xuống. Điểm đủ ô và quạt trong tay rồi, ông ta bước vào hàng quán cạnh đó.
Mụ hàng đon đả:
- Mời ông Phó vô đây. Bữa ni có thịt cầy béo lắm.
Đó là một mụ già, giọng nói vạm vỡ hơi rè. Ông Phó ngồi trên chõng rồi, mụ không đợi bảo, rót đầy một cút rượu trắng, nút sơ bằng nhúm lá chuối khô, đem tới đặt trên bàn, trước mặt người khách hàng quen. Mùi men tỏa thơm trong quán hẹp: mụ hít hít mà nói:
- Tôi có pha thêm "nố ta" vô đó.
"Nố ta" tức là cái khoản rượu lậu.
Mụ lại bưng tới một đĩa thịt cầy, trông đen đen hơi bẩn; mùi riềng the gắt xộc vào mũi. Mụ nói:
- Ông Phó nhắm đi. Con chó béo ngậy, tôi mua chẵn mười quan đó, ông nhắm đi, uống rượu cho tỉnh người rồi mua bán cho tinh. à ông đi chợ làm chi đó?
- Tôi đi tậu con bò mụ nạ.
Mụ già hoạt bát, đưa đẩy câu chuyện. Mụ khen ông Phó giỏi làm ăn, tậu thêm được nhiều ruộng, đến đỗi năm con vừa bò vừa trâu làm không xuể. Vừa nói mụ vừa nhìn ông Phó, dõi theo từng gắp và từng tợp rượu, vẻ như chia sẻ sự ngon lành của khách.
Mặt béo ông Phó đỏ dần, khiến đôi môi càng tái đi. Ông nói:
- ấm bụng lạ. Rượu vô rồi thấy người mình như nở ra, như to thêm. Mụ cho tôi cút nữa.
Chợt ông nhìn ra đường mà kêu:
- Bác Xã! Bác Xã! Vô đây làm vài chén đã.
Người bị gọi như vậy, đang cắm đầu đi vội về phía chợ, đứng giật lại, rồi bước vô quán. Mụ hàng lanh lẹn lấy thêm rượu, đặt thêm một đôi đũa và một cái chén mà mụ đã thò ngón tay ngoáy cho bớt bẩn.
Bác Xã xoa hai tay vào nhau, nhìn chén rượu trắng lờ lờ và đĩa thịt chó, vẻ nắc nỏm. Ông Phó giơ tay:
- Mời bác. Ta!
Chén thù chén tạc, hai người chuyện nở như ngô rang. Họ ngồi trong dáng điệu quen, một chân co lên trên chõng cho đầu gối gần ngang cổ. Họ nhai cách chậm rãi, sau vài ba hớp rượu thì dừng lại, hút điếu thuốc lào hoặc xỉa răng và mút chúp chíp. Bác Xã càng uống càng tái mặt, lại càng điềm đạm hơn, trong khi ông Phó, say mèm, nói bậy bạ huyên thuyên, công kích người này người khác.
Trong não bị kích thích, ông hồi tưởng lại một mối hiềm cũ giữa ông và bác Xã. Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, giữa hai chén rượu, nhân sự cạnh tranh về ngôi thứ sao đó, và mối hiềm đã kết thúc cũng giữa hai chén rượu, thứ nước cay kỳ dị có phép hun nóng những cuộc xung đột mà cũng làm nguôi dịu những sự hằn thù.
Vốn tính xung động, ông Phó thấy cái hồi ức trỗi dậy cách gay gắt; bụng ông cháy bừng, vì rượu, nhưng ông lầm tưởng đó là sự tức giận. Ông nghiền ngẫm lại mối thù hằn, những thiệt hại đã chịu. Ông bắt đầu nói bóng gió đến chuyện cũ.
Bác Xã thấy khó chịu. Bác đáp lại bằng những lời đo đắn, nhưng đích đáng.
Cuộc trao lời gay gắt dần. Ông Phó to tiếng và thô tục hơn, bác Xã cay độc hơn. Ông Phó vừa nói vừa nhổm nhổm như cách muốn xông tới.
Mụ quán bắt đầu lo ngại. Mụ nghĩ: "Rồi ai trả mình tiền rượu đây?". Một thằng bé hàng xóm khoảng năm sáu tuổi nhưng không mặc quần thơ thẩn vào đứng xem, tay chắp sau lưng làm cái bụng thêm ỏng. Vài ba người đi chợ, nghe tiếng cãi cọ, ghé nhìn rồi bỏ đi.
