Chiếc Super Constellotion với trọng tải sáu mươi tám tấn vút qua bầu trời của Cuba. Bên cười màu xanh của những cánh rừng lẫn vào vùng đồi núi nâu xen kẽ nhau như bàn cờ. Chỉ còn hơn trăm dặm nữa là đến Jamaica. Kìa bên dưới ấy, hòn đảo nhô lên như con rùa khổng lồ màu xanh ẩn hiện trong đường chân trời. Từ màu xanh thẫm ở vùng biển sâu của Cuba, nước biển nhạt dần về phía ven biển Jamaica. Rồi chiếc Constellation bắt đầu tiếp cận bờ Bắc. Đây đó rãi rác những khách sạn năm sao, rặng núi vươn cao, những ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo bên sườn đồi, cánh rừng già um tùm. Ánh trời chiều lấp lánh trên mặt nước những con sông uốn khúc. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ quá. Xaymaca, những thổ dân Arawark gọi nó như thế: Hòn đảo của những ngọn đồi và dòng sông.
Lòng James rạo rực. Bóng tối nhuốm màu tím thẫm che phủ một bên sườn núi. Ngay dưới chân đồi, trên những con đường của cảng Kingston, ánh đèn đã lấp lánh. Xa hơn một chút, phần đất nhô ra của hải cảng và sân bay vẫn chìm trong ánh nắng. Ngọn hải đăng của cảng Royal mờ nhạt, khép nép. Rồi chiếc Constellation chúi mũi xuống, lượn một vòng lớn ra khỏi cảng. Bánh xe trượt kêu kèn kẹt. Hệ thống thắng hơi rít lên xì xì. Lượn đảo chầm chậm, chiếc máy bay trở mình vào đảo. Xuyên qua của sổ, nắng chiều làm cabin rực sáng. Từng chút từng chút một, hạ thấp xuống dãy núi Blue rổi nó lướt trên đường băng. Hệ thống dây điện thoại mắc loạn xà ngầu rên đường làm đám phi công rối cả mắt. Chẳng bao lâu, nó cũng đáp xuống an toàn trên khoảng sân bay thấp lè tè.
Chà, khí hậu nóng ẩm của miền nhiệt đới lướt qua mặt khi James rời máy bay đi về phía phòng Hải quan và Di trú. Mồ hôi bắt đầu tuôn thành giọt trên trán. Cài áo dường như dính vào da thịt. Chừng bước ra khỏi hai cái phòng quỷ quái kia, chắc người mình ướt nhẹp. Đành chịu chứ sao. So với rét buồt, bão tố ở London, Jamaica còn dễ chịu hơn nhiều.
Chìa cuốn hộ chiếu có ghi nghề nghiệp: Doanh nhân cho tên nhân viên da đen của Phòng Di trú, mặt James cứ tỉnh bơ.
- Thưa ngài, công ty nào?
- Công ty xuất nhập khẩu Universal.
- Ngài đi làm ăn hay nghỉ mát?
- Nghỉ mát.
- Chúc ngài một kỳ nghỉ vui vẻ.
Gã nhân viên Sở Di trú trao hộ chiếu lại cho anh chàng vẻ lãnh đạm.
- Cám ơn ông.
James đi về phía phòng Hải quan. Ngay lập tức, anh chàng nhận ra một gã cao to, nước da nâu bóng đứng sát hàng rào. Vẫn cái áo sơ mi xanh bạc màu cùng chiếc quần kaki năm năm trước James từng gặp.
- QUARREL.
Gã người miền đảo Cayman cười toe toét. Giơ cao cánh tay phải ngang tầm mắt, hắn chào theo cách của người da đỏ:
- Thưa Đại tá, ngài có khoẻ không?
- Rất khoẻ. Chờ tôi lấy túi xách. Anh có xe?
- Vâng, thưa ngài.
Đám nhân viên ở đây ai mà không biết Quarrel. Thấy hắn đang đứng đợi James, tên nhân viên Hải quan chẳng thèm mở túi xách ra xem. Gã quẹt đại vài chử lên hành lý của anh chàng.
Nhặt lấy nó, James bước ra khỏi rào. Quarrel nhanh nhẩu đở lấy rồi chìa tay phải ra chào. Bắt lấy bàn tay đầy vết chai, ấm áp, anh chàng nhìn vào đôi mắt màu xanh đen của gã mang dòng máu của những chiến binh Cromwell:
- Quarrel, anh vẫn vậy. Không có gì thay đổi. Công việc câu rùa như thế nào rồi?
- Cũng tàm tạm thưa ngài.
Ngó vào mặt James, hắn nhận xét:
- Hình như ngài không được khoẻ?
