Nếu có người không thích
Cyclo của Trần Anh Hùng, chuyện đó dễ hiểu. Trần Anh Hùng là đạo diễn thực hiện cái
tương phản của đời sống trong mức độ sâu xa nhất mà điện ảnh Việt Nam hiện nay chưa thể thực hiện được.
Tương phản: Một bên là niềm yêu mến, dịu dàng, âu yếm, trong đó tình gia đình, tình cha con, tình mẫu tử, tình đôi lứa -gọi chung là tình yêu, biểu hiện trong
Tiếng ru và một bên là
Tội ác. Gây tương phản chưa đủ. Trần Anh Hùng còn tìm cách nhập nhằng biên giới giữa
có tội và
vô tội. Một tác phẩm như thế sẽ bị những khuynh hướng muốn định ranh rõ ràng thiện ác, khó chấp nhận, nhất là khi những giá trị truyền thống "muôn đời" như Mẹ Việt Nam, Mẹ Âu Cơ có thể đột biến thành một tay Bố Già -parrain- xếp sòng băng đảng du đãng, buôn lậu, giết người.
Cyclo còn là một tương phản, một đối cực của
Mùi Ðu Ðủ Xanh (1). Trần Anh Hùng đã từ thể tĩnh bước sang
thể động. Từ "Mẹ Âu Cơ" bước sang "Mẹ Bố Già".
Cyclo vừa là một nhân vật, vừa là
phương tiện chuyên chở của Trần Anh Hùng để đi sâu vào Sàigòn -Hochiminhville- vào xã hội đương thời, hay bất cứ một thành phố lớn nào trên trái đất, có cả mặt chìm lẫn mặt nổi: bộ mặt tươi rói, tỉnh táo, ngây thơ, vô tội ban ngày và bộ mặt đàng điếm, nghiện ngập, giết người ban đêm.
Nhân vật
Cyclo như một thứ Faust "made in Trần Anh Hùng". Một Faust vô tội, tình cờ bị mất xích-lô mà phải bán linh hồn cho quỷ. Con đường hành hương của
Cyclo xuống địa ngục trải nhiều cửa ải: cửa ải đầu tiên là bà chủ hãng xích-lô. Một bà mẹ Việt Nam truyền thống mà tình thương đứa con tật nguyền dạt dào tỏa ra từ những âm hưởng:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày, trong nhạc Phạm Duy, hoặc
Con đi đánh giặc mười năm, chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi, trong thơ Tố Hữu. Ðấy là mặt tiền của mẹ.
Mặt hậu, Mẹ Âu Cơ là mẹ Mìn, mẹ Trùm, mẹ Mafia, mẹ Bố Già, cầm đầu băng đảng giết người, buôn lậu nha phiến. Một hình ảnh siêu thực chăng? Không đâu. Có thật cả đấy: Việt Nam thiếu gì các mẹ Tấm Cám nuôi hai đứa con, một ghẻ, một ruột, cho chúng bắn giết nhau suốt hai mươi năm chưa chán? Trần Anh Hùng nắm bắt cả tinh thần: dịu dàng, âu yếm lẫn độc ác, sát nhân trong người Việt xưa và nay để chiếu gros plan lên màn ảnh vĩ tuyến tô màu. Chiếu như thế nào?
* Trước hết về kỹ thuật. Một kỹ thuật hiện đại, phim không có cốt truyện, toàn những mảnh ghép, những diễn biến đứt đoạn của đời sống và qua đó cuộc đời xuất hiện trong trạng thái bán khai, thô bạo, thơ mộng và quyến rũ. Vẫn trong phong cách
Mùi Ðu Ðủ Xanh, Trần Anh Hùng dùng caméra để
quay những cảm giác. Cuốn phim nói rất ít. Thường
nhìn và
cảm nhiều hơn. Người xem linh cảm như chính chiếc lá, giọt sương, con sâu, con bọ không những tham dự vào môi trường mà tất cả những thực thể ấy cùng trườn vào da thịt mình, ngọ nguậy vào ngũ quan, kích thích cảm quan. Cộng hưởng với phần nhạc đệm huyễn hoặc, kích động và kinh hoàng của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết: thính giác cũng bị chiếm hữu.
Tác phẩm đụng chạm đến nhiều
giá trị truyền thống chủ yếu là
truyền thống về gia đình; ở đây là sự phá vỡ môi trường gia đình. Gia đình đang tự hủy vì phải va chạm với những giá trị khác "năng động" hơn, như tiền bạc và bạo lực, trong kinh tế thị trường.
Thứ đến chấm dứt
"truyền thống" về văn hóa tư tưởng: với nhân vật vừa là nhà thơ, vừa là trùm băng đảng; một tay làm thơ, một tay giết người. Và sau cùng chấm dứt huyền thoại về người con gái Việt Nam nền nếp
"áo trắng đơn sơ mộng trắng trong", trong thơ Huy Cận.
* Nhân vật chính là
Cyclo.
Cyclo tượng trưng cho vô tội chăng?. Nhưng chính sự vô tội lại vày vò tội ác. Vậy
Cyclo là ai?
Sự lựa chọn diễn viên -Lê Văn Lộc- chưa xuất hiện trước ông kính bao giờ, chứng tỏ Trần Anh Hùng muốn đi sâu hơn nữa trong ý nghĩa ngây thơ, ngây ngô của con người vừa "nhập nghiệp" trên ba bình diện: tập sự diễn viên, tập nghề xích lô và tập tành tội ác. Lê Văn Lộc đã phản ánh được cả ba thử thách đó. Trên nét mặt của
Cyclo là một dấu hỏi khổng lồ và triền miên về các sự kiện đã xẩy ra, về hành động của mình và về hậu quả mỗi hành động.
