Nỗi Buồn Chiến Tranh hay
Thân Phận Tình Yêu, hai tựa đề, một tác phẩm. Dường như tác giả đã lưỡng lự lâu lắm giữa
Nỗi Buồn Chiến Tranh(1) và
Thân Phận Tình Yêu. Sau cùng, tuy lựa
Nỗi Buồn Chiến Tranh nhưng vẫn lưu lại
Thân Phận Tình Yêu nơi bìa sau. Một sự phân vân dễ hiểu và hợp lý, vì
trong nỗi buồn chiến tranh nổi trôi thân phận tình yêu. Vả qua bao gian nan, khốc liệt,
tình yêu vẫn sống, vẫn tiếp tục là nguồn sống trước chiến tranh, trong chiến tranh và ngoài chiến tranh. Trong khi
chiến tranh đã kết thúc, đã chết mà tàn tích - tức nỗi buồn - vẫn còn tiếp tục hủy diệt tâm hồn và thể xác con người.
* Nỗi Buồn Chiến Tranh viết về cuộc đời một chiến binh với những hồi khứ đứt đoạn hay liên tục, là ánh hồi quang chiếu xuống những đoản đời. Là khúc thương ca, tâm ca, tình ca thơ mộng, tuyệt diệu và tuyệt vọng, hãi hùng và bi thảm; quyến luyện thực tại và ảo giác, cuộc sống và cõi chết, quá khứ và vị lai. Trong những tiểu thuyết viết về cuộc chiến 20 năm, phát xuất từ những nhân chứng phía Nam hay phía Bắc, đây là tác phẩm xâu sa, đớn đau, tàn khốc, bi quan và cũng lạc quan hơn cả.
Truyện viết về đời Kiên, người bộ đội thuộc cánh quân trinh sát, trong mười năm chiến tranh và mười năm hòa bình. Kiên xuất thân từ một gia đình trí thức tiểu tư sản miền Bắc. Cha là họa sĩ, một họa sĩ phạm "tội đồ", bị chối bỏ, người ta phê phán tranh ông thể hiện những chân dung ma quỷ. Người họa sĩ đó, lạc loài giữa xã hội
người, đành hội nhập vào xã hội
không người, xã hội yêu ma "siêu thực" của những nhân vật bi thảm trong tranh, đắm chìm trong thế giới ảo giác và sau cùng, đã tiêu hủy toàn bộ sáng tác trước khi từ giã cõi đời, để được cùng những đứa con tinh thần của mình bước sang cõi khác.
Mẹ Kiên, một đảng viên, bỏ cha từ lúc Kiên còn nhỏ. Những kỷ niệm về mẹ rất mơ hồ, trừ vài lời mẹ dặn:
"Bây giờ con đã là đội viên thiếu niên, nay mai là vào đoàn [...] nên cứng rắn dần lên con ạ." (trang 135)
Kiên biết rất ít về người chồng sau của mẹ, một nhà thơ tiền chiến về già. Ông có những quan niệm độc đáo về cuộc đời, người cha dượng ấy đã từng khuyên Kiên:
"Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ [...], mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy." (trang 61)
Kiên là sự hòa hợp hoàn hảo giữa mẹ và cha: xung phong đi bộ đội ở tuổi mười bảy, khăng khăng chiến đấu, bỏ lại người yêu,
cứng rắn theo nghĩa mẹ. Và Kiên đã xả thân làm người hùng, tiêu phí cuộc đời trong nghĩa vụ, trong tàn sát, trong chiến thắng, trong sống sót trở về; để rồi không bao giờ thoát khỏi nỗi cô đơn, lạc loài, yếu đuối, ra khỏi
nỗi buồn của cha, nỗi buồn gia truyền, nỗi buồn truyền kiếp mà cha đã lưu lại cho anh như một báu vật, như một tài sản duy nhất trước khi ông mất.
Kiên hành động nhưng không mấy khi chủ động: trong tình yêu, chủ động là Phương. Trên chiến trường, chủ động là bạo lực. Kiên bị lôi vào dòng cuồng lưu của cuộc đời, Kiên đi chiến đấu như một người mụ mẫm trí óc được các "hào quang" dẫn đường, rồi cố gắng vượt qua những cửa tử, nhờ Phương chỉ lối. Kiên tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên lớn lên, ngoan ngoãn tuân theo chỉ thị, theo "tiếng gọi non sông", không đặt vấn đề, không có vấn đề, không đòi hỏi vấn đề.
* Phương, người Kiên yêu trọn kiếp, vai phụ mà có chỗ đứng chính trong truyện. Phương xuất hiện không nhiều nhưng thao túng đời Kiên, thao túng mãnh liệt hơn chiến tranh. Từ những ngày thơ ấu, Kiên đã yêu Phương với mối tình thứ nhất. Xa Phương trong mười năm chiến tranh. Khi hòa bình trở lại: gặp Phương một thời rồi vĩnh viễn xa Phương. Trong gặp và xa: Kiên yêu Phương với mối tình thứ nhì.