James ngạc nhiên:
- Đúng thế. Chừng vài tuần sau, tôi sẽ khỏi thôi. Làm sao anh biết?
Vẻ mặt Quarrel sượng sùng. Chắc hẳn nghỉ mấy lời vừa rồi làm anh chàng không được vui:
- Xin lỗi ngài. Trên mặt ngài xuất hiện mấy vết nhăn.
- Ồ, có gì đâu. Anh phải chỉ tôi tập luyện trở lại. Rồi anh xem, tôi dư sức bắt cả bầy cá mập.
- Vâng, thưa đại tá.
Khi hai người đi về phía lối ra, bất chợt có tiếng kêu sắc gọn của cái máy ảnh vang lên. Trước mặt James là một cô ả người Hoa kháu khỉnh trong bộ quần áo theo kiểu Jamaica, tay hạ thấp chiếc máy chụp hình Speed Graphic.
Vừa bước tới, ả nở nụ cười xã giao.
- Ồ, cám ơn các ngài. Tôi là phóng viên của tờ Daily Gleaner.
Dò bảng danh sách trong tay, ả làm bộ tỉnh bơ:
- Ông James Bond phải không? Ông lưu lại đây có lâu không?
James sửng sốt. Chả biết con ả này tình cờ hay cố ý? Cả đám hành khách ả không hỏi ai sao nhằm mình mà bắt chuyện? Phải lưu ý chuyện này.
Không khách sáo, anh chàng đáp lại thẳng thừng:
- Quá cảnh. Còn nhiều anh chàng hấp dẫn đẹp trai trong đám khách đằng sau. Cô tha hồ tới đấy làm quen.
- Ồ, không. Tôi cố ý đến đây để gặp ông. Ông rất nổi tiếng kia mà. Ông ở khách sạn nào?
Chà con ả chết tiệt. Nhìn bộ dạng là biết ngay. Kháu thì có kháu thật nhưng trông mặt gian quá. Chận đường làm quen là có dụng ý.
Giọng anh chàng sắc gọn: Myrtle Bank.
Chẳng biết tự trọng là gì, ả người Hoa còn gọi với theo:
- Cám ơn ông. Tôi mong ông sẽ …
Khi hai người đi đến bãi đậu xe, anh ta hỏi Quarrel:
- Trước giờ có gặp ả ở sân bay chưa?
- Hình như chưa, thưa Đại tá. Nhưng bọn Gleaner có nhiều cộng tác viên lắm.
James thầm nghĩ: Sao thấy nghi quá? Chả có lý do gì bọn nhà báo muốn săn hình anh chàng. Chuyến phiêu lưu cuối cùng tại hòn đảo này cũng trôi vào dĩ vãng. 5 năm rồi còn gì. Ngay lúc ấy, cái tên James Bond cũng không được tiết lộ? Sao một con ả ranh con thế này biết được? Ả có phải là phóng viên? Hay chỉ là thủ hạ của một tổ chức nào còn giấu mặt? Dứt khoát phải cảnh giác. Vụ án của Strangsway và Trueblood là một thí dụ điển hình.
Ngay phía trước, một chiếc Sunbeam Alpine màu đen chờ sẵn. Thoáng nhìn vào bảng số, James biết ngay là chiếc xe của Strangsway. Lại một chuyện bất ngờ kế tiếp. Anh chàng liền hỏi ngay Quarrel:
- Sao anh có được chiếc này?
- A.D.C bảo tôi cứ lấy xe đi đón ngài, thưa Đại tá. Đây là chiếc xe duy nhất còn thừa. Có gì không ổn sao, thưa ngài?
- Ồ không. Chỉ hỏi thế thôi. Chiếc xe còn khá tốt đấy. Thôi nào chúng ta đi.
Mở cửa sau, anh chàng bước vào. Đầu óc James cứ suy nghĩ nhưng không lần ra manh mối. Vâng, kinh nghiệm và trực giác cho biết: Không có chuyện gì tự nhiên. Có một tên giấu mặt. Tay chân nó đang theo dõi anh chàng. Nó quan tâm đến nhiệm vụ của 007 tại Jamaica.
Rồi chiếc xe lướt nhanh trên con đường hai bên đầy những bụi xương rồng. Phía xa xa, ánh đèn cảng Kingston sáng rực. Cảnh vật giờ đây với anh chàng trở nên vô nghĩa. Ánh sao trời, chùm đèn sáng lấp lánh nơi bến cảng, tiếng rì rào của lũ dế trong bụi rậm, làn gió mát dịu mang hương nồng của đất chẳng khiến lòng James dịu lại.