Thốt nhiên ông Phó đứng dậy, nắm cái cút lia mạnh vào mặt kẻ địch. Bác Xã nghiêng mình tránh kịp. Cái cút đập vào cột tre, vỡ toang. Sau tiếng vỡ, tiếp theo một giây im lặng ghê gớm. Mụ quán đứng run, không nói được nên lời. Mụ ấp úng kêu: "Ua trời là trời!".
Bác Xã vụt hất tung cái bàn: ông Phó bị bàn thúc tới ngã ngửa ra, cái chõng theo đà trượt về sau. Ông gượng dậy rất nhanh. Hai người bíu lấy nhau. Bác Xã nắm được cổ ông Phó vít xuống ghì chặt giữa hai bắp đùi, nắm tay lại tha hồ đấm: bác đấm như mưa vào hông, vào bụng, vào chân đối thủ; ông Phó hục hặc đầu rất mạnh cố gỡ.
Chợt từ mình ông Phó một vật văng ra, nẩy trên đất rồi trượt trượt tới nấp dưới chân tủ rượu. Cuộc đấu vẫn mê mải. Bác Xã vẫn thắng thế, giáng nắm tay túi bụi lên mình ông Phó.
Ông này gỡ được đầu ra, vừa định đứng thẳng người dậy, thì lại bị một quả đấm vào hông, chỗ mạng mỡ. Ông "ực" một tiếng, lảo đảo, hơi há miệng. Mắt ông mờ đi, rồi mềm như bún, ông sụp đổ xuống đất, nằm quỵ im lặng.
Bác Xã dừng lại, hai bàn tay còn nắm. Bác đá hất mình ông Phó cho bật ngửa ra, thân hình ông này giật nẩy rồi từ từ đổ xuống. Ông không thở nữa, hai mắt trương trắng dã, mép sùi chút bọt. Thằng bé đứng coi kêu lên: "Chết rồi! Chết rồi!" và chạy đi loan báo tin án mạng.
Tiếng kêu của nó đánh thức sát nhân. Bác Xã nhìn cái xác một lần cuối cùng, nhìn xung quanh một thoáng nhanh rồi như cách không việc gì đã xảy ra, không có vẻ đi trốn chút nào, bác thủng thẳng bước ra, vừa đi vừa nói: "Tôi ra chợ đây, tôi ra chợ". Mụ hàng vội nắm lấy áo bác, kêu ầm: "Không được, không được, ông định đổ vạ cho tôi à?". Bác Xã hất tay mụ, khiến áo bác rách soạc một đường dài; đoạn bác bỏ đi.
Bị hất ngã, mụ quán ngồi bệt luôn trên đất. Mụ nhìn quanh vẻ ngờ ngạc, không biết làm thế nào. Mụ lô la: "Ua làng xóm ơi, đến mà coi, ông Xã đập chết ông Phó rồi!". Rồi mụ nói nhỏ một mình, giọng mệt nhọc vì kinh khủng: "Ua trời ơi là trời! Có ai ngờ ri không!".
Mắt mụ chợt để ý đến vật nằm cạnh chân tủ. Mụ bò lệt sệt trên đất, cầm lấy xem. Đó là một cái ví đã cũ bụng dày cộm. Vì bị đánh văng, ví nằm há miệng để lộ sống lưng của một tệp giấy dày; mụ rút tệp giấy ra xem. Do những hình vẽ màu và mùi thơm đặc biệt, cái mùi thơm "Tây", mụ nhận ra giấy bạc. Trong một cử chỉ gần như vô thức, mụ giắt xấp bạc vào thắt lưng, vứt cái ví vào chỗ cũ.
Người hàng xóm và người đi đường dần dần kéo đến, xúm quanh cái xác. Mụ nói như cần phải tự biện bạch ngay: "Ông Xã Điều đó, bà con ạ, ông Xã Điều đập mà nên nông nỗi rứa đó!".
Nhưng bây giờ, mối lo ngại của mụ không phải là cái xác đang nằm sóng sượt giữa quán mụ nữa. Mụ chỉ nghĩ đến xấp bạc. Vì lật đật, mụ giắt không được kỹ. Mụ ngờ nó còn lòi ra ngoài thắt lưng, nhưng không dám nhìn xuống: mụ bèn giữ ép vạt áo nâu trên bụng.
Người ta đứng nhìn xác chết, tò mò, không ai nghĩ đến chuyện cứu sống hay đi báo quan. Tiếng rầm rì nổi lên: người nào thấy xác rồi thì kêu một tiếng sẽ hoặc chặc lưỡi, bỏ ra ngoài cho người khác len vào. Họ hỏi nhau: "Ai chết đó?".
