Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Phép lạ của sự tỉnh thức

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4575 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phép lạ của sự tỉnh thức
Thích Nhất Hạnh

Phần IV

 VỌNG TÂM TRỞ THÀNH CHÂN TÂM

Thiều ơi ! Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc lại ở đây là trong khi thực hành quán niệm ta chớ nên để sự phân biệt thiện ác, chính tà chi phối để tạo nên sự dằng co.Khi một ý niệm thiện phát sinh, ta chỉ nên nhận diện "một ý niệm thiện vừa phát sinh”. Khi một ý niệm bất thiện phát sinh ta chỉ nên nhận diện : “một ý niệm bất thiện vừa phát sinh”. Đừng lôi kéo hoặc xua đuổi, không yêu mến cũng không ghê sọ. Hãy chỉ nhận diện chúng thôi là đủ. Nếu chúng đã đi rồi thì biết chúng đã đi rồi. Nếu chúng còn đó thì biết chúng đang còn đó. Có cảnh giác rồi thì không có gì cần phải sợ sệt nữa.

Trong khi tôi nói đến người gác cửa đền vua. Thiều có thể tưởng tượng một gian phòng có hai cửa. Một cửa vào và một cửa ra với tâm ta là người gác cửa. Cảm thọ và ý tưởng nào vào là ta biết, chúng ở lại ta cũng biết. Chúng ra đi ta cũng biết. Ví dụ ấy có một khuyết điểm nghe Thiều.

Tại vì trong ví dụ ấy, những người vào ra không phải là ông gác cửa, trong khi đó những cảm thọ và tư tưởng của ta lại chính là ta, là một phần của ta. Đối với sự thiền tập, thì đó là sự náo loạn, sự phân tán, là quân giặc tìm tới công hãm thành trì của sự tĩnh tâm. Tuy vậy, khi ta giận, thì sự giận chính là ra. Khi ta vui, sự vui cũng chính là ta. Khi ta có những ý tưởng, những ý tưởng đó cũng chính là ta. Ta vừa là người diễn kịch vừa là khán giả xem kịch. Ta vừa là tâm, vừa là người quán sát tâm.

Cho nên xua đuổi hay nức kéo không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng là nhận biết, Sự quán sát này là sự quan sát không đối tượng hóa, tức là không phân biệt chủ thể và đối tượng. Tâm không nức kéo tâm, tâm không xua đuổi tâm. Tâm chỉ có thể quán tâm, mà sự quán sát đây không phải là sự quán sát một đối tượng độc lập. Hãy nhớ lại công án của Thiền Sư Bạch ẩn : Tiếng vỗ của một bàn tay. Hãy nghĩ đến lưỡi nếm mùi vị của lưỡi. Tâm thức nghiệm về tâm ngay chính trong bản thân của tâm. Điều này quan trọng đặc biệt, cho nên trong kinh quán niệm Phật luôn luôn dùng mệnh đề : “Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, quán niệm tâm thức nơi tâm thức". Có người nói sự lập lại của những chữ cảm thọ và tâm thức là để nhấn mạnh. Tôi e rằng họ không hiểu ý của Phật. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ là quán niệm của cảm thọ trực tiếp nơi cảm thọ, chứ không phải là quán niệm cảm thọ nơi một hình ảnh tạo ra về cảm thọ sau khi đối tượng hóa cảm thọ. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ là tâm quán niệm tâm. Đối tượng hóa để quan sát là phương pháp khoa học, không phải là phương pháp thiền quán. Cho nên hình ảnh người gác cửa và những khách vào ra gian phòng tâm thức không phải là hình ảnh hoàn bị để đem ví dụ cho sự quán sát tâm ý. Tâm như con vượn chuyền cành, Kinh hay nói như vậy. Chúng ta hãy tập quan sát con vượn, bám sát lấy nó, đừng để một cử động nào lọt ra khỏi nhãn quan ta. Hãy đồng nhất với nó. Tâm quán tăm như bóng theo hình thì dù tâm ý chuyển đi đâu nó vẫn nằm trong sự kiểm soát của tâm. Kinh thường nói : “cột con vượn tâm lại”. Đó chỉ là một cách nói thôi. Khi tâm thường trực quán tâm thì tâm không còn là một con vượn nữa. Không có hai tâm, một tâm chuyền cành và một tâm đi kéo lại.