Cyclo băng trinh trong hành trình tội ác cũng như người chị của
Cyclo, do Trần Nữ Yên Khê diễn tả, băng trinh trong hành trình làm điếm của mình. Cả hai luôn luôn có những cử chỉ vụng dại, những cái nhìn e dè, lấp lửng,
không hiểu những gì đã xẩy ra và
không hiểu chính những hành động của mình.
Nhân vật nhà thơ, chủ chứa và xếp băng đảng do Lương Triều Vỹ (Leung Chiu Wui) đóng, là con bài bắc cầu giữa hai thế giới. Anh ta yêu nghệ thuật, biết trọng cái đẹp, trong phòng treo tranh Bùi Xuân Phái -luôn luôn quằn quại suy tư- một thứ văn nghệ sĩ, trí thức
chảy máu cam trong tâm hồn. Nhưng hành động lại đao búa, sát nhân và thủ phạm. Nhìn xa, nhà thơ cộng hưởng ba tâm hồn: Tú Bà, Sở Khanh và Goethe. Nhìn gần, anh biểu dương cho các nhà thơ xung phong, nhà thơ quyền thế, mỗi câu thơ là một viên đạn bắn vào kẻ thù hoặc kẻ không thù. Nhưng trong thâm tâm ròng ròng một dòng máu cam thầm lặng.
* Sự tương phản không chỉ nằm ở trong đầu mỗi nhân vật mà còn nằm trong cách xếp đặt hình ảnh, biểu tượng. Trần Anh Hùng dùng những gros plan để đưa ra những hình ảnh đắt giá, rất ẩn dụ như đứa con (tật nguyền) của bà chủ xích-lô -miệng luôn luôn mở ra, hớp hớp như cá- và
Cyclo (mồ côi) -luôn luôn mơ tưởng được đớp cá. Kẻ tật nguyền thích nghịch sơn, bôi sơn vào người và Cyclo, trong cơn mê sảng (vì thuốc phiện) đã tắm sơn cho giống cậu ấm con chủ. Những nhát dao gros plan ấy chém đứt nỗi ám ảnh thèm muốn yêu thương, đói khát tình mẫu tử của
Cyclo, để lòi ra những bất công trong sự phân phát tình thương giữa người và người, ngoài sự bất công giầu nghèo trong xã hội.
Rồi một cảnh "siêu thực": chiếc máy bay Mỹ rớt giữa đường phố Sàigòn và người ta sống, dẫm, đè lên như chưa hề biết có sự hiện diện của sứ giả chiến tranh: Chiến tranh chấm dứt nhưng những tàn tích của nó vẫn còn sinh động trong tiềm thức con người.
Cảnh một tay anh chị, vừa giết người, vừa hát ù ơ, ru kẻ xấu số vào "giấc ngủ ngàn thu", hoặc bà chủ xích-lô vừa quạt vừa hát ru con, lãng đãng trong tiếng ru, hạ lệnh thủ tiêu, đánh đập.
Caméra vọng lên những
tiếng ru địa ngục, phản ánh mối
tương phản sâu xa giữa tình yêu và tội ác, và cho thấy sự cộng tác, sống chung hòa bình giữa tội ác và tình yêu trong con người.
Bên cạnh những cảnh cực kỳ dã man, ống kính xoay về thế giới trẻ thơ, chiếu sáng những khuôn mặt ngây thơ vô tội như để nhấn mạnh thêm sự tương phản hay để gieo một chút hy vọng ở ngày mai, hoặc để nói lên tính cách ngây ngô của con người trong hành trình tội ác.
Tính chất tương phản là một giá trị lớn trong nghệ thuật, nhưng nó gây những phản ứng gai ngứa nơi người xem. Ai ưa tích cực tất khó chịu khi nhìn thấy những tiêu cực mà Trần Anh Hùng đưa ra, coi đó như một hình thức "bôi nhọ" những giá trị truyền thống như tình mẫu tử, óc tự hào dân tộc, v.v...
Kẻ ngoại vi, ngoại đạo có thể cảm thấy ở những hình ảnh bạo liệt này, những gáo nước lạnh, những giọt cường toan nhỏ vào lương tâm chính mình -nếu mình có một lương tâm- khiến mình ghê tởm cái đống rác ích kỷ nhầy nhụa trong huyết quản, và cảm thấy cần phải chia sẻ cái nhìn dịu hiền của người mẹ, lời ru ầu ơ của người cha, và hào quang chiến thắng "của mình", cho những kẻ không bao giờ được hưởng những tiếng ru, không được ngậm hào quang chiến thắng.
* Trong ba giải thưởng điện ảnh hàng năm của thế giới -Oscar, Cannes và Venise- Oscar và Cannes dựa trên những tiêu đề khác. Duy chỉ có Venise lấy nghệ thuật và tư tưởng làm chủ đích: Ống kính Trần Anh Hùng đã đào bới những
tiếng ru trong xã hội Việt Nam để "quay"
địa ngục nhân loại.
Paris 27-09-1995
--------------
Chú thích:
Cyclo, phim của Trần Anh Hùng, giải thưởng Sư tử vàng (Lion d or) điện ảnh Venise 1995.
1 Tác phẩm đầu tay.