Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Sóng từ trường

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16060 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sóng từ trường
Thụy Khuê

Mã quan trong hội họa Lê Bá Ðảng
Ngựa và người trong tiếng Việt, vô tình hay hữu ý, có cách phát âm gần giống nhau. Những âm hao tương đương ấy, chiếu vào sáng tác của Lê Bá Ðảng, trở thành một mã quan nghệ thuật độc đáo.
     Ðối với Lê Bá Ðảng, ngựa là một nhân vật. Ðây không phải là điều mới. Từ thời cổ Hy La, ngựa đã là người, đã có những con centaure ngựa-người (ngựa đầu người). Ngựa còn biểu dương cường lực, sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, ngựa mang ấn tượng ra đi, tự do vùng vẫy, ngựa là biểu tượng của chinh nhân, chinh phục, của dục vọng, chiến tranh, tính dục... trong con người.
     Nhưng người luôn luôn coi ngựa như loài súc vật, tuy khôn ngoan, thông minh, nhưng vẫn là thú.
     Với Lê Bá Ðảng, ngựa thực thụ là người, thế giới ngựa của ông là thế giới tự do, quần tụ những vũ bão, mơn trớn, phong ba, dục tình và tha thiết, là thế giới của chinh phục. Ở ông, ngựa chinh phục người.
     Thế giới ngựa Lê Bá Ðảng là thế giới bất kham, hỗn tạp giữa ảo và thực. Tất cả những biến chuyển tâm linh và hình thức của con người hiện hình trong chân dung ngựa.
     Với ngựa, nét bút của ông linh động, vùng vẫy, dường như cái mà họa sĩ muốn bộc lộ trong tranh là cái "nhân tính" nơi con ngựa. Ông đạt. Ngựa của ông có sức quyến rũ mê hoặc của những nhân vật ảo huyền, kỳ bí.
     Khi đã bắt được vùng nội tại thâm trầm và u uẩn chung giữa người và thú, người nghệ sĩ có thể "giải mã" được những khó khăn ngăn cách giữa vật và nhân.
     Ngựa hóa thân thành họa sĩ: "Chị Mã" trong một truyện ngắn của Lê Bá Ðảng. Sức sáng tạo của "Chị Mã" cũng ảo huyền, huyễn mộng và sinh động như trần thế con người.
     Nếu so sánh thế giới ngựa của Lê Bá Ðảng với thế giới "kịch người" của ông, người xem không khỏi ví thú tính nơi con người với nhân tính nơi con vật. Dường như chính ngọn bút của các "Chị Mã" đã vẽ nên những sinh vật li ti, hoạt náo, triền miên, trong vòng: ăn, ngủ, đụ, ị, đi, đứng, đánh, đấm, khóc cười, gian manh, đạo đức, tội ác và nhân ái... cuồng quay trong địa ngục trầm luân, hay thiên đường tục lụy được gọi là thế giới loài người.
     Sự lựa chọn hài hòa người-ngựa, dường như không phải vô tình mà vô hình định trước: Bằng âm thanh gần gụi ngựa-người, bằng sự uyển chuyển thân thể giống nhau, trong tác hợp nòi tình, bằng động tác thiên di, bằng lòng yêu tự do, bằng mãnh lực quật khởi... Ở Lê Bá Ðảng, có sự nhập thần giữa người và ngựa, có sự phân thân giữa người và ngựa, và người xem tranh không phân biệt được chính người vẽ ngựa hay ngựa vẽ người.
     Họa sĩ đã xóa nhòa biên giới giữa nhânvật để tác thành một thế giới "tạo vật huyền đồng" trong nghĩa Lão Trang.
     Ông tạo thế giới ngựa bằng những dessin cực kỳ giàu có về nét, uyển chuyển và có ma lực, mã lực và hỏa lực biến những quang cảnh thông thường trở nên ngoạn mục và mộng tưởng.
     Ngựa của Lê Bá Ðảng không chỉ là những sinh vật hình thức mà tự chúng thoát ra đời sống tâm linh trong ánh mắt, trong nụ cười, trong mọi tác động thể xác và thú tính: Ngựa buồn, ngựa vui, ngựa trầm ngâm, ngựa đắng cay, đau khổ, ngựa lồng, ngựa phóng, ngựa đá, ngựa ăn, ngựa ngủ, ngựa dằn dữ, phong ba, ngựa yêu, ngựa ghét, ngựa nằm, ngựa đứng, ngựa ngồi... Tất cả những tư thế, những ngậm ngùi của ngựa đều được khai triển, trong những chiều kích khác nhau, bằng những chất liệu khác nhau. Mỗi khi có một nồng độ nào đó dâng lên trong huyết quản của người nghệ sĩ, thì lại có... Ngựa, và có thể nói mỗi con ngựa là sự giao thoa giữa một cảm xúc bất kỳ, với một làn sóng không tên dấy lên từ trực giác sáng tạo, cái mà Francis Bacon gọi là "accident", tôi xin gọi là "tia chớp" lóe lên từ một cõi không, biến không thành có, biến ngựa thành người.
Yên Cơ, tháng 1-1997

<< Tầng Trệt Thiên Ðường | Lê Bá Ðảng, kịch người >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 713

Return to top