Người tọa thiền thường mong "thấy tánh" để giác ngộ chứng đạo. Hành giả mới tập thiền đừng chờ đợi “thấy tánh" và "giác ngộ". Tốt hơn là đừng chờ đợi gì hết. Nhất là đừng chờ thấy Phật trong khi ngồi thiền. Trong 6 tháng đầu, hãy nỗ lực nhiếp tâm tạo nên trạng thái tĩnh lặng và an lạc. Người tác viên nên thực tập như thế, vừa rũ sạch được phiền não, vừa được nghỉ ngơi an lạc, vừa làm cho tâm hồn tĩnh lặng để cái thấy sáng thêm, để cái nhìn rộng thêm, để tình thương yêu có thêm thực chất.

Thiền tọa là thức ăn cho tâm linh nhưng cũng là thức ăn cho tình cảm và thể chất nữa. Thân thể ta cũng nhờ thiền tọa mà nhẹ nhàng an lạc hơn. Từ sự quán tâm đi tới sự "thấy tánh” con đường sẽ không gian nan lắm đâu nếu thực tập quán tâm thi hành đúng phép. Lúc thiền tọa mà đã tĩnh lặng, hình ảnh tư duy và cảm thọ không quấy động được rồi thì tâm bắt đầu an trú nơi tâm, tâm nhiếp tâm trong một hình thái trực giác mầu nhiệm, không có chủ thể và đối tượng, cũng như ta nhấp một chén trà mà tâm ý không còn phăn biệt, ký ức không còn trấn ngự thì cảm thọ của ta về hương vị trà là 1 cảm thọ trực tiếp, một trực giác mầu nhiễm trong đó không còn có sự phân biệt chủ thể và đối tượng, người uống trà và trà bị uống. Tâm vọng động cũng là tâm, như sóng nhấp nhô cũng là nước. Lúc tâm tĩnh lặng rồi thì vọng tâm cũng là chân tâm. Chân tâm là con người thật của ta, là Phật, là đại thể, duy tính, duy nhất, không bị ngăn cách bởi ranh giới bản ngã, khái niệm và ngôn từ. Tôi không muốn nói nhiều về khía cạnh này đâu Thiều, chỉ đủ để “có đầu có đuôi” thế thôi.


MỘT LÀ TẤT CẢ, TẤT CẢ LÀ MỘT

Thiều ơi ! Tôi muốn dành mấy trang trong trang thư này để nói về các pháp quán niệm mà người tác viên có thể thực tập đạt dần tới trình độ phá chấp, vô úy và đại bi của các vị Bồ Tát. Đó là các pháp quán niệm về nhân duyên, vô thường và từ bi.

Trong lúc thiền tọa, sau khi nhiếp tâm quán chiếu về tính cách duyên khởi của mọi hiện tượng. Phép quán niệm này không phải là sự suy tưởng miên man về triết lý duyên sanh mà là sự thể nhập của tâm thức vào trong đối tượng tâm thức, dùng định lực để phơi bày mặt thực của những đối tượng này.

Những ai đã từng học Duy Thức đều biết danh từ “nhận thức” là để gọi chung chủ thể và đối tượng nhận thấy. Chủ thể nhận thức thực không có thể tồn tại độc lập với đối tượng nhận thức.

Thấy là thấy một cái gì, giận là giận một cái gì, mơ ước là mơ ước một cái gì, tư duy là tư duy về một cái gì. Khi mà đối tượng nhận thức (một cái gì) không có mặt thì không thể có chủ thể nhận thức (thấy, nghe, giận, mơ ước, tư duy). Người tọa thiền phải quán tâm, quán tâm thì thấy được sự tương sinh của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, và do đó khi ta quán niệm về hơi thở thì nhận thức về hơi thở là tâm. Khi ta quán niệm về thân thể thì nhận thức về thân thể là tâm. Khi ta quán niệm về vũ trụ vạn hữu thì nhận thức về vũ trụ vạn hữu cũng là quán niệm về tâm. Vậy quán niệm về thực tánh duyên khởi của vũ trụ vạn hữu cũng là quán niệm về tâm. Tất cả mọi đối tượng của tâm thức đều là tâm thức. Trong Đạo Phật, đối tượng của tâm thức dược gọi là pháp. Pháp được liệt kê thành năm loại : sinh vật lý (sắc), cảm thọ (thọ), tư duy (tưởng), hành nghiệp (hành) và nhặn thức (thức). Năm loại được gọi là năm nhóm (ngũ uẩn). Tuy thế nhóm thứ năm (thức) bao gồm cả bốn nhóm trước.