Anh chàng thầm trách mình thật đoảng. Môt sai lầm ngay từ lúc khởi đầu. Số là trước khi đến đây, anh chàng gởi một báo cáo đến Chính phủ thông qua Bộ Thuộc địa yêu cầu A.D.C thuê Quarrel ở đảo Cayman một khoảng thời gian với giá 10 bảng một tuần. Một gã thật thà, hết lòng trung thành làm sao anh chàng quên được. Cách đây 5 năm trong chuyến phiêu lưu tìm kho tàng của Morgan, Quarrel quả là người bạn đường lý tưởng. Hắn nắm rõ đường đi nước bước ở Jamaica như lòng bàn tay. Mà cư dân ở đây đều yêu mến hắn. Dứt khoát hắn ta đóng một vai trò quan trọng trong vụ án của Strangsway lần này.
Chưa hết. Anh chàng yêu cầu A.D.C thuê một chiếc xe và dặn Quarrel ra đón anh chàng ở sân bay chở đến khách sạn Blue Hill. Ôi bao nhiêu dự tính trước kia giờ biến thành công cốc. Một sai lầm thực sự nghiêm trọng đến lúc này James mới nhận ra.
Lẽ ra anh chàng nên đón tắc xi về Blue Hill trước rồi mới liên lạc với Quarrel sau. Còn thêm chiếc xe của Strangsway nửa. Tên giấu mặt kia nhìn sơ là biết ngay. Ngồi trên chiếc Sunbeam xuất hiện giữa chốn đông người, ai chẳng đoán được James là người của Cục Phản gián chứ.
Bằng mọi giá phải thay đổi chiếc xe. Còn nửa, vừa bước xuống sân bay gặp ngay con ả phóng viên của tờ Gleaner. Rồi hình ảnh của 007 xuất hiện trên trang bìa. Thế còn gì là điệp vụ?
Ông M và phía Chính phủ cứ khăng khăng vụ Strangsway là một tai tiếng tình ái lăng nhăng. James lại suy nghĩ khác hẳn. Anh chàng đánh mùi được một âm mưu đen tối còn khuất trong vòng bí mật. Nó là ai? Giờ vẫn chưa có một manh mối. Nhưng dứt khoát nó lẩn khuất đâu đây. Không chừng nó đang bám theo chiếc Sunbeam.
Chợt nhớ ra điều gì, anh chàng quay lại nhìn. Khoảng trăm thước đằng sau, lờ mờ hai đốm sáng đèn hiệu của một chiếc xe. Quái, toàn bộ những chiếc xe khác đều bật đèn pha. Chỉ mình nó là không.
- Này Quarrel, cuối đường Palisadoes có một ngã ba. Quẹo trái đi Kingston. Quẹo phải đi Morant. Anh chạy đến đấy rẽ phải nhanh rồi dừng lại, tắt đèn. Còn bây giờ vọt hết ga.
- Vâng, thưa Đại tá!
Giọng của Quarrel xem chừng vui thích lắm. Gạt cần số, hắn đạp mạnh xuống chân ga.
Chiếc Sunbeam phóng như bay trên con đường thẳng tắp. Giờ chiếc xe đến đoạn cong ngay góc của bến cảng và đất liền. Chỉ còn năm trăm thước nửa tới ngã ba. James quay ra phía sau lưng. Không có dấu hiệu của chiếc xe phía sau.
Và đây, bảng hướng dẫn đường hiện ra. Quarrel quẹo thật gắt về phía phải, tấp vào lề rồi tắt hết đèn. Anh chàng ngồi yên chờ đợi.
Ngay lập tức tiếng gầm rú của chiếc xe đáng ngờ vang lên. Đèn pha bật sáng. Đúng rồi, nó đang tìm chiếc Sunbeam. Một lát sau, nó quẹo trái về phía Kingston. Một chiếc tắc xi kiểu Mỹ, trên xe chỉ có tài xế.
Mười phút sau, cả hai người ngồi yên.Chả ai nói với ai câu nào. Bụi đường dường như lắng đọng lại. James bảo với Quarrel quay xe lại theo hướng đi Kingston.
- Tôi nghi nó theo dõi chúng ta. Chỉ có thằng khùng mới lái một chiếc tắc xi từ sân bay về Kingston, đúng không nào? Anh hãy coi chừng nó dọc đường. Biết bị lừa, thế nào nó cũng dừng lại chờ.
- Vâng, thưa ngài - Giọng hắn hí hửng.
Một con người năng động cỡ Quarrel khoái ba cái vụ này lắm. Nhận được điện tín của anh chàng, hắn mừng ra mặt. Với 007 có nghĩa là hành động, là điệp vụ vào sinh ra tử. Tuy hồi hộp nhưng vô cùng hào hứng. Sao chẳng mê cho được.