Phương là một hiện tượng kỳ ảo: chinh phục con người bằng tình yêu và sống bằng tình yêu. Phương là biểu tượng của tự do, thiết tha, duy cảm, sống hết mình, phung phí sinh lực, rộng chi cảm giác. Phương miệt mài yêu đương, đau thương và nhục cảm. Từ tuổi mười ba, Phương đã tìm hạnh phúc trong tự do tuyệt đối, tự giải phóng mình khỏi mọi thành kiến, mọi lo âu, mọi ràng buộc, mọi quy luật của xã hội loài người. Là
kệ, là
mặc kệ. Do đó, phần hồn Phương gần gũi với cha Kiên, Phương nghệ sĩ, Phương mang ảo giác của cuộc đời.
Trong sáng tạo, cha Kiên đã hoài thai khai nhụy -cũng trong tự do tuyệt đối- những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng những đứa con đó sớm bị hành quyết. Tuy cha Kiên không tham dự cuộc chiến giết người, nhưng những đứa con tinh thần của ông cũng bị sự
ngu muội càn quét, hủy diệt. Phương là người duy nhất hiểu được
nỗi buồn chiến tranh của cha Kiên. Và họ yêu nhau, mối tình ngang trái hiện hữu nhưng không thể hiện hình trong cõi đời thường mà đi vào cõi mộng.
Cha Kiên mất đi, bao nhiêu tình yêu còn lại Phương dồn ép, lồng ấp cho Kiên. Trong những giây phút khắt khe nhất của định mệnh, Phương sẵn sàng liều lĩnh đem sinh mệnh mình để đổi trao lấy một vài khắc giây cuồng điên hạnh phúc với người yêu. Vẫn
kệ, vẫn mặc kệ đời, kệ,
mặc kệ đạn bom và khói lửa. Nhưng thảm cảnh đêm chia ly cùng với những hẹp hòi u muội của Kiên sau đó đã gạt Phương ra khỏi quỹ đạo đời Kiên. Từ đấy, Phương đem tình yêu của mình chia chác cho những kẻ may mắn khác. Trong lối sống buông thả và phóng đãng, Phương hủy diệt đời mình, tự hủy để được nẩy sinh:
Phương là sự vĩnh cửu duy nhất còn sót lại, sau chiến tranh.
* Ngoài tình yêu,
Nỗi Buồn Chiến Tranh còn là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và chống chiến tranh. Nhận diện chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được những gì
về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính? Những
xa xỉ phẩm ấy, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể:
"Miễn là không ngỏm trong mùa khô." (trang 21). Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh:
"Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người." (trang 32)
Còn hòa bình, hòa bình là gì? Dưới ngòi bút của Bảo Ninh, hòa bình cũng không vinh dự lắm:
" - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất." (trang 44)
Nguyên Ngọc kể lại:
"Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?"(2)
Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy chỉ đem lại một thực tại như thế này? Câu hỏi kinh hoàng về bản chất chiến tranh và cuộc đời, khó giải đáp cho thế hệ Bảo Ninh và cả những thế hệ không có Bảo Ninh, không còn Bảo Ninh. Tiên tri của nhận thức, Phương đã có những hoài nghi rất sớm về bản chất cuộc đời:
"Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt, cuộc đời xấu? Tình nguyện đi vào bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao?" (trang150)
Nhưng "Phương lý" sáng suốt ấy, mấy ai chia sẻ? Người ta cuống cuồng xông vào chiến tranh, xông vào lý tưởng, xông vào những
đỉnh cao cuộc đời như những con thiêu thân thèm khát máu đèn, loá mắt, loạn thần vì "cao cả", mà quên đi những nhỏ nhặt, tầm thường, những viên gạch, hòn sỏi, hạt cát âm thầm nhào nên cuộc sống!
Như bao nhiêu người khác, Kiên đã ra đi, đã tiêu tán cuộc đời cho chiến tranh, cho lý tưởng, để rồi trong một phút định thần ngoảnh lại, Kiên
"đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình." (trang 128). Ðộc thoại trên đây nói lên một thực tại rớm máu: những nhỏ nhặt, tầm thường như ăn, ngủ, chơi, vui, buồn, đau, sầu, nhớ... của cuộc sống hàng ngày, một khi đã được những vinh hạnh to lớn như tổ quốc, lý tưởng... giẫm lên, dày xéo lâu lắt mà không thương tiếc thì không còn cách nào hồi sinh được nữa: con người đã tuyệt tự với cuộc đời.