Quán niệm về duyên khởi là nhìn sâu vào các pháp để phát hiện tánh cách tương quan chặt chẽ của chúng, để thấy được chúng trong cái đại thể toàn nhất. Để thấy được thực tại không cắt xén thành từng mảnh nhỏ rời rạc khô chết.

Đối tượng cần được quán niệm trước tiên là con người của chính ta, là hợp thể ngũ uẩn. Hành giả quán niệm ngủ uẩn của chính mình nơi tự thân. Hành giả ý thức được sự có mặt của sinh lý, cảm thọ, tư duy, hành nghiệp và nhận thức. Hành giả quán sát những đối tượng ấy cho đến khi thấy rằng cái nào cũng có liên hệ thân thiết đến vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ vạn hữu thì hợp thể ngủ uẩn này cũng không thể có được.

Cũng như một cái bàn, cái bàn có được là nhờ những hiện tượng khác mà ta không gọi là bàn. Ví dụ rừng cây, người thợ gỗ, người thợ mộc, sắt để làm đinh, cưa và búa, bút chì và hàng trăm hiện tượng khác liên hệ xa gần tới cái bàn như cha mẹ người thợ mộc, sự hình thành xưởng mộc.

Nhìn thấy thực thể của cái bàn thì ta thấy nơi sự có mặt của những hiện tượng mà ta không gọi là bàn. Trả lại tất cả những hiện tượng không bàn về cho vũ trụ : đinh về cho sắt, gỗ về cho rừng, người thợ mộc về cho cha mẹ... thì cái bàn không còn có thể có mặt nữa. Người nào nhìn cái bàn mà thấy được vũ trụ, người ấy thấy được đạo.

Hành giả quán chiếu hợp thể ngũ uẩn của mình bằng cách đó cho đến khi thấy được sự có mặt của cái nhất thể thực tại nơi thân mình, mình cùng với sự sống của đại thể thực tại là một. Trả năm uẩn về thì tự ngã không còn nữa. Vũ trụ vạn hữu đang nuôi dưỡng hợp thể ngủ uẩn từng giây từng phút, tự ngã chỉ là hợp thể ngũ uẩn đó chứ không còn là gì khác và hợp thể ngũ uẩn đó cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và hoại diệt của vạn hữu trong vũ trụ.


ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH

Thói thường con người hay cắt xén thực tại ra từng mảnh nhỏ tách biệt, ít thấy liên quan duyên khởi của các hiện tượng. Thấy được tất cả trong cái một, thấy được cái một trong tất cả là phá được một thứ cố chấp lớn mà Đạo phật gọi là ngã chấp. Chấp ngã tức là chấp vào sự có những thực thể bất biến, những mảnh nhỏ rời rạc khô chết biệt lập với nhau. Phá được cái chấp ấy thì thoát ra ngoài mọi sợ hãi. Bát nhã tâm kinh nói rằng : "Khi Bồ Tát Quan Thế Âm quán chiếu về hợp thể ngũ uẩn và phát hiện ra cái trống rỗng của tự ngã thì tức khắc Ngài vượt thoát ra ngoài mọi khổ đau. ách nạn. Thiều cũng vậy, tôi cũng vậy, các tác viên khác cũng vậy. Nếu chúng ta thực tập quán niệm một cách dũng mãnh, tinh tiến thì chúng ta cũng thoát ra được mọi khổ đau ách nạn, nhất là mọi sự sợ hãi. Bổ Tát Quan Thế Âm thường được mô tả như một sự chuyên môn đi hiến tặng sự không sợ hãi (vô úy thí). Tặng phẩm ấy có chi là lạ. Đó là phương pháp quán duyên khởi nơi ngũ uẩn. Điều quan trọng là nếu người tặng đã tặng hết lòng thì người nhận cũng phải nhận hết lòng, như thế thì tặng phẩm mới có thể tới tay.