Rồi chiếc Sunbeam xuôi theo dòng xe cộ đổ về phía Kingston. Nào xe buýt, xe ca, xe ngựa, đàn lừa chở hàng,xe ba bánh. Trong cái đám bát nháo này, làm sao đoán họ có bị theo dõi hay không?
Một lát sau, quẹo phải, Quarrel cho xe hướng theo phía dãy đồi. Cả đống xe đằng sau. Chả biết phải nghi ngờ chiếc nào? Kệ xác nó.
Mười lăm phút nũa, chiếc Sunbeam tới Halfway Tree rồi dọc theo Junction, con đường chính xuyên qua đảo. Vài phút sau, bảng đèn hiệu với dòng chử: Khách Sạn Blue Hill hiện ra trong đám lá xanh của hàng cọ.
Nhiều bụi hoa giấy được cắt tỉa kỹ lưỡng xếp hàng hàng lớp lớp xuôi theo lối vào Blue Hill.
Còn chiếc tắc xi đen kiểu Mỹ giờ ở đâu?
Khoảng trăm thước trên đường phía trước, tên tài xế ra hiệu cho mấy chiếc xe phía sau rồi tấp vào lề trái. Đánh một vòng chử U, gã xuống dốc, rẽ về phía Kingston.
Với dáng dấp một khách sạn kiểu củ, thoáng mát, Blue Hills được bài trí theo phong cách hiện đại. Đám nhân viên đón tiếp James thật cung kính. Hẳn rồi. Khách của Phủ Thống đốc mà. Không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là niềm vinh hạnh. Họ dẫn anh chàng đến một căn phòng rất xinh nằm ngay góc có lan can nhìn về cảng Kingston.
Thay mớ quần áo trên người ướt đẫm mồ hôi, anh chàng bước vội vào nhà tắm. Chà, dòng nước lạnh sao mà dễ chịu. Mọi cảm giác bực bội cùng lớp bụi đường trôi đi đâu mất cả. Sảng khoái, xỏ đại chiếc quần sọc vải Sea Island vào người , anh chàng sắp xếp hành lý. Làn gió nhẹ, ấm áp mơn man lớp da trần thật gợi cảm. Với tay lên cái chuông, anh chàng gọi phục vụ.
Một lát sau, ly rượu gin cỡ to, ly nước khoáng cùng nguyên một trái chanh tươi được mang đến. Vắt hết chanh vào ly rượu pha nước khoáng, anh chàng bước ra lan can. Ngồi xuống cài ghế, James dõi mắt về phong cảnh hùng vĩ phía trước mặt. Giây phút này đây thật tuyệt vời. Cuối cùng rồi cũng thoát được cơn bão tố bao trùm lấy London, Nỗi buốn chán ở tổng hành dinh của Cục, không khí đầy mùi hoá chất tại bệnh viện.
007 lại xuất hiện. Chàng điệp viên huyền thoại đang dấn thân vào một nhiệm vụ sinh tử. Trực giác đã cảnh báo. Vụ án của Strangsway không phải là chuyên đùa. Càng không phải là vụ tình ái lăng nhăng giữa ông sếp đa tình với cô thư ký xinh đẹp. Một điệp vụ bí mật. Một âm mưu thật sự thâm độc. Thủ đoạn vô cùng tinh vi. Tên đầu sỏ vẫn còn núp trong bóng tối. Nó là ai?
Ngồi ưỡn người ra, dòng rượu gin làm anh chàng sảng khoái. Thư giãn. Dễ chịu. James gọi thêm ly nữa rồi uống cạn. Lúc ấy đã 7 giờ 15.
Mười lăm phút nữa, Quarrel đến đón anh chàng đi ăn tối. Lúc còn trên xe, hắn hỏi anh chàng thích đi đâu. Tuỳ hắn, chổ nào cũng được. Nghe thế, vẻ mặt Quarrel bẽn lẽn. Ngần ngừ mãi vài phút, hắn đáp lại:
- Thưa Đại tá, tôi thích nhất một hộp đêm thuỷ tạ Joy Boat ở Kingston. Tại đấy không có màn vũ sexy. Nhưng thức ăn, thức uống, dàn nhạc rất tuyệt. Tay chủ quán lại là thằng bạn chí cốt. Người ta gọi hắn là Pus-Feller vì có lần hắn chiến đấu với con rắn biển khổng lồ.
Nghĩ tới cách nói tiếng Anh bồi của Quarrel, anh chàng chợt mỉm cười. Hắn thường thêm âm h vào chổ nào hắn thích rồi rút mất ở những chổ cần thiết. Tính hắn là thế. Sôi nổi, bộc trực, trung thành, thật dễ mếm. Khác xa mấy thằng cái miệng dẻo quẹo, bụng dạ thâm hiểm khôn lường.