* Chiến tranh đọa đày, chết chóc, thế giới hãi hùng hầu như là độc quyền của đàn ông: đàn ông gây nên chiến tranh và đàn ông hành động. Hành động nhưng không chủ động. Ðàn bà, xuất hiện không nhiều, nhưng nắm vai chủ động: họ là biểu tượng của tha nhân, của tình yêu và độ lượng. Từ Hạnh, người đã cho Kiên những rối loạn cảm giác đầu đời, đến Hòa, người giao liên đã hy sinh trên chiến trường để đồng đội được sống sót, rồi Hiền, người chiến binh tàn tật, đã sống vội vã với Kiên một đêm cuối cùng, dư âm muộn màng của những ngày giã từ cuộc chiến, đến người đàn bà câm, là hầm trú ẩn của Kiên trong những giây phút hoang mang, cô độc nhất của tâm hồn, thời hậu chiến.
Và sau cùng và trên hết là Phương, người đàn bà hữu hình hay vô hình, đã vượt lên những chết chóc, tàn sát, đã tiếp máu, tiếp thở cho Kiên, đã lôi Kiên ra khỏi bàn tay thần chết và đã trói buộc Kiên mãi mãi với tình yêu. Những người phụ nữ đó không
nắm vận mệnh một ai,
họ là vận mệnh, họ là định mệnh.
Kiên tin vào định mệnh. Cuộc đời Kiên và Phương, nếu không có đêm tiễn đưa trước khi Kiên lên đường, nếu Phương không dứt khoát, chủ động đưa Kiên một quãng thì có thể tất cả đã khác: Kiên đã không phải nhúng máu người quá sớm và những dã man của đời lính sau này cũng không thể hiện một cách lạnh lùng và nhẫn tâm đến thế. Từ đêm chia ly định mệnh ấy, Kiên mê lạc trong một lộ trình vạch sẵn, sáng suốt và khiếp đảm của chiến tranh: trong sự vắng mặt của nhân tính, chiến tranh có nghĩa là được phép giết người vì lý tưởng, giết người trong vinh quang, giết người để được vinh dự bảo vệ một cái gì cao cả.
* Một trong những khía cạnh bi quan và lạc quan nhất của
Nỗi Buồn Chiến Tranh là đối lập bản chất tự tôn, anh hùng của người nam với tiềm năng tự tại, nhẫn nhục nơi người nữ, Bảo Ninh đã đạt tới những mâu thuẫn cao độ trong cùng một tác phẩm.
Tình yêu là nguồn của cuộc đời: phụ nữ -qua khả năng yêu đương và sinh nở- gây ra sự sống. Nhưng họ không có khí giới, sức lực để bảo vệ sự sống. Ngược lại, người nam, có khả năng yêu đương nhưng
không có khả năng sinh nở, dùng sức mạnh như một quyền lực tối cao để tận hưởng và phung phí sinh mạng, như để trả đũa cho sự
bất lực của mình trước nghĩa vụ cấu tạo cuộc đời: Ðó là mâu thuẫn sâu xa và bi thảm nhất của con người, trực diện với tình yêu, sự sống và sự chết.
Sự mâu thuẫn này còn xẩy ra trong sáng tạo: Nghệ sĩ và tác phẩm có thể tồn tại được trong một môi trường bảo thủ, lấy khủng bố làm khí giới đương đầu với nghệ thuật, ưa khai tử cái mới, thích hành quyết cái lạ, không ưng thám hiểm những vùng chưa biết mà chỉ thèm thuồng nhai lại những ợ chua trong thực quản của chính mình, ròng rã hơn nửa thế kỷ rồi mà chưa thấy chán?
* Nỗi Buồn Chiến Tranh hay
Thân Phận Tình Yêu còn đối chất tình yêu với chiến tranh, hai kỳ phùng địch thủ:
- Một bên thiêng liêng, tha thiết, bắt nguồn cho sự sống.
- Một bên hung tàn, vô độ và hủy diệt sự sống.
Trong cuộc tranh đấu không ngừng giữa hai phạm trù đối lập ấy: Chiến tranh với sức công phá mãnh liệt, đã tàn sát và hủy diệt tất cả: từ cỏ cây, hoa lá, xác người và đến cả hồn người. Nhưng
chiến tranh không tiêu diệt được tình yêu: thái độ lạc quan đến tuyệt diệu ấy của tác phẩm, mấy ai đạt được?
Tết Nhâm Thân, 1992.
Chú thích (1) Bài này được viết vào dịp tết Nhâm Thân 1992, tôi chưa biết gì về Bảo Ninh. Sau này, được biết,
Nỗi Buồn Chiến Tranh viết xong năm 89. Hội Nhà Văn in thành sách tháng 12-1990, với tựa
Thân Phận Tình Yêu, do nhà xuất bản "đề nghị", nhiều đoạn bị cắt bỏ.
Thân Phận Tình Yêu là một trong ba tác phẩm được giải văn xuôi vào tháng 9 năm 1991. Ít lâu sau, tác phẩm được tái bản và lấy lại tên cũ là
Nỗi Buồn Chiến Tranh.
(2) Trích bài
Trường Viết Văn Nguyễn Du, Một Sự Nghiệp Ðáng Say Mê, Nguyên Ngọc, báo Văn Nghệ, số 47, ra ngày 25-11-1989.