Hành giả phải tháo gỡ mọi bưng bít để sự sống của mình hòa vào sự sống của đại thể. Con người không phải là những đơn vị đóng kín trong một lớp vỏ dày và đang chu du trong không gian và thời gian. Sống kiếp trăm năm hay sống ngàn muôn kiếp trong chiếc kín (cái hũ) không phải là sống, mà cũng không phải là chuyện có thể có được. Sự sống của mình có mặt nơi những thực thể khác và những thực thể khác lại có mặt nơi mình. Mình là sự sống và sự sống không có biên giới. Có như thế thì mình mới sống được cái sống của vũ trụ, của người anh em, vui được cái vui của người anh em. Sự sống của mình đã không có biên giới thì sự còn mất của một hợp thể ngủ uẩn nào có nghĩa gì. Sự thăng trầm và tính cách vô thường của vạn hữu, sự đắc thất không còn lung lạc được mình nữa. Bởi vì hễ thấy được lẽ duyên khởi thì những thứ ấy không còn khống chế được mình và mình thoát ra được mọi khổ não. Ta hãy ngồi lại trong tư thế kiết già, điều phục hơi thở và hơi Nhất Chi Mai.

Quán duyên khởi phải quán cho chuyên cần. Trong lúc thiền tọa ta đã quán thành mà trong lúc giao tiếp công tác thường nhật ta cũng phải quán, phải thấy được người đối diện là mình và mình là người đối diện. Phải thấy được quá trình duyên khởi của mọi sự đã, đang và sẽ xảy ra.


DU NGOẠN TRÊN NHỮNG ĐỢT SÓNG SANH TỬ

Thiều ơi! Nói chuyện về những người tác viên tôi không thể không đề cặp đến vấn đề sống chết. Phụng sự trong hoàn cảnh như hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam, ta thường trực đối diện với cái chết. Bao nhiêu anh em trong số chúng ta đã hy sinh thân mạng rồi. Liên, Vui, Tuân, Huy, Thỉ, Hành, Mai, Hùng, Toàn và tám người khác trong chín năm nay đã biệt vô âm tín. Trong khl xông qua rừng lửa đạn, trong khi khiêng chôn những xác chết. Trong số chúng ta có những thanh niên tăng ni đã theo tiếng gọi của tình huynh đệ mà đi làm tác viên xã hội nhưng vẫn nhớ rõ rằng vấn đề chính yếu của thiền môn là vấn đề sống chết (“sinh tử sự đại"). Đã biết sự sống và sự chết chẳng qua là hai mặt của cuộc đời, ta can đảm đối diện với cả sự sống lẫn sư chết. Ngày xưa hồi mười chín tuốt, khi nghe giảng đến phương pháp quán xác trong những bãi tha ma, tôi thấy bi thảm quá và hơi có thái độ phản đối. Nhưng bây giờ tôi không còn thấy như thế nữa. Ngày xưa tôi nghĩ phép “cứu tưởng quán” chỉ nên để dành đến khi mình lớn tuổi, vào khoảng ba mươi lăm, bốn mươi tuổi. Nhưng tôi đã thầy những người trẻ tuổi xứ ta nằm ngã gục bên nhau, có người chỉ mới mười bốn hay mười tám tuổi. Không chuẩn bị trước ta không sẵn sàng để đối phó với cái chết. Với lại tôi thấy rằng nếu không biết chết thì ta cũng chưa biết sống. Bởi vì chết là một phần của sự sống. Quỳnh Hoa nói với tôi mới đây hai hôm : Tuổi hai mươi đã có đủ năng lực để quán cứu tướng. Quỳnh Hoa nói như vậy bởi vì cô ta vừa được hai mươi mốt tuổi. Ta phải giáp mặt sự chết và nhận diện nó như ta đã giáp mặt và nhận diện sự sống vậy.

Kinh Quán Niệm có nói về phép quán xác chết. Thấy xác chết sình trương, bị thú vật và ruồi bọ rút rỉa, rồi còn lại một bộ xương dính máu, rồi còn lại từng khúc xương lãn lóc. trắng hếu, rồi những khúc xương mục nát thành tro bụi... Quán như thế và biết chính bản thăn mình cũng như vậy, cũng sẽ trải qua những giai đoạn ấy. Quán như thế đến khi nào bình tĩnh, miệng mỉm cười, tâm trí nhẹ nhàng thì thành công. Lúc bấy giờ ta không còn bi quan mà lại còn thấy sự sống quí giá, đáng sống từng giây từng phút. Không những sự sống nơi ta mà cả sự sống nơi mọi người, mọi sinh vật, mọi thực vật. Ta không còn bám bíu sự sống đến mức phải đi tiêu diệt sự sống của kẻ khác để nuôi dưỡng sự sống của mình. Ta thấy được sống chết là hai mặt của sự sống, cũng như mặt trái và mặt phải của cùng một mặt trăng. Lúc bấy giờ ta siêu việt được sinh tử và mới thực sự biết sống và biết chết. Kinh nói những vị Bồ Tát đạt được Chân lý duyên khởi, phá vỡ cái vỏ ngã chấp thì có thể vào sanh ra tử như người đi du ngoạn ngồi trên nhưng đợt sóng mà không bị những đợt sóng sinh tử làm chìm đắm.

