Có thể nói mỗi thời kỳ hội họa của Lê Bá Ðảng, đều phát xuất từ bi kịch cá nhân. Cuộc đời trực tiếp của tác giả và những người thân đã là củi lửa cho tác phẩm, những
kịch người mà ông đặt tên là
tấn tuồng nhân loại (comédie humaine) thoát thai từ những trò đời, trò điếm, mà tác giả đả trải qua.
Nếu từ ngựa, Lê Bá Ðảng cấu tạo thế giới lạc quan về người, thì với người, ông đứng ở tư thế ngược lại. Ông vẽ người dưới góc độ thú, hoặc ít ra là bằng cái nhìn của thú về người. Francis Ponge đã từng nhìn người bằng mắt ốc, mắt sỏi... Lê Bá Ðảng nhìn người bằng mắt ngựa, mắt mèo, mắt núi, mắt sông... và như thế, chưa chắc người đã
cao và
sâu hơn thú hoặc vật.
Người xem đặt biệt chú ý đến những nét
mỏng, nét
đơn, tôi gọi là những nét
bi quan Lê Bá Ðảng:
Nếu trong tranh ngựa, nét của ông tung bay, giàu có, hoành tráng, thì trong tranh người, ông hà tiện nét, nét của ông hoài nghi, cay độc, châm biếm, đôi khi đến độ suồng xã, dâm ô... Những nét ấy
nói hộ tranh, chúng bộc lộ những gì thoát ra từ cuộc sống tráo trở của con người với những hỉ, nộ, ái ố, lạc... trong trạng thái trần trụi thê thảm nhất và vì thế, cũng khôi hài, hạ tiện, cũng
đơn mỏng và
lật lọng như phận người.
Dessin của ông đã
sống và
sáng hộ người, trong cái tư thế vừa mong manh, vừa bạc bẽo, nhạt nhẽo,
phận sao phận bạc như vôi. Chúng biểu trưng cảm nhận bi quan của Lê Bá Ðảng về con người, chúng là hiện thân thói đời đơn bạc, đảo điên, thế bấp bênh trong cuộc sống. Chúng vắt vẻo cái mong manh trong sinh mệnh con người treo ngành giữa sống và chết.
Lê Bá Ðảng dùng nét vừa như chất liệu hội họa, vừa như dung cách họa sĩ, vừa như nhân cách của đối tượng hội họa tức là con người. Và hiếm có nghệ sĩ nào, chỉ với khía cạnh dessin không thôi, có thể phủ lấp nhiều diện mạo nghệ thuật như thế.
Có thể nói Lê Bá Ðảng ghét người. Ông thao túng con người bằng những nét mỉa mai, châm biếm, Lê Bá Ðảng nhìn và thực hiện
cõi nhân sinh bé tí(1) trong những trạng thái ngoạn mục và khôi hài. Ở đây, chữ
nhân đi liền với chữ
dục, thế giới người của Lê Bá Ðảng là cõi
nhân dục triền miên. Ông vẽ những cái không thể vẽ được: cái
phiếm và cái
điếm trong con người.
Tính cách
biếm và
điếm trong con người hòa hợp với chất rong chơi, hài hước của chính tác giả, tác hợp với những chất liệu cực kỳ đơn giản: mực tàu, nét mỏng, tạo không khí đối thoại, thỏa hiệp tay đôi giữa nghệ sĩ và những nhân vật do ông tạo ra: Nhân vật được nghệ sĩ nhìn và vẽ, đồng thời nghệ sĩ cũng là nhân vật. Nghệ sĩ ở trong nhân vật, nhìn và vẽ nhân vật bằng linh hồn và thể xác của chính mình.
Có thể nói, khi vẽ người, Lê Bá Ðảng đã phân thân và hóa thân. Ông vừa vẽ, lại vừa là nhân vật trong tranh ông đang vẽ. Hành trình này thực hiện qua trọng tâm
mắt. Vượt ra ngoài câu nói thường tình
đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, mắt đối với Lê Bá Ðảng là hồng tâm sáng tạo. Mắt soi suốt tâm linh và thể xác người và vật. Mắt sống trong núi, trong cây, trong cỏ, trong sông, trong biển... Mắt ở thượng nguồn chẩy xuống miền xuôi: suối mắt, mắt phượng, mắt hiển linh, mắt thịt da, mắt dâm ô trụy lạc, mắt thú, mắt người...
Ðối tượng bị vẽ sẽ được nhiều con mắt ở tứ phía chiếu vào như thế, và chính đối tượng cũng có quyền nhìn lại những
quang cảnh xẩy ra trước mắt. Hiện tượng phức xạ này khiến cho những chân dung người trong tranh Lê Bá Ðảng lạ lùng hơn những biếm họa khác:
Chúng nhiều chiều. Xoay đi, xoay lại, nhìn dưới góc độ nào, mỗi nhân vật trong tranh đều có thể nhìn mình, đều có thể dở dói những hành vi khác nhau, những tâm cảm khác nhau. Chúng bộc lộ không những cả
nội tâm lẫn hình thức của chúng, mà chúng còn cho biết những
ẩn ức, những điều không nói, những ám ảnh, những mộng mơ, chưa thành hình. Nói theo ngôn ngữ triết học, tác giả mở cho người xem vào cả các vùng ý thức lẫn tiềm thức trong con người. Nói gọn: Tác phẩm mở cho thấy chỗ
có thể của con người. Và chính
cái có thể đó, là cơ nguyên nghệ thuật, là nguồn cảm hứng bất tận của nhân sinh.
Yên Cơ, tháng 1-1997
Chú thích: (1) chữ của Nguyễn Khải.