Bước vào phòng ngủ, anh chàng mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, đeo khẩu Walther, thắt chiếc cà vạt len đen rồi khoác bộ vét xanh thẫm, bạc màu theo kiểu miền nhiệt đới. Khoá cửa lại, anh chàng dạo từng bước về phía chiếc xe đang chờ.
Rồi hai người xuôi theo bờ dốc thoai thoải của con đường đầy bụi, quẹo trái dọc bờ cảng. Thấp thoáng vài nhà hàng, hộp đêm hiện ra với tiếng nhạc xập xình. Kế tiếp là dãy nhà nghỉ, các cửa hàng tạp hoá, những lán trại cũ kỹ. Cứ như thế, con đường ngoằn ngoèo dẫn đến một vùng đèn điện sáng trưng phát ra từ một nhà hàng có hình dáng như chiếc tàu chiến của Tây Ban Nha. Bảng hộp đèn lấp lánh với dòng chử: Joy Boat.
Khi xe vào bãi, James bước theo Quarrel vào một khu vườn nhỏ đầy hàng cọ vươn mình trên thảm cỏ xanh. Phía trong cùng là bãi biển sóng gợn lăn tăn. Những chiếc bàn nằm nép dưới gốc cọ cành lá lay động. Ngay giữa nhà hàng là một sàn nhảy vắng tanh. Về một phía, ban tam ca trong bộ áo đỏ chả biết tên gì đang rên rỉ bài: Hãy mang cô ta tới Jamaica. Tiếng trống vỗ ầm ĩ, điếc cả lổ tai. Đám thực khách toàn dân da màu, chiếm gần nửa số bàn. Lẫn trong ấy, vài ba anh chàng thủy thủ người Mỹ hay Anh đang ve vãn mấy con gơ.
Vừa thấy hai người, một gã da đen béo núc ních trong bộ đồ trắng lịch lãm bước tới:
- Xin chào Quarrel. Lâu quá không gặp. Một bàn hai người nhé?
- Này Pus-Feller. Chọn cái bàn xa sàn nhảy một chút.
Pus-Feller mỉm cười.
Rồi gã dẫn hai người xuôi theo bãi biển, đến một bàn ngay dưới cây cọ xa phần còn lại của nhà hàng.
- Uống chút rượu nhé?
James gọi ly gin, nước khoáng và chanh. Còn Quarrel khoái dùng loại bia Red Stripe.
Liếc qua bảng thực đơn, hai người kêu món sò nướng bít tếch tái cùng với rau trộn. Một lát sau thức uống mang tới. Hơi lạnh bốc ra từ ly đá rồi đọng lại thành giọt chảy ròng ròng.
Cách đó vài thước, làn sóng nhấp nhô vỗ vào bờ cát trắng. Băng nhạc ba con mèo, con chó gì đó đang nức nở bài Kitch. Phía trên đầu hai người, đám lá cọ xào xạc qua lại. Rồi tiếng tắc kè tặc lưỡi từ cái xó xỉnh nào làm anh chàng nhớ lại London phủ đầy tuyết trắng.
Quay sang Quarrel, anh chàng thốt lên:
- Tôi thích nơi này.
Vẻ mặt hắn hí hửng lắm:
- Pus-Feller là thằng bạn chí cốt của tôi. Chuyện gì ở Kingston, gã cũng rành sáu câu. Ngài có thể hỏi gã. Gã cũng là người Cayman. Trước đây tôi và gã dùng chung một chiếc xuồng. Rồi một hôm gã lẻn ra đảo Crab Key tới một bờ đá trộm trứng rắn. Rắn biển ở đấy nhiều vô cùng. Nhưng chỉ toàn những loại bé xíu. Đôi khi có những con khổng lồ. Có lẽ chúng đến từ vùng biển sâu của Cuba. Thế là gã đụng nhằm một con hung tợn. Trận chiến quả là không cân sức. Mình mẩy gã te tua. Một bên phổi sém chút phải cắt bỏ. Hoảng sợ, gã bán lại một nửa chiếc thuyền cho tôi rồi dọn đến Kingston. Lúc ấy trước thời gian chiến tranh. Giờ gã thành một ông chủ to, còn tôi vẫn tiếp tục câu cá.
Giọng Quarrel trầm xuống. Dường như hắn suy tư về số mạng. Nghe tới hai chữ Crab Key, anh chàng làm ra vẻ nhớ đến điều gì, liền hỏi:
- Crab Key à? Nó ở đâu vậy?