Vừa lo lắng nghĩ đến tập bạc, mụ hàng vừa nói vẩn vơ: "Rứa đó làng xóm nạ, nông nỗi rứa đó". Bứt rứt, không thể ngồi yên được, mụ đứng dậy đi lại, nhặt những mảnh vỡ, rồi nhân dịp đó đi ra sau. Vứt xong những mảnh vỡ vào đống rác, mụ ghé vào buồng, rút tập giấy bạc để cất vào rương tiền.
Ngoài kia, có tiếng đàn ông nói:
- Phải đi mời quan Phủ chớ, để mãi ri à?
Nghe tiếng "quan", mụ đâm luống cuống, mụ hí hoáy mãi không sao tra chìa khoá vào ổ được. Mụ bứt vứt giấy bạc vào đống quần áo tấp cạnh rương. Nhưng vì tay run quá, mụ vứt trật ra ngoài. Tập bạc đập vào vách, rơi xuống lăn cạnh chân mụ. Mụ toát mồ hôi: tiếng động vừa rồi, mụ nghe vang lên, tưởng chừng ngoài kia họ đều nghe rõ. Mụ đứng tần ngần một giây, rồi như thể chịu phục tùng số mệnh, như biết rằng mình sẽ không nuốt trôi được của gian kia, mụ cúi nhặt bạc, lận lại vào trong mình, đi ra. Mụ đã quyết định: Mụ sẽ trả lại số bạc. Mụ khom khom vờ nhặt những mảnh chai vụn, dạo bàn tay dưới gầm tủ rượu, lấy cái ví giắt nhanh tập bạc vào, rồi giơ ví trước mọi người mà kêu lên: "Nì, của ông Phó văng ra đó, bà con coi ni! Tôi tìm thấy dưới tủ, dưới ni đây!". Cẩn thận, như cách để cho người ta tin hơn, mụ chỉ vào chân tủ rượu.
Đoạn mụ tới đặt cái ví trên bụng xác chết. Có ai nói: "Chắc nhiều bạc trong nớ"; không hiểu tại sao, mụ quán thấy vui sướng nở ruột nở gan, gần như kiêu hãnh. Mụ nhìn mọi người, như muốn nói: "Tôi có biết, rứa mà tôi không lấy".
*
* *
Bây giờ, chuyện đã kết liễu. Mụ quán có bị đòi lên nha hai lần; quan Phủ hỏi mụ cặn kẽ, vặn điều này, bẻ lời kia. Mụ cuống lên, trả lời bậy, rồi lại phản cung. Thầy Đề gắt om. Người ta chép, người ta đọc lại cho mụ nghe biên bản lời khai, người ta bắt mụ điểm chỉ; mụ để mặc cho làm, lòng sợ hãi trước tất cả những nghi thức rắc rối, kỳ cục kia. Và mụ mừng rằng mình đã khôn ngoan trả lại tập bạc. Mụ nghĩ: "May! Thật là trời phật phù hộ, xui mình không cất được tiền vô rương".
án đã xử xong ở tòa sơ cấp. Bác Xã chờ ngày giải tỉnh để người ta thẩm lại án. Mụ quán lại được yên ổn làm ăn như cũ.
Một đôi khi ngồi buồn không có khách hoặc nằm chưa ngủ được, mụ quán nghĩ đến tập giấy bạc. Mụ ước lượng giá trị của nó: "ít ra cũng dăm chục, tập bạc dày lắm; vả ông Phó hôm ấy định đi mua bò".
Năm chục! Cả một gia tài! Mụ tưởng nghe lại mùi giấy bạc thơm thơm. Chao ôi! Đã một lần mụ mang năm chục trong thắt lưng! Vậy mà trời phật không độ, tiền đến với mụ rồi tiền lại đi, giống như chuyện những người kém phúc kia, bắt được thoi vàng thì vàng hóa ngay thành đất. Mụ buồn rầu nhưng đành chịu.
Nhưng mối tiếc tham nung nấu dần lòng mụ. Mụ bắt đầu tự trách mình ngu dại, tiền đến trong tay lại nhè xua ra. Sự lo sợ của mụ thực đã quàng xiên: nào có ai chứng kiến việc mụ lấy bạc? Thằng bé hình như cũng không thấy cái ví văng ra, nếu thấy nó đã mách lại cho người ta nghe rồi. Ai có thể biết được ông Phó mang bạc trong mình? Có bà Phó, nhưng bà có dám đoan chắc rằng bạc mất tại quán rượu không? Mụ cứ việc giấu kỹ tiền, chôn xuống đất nếu cần, rồi ít lâu sau, khi việc đã nguôi, lấy ra mà tiêu phí. Với năm chục, mụ có thể mua một chức Nhiêu cho đứa em trai, mở to thêm quán rượu, và nhất là cất lại mả chồng, điều dự định xưa cũ mà vì đồng tiền eo hẹp mụ chưa thực hiện được.