Thiều ơi! Có người nói nhìn thực tại với con mắt phật tử thì sẽ thấy bi quan. Thực ra bi quan hay lạc quan là những gì quá dễ dãi. Vấn đề là nhìn thấy thực tại một cách thấu đáo. Một tâm trạng bi quan chẳng bao giờ đưa tới được nụ cười trầm tĩnh mà ta thấy nở trên môi các vị Bồ Tát và những người đạt đạo.


CÂY BƯỞI TRƯỚC NHÀ

Tôi đã nói với Thiều về phương pháp quán niệm duyên khởi. Thiều cũng biết tất cả các phương pháp quán niệm trong đạo Phật đều phải được xem là phương tiện mà không phải cứu cánh hay chân lý tuyệt đối. Quán niệm duyên khởi là phá tan những biên giới giả tạo giữa các hiện tưọng để thể nhập vào hòa điệu đại đồng của sự sống mà không phải xây dựng và cố chấp một triết thuyết gọi là triết thuyết duyên khởi. Herman Hesse trong cuốn"câu chuyện dòng sông” chưa thấy được nên đã đặt vào miệng chàng Tất Đạt Đa một lời phẩm bình về triết lý duyên khởi nghe còn non nớt. Nhà văn nói rằng lý duyên khởi cho thấy hình ảnh một vũ trụ trong đó mọi vật tương quan duyên mà hiện hữu, không có một kẽ hở nào để chứng tỏ có sự sai lệch ra ngoài luật tương quan tương duyên ấy. Do đó, ông không thể quan niệm được vấn đề giải thoát trong vũ trụ này.

Trong Duy thức học, ta thấy có phép quán niệm về ba tự tánh của thực tại : Tự tánh biến kế chấp, tự tánh y tha khởi và tự tánh viên thành thật.
Quán duyên khởi nên theo sự hướng dẫn của Duy Thức, vì quên lãng và thành kiến nên ta thường phủ lên thực tại một lớp cố chấp. Vì vậy thực tại bị mang màu sắc biến kế chấp. Biến kế chấp là cái sai lầm về thực tại, cho rằng thực tại là những thể tách biệt, những cái ngã. Đó là nguyên nhân của sự phăn biệt, kỳ thị, giận hờn. Để phá biến kế chấp, người hành giả quán niệm tự tánh y tha khởi, tức là sự tương quan tương duyên của vạn hữu trong quá trình sinh thành, tồn tại và hủy diệt. Y tha khởi cần được sử đụng như một dụng cụ quán chiếu mà không được nhận thức là một triết thuyết.

Quán chiếu y tha khởi là để thực chứng thực tại, thể nhập thực tại, chứ không phải là để bị kẹt vào y tha khởi. Cũng như dùng chiếc bè để qua bờ chứ không phải để đội lên đầu, do ngón tay chỉ mặt trăng mà thấy được mặt trăng chứ không phải lầm ngón tay là mặt trăng. Hành giả coi cố chấp và y tha khởi như một hệ thống khái niệm thì sẽ bị mắc kẹt.

Vì vậy, phải có tự tánh viên thành thật. Viên thành thật là một danh từ để chỉ thực lại một khi thực tại đã được thoát khỏi màu của biến kế chấp. Viên thành thật có nghĩa là thế này : Thực tại là thực tại, siêu việt khái niệm. Bất cứ khái niệm nào cũng không thể miêu tả được nó, dù cho nó là khái niệm y tha khởi. Cho chắc hơn, Duy Thức đề ra Tam Vô Tánh để trung hòa Tam Tự Tánh, tránh cho người học đạo không mắc kẹt vào ba tự tánh. Tinh hoa của Đại Thừa là ở chỗ ấy.