Nhìn thẳng vào mặt anh chàng, Quarrel có vẻ ngạc nhiên:
- Thưa Đại tá, đó là hòn đảo xúi quẩy. Một tay người Hoa mua nó trong thời gian chiến tranh. Rồi nó thuê người tới đấy đào phân chim. Nó không cho bất cứ ai léo hánh lên đảo. Cũng không cho ai trên đó rời đảo. Người dân chúng tôi tránh xa chổ này.
- Sao vậy?
- Nó cho nhiều tay chân rình rập quanh đó. Chúng có cả súng máy, đài ra đa, máy bay do thám. Mấy thằng bạn của tôi có lần đến đấy rồi mất tiêu. Chả thấy tên nào quay trở lại. Có lẽ chúng bị giết chết. Tên Tàu ấy luôn cho người canh phòng cẩn mật. Tôi không có xạo đâu, thưa ngài. Nghe tới tên Crab Key, tôi sợ hết hồn.
Vẻ mặt James trầm ngâm:
- Ừ, có lẽ thế.
Bồi bàn mang thức ăn đến. Anh chàng gọi thêm thức uống. Trong lúc dùng bữa, James kể cho Quarrel nghe sơ lược vụ án của Strangsway. Hắn chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng hỏi đôi điều gì đấy. Hình như hắn đặc biệt quan tâm đến chuyện lũ chim trên đảo, lời trăn trối của tên giám sát, chiếc máy bay bị rơi. Khi cái đĩa của hắn sạch trơn, Quarrel đưa cạnh bàn tay chùi miệng rồi hắn đốt một điếu thuốc.
Nghiêng người về phía trước một chút, hắn cất giọng nhỏ nhẹ:
- Thưa Đại tá, tôi chẳng màng chim chóc, ruồi nhặn hay ong bướm gì cả. Nếu như đó là đảo Crab Key và ông Strangsway dính líu vào đó, tôi dám cá với ngài một điều: Ông ta và cô gái bị giết. Bọn chúng giết người để giữ bí mật.
Anh chàng nhìn thẳng vào đôi mắt xám mang vẻ chắc chắn:
- Điều gì làm anh cả quyết như thế?
Giơ lòng bàn tay ra, hắn trả lời ngay không do dự:
- Câu trả lời thật đơn giản thưa ngài. Tên Tàu đó không muốn ai quấy rầy hòn đảo. Nó có âm mưu gì tôi không biết. Nhưng nó đã giết chết mấy người bạn của tôi khi họ đến gần đảo. Nó sẽ giết bất cứ ai chõ mũi vào chuyện làm ăn của nó.
- Tại sao vậy?
- Tôi không rõ nguyên nhân. Thế gian lúc nào chả có những tên đồi bại, xấu xa. Giết người bịt miệng, đại loại là như vậy.
Đột nhiên James cảm thấy có ai đó nhìn lén. Không chút chần chừ, anh chàng quay đầu lại.
Ngay chỗ bóng tối gần đó, con ả ban chiều ở sân bay giờ đang có mặt. Cha, ả trông điệu đàng với bộ xường xám đen, trên tay cầm sẵn cái máy ảnh Leica có gắn đèn nháy. Tay còn lại ả xách một túi da. Hình như ả đang thay bóng đèn nháy.
- Ả ban chiều kìa - James nói ngay.
Nhanh như cắt, Quarrel sải mấy bước chân tới ngay chổ ả. Chìa tay ra, giọng hắn nhỏ nhẹ:
Xin chào cô em.
Ả nhoẻn miệng cười khiêu gợi rồi treo sợi dây da của cái Leica vào cổ. Khi ả chìa tay ra bắt lại, Quarrel quay ả một vòng như một điệu van. Ngay lập tức, tay ả bị khoá chặt từ phía sau.
Ngước mắt lên nhìn Quarrel giận dữ, ả cố chịu đau:
- Xin đừng. Ôi, đau quá.
Ánh mắt hắn như mỉm cười chế nhạo. Còn ả, vẻ tức giận phát ra từ đôi mắt đen trên gương mặt trái xoan nhợt nhạt. tỉnh bơ, miệng hắn vẫn ngọt ngào:
- Đại tá muốn cô em đến ngồi uống chút nước.
Vừa dứt lời, hắn đẩy ả về phía bàn. Dùng chân kéo chiếc ghế gần đó, hắn ấn ả ngồi xuống. Tay Quarrel vẫn nắm chặt cổ tay ả từ phía sau. Lưng cả hai cùng thẳng, mắt gườm nhau như muốn ăn tươi nuốt sống. Ngó vào gương mặt kháu khỉnh, bực dọc của ả, James lên tiếng:
- Xin chào. Cô em làm gì ở đây? Muốn kiếm thêm một bức hình nữa à?