Mụ nghiền ngẫm ngần ấy ý nghĩ, lâu dần thành một ám ảnh. Mối tiếc của khiến mụ lúc đầu buồn rầu, rồi đau xót, rồi gần như phẫn nộ, như thể mụ đã bị ai làm thiệt hại. Việc buôn bán của mụ kém sút đi.
Sau cùng, không ngăn được nữa, một hôm mụ lên quan! Mụ lên đòi lại số tiền.
Thầy Đề, người kinh đô, thấy mụ bèn hỏi:
- Chi đó nữa, mạ?
Mụ chào lễ phép rồi nói duyên cớ cuộc đi của mình. Các thầy cười ầm cả lên. Thầy Đề vặn:
- Rứa đó là tiền của mạ?
Mụ đáp rất cứng cỏi:
- Tiền của tôi.
- Chứng cớ ở mô?
A, điều đó mụ chưa bao giờ nghĩ đến. Hình như trong bụng, mụ cho, cách rất tự nhiên, rằng không ai chối cãi được quyền sở hữu của mụ trên số bạc mà mụ đã cầm, đã ngửi thấy mùi thơm, đã lận trong thắt lưng, đã định bỏ vào rương, chung lộn với tiền mình. Không phải mụ ngu ngốc, nhưng lòng tham bừng cháy và nỗi tiếc day dứt đã làm loạn trí nghĩ của mụ. Mụ bèn đáp.
- Không, tiền của tôi thật mà.
Người ta đòi cho được chứng cớ: mụ quán, kém lý nhưng cứng cổ, chỉ đáp một mạch, giọng chậm rãi và tin tưởng:
- Tiền của tôi... tiền của tôi...
Thấy cái trò đùa kéo dài, người ta đuổi mụ ra; mụ không chịu. Một bác lính lệ nắm tay mụ kéo, mụ cưỡng lại, ngồi sụp, cho chân trượt sệt sệt trên nền gạch hoa. Lôi đến đầu hè, thấy chung quanh không có ai, bác lệ mới ghé tai nói nhỏ:
- Mụ mần chi rứa cho mất công. Quan với các thầy chia nhau lủm hết từ đời mô rồi.
- Lủm cái chi? - Mụ lơ ngơ hỏi lại.
- Cái khoản tiền mụ đòi đó.
Bác lính cười khề khề, nhe hàng răng vẩu vàng ệch.
Mụ nhìn bác với đôi mắt ngơ ngơ ngác ngác, như không hiểu hoặc không muốn hiểu. Chán quá bác lính bỏ đi.
Tan buổi hầu, mụ mới chịu ra về. Hôm sau mụ lại đến, rồi những hôm sau nữa, đều đặn y như người làm việc bàn giấy. Mụ đem dùng cái khí giới độc nhất của đám dân thôn quê hèn yếu: sự dai dẳng. Mụ ngồi bệt trên nền gạch, đầu nghiêng, một tay tì má, trông như cách lo nghĩ. Thỉnh thoảng, mụ nhắm mạnh mắt, làm cho một tí nước mắt kẻ già tiết ra ở khóe mi màu đo đỏ. Theo tật quen, da gò má bên phải của mụ đôi khi giật giật, khiến những nếp nhăn hình cánh quạt giãn ra, co lại.
Ngồi buồn, mụ chuồi người nhặt một cái kim găm, dùng đầu ngón tay vuốt cho sạch rồi gài lên khăn chít. Hoặc mụ lê tới gần sọt giấy, lấy ra từng mảnh giấy một, căng thẳng ra như cách muốn đọc chữ trong ấy, đoạn lại vứt vào sọt.
Người ta quát mắng, mụ ngồi thu mình lại như để vững thế thủ hơn. Càng bị xua đuổi, mụ càng bám dai, càng tin tưởng rằng mình đã chịu thiệt hại.
Thế rồi quan phủ nổi nóng. Dọa suông không được, ông sai đem giam mụ. Mụ bị giam hai ngày; thằng em lên xin tha cho mụ, phải dùng sức mới đưa được mụ về nhà.
Từ đó, mụ thành buồn bã, câm lặng; tập bạc ám ảnh mụ như một bóng ma. Mụ có thêm một cớ để chua xót vì đời, cái đời độc dữ và cướp bóc.
1942
Rút từ Tuyển tập Bùi Hiển