Khi mà thực tại hiển hiện trong tự tánh viên thành thật của nó thì người hành giả đạt được thứ nhận thức gọi là vô phân biệt trí. Nhận thức ở đăy là sự cảm thông màu nhiệm trong đó không có sự phân biệt chủ thể và đối tượng. Như tôi đã nói với Thiều một lần rồi, đăy không phải là một cái gì xa xôi đâu Thiều. Bất cứ ai trong chúng ta có thực tập chút ít đều có thể nếm được mùi vị.

Trên bàn tôi có một xấp hồ sơ cô nhi. Mỗi ngày tôi dịch một ít phụ với các bạn. Khi khởi đầu dịch một hồ sơ, tôi nhìn vào tấm hình em bé và tự nhiên những nét mặt của em gợi nhiều hình ảnh về bản thăn tôi và sự liên hệ giữa tôi với các em khiến tôi đi vào một sự cảm thông rất mầu nhiệm. Bây giờ viết những dòng này, tôi thấy rằng trong giờ phút cảm thông ấy, tôi đã dịch những dòng chữ trong hồ sơ với tâm trạng không phân biệt. Tôi không thấy có tôi là người dịch hồ sơ giúp cho em bé, tôi không thấy có em bé là đối tượng của sự thương yêu và giúp đỡ. Em bé và tôi lúc ấy là một, không có ai thương ai, không có ai nhờ ai, không có ai giúp ai. Không có bổn phận cũng không có công tác. không có từ bi, không có Ba La Mật. Cái giờ phút cảm thông đó, nếu chẳng là một tia sáng của vô phân biệt trí thì còn là gì nữa hả Thiều. Khi thực tại hiển hiện trong tự tánh viên thành thật của nó thì cây bưởi trước nhà cũng biểu hiện tự thân của nó một cách toàn vẹn. cây bưởi lúc bấy giờ là chân như, là phật tánh, là thực tại, là mình. Bao nhiêu người đi qua sân mà đã có mấy người thấy được cây bưởi. Người nghệ sĩ có tâm hồn thế nào đó cho nên thấy được cây bưởi nhiều hơn, sâu hơn kẻ phàm phu. Sở dĩ có một sự cảm thông nào đó vì lòng anh rộng mở. ăn thua là ở lòng mình. Nếu lòng mình không bị kiến chấp ràng buộc thì tự nhiên mình đi vào chỗ cảm thông với cây bưởi và cây bưởi sẵn sàng biểu lộ tự thân toàn vẹn của nó với mình. Thấy cây bưởi tức là thấy đạo.

Có một Thiền Sư được hỏi về chân lý mầu nhiệm của thực tại bèn chỉ ra gốc Bạch Dương mà nói : "nhìn cây Bạch Dương kia kìa”. Thiều có hiểu ngụ ý của vị Thiền sư không? Có chứ phải không!


TIẾNG HẢI TRIỀU VANG DẬY

Khi tâm được giải toả, ta thấy lòng tràn ngập cảm thương, cảm thương cho chính ta trải qua bao khổ đau chỉ vì chưa thấy được chính mình, chưa thấy được sự sống, chưa cởi bỏ được cố chấp, ganh ghét, thù hận. Còn tiếp tục gây khổ cho người khác. ấy là ta biết nhìn ta và nhìn người bằng con mắt từ bi. “lấy con mắt từ bi để nhìn mọi người” (Từ nhãn thị chúng sanh) là câu kệ trong kinh Pháp Hoa nói về Đức Bồ tát Quan Thế Âm. Đức từ bi của vị bồ tát này là một tiếng kêu gọi vọng suốt thời gian và không gian, tiếng kêu gọi của người đã thấy được thực tại toàn vẹn :

“Tiếng màu nhiệm, tiếng của người nghe được lời kêu đau thương của cuộc đời, tiếng tôn quý, tiếng sóng biển vang dậy. Tiếng siêu việt mọi thứ tiếng, trong đời ta hãy thường quán niệm tiếng ấy.

Bỏ ra ngoài mọi nghi hoặc, hãy quán niệm bản chất thanh tịnh và siêu việt của Quan Thế Âm, bởi vì trong mọi trường hợp khổ não, tử sanh, ách nạn, sự quán niệm ấy sẽ là cánh cửa đi tới giải thoát.

Người đầy đủ mọi công đức, thường lấy con mắt từ bi để nhìn chúng sinh, khiến cho hạnh phúc chảy tụ thành biển vô lượng, ta hãy cúi đầu làm lễ người ấy”.