- Tôi làm việc cho các hộp đêm. Bức hình của ông vẫn còn đây. Bảo hắn buông tôi ra.
- Cô làm việc cho tờ Gleaner? Tên cô em là gì?
- Tôi sẽ không nói.
Anh chàng nhướng mày về phía Quarrel. Nheo mắt lại, tay của hắn xoay chầm chậm. Ả uốn éo người như con lươn. Hàm răng ả cắn chặt vào môi dưới. Tay Quarrel vẫn tiếp tục xoay ...
AHHHHHH ...
Ả hét lên. Hơi thở ả dồn dập:
- Để tôi nói.
Tay Quarrel nới đôi chút. Ánh mắt cuồng nộ của ả quét vào mặt anh chàng:
- Annabel Chung.
Chả thèm để ý, James bảo Quarrel:
- Anh hảy gọi Pus-Feller.
Dùng bàn tay còn lại, hắn lấy cái nĩa gõ vào thành ly. Ngay lập tức, gã chủ quán bước tới. Ngước lên nhìn gã, anh chàng hỏi:
- Ông từng gặp cô em này chưa?
- Vâng, thưa ngài. Thỉnh thoảng cô ta có đến đây. Cô ta làm phiền à? Hay để tôi đuổi đi.
- Thôi được rồi. Cô ta muốn chụp một bức hình của tôi. Tôi chẳng hiểu nổi. Chụp để làm gì? Kiếm được bao nhiêu tiền. Phiền ông hỏi giùm tờ Gleaner xem có phóng viên ảnh nào tên Annabel Chung? Nếu đúng như thế, chúng tôi sẽ không làm khó dễ.
- Vâng, thưa ngài.
Ba chân bốn cẳng, tên chủ quán chạy một mạch.
Mỉm cười nhìn con ả, James hỏi:
- Sao cô em không nhờ ông ta giải thoát?
Trừng mắt với anh chàng, mặt ả đỏ gay. Làm bộ tỉnh bơ, anh chàng nói tiếp:
- Thành thật xin lỗi. Biện pháp mạnh với cô em xinh đẹp như thế này quả là không phải. Nhưng trước khi tới đây, sếp của tôi ở công ty xuất nhập khẩu tại London có cảnh báo. Kingston lúc này đầy rẫy bọn bất lương. Không thể xem thường. Có lẽ cô em không thuộc loại như thế. Thế tôi nghĩ mãi cũng chẳng hiểu, tại sao cô em quá sốt sắng săn lùng bức ảnh của tôi?
Giọng ả sưng sĩa:
- Đó là nghề nghiệp của tôi.
James hỏi thêm vài câu. Ả chẳng thèm trả lời. Vài phút sau, Pus-Feller xuất hiện:
- Đúng rồi thưa ngài. Annabel Chung. Một phóng viên tự do. Cô ta từng chụp vài tấm có giá trị. Ông cứ yên tâm - Giọng nói của gã ôn tồn.
- Cám ơn ông.
Khi gã quay đi, anh chàng nói với ả:
- Phóng viên tự do à? Nhưng đó chẳng phải là lý do chính đáng. Nào cô em, tại sao thế?
- Không. Đừng hỏi nhiều - Ả vẫn ngoan cố.
- Quarrel, cứ tiếp tục đi.
Tựa lưng vào ghế, đầu anh chàng nhẩm tính. James biết đây là một câu hỏi đáng giá. Từ câu trả lời của ả anh chàng đỡ phải tốn mấy tuần vừa chạy đi chạy lại, vừa suy nghĩ nát óc. Nhưng có chắc moi được điều gì từ con ả cứng đầu này không? Ả chả phải là thứ phóng viên bình thường. Phong cách này, thái độ này, dứt khoát ả quá dạn dày với trò bạo lực.
Vai phải của Quarrel bắt đầu di chuyển thấp xuống. Ả thấp người theo để tránh bớt áp lực. Từ từ, mặt ả xoay thẳng về phía Quarrel. Ngay lập tức, ả phun một bãi nước miếng rõ to vào mắt hắn ta. Nhằm nhò gì thứ vũ khí của con nít. Quarrel toét miệng cười. Tay hắn siết mạnh hơn. Bàn chân ả quờ quạng liên tục bên dưới chiếc ghế.
- Tiểu nả má.
Ả văng tục mấy câu tiếng Hoa. Mồ hôi tươm ra từ trán ả.
Giọng James vẫn ôn tồn:
- Có gì đâu cô em phải khổ sở đến thế. Thẳng thắn nói ra. Giấu giếm mà làm gì. Có nỗi khổ nào sao? Hay có âm mưu gì chăng?