(Diệu âm Quan Thế Âm
Phạm âm hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm
Thị có tu thường niệm.
Niệm niệm vật sanh nghi
Quan Thế Âm tịnh thánh
ư khổ não tử ách
Năng vị tác y hộ
Cụ nhất thiết công đức
Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng
Thị cố ứng đảnh lễ)


 

Tập nhìn chúng sanh với con mắt từ bi đó là một phép quán gọi là từ bi quán. Từ bi quán nên được thực hiện trong những giờ tọa thiền và cả trong những lúc giao tiếp phụng sự. Đi đâu, ngồi đâu cũng nên nhớ tiếng gọi của quan Thế Âm Bồ Tát - từ nhãn thị chúng sanh.

Thiều ơi ! đối tượng và phương pháp thiền quán nhiều lắm. Trong kinh hệ Pali gọi là Kammatthana, nhưng tôi sẽ không viết hết được cho Thiều và các bạn đâu. Tôi đã chỉ viết một vài phương pháp giản lược nhưng căn bản. Người tác viên cũng như mọi người, anh phải sống đời sống của anh , chị phải sống đời sống của chị. Làm việc chỉ là một phần của sự sống, làm việc trong chánh niệm mới là sống, mới khỏi bị liệt vào hàng " Sống như một người chết”. mỗi người chúng ta cần sự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng sự sống của chúng ta có liên hệ tới sự sống của những người xung quanh. Nếu ta biết sống chánh niệm, nếu ta biết giữ gìn tâm ý thì anh em chúng ta cũng được nhờ đó mà biết sống chánh niệm, giữ gìn tâm ý.


NƯỚC SÔNG TRONG HƠN, CÂY CỎ XANH THÊM

Thiều ơi, có một lần Đức Mâu Ni nói vấn đề sống chết là vấn đề chánh niệm. Còn hay mất là do có chánh niệm hay không. Trong kinh Samyutta Nikeiya 47.20 Ngài kể chuyện xảy ra trong một làng kia :

“Một vũ nữ hoa hậu vừa tới trong làng và dân chúng đổ xô đi xem chật đường chật ngõ. Lúc đó có một tên tử tội được áp giải đi ngang qua làng. Tên tử tội được lệnh phải nâng trong hai tay một bát dầu đầy tới miệng chén. Anh ta phải giữ ý tứ, nếu dầu trong chén sóng sánh rơi xuống đất một giọt là tên lính di sau sẽ lấy mã tấu chém đầu tức khắc, bởi vì nhà vua đã ra lệnh cho hắn như vậy”.

Kể đến đây, Đức Thế Tôn hỏi:

“Này các thầy, trong trường hợp đó người tử tội có thề dễ dàng được không? Anh ta có thể để tâm ý đi lang bang tới người khác và không chú ý gì tới chén dầu và sự có mặt của nam nữ trong làng đang đi chật đường chật ngõ, có thể xô đụng anh ta bất cứ lúc nào không?”

Có một lần Phật kể chuyện sau đây khiến tôi thấy được tất cả sự quan trọng của việc thực tập chánh niệm nơi tự thân mình. Nơi tự thân mình nghĩa là mình lo phận mình chứ đừng lo rằng người khác không chịu thực tập như mình, rồi sanh lo lắng và trách móc. Phật nói :

“Có thầy trò một nhà kia làm nghể mãi võ. Người đàn ông góa vợ và người học trò là một cô gái nhỏ tên là Meda Kathullika. Hai thầy trò trình diễn để kiếm ăn. Họ dựng một thăn tre cao, người đàn ông đặt cây tre trên đỉnh đầu mình trong khi em gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó để người đàn ông tiếp tục di chuyển trên mặt đất. Cả hai đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá cao để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra. Một hôm người kia đặn học trò :

Này Meda Kathulika, con hãy giữ gìn cho ta và ta sẽ giữ gìn cho con, chúng ta hãy giữ gìn cho nhau, để tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn. Đứa bé gái vốn thông mnh trả lời rằng : Thưa thầy.... có lẽ ta nên nói thế này đúng hơn : Trong hai thày trò ta mỗi người nên tự gìn giữ lấy mình, giữ gìn lấy mình tức là gìn giữ cho nhau tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn cơm”. Đức Phật nói : đứa bé nói đúng ! (kinh Samyutta Nikaya 47.19).