Cứ cái đà này, tay phải ả sẽ bị gãy mất. Quả là con ả lì đòn. Một tay chân được huấn luyện chu đáo của một tổ chức nào đấy. Đến nước này thì rõ mười mươi rồi. Chả cần phải đoán hươu, đoán vượn nữa.
- Đồ chó chết.
Vừa chửi xong, tay trái ả vung lên xáng vào mặt Quarrel.
BỐPPP!
Trời, anh chàng quá hơ hỏng. Chặn bàn tay ả lại, không còn kịp nữa.
Có tia sáng loé lên. Một tiếng nổ sắc gọn.
Vươn người tới trước James chộp nhanh vào cánh tay ả. Máu tuôn ròng ròng trên gò má Quarrel. Mảnh thuỷ tinh và kim loại rơi loảng xoảng trên mặt bàn. Ả đập bóng đèn nháy váo mặt Quarrel. Cũng còn may. Nếu ả giơ tay cao một chút, hắn trở thành tên mắt chột.
Ngay lúc ấy, hắn đưa tay còn lại lên sờ chổ vết thương rồi đưa ngón tay ra gã nhìn. Máu à? Cũng không đến nổi nào, chỉ trúng ngay phần mềm.
Giọng của hắn vẫn trầm tĩnh:
- Nói chuyện tay đôi không ăn thua gì với con ả này đâu. Ngài có muốn tôi bẻ gãy một tay ả không?
- Không cần thiết, Ả chỉ là một đứa sai vặt. Cứ tha cho ả đi.
Anh chàng thầm trách mình. Mạnh tay thế mà chẳng được tích sự gì. Cái tổ chức đằng sau con ả ngoan cố này hẳn là gay lắm. Nếu tiết lộ bí mật, một hình phạt khủng khiếp chờ đợi ả? Mất mạng cũng không chừng.
Vẫn nắm chặt cổ tay phải của ả. Quarrel kéo sát về mình. Dùng tay còn lại mở lòng bàn tay ả ra, hắn nhìn thẳng vào đôi mắt đen hung dữ. Giọng hắn rít lại:
- Này cô em. Em vừa xin anh tí huyết. Được thôi, anh gởi cho em chút kỷ niệm làm quà.
Với ngón tay cái và ngón trỏ, hắn nhéo mạnh vào gò Vệ nữ nhô ra trên lòng bàn tay ả.
Nhéo mạnh ...
Những khớp xương tay Quarrel kêu răng rắc.
Ả vẹo người chịu đựng. Chừng không thấu, ả rống lên:
AHHHHH ...
Tay trái ả tát lia lịa vào mặt hắn. Nhằm nhò gì, giống như phủi bụi.Toét miệng cười, tay hắn nhéo mạnh.
Ả sụp xuống tuyệt vọng. Đột nhiên, hắn thả tay ra. Ả té nhào xuống cát.
Bò lăn dưới đất một vòng, ả đứng lên, đưa bàn tay tím bầm vào miệng mút. Vài phút sau chừng như bớt đau, miệng ả bắt đầu tru tréo:
- Nhớ nghe con, tên khốn kiếp. Sếp tao sẽ giết chết mày.
Vừa dứt lời, ả vọt ngay.
Quarrel nhoẻn miệng cười. Lấy từng chiếc khăn ăn, hắn đưa lên má chùi máu rồi liệng xuống đất.
- Vết bầm trên tay ả cũng cỡ như vết thương của tôi. Không dễ gì mất dấu đâu. Một con cọp cái đúng nghĩa. Loại phụ nữ thế này, ngài có thích không?
- Không. Lần đầu tiên tôi mới gặp một ả như vậy.
- Ngài có điều gì bận tâm? Tôi sẽ theo dõi nó.
Hắn cố dò xét nét mặt của anh chàng. Ngay lúc ấy, băng nhạc chuyển sang bài: Đừng chạm vào người tôi.
Giọng James từ tốn:
- Đã đến lúc anh phải có một gia đình. Cứ mặc xác con ả. Nếu không anh sẽ lãnh một dao vào bụng đấy. Thôi nào, tính tiền xong chúng ta đi về. Sáng nay lúc 3 giờ ở London, tôi đã dậy rồi. Tôi cảm thấy buồn ngủ quá. Anh phải huấn luyện cho tôi, nhớ không? Tôi cần có thêm chút cơ bắp mới được. Vả lại, phải để vết thương trên mặt lành lại. Ả hun anh một cái quá mạng.
Quarrel bật cười ồ:
- Con cọp cái xổng chuồng. Vừa nói xong, hắn gõ cây nĩa vào ly.
Leng keng ... Leng keng ... Leng keng ...