Trong một gia đình có người biết tập chánh niệm thì tất cả thành viên gia đình được nhờ cậy hạnh tụ, cả gia đình nhờ sự có mặt của một người sống trong chánh niệm mà được nhắc nhở rằng : Mình cũng phải sống trong chánh niệm. Trong tập thể có một người sống trong chánh niệm thì cả tập thể đều được thừa hưởng. bởi vì sự có mặt của người kia cũng.được xem như sự có mặt của một Đức Phật. Trong gia đình Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, ta nên biết thực hiện nguyên tắc đó, đừng lo ngại rằng người đồng sự của mình không xứng đáng mà chỉ nên nghĩ đến là làm sao cho mình được xứng đáng. Mình xứng đáng, đó là cách hữu hiệu nhất để nhắc nhở các bạn trong cộng đồng của mình. Mà muốn xứng đáng phải thực tập chánh niệm. Thực tập chánh niệm mới không đánh mất mình, mới có đủ an lạc sáng suốt, mới nhìn được mọi người với đôi mắt thương yêu cởi mở.

Thiều ạ ! Tôi mới vừa ở nhà dưới lên. Tôi xuống để pha một tách trà, uống cho đỡ khô trước khi viết tiếp cho Thiều. Chị Kirsten pha trà cho tôi. Thấy chiếc dương cầm tôi nói với chị : Thôi, chị ngưng dịch hồ sơ cô nhi đi và đàn cho tôi nghe năm bảy phút. Kirsten chiều ý ngồi xuống đàn, chị đàn một khúc của Chopin mà hồi còn nhỏ chị rất quen thuộc. Bản đàn có vài khúc êm dịu, nhưng cũng có nhiều khúc ray rứt, bạo động. Con chó của chị Kirsten nằm dưới bàn trà rên rỉ, gầm gừ khó chịu. Thấy nó tôi biết nó bất an, dằn vặt. Con chó này được đối xử nhẹ nhàng và cẩn trọng như một đứa bé và năng khiếu rung cảm của nó về nhạc có thể hơn một đứa bé thường. Có thể một phần tai chó nghe được nhiều âm ba mà tai người không nghe thấy. Chị Kirsten vừa đàn vừa quở con chó nhưng nó vẫn rên rỉ bất an, chị đàn xong bản đó thì chuyển sang một khúc nhạc của Mozart dịu dàng. êm ả, thanh thoát, con chó bây giờ nằm yên, có vẻ khoẻ khoắn an lạc. Đàn xong, Kirsten đến ngồi bên cạnh tôi nói : "Nhiều khi tôi đàn những khúc hội bạo động của Chopin, nó đến và lấy mõm hất tôi ra khỏi ghế, không cho tôi đàn. Có khi tôi phải cho nó ra ngoài rồi đóng cửa lại mới đàn được. Nhưng hễ tôi chơi những khúc nhạc của Bach và Mozart thì nó nằm im thin thít”. Kirsten nghe nói bên Canada người ta đã dùng nhạc Mozart và Beethoven để nuôi dưỡng hoa cỏ. Trong đêm tối người ta nhặn thấy các cây hoa lớn mau hon và những cây hoa hướng dần về phía có nhạc Mozart phát ra. Người ta lại đã thí nghiệm nhạc Mozart với lúa mì và lúa mạch. Họ bắt những loa phóng thanh trên cánh đồng lúa và cho nhạc Mozart phát thanh nhiều giờ trong ngày. Và người ta nhận thấy lúa mọc nhanh, thoải mái hơn so với các cánh đồng khác.

Nghe Kirsten nói, tôi liên tưởng tới các phòng họp nơi mà người ta liệng vào nhau những nhiếc móc, những lời kết tội thâm độc xuất từ tâm niệm căm ghét hận thù. Tôi nghĩ nếu có những chậu hoa cỏ cây lá trong phòng thì chúng không thể lớn lên được. Nếu chất độc tham sân si trong lòng người tiếp tục tiết ra bằng âm thanh từ ngày này qua ngày khác thì vách đá cũng phải nứt ra nữa chứ đừng nói hoa cỏ. Tôi nghĩ đến hoa cỏ trong khu vườn của một người tu chánh niệm. Người xưa nói :"khi thánh nhân ra đời thì nước sông trong hơn, cây cỏ xanh thêm” có lẽ cũng vì vậy. Trước mỗi lần họp khối học vụ hay khối công tác, mình có nên nghe nhạc hay ngồi thiền tập không hay Thiều ?.

<< Phần III | Phần V >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 609